• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Chủ đề Giai phẩm Xuân Nhâm Thìn - 2012

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Chủ đề Giai phẩm Xuân Nhâm Thìn - 2012

    Chủ đề Giai phẩm Xuân Nhâm Thìn - 2012

    Error - 404" align="left" border="0" alt="" style="padding:7px;" />Lại một mùa Xuân nữa đã và đang trở về.

    Như thông lệ hàng năm Chút lưu lại xin mượn một góc nhỏ nơi này để mở ra một Chủ đề gọi là Giai phẩm Xuân hầu để góp nhặt lại đôi điều cùng tản mạn với một mùa Xuân mới.

    Tất cả những bài viết trong Chủ đề này sẽ là những bài thơ, văn, biên khảo, tạp ghi, tùy bút, hội họa, nhiếp ảnh, truyện cười ... v..... v...... để nói về mùa Xuân - đặc biệt là "xuân của con Rồng".

    Những bài viết, những Tác phẩm có thể là riêng của Quý Anh Chị sáng tác hay sưu tầm hay lượm lặt khắp nơi tùy hỷ.

    Rất mong sự hưởng ứng của Quý Anh Chị và Quý Bạn hữu khắp nơi hầu đóng góp cho Chút lưu lại thêm một món quà tinh thần nho nhỏ để chúng ta cùng nhau chia xẻ trong niềm vui những ngày đầu của một Năm mới.

    Xin kính cầu chúc cho Quý Anh, Quý Chị, Quý Bạn Hữu xa gần trên khắp năm châu cùng toàn Gia Quyến vui đón một Năm mới Nhâm Thìn 2012 thật dồi dào sức khỏe, thật bình an và tràn đầy Thịnh Vượng.

    Chúc Mừng Năm Mới Nhâm Thìn - 2012
    Chút Lưu Lại
    Sống trên đời

    Similar Threads
  • #46

    Nên đóng hay vẫn giữ !?

    ..::~Trích dẫn nguyên văn bởi TiCa
    Tự xoá vì bài viết không phủ hợp với tiêu đề





    ..::~Trích dẫn nguyên văn bởi Tú_Yên
    Tự xoá vì bài viết không phù hợp với tiêu đề



    ..::~Trích dẫn nguyên văn bởi TiCa
    Tự xoá vì không phù hợp tiêu đề
    Thay mặt Trang nhà HV rất thành thật xin lỗi Quý Anh Chị đã bỏ ra khá nhiều thời gian cho Chủ Đề này. Tuy nhiên có thể CLL không có đủ bài viết cho chính Chủ Đề này từ Quý Anh Chị.

    Thiết nghĩ dù Năm mới chưa thật sự đến, có thể CLL xin mạn phép Đóng lại Chủ Đề này. Mong Quý Anh Chị và bạn hữu đóng góp ý kiến thêm cho CLL.

    Rất thành thật Cảm ơn Quý Anh Chị đã bỏ thời gian và công sức để tạo dựng ra Giai Phẩm Xuân Nhâm Thìn này. Nên Đóng hay nên Giữ

    Kính mong Quý Anh Chị vui lòng cảm thông và Tha thứ. Hy vọng lời nhắn này sẽ không làm buồn lòng quý Anh Chị và Bạn hữu.

    Cầu chúc Quý Anh Chị và Bạn hữu nhiều an vui và sức khoẻ.
    HV
    Sống trên đời

    Comment

    • #47

      Chiều Xuân




      Chiều Xuân

      Chiều Xuân
      Nắng cũng dát vàng
      Bên song bất chợt...sẽ sàng - buông rơi
      Trong veo - bát ngát màu trời
      Ước chi...
      Ta được cả đời - với em.

      TiCa
      01.02.12

      Comment

      • #48

        Kỷ niệm về Tết - Truyện ngắn - Giai Phẩm Xuân Nhâm Thìn

        Kỷ niệm về Tết
        Quỳnh Chi

        Click image for larger version

Name:	11040709-5jpgto.jpg
Views:	40
Size:	15.7 KB
ID:	260434Kỷ niệm đẹp nhất về ngày Tết của tôi là những ngày tết ở miền Trung. Hàng năm cứ đến tết, mẹ tôi thường than rằng ở miền Trung không có lá giong để gói bánh chưng, thời tiết không đủ giá rét nên bánh và giò chả không để lâu được, nào không nấu được thịt đông, nào thiếu hoa đào ... Mẹ thì nhớ tết miền Bắc, còn tôi thì còn quá bé để có thể nhớ những thứ ấy hay không khí gây gấy lạnh ngày tết ở Hà Nội, mà những ngày tết còn để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong tôi vẫn là tết ở miền Trung.

        Tôi nhớ mãi khi đang học những năm đầu bậc tiểu học ở Tam Kỳ, nhà tôi ở cạnh nhà một người nông dân tên là ông Xuyến. Quãng thời gian sống cạnh nhà ông Xuyến cũng như ở thị xã nhỏ bé này đã giúp một đứa bé quê hương miền Bắc từ bé sống ở thành phố rồi di cư vào Nam, chẳng biết bao giờ mới được “về quê “, cũng đã có được những hiểu biết về cuộc sống của người dân quê .

        Nhà ông Xuyến ở lùi sâu cách xa đường quốc lộ, trước nhà là một chiếc sân lớn lát gạch, từ sân gạch ra đến đường cái còn có một chiếc sân đất lớn có trồng ba cây sưa cao vút. Sau nhà ông có chuồng lợn, chuồng trâu , nhà bếp và chỗ để cối giã gạo, cối xay lúa, xay bột và một cái sân nhỏ. Giếng nước dùng hàng ngày cũng ở cách bếp có mấy thước. Trên hai chiếc sân trước cửa nhà ông Xuyến quanh năm tuỳ từng mùa đã chất nào những bó lúa vàng ươm, có mấy con chim sẻ ngày mùa béo múp rình rập lén tha vài hạt ; nào những xấp thuốc lá to bản được cuộn, bó chặt lại để xắt phơi khô thành thuốc rê - hút đâu vấn đó, có khi bằng tờ lịch ngày - ; nào đậu còn nguyên cây mới nhổ về chờ tuốt, phơi và đem đi ép lấy dầu phọng ; nào bắp, nào khoai, nào sắn, nào mì ... Cũng trên hai chiếc sân ấy người ta phơi củi tươi mới đốn trên núi về cho khô trước khi chụm lửa. Mọi sinh hoạt nhà nông như cho trâu đạp lúa, sàng xẩy, phơi rơm, dệt tranh lợp nhà, phơi thuốc, cắt thuốc v.v. cũng đều diễn ra ở đó. Trong nhà quanh năm có tiếng chầy thì thụp giã gạo hay tiếng quay ù ù của chiếc cối xay bột làm bánh, và có cả tiếng ru em rất ngọt ngào của cô chị lớn ... tên Xuyến chị - và hơi cáu kỉnh của cô em - tên Xuyến em - có lẽ vì không thích giữ em. Từ sau lễ cúng ông Táo vài hôm trẻ con chúng tôi được nghỉ tết ở nhà tự do chơi đùa, chỉ có cô Xuyến em thì cứ phải giữ em nên có lẽ càng bực dọc. Câu hát ru em à ơi mở đầu nghe dịu dàng thế mà cô Xuyến em ru bằng một giọng gắt gỏng :

        A ả ớ !
        Ru em cho thét cho muồi
        Ðể mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu
        Mua vôi chợ quán chợ cầu
        Mua cau Vĩnh Ðiện , mua trầu Hội An

        Từ những ngày cuối năm mẹ tôi và chị Huệ giúp việc lo làm mứt trong bếp, bố tôi chọn mua đem về cành mai vàng thật to đầy nụ để cài lên đó những tấm thiệp tết và cắm vào chiếc độc bình trang hoàng phòng khách, rồi treo lên tường bộ liễn Tứ quý hoa điểu bình thay cho bộ liễn Nhị thập tứ hiếu vẫn treo hàng ngày, các tờ giấy đỏ ghi chữ Phúc Lộc Thọ cùng với các đôi câu đối để treo trên những cột gỗ, hai bên bàn thờ ở gian giữa. Nhưng tôi lại nhớ những lúc ở bên nhà ông Xuyến nhiều hơn là ở nhà mình. Bên đó có họ hàng của ông Xuyến tụ tập đông vui lắm. Bọn trẻ con chúng tôi chơi trò đi trốn trong nhà kho ở trái nhà quanh năm đóng kín, chỉ được mở ra đặc biệt vào dịp cuối năm. Nhưng rồi kho cũng được đóng lại ngay. Chúng tôi hết chạy lên nhà trên, lại xuống bếp, rồi ra sân xem người lớn chuẩn bị. Mấy bô lão mặc áo dài đen đang ngồi trên bộ trường kỷ giữa nhà để viết thêm tên con cháu vào gia phả, rồi ghi ngày sinh ngày tử của người này người kia. Hình như không phải là năm nào các cụ cũng viết gia phả mà mấy năm mới bổ túc một lần, vì các cụ bàn tán hỏi han nhau về những người không biết còn sống hay đã chết trong những năm chinh chiến.
        ***

        Trong khi các cụ già ngồi trong nhà, ngoài hiên có người đang lo đánh bóng nào chân nến, nào bình hương bằng đồng. Dưới bếp bà Xuyến lo vo gạo đậu để làm bánh, lo kho thịt để dành ăn ba ngày tết. Ông Xuyến lấy rựa chẻ lạt. Những người khác như cô Ba, em gái ông, hay con gái ông thì lo những việc khác như rửa lá chuối để gói bánh, làm dưa món, dưa giá, hay đang sấy trên lò những chảo mứt dừa mứt khoai cuối cùng.

        Ngoài sân một chiếc nồi cao, cao ngang đầu bọn trẻ chúng tôi, được bắc lên trên những hòn gạch đá ong lớn làm thành chiếc bếp. Thế rồi mọi người phần lớn là đàn ông bắt đầu gói bánh. Lúc đó tôi mới biết ông Xuyến chẻ lạt là để làm dây buộc bánh. Họ gói từng chiếc bánh tét, dài như cái giò lụa Họ xếp các lớp lá chuối chồng lên nhau, đoạn trải gạo ra trên mặt lá san cho bằng, sau đó mới xúc đậu xanh rải trên mặt gạo nếp thành một đường thẳng như kẻ. Bánh tét của người dân quê miền Trung chỉ có thế thôi, nhân bánh phần lớn không có thịt, gọi là bánh tét chaỵ Mà có lẽ đó mới chính là chiếc bánh tét đầu tiên vốn là lương khô cho đoàn quân của Nguyễn Huệ kéo ra Bắc đánh đuổi quân Thanh trong dịp tết.

        Người ta khéo léo cuốn lá gói gạo và đậu lại thành ống tròn dài không để đậu bị lọt ra ngoài lớp gạo nếp xung quanh. Cuối cùng dùng dây lạt tre mỏng quấn quanh đòn bánh tét cho chặt, xoắn hai môí lạt với nhau rồi cài lại vào chính vòng lạt quanh bánh cho khỏi bị xổ ra. Sau này khi đi du học rồi phải tự nấu lấy bánh ăn tết, tôi chỉ làm được bánh chưng vì còn có thể dùng hộp vuông làm khuôn gói bánh, chứ bánh tét thì chịu. Thế mới biết gói bánh tét thật là khó. Bánh gói đã được khá nhiều, người ta cho củi vào bếp, nổi lửa.Từng thanh củi lớn được đẩy vào bếp. Một người đứng ra trông bếp, cho thêm củi, cời than , tiếp thêm nước sôi cho nước luôn ngập bánh. Một lát củi đã cho bao nhiêu than hồng, thế là đến lúc người ta cho khoai lang vào nướng, và chia cho bọn trẻ con ngồi chờ xung quanh. Tiếp tới từng chiếc rổ đan sơ sài có lót lá chuối đựng một thứ bột pha nước sênh sếnh có màu nâu sậm của đường đen được mấy bà mấy cô đem xếp vào nồi phía trên cùng để hấp, đó là bánh tổ. Bánh tổ thơm ngon, mà xắt lát đem nướng hay chiên dầu hơi cháy sém một chút lại càng ngon. Giống như bánh chưng để đến ngày mồng ba thì bắt đầu phải đem rán lên đề phòng có thể bánh đã bắt đầu thiu, nhưng ăn bánh chưng rán được thưởng thức hương vị bùi béo, có khi ngon hơn cả bánh chưng luộc.

        Bánh tét luộc bao lâu thì chín nhỉ ? Có lẽ phải luộc hàng giờ, đến tận khuya. Tôi nào biết vì chắc đã ngủ thiếp đi rồi được cõng về nhà trong lúc còn say ngủ. Sáng giao thừa khi thức dậy chạy sang xem thì bếp lửa đã tàn, bánh trong nồi có lẽ đã được vớt ra để mọi người trong họ chia nhau đem về. Tết chưa qua mà đã tiếc ngẩn ngơ sau một ngày vui đoàn tụ rộn rịp cuối năm , dù rằng đó chỉ là cảnh bên nhà hàng xóm.

        Âm thanh tết miền Trung ngày xưa còn vang mãi trong tôi là tiếng pháo nổ giòn ... - nhưng mà trẻ con chỉ dám vừa bịt tai lại vừa nghe -, tiếng trống múa lân rộn ràng náo nức, cùng với tiếng trống Bài chòi từ xa vọng lại như giục giã ... làm trẻ con tò mò chỉ muốn đi xem, nhưng lại bị bố mẹ cấm đoán sợ rồi sớm ham mê cờ bạc.

        Tiếng pháo rộ lên một lát vào lúc giao thừa, rồi thưa dần. Sáng mồng một tết, có vài nhà còn đốt thêm một tràng pháo nữa. Không khí yên tĩnh của thị xã nhỏ lại càng thêm vắng vẻ vì vắng bóng những chuyến xe đò của các hãng Phi Long, Tiến Lực vụt qua, đổ hành khách cùng hàng hoá xuống bến xe đò tấp nập đông vui ở ngay giữa thị xã. Dân số của thị xã có thể đã vợi đi một chút trong những ngày này, vì các công chức như các thầy các cô còn trẻ đã trở về Huế hay Ðà Nẵng, hay bà chủ của trường dậy may nghe đâu vốn là người ở trong Nam ra chứ không phải là người quê quán ở đây v.v.. cũng đóng cửa đi vắng từ trước Tết. Mà cũng có thể là chẳng có gì thay đổi vì số vợi đi đã được bù lại với số người đi làm ăn xa trở về trong dịp tết. Như cô con gái ông nông dân ở cách một vườn sắn sau nhà tôi nghe đâu làm công chức ở Nha Trang, giáp tết cũng về thăm nhà.

        ***

        Sáng mồng một tết nhà nhà đi chúc tết mừng tuổi lẫn nhau. Bố mẹ tôi còn có lệ đưa cả gia đình đi chụp ảnh kỷ niệm vào ngày mồng một tết, nên sau đó vào buổi chiều gia đình tôi thường đến hiệu ảnh của giòng họ Huỳnh nổi tiếng với nghề chụp hình ở miền Trung.

        Chiều tối mồng một tết, đoàn múa lân từ phía Chợ Mới tiến về phía nhà tôi. Lân đến múa chúc tết những nhà nào có treo giải. Giải là mảnh giấy hay phong thư đỏ đựng tiền thưởng. Nhà lầu treo giải trên cao, tận trên ban công. Những người trong đoàn múa lân phải đứng lên vai nhau cho người làm lân leo lên giật giải . Giải treo cao phải hậu. Nhà nào thưởng càng nhiều thì lân múa càng lâu hậu tạ chủ nhà .

        Năm nào cũng vậy cứ đến tết là nghe có tiếng trống Bài chòi. Tên gọi " Bài chòi " thoạt nghe thật khó hiểu. Cũng chẳng biết luật lệ ra sao. Ấn tượng nhất là tiếng hát hô " Con gì nó ra đây , con gì nó ra đây ..." Những con bài mang tên rất lạ , ví dụ như con " ông ầm " ... Khi đã lớn lên , thời trung học tôi mới được đến xem tận nơi tổ chức Bài chòi. Ði xem thôi chứ không phải là đi chơi nên vẫn không biết cách chi , chỉ nhớ nhất là tiếng hát hô tên lá bài, có trống gõ đánh nhịp hay đệm theo, nhớ những lá cờ nhiều màu cắm trên thân cây chuối để trao cho người trúng bài và những người trúng chạy lên lãnh cờ, không khí hội hè thật rộn rịp. Hình như có cái chòi cao ở giữa cho người hô bài và nhiều chòi nhỏ xung quanh cho những người tham dự. Thay vì hô con số lên, người ta hát sao cho vần vè với các số, rồi mới hô tên lá bài và chính con số đó lên. Hình như có cái chòi cao ở giữa cho người hô bài và nhiều chòi nhỏ xung quanh cho những người tham dự. Thay vì hô con số lên , thì người ta hát sao cho có vần với các con số đó rồi mới hô tên lá bài và con số của lá bài đó, ví dụ như con bài có số một thì có thể được hô lên bằng câu hát sau đây :


        Rồi con gì nó ra đây
        Dắt mẹ bồng con lên non hái trái
        Anh cảm thương nàng là phận gái mồ côi
        Là con số một ơi !

        Chơi Bài chòi cần có vài người biết đánh trống và biết hát , thuộc các câu hát . Khi đã hiểu ra tôi xin được biện hộ ... với những bậc cha mẹ quá nghiêm khắc rằng chẳng những không cần cấm đoán mà còn nên dẫn trẻ con đi nghe hát Bài chòi , để cho dù chẳng được thua gì thì cũng được cả một vốn liếng âm thanh màu sắc và tình cảm quê hương vô cùng phong phú.

        Nói đến tình cảm quê hương, không thể không nhắc đến những âm thanh quen thuộc khác thường vang lên trong những ngày tết xa xưa. Ðó là những chương trình âm nhạc đặc biệt vào dịp tết của đài phát thanh. Cứ đến tết lại hay có những chương trình đặc biệt trình diễn những bản trường ca với nội dung về lịch sử, như bài hát về đại hội Diên Hồng với lời kêu gọi " Toàn dân nghe chăng sơn hà nguy biến ... ", hay ca tụng non sông đất nước như " Bạch Ðằng giang sông hùng dũng ... " , " Trường khúc Sông Lô " , rồi những chuyện cổ tích như Hòn vọng Phu I , II , III . . với nào " Lệnh vua hành quân trống khua dồn ..." nào " Có ai xuôi vạn lý .. ". Ngày thường người ta hay cho hát nhạc trữ tình , nên có lẽ đề tài trang trọng về tổ quốc, non sông đất nước này, hợp với không khí ngày tết hơn.
        Cũng đề tài này, có một bài hát nhẹ nhàng hơn và rất đỗi thân thương với chúng tôi là bài " Lối về xóm nhỏ ". Cô gái con ông nông dân hàng xóm sau nhà tôi làm việc xa nhà, đến hè hay tết mới trở về, nên cứ thấy cô là chúng tôi hát " Về thôn xưa ta hát khúc hoan ca ... " như để đón cô và mừng cho niềm vui sum họp của riêng gia đình ông hàng xóm cũng như cho sự thêm đông vui của cả khu xóm. Chúng tôi tặng cô bài này và mẹ tôi kể rằng ở trong bếp cũng nghe thấy tiếng cô tập đi tập lại mãi bài hát ấy.

        Bao năm qua thỉnh thoảng tôi có về nước nhưng vẫn chưa có dịp trở lại thị xã nhỏ bé này để thăm lại người xưa cảnh cũ. Chiếc ngõ cạnh nhà tôi cho người con gái trở về thôn xưa ấy biết có còn dấu tích gì không ? Ở đây trên xứ người, hàng năm cứ mỗi độ xuân về, những kỷ niệm về tết ở miền Trung lại sống dậy trong lòng tôi cùng với những kỷ niệm một phần đời những người thân yêu của tôi nơi ấy, là một trong muôn nẻo tìm về quê hương trong lòng người viễn xứ.
        Đã chỉnh sửa bởi hoangvu; 30-06-2019, 11:08 AM.
        Sống trên đời

        Comment

        • #49

          Kho báu rồng bằng vàng khối

          Chiếc ấm vàng được trang trí hình rồng

          Cận cảnh "kho báu rồng" bằng vàng khối

          (Tin tuc) - Những kiệt tác làm bằng vàng khối của vua chúa nhà Nguyễn khiến hậu thế không khỏi sững sờ khi được chiêm ngưỡng.


          Từ 12-1, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tại Hà Nội đã khai mạc triển lãm Rồng trên cổ vật, trưng bày hơn 60 hiện vật nhằm giới thiệu hình tượng rồng trong suốt tiến trình lịch sử Việt Nam.
          Những hiện vật được giới thiệu tại đây có niên đại từ văn hóa Đông Sơn đến thời Nguyễn (thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20). Trong số đó, những “kiệt tác rồng” làm bằng vàng khối của vua chúa nhà Nguyễn đã gây ấn tượng rất mạnh mẽ tới người xem.
          Dưới đây là một số hình ảnh ghi nhận lại từ triển lãm:
          Tượng rồng làm bằng vàng, niên hiệu Thiệu Trị thứ 2 (1842)
          Rồng trang trí trên ấn vàng "Mệnh đức chi bảo", niên hiệu Gia Long (1802 - 1819)
          Rồng trang trí trên ấn vàng "Khâm văn chi tỉ", niên hiệu Minh Mệnh năm thứ 8(1827)
          Chậu làm bằng vàng ròng trang trí hoa văn rồng được dùng trong cung đình nhà Nguyễn
          Những chiếc ấm vàng được trang trí hình rồng
          Hoa văn rồng trên hộp trầu làm bằng vàng và bạc niên hiệu Minh Mệnh (1820 - 1841)
          Hộp chè bằng vàng có trang trí rồng
          Rồng trang trí trên Kim sách (sách bằng vàng), niên hiệu Tự Đức năm thứ 36 (1883)
          Không lộng lẫy như vàng, nhưng những tác phẩm làm bằng bạc cũng rất ấn tượng, như những chiếc đỉnh ở trên
          Hộp đựng Kim sách làm bằng bạc, có khắc hình rồng
          Ống cắm bút trang trí rồng và rùa
          Ấn "Phong tặng chi bảo", niên hiệu gia Long năm thứ nhất (1802) làm bằng bạc
          Đã chỉnh sửa bởi hoangvu; 30-06-2019, 11:09 AM.
          <Nếu con luôn để cả thế giới đánh giá mình, con sẽ luôn thất vọng>

          Comment

          • #50

            Nắng xuân





            Nắng Xuân

            Bóng nắng chiều Xuân rực sắc vàng
            Mây trôi nhè nhẹ - gió lang thang
            Trời cao xanh ngát - trời xanh ngát
            Nắng rọi qua song - nắng rất vàng.

            TiCa
            01.12.2012

            Comment

            • #51

              Năm Thìn nói chuyện con rồng

              HVP đố các bạn :Tại sao con rồng (là 1 trong tứ linh Long-Lân-Qui-Phụng và đứng đầu), vậy mà sao chịu lép Tí, Sửu, Dần, Mẹo..rồi mới tới Thìn.

              Tại sao Tí nhỏ xíu mà đứng đầu xếp sòng 11 con kia?


              Comment

              • #52

                Lão nông 'làm phép' biến gốc tre thành rồng

                ..::~Trích dẫn nguyên văn bởi HoaiVienPhuong View Post
                HVP đố các bạn :Tại sao con rồng (là 1 trong tứ linh Long-Lân-Qui-Phụng và đứng đầu), vậy mà sao chịu lép Tí, Sửu, Dần, Mẹo..rồi mới tới Thìn.

                Tại sao Tí nhỏ xíu mà đứng đầu xếp sòng 11 con kia?


                Mèo chuột gì ở đây anh 2 , năm nay là chỉ có rồng thôi anh 2 nhe , anh 2 đố mà chắc lại cũng kg biết luôn chớ gì , qd không mắc mưu anh 2 nữa đâu... . Bây giờ qd mời các bạn và anh 2 xem cái này nè....

                Lão nông 'làm phép' biến gốc tre thành rồng
                TPO - Mắt đã đồi mồi, tóc đã bạc nhưng ánh mắt và những động tác chạm trổ bên những gốc tre già khô khốc, xù xì của ông vẫn còn tinh xảo lắm.



                Ông Lê Mưu cho biết, con Rồng tre là biểu tượng thiêng liêng của người Việt Nam. Thế Rồng bay thể hiện cái tâm đức, cốt cách, cái hồn của dân tộc. Từ những gốc tre bị vứt bỏ, qua bàn tay của lão nông Lê Mưu hoá thành những con rồng với nhiều thế đẹp mê mẩn lòng người. Ông là Lê Mưu, 88 tuổi, ở làng Long Hội, xã Sơn Bình, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Cái duyên để lão nông Lê Mưu đến với môn nghệ thuật này thật đơn giản, trong một lần chui vào bụi tren ven đường tránh nắng, ông bắt gặp một gốc tren tre xù xì, co hình thù uốn lượn trong rất đẹp. Với bản tính tò mò và trí tượng tượng, trước mắt ông là một con rồng đang bay lượn trên bầu trời xanh biếc từ gốc tre này.
                Ông lao ngay vào nhà hàng xóm mượn cuốc, rựa bẫy nguyên cả gốc tre thuê xe bò chở về. Hằng ngày người ta chỉ thấy lão già này bỏ vườn tược để suốt ngày ngồi ngắm gốc tre rồi đục, rồi tỉa…và ngửa mặt lên trời cười hềnh hệch, tay vỗ đùi đen đét.
                Ban đầu nhiều người thắc mắc không biết lão bị ma ám hay bệnh tệt gì. Bỗng một hôm đẹp trời, lão nấu nước chè xanh, mời mọi người trong xóm đến chiêm ngưỡng tác phẩm Rồng tre của lão làm nhiều người giật mình té ngửa hoá ra lão Mưu đang làm nghệ thuật. “Lúc đầu tui nghĩ làm chơi vui vui, nào ngờ riết thành quen. Càng làm những gốc tre càng thu hút tui một cách kỳ lạ”, ông Mưu nói.
                Phóng sự ảnh Rồng Tre của lão nông Lê Mưu qua ống kính của PV Tiền Phong:






                Ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng cụ Mưu vẫn còn rất linh hoạt. Những động tác tạo hoa văn cho những tác phẩm Rồng tre trông khoẻ khoắn và rất khéo léo. “Bên những gốc tre xù xì này tâm hồn tôi như bị mê hoặc. Cũng nhờ nó mà đầu óc tôi thanh thản, chân tay tôi linh hoạt hơn”, cụ Mưu tâm sự.



                Để có được một tác phẩm Rồng tre hoàn thiện phải mất vài năm trở lên. Sau khi tre được phơi khô, đem lau rửa sạch, hông trên gác bếp. Công đoạn tiếp theo đưa xuống đặt trên bàn để tạo thế, tạo thế xong mới đi vào chạm khắc những chi tiết trên khắp các cơ thể. Mỗi tác phẩm có một thế riêng nhưng đều thể hiện sự thanh cao, trong sáng.




                Người dân xã Sơn Bình quen thuộc với hình ảnh cụ Mưu hằng ngày cầm chiếc cưa tay chui lủi trong các bụi tre trong làng. Nhiều lần chui lủi trong bụi tre cụ bị trẻ con trong làng tưởng quái vật la hét om xòm. Khi mọi
                người kéo nhau đến mới tá hoả quái vật kia là cụ Mưu Rồng tre. .






                Không chỉ Rồng tre, cụ Mưu còn sáng tác 12 con giáp từ gốc tre. Mỗi tác phẩm của cụ đều thể hiện được nét thần riêng. Chim muông, thú dữ là đề tài mà cụ đang theo đuổi trong những năm cuối đời.



                Trong gian nhà xệp xệ là cả một kho tác phẩm giàu tính nghệ thuật và sáng tạo. Nhiều người trong làng cho biết, cụ Mưu rất lạ, có nhiều người tìm đến đặt mua các tác phẩm Rồng tre nhưng cụ tuyệt nhiên không bán. Nhưng nhiều khi có khách lạ đến tham quan, tìm hiểu cụ biếu không lấy một xu.

                Minh Thùy-Minh Lý
                <Nếu con luôn để cả thế giới đánh giá mình, con sẽ luôn thất vọng>

                Comment

                • #53

                  Ta chờ Ta...

                  .
                  .




                  Ta chờ Ta...


                  Ta chờ Ta...
                  Một góc Xuân
                  Bỏ mùa Đông lạnh bâng khuâng xa rời.

                  Ta chờ Ta...
                  Giữa khoảng trời...
                  Để vu vơ với những lời tình ca.

                  Xuân về ...
                  Đời ngát hương hoa
                  Dăm câu thơ viết làm quà tặng nhau.

                  Ta chờ Ta...
                  Tự thuở nào ?
                  Mùa về ngang ngỏ - Mai_Đào...
                  Chào Xuân !

                  Tú_Yên

                  .
                  .



                  https://tuyen10468.wordpress.com/
                  http://www.chutluulai.net/forums/showthread.php?t=15585
                  http://www.chutluulai.net/forums/showthread.php?t=15208

                  Comment

                  • #54

                    Mùa về...

                    .
                    .



                    Mùa về...


                    Mùa về...
                    Hoa lá bâng khuâng
                    Trong veo hạt nắng như lần lựa rơi.

                    Lơ thơ mây bạc rong chơi
                    Bồng bềnh gom cả hương đời vào tay.

                    Mùa về...
                    Gió vẩn vơ bay
                    Mang trao ai những tháng ngày nhẹ tênh.

                    Mông mênh...
                    Khoảng lặng - mông mênh
                    Vi vu gió hát giữa thênh thang trời.

                    Mùa về...
                    Ghé mãi bến đời
                    Chồi xanh biếc_nụ hoa ngời...
                    Sắc Xuân.

                    Tú_Yên

                    .
                    .



                    https://tuyen10468.wordpress.com/
                    http://www.chutluulai.net/forums/showthread.php?t=15585
                    http://www.chutluulai.net/forums/showthread.php?t=15208

                    Comment

                    • #55

                      Mèo chuột gì ở đây anh 2 , năm nay là chỉ có rồng thôi anh 2 nhe , anh 2 đố mà chắc lại cũng kg biết luôn chớ gì , qd không mắc mưu anh 2 nữa đâu...
                      Vì sao chuột đứng đầu 12 con giáp
                      Ngày xửa ngày xưa, sau nhiều vòng tuyển chọn gắt gao, Trời đã tìm được 12 con vật sẽ đại diện 12 địa chi. Tuy nhiên, Trời con băn khoăn chưa biết xếp ai đầu bảng. Thế nên một cuộc họp đã được triệu tập để tìm ra loài xứng đáng nhất.
                      Anh Trâu to lớn hăng hái phát pháo đầu tiên:
                      - Loài Trâu chúng tôi có công lao động giúp người no ấm. Con người bao giờ cũng coi trọng trâu, “con trâu là đầu cơ nghiệp”, “con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Việc lớn phải làm trong đời là “tậu trâu, cưới vợ, làm nhà”. Trâu vừa là “đầu”, vừa là “trước”, lại còn hơn cả… vợ nữa nhé. Tôi đứng đầu là phải rồi.
                      Bác Hổ nghe nói thế cười khì bảo:
                      - Anh trâu ơi, để anh đứng đầu rồi người ta suốt ngày làm quần quật như… trâu à? Anh quan trọng với người thật, nhưng họ chỉ xem anh như cái cày cái cuốc thôi. Còn tôi đây đường đường xưng hiệu “chúa sơn lâm”, ai nhắc đến cũng phải kính nể gọi một tiếng “ông ba mươi”. “Chúa” tất phải đứng đầu rồi, lãnh đạo phải có uy như tôi đây mới được.
                      Cô Mèo liền lên tiếng:
                      - Bác hổ nói có lý đấy, nhưng thời nay làm sếp mà không có… ngoại hình cũng không được đâu. Hình dáng bác khiếp thế kia, làm sao đi… giao dịch chứ? Phải như em đây, mình nhỏ, eo thon, dễ luồn dễ lách, lại giỏi lấy lòng, ăn vụng còn biết… chùi mép, có lở “ị” ra cũng biết cách giấu diếm… thế mới làm lãnh đạo được chứ? Bác không biết phụ nữ rất yêu loại mèo bọn em à? Mà phụ nữ là ưu tiên một đấy nhé.
                      Cậu Chó nhảy quay vào:
                      - À không, không thể được, người đứng đầu mà lại lươn lẹo như cô em à? Phải là người trung thành , đáng tin cậy như anh đây. Người ta bảo chó là người bạn tốt nhất của con người, ai mà cầm tinh tuổi anh đều dễ… thương cả đấy.
                      Nghe thấy thế, bác Rồng vừa e hèm vừa vuốt râu;
                      - Cậu em chó có thể làm bạn với người, nhưng ta cần… sếp, chứ có cần bạn đâu? Như ta đây, linh thiêng, cao quý mạnh mẽ nhất, luôn ở trên trời, sai gió gọi mưa… thế mới xứng là người đứng đầu chư! Cô Rắn liền xì một tiếng rõ to, vừa uốn éo mình xà, vừa phát biểu:
                      - Bác rồng ơi, bác nhìn quanh xem, có ai là con vật tưởng tượng như bác không, bác mà đứng đầu, thiên hạ lại chẳng bao giờ biết mặt mũi bác là ai, nhưng như mấy ông quan… liêu ấy à? Cử bác làm sếp, em chỉ e việc gì rồi cũng ảo như cái quĩ đầu tư colony thì chúng em… chếếếttt. Chi bằng cứ chọn em đây, trông cũng giống bác, nhưng được cái sờ tận tay, day tận mặt được. Bác cứ hỏi quý ông xem có ủng hộ rượu tam xà, ngũ xà không nào ?
                      Anh Ngựa gõ móng ra chiều không thuận :
                      - Hình dáng cô rắn mà làm sếp khó coi lắm, làm …. Thư ký thì được. Cô cứ uốn éo thế kia, lại mang nọc độc, ai mà dám ngoại giao với cô ? Phải chọn tôi, nhanh nhẹn, dáng đẹp này, biết đoàn kết này :”Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” đấy, làm kinh tế giỏi này ( không tin các bác cứ đến trường đua… ngựa mà xem nhé) .
                      Bác Dê be he lên một tràng :
                      - Chọn anh để cái thói … ngựa nó xuất hiện ngày càng nhiều à? Lý do chọn tôi không thể đơn giản hơn các bác ạ. Thử hỏi không bắt chước loài… dê chúng tôi thì có duy trì nòi giống con người không? Khối ông quan to vẫn học theo sư phụ này đấy nhá.
                      Cậu Khỉ liền góp tiếng :
                      - Này, xét ra thì tôi mới chính là tổ tiên loài người, trông … người hơn guý vị nhiều đấy. Lại nhớ xưa kia Tề Thiên Địa Thánh oai hùng đại náo thiên cung, danh vang khắp chốn. Tôi đứng đầu mới hợp lẽ.
                      Anh Gà vỗ cánh phành phạch :
                      - Cậu cứ hay làm trò khỉ, sao đủ nghiêm túc đứng đầu ? Phải như tôi đây, gồm đủ Văn – Võ –Nghĩa –Tín –Dũng, lại mỗi sáng đều dậy sớm gọi mặt trời. Có tôi đứng đầu thì đời mới tươi sáng chứ.
                      Chú Heo đứng mãi cuối hàng ,bây giờ mới lên tiếng:
                      - Các bác ạ, em thì chẳng có công trạng to lớn gì, nhưng giúp người no ấm cũng chả kém anh Trâu là mấy,chỉ cần bán cái ... thân em cũng đủ. Con người cũng tôn kính em chả kém bác Hổ, chẵng thế mà người ta luôn đặt đầu em lên bàn thờ những dịp lễ trọng. Còn cái trò của bác Dê bọn em cũng làm rất tốt. Em chỉ biết, nhìn em là thấy sung túc, no đủ, với lại an nhàn rồi. Con người ai chẳng thích thế hả các bác, dân dĩ thực vi tiên mà. Chọn em đứng đầu mới phải.
                      Các con vật đều đã phát biểu, Trời nhìn đi nhìn lại mới thấy chú chuột từ đầu cứ tủm tỉm cười mà chẳng nói gì. Trời liền phán hỏi:
                      - Tại sao Chuột không nói gì ?Hay ngươi không muốn đứng đầu ?
                      Chuột liền cung kính đáp :
                      - Bẩm Trời, con nghe các bác này nói mà thấy họ đều lầm cả. Ví như bác Hổ, có sức mạnh đấy nhưng chỉ doạ được vài người là cùng .Anh Trâu, anh Ngựa,anh Chó, cô Mèo … đều chỉ quanh quẩn xó nhà, tác động không thể to lớn. Anh Gà, bác Rồng chỉ có giá trị tinh thần, khó….thuyết phục quần chúng lắm ạ. Còn họ nhà Chuột chúng con,tuy nhỏ bé nhưng cắn phá hết mùa màng làm hư hao kho to đụn lớn đều là chuyện nhỏ. Nhiều ông quan hạ giới đục khoét kho tàng rỗng ruột rồi đều đổ cho Chuột làm, xem thế đủ biết sức mạnh loài Chuột.
                      Lại có câu “ cháy nhà mới ra mặt Chuột”, chui sâu, leo cao, ẩn mình kĩ lưỡng… như thế, nên loài chuột chúng con hay được ví với những ông quan to, hay nắm giữ chức cao quyền lớn, mà sức ăn thật vô cùng, chẳng từ thứ gì. Những kẻ ấy thật ra là những con chuột lớn đi hai chân mà thôi. Vì thế mà con thiết nghĩ chỉ có chúng con mới xứng đáng, thưa Trời!
                      Nghe lập luận đanh thép này của chuột, chẳng loài vật nào nói được gì nữa. Thế là từ đó, Trời chọn Chuột đứng đầu 12 con giáp, khiến cho mãi đến nay, rất nhiều chuột hai chân vẫn còn nhan nhản trên đời.
                      Anh 2 thấy bài này hay hay gửi cho các bạn và quynh đọc cho vui

                      Comment

                      • #56

                        12 con giáp được xác lập từ lúc nào?

                        Cứ mỗi năm đến Tết Nguyên đán, ở phương Đông, trong đó có Việt Nam lại chào đón một con vật mới biểu tượng cho một năm mới và lưu luyến chia tay con vật tượng trưng cho năm cũ, với lời hẹn gặp lại sau 12 năm. Việc chọn các con vật làm biểu tượng đứng đầu mỗi năm, tức là 12 con giáp - có tuân theo quy luật nào không? Hay chỉ là ngẫu nhiên?
                        * 12 con giáp được xác lập từ lúc nào?
                        Ở Trung Quốc cũng như Việt Nam và nhiều nước Châu Á khác, lịch của người Châu Á được lập theo chu kỳ 60 năm, tương tự như chu kỳ 100 năm (một thế kỷ) của lịch Châu Âu. Mỗi năm, lịch châu Á sẽ cho 12 con vật: Chuột (Tý), trâu (Sửu), cọp (Dần), thỏ/mèo (Mão/Mẹo), rồng (Thìn), rắn (Tỵ), ngựa (Ngọ), dê (Mùi), khỉ (Thân), gà (Dậu), chó (Tuất), heo (Hợi) thay phiên chủ trì, gọi là 12 con giáp.
                        Người xưa quan niệm Thiên là căn bản gốc, Địa là ngọn ngành. Lập ra Thiên can người xưa lấy số Dương của Hà Đồ (số lẻ) là 1, 3, 5, 7, 9, lấy số 5 ở giữa gấp đôi lên để bao hàm cả âm can (Ất, Đinh, Kỷ, Tân, Quý) và cả dương can (Giáp, Bính, Mậu, Canh, Nhâm), tất cả 10 can theo thứ tự Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý. Địa chi lấy số âm (số chẵn) là 2, 4, 6, 8, 10. Lấy số 6 ở giữa nhân gấp đôi để tạo thành 12 chi: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi bao gồm cả dương chi (Tý, Dần, Thìn, Ngọ, Thân, Tuất) và âm chi (Sửu, Mão, Tỵ, Mùi, Dậu, Hợi).
                        Thời xa xưa lấy mặt trời làm gốc. "Mặt trời mọc thì đi làm, mặt trời lặn thì nghỉ". Gặp hôm trời u ám không thấy mặt trời, thật chả biết dựa vào đâu. Tương truyền có một người tên là Đại Nhiêu đã lập ra Thập can và Thập nhi chi để tính thời gian.
                        Về lý do tại sao giữa muôn thú chỉ chọn 12 con vật đó làm 12 con giáp? Sao trong bảng thứ hạng, chuột là con vật bé nhất mà lại dẫn đầu? Đến nay, mặc dù các nhà chiêm tinh học vẫn chưa tìm được câu trả lời chính xác và đầy đủ.
                        Tuy nhiên trong quyển Luận hành – văn hiến lâu đời nhất ở Trung Quốc ghi chép về 12 con giáp, danh tác của Vương Sung vào thời Đông Hán, có chú giải: “Đất tạo ra sửu, mà trâu là vật khai địa, vì vậy sửu thuộc về trâu; người sinh ra từ dần, người chết trở thành hổ, nên dần thuộc về hổ...”, qua đó có thể thấy 12 con giáp bắt đầu được xác lập từ đời Hán ở Trung Quốc. Song, điều đó chưa lý giải được từ đâu mà hình thành nên bảng xếp hạng 12 con vật.
                        * Vì sao người xưa chỉ chọn 12 con vật?
                        Trong quyển Tùng hạ quán chuế ngôn vào đời nhà Thanh giải thích rằng, việc lựa chọn và xếp thứ tự 12 con vật được căn cứ vào thời gian hoạt động mạnh của các con vật tiêu biểu cho từng loại, mà chọn ra các thứ hạng tương ứng theo chu kỳ 12 thời khắc trong ngày (1 thời khắc tương đương 2 giờ):
                        - 11 giờ đêm đến 1giờ sáng: Lúc chuột hoạt động mạnh nhất, gọi là giờ Tý.
                        - 1 giờ sáng đến 3 giờ sáng: Khi ấy, trâu ăn no, nhưng nhai lại cho kỹ, chuẩn bị trời sáng đi cày ruộng, là giờ Sửu.
                        - 3 giờ sáng đến 5 giờ sáng: Lúc cọp đi săn mồi, rất hung hãn, là giờ Dần.
                        - 5 giờ sáng đến 7 giờ sáng: Thời điểm này, mặt trời bắt đầu mọc, nhưng mặt trăng vẫn còn chiếu sáng, vì ngọc thố (thỏ) đang bận giã thuốc cho Hằng Nga tiên nữ trên cung trăng, gọi là giờ Mão/Mẹo.
                        - 7 giờ sáng đến 9 giờ sáng: Đây là lúc quần long hành vũ, gọi là giờ Thìn.
                        - 9 giờ sáng đến 11 giờ trưa: Rắn về hang, không cắn người, đặt là giờ Tỵ.
                        - 11 giờ trưa đến 1 giờ trưa: Lúc ánh nắng mặt trời gay gắt nhất, là thời gian ngựa phi nước đại, nên gọi là giờ Ngọ.
                        - 1 giờ chiều đến 3 giờ chiều: Dê ăn cỏ, gọi là giờ Mùi.
                        - 3 giờ chiều đến 5 giờ chiều: Khỉ nghịch ngợm, thích kêu hú, là giờ Thân.
                        - 5 giờ chiều đến 7 giờ tối: Gà về ổ ngủ, là giờ Dậu.
                        - 7 giờ tối đến 9 giờ tối: Chó bắt đầu đi săn mồi ban đêm, là giờ Tuất.
                        - 9 giờ tối đến 11 giờ tối: Lúc lợn ngủ say nhất, là giờ Hợi.
                        * Vì sao chuột đứng đầu 12 con giáp?
                        Học giả Hồng vốn đời nhà Tống thì cho rằng cách tuyển chọn của người xưa là căn cứ vào các con vật có ngón chân. Những con vật ở đây chân trước cũng như chân sau chân phải cũng như chân trái đều có số lượng ngón chân như nhau dù 2 hoặc 4 chân (trâu: 4; hổ: 5; rắn tuy không chân nhưng cũng thuộc loại guốc chẵn như bò dê...). Riêng mỗi loài chuột chân trước 4 ngón chân sau 5 ngón vì quá đặc biệt như vậy nên được xếp vào vị trí hàng đầu trong 12 con giáp.
                        Một ý kiến khác giải thích rằng thuở xưa mỗi ngày đêm được chia thành 12 thời khắc. Người xưa đã chọn ra 12 con vật mỗi con phù hợp với từng thời khắc trong đó căn cứ vào sự ẩn hiện hàng ngày có tính quy luật của nó. Theo đó thì giờ Tí (11 giờ đêm - 1 giờ sáng) là lúc loài chuột hoạt động mạnh mẽ nhất, như cách lý giải ở trên nên chuột được xếp đứng đầu 12 con giáp.

                        Tranh dân gian: Đám cưới chuột
                        Thứ hạng 12 con giáp được hình thành từ cách tuyển chọn này. Nhưng vị trí hàng đầu của "ông tí" có lẽ vì khó có thể giải thích cho hợp lý nên xưa nay người ta phải dùng đến các câu chuyện cổ tích hoặc thần thoại. Trong các câu chuyện nói về sự tranh giành đó với trâu con vật có thể xác lớn nhất trong 12 con giáp chuột tuy nhỏ bé nhưng lanh lợi và thông minh.
                        Theo quan niệm trong các truyền thuyết dân gian. Tương truyền Ngọc Hoàng thượng đế chọn được 12 con vật để đặt cho con giáp và phán: Trong tất cả các ngươi, trâu lớn nhất, vậy ta để trâu đứng đầu vậy. Chuột tỏ ý phản đối và nói rằng trong lòng con người nó được coi là lớn hơn trâu. Do vậy, Ngọc Hoàng đem tất cả các con vật xuống trần thế để xác minh lời chuột nói. Khi trâu đi ngang qua con người, chỉ nghe người nói: Con trâu này béo khoẻ thật, mà không phải là con trâu này to lớn thật. Lúc này, chuột liền nhảy lên lưng trâu, dùng hai chân đứng thẳng lên, con người trông thấy kinh ngạc nói: “Ối chà! Con chuột này to thật!” Thế là chuột được Ngọc Hoàng chọn đứng đầu 12 con giáp.
                        Nhìn chung trong các truyền thuyết dân gian, tính cách của chuột là tinh ranh, xảo quyệt, thường dùng mưu để thắng các đối thủ để giành lấy vị trí thứ nhất trong 12 con vật. Điều này tuy không phải là cơ sở giải thích một cách khoa học, song nó cho thấy một cách nhìn về chuột trong dân gian: vừa căm ghét, sợ hãi lại vừa kính nể, sùng bái. Do vậy, khi sắp xếp thứ tự 12 con giáp, người xưa cho rằng chuột thông minh nhất nên được xếp đứng đầu.

                        SƯU TẦM

                        Comment

                        • #57

                          hay quá , hoan hô anh 2 , giống giống chuyện luc súc tranh công , anh 2 há.

                          Lục súc tranh công Lục súc là sáu giống gia súc: trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn. Sáu con tranh nhau kể công, cho nên gọi là tranh công. Đầu tiên, trâu tị với chó, chó cãi lại, đến lượt chó tị với ngựa, rồi ngựa với dê, dê với gà, gà với lợn; không con nào chịu con nào. Nhờ có lời giảng giải của chủ nhà, sáu con lại hiểu nhau và con nào cứ yên phận làm tròn công việc con ấy.
                          Cuốn văn này đặt thành lối tuồng, là biến thể của lối song thất, cộng được 570 câu, đoạn đầu 12 câu là đoạn lung, đoạn thứ nhì đến đoạn 11, là những lời tranh luận của lục súc, đoạn cuối có bốn câu là lời tổng kết.
                          Tác giả chưa rõ là ai, nhưng xét những tiếng dùng trong cuốn văn: ghe (nhiều), lóng (nghe), ben (bì, ví), mè (vừng), bươi (bới) v.v... phần nhiều là tiếng miền trong, thì tác giả có lẽ là một nhân vật trong phái cựu học ở vùng Nghệ Tĩnh trở vào. Còn về giọng và lối văn, thì thuộc về Lê mạt, Nguyễn sơ chi đó, vì từ lý chải chuốt, âm vận du dương, khác với những thể văn chất phác ở thời cổ nhiều.
                          Tác giả là một nhà học vấn uyên bác, dùng nhiều điển cổ để tả rõ cái tình trạng, cảnh huống của loài gia súc, mỗi một con có một khẩu khí, một địa vị, thỉnh thoảng lại thêm vài câu trào phúng, rất tao nhã và có nhiều ý vị.
                          Nay thử trích ra trong mỗi đoạn mấy câu như sau này:
                          Trâu kể công:
                          Không nhớ thủa bôi chuông đường hạ.
                          Ơn Tề vương vô tội bảo tha,
                          Tưởng chừng khi sức mỏi tuổi già,
                          Cám Điền tử dạy con chớ bán.
                          Lời cổ nhân còn dặn,
                          Sao ông chủ vội quên
                          Chẳng nhớ câu: "Dĩ đức hành nhân".
                          Lại lấy chữ: "Báo ân dĩ oán"
                          Trâu chê chó:
                          Chưa rét đã phô rằng rét,
                          Xo ro đuôi quít vào trôn,
                          Vấy bếp người, tro trấu chẳng còn,
                          Ba ông táo lộn đầu, lộn óc.
                          Chó kể công:
                          Đêm năm canh, con mắt như chong,
                          Đứa đạo tặc nép oai khủng động.
                          Ngày sáu khắc, lỗ tai bằng trống,
                          Đứa gian tham thấy bóng cũng kinh.
                          Chó chê ngựa:
                          Dại không ra dại
                          Khôn chẳng ra khôn
                          Ngất ngơ như ốc mượn hồn,
                          Nuôi giống ấy làm chi cho rối.
                          Ngựa kể công:
                          Mỏi gối nưng phò xã tắc,
                          Mòn lưng cúi đội quân vương.
                          Ngày ngày chầu chực sân rồng
                          Bữa bữa dựa kề long giá.
                          Ngựa chê dê:
                          Gẫm giống chi hữu đầu vô vĩ,
                          Hình con con, bụng lớn chang bang.
                          Cáng náng như đứa có hạ nang,
                          Sớn sác tựa con chàng kẻ cướp.
                          Dê kể công:
                          Dê vốn thật thuộc về vật lễ,
                          Để hòng khi về hạng tư văn,
                          Để dành khi tế thánh, tế thần,
                          Lại có thủa kỳ an, kỳ phước,
                          Hễ có việc lấy dê làm trước,
                          Dê dâng vào, người mới lạy sau.
                          Dê chê gà:
                          Ba cái rác nằm không yên chỗ,
                          Mấy bụi rau nào đã bén dây
                          Cả ngày thôi những khuấy cùng rầy,
                          Nuôi giống ấy làm chi vô lối.
                          Gà kể công:
                          Đã cứu nạn Mạnh thường đặng thoát,
                          Lại khuyên người Tống sĩ năm canh,
                          Hễ ai toan cãi dữ, làm lành,
                          Gà cũng biết tỉnh mê giấc điệp.
                          Nhân đến chuyện Chu gia bá nghiệp,
                          Coi giò gà xét biết thịnh suy.
                          Dóng canh khuya vui dạ kẻ tiêu y,
                          Cất tiếng gáy toại lòng người đãi đán.
                          Gà chê lợn:
                          Heo ăn rồi ngủ ngáy sì sì,
                          Giả ngây dại biết gì việc chủ,
                          Ngắm diện mạo dị hình, dị thú,
                          Xem dung nhan khác thế lạ đời.
                          Như nuôi chơi chẳng phải giống chơi.
                          Chạy rau cám như tiền nội án.
                          Lợn kể công:
                          Kìa những việc hôn nhân giá thú,
                          Không heo ra tính đặng việc chi ?
                          Dầu cho mời năm bảy chuyến đi,
                          Cũng không thấy một người thấp thoáng,
                          Việc hoà giải heo đầu công trạng,
                          Thấy mặt heo nguôi dạ oán thù.
                          Xem đại khái như mấy câu trích ra trên đây, lời lẽ rất đúng, giọng hài hước cực hay, thì nội dung cuốn văn có giá trị là chừng nào. Tác giả có ý nói về việc đời, bất cứ lớn hay nhỏ, mỗi người có một chức vụ, làm trọn được, tức là giúp cho đời, và không nên ganh tị lẫn nhau. Tuy đó là lý tự nhiên ai ai cũng hiểu, song sự xao nhãng chức vụ của mình lại thường là cái thông bệnh của loài người, tác giả muốn lấy cuốn văn này làm một bài châm biếm thiết thực và đích đáng, thật là một văn gia rất quan tâm đến thế đạo nhân tình vậy. ST
                          <Nếu con luôn để cả thế giới đánh giá mình, con sẽ luôn thất vọng>

                          Comment

                          • #58

                            Xuân Ca





                            Xuân Ca...

                            Sắt se cái lạnh giao mùa
                            Lưa thưa sợi nắng, ngày chưa kịp tàn
                            Ngoài sân én liệng dọc_ngang
                            Dăm con bất chợt vụt sang bên đình

                            Chỉ là một khoảng lặng thinh
                            Cây nêu vàng võ, trúc xinh ngã màu

                            .....
                            Vô tình gió giũ qua mau
                            Lao xao cành lá, cung sầu viễn miên

                            TiCa
                            1.15.12


                            Đã chỉnh sửa bởi TiCa; 15-01-2012, 06:12 PM.

                            Comment

                            • #59

                              Xuân Quê hương 2012: Rồng thiêng hội tụ

                              Ở đây trên xứ người, hàng năm cứ mỗi độ xuân về, những kỷ niệm về tết ở miền Trung lại sống dậy trong lòng tôi cùng với những kỷ niệm một phần đời những người thân yêu của tôi nơi ấy, là một trong muôn nẻo tìm về quê hương trong lòng người viễn xứ.
                              Quỳnh Chi

                              Xuân Quê hương 2012: Rồng thiêng hội tụ
                              “Mỗi năm, khi xuân về, tết đến, từ sâu thẳm tâm hồn, mọi người con đất Việt dù ở đâu đều mong muốn được về với gia đình, với cội nguồn, được đoàn tụ bên nhau trong nghĩa tình ấm áp, cùng nhau tưởng nhớ đến công đức của tổ tiên và cầu chúc cho quê hương, gia đình, con cháu luôn bình an, phát triển.
                              Đã chỉnh sửa bởi Mayvienxu; 15-01-2012, 04:50 PM.

                              Comment

                              • #60

                                Truyền thống cúng đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp) dịp Tết Nguyên Đán

                                Truyền thống cúng đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp) dịp Tết Nguyên Đán

                                Click image for larger version

Name:	ong-tao-300x279.jpg
Views:	48
Size:	24.9 KB
ID:	260435Theo tục lệ cổ truyền, người Việt tin rằng, hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Cho đến đêm Giao thừa Táo Quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của mình.
                                Vị Táo Quân quanh năm ở trong bếp nên biết hết mọi chuyện hay dở tốt xấu của mọi người, cho nên để Vua Bếp “phù trợ” cho mình được nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa Ông Táo về chầu Ngọc Hoàng rất trọng thể.

                                Người ta thường mua hai mũ Ông Táo có hai cánh chuồn và một mũ dành cho Táo Bà không có cánh chuồn, ba cái áo bằng giấy cùng một con cá chép (còn sống hoặc bằng giấy, hoặc cũng có thể dùng loại vàng mã gọi là “cò bay ngựa chạy”) để làm phương tiện cho “Vua Bếp” lên chầu trời.
                                Ông Táo sẽ tâu với Ngọc Hoàng về việc làm ăn, cư xử của mỗi gia đình dưới hạ giới. Lễ cúng thường diễn ra trước 12h trưa, sau khi cúng xong, người ta sẽ hóa vàng đồ lễ, nếu có cá sống thì sẽ đem thả xuống sông, hồ, biển hay giếng nước, tùy theo khu vực họ sinh sống.
                                Lễ vật:
                                Mâm cỗ mặn, bánh kẹo, trầu cau, rượu. Hương, đèn nến, lọ hoa tươi, đĩa ngũ quả tươi. Ba bộ mũ áo, hia hài Táo Quân cùng tiền vàng. Ba con cá chép sống.
                                Sau khi bày lễ, thắp hương và khấn vái xong, đợi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa, lễ tạ rồi hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối… để thả cá chở ông Táo lên chầu Trời.
                                Bài khấn:
                                Con kính lạy ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân.
                                Tín chủ chúng con là: …………
                                Ngụ tại: ………………………….
                                Hôm nay là ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm, sắp sửa hương hoa vật phẩm, xiêm hài áo mũ, kính dâng Tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái. Chúng con kính mời ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án thụ hưởng lễ vật.
                                Phỏng theo lệ cũ, ngài là vị chủ, ngũ tự Gia Thần, soi xét lòng trần, Táo quân chứng giám.
                                Trong năm sai phạm, các tội lỗi lầm, cúi xin Tôn thần, gia ân châm chước. Ban lộc ban phước, phù hộ toàn gia, trai gái trẻ già, an ninh khang thái.
                                Dãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám.
                                - Phục duy cẩn cáo!



                                Đã chỉnh sửa bởi hoangvu; 30-06-2019, 11:43 AM.
                                <Nếu con luôn để cả thế giới đánh giá mình, con sẽ luôn thất vọng>

                                Comment

                                Working...
                                X
                                Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom