• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Lưu Hiểu Ba, giải Nobel Hòa Bình 2010

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Lưu Hiểu Ba, giải Nobel Hòa Bình 2010

    Lưu Hiểu Ba, giải Nobel Hòa Bình 2010


    Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) đã phổ biến lời phát biểu đầy khí phách của mình trong phiên tòa xử ngày 23 tháng 12 năm 2009: "Tháng 6 năm 1989 là bước ngoặt lớn của cả cuộc đời 50 tuổi của tôi. Thuở trước tôi là một trong những sinh viên trong lớp đầu tiên được chọn để học đại học vừa mở trở lại sau Cách Mạng Văn hóa. Con đường học hành của tôi khá thông suốt từ cấp cử nhân lên cao học rồi tiến sĩ. Sau khi tốt nghiệp tôi được giữ lại làm việc trong trường Đại học Bắc Kinh với trách vụ của một giảng viên.
    Trên giảng đường tôi là một thầy giáo được nhiều sinh viên biết đến. Tôi cũng là một trí thức của công chúng và đã viết nhiều bài báo cũng như nhiều cuốn sách có tiếng tăm. Tôi được mời đi diễn thuyết nhiều nơi, và là giáo sư thỉnh giảng của các đại học ở Châu Âu và Hoa Kỳ. Tôi tự đòi hỏi mình phải chân thành, có tinh thần trách nhiệm và nhất là tự trọng trong cả đời sống lẫn trong ngôn ngữ văn chương. Sau khi từ Hoa Kỳ trở về, tôi tham gia vào phong trào sinh viên năm 1989 bị tù giam vì tôi "tuyên truyền phản cách mạng và kích động bạo loạn" và bị tước đoạt mất vị thế mà tôi trân trọng: không được viết lách hay phát biểu chính trị tại Trung Quốc. Chỉ vì phát biểu quan niệm khác biệt về chính trị và tham gia các phong trào đòi hỏi dân chủ và hòa bình, mà một thầy giáo phải xa bục giảng, người cầm bút bị cấm viết và người trí thức bị cấm nói trước công chúng. Điều này thực buồn cho riêng cá nhân tôi đã đành mà còn cho cả đất nước Trung Hoa sau 30 năm đổi mới và mở cửa.
    Những kinh nghiệm nặng nề nhất của tôi sau biến cố 4 tháng 6 năm 1989 đều liên quan với tòa án mà hai dịp tôi có điều kiện để phát biểu đều là tại tòa án sơ thẩm Bắc Kinh, một lần vào tháng 01 năm 1991 và lần này. Tuy các tội danh được gán ghép khác nhau nhưng tựu trung trong thực chất đều là tội danh có dính dấp đến quyền tự do ngôn luận.
    Đã hai mươi năm qua, những linh hồn thanh khiết của biến cố 4 tháng 6 vẫn chưa được yên nghỉ. Và tôi, một người đã bất đồng chính kiến vì nhiệt tâm với ngày 4 tháng 6, sau khi rời nhà tù ở Tân Thành năm 1991, đã bị cấm phát biểu tại quê hương mình và chỉ được phổ biến quan niệm của mình qua truyền thông ngoại quốc và bị theo dõi, bị quản chế trong suốt mười mấy năm từ tháng 5 năm 1996 đến tháng 10 năm 1999. Và bây giờ thành kẻ thù của chế độ.
    Tuy nhiên, tôi muốn nói với chế độ đã tước đoạt quyền tự do của tôi, rằng tôi vẫn thủy chung với tin tưởng của mình mà tôi đã từng biểu tỏ hai mươi năm trước khi tuyệt thực. Tôi không có kẻ thù, không có lòng căm thù. Không có ai là kẻ thù của tôi cả, từ nhân viên công an bắt giữ thẩm tra tôi, đến công tố viên kết tội tôi, hay chánh án đã xử án tôi. Mặc dù tôi không chấp nhận sự theo dõi giam cấm tuyên án của các vị tôi vẫn tôn trọng nghiệp vụ và nhân cách, kể cả sự ghép tội lần này. Tôi biết các vị tôn trọng tôi và giữ chân tình trong lúc thẩm vấn tôi hôm 3 tháng 12.
    Bởi vì lòng thù hận chỉ làm hao mòn sự khôn ngoan và ý thức của ta, Tâm não thù hận có thể gây ra sự hư hoại của linh hồn quốc gia, gây ra bạo động oan khiên cho vạn triệu sinh linh, phá nát sự khoan hòa và nhân ái của một xã hội và ngăn chặn tiến trình đòi hỏi tự do dân chủ của một đất nước. Do vậy tôi ước mong mình có thể vượt thoát khỏi nỗi thăng trầm của một cá nhân nhỏ bé để hiểu biết được sự phát triển của quốc gia và đổi thay của xã hội, vượt qua thái độ thù hận mà chế độ dành cho tôi bằng thái độ chính đính nhất, mang tình thương gỡ bỏ thù hận...
    ...Hỏi rằng trong hơn hai thập niên qua, điều gì là trải nghiệm may mắn nhất đời tôi, tôi không ngần ngại nói rằng là tình yêu tràn đầy của Lưu Hà (Liu Xia) vợ tôi. Em thân yêu, em không thể có mặt tại phiên tòa hôm nay nhưng anh vẫn muốn bày tỏ với người yêu dấu của anh một điều anh vẫn vững tin vào tình yêu bền chặt của chúng ta. Đã bao năm nay trong hoàn cảnh mất tự do tình yêu của chúng ta đầy nỗi chua xót vì hoàn cảnh đưa đẩy nhưng nó vẫn bay bổng qua những rào chắn. Anh bị giam trong nhà tù nhỏ còn em đang vò võ đợi anh trong nhà tù lớn. Tình yêu em là ánh sáng giúp anh vuột qua những bức tường, những rào sắt và vẫn êm đềm dịu dàng trên từng phân vuông da thịt của anh, sưởi ấm tế bào anh, giúp cho lòng anh luôn thanh thản, cao thượng, và trong sáng. Vì vậy mỗi phút giây trong nhà giam vẫn tràn đầy ý nghĩa.
    Bù lại tình yêu anh dành cho em toàn là sự thống hối có khi làm nặng trĩu bước chân đi. Anh là viên đá tảng nặng nề nơi chốn hoang mạc hứng chịu những nghiệt ngã của bão tố và trở thành lạnh băng trước nhân gian. Nhưng tình yêu anh vẫn bền chắc và có thể vượt qua bao trở ngại cản đường. Cho dù ai có nghiền nát anh anh vẫn nguyện ôm ấp em bằng tro than của mình..."

    Là một người tranh đấu kiên cường nhưng ông cũng là một người làm thơ lãng mạn. Một bài thơ Lưu Hiểu Ba gửi cho vợ thân yêu, Lưu Hà. Một bài thơ viết trong tù ngục nhưng là khúc tình ca ấm áp của những tâm hồn tuy xa cách nhau nhưng lại thật gần gũi thân yêu cùng nhau:

    "Em yêu quý
    anh sẽ không bao giờ từ bỏ tranh dấu cho tự do từ áp chế
    của tù ngục, nhưng anh sẽ là tù nhân của em suốt đời
    Anh là tù nhân suốt đời của em thân yêu
    Anh muốn sống trong bóng thẳm của em
    Hồi sinh trong phần cặn của máu huyết em
    Cảm xúc từ dòng chảy của kích thích tố em.
    Anh đã nghe nhịp đập miên man trái tim em
    Giọt từng giọt, giống như tuyết tan từ dòng suối non cao
    Nếu anh có bướng bỉnh như hòn đá nhiều thiên niên kỷ
    Em vẫn làm mềm anh
    Giọt từng giọt
    Ngày và đêm
    Bên trong em
    Anh sờ soạng trong bóng tối
    Và dùng men rượu em đã uống
    Để viết bài thơ ngóng chờ em
    Anh biện hộ như người điếc khẩn cầu âm vọng
    Để anh nhảy múa yêu say chếnh choáng với thân thể em.
    Anh luôn luôn cảm thấy
    Phổi ngực em rướn cao và hạ xuống khi em thở khói thuốc
    Trong tiết nhịp kinh ngạc
    Của độc tố phát ra
    Anh hít thở không khí trong lành để nuôi dưỡng tâm hồn anh.
    Anh là tù nhân muôn đời của em, em yêu quý
    Giống như ấu nhi miễn cưỡng ra đời
    Bám chặt vào tử cung em ấm áp
    Em đã cho anh hơi thở
    Tất cả trong tĩnh lặng anh
    Đứa bé sơ sinh tù nhân
    Trong sâu thẳm của hiện thực em
    Không hãi sợ men rượu và khói thuốc
    Độc tố của cô đơn em
    Anh cần độc tố đó.
    Có thể là một tù nhân
    anh không bao giờ nhìn thấy ánh sáng của ngày
    nhưng anh tin tưởng
    bóng tối là phận số anh
    ở trong em
    tất cả tốt đẹp
    chói sáng của thế giới bên ngoài
    cào cấu anh
    cuốn hút anh
    anh chăm chú vào bóng tối em
    giản đơn và không thể thẩm thấu được."

    Lưu Hiểu Ba, một trí thức phản kháng Trung Hoa đã được giải Nobel Hòa Bình năm 2010 của Hàn Lâm Viện Thụy Điển nhưng không thể nhận giải vì đang bị giam giữ trong ngục tù Trung Hoa.
    Theo tiểu sử trênWikipedia, ông sinh ngày 28 tháng 01 năm 1955, tại Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm trong một gia đình trí thức. Từ năm 1969 đến năm 1973, ông được cha đưa theo về Nội Mông trong phong trào Về Nông Thôn. Năm 18 tuổi ông làm việc tại thôn làng thuộc tỉnh Cát Lâm và sau đó tại một công ty xây dựng. Ông kết hôn với bà Lưu Hà, một họa sĩ. Năm 1976 học đại học và tốt nghiệp cử nhân năm 1982, thạc sĩ năm 1984 về văn học và dạy học tại Đại Học Bình Dân Bắc Kinh. Năm 1988 ông tốt nghiệp tiến sĩ cũng tại đại học này.
    Hai năm 1988 và 1989, ông là giáo sư thỉnh giảng của nhiều đại học trên thế giới như Đại Học Columbia, Đại Học Oslo, Đại học Hawaii.
    Năm 1989, Lưu Hiểu Ba đang ở Hoa Kỳ thì Trung Quốc đang diễn ra cuộc biểu tình tại Thiên An Môn. Ông quyết định trở về quê hương mình tham gia phong trào biểu tình và được coi như là một trong bốn người lãnh đạo chính của phong trào sinh viên phản kháng chế độ. Ông là người thuyết phục hàng trăm sinh viên rời khỏi Thiên An Môn khi Hồng quân Trung Quốc bắt đầu tàn sát và nhờ vậy họ được cứu sống. Sau tháng 6 năm 1989, Lưu Hiểu Ba bị bắt và giam giữ trong nhà ngục tàn khốc nhất Qincheng với tội danh: "tuyên truyền và kích động phản cách mạng". Tháng 12 năm 1996 ông lại bị án 3 năm cải tạo lao động khổ sai về tội: "gây rối trật tự công cộng".
    Ông là một người hoạt động để tranh đấu cho nhân quyền, kêu gọi cuộc bầu cử dân chủ, ủng hộ các giá trị tự do, và phân rõ quyền hạn, kêu gọi chính phủ phải chịu trách nhiệm trực tiếp về các vấn đề sai lầm của mình. Từ năm 1989 đến nay, ông đã bị bắt giam bốn lần vì các hoạt động đòi hỏi nhân quyền của mình. Khi không ở trong nhà giam ông cũng bị mạng lưới an ninh công an canh chừng nghiêm ngặt như tình trạng của một người bị giam lỏng.
    Năm 2004 khi ông viết Báo Cáo Nhân Quyền tại tư gia thì nhà bị lục xoát thư từ, tài liệu và máy điện toán cá nhân bị tịch thu. Những bài viết của ông về đấu tranh nhân quyền đã được phổ biến rộng rãi trên thế giới. Năm 2004, Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới đã vinh danh Báo Cáo Nhân Quyền và trao giải Fondation de France như một chiến sĩ bảo vệ quyền tự do báo chí. Trong năm 2007 ông bị giam giữ và thẩm vấn về các bài viết được xuất bản trực tuyến trên các trang mạng bên ngoài đại lục Trung Hoa. Tháng 12 năm 2008 ông bị bắt và kết án 11 năm tù và hai năm bị tước quyền chính trị vì tội xúi giục chống phá nhà nước, hậu quả của việc ông tham gia viết Hiến Chương 08.
    Hiến chương 08 là một tuyên ngôn đầu tiên có chữ ký của hơn 300 trí thức và nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc nhằm thúc đẩy cải cách chính trị và dân chủ trong nước Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa. Nội dung gồm 19 điều cần thay đổi để cải thiện nhân quyền, thiết lập một chính quyền pháp trị thực sự và loại bỏ chế độ độc đảng. Bản tuyên ngôn này xuất bản vào ngày 10 tháng 12 năm 2008 kỷ niệm 60 năm Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền áp dụng tên và phương cách giống như Hiến Chương 77 chống Liên Xô do những người bất đồng chính kiến ở Tiệp Khắc xuất bản. Kể từ khi được phát hành đã có khoảng 10 ngàn người ký tên vào Hiến chương 08 này.
    Hai ngày trước lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Nhân Quyền, Lưu Hiểu Ba bị bắt giữ vài giờ trước khi bản Hiến Chương 08 được phát trên mạng. Một số nhân vật uy tín trên thế giới có cả những vị đã đoạt giải nobel đã viết thư can thiệp đòi thả Lưu Hiểu Ba. Nhưng chính quyền Trung Quốc trấn áp những người bất đồng chính kiến. Hơn 70 người trong số 303 người ký tên đầu tiên bị công an thẩm vấn trong khi hệ thống truyền thông trong nước bị cấm ngặt không cho phỏng vấn các nhân vật đã ký vào hiến chương này. Công an truy tìm và hỏi cung nhà báo Li Datong và hai luật sư. Báo chí, truyền hình và phát thanh bị cấm nhắc đến hiến chương này để bưng bít dư luận trong nước.

    Đầu năm nay, tháng 01/2012, một tuyển tập của Lưu Hiểu Ba đã được nhà xuất bản Harvard University Press ấn hành với nhan đề "No Enemies, No Hatred" (Không thù không oán) gồm hơn 20 bài tiểu luận và 15 bài thơ cùng với tập tài liệu ghi chép lại con đường mà ông trải qua ở các tòa án và trại giam.
    Một trong ba người chủ biên, Perry Link đã nhận xét cuốn sách này là một trong những phân tích tạo ấn tượng nhất về Trung Quốc ngày nay. Đồng thời cũng là một lời cảnh báo quan trọng đối với những ai hy vọng quốc gia giàu tiền lắm bạc này có thể cứu vãn nền kinh tế tài chánh của thế giới. Và ông cho rằng hình ảnh mà các nước Tây phương khắc họa về Trung Quốc xem ra khá hời hợt so với hình ảnh từ Lưu Hiểu Ba. Qua đó, thấy được nạn tham nhũng và chính sách đàn áp đầy tính lật lọng lưu manh của đất nước Trung Quốc do chế độ Cộng Sản kiểm soát. Chế độ ấy có lắm tiền, có thể cứu giúp và vực dậy đồng Euro, có tham vọng độc chiếm Biển Đông nhưng thực chất đã tạo ra một đất nước mà xã hội của người dân thường đầy những bất công độc đoán.
    Perry Link nói: "Lưu Hiểu Ba quan tâm đến nhiều mảng đề tài và ông lý giải từ những nguyên tắc căn bản nhân văn theo cách tôi thấy rất đáng ngưỡng mộ. Có những nhân vật bất đồng chính kiến khác tôi cũng ngưỡng mộ từng bị giam cầm tù tội như Ngụy Kinh Sinh, Từ Văn Lập, Vương Đan nhưng không có ai trong những nhà trí thức này đã gây nhiều ấn tượng mạnh cho tôi như Lưu hiểu Ba".
    "Không thù không oán' là lời phát biểu của ông trước phiên tòa xử tháng 12 năm 2009 được chọn làm nhan đề cuốn sách nói lên tính chất nhân bản không căm hận của ông. Mặc dù có rất nhiều sự can thiệp của nhiều nhân vật uy tín trên thế giới và áp lực của dư luận nhưng ông vẫn phải đang thụ án tại trại giam Cẩm Châu thuộc tỉnh Liêu Ninh ở miền đông bắc Trung Hoa. Vợ ông thì đang bị quản thúc tại gia ở Bắc Kinh.
    Giải Nobel Hòa Bình năm 2010 của Hàn Lâm Viện Thụy Điển được trao tặng cho Lưu Hiểu Ba, một người bất đồng chính kiến Trung Hoa đang bị cầm tù. Ông không thể dự lễ trao giải và từ một năm qua đến nay chiếc ghế màu xanh để trống của ông tại lễ trao giải Nobel Hòa Bình tại Oslo hồi tháng 12 năm 2010 gần như là vật duy nhất nhân danh một nhân vật tranh đấu cho nhân quyền đối với thế giới.
    Trước đó, Trung Quốc đã cảnh cáo ủy ban giải thưởng Nobel Hòa Bình đừng trao giải cho Lưu Hiểu Ba. Bộ Ngoại Giao nói việc trao giải này đi ngược với nguyên tắc của giải Nobel. Người phát ngôn nói với các phóng viên rằng ông Lưu Hiểu Ba bị tù vì ông vi phạm luật và trao giải Nobel Hòa Bình sẽ tạo ra những thông điệp sai trái và đi ngược lại mục tiêu của người sáng lập giải là thúc đẩy hòa bình giữa các dân tộc.
    Đã có hơn 100 học giả, trí thức, luật sư người Trung Hoa kêu gọi Ủy Ban vinh danh ông. Cựu tổng thống Czech Vaclav Havel cũng tận tình ủng hộ.
    Chủ tịch Ủy Ban Nobel tai Oslo, Thorbjom Jagland đã thông báo với lời vinh danh:
    "Trong hơn hai thập niên, ông Lưu Hiểu Ba đã là người phát ngôn mạnh mẽ nhất cho nhân quyền tại Trung Quốc. Ông đã tham gia các cuộc biểu tình tại Thiên An Môn năm 1989. Ông là tác giả hàng đầu của Hiến Chương 08 công bố vào dịp kỷ niệm 60 năm Tuyên ngôn Quốc Tế Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.
    Một năm sau ông Ba lại bị án tù 11 năm cộng thêm 2 năm mất quyền chính trị vì chống lại quyền lực nhà nước. Ông Lưu luôn nói rằng các mức án này vi phạm hiến pháp và nhân quyền căn bản của Trung Quốc. Qua bản án hà khắc dành cho ông, ông Lưu đã là biểu tượng tiêu biểu nhấtcho cuộc đấu tranh vì nhân quyền ở Trung Quốc".


    Nguyễn Mạnh Trinh
    Similar Threads
Working...
X
Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom