• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Cậu bé bán thuốc lá dạo ở VN trở thành nhà khoa học tài giỏi ở Mỹ

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Cậu bé bán thuốc lá dạo ở VN trở thành nhà khoa học tài giỏi ở Mỹ

    Cậu bé bán thuốc lá dạo ở VN trở thành nhà khoa học tài giỏi ở Mỹ



    Một nhà khoa học thành danh ở Mỹ với nhiều công trình nghiên cứu và hằng trăm bài viết được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế xuất thân từ một cậu bé bán thuốc lá dạo ở chợ Gò Vấp, Sài Gòn. Câu chuyện của Giáo sư-Tiến sĩ Hóa học Trương Nguyện Thành hiện đang giảng dạy tại trường đại học Utah, Hoa Kỳ, là niềm hãnh diện của người Việt trên trường quốc tế và là tấm gương đáng khâm phục để giới trẻ Việt Nam noi theo.


    Giáo sư Trương Nguyện Thành chụp tại Viện Khoa Học-Công Nghệ-Thông Tin ở Sài Gòn


    Năm 11 tuổi, cậu bé Thành đã bắt đầu bươn chải, dãi dầu mưa nắng để kiếm tiền phụ mẹ nuôi 9 anh chị em sau khi cha mình bị liệt bán thân. Ngày ngày, sau giờ tan trường từ giữa trưa đến tận 9, 10 giờ đêm, cậu bé rong ruổi với thùng thuốc lá trên vai đi bán dạo quanh bến xe lam chợ Gò Vấp. Năm 1976, khi Việt Nam mở chiến dịch đưa cư dân ra các vùng kinh tế mới xa xôi, hẻo lánh, gia đình Thành chuyển xuống Lái Thiêu xoay sở tậu được một miếng ruộng nhỏ và một cặp trâu. Ở tuổi 15, Thành bỏ nghề bán thuốc lá dạo để chuyển sang đi cày thuê cuốc mướn. Việc học của cậu bé bị cản trở và chi phối rất nhiều bởi công cuộc mưu sinh vất vả hằng ngày, nhưng ý chí quyết tâm theo đuổi con đường học vấn để đổi đời đã vun đúc trong lòng cậu bé từ rất sớm.
    Tiến sĩ Thành chia sẻ:
    “Tôi có tư duy thích học, những lúc rảnh rỗi, tôi thường lấy sách đọc. Chỉ có môn toán là tôi học được vì không đòi hỏi tập trung nhiều. Cứ rảnh là tôi ngó qua một cái rồi để cái đầu tôi làm việc. Tôi được sự dạy dỗ của ông nội và ba tôi. Họ thường khuyên rằng học vấn là con đường ngắn nhất để đưa một người không có gì tới thành công.”
    Tới năm học lớp 12, con đường học vấn của cậu bé nghèo, lam lũ bắt đầu rẽ bước ngoặt, xuất phát từ một đáp án dí dỏm của Thành trước câu hỏi của thầy đố các học sinh giỏi. Ấn tượng trước sự thông minh của Thành, người thầy đã soạn đưa cho cậu bé một số sách để tham khảo.
    Giáo sư Trương Nguyện Thành kể lại:
    “Năm 1979, Việt Nam lần đầu tiên tổ chức kỳ thi toán toàn quốc. Thầy tôi có đem mười mấy cuốn sách cho tôi mượn, bảo tôi đọc cho biết rồi tới dự lớp thầy dạy cho các học sinh giỏi dự thi toán. Tôi rất cảm động trước nghĩa cử này. Mỗi tối sau giờ làm ruộng, tôi đốt đèn dầu đọc sách từ 9 giờ tới 12 giờ đêm. Thời điểm đó, ở Việt Nam, hạnh kiểm là vấn đề khá quan trọng. Hạnh kiểm tôi tương đối xấu nên cô hiệu trưởng không cho tôi đi thi học sinh giỏi toán. Ông thầy lén đưa tôi đi theo đội tuyển, may quá tôi thi đậu. Tỉnh Bình Dương lúc đó chọn khoảng 30-40 em học sinh giỏi toán lên trên tỉnh học chuyên toán trong 3 tháng. Sau 3 tháng, họ tuyển lại lấy 5 em. Tôi cũng may mắn lọt vào trong 5 em đó. Cũng vì thế, ba tôi nhận ra rằng tôi có tiềm năng. Từ lúc đó, ông khuyên tôi nên nghỉ đừng đi cày thêm mà tập trung học. Và từ đó, ông tìm cách cho tôi ra nước ngoài.”
    19 tuổi, sau khi thi đậu vào đại học Bách Khoa, chàng thanh niên Trương Nguyện Thành vượt biên sang Mỹ. Sau 1 năm ở trung học với những khó khăn bước đầu về ngôn ngữ, anh từ giã gia đình bảo trợ người Mỹ để bắt đầu cuộc sống tự lập ngay từ năm thứ nhất đại học. Để trang trải sinh hoạt phí trong thời đèn sách, phần đông các bạn trẻ ở đây thường phụ việc ở nhà hàng, tiệm giặt ủi, hay đi giao báo. Riêng trường hợp của Thành, anh tìm đến một người thầy và xin được theo chân làm việc trong phòng thí nghiệm để bắt đầu công việc nghiên cứu ngay từ năm đầu đại học, một công việc thường bắt đầu ở bậc cao học. Số tiền kiếm được đủ trang trải các khoản chi phí hết sức tiết kiệm hằng ngày. Còn học phí của anh chủ yếu nhờ các khoản vay từ nguồn quỹ dành cho sinh viên và các phần học bổng của chính phủ. Sau 4 năm đại học, anh ra trường với bằng cử nhân hóa học cùng với 4 văn bằng phụ về lý, toán, công nghệ thông tin, và thống kê.
    Tốt nghiệp đại học, anh đi thẳng vào chương trình tiến sĩ. Trong thời gian nghiên cứu hậu tiến sĩ, anh dành được học bổng của Qũy Khoa học Quốc gia dành cho các tiến sĩ trẻ có tiềm năng vì lúc tốt nghiệp tiến sĩ, anh đã có 16 bài nghiên cứu trong khi trung bình một tiến sĩ khi ra trường xuất bản chừng 4-5 bài nghiên cứu. Năm 1992, anh về làm Giáo sư hóa cho trường đại học Utah. Một năm sau, anh được chọn là 1 trong những nhà khoa học trẻ nhiều triển vọng của Hoa Kỳ, với giải thưởng 500 ngàn đô la cho công tác nghiên cứu. Năm 2002, anh được cấp bằng Giáo sư Cao cấp, tức bậc cao nhất trong 3 cấp Giáo sư của Mỹ.
    Những yếu tố nào giúp một cậu bé lam lũ, nghèo khó từng bán thuốc lá dạo, cày thuê cuốc mướn ở đáy xã hội Việt Nam lột xác, đổi đời thành một nhà khoa học danh tiếng tại Mỹ?
    Giáo sư-Tiến sĩ Trương Nguyện Thành cho biết:
    “Người đó có tiềm năng trời phú. Thứ hai, có môi trường giúp họ phát triển. Thứ ba, người đó có nhận thức được rằng mình có cơ hội đó hay không.
    Tiềm năng chỉ là khả năng, muốn đạt được thành công đòi hỏi phải có môi trường để phát triển. Môi trường không cho phép người đó phát triển, thì cũng không làm được. Điển hình là người Việt ở Mỹ hay ở nước ngoài thành công rất cao, thế nhưng tại sao ngay tại Việt Nam không có những ngôi sao như vậy?
    Khi tôi bước chân vào trung học ở Mỹ, có một cậu vượt biên cũng giống trường hợp như tôi, đi một mình, được một gia đình Mỹ bảo lãnh. Cậu ta cũng ở gần nhà tôi. Khi tới Mỹ, tôi và cậu ấy có cùng một cơ hội như nhau. Tôi cố gắng hơn, tôi vào đại học. Còn cậu ta làm việc cho một hãng gà Tây, kiếm tiền liền. Một năm sau, tôi về lại làng thăm ba mẹ nuôi và ghé thăm thằng bạn. Công việc nó làm chỉ đứng móc ruột gà Tây thôi, chờ con gà chạy qua, đưa tay vào móc ruột gà ra. Nó khoe với tôi nó có được chiếc xe hơi. Còn tôi lúc đó vẫn chưa có gì. Sau 4 năm đại học, tôi trở về, anh bạn vẫn còn móc ruột gà Tây. Anh đã có được một căn hộ, có TV lớn, dàn máy xịn, xe hơi sports. Còn tôi vẫn chỉ một thùng sách quèn. Sau 5, 6 năm sau, tôi trở về, cậu bạn vẫn còn làm chỗ cũ nhưng cho biết phải đổi nghề vì đau nhức xương khớp tay do làm việc ở phòng lạnh. Lúc đó, tôi sắp ra tiến sĩ. Đó là cái điều kiện thứ 3 mà tôi muốn nói: người có tiềm năng, có môi trường, mà không nhận thức được cơ hội của mình và quyết tâm đạt được cơ hội đó. Thật sự, tôi không có xe hơi, không có bạn gái, không có tình phí, ở nội trú, ăn mì gói. Cho nên, chi phí tôi rất ít. Tôi làm việc trong phòng nghiên cứu chỉ đủ sống. Tôi ra đại học trong túi chỉ có 200 đô la, nợ nhà nước khoảng 15 ngàn đô la (mỗi năm khoảng 3-4 ngàn tiền học phí cộng với tiền phụ thêm để sống), cùng một thùng sách và một giỏ quần áo cũ.”
    Thành công ở xứ người, Giáo sư Thành trở lại Việt Nam, giúp thành lập Viện Khoa học Công nghệ Tính toán TP.HCM bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2009. Vừa tiếp tục giảng dạy tại trường đại học Utah ở Mỹ, vừa giúp điều hành Viện nghiên cứu tại Việt Nam, Viện trưởng Trương Nguyện Thành nói về công việc của mình:
    “Điều khiển một viện nghiên cứu từ xa rất khó. Cho nên, có một viện trưởng tại Việt Nam chuyên lo các vấn đề hằng ngày như làm việc với chính phủ, hợp đồng, hay mướn người. Còn tôi phụ trách chiến lược phát triển về khoa học, kêu gọi những người khác về giúp phát triển.”
    Ngoài ra, cá nhân ông còn nhận bảo trợ cho các sinh viên giỏi từ Việt Nam sang Mỹ du học bằng chính nguồn quỹ nghiên cứu của ông. Đích thân Giáo sư Thành đứng ra phỏng vấn tuyển chọn người tài, và từ năm 2001 tới nay, ông đã tài trợ cho trên dưới 20 sinh viên Việt Nam sang Mỹ học tập, nghiên cứu. Trong số này có nhiều người đã trở về giúp ông phát triển Viện nghiên cứu tại Việt Nam.
    Tiến sĩ Trương Nguyện Thành tâm sự:
    “Thời còn đi cày mướn, lời nguyền của tôi là nếu tôi thành công, tôi sẽ đem cơ hội đó cho lại những người khác. Đó là tâm nguyện của tôi lúc còn ở đáy xã hội Việt Nam. Tôi thường nói chuyện với học trò của tôi khi họ tới cảm ơn tôi đã cho họ cơ hội. Tôi bảo họ không cần cảm ơn tôi. Điều họ có thể trả ơn tôi là đem cơ hội đó cho một vài người khác. Chính vì vậy, một số đệ tử của tôi về lại Việt Nam, giúp tôi lập Viện. Tôi gieo những hạt giống và từ đó sẽ nhân thành những hạt giống khác. Một con én không làm nên nổi mùa xuân. Tôi chỉ là người mở đường. Những người khác bước chân theo, làm cho con đường rộng ra, nhẵn thêm, dễ đi hơn.”
    Giáo sư Thành nói ai cũng mơ ước thành công, nhưng chỉ có những người chịu khó nỗ lực mới tới được đích đến:
    “Tôi chỉ có một lời nhắn nhủ với các sinh viên ở Việt Nam rằng trên đời cái gì cũng có giá phải trả. Nếu muốn thành công, phải chấp nhận trả cái giá đó. Thành công là một con đường đi chứ không phải là một điểm đích. Tôi không nói tôi đã thành đạt điều gì, chỉ là một con đường mà khi quay lại tôi thấy tôi đã đi được rất xa rồi.”
    Con đường thành công của Giáo sư -Tiến sĩ Trương Nguyện Thành trải qua bao nhiêu năm gian nan, thử thách. Cậu bé bần cùng, lam lũ ở Việt Nam qua đến Mỹ cũng đã nếm trải bao nhiêu những thiếu thốn, khó nhọc để có được vị trí đáng nể như ngày hôm nay. Đó là nhờ sự quyết tâm vượt khó vươn lên, sẵn sàng trả giá cho con đường đã chọn.


    VOA
    Similar Threads
  • #2

    Từ cậu bé làm thuê đến vị giáo sư hóa học nổi tiếng

    Một hình ảnh 2 cuộc đời

    Trương Nguyện Thành
    Cậu bé bán thuốc lá dạo ở VN

    GS. TS. Trương Nguyện Thành.
    Một cậu bé quê Bình Định, 11 tuổi, theo gia đình vào Sài Gòn, rồi sau này sang Mỹ, trở thành một trong những vị GS-TS hóa học nổi tiếng thế giới, mới đây, lại nhận lời tham gia thành lập Viện Khoa học Công nghệ Tính toán TP. Hồ Chí Minh. Cậu bé ấy là GS-TS Trương Nguyện Thành, năm nay 46 tuổi, hiện là GS Đại học Utah (Mỹ).
    * Thời thơ ấu gian khó
    * Lớn lên ở Bình Định. Ký ức nào về quê nhà khiến ông nhớ nhất?
    - Tôi vốn sinh ra ở Quy Nhơn, nhưng sau đó, theo ba mẹ vào Gò Vấp (Sài Gòn) vì ba tôi phải vào đó làm việc. Năm 4 tuổi, tôi về sống với nội ở Bồng Sơn (Hoài Nhơn). Tôi nhớ mãi lần tôi lần đầu đặt chân đến Bồng Sơn. Tôi đi xe đò, xuống xe, theo một xe đạp thồ về nhà nội - một ngôi nhà ngói đỏ, giữa vườn dừa, cách sông Lại Giang chừng nửa cây số. Nửa tiếng sau, lúc tôi đang ngồi chơi ở vỉa hè, thì có một ông già cao lớn, dẫn xe đạp đi vào, tay ông cầm một cái gói gì đó. Ông nhìn tôi cười và hỏi: “Con về lâu chưa?”. Rồi ông ngồi lên vỉa hè, mở cái gói vải trong tay. Ông nói: “Nội đi cúng nhà người ta, đem vài món về cho con. Nội chắc con đói lắm!”.


    GS-TS Trương Nguyện Thành (trái) và TS Nguyễn Thiện Nhân.

    Tôi thấy nội mang ra, nào bánh thuẫn, xôi dừa và tôi ăn rất ngon lành. Đó cũng là hai món đặc sản Bình Định mà tôi được thưởng thức đầu tiên. Đến giờ, trao đổi với anh, tôi vẫn còn như thoảng thấy hương vị của nó. Một món ăn Bình Định khác mà tôi cũng không thể quên là bánh dây, hình như món này chỉ Hoài Nhơn mới có…

    * Quê nội để lại dấu ấn gì sâu đậm nhất trong ông?
    - Dấu ấn lớn nhất là nội tôi. Có thể nói, nội là người có ảnh hưởng lớn nhất đến con đường sự nghiệp, những suy tư cũng như con người tôi hôm nay. Những lời dạy của nội, từ cách suy nghĩ, cách nhìn đời, cách cư xử, cả cách đối diện với thử thách ở đời, tuy đơn giản, nhưng thâm thúy, tôi vẫn nhớ và thực hiện đến giờ. Nhớ về nội là nhớ về quê nội, nơi chứa rất nhiều kỷ niệm đẹp và ảnh hưởng lớn đến con người của tôi.
    * Hình như, quãng đời sau đó của ông lại đầy gian khó?
    - Đó là năm 11 tuổi, tôi rời Bình Định vào Sài Gòn. Ngày ấy, ba tôi lâm bệnh, bị liệt bán thân. Trong khi ba lại là người nuôi cả gia đình. Gia đình tôi do đó suy sụp nhanh chóng. Tôi phải đi bán thuốc lá ở chợ Gò Vấp, cạnh bến xe lam, từ năm 11 tuổi. Đến năm 16 tuổi, gia đình tôi về quê ngoại ở Lái Thiêu (Bình Dương). Tôi mua một miếng ruộng nhỏ với hai con trâu con, tập cày để đi cày mướn, nuôi sáu người em. Tất cả những gì về nghề nông từ cày, bừa, rồi cắt, gặt, đập lúa hay trồng khoai, bắt cá… tôi đều làm được hết
    * “Không bao giờ bỏ cuộc”
    * Ai là người đã hướng ông, từ một cậu bé làm thuê, đến một nhà trí thức?
    - Là thầy tôi. Thực ra, thầy của tôi thì nhiều lắm, nhưng có vài người ảnh hưởng lớn đến tôi. Đầu tiên là một thầy dạy toán ở Trường Trung học Lái Thiêu, tên là thầy Đỗ (nay thầy là giáo viên Trường THPT Lê Hồng Phong, TP. Hồ Chí Minh). Ngày đó, do bận cày thuê, nên tôi rất biếng học. Tôi còn nhớ, năm 1979, năm đầu tiên tổ chức thi Học sinh giỏi Toán toàn quốc, thầy Đỗ đưa ra vài bài toán mẹo cho cả lớp làm. Các trò giỏi đều thử, nhưng không ai giải được. Lúc ấy, tôi đưa tay phát biểu: “Mấy bạn giỏi đều không làm được. Vậy không biết thầy có muốn nghe ý kiến của trò dở không?”.
    Thầy bảo, cứ thử đi. Tôi nói: “Nếu mà có một định luật… và thêm vào đó, nếu ta có thể chứng minh rằng… thì bài toán sẽ giải được”. Thầy hỏi: “Vậy đó là định luật gì?”. Tôi trả lời: “Nếu em biết định luật đó là gì thì em đã là học sinh giỏi rồi”.
    Sau đó, thầy gặp riêng tôi và hỏi: “Em có vẻ thông minh, nhưng sao không cố gắng học?”. Quen lối ngang tàng, tôi nói: “Thưa thầy, em phải đi làm để kiếm cơm. Thêm vào đó, em không có tiền mua sách vở”. Thầy không nói gì. Hôm sau, thầy kêu tôi lại và bảo: “Đây là những sách toán của thầy lúc thầy còn đi học Sư phạm. Em lấy về đọc cho vui. Tháng sau thi học sinh giỏi toàn tỉnh, thầy muốn em đi thi”.
    Cảm động vì tấm lòng của thầy và không muốn phụ lòng thầy, nên tôi cố gắng đọc qua. Kết quả là tôi đậu vào đội học sinh giỏi toán của tỉnh. Từ đó, tôi tự tin hẳn và bắt đầu ham học. Buổi tối, dù mệt mỏi vì phải đi làm thuê, nhưng tôi vẫn cố thắp đèn dầu lên học. Con đường học vấn của tôi chuyển sang một bước mới…
    Người thầy thứ hai ảnh hưởng lớn đến tôi là thầy Mark Gordon. Ngày đó, tôi đang học dự bị ở Trường Đại học của Tiểu bang North Dakota, muốn tìm việc làm trong trường để kiếm thêm tiền để sống. Nhưng sinh viên năm II, không đủ trình độ nghiên cứu, nên không phòng thí nghiệm nào nhận. Một lần gặp thầy Mark, tôi hỏi: “Nghiên cứu có khó không, thưa thầy? Có phải chỉ những người có bằng Đại học và đang học Cao học mới nghiên cứu được?”.
    Thầy Mark, vì không muốn làm thất vọng một sinh viên trẻ nhiều nhiệt huyết, trả lời: “Nghiên cứu tuy khó nhưng có những vấn đề sinh viên đại học cũng có thể làm được”. Tôi nắm lấy cơ hội và hỏi: “Thế thứ hai tuần sau, em đến làm cho thầy được không?”. Tôi đặt thầy vào vị trí không thể từ chối và bắt đầu nghiên cứu khoa học từ năm II đại học - một điều hiếm, ngay với sinh viên Mỹ. Nhờ vậy, ra trường, tôi có bốn bài báo in trên tạp chí quốc tế và dư tài liệu để xuất bản thêm hai bài nữa sau khi vào Cao học, nghĩa là đủ để viết một đồ án Ph.D (tiến sĩ) ở Mỹ rồi.
    Tốt nghiệp ra trường loại giỏi, ngoài bằng hóa học, Trương Nguyện Thành còn lấy luôn bốn bằng phụ về Lý, Toán, Kế toán và Công nghệ thông tin. Năm 1990, ông lấy bằng TS, rồi học tiếp sau TS ngành mô phỏng cơ cấu sinh lý. Năm 1992, làm GS Đại học Utah. Năm 2002, ông được cấp bằng GS Cao cấp (cấp cao nhất trong ba cấp GS ở Mỹ) khi mới 41 tuổi.
    * Trong những thành quả mà ông đạt được đến nay, đâu là may mắn, đâu là nỗ lực?
    - May mắn là ở chỗ tôi được gặp những người thầy hết lòng và tôi được tạo cơ hội. Còn nỗ lực là ở chỗ, tôi không bỏ lỡ những cơ hội đó.
    * Vậy nếu có một lời khuyên cho các bạn trẻ hôm nay thì ông sẽ khuyên gì?
    - Đó là không bao giờ bỏ cuộc, dù chỉ là một việc nhỏ. Theo tôi, thành công hay không của mỗi người nằm ở ba điều kiện: cơ hội, sự quyết tâm và khả năng. Khả năng không quan trọng bằng quyết tâm. Và cũng phải biết kiên trì chuẩn bị để khi cơ hội đến thì có đủ khả năng bắt lấy, chứ đừng ngồi chờ cơ hội tự tìm đến.
    * Và làm một cái gì đó cho quê hương
    Đang giảng dạy, nghiên cứu tại Đại học Utah, hai năm trước, GS Thành nhận lời mời của TS Nguyễn Thiện Nhân (khi đó là Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh) tham gia thành lập Viện Khoa học Công nghệ Tính toán (VKHCNTT) TP. Hồ Chí Minh. Tháng 1.2007, VKHCNTT đã được UBND TP. Hồ Chí Minh quyết định thành lập.
    * Từ GS hóa lượng tử, sang VKHCNTT. Hình như, ông “nhảy” nhầm nghề?
    - Thực ra, mô phỏng và mô hình hóa về hóa, sinh lý hay kỹ thuật đều nằm trong lĩnh vực khoa học và công nghệ tính toán, nghĩa là dùng máy tính để làm thí nghiệm và phỏng đoán được những gì có thể xảy ra thông qua thực nghiệm. VKHCNTT sẽ là cầu nối giữa công nghệ thông tin và các ngành khoa học ứng dụng như sinh học, hóa học, vật lý, cơ học; sẽ liên kết các trung tâm nghiên cứu khoa học riêng rẽ, để hợp tác phát triển liên ngành.
    * Ý tưởng về VKHCNTT xuất phát từ đâu, thưa ông?
    - Không thể nói ý tưởng thành lập Viện là của riêng người nào. Có thể nói, nó xuất phát từ sự trao đổi giữa tôi, anh Nguyễn Thiện Nhân và anh Phan Minh Tân (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh). Khi được mời hợp tác, thú thật là tôi cũng đắn đo, nhưng tôi muốn làm được chút gì cho quê hương, nên nhận lời làm cầu nối giữa các nhà khoa học gia trong và ngoài nước. Nhìn chung, khoa học gia ngoài nước rất có thiện chí tham gia giúp Việt Nam phát triển khoa học và kỹ thuật. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải có môi trường để sự tham gia của họ có hiệu quả. Và tôi hy vọng là trong tương lai, VKHCNTT sẽ tạo được môi trường này.

    Những năm gần đây, ngoài việc nhiều lần về giảng dạy đại học tại TP. Hồ Chí Minh, GS Thành còn dùng tiền nghiên cứu để cấp học bổng cho một số sinh viên Việt Nam sang nghiên cứu ở Mỹ. GS Thành nhận xét: “Sinh viên Việt Nam có triển vọng tốt, nếu có cơ hội. Việt Nam cần tạo môi trường để họ có thể phát huy sau khi tốt nghiệp”. Hỏi GS Thành về dự định trở về thăm quê nội, ông nói: “Hè năm 2008, tôi sẽ về. Tôi đã hứa với nội trước khi nội mất là tôi sẽ về thăm mộ ông cố tôi”. GS Thành nói thêm: “Không riêng Bình Định hay TP. Hồ Chí Minh, mà bất cứ địa phương nào trong nước, nếu đặt vấn đề, tôi sẵn sàng cống hiến những gì mình biết trong khả năng của tôi”

    GS-TS Trương Nguyện Thành, sinh năm 1961, tại Quy Nhơn. Tốt nghiệp Trường Đại học North Dakota (Mỹ). Năm 1990, bảo vệ thành công luận án TS. Năm 2002, được phong GS cao cấp. Hiện ông đang giảng dạy và nghiên cứu tại Trường Đại học Utah (Mỹ) và tham gia thành lập VKHCNTT TP. Hồ Chí Minh.

    Đã chỉnh sửa bởi HoaiVienPhuong; 11-02-2012, 06:00 PM.

    Comment

    • #3

      Giáo sư Việt kiều trả ơn quê hương

      Giáo sư Việt kiều trả ơn quê hương
      Sau gần 30 năm định cư tại Mỹ, nay giáo sư Trương Nguyện Thành dành phân nửa thời gian làm việc tại quê hương, tiếp tục gieo hạt giống mới phát triển khoa học công nghệ nước nhà khi trở về giữ chức viện trưởng Viện Khoa học và công nghệ tính toán TPHCM.
      Phát triển khoa học tính toán
      Rời quê hương khi còn là cậu học trò nghèo với nỗ lực và ý chí học tập, giáo sư Trương Nguyện Thành trở về Việt Nam khi đã thành danh trên đất Mỹ chỉ để thực hiện những ước nguyện từ thuở thiếu thời trên đất mẹ. Với ý nghĩ chỉ mong đóng góp một phần bé nhỏ vào sự phát triển của đất nước, năm 2006 anh nhận lời mời của UBND TPHCM trở về thành lập Viện Khoa học và công nghệ tính toán TPHCM, để phát triển và nâng cao ngành công nghệ tính toán - một lĩnh vực còn khá mới mẻ ở Việt Nam.
      GS.TS Trương Nguyện Thành (bên phải) cùng tình cảm quê nhà thân thương.
      GS.TS Trương Nguyện Thành sinh năm 1961, tại Quy Nhơn, Bình Định. Anh đã có nhiều công trình nghiên cứu giá trị trong lĩnh vực hoá học, hiện là giáo sư đại học Utah (Mỹ). Từ năm 2004 đến nay, anh đã nỗ lực trong việc vận động, kết nối các trí thức người Việt ở nước ngoài cũng như huy động các nguồn lực khác nhằm xây dựng một ngành khoa học tính toán còn rất mới mẻ ở Việt Nam.
      Nói về đóng góp của giáo sư Trương Nguyện Thành, giáo sư Mai Suan Li, trưởng phòng Khoa học sự sống - Viện Khoa học và công nghệ tính toán TPHCM nhận xét: “Giáo sư Thành là một trong số những trí thức Việt kiều đầu tiên về đầu quân cho viện. Anh được UBND thành phố mời giữ chức viện trưởng và đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực, phát triển các dự án khoa học chuyên môn”.
      “Làm việc bên đó lương cao, công việc cũng thoải mái, ngoài ra tôi cũng có một công ty phần mềm ở đó nữa. Nhưng lúc ở Lái Thiêu, vào thời điểm mà tôi ở tận cùng dưới đáy xã hội thì tôi có một lời nguyền là nếu ai đó cho tôi một cơ hội thì tôi sẽ trao cơ hội đó lại cho người khác. Với tôi đó là một cách trả” - anh chia sẻ khi nói về lý do tại sao quyết định trở về làm việc tại Việt Nam.
      Những chuyến trở về làm việc tại viện, anh không thôi trăn trở phải làm sao phát triển và mở rộng quy mô viện ngày một khang trang hơn. Sở Khoa học và công nghệ đã xây dựng đề án xây dựng triển khai quy mô của viện, UBND thành phố dành cho viện 4.500m2 đất tại công viên phần mềm Quang Trung và cam kết hỗ trợ 4 triệu USD đầu tư trang bị máy tính. Sau hai năm đi vào hoạt động, bước đầu viện đã có những thành công.
      Theo giáo sư Thành, với sự hỗ trợ tích cực của TPHCM và sự hợp tác nhiệt tình của nhiều giảng sư Việt kiều, sau hai năm hoạt động, Viện Khoa học và công nghệ tính toán TPHCM đã có được những đóng góp thiết thực. Tuy nhiên giáo sư Thành cho biết: “Viện chỉ mới bắt đầu phát triển các bước đầu tiên, trong năm 2015 viện sẽ hợp tác với trường đại học đào tạo nghiên cứu sinh, phát triển khả năng sử dụng khoa học tính toán để ứng dụng trong công trình nghiên cứu để làm việc tốt hơn”.
      Ơn nghĩa tìm về
      Ngoài việc hỗ trợ Sở Khoa học và công nghệ trong công tác lãnh đạo, giáo sư Thành còn trực tiếp đào tạo chuyên môn, tổ chức hoạt động khoa học và giúp các nghiên cứu sinh thực hiện đề án. Hiện có khoảng hơn mười nghiên cứu sinh đang làm đề án khoa học dưới sự hướng dẫn tận tình của anh. Là người nhiều năm làm việc trong lĩnh vực khoa học tính toán, giáo sư đã truyền đạt tất cả kinh nghiệm và kiến thức để hướng dẫn học trò. Đối với nghiên cứu sinh, anh là người thầy, người dẫn đường tận tâm, chỉ ra hướng đi mới, gợi ý đưa ra những ý tưởng đột phá trong khoa học. Nói về mình, anh vẫn khiêm tốn: “Viện Khoa học và công nghệ tính toán không phải là công lao của riêng tôi. Đó là tầm nhìn của UBND thành phố thấy được sự quan trọng của khoa học tính toán, là sự nỗ lực đóng góp của các anh em trí thức Việt kiều về làm việc và của toàn thể nhân viên, nghiên cứu sinh tại viện”.
      Quê cha ở Bình Định, gia đình sống ở TPHCM, nhưng năm 16 tuổi, do hoàn cảnh gia đình, anh về quê ngoại ở huyện Lái Thiêu, Bình Dương làm ruộng và làm đủ mọi việc nhọc nhằn để kiếm tiền nuôi sáu đứa em ăn học. Đã gần 30 năm xa quê, ngần ấy thời gian đã có quá nhiều thay đổi tại quê nhà. Ngoại anh nay đã không còn khoẻ, cũng sắp sửa đi hết một đời người. Thương ngoại tảo tần nuôi cháu trong những năm tháng muôn vàn khó khăn, giáo sư Trương Nguyện Thành luôn về thăm nom, báo đáp công ơn với biết bao bồi hồi của một người con sau mấy chục năm xa quê. Việc anh đang nỗ lực từng ngày để đem đến cơ hội cho thế hệ trẻ Việt Nam mở mang kiến thức khoa học và phát triển công nghệ cũng là cách để trả ơn quê hương, cám ơn những người đã giúp đỡ, nuôi nấng anh thành người.
      Theo SGTT


      Comment

      • #4

        Một thiếu niên đạp xích lô ở Việt Nam trở thành khoa học gia nguyên tử ở Mỹ.


        Nỗ lực cá nhân chưa đủ mà cần sự may mắn. Nếu ở lại VN thì tiếp tục đạp xích lô, khá hơn thì lái taxi.

        Tuần rồi, trên Tạp chí Thanh Niên, chúng ta có dịp làm quen với gương thành công đáng nể của một cậu bé bán thuốc lá dạo ở Việt Nam trở thành một nhà khoa học tài danh ở Mỹ, Giáo sư-Tiến sĩ Trương Nguyện Thành. Trong buổi tái ngộ hôm nay, Trà Mi hân hạnh kể cho quý vị và các bạn nghe một cuộc lột xác đổi đời kỳ diệu khác, từ một thiếu niên đạp xích lô ở Việt Nam biến thành một khoa học gia nghiên cứu vật lý nguyên tử ở Mỹ, Tiến sĩ Võ Tá Đức.
        Trà Mi-VOA | Washington DC.


        Tiến sĩ Võ Tá Đức lúc ở trại tị nạn Bataan (Philippines) trước khi sang Mỹ định cư
        Tiến sĩ Đức hiện công tác tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos, một trong hai phòng thí nghiệm của Mỹ chuyên nghiên cứu chế tạo các loại võ khí nguyên tử và là một trong các viện nghiên cứu đa ngành lớn nhất thế giới. Cậu bé đạp xích lô ở Việt Nam ngày nào giờ đây đã góp công nghiên cứu sáng chế ra những máy móc, thiết bị dò tìm nguyên tử đang được ứng dụng để ngăn ngừa các hình thức vận chuyển nguyên tử bất hợp pháp vào biên giới Hoa Kỳ.
        Là con trưởng trong gia đình 11 anh chị em, năm lên 14 tuổi, cậu bé Võ Tá Đức đã trở thành lao động chính trong nhà vì gia cảnh khó khăn. Ba cậu làm thợ nề, nhưng do bệnh tật nên bị mất sức lao động. Mẹ Đức tảo tần buôn bán lặt vặt chạy bữa qua ngày. Hằng ngày, sau giờ tan học, Đức ăn vội cơm trưa rồi cuốc chiếc xe xích lô rong ruổi khắp mọi góc phố ở Tuy Hòa để kiếm tiền phụ cha mẹ nuôi 14 miệng ăn trong gia đình.
        Tiến sĩ Đức nhớ lại:
        ‘Sau biến cố năm 1975, lúc đó tôi còn rất nhỏ đang học trung học, nhưng vì nhà nghèo quá, nên cũng phải phụ giúp gia đình. Sáng đi học, trưa về ăn cơm xong liền xách xích lô chạy. Đạp xích lô tới chiều tối. Ăn cơm tối xong lại lên xe đi tiếp. Tôi chỉ học buổi sáng, đạp xích lô từ trưa tới sáng hôm sau luôn. Tối đến tôi đậu xích lô ở bến xe ngủ. Hễ nghe tiếng xe đò tới thì tôi tỉnh dậy, chạy về nhà tắm rửa, thay quần áo đi học. Lúc đó tôi đâu có thời giờ học đâu, thỉnh thoảng khi rãnh, tôi ngồi trên xe xích lô lấy bài vở ra làm chút chút vậy thôi. Thời đó, tôi học rất dở vì không có giờ học.’
        5 năm trời dầm mưa dãi nắng còng lưng trên chiếc xích lô đạp, việc học hành của Đức hoàn toàn sa sút, nên cậu đã không thi đại học. Tới năm 1981, ba Đức cố xoay sở tìm cách cho cậu theo một người bà con trong Nam đi vượt biên, và cũng từ đó, cuộc đời cậu bé đạp xích lô bước sang một ngã rẽ mới. Thời gian trong trại tị nạn chờ được một nước thứ ba cho đi định cư chính là giai đoạn bước ngoặt đối với Đức, khi chàng thanh niên lam lũ, cơ hàn quyết chí phải đổi đời, phải phấn đấu tiến thân bằng con đường học vấn.
        Tiến sĩ Đức cho biết:
        “Vượt biên qua tới trại tị nạn, tôi cảm thấy như vậy là từ đây mình có cơ hội đi học, phát triển. Ngay từ lúc đó, tôi đã quyết định phải cố gắng học hành cho thành tài. Còn hồi trước ở Việt Nam, tôi không dám có ước mơ đó vì đi đạp xích lô cả ngày, học hành sao được mà có ước mơ học cho thành công?”
        Sau thời gian ở trại tị nạn, anh tới Mỹ và được một gia đình ở bang Iowa nhận làm con nuôi. Thành tích học tập của chàng trai nghèo từ Việt Nam bắt đầu tỏa sáng sau 1 năm rưỡi ở trường trung học Mỹ.
        Thông thường sinh viên ở Mỹ khi vào đại học phải trả học phí. Ngoài một số ít sinh viên xuất sắc nhận được học bổng, đa số phải vay từ các nguồn quỹ hỗ trợ của chính phủ dành cho sinh viên. Thế nhưng, cậu bé đạp xích lô ở Tuy Hòa suốt thời gian đại học và cao học ở Mỹ không phải trả bất kỳ khoản tiền học phí nào, nhờ vào thành tích lao động trí óc cần cù. Năm học lớp 12, Đức đoạt giải nhất một kỳ thi khoa học cấp tiểu bang, mang lại cho cậu học trò nghèo học bổng toàn phần cho suốt 4 năm học ở khoa vật lý trường đại học Bắc Iowa. Tốt nghiệp đại học, anh đi thẳng vào chương trình tiến sĩ chuyên ngành vật lý nguyên tử, và trong suốt thời gian cao học, anh liên tục nhận được các nguồn học bổng dành cho nghiên cứu sinh. Còn các khoản sinh hoạt phí khác anh trang trải từ thu nhập làm trợ giảng cho các vị giáo sư.
        Tiến sĩ Đức cho biết những điều kiện học tập có được ở Mỹ đã khuyến khích ông thêm say mê học tập, nên ông đã không dừng lại ở tấm bằng đại học như dự định ban đầu:
        ‘Mình đi học ráng học cho lẹ, lấy thiệt nhiều lớp để mau ra trường lấy bằng đi làm kiếm tiền gửi về Việt Nam phụ gia đình. Nhưng tới lúc học gần xong đại học, tôi lại thấy sức mình vẫn còn đi học tiếp được. Cho nên năm cuối đại học, tôi lại nộp đơn xin vào cao học. Tôi thấy vấn đề học hành không khó lắm. Nếu mình chịu khó thì chuyện gì cũng vượt qua được hết. Mỹ là một nước tự do và có cơ hội để mọi người, ai có chí, thì có thể làm nên. Tôi nghĩ nếu không qua Mỹ mà còn ở Việt Nam thì giờ này chắc tôi cũng còn đạp xích lô, không có cơ hội để phát triển thành tài. Nghĩa là phải có cơ hội nào đó đưa đến cho người ta có dịp để phát triển tài năng. Đối với tôi, cơ hội đưa đến là được qua Mỹ để rồi được phát triển đầu óc. Ở Mỹ này tôi thấy nếu mình chịu khó học sẽ có cơ hội đưa cuộc sống mình đi lên. Còn ở Việt Nam, dù cũng có, nhưng cơ hội không đồng đều.’
        Ai có ngờ một nhà khoa học đang làm việc cho một phòng thí nghiệm nguyên tử nổi tiếng ở Mỹ xuất thân là một người đạp xích lô ở bến xe Tuy Hòa. Điều kỳ diệu ấy đã xảy ra đối với Tiến sĩ Võ Tá Đức thì cũng có thể xảy ra với các bạn, nhất là các bạn trẻ nghèo khó tại Việt Nam, nếu các bạn quyết tâm phấn đấu, cần cù chịu khó học tập để thay đổi số phận của mình.
        Tiến sĩ Đức:‘Một thông điệp tôi muốn nói với các bạn trẻ ở Việt Nam, nhất là các bạn nghèo, rằng nếu có ý chí sẽ vượt qua được những khó khăn. Nếu các bạn chịu khó đặt một mục đích nào đó cho tương lai, cho cuộc sống của mình và ráng sống theo mục đích đó, thì sẽ thành công.’
        Cùng với thông điệp của tiến sĩ Đức, Tạp chí Thanh Niên xin chúc các bạn thành công và luôn sẵn sàng giới thiệu câu chuyện thành công của các bạn với quý thính giả của đài VOA ở khắp nơi trên thế giới. Qúy thính giả muốn chia sẻ những câu chuyện thành công, xin email số phone về vietnamese@voanews.com. Trà Mi mong được ghi nhận thêm nhiều gương vượt khó vươn lên khác nữa của người Việt bốn phương để gửi tới các bạn trẻ Việt Nam.
        Tạp chí Thanh Niên mong được đón tiếp quý vị và các bạn trên làn sóng phát thanh của đài VOA trong chương trình 10 giờ tối thứ sáu và chủ nhật hằng tuần cũng như trên trang web voatiengviet.com, trong phần Chuyên mục đặc biệt ngay trang chính. Trà Mi kính chào tạm biệt quý thính giả.

        Comment

        Working...
        X
        Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom