Những bài thơ xuân cuối cùng của Tản Đà (I)
Tản Đà là nhà thơ có nhiều thơ xuân nhất so với các nhà thơ mới cũng như thơ cũ. Từ những bài đầu tiên khi nhà Nho lạc đệ bắt đầu vứt bút lông dùng bút sắt vào năm 1915, cho tới khi qua đời vào năm 1939, ông đã sáng tác khoảng trên hai chục bài thơ xuân.
Những bài thơ khai bút của Tản Đà ở tuổi ba mươi thường là những vần tự trào với nụ cười tươi và giòn giã, phản ánh niềm tin vào tài năng và tương lai. Ngày ấy, cậu ấm Hiếu sau khi trượt thi khoa Nhâm Tý (1912), chán nản vì cuộc tình đầu với nàng Đỗ thị, cô hàng sách ở phố Hàng Bồ tan vỡ, đã có lúc xúc cảm, dạm bán áo đoạn và viết những lời nghe mà dễ cảm thông cho bậc tài hoa duyên tình và công danh lận đận:
Cử tú không mà rể cũng không
Còn mang áo đoạn để ai trông!
Kẻ đa sầu, đa cảm và đa tài thường để lòng hòa nhịp với 'mạch nước sông Đà" và tâm hồn thả theo "ngàn mây non Tản" đã bắt đầu chuyển hướng đời sau khi lập gia đình vào năm 1915 vào lúc thi cử cũ bắt đầu bãi bỏ. Với truyền thống kẻ sĩ thờ ba lý tưởng: 'tối thương lập đức, kỳ thứ lập ngôn, ký thứ lập công' (cao nhất là việc lập đức để cho đời đức sáng của mình cho đời noi theo, kế tiếp là việc lập ngôn để lại lời dạy thế nhân, thứ ba mới tới lập công danh), từ đó Tản Đà không còn lưu luyến với việc ra làm phụ mẫu của dân nữa mà quay sang dùng văn mặc để làm công việc "lập ngôn," nghĩa là dùng ngòi bút để thực hiện hoài bão tài bồi văn hóa, dựng lại kỷ cương cho đời.
Trong thâm tâm Tản Đà tin rằng mình bị Trời đày về tội ngông và giao cho nhiệm vụ truyền bá thuyết Thiên lương cho nhân loại để chuộc tội, Trong bài Hầu Trời viết vào năm 1921 nhà thơ đã bày tỏ ý này:
Trời rằng: "không phải là Trời đày,
Trời định sai con một việc này
Là việc thiên lương của nhân loại
Cho con xuống thuật cho đời hay."
Tin vào khả năng của mình và cũng tin việc truyền bá thuyết thiên lương cho đời là một thiên chức mà ông phải làm, nên từ năm 1915, ông bắt đầu viết cho Đông Dương Tạp Chí của Nguyễn Văn Vĩnh và năm 1916 đã cho thi tập Khối Tình Con ra đời. Cho tới năm 1920, Tản Đà đã nổi danh với nhiều bài luận thuyết và các cuốn sách loại học làm người như Đài gương dạy đạo phụ nữ (1919) và nhiều cẩm nang giáo dục trẻ thơ như Lên Sáu (1919) và Lên Tám (1920).
Ta hãy nghe ông khai bút vào năm 1920 tức năm Canh Thân khi hai chữ Tản Đà đã chinh phục được độc giả ba Kỳ:
Năm nay tuổi đã ba mươi hai
Ta nghĩ mà ta chẳng giống ai
Khắp bốn phương trời không thước đất
Địa cầu những muốn ghé bên vai!
Con người nghệ sĩ, phóng túng như Tản Đà, cho dù đã lập gia đình nhưng vào tuổi tam thập ông vẫn chưa lập hiểu theo nghĩa chưa xây dựng được một tổ ấm. Rõ ràng nhà thơ vẫn tiếp tục sống trong cảnh mà ông từng tâm sự:
Bẩm trời cảnh con thực nghèo khó
Trầân gian thước đất cũng không có
Nhờ trời năm xưa học ít nhiều
Vốn liếng còn một bụng văn đó
Giấy người, mực người, thuê người in
Mướn của hàng người bán phường phố
Chí thì giàu, tài phong phú, nhưng tính lại phóng túng nên thi nhân thường gặp cảnh:
Văn chương hạ giới rẻ như bèo,
Kiếm được đồng lãi thực rất khó!
Kiếm được thì ít tiêu thì nhiều
Làm mãi quanh năm chẳng đủ tiêu
Tuy nhiên khi xuân về, khai bút mừng xuân, nhà thơ vẫn dùng giọng giễu cợt, ngông nghênh khi nói về mình, về chí hướng của mình:
Năm nay tuổi đã ba mươi ba
Ta nghĩ mà ai chẳng giống ta
Lo nước, lo nhà, lo thế giới
Còn thêm lo nợ, nghĩ chưa ra!
Niềm tin vào tài hoa, vào tương lai, mong chờ vận hội mới trong hơn mười năm từ những năm cuối của thập niên 1920 sang những năm đầu của thập niên 1930 vẫn bừng bừng sôi sục trong tâm trí Tản Đà . Ở Bắc ông ra tờ An Nam Tạp Chí (1926 ở phố Hàng Lọng, Hà Nội) và vào Nam ông viết cho Thần Chung và Đông Pháp của Diệp văn Kỳ. Giấc mơ "tài bồi bức dư đồ rách" của Tản Đà khiến hậu thế tâm phục và cảm động cho dù An Nam Tạp Chí ra rồi lại đìmh bản, đình bản rồi tục bản tới 6 lần nhưng Tản Đà vẫn không bỏ cuộc. Cho tới mùa xuân 1936, độc giả mới thoáng thấy tâm trạng chán nản một kẻ sĩ muốn dấn thân mà không có cơ hội dấn thân, có tài mà sinh bất phùng thời, trong bài Xuân Tứ sáng tác lúc xuân về khi nhà thơ bước dần tới tuổi 50:
Xuân xưa Hàng Lọng cờ bay
Thoi đưa ngày tháng đã đầy mười năm
Biết bao ra Bắc vào Nam
Bức dư đồ rách đã cam khó lòng
Văn chương chút nghĩa đèo bòng
Thuyền không tay lái vẫy vùng được sao?
Ngày xuân thêm tuổi càng cao
Non xanh nước biếc càng ngao ngán lòng!
Ngày nay chúng ta thường đọc sớ táo quân, người viết sớ thường tường thuật những việc dưới trần trong năm cũ để tấu trình Thượng đế nhưng Tản Đà trong bài Tiễn Ông Công Lên Trời viết vào cuối năm 1937 đã để cả một bài với 40 câu để nói về mình, bộc bạch tấm lòng vì đạo vì đời của một nhà Nho khí phách khi Nho học suy tàn và vận nước ngả nghiêng, nhân tâm suy đồi trong khi bản thân thì bất đắc chí:
Khi làm chủ bút lúc viết mướn
Hai chục năm dư cảnh khốn cùng
Trần gian thước đất vẫn không có
Bút sắt chẳng hơn gì bút lông
Ngày xuân như ngựa, đầu xanh bạc
Chán cả giang hồ, hết cả ngông.
Qua hết đông này năm chục tuổi
Xuân sang đã nửa giấc mơ mòng.
Văn chương quẩn mãi cùng thân thế
Sự nghiệp mong gì với núi sông.
Câu chuyện hầu trời khi tưởng đến
Gan càng như nấu lại như nung!
Nếu không một việc làm xong trọn
Luống để trăm năm mắc thẹn thùng!
Chút lòng ký thác xin ông giúp
Minh bạch tâu lên đế cửu trùng.
Hai chữ Thiên lương thằng Hiếu nhớ
Dám xin không phụ Trời trông mong!
Bài thơ đón xuân có những câu dự báo điềm xui cho nhà thơ. Đọc mấy câu toàn điệu buồn của một kẻ thất chí thì mấy ai không chạnh lòng thương tiếc nhà thơ:
Qua hết đông này năm chục tuồi
Xuân sang đã nửa giấc mơ mòng
Có người nghĩ rằng, câu nói gở đã vô tình báo trước Tản Đà tạ thế vào tuổi năm 50 (sinh 20 tháng 04 năm Kỷ Sửu (1889), tạ thế 20 tháng Tư năm Kỷ Mão (1939). Ngày sinh và ngày mất âm lịch giống nhau) và cũng cho biết trước ông sẽ chết vì bệnh gan:
Câu chuyện hầu trời khi tưởng đến
Gan càng như nấu lại như nung
Tản Đà viết những câu trên vào 23 tháng Chạp năm Tân Sửu (1937) và bài được đăng báo xuân đầu năm Mậu Dần (1938).
Trong năm Mậu Dần tình cảnh nhà thơ thêm thê lương, mở hàng xem bói không đắt khách, dạy làm thơ không mấy học trò, bài dịch thơ Đường cho báo Ngày Nay khi có khi không. Tuy nhiên, cuối năm Dần sang đầu năm Mão (1939) sức khỏe của thi nhân còn tốt. Cho tới cuối tháng 5/1939 mới bộc phát căn bệnh gan và Tản Đà qua đời trong thời gian rất ngắn, gây bất ngờ cho nhiều bè bạn làng văn và độc giả cả nước.
Trường hợp Tản Đà khiến người ta nhớ tới Nguyễn Bính.
Nguyễn Bính ở tuổi 20, vào một mùa xuân, xuân Canh Thìn (1940) trong ngày mồng Một Tết đã viết một bài thơ buồn có tên là Nhạc Xuân mô tả nỗi buồn ly biệt và nhớ thương người tình xưa mà ông gọi là cố nhân. Toàn bài như những hàng lệ nhỏ trong lòng và tiếng thở dài ai oán, vô tình đã vận tới cuộc đời tác giả sau này. Đọc hai câu trong bài Nhạc Xuân:
Năm mới tháng giêng mồng một tết
Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân
Rồi câu kết thúc bài chẳng khác chi lời trăng trối:
Huyền Trân ơi!
Mùa xuân, mùa xuân, mùa xuân rồi
Giờ đây chín vạn bông trời nở
Riêng có tình ta khép lại thôi
Cái chết của nhà thơ không hiểu sao lại ứng nghiệm như lời thơ dự liệu. Hơn chục năm sau vào ngày 30 tháng Chạp năm Ất Tỵ (1965) chỉ còn vài giờ bước sang năm Bính Ngọ (1966), còn trọn một tháng Giêng, một mùa xuân chưa kịp hưởng, nhà thơ ra vườn nhà một người bạn chơi và trúng gió bất ngờ giã từ cuộc thế. Đúng là:
Năm mới tháng giêng ngày một tết...
Riêng có tình ta khép lại thôi.
Có lẽ vì thế nên cổ nhân thường khuyên kẻ thích khai bút rằng đầu năm nên nói chuyện vui chứ đừng có lời buồn vì không chóng thì chầy có thể vận vào người viết.
Hoàng Yên Lưu
Comment