• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Trang VĂN Tú_Yên

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Trang VĂN Tú_Yên







    Lời Ngỏ


    Vũ trụ mênh mông
    Bầu trời cao rộng
    Kiếp con người d
    ường chỉ như là một dấu chấm nhỏ nhoi

    Thời gian - với ngày tháng năm...lần lựa cứ trôi
    Đêm đến
    Ngày đi
    ...luân hồi không ngơi nghĩ

    Sống đến trăm năm trải hết lòng ra chẳng hề vị kỷ
    Để đón nhận được gì ngoài những nỗi suy tư.

    Có rất nhiều điều chúng ta thấy chỉ hình như...
    Hình như thế...

    rồi nhọc nhằn trăn trở !?

    ...

    Cuộc sống bon chen - dẫu có lạc loài, bỡ ngỡ
    Hãy vững niềm tin dù bao gian khổ vây quanh.


    Mây trên trời
    Có khi trắng...khi xanh

    Gió vẫn thổi giữa ngàn xa lồng lộng

    Tôi vẫn mơ - vẫn chờ - vẫn ngóng...
    Đem hết ngôn từ trải rộng chốn trần gian.

    Ngày qua ngày tâm trí mãi lang thang
    Gom câu_chữ với muôn vàn ý nghĩa...


    Chiu chắt, nâng niu những điều thấm thía
    Tôi lại bên đời...viết mãi - để chia nhau...

    Tú_Yên
    (09-12-2011)
    Đã chỉnh sửa bởi Tú_Yên; 08-09-2015, 04:07 AM.



    https://tuyen10468.wordpress.com/
    http://www.chutluulai.net/forums/showthread.php?t=15585
    http://www.chutluulai.net/forums/showthread.php?t=15208
    Similar Threads
  • #2

    Mạn đàm Triết học Đông Phương


    Mạn đàm Triết học Đông Phương







    Chữ NHÂN

    Trong Nho Giáo của Khổng Tử



    Nếu xét về những khác biệt giữa con người đương đại với con người thời sơ khai. Bỏ qua cái dáng vẻ thanh tú, mỹ lệ hơn về hình hài sau khi trải qua những tiến trình văn minh của xã hội. Có lẽ muôn đời vẫn còn nguyên câu hỏi: Con người, thực chất là ai ?

    - Trần Tử Ngang (651-702), thi nhân đời Đường đã từng ngậm ngùi:

    "Nhìn phía trước người xưa vắng vẻ,
    Ngoảnh về sau quạnh quẽ người sau.
    Ngẫm hay trời đất dài lâu,
    Mình ta rơi giọt lệ sầu chứa chan."

    - Hoặc như Nguyễn Gia Thiều (1741-1798), cũng ngao ngán, chua xót mà cảm thán rằng:

    "Tuồng ảo hóa đã bày ra đấy,
    Kiếp phù sinh trông thấy mà đau.
    Trăm năm còn có gì đâu,
    Chẳng qua một nắm cỏ khâu xanh rì."

    Nếu như vậy thì hoá ra kiếp người vô nghĩa lắm sao ?

    Theo Khổng Tử:
    Con người, cơ bản là loài vật thượng đẳng biết tư duy, mà Đông Phương mệnh danh là "linh ư vạn vật", đã trải qua các quá trình tiến hoá để dần dần trở thành con người tinh khôn (homo sapiens) vào thời kỳ Đệ Tứ Nguyên Đại. Vì vậy trong cuộc sống cộng sinh, con người đã biết thích ứng với nhau, biết chế ngự bản năng man rợ của loài cầm thú để trở nên văn minh và có tính xã hội hơn.

    Vậy thì "cuộc tiến hoá" ấy có định hướng chăng ?

    - 2500 năm trước - Khổng Tử, người được mệnh danh là Vạn Thế Sư Biểu 萬世師表 (khuôn mẫu cho vạn đời sau bắt chước), đã từng quan niệm: Trong xã hội, có những hạng người sống thuần bằng bản năng như loài cầm thú: Đó là những người phàm phu tục tử, là những kẻ hạ cấp xét về phương tiện đạo đức phẩm cách. Những kẻ này, theo Nho giáo, đều gọi là tiểu nhân 小人 dù rằng kẻ ấy có chiếm giữ địa vị cao và giàu có trong xã hội chăng nữa.

    Nếu tiểu nhân là người thô lậu, sống thuần vào bản năng xấu xa, thì ngược lại, quân tử 君子 là người tiến hóa, biết khắc phục bản thân, hiểu mệnh trời, hiểu đạo lý và biết định mệnh con người là gì.

    Những đặc tính của kẻ tiểu nhân thì tương phản rõ rệt với những đặc tính của người quân tử. Nhưng tiểu nhân và quân tử không phải là hai mặt đối lập nhau, không phải là hai cực đoan, mà quân tử là giai đoạn tiến hóa của tiểu nhân. Không có tiểu nhân, thì không có quân tử.

    Sở dĩ quân tử và tiểu nhân có sự tương đồng ấy là do họ đều có cái "Thiên Tính" trong người.
    Cái tính ấy trọn sáng trọn lành, nó hướng đạo con ngưòi làm điều thiện, điều phải. Con người vì bị vật dục che khuất lương tri nên mới có phân biệt kẻ ác người thiện.

    Nho gia từng nói "Người ta ai cũng giống nhau vì có bản tính lành, nhưng do tập nhiễm thói xấu nên họ mới khác xa nhau"

    Cũng chính phát sinh từ ý tính nầy mà tự ngàn xưa đã có câu "Nhân chi sơ, tính bổn thiện" (sẽ mạn đàm sau). Còn Mạnh Tử thì bảo "Cái chỗ con người khác với cầm thú thật không xa mấy. Kẻ tiểu nhân thì bỏ mất sự sai biệt ấy, còn người quân tử thì biết bảo tồn nó".

    Rõ ràng, giữa con người và cầm thú phải có sự phân định khu biệt:
    - Tiểu nhân đã bỏ qua, không để ý đến sự sai biệt ấy, cho nên vẫn còn đồng hóa mình với cầm thú, và cư xử theo bản năng thấp hèn. Họ thường chú trọng vào "Lợi", kiêu căng hợm hĩnh, chỉ lo trau chuốt bề ngoài, trọng hư danh, thích a dua bè đảng nên luôn tạo mối bất hoà khi chung đụng với mọi người. Tiểu nhân thường dùng lời lẽ ngọt ngào nhưng xảo trá để mong dối gạt người. Họ sợ người khác phê phán nên phải tạo cái vỏ bọc tốt đẹp hầu che đậy lòng dạ xấu xa, chỉ mong gieo điều ác cho người khác

    - Người quân tử thì biết bảo tồn cũng như nhận thức rõ sự sai biệt ấy, nên đã vượt lên trên và khắc phục bản năng cầm thú. Họ chỉ chú trọng vào "Nghĩa", hiểu giá trị đích thực của mình (dù ai không biết, không hiểu mình cũng không sao) nên chỉ tự trông cậy vào chính bản thân. Người quân tử lòng dạ thư thái, không kiêu mạn, luôn giữ hoà khí trong cộng đồng, thích làm điều tốt đẹp cho người chung quanh.

    Chẳng hạn, trong bản năng ăn uống: kẻ tiểu nhân vì đói và khát có thể làm hại tâm (đói ăn vụng, túng làm càn), nhưng người quân tử thà đói khát chứ không làm điều sai quấy.

    Vậy "Nhân" trong học thuyết của Khổng Tử có ý nghĩa như thế nào ? Đã giữ được vai trò gì trong đời sống xã hội trước và sau thời kỳ phong kiến ở Đông Phương ?

    Khái niệm "Nhân" trong học thuyết của Khổng Tử được đề cập ở rất nhiều tác phẩm, nhưng ở đây chúng ta chỉ đề cập tới nội dung của khái niệm này trong Luận ngữ (là tác phẩm ghi lại lời bàn luận giữa Khổng Tử và các học trò của ông).

    "Nhân" trong Luận ngữ của Khổng Tử

    "Nhân" trong Luận ngữ của Khổng Tử là một trong những khái niệm nhận được nhiều ý kiến đánh giá khác nhau nhất.

    Nho giáo được ra đời cách đây 2.500, vào thế kỷ VI trước Công nguyên do Khổng Tử (551-479) sáng lập.

    Sự hình thành và phát triền với nội dung sâu sắc, tính chất và vai trò lich sử của Nho giáo luôn là đề tài hấp dẫn đối với giới nghiên cứu lý luận. Qua mỗi bước tiến mới của xã hội thì Nho giáo không ngừng được đề cập, xem xét và đánh giá lại một cách đầy đủ và đúng đắn hơn. Do đó, qua kiểm chứng của thời gian thì giá trị về mặt lý luận và thực tiển của Nho giáo là điều mà chúng ta cần phải quan tâm.

    Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê, tác phẩm này do nhiều người ghi và ra đời sớm nhất cũng là sau khi Khổng Tử đã mất chừng bảy hoặc tám mươi năm.

    Theo nghĩa sâu rộng nhất: "Nhân" là một nguyên tắc đạo đức, có quan hệ chặt chẽ với các phạm trù đạo đức khác trong triết học Khổng Tử, quy định bản tính con người thông qua "Lễ", "Nghĩa", quy định quan hệ giữa người và người (từ trong gia tộc đến ngoài xã hội).

    "Nhân" đã làm nên một hệ thống triết lý nhất quán, chặt chẽ. Do vậy, đã có người cho rằng, nếu coi các phạm trù đạo đức trong triết học Khổng Tử như những vòng tròn đồng tâm, thì "Nhân" là tâm điểm, bởi nó đã chỉ ra cái bản chất tốt đẹp nhất trong bản tính con người.
    "Nhân" cũng có thể hiểu là "trung thứ", tức là đạo đối với người, nhưng cũng là đạo đối với mình nữa.

    Theo sự giải thích trong thiên "Nhan Uyên", thì "Nhân" có tính chất bao quát hơn cả.
    Trong quan niệm của Khổng Tử: "Nhân" là "yêu người" (Luận ngữ - Nhan Uyên, 21), nhưng đồng thời người nhân cũng còn phải biết "ghét người".

    Khổng Tử nói: "Duy có bậc nhân mới thương người và ghét người một cách chính đáng mà thôi" (Luận ngữ - Lý nhân, 3). Như vậy chỉ người có "đức nhân" mới biết "yêu người" và "ghét người".

    Thực ra, khái niệm "Nhân" (người) mà Khổng Tử dùng ở đây là để đối lại với "cầm thú". Do đó, đi liền với "Nhân" là các khái niệm: "thiện nhân", "đại nhân", "thành nhân", "nhân nhân", "thánh nhân", "tiểu nhân"...Các khái niệm này nhằm chỉ những con người có tính cách khác nhau, trình độ đạo đức khác nhau.
    "Thánh nhân" là người có đạo đức cao siêu, "tiểu nhân" là người có tính cách thấp hèn.

    "Nhân" ở đây là chỉ con người nói chung và "ái nhân" là yêu người (yêu bất cứ người nào, không phân biệt giai cấp, địa vị xã hội của họ).

    Coi "Nhân" là "yêu người" nên trong Luận ngữ, Khổng Tử đã dành không ít lời để nói về đạo làm người.

    - Sửa mình theo lễ là nhân. Ngày nào cũng khắc kỷ phục lễ, sẽ khiến mọi người trong thiên hạ tự nhiên cảm hoá mà theo về đức nhân. Vậy nhân là do mình, chớ không phải do người (Luận ngữ, Nhan Uyên, 1).

    - Những cái gì mà mình không muốn, thì đừng đem thi hành cho người khác - đó là đức hạnh của "người nhân" (Luận ngữ, Nhan Uyên, 2).

    - Khi ở nhà thì giữ diện mạo cho khiêm cung, khi làm việc thì thi hành một cách kính cẩn, khi giao thiệp với người thì giữ đức trung thành, như vậy là người có "đức nhân" (Luận ngữ, Tử Lộ, 19).

    Người nhân trong quan niệm của Khổng Tử còn là người phải làm cho năm điều đức hạnh được phổ cập trong thiên hạ: đó là: cung, khoan, tín, mẫn, huệ.
    Ông nói: "Nếu mình nghiêm trang cung kính thì chẳng ai dám khinh mình. Nếu mình có lòng rộng lượng thì thu phục được lòng người. Nếu mình có đức tín thật thì người ta tin cậy mình. Nếu mình cần mẫn, siêng năng thì làm được công việc hữu ích. Nếu mình thi ân, bố đức, gia huệ thì mình sai khiến được người" (Luận ngữ, Dương Hoá, 6).

    Không chỉ thế, người nhân, theo Khổng Tử, còn là người mà "trước hết phải làm điều khéo, rồi sau mới đến thu hoạch kết quả" (Luận ngữ, Ung dã, 20), và "người cứng cỏi, can đảm, kiên tâm, quyết chí, chất phác, thật thà, ít nói thì gần với nhân" (Luận ngữ, Tử Lộ, 27).

    Với Khổng Tử, chỉ có người nhân mới có thể có được cuộc sống an vui lâu dài với lòng nhân của mình và dẫu có ở vào hoàn cảnh nào, cũng có thể yên ổn, thanh thản. Do vậy, theo ông, người nhân "bậc quân tử không bao giờ lìa bỏ điều nhân, dẫu chỉ trong một bữa ăn. Người quân tử không bao giờ ở sai điều nhân, dẫu trong lúc vội vàng, ngay cả khi ngả nghiêng, cũng vẫn theo và giữ trọn điều nhân" (Luận ngữ, Lý nhân, 5).

    Như vậy, có thể nói, trong quan niệm của Khổng Tử, "Nhân" không chỉ là "yêu người", "thương người", mà còn là "đức hoàn thiện" của con người.
    Do vậy, "Nhân" chính là "đạo làm người" - sống với mình và sống với người, đức nhân là cái bền vững như núi sông.

    Với ông, nếu thịnh đức của trời - đất là sinh thành, bắt nguồn từ đạo trung hoà, trung dung thì cái gốc của đạo lý con người là "trung thứ", và đạo đức, luân lý con người là "Nhân"

    Người có đạo nhân là bậc quân tử
    Nước có đạo nhân thì bền vững, trường tồn.

    Để hiểu rõ hơn về tư tưởng "Nhân" của Khổng Tử, ta cần so sánh Nho giáo với tư tưởng Kiêm ái của Mặc Tử và tư tưởng Từ bi của đạo Phật.

    - Người Nhân trong quan niệm của Khổng Tử, phân biệt mình và người, coi trọng đạo đức, chú ý phần thiện trong bản tính con người. Còn tư tưởng Kiêm ái của Mặc Tử thì xem ai cũng như mình, không phân biệt thân - sơ, chỉ chú trọng đến sự cứu giúp vật chất, chú ý đến "giao tương lợi".

    - Tư tưởng "Nhân" của Khổng Tử cũng khác xa tư tưởng Từ bi của đạo Phật.
    Phật thương người và thương cả vạn vật, luôn u buồn vì sự mê muị của con người, luôn tìm cách giải thoát mọi sinh linh ra khỏi vòng sinh, lão, bệnh, tử.
    Còn đạo Khổng tìm mọi cách giúp cho con người sống một cuộc sống vui vẻ hơn, có nghĩa lý hơn và tìm kiếm hạnh phúc ngay trên cõi trần (thực tế) chứ không phải ở trên cõi niết bàn (mơ hồ).


    Chính vì vậy, ngay cả khi tư tưởng từ bi, cứu khổ, cứu nạn của Phật giáo du nhập và có chỗ đứng trong đời sống tinh thần của con người Đông Á, thì nó cũng không thể thay thế được vai trò của đạo Khổng.

    Có thể nói "Nhân" của Khổng Tử làtư tưởng nhân đạo chủ nghĩa tiêu biểu nhất trong lịch sử các nước Đông Phương.

    Ngày nay, chế độ xã hội đã khác trước, nhưng tư tưởng "Nhân" của Khổng Tử vẫn còn đầy đủ ý nghĩa.

    Những người nghèo khó, đói rét, cô đơn, bất hạnh, luôn rất cần đến sự quan tâm, thông cảm, giúp đỡ của người khác và của cả cộng đồng.

    Trong xã hội luôn có nhiều mối quan hệ hổ tương lẫn nhau. Nếu mỗi người đều biết quan tâm, nhường nhịn và hỗ trợ người khác thì không những cuộc sống bản thân của họ yên ấm, hạnh phúc, mà cả cộng đồng cũng gắn bó, bền vững và sẽ có nhiều điều kiện để khắc phục những chuyện thương tâm, xảy ra ngoài ý muốn.

    Khi xã hội loài người đang trong quá trình toàn cầu hoá, phấn đấu để thế giới trở thành "ngôi nhà chung", thì chúng ta càng cần phải xích lại gần nhau, tạo ra những tiền đề cơ bản để có thể xây dựng một ngôi nhà chung mang sắc thái mới, đó là: đa sắc tộc, đa tín ngưỡng, đa văn hoá và trên hết là có một tinh thần bao dung, thân ái và đoàn kết.

    Có thể nói, phạm trù "Nhân" của Khổng Tử đã ra đời trong thời đại phong kiến, mang sắc thái của xã hội phong kiến, có những điều không còn phù hợp với xã hội ngày nay, nhưng việc tìm hiểu và rút ra những "hạt nhân hợp lý" của đạo Khổng, vẫn là việc mà chúng ta nên làm và cần làm.

    * Tóm lại, chữ "Nhân" của Khổng Tử có nội dung hết sức phức tạp.
    Có thể hiểu "Nhân" là khái niệm đạo đức chỉ phẩm chất tất yếu và cần có của người quân tử.
    Phẩm chất đó được nhìn nhận từ hai mặt: đối với mình và đối với người.
    - Đối với mình phải trong sạch, không nghĩ và không làm điều xấu, điều ác, phải giữ đúng lễ và vươn lên không ngừng. Theo cách nói của các nhà nho là phải "Tu thân" theo các tiêu chuẩn nhân nghĩa lễ trí tín để có thể "Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ".
    - Đối với người, phải thương yêu người "Phàn trù vấn nhân" ("ái nhân" - Nhan Uyên), phải giúp người thành đạt như chính mình "Phù nhân giảm kỷ dục lập nhi lập thân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân" (Ung dã), phải tránh cho người khác những điều chính mình cũng không muốn "Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân" (Nhan Uyên).
    Mình muốn thì cũng giúp người khác thông đạt, đó là "trung" - Mình không muốn thì cũng tránh cho người khác, đó là "thứ" - "Trung thứ" chính là "Nhân" vậy.

    - Chủ nghĩa "nhân đạo" của Phương Tây nghiêng về quyền lợi con người.
    - Chữ "Nhân" Phương Đông nghiêng về trách nhiệm con người.
    Nói đến chữ "Nhân", Khổng Tử đặc biệt nhấn mạnh đến sự an phận mà không oán trách (đối với người dân) "Tại bang vô oán, tại gia vô oán" (Nhan Uyên). Phải chống lại sự hiếu thắng, khoe khoang, oán giận, ham muốn "khắc phạt, oán, dục, bất hành yên, khả dĩ vi nhân hỹ" (Hiến vấn).

    - Người quân tử học đạo thì biết thương người, kẻ tiểu nhân học đạo thì dễ sai khiến: "Quân tử học đạo tất ái nhân, tiểu nhân học đạo tất dị sử" (Dương Hóa).
    - Dân có thể làm cho họ theo con đường của ta, không thể làm cho họ biết đó là gì: "Dân khả sử do chi, bất khả sử tri chi" (Thái Bá).

    Như vậy: : Nhân chính là "đạo đức - đạo làm người", là "phẩm chất tất yếu cần có của người quân tử", là "nhân phẩm cơ bản" để có thể thực hành Nghĩa - Lễ - Trí - Tín...


    Tú_Yên
    05-01-2010
    Đã chỉnh sửa bởi Tú_Yên; 08-09-2015, 04:13 AM.



    https://tuyen10468.wordpress.com/
    http://www.chutluulai.net/forums/showthread.php?t=15585
    http://www.chutluulai.net/forums/showthread.php?t=15208

    Comment

    • #3

      Trà Vinh_Quê Tôi





      Trà Vinh_Quê HươngTôi


      Biển Ba Động nước xanh cát trắng
      Ao Bà Om thắng cảnh miền Tây

      Xin mời Du khách về đây...

      Viếng qua mới biết chốn nầy thần tiên


      Từ ngày còn bé xíu, Tôi đã thấm vào lòng bốn câu thơ trên.

      Cũng chẳng biết Tác giả là ai.
      Và mặc nhiên bốn câu thơ ấy trở thành tài sản chung và niềm tự hào của dân Trà vinh - để rồi ai đó xa quê thì trong lòng cứ day dứt nhớ thương khắc khoải.


      Thuộc khu vực hạ lưu sông Mê Kông, Trà Vinh như một bán đảo nằm kẹp giữa hai dòng: sông Tiền và sông Hậu
      -
      Phía Bắc giáp tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long
      -
      Phía Tây và Tây Nam giáp Sóc Trăng
      -
      Phía Đông giáp biển Đông có bờ biển dài khoảng 65km với khu du lịch Biển Ba Động trời nước mênh mông, lồng lộng gió.


      Trà Vinh,

      Một tỉnh nhỏ với những hàng cây cao rợp bóng.
      Những tán Sao, tán Dầu như xoè ra che kín cả không gian.
      Trên những nẻo đi_về mát rười rượi, mỗi khi thong thả lang thang đây đó, ta mới cảm nhận được hết làn gió trong lành, màu xanh mướt mắt của những tàng lá sum suê.
      Để chợt thấy mình như được ủ ấm trong sự bình yên giữa hàng hàng cổ thụ cao ngất ngưởng đang đứng trầm tư dọc dài trên phố, ngoan ngoãn an lành trong vòng tay của mẹ hiền độ lượng, bao dung.

      Trà Vinh có khoảng 30 con đường lớn nhỏ. Nhiều nơi đan xen như những ô cờ. Đặc biệt là những con đường chạy song song nhau, tất cả đều cùng đổ về điểm đến là Chợ trà Vinh - trung tâm của Tỉnh lỵ.


      À ! Còn một con đường rất ư là thơ mộng:
      Con đường Học trò - Đường Hàng Me đậy

      Tất cả các trường học ở Trà vinh gần như quây quần chung quanh con đường nầy.

      Mỗi giờ tan trường, con đường như sáng lên, trắng xóa những...áo dài.

      Những tà áo tung bay trong gió như từng đàn bướm trắng lao xao rồi toả ra khắp mọi nẻo đường Tỉnh lỵ.

      Những gốc Me già, thân to hàng mấy vòng tay ôm, hiên ngang, sừng sững...như thách thức thời gian, thách thức cả nắng mưa và giông tố.

      Dễ thường những cây Me ấy đã có tuổi thọ trên trăm năm, cứ mãi đứng yên lặng hai bên đường như sẵn sàng "Chào đón khách Tham quan ".


      Và mỗi độ Thu sang, những chiếc lá Me vàng lả tả
      rơi đầy trên từng lối đi_về, khiến ai có chút hồn thơ thật khó dằn lòng trước khung cảnh lãng mạn, trữ tình như thế.
      Thu đấy ư ?
      Hay mùa Trà Vinh chín mùi trong nỗi nhớ thương lan tỏa.



      Trà vinh_Quê hương Tôi

      Đường Hàng Me
      Ngày xưa tôi đến lớp

      Giờ tan trường bóng mát rợp đường đi

      Lá xoay xoay như muốn nói điều gì

      Rơi trên tóc, trên đôi tà áo trắng.

      Đường Hàng Me
      dường như xa xôi lắm

      Nhưng rất gần trong từng bước tôi qua

      Ngỡ là xanhưng ở mãi trong ta

      Trà vinh đó - chan hòa trong trí nhớ

      Trà vinh ơi
      Luôn gần như hơi thở

      Dẫu thế nào, Tôi vẫn nhớ Trà vinh.


      Trà vinh_Quê Tôi

      Nên thơ như thế...

      Thân thương như thế...


      Có một giai thoại rất vui mà dân Trà vinh luôn truyền miệng cho nhau trong những buổi trà dư, tửu hậu...


      Trà Vinh đi dễ khó về
      Trai đi có vợ, gái về có con
      ...


      Tú_Yên
      Đã chỉnh sửa bởi Tú_Yên; 08-09-2015, 04:25 AM.



      https://tuyen10468.wordpress.com/
      http://www.chutluulai.net/forums/showthread.php?t=15585
      http://www.chutluulai.net/forums/showthread.php?t=15208

      Comment

      • #4

        Vu Lan_nỗi nhớ

        Vu Lan_nỗi nh





        Tháng bảy về
        Không gian yên ắng, nhẹ nhàng và hình như phảng phất đâu đây là mùi trầm hương thoang thoảng.

        Các cổng chùa rộng mở, mọi người tất bật, xôn xao để chuẩn bị bước vào Lễ hội Vu Lan: Mùa báo hiếu


        Bao nhiêu năm đã qua đi, sự cuốn hút của cuộc sống đời thường cũng không thể nào làm tôi khuây khỏa nỗi nhớ đau đáu về hình bóng Mẹ già đã khuất xa biền biệt. Những kỷ niệm của một thời như bức tranh chấm phá, dù lẩn lộn trong biết bao bộn bề của xã hội mà vẫn vượt lên, lấn át tất cả những gam màu.

        Thời gian thì chẳng đợi chờ.
        Đời người dường như rất ngắn ngủi.
        Khi tôi cảm nhận được những gì trân quí trong tình yêu bao la của Mẹ, thì Người đã ra đi vĩnh viễn không về.

        Những giọt nước mắt ngày tang lễ cũng không âm ỉ bằng nỗi nhớ nhung da diết trong những năm tháng sau nầy. Từng lời nói yêu thương như đọng mãi trong tim. Những cử chỉ dịu dàng như luôn hiển hiện trong từng giấc mơ muộn mằn về sáng.

        Những ngày thơ bé, Mẹ đã nâng niu trìu mến, chăm chút cho tôi từng miếng ăn, thức uống. Vất vả, nhọc nhằn khi tôi bệnh đau vì trái gió, trở trời. Đêm lại từng đêm, thức canh cho con thơ được yên tròn giấc ngủ mà không hề quản ngại gian lao, mệt mỏi.


        Tôi dần lớn thì Mẹ dần già yếu.
        Mái tóc đen mượt ngày nào đã lấm tấm điểm sương. Gương mặt phúc hậu hiền lành cũng hằn những nếp nhăn, đánh dấu sự tàn phá khắc nghiệt của thời gian, đã cướp đi của Mẹ tất cả những mộng mơ của một thời thiếu nữ.
        Bàn tay mềm mại thuở xưa, chai sần vì công cuộc mưu sinh vẫn không ngừng chăm bẳm, dắt dìu tôi vượt qua bao chông gai trong những bước chập chửng vào đời.


        Trong tình thương bao la, mênh mông của Mẹ, tôi đã lớn lên một cách vững vàng thì Mẹ tôi cũng khô cằn đi vì những lam lũ giữa cuộc sống đời thường đầy chông gai, gian khó.
        Làm sao có thể nói hết những nhọc nhằn mà Mẹ tôi đã phải trải qua để nuôi tôi khôn lớn...
        Như dòng thác từ trên cao đổ xuống.
        Như mặt biển tràn đầy những lúc triều lên.
        Như bầu trời cao xa thăm thẳm sẵn sàng bao trùm tất cả.






        Tháng bảy…
        Chuông chùa ngân nga vang vọng.
        Tiếng kinh cầu siêu trầm bổng cứ theo gió lan tỏa khắp nơi nơi.
        Cả đất trời như cũng tơ vương để lòng người cứ dậy lên những nỗi niềm khó tả.

        Trong các gia đình, những người con cố tận dụng mọi thời gian để quan tâm, chăm sóc cha mẹ nhiều hơn, thể hiện tình yêu cao quí, thuần khiết luôn dành cho đấng sinh thành mà hàng ngày đã phải khuất chìm vì cơm ăn, áo mặc.

        Với tôi tất cả chỉ còn là nỗi nhớ…
        Nỗi nhớ âm thầm, ngỡ đã nhạt nhòa theo năm tháng, nào ngờ cứ mãi nằm yên ở một góc tâm hồn rồi đầy lại đầy thêm theo từng quãng đường qua.

        Trong những tất bật của biết bao công việc, tôi như vẫn còn nhìn thấy ánh mắt Mẹ cuời khi dõi theo từng bước tôi đi. Nhớ bàn tay gầy guộc vẫn luôn đở đần, nâng tôi đứng lên mỗi khi tôi không may vấp ngã.

        Nhớ những ngày tôi đi học xa.
        Cứ đúng cuối tháng thì Mẹ lại lên thăm. Tay xách, nách mang nào quà, nào bánh.
        Nhìn ánh mắt thèm thuồng của bạn bè, tôi ngất ngây hãnh diện vì tình thương nồng nàn, dịu ngọt mà Mẹ đã dành trọn cho mình.


        Giờ thì tất cả đã xa…xa vời vợi !
        Để mỗi độ Vu Lan về, tôi chỉ còn biết ngẩn ngơ, tiếc nuối một khoảng trời ăm ắp yêu thương của những ngày còn có Mẹ.

        ...

        Trời hanh nắng
        Lá Thu vàng
        Người người lũ lượt hội chùa thành tâm lễ Phật cầu siêu sinh tịnh độ hay phúc lành cho Mẹ, cho Cha.

        Riêng tôi, âm thầm giữa những xôn xao của ngày rằm tháng bảy, ray rức với những ý nghĩ, với những tâm tình chẳng thể nào quên.


        Tú_Yên
        (rằm tháng bảy)



        https://tuyen10468.wordpress.com/
        http://www.chutluulai.net/forums/showthread.php?t=15585
        http://www.chutluulai.net/forums/showthread.php?t=15208

        Comment

        Working...
        X
        Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom