• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Hạnh Phúc là gi?

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Hạnh Phúc là gi?

    Mọi người nam cũng như nữ, ai cũng mong, muốn và mơ tìm được hạnh phúc với người bạn đời ... Vậy thế nào là Hạnh Phúc lứa đôi ??

    ketui làm trước nè :

    Theo ketui thì Hạnh Phúc lứa đôi rất đơn giãn võn vẹn chỉ 3 chữ thuiiii

    Cho và nhận Nếu ai cân bằng được điều này thì sẽ thấy là Hạnh Phúc ...

    Các bạn nào có ý kiến gì hay thì góp ý thêm nha
    Similar Threads

  • Bà mẹ ghẻ...


    1. Đám giỗ
    Ngày giỗ mẹ lần thứ hai mươi lăm, bố lệnh cho bốn đứa chúng tôi phải về đông đủ. Lý do là lễ giỗ bạc, một phần tư thế kỷ chứ có tầm thường đâu. Bố còn dặn đi dặn lại rằng có chuyện quan trọng phải bàn. Chúng tôi đoán già đoán non là chắc bố già rồi, có tí của chìm của nổi nào muốn chia cho con cháu chăng? Thế là bốn chị em chúng tôi cùng với vợ, chồng, cháu nội, cháu ngoại về không thiếu một ai.
    Đọc kinh tối xong, quây quần bên mâm cơm mà chúng tôi gọi đùa là mâm cơm cúng, chúng tôi hỏi thăm nhau, kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện: chuyện gia đình, chuyện cơm áo gạo tiền, chuyện ngày xưa năm giờ sáng đốt đuốc làm bằng xương cây bô, nhịn đói cuốc bộ đi học, chuyện câu cá, thả diều... Cuối cùng là chuyện “quan trọng” của bố. Bố ngập ngừng, ngọng nghịu như một đứa trẻ lên ba. Khó khăn lắm, bố mới thốt được ba chữ:
    -Bố... lấy... vợ...
    Phải, chỉ ba chữ thôi, ba chữ mở đầu một vở kịch không đạo diễn, nhưng mang đủ yếu tố bi, hài. Đầu tiên chúng tôi cười ngặt nghẽo, cười ngả nghiêng làm rơi cả đũa bát, cười như chưa bao giờ được cười, cười ra nước mắt. Khi mọi người lấy khăn lau mặt, trận cười mới chấm dứt. Tôi vội lấy điện thoại di động, ghi âm được vở kịch nói như sau:
    -Bố ở vậy, nuôi chúng con, bữa đói, bữa no đã hai mươi lăm năm nay. Bây giờ chúng con khôn lớn. Vì sinh nhai, làm ăn xa, phải để bố ở nhà một mình. Nhưng chúng con có để bố thiếu thốn gì không? Sáu mươi bảy tuổi đời, gần đất xa trời rồi, bố lấy vợ không sợ thiên hạ cười cho.
    -Cười hở mười cái răng. Với lại “ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình” chứ đâu phải ánh lửa từ trái tim người khác?
    -Lại còn tim gan phèo phổi lòng mề nữa cơ đấy?
    -Ăn nói thế mà nghe được?!
    -Đành rằng “con nuôi cha không bằng bà nuôi ông”, nhưng bố lấy ai xứng đáng để chúng con gọi là mẹ, các cháu gọi là bà?
    -Bà Thơ, bạn của ba thời học trung học, được không?
    -Cái bà tu xuất ấy hả? Yêu thương gì? Vợ chồng gì? Chắc lại muốn đào, đục, đẽo gì đây?
    -Em xin lỗi. Bố mình đau yếu rề rề, hết cao máu lại tiểu đường, hết gai cột sống lại gút. Đồng lương hưu: không, của nổi: không, của chìm: chắc cũng không. Trên răng, dưới cạc tút, đào đục đẽo được đấy?!
    -Ông bà nội mất cả rồi, ai đứng chủ hôn cho bố. Không lẽ trên thiệp mời lại ghi là: Trân trọng báo tin lễ thành hôn của cha chúng tôi?
    -Cái đó thì dễ thôi.
    -Bố có sai lời với ai bao giờ không?
    -Không, bố có nhiều thói hư, tật xấu. Nhưng đời bố, các con biết đấy, bố luôn luôn giữ lời, dù là chỉ hứa với một đứa trẻ.
    -Bố có hứa gì với mẹ không?
    -Hứa gì?
    -Cuốn băng video đám cưới bố mẹ, con đã copy sang đĩa VCD, bố muốn coi lại không? Trước mặt cha chủ tế và cộng đoàn, bố đã hứa một cách trọng thể với mẹ, nguyên văn thế này: “Anh Giuse Trần Thạch Cao nhận em Maria Tô Mực Tím làm vợ và hứa sẽ giữ lòng chung thuỷ với em khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khoẻ để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời anh”... Mọi ngày là gì, suốt đời là gì, hả bố?
    -Đó là công thức khi cử hành Bí tích Hôn phối. Nhưng theo Giáo luật, khi một trong hai người phối ngẫu mệnh một, mối dây ràng buộc hôn nhân được tháo gỡ.
    -Con không nói đến Bí tích và Giáo luật, con chỉ muốn hỏi: Bố có hứa không, bố có giữ lời không?
    Nếu đó là lời hứa, thì đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, bố thất hứa. Chúng tôi can ngăn cũng chẳng được. Thế là bố đi bước nữa.

    2. Đám cưới
    Đám cưới của bố được tổ chức vào một ngày Chúa Nhật để không ảnh hưởng đến công ăn việc làm cũng như việc học hành của con cháu. Nhưng không một ai trong chúng tôi về tham dự được. Mỗi người đều có lý do riêng, mà lý do nào cũng chính đáng, cũng hợp tình, hợp lý. Nhưng tôi biết lý do duy nhất đúng, là không ai muốn về, vì không ai muốn bố lấy vợ, thế thôi. Tuy nhiên, nhưng mà, dù sao chăng nữa..., chúng tôi cũng bảo nhau gom góp được một cây vàng gởi về làm quà đám cưới. Một cây vàng, lại trong thời buổi khó khăn, đâu phải chuyện nhỏ. Cô Út cẩn thận bỏ vào một cái túi gấm nhỏ, khâu chết lại, lại còn nghịch ngợm lấy bút lông, nắn nót viết bốn chữ “trăm năm hạnh phúc” bên cạnh hình hai trái tim lồng vào nhau. Chúng tôi nhìn nhau, cười khúc khích. Chị Cả thẳng ruột ngựa, nghĩ sao nói vậy:
    -Già đầu rồi còn ham hố, đòi lấy vợ, lại lấy con mẹ Thơ. Cứ nghĩ tới con đĩ ấy là lộn cả ruột gan, ăn cơm mất ngon. Lại còn...
    Chị chưa nói hết câu, đã bị chồng mắng:
    -Em phải giữ lời ăn tiếng nói. Muốn hay không thì người ta cũng ở bậc trên, là cha mẹ mình. Bảo người ta là con đĩ, hóa ra bố mình kết thân với người ta, bố mình là thằng điếm, là ma cô hay sao?

    3. Đám tang
    Bố bị ung thư gan, chắc là do uống rượu và hút thuốc lào nhiều quá. Khi bố chuyển bệnh, chúng tôi về đông đủ. Nhìn dì Thơ cho bố ăn, cho bố uống thuốc, tắm rửa, giặt giũ, dọn dẹp, chăm sóc bố từng li từng tí, chúng tôi mới thấy mình có lỗi với bố nhiều quá, có lỗi với cả dì nữa.
    Khi bố lâm chung, dì Thơ bắt mạch tay, mạch chân, còn chúng tôi đo huyết áp và nhịp tim. Bố thều thào:
    -Không biết được đâu. Giúp kẻ liệt nhiều nhiều năm, bố biết khi nào bệnh nhân thoát dương là gần rồi đấy.
    Bố vừa nói xong thì trán, rồi mặt, rồi người bố mồ hôi đổ ra như tắm. Ông trùm khu phó linh hồn cho bố. Bố dùng chút hơi tàn bảo hát cho bố bài “Lạy Mẹ Xin Yên Ủi”. Mọi người hát đi hát lại. Lần thứ ba, tới câu: “Đến giờ chết xin Mẹ ngự đến bên giường khuyên con” thì bố trút linh hồn.
    Bác Hai bảo:
    -“Sống dầu đèn, chết kèn trống”, phải lo cho chú Cao không bằng thì cũng đừng thua kém người ta.
    Dì Thơ nhỏ nhẹ, nhưng cương quyết:
    -Đối với em, và các cháu cũng vậy, di ngôn của người chết là mệnh lệnh tuyệt đối.
    Thế là đám tang của bố được tổ chức giản dị theo công thức bốn không: không hoa, không đèn, không kèn, không trống. Dì Thơ kính báo, rồi nhã nhặn và khéo léo từ chối tất cả mọi vòng hoa, liễn, trướng, và mọi phẩm vật phúng viếng. Sự từ chối của dì gặp không ít phiền toái, nhưng khi dì nhỏ nhẹ: “Đó là ý muốn của bố các cháu, gia đình phải tôn trọng”, thì rồi đâu cũng vào đấy cả.
    Dì chào đón và cám ơn thân bằng quến thuộc các nơi xa gần một cách vui vẻ, bặt thiệp. Đến nỗi chị Cả lại lỡ lời:
    -Đúng là “khác máu tanh lòng”. Bố mình mất, mà bà ấy có đau buồn tí nào đâu!
    Dì ra vào, vững vàng sắp xếp mọi việc chu đáo có khi còn hơn cả đàn ông. Nhưng từ khi di quan ra khỏi nhà thì nghị lực của dì tan chảy hết, dì mềm như một cọng bún, sụp đổ hoàn toàn. Dì sụt sùi khóc không thành tiếng, mặt mày xanh như một tàu lá chuối. Dì ngất lên, xỉu xuông không biết mấy lần. Tôi ngộ ra được rằng: Dì yêu bố biết bao.
    Tối hôm ấy, về đến nhà, dì Thơ vào phòng nằm vật ra, cánh cửa phòng khép hờ. Tôi sai con bé Bòn Bon mời dì ra dùng cơm. Nó nói bô bô, không ai ngăn kịp:
    -Mời bà ngoại ghẻ xơi cơm.
    Dì Thơ vừa đi ra vừa lau nước mắt. Con bé Bòn Bon lại bô bô, cũng không ai ngăn kịp:
    -Bà ngoại ghẻ lớn rồi còn nhè kìa, mẹ ơi!
    Chỉ hai câu nói, đúng hơn chỉ hai lần dùng cụm từ “bà ngoại ghẻ” của đứa trẻ bốn tuổi, đủ tố cáo, lột trần hết tình cảm của chúng tôi đối với dì tệ bạc đến đâu. Dì đã buồn, càng buồn thêm:
    -Bố các con là người duy nhất mà dì yêu thương và kính trọng. Chỉ tiếc là dì phận mỏng, Chúa không cho dì săn sóc, phục vụ bố các con nhiều hơn. Dì về đây với bố các con với hai bàn tay trắng, thì dì cũng ra đi trắng tay. Món quà cưới của các con, dì không dùng đến, các con cho dì gởi lại.
    Dì đưa cho chúng tôi cái túi gấm nhỏ, khâu chết lại, chưa mở ra lần nào, bốn chữ “trăm năm hạnh phúc” bên cạnh hình hai trái tim lồng vào nhau vẫn còn đó, mới mỉa mai làm sao!
    Chị Cả lại phổi bò, nghĩ sao nói vậy, nhưng lần này, tôi tin là chị rất chân thành:
    -Dì không phải đi đâu cả, cứ ở đây, hay lên ở với con cũng được. Sống con nuôi, chết con chôn.
    Dì Thơ lại rút khăn lau nước mắt.

    4. Lời cuối
    Dì Thơ ơi! Con mong dì đọc chuyện này. Xin dì xem đây là lời tạ lỗi của chúng con, cho dẫu muộn màng.

    ngulãonhân

    Comment


    • Hãy thong thả sống...



      Nhiều khi chúng ta sống mà quên bẵng đi là mình có thể chết bất cứ lúc nào. Ta hối hả sống, vui, buồn, khỏe, yếu, ta cứ lướt qua rồi không ngoái đầu lại nhìn chuỗi ngày tháng ta đã tiêu hao của một đời người.

      Cho đến khi có một người bạn vừa ngã bệnh, bệnh nặng, không biết sẽ mất đi lúc nào, lúc đó ta mới xa, gần, hốt hoảng gọi nhau. Tưởng như chưa từng có người bạn nào “Chết” bao giờ. Hay ta có một người thân trong gia đình, đang rất khỏe vừa báo tin bị bệnh hiểm nghèo. Gia đình, họ hàng cuống lên, sợ hãi như chưa nghe đến ai nói về cái chết bao giờ, chưa chứng kiến cảnh vào bệnh viện, cảnh tang ma bao giờ.

      Cả hai người trên có thể đã ngoài 70 tuổi. Lạ thật! Cái tuổi nếu có chết thì cũng đã sống khá lâu trên đời rồi, sao những người chung quanh còn hoảng hốt thế. Hóa ra người ta, không ai muốn nghe đến chữ “Chết” dù chữ đó đến với mình hay với người thân của mình.

      Hình như không ai để ý đến mỗi sáng chúng ta thức dậy, nhìn thấy mặt trời mọc (nếu còn để ý đến mặt trời mọc) là chúng ta đã tiêu dùng cái ngày hôm qua của đời sống mình. Có người vì công việc làm ăn, cả tuần mới có thời giờ ngửng mặt nhìn lên mặt trời. Buổi sáng còn tối đất đã hấp tấp ra đi, buổi chiều vội vã trở về lúc thành phố đã lên đèn, làm gì nhìn thấy mặt trời. Nhưng mặt trời vẫn nhìn thấy họ, vẫn đếm mỗi ngày trong đời họ. Họ tiêu mất cái vốn thời gian của mình lúc nào không biết. Tiêu dần dần vào cái vốn Trời cho mà đâu có hay. Rồi một hôm nào đó bỗng nhìn kỹ trong gương, thấy mình trắng tóc. Hốt hoảng, tiếc thời gian quá! Khi nghe tin những người bạn bằng tuổi mình, bệnh tật đến, từ từ theo nhau rơi xuống nhanh như mặt trời rơi xuống nước, họ vừa thương tiếc bạn vừa nghĩ đến phiên mình.

      Thật ra, nếu chúng ta bình tâm nghĩ lại một chút, sẽ thấy “Cái chết” nó cũng đến tự nhiên như “Cái sống”. Đơn giản, mình phải hiểu giữa sống và chết là một sự liên hệ mật thiết, vì lúc nào cái chết cũng đi song song từng ngày với cái sống.

      Dẫu biết rằng, đôi khi có những cái chết đến quá sớm, nhưng ta cũng đâu có quyền từ khước chết.

      Tôi biết có người mẹ trẻ, con của bạn thân tôi. Chị bị ung thư, chị cầu xin Thượng Đế cho sống đến khi đứa con duy nhất của mình vào Đại Học. Chị không cưỡng lại cái chết, chị chỉ mặc cả với Thượng Đế về thời gian vì con chị lúc đó mới lên 3 tuổi. Thượng Đế đã nhận lời chị. Ngày con chị tốt nghiệp Trung Học, chị ngồi xe lăn đi dự lễ ra trường của con và tuần lễ sau chị qua đời. Trong suốt mười mấy năm trị bệnh, chị vẫn làm đủ mọi việc: chị đội tóc giả đi làm, đến sở đều đặn, lấy ngày nghỉ hè và ngày nghỉ bệnh đi trị liệu.

      Những bạn làm chung không ai biết chị bị ung thư, ngay cả xếp của chị. Khi họ biết ra, thì là lúc chị không đứng được trên đôi chân mình nữa. Chị sửa soạn từng ngày cho cái chết với nụ cười trên môi. Vẫn vừa đi làm, vừa cơm nước cho chồng con, ân cần săn sóc cha mẹ, hiền hòa giúp đỡ anh em trong nhà, chị mang niềm tin đến cho tất cả những người thân yêu của mình. Sau ba năm chị mất, cậu con trai mỗi năm vẫn nhận được một tấm thiệp sinh nhật mẹ viết cho mình (Mẹ đã nhờ qua người dì gửi hộ). Hôm sinh nhật 21 tuổi của cậu cũng vào ngày giỗ năm thứ ba của Mẹ, cậu nhận được tấm thiệp mừng sinh nhật mình, với dòng chữ nguệch ngoạc, chị viết cho con: "Mừng sinh nhật thứ 21 của con. Hãy bước vui trong đời sống và nhớ rằng mẹ luôn luôn bên cạnh con.". Tôi đọc những dòng chữ mà ứa nước mắt.

      Tôi nghĩ đến chị với tất cả lòng cảm phục. Chị là người biết sống trong nỗi chết. Khi không thắng được bệnh tật, chị biết hòa giải với nó để sống chậm lại với nó từng ngày cho con mình. Chắc “Cái chết” cũng nhân nhượng với chị, thông cảm với chị như một người bạn.

      Một chị bạn kể cho nghe về một bà bạn khác. Bà này mới ngoài sáu mươi, nhanh nhẹn, khỏe mạnh và tính nết vui vẻ, yêu đời. Nhưng khi nào đi ra khỏi nhà bà cũng mang theo một bộ quần áo đặc biệt, đủ cả giầy vớ bỏ vào một cái túi nhỏ riêng trong va-li. Hỏi bà, sao lại để bộ này ra riêng một gói vậy, bà thản nhiên nói: “Nếu tôi chết bất thình lình ở đâu, tôi có sẵn quần áo liệm, không phiền đến ai phải lo cho mình.” Bà mang theo như thế lâu lắm rồi, tôi không biết có khi nào bà ngắm nghía mãi, thấy chưa dùng tới, bà lại đổi một bộ mới khác cho ưng ý không? Giống như người phụ nữ sắp đi dự tiệc hay cầm lên, để xuống, thay đổi áo quần sao cho đẹp. Đi vào cái chết cũng có thể coi như đi dự một đám tiệc.

      Tôi nghĩ đây là một người khôn ngoan, sẵn sàng cho cái chết mà bà biết nó sẽ đến bất cứ lúc nào. Bà đón nhận cái chết tự nhiên, giản dị như đi dự tiệc, hay một chuyến đi xa, đi gần, nào đó của mình.

      Nhưng không phải ai cũng nghĩ về cái chết giản dị như vậy. Phần đông muốn được sống lâu, nên bao giờ gặp nhau cũng thích chúc cho nhau tuổi thọ. Thích hỏi nhau ăn gì, uống gì cho trẻ trung mãi. Loài người nói chung, càng ngày càng thích sống hơn chết. Họ tìm kiếm đủ mọi phương thuốc để kéo dài tuổi thọ. Người ta ức đoán, trong một tương lai rất gần, loài người có thể sống đến 120 tuổi dễ dàng với những môn thuốc ngăn ngừa bệnh tật và bồi dưỡng sức khỏe. Rồi người ta sẽ còn tạo ra những bộ phận mới của nội tạng để thay thế cho những bộ phận gốc bị nhiễm bệnh. Gan, ruột, bao tử v.v... sẽ được thay như ta thay những phần máy móc của một cái xe cũ. Chúng ta, rồi sẽ sống chen chúc nhau trên mặt đất này.

      Chỉ tiếc một điều là song song với việc khám phá ra thuốc trường thọ người ta cũng phải phát minh ra những người máy (robot) để chăm sóc những người già này, vì con cháu quá bận (chắc đang chúi đầu tìm thuốc trường sinh) không ai có thời giờ chăm sóc cha mẹ già. Theo tôi, ngắm nhìn hình ảnh một cụ ông hay một cụ bà lưng còng, tóc bạc, đang cô đơn ngồi trong một căn buồng trống vắng, được một người máy đút cơm vào miệng, thật khó mà cảm động, đôi khi còn cho ta cái cảm giác tủi thân nữa.

      Nhưng sống như vậy mà có người vẫn thích sống. Một người đàn ông ngoài bẩy mươi, bị bệnh tim nặng, đang nằm trong phòng đặc biệt (ICU) lúc mơ màng tỉnh dậy, nhắn với các con cháu là khi nào vào thăm không ai được mặc áo mầu đen. Ông kiêng cữ mầu của thần chết. Ông quên rằng thần chết, đôi khi, có thể đến với chiếc áo mầu hồng.

      Thật ra, chính nhờ “cái chết” cho ta nhận biết là “cái sống” đẹp hơn và có giá trị hơn, dù có người sống rất cơ cực vẫn thấy cuộc đời là đẹp.

      Những bậc thiên tài, những nhà văn lớn đã tự tìm về cái chết khi họ bắt đầu nhìn thấy cái vô vị trong đời sống như nhà văn Ernest Hemingway, Yasunari Kawabata và họa sĩ Vincent van Gogh, v.v... Chắc họ không muốn sống vì thấy mình không còn khả năng hưởng hết vẻ đẹp của “cái sống” nữa. Họ là một vài người trong số nhỏ trên mặt đất này sau khi chết để lại tên tuổi trên những trang sử, lưu lại hậu thế, còn phần đông nhân loại, sau khi chết một thời gian, không để lại một di tích nào. Con cháu có thờ cúng được một hai thế hệ, sau đó tên tuổi mờ dần, mất hẳn theo ngày tháng, vì chính những kẻ thờ phụng đó lại tiếp theo nằm xuống cùng cát bụi.

      Ðời sống con người chóng qua như cỏ, như bông hoa nở trong cánh đồng, một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi, nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích. (Thánh Vịnh)

      Thượng Đế khi đem mình vào đời, có hỏi ý kiến mình đâu. Nên chắc chắn là khi Ngài gọi mình đi cũng chẳng cần thông báo trước.

      Chúng ta cứ thong thả sống từng ngày, khi nào chết thì chết, mặt trời mọc rồi mặt trời lặn, bông hoa nở rồi bông hoa tàn, thế thôi.

      Tại sao ta phải cay cú với cái chết? Hãy dùng trí tưởng tượng của mình, thử hình dung ra một thế giới không có cái chết. Chắc lúc đó chúng ta sẽ không còn không khí mà thở chứ đừng nghĩ đến có một phiến đất cho bàn chân đứng.

      (Trần Mộng Tú)

      Comment


      • CHỈ LÀ MỘT NẮM TRO...

        "Chỉ là nắm tro" không phải là một bài kinh trong kho tàng Phật điển, mà nó là một thực tế. Thực tế ấy tôi đã chạm mắt, đã sờ mó được. Từ đó tôi có một cảm nhận riêng, xin được chia sẻ với tất cả các bạn đồng tu nắm tro này.

        Vì là nữ nên Hòa Thượng sắp xếp ở thiền viện ni tức Linh Chiếu. Cụ lớn tuổi nên không nhập chúng, mà ở cái thất trong khuôn viên thiền viện do Hòa Thượng cất cho. Vì thế chúng tôi xem cụ như một thiền sinh ni của viện. Cụ rất siêng tu, không bao giờ lơi lỏng, tự lực lo cho mình mọi việc, ít làm phiền đến chư in. Năm 91 tuổi cụ vẫn tự quét nhà, rửa chén, giăng mùng, không phải nhọc nhằn ai, sáng suốt minh mẫn và rất dễ thương. Đến 92 tuổi cụ mất, ra đi hết sức nhẹ nhàng, không giật mình giật mẩy, không làm kinh động đến đại chúng.

        Khi được tin cụ yếu, tôi sang thăm. Cụ nhìn tôi quá đổi hiền lành rồi khép nhẹ đôi mắt, đi hồi nào tôi không hay. Thiền viện lo hết chuyện hậu sự. Hỏa táng xong, buổi chiều tôi cùng chư ni đi lấy cốt. Phần xương cho vào hũ đem về nhập tháp Liên Hoa tại Thường Chiếu, còn lại phần tro quý cô hốt vô bao ni lông đem đến cầu Long Sơn - Bà Rịa.

        Tại đây tôi được chư huynh đệ chỉ cho dãy núi Long Sơn thật trầm mặc nằm sâu lắng bên trong. Dòng sông trước mắt cũng trôi chảy yên ả quá chừng, làm như không có chuyện gì phải buồn phải vui. Sạch và trong vắt. Tôi thật bất ngờ về một miền đất gần gũi với mình. Ở đó có một dòng sông tinh khiết, yên tĩnh, như không hề bận tâm tới chuyện phố thị rộn ràng bên ngoài.

        Huynh đệ chia nhau nắm tro sau cùng của người pháp lữ cao niên rải xuống dòng sông. Nắng chiều óng ánh chiếu xuống màu áo lam, màu xám tro, màu sông nước, màu trái tim huynh đệ lần chia tay. Đẹp và cảm động vô cùng. Khi tôi bốc nắm tro rải xuống, bụi tro bay bay trong hư không, từ từ tan loảng rồi hòa vào sông nước. Về đến thiền viện, ngồi lặng lẽ trong phòng, tôi như ngộ ra một điều:

        Đời người chỉ là nắm tro.
        Thật ra chuyện này chúng ta ai cũng biết. Tôi cũng biết. Nhưng mãi đến khi chính bản thân mình cầm nắm tro của bà cụ, mà trước đó mình ngồi một bên, còn nhìn, còn nói, còn cười gọi tên… bây giờ lại là nắm tro, cũng do chính tay mình đem gởi xuống dòng sông. Bỗng dưng tôi cảm nhận sâu sắc về một đời người, chung cuộc của chiếc thân tứ đại, ai cũng như ai, chỉ là nắm tro. Đã là nắm tro thì không có nắm tro nào sang hơn nắm tro nào, không có nắm tro nào vinh quang hơn nắm tro nào, không có nắm tro nào ti tiện hơn nắm tro nào. Tự nhiên bao nhiêu muộn phiền, toan tính trong lòng rớt xuống. Bởi vì mình đã là nắm tro thì không có lý do gì đi phiền não các nắm tro khác.
        Chúng ta ít nhiều đã đánh mất cả một quãng đời của mình trong phiền lụy, khổ đau. Cuối cùng tứ đại này không mang theo được vì nó chỉ là nắm tro, chỉ mang theo nghiệp mà thôi. Sao ta không tự hỏi vì cái gì mà ta tạo nghiệp, vì ai mà ta tạo nghiệp ? Vì nắm tro mà tạo nghiệp ! Có vô lý không. Phải chi vì vàng vì ngọc mình tạo nghiệp cũng được đi, nhưng vì nắm tro mà tạo nghiệp thì oan uổng quá. Tạo nghiệp để mưu cầu hạnh phúc, không ngờ lại chuốt quả khổ đau. Bởi vì ranh giới giữa hạnh phúc và khổ đau nằm ở chỗ nào, chúng ta không biết được. Chẳng hạn trời đang nóng mình thèm ăn kem. Ăn được một cây kem thật tuyệt vời, có thể gọi là hạnh phúc. Ăn thêm một cây nữa, cũng còn hạnh phúc. Thêm một cây nữa thì… hết hạnh phúc, bởi vì nó sắp nôn ra đây nè. Nếu ăn kem là hạnh phúc thì càng ăn càng hạnh phúc, ăn một cây hạnh phúc chỉ có một, ăn hai cây hạnh phúc nhân đôi, ăn ba cây hạnh phúc nhân ba. Tại sao ăn ba cây lại hết hạnh phúc? Thì ra chúng ta đã hiểu lầm về hạnh phúc. Hạnh phúc là gì? Là vừa lòng. Tạm định nghĩa ngắn gọn như vậy đi.

        Mình cho rằng cái gì vừa lòng, thích thú, thỏa mãn là hạnh phúc, mà không biết rằng cơ thể chúng ta, tâm tư chúng ta không bao giờ thỏa mãn được hết. Khi tham là cứ muốn thêm, mà sự tiếp nhận của thân tứ đại có chừng mực. Đến lúc nó không tiếp nhận được nữa, mà nghiệp tham vẫn lôi kéo, thế là có sự xung đột giữa thân và tâm. Như vậy là mất hạnh phúc.

        Phật dạy các pháp chỉ là duyên sinh thôi, chứ không có cái gọi là chân thật trong đó. Chúng ta luôn mong muốn mình sống thì phải được vừa lòng hoài, nhưng các duyên không biết chuyện ấy. Nó cứ đến cứ đi, cứ họp cứ tan theo cách của nó. Mình không vừa lòng thì thôi, nó không chiều mình. Cho nên rốt lại hạnh phúc không có thật. Nó chỉ là ảo giác của cảm thọ.

        Cảm thọ có ba:
        - Một là thọ khổ. Khi gặp những cảnh trái ý, nghịch lòng chúng ta không thích, gọi là thọ khổ.
        - Hai là thọ lạc. Gặp những cảnh vừa ý thuận lòng, chúng ta thích thú sung sướng, gọi là thọ lạc.
        - Ba là thọ không khổ không lạc. Khi gặp cảnh bình thường, chúng ta cũng thấy bình thường, gọi là thọ không khổ không lạc.

        Trong ba cái thọ này, có một số người thích thọ bình thường. Tại sao? Vì họ bảo có vui thì có khổ. Do sợ khổ nên không dám nhận vui. Lo xa như thế. Thì ra vì né cái khổ mà tránh cả cái vui, chớ không phải giác ngộ cái vui tạm bợ của thế gian vốn không thật. Do đó mà chọn thọ bình thường. Nhưng Phật nói rõ thế này: Ba cái thọ đó đều vô thường, ngay cả thọ bình thường cũng không thường.

        Tóm lại, có thọ là có khổ. Chẳng hạn bây giờ mình không buồn cũng không vui, nhưng có chuyện buồn tới mình sẽ buồn. Chúng ta chọn cái bình thường, nhưng ngoại duyên không mãi bình thường được, nó luôn thay đổi.

        Ngoại duyên đến từ bên ngoài, chúng ta không thể chủ động được. Trong toàn bộ đời sống, con người chỉ chủ động một phần, còn lại phần lớn là bị động bởi các duyên bên ngoài. Như thời tiết tốt chúng ta thấy bình thường, dễ chịu, nhưng nếu nước lụt lên thì sao? Khổ liền. Các tỉnh miền Trung, miền Tây Nam bộ lụt hoài, dân mình cứ phải sống theo con nước, hoàn toàn không thể chủ động được. Đâu có ai muốn lụt, nhưng nước vẫn cứ dâng. Đó là duyên bên ngoài. Đến duyên bên trong lục phủ ngũ tạng của chúng ta cũng thế. Có ai muốn bệnh đâu, mà sao vẫn cứ bệnh. Già có bệnh của già, trẻ có bệnh của trẻ. Ngày nay trẻ đã bệnh ké những bệnh của người già. Như vậy thân của mình mà mình nói nó không nghe, biểu đừng bệnh mà vẫn cứ bệnh. Rõ ràng chúng ta mất quyền tự chủ đối với thân tứ đại này rồi. Cho nên Phật bảo thân này không phải của mình. Đã không phải của mình, tại sao người ta nặng nhẹ một chút mình lại nổi sùng? Chúng ta khổ vì chúng ta lầm. Đơn giản vậy thôi. Hàng xóm mích lòng nhau là vì hiểu lầm.

        Phật nói thân này là duyên sinh, do bốn chất đất nước gió lửa hợp thành, đó là phần thân, còn phần tâm là do nghiệp dẫn. Chúng ta tạo nghiệp, rồi nghiệp quay trở lại lưu dẫn chúng ta thọ sanh. Cho nên đời quá khứ chúng ta tạo nghiệp gì nhiều, đời sau sanh ra rất quen thuộc với nghiệp ấy. Thương ai nhiều, ghét ai nhiều, nhắc ai nhiều thì đời sau được gặp lại thôi.

        Nếu đời quá khứ ta đã là người tu, đời này sanh ra thấy chùa muốn tu ngay. Đời quá khứ là ca sĩ, đời này nghe nhạc là hát. Hát rất hay mà không cần ai chỉ vẽ, vì đã huân tập rồi. Nhiều thiên tài xuất hiện dưới dạng thần đồng, người ta bảo là thiên tư, thật ra nó là dòng nghiệp được nối tiếp từ đời trước.

        Tuy nhiên, đạo Phật bảo nghiệp cũng không thật, có thể thay đổi được. Bởi vì nó do duyên tạo tác, luôn thay đổi sinh diệt. Nếu thật thì nó còn hoài và không thể sửa đổi. Song nó luôn biến dịch nên chúng ta có thể thay đổi được. Khi mê chúng ta tạo nghiệp xấu, nhưng tỉnh rồi không tạo nghiệp xấu nữa, mà tạo nghiệp thiện. Ví dụ chúng ta mê nên có tham sân si, nếu sáng suốt tỉnh táo ta sẽ không thèm tham sân si nữa. Điều đó có người đã làm được, như các bậc thánh nhân, cao tăng xưa cũng như nay. Nhờ thế chúng sanh mới có thể tu thành Phật.

        Có người thấy tiền thích, có người thấy tiền không thích vì họ không có nhu cầu. Nhu cầu thường không nhất định, do quan niệm và sở thích của mỗi người mà phát sinh. Muốn bớt tham thì bớt nhu cầu. Muốn không tham thì không có nhu cầu. Vậy thôi. Cho nên tham tiền hay không tham tiền, chúng ta làm được, nếu muốn. Giữa hai nghiệp thiện và ác, mình muốn làm ác cũng được, muốn làm thiện cũng được. Làm ác thì nghiệp ác dẫn đi trong đường ác. Làm lành thì nghiệp thiện dẫn đi trong đường lành. Tất cả đều do chúng ta quyết định.

        Có người thắc mắc, khi chết rồi đi về đâu ai mà biết được.
        Về vấn đề này, chúng ta có thể lý giải sự có mặt của nghiệp qua những gì mình thấy biết trong đời hiện tại. Như một gia đình, cha mẹ sanh ra ba đứa con. Chúng được chăm sóc như nhau, mà ba đứa không đứa nào giống đứa nào. Chúng khác nhau trên mặt mày, trên tánh tình. Tại sao cùng cha cùng mẹ, cùng sống trong một môi trường, cùng nhận sự yêu thương chăm sóc như nhau mà lại khác nhau? Nhiều đứa bé mới hai ba tuổi đã thể hiện những đường nét riêng của nó. Đường nét riêng này ở đâu ra? Đâu có chuyện khơi khơi mà ra, chứng tỏ nó có chủng tử nghiệp từ đời trước. Thêm điều này nữa, chúng ta vừa thấy người nào đó thì mến liền, mặc dù chưa nói chuyện với nhau lần nào. Người ấy có thể dễ mến với mình, nhưng chưa hẳn dễ mến với người khác. Cũng thế, trong trường hợp đối nghịch. Vừa thấy người đó lần đầu, bỗng nhiên ta dị ứng ngay, thì biết oan nghiệp tới rồi. Cho nên lúc ra đi, tâm mình bình an không vấn vương việc gì, không sợ hãi việc gì, không lưu niệm việc gì thì đi thanh thản, theo phước duyên thọ thân sau tốt đẹp. Ngược lại, trước lúc ra đi chúng ta sợ hãi, hoảng loạn, lo nghĩ đến con cháu thì thọ thân sau trong sự trói buộc của nghiệp lực đời trước.
        Người Phật tử hiểu đạo rất sợ tạo nghiệp.
        Thân này không giữ được vì nó là nắm tro, nhưng nghiệp sẽ quyết định cho vận mệnh nhiều đời của mình. Chúng ta không nên đầu tư vào chuyện chăm chút nắm tro, mà lo chuyển hóa tu tập ba nghiệp của mình. Hơn thua nhau từng tiếng là tạo nghiệp bất thiện. Từ đó lưu vào tâm thức những hình ảnh căm tức sân hận, nguyện gặp lại để trả thì rất nguy hiểm. Đó là một trở ngại trong tiến trình tái sinh, nếu chúng ta chưa giải thoát được.

        Ở đây mục đích của người tu là giải thoát sanh tử, nhưng chúng ta không dám đi quá xa với mức độ tu tập thực tế của mình, chỉ mong quý Phật tử chuyển được nghiệp bất thiện thành nghiệp thiện, định tĩnh trước phút lâm chung để có được hướng đi tốt. Sức mạnh của nghiệp rất đáng sợ. Ví dụ người nữ có tật hay cằn nhằn. Thật ra họ không muốn cằn nhằn nhưng khi đã thành nghiệp rồi, vừa gặp chuyện không hài lòng thì cằn nhằn. Cằn nhằn mà không hay mình đang cằn nhằn. Cho nên mới nói bị nghiệp lôi, không kiềm chế được. Cũng như bên nam có tật uống rượu. Uống quen không uống thấy buồn, thấy thèm. Đặc biệt những lúc căng thẳng, bức xúc là đi kiếm rượu uống. Nhiều vị dư biết uống rượu là uống chất độc mà đã nghiền rồi thì không cưỡng lại được. Thế nên vị nào lỡ ghiền rượu mà muốn bỏ thì xin đừng đi ngang quán rượu. Quán rượu đâu có tay mà kéo quý vị, nhưng cái nghiệp nó sẽ kéo. Nghiệp là gì? Là thói quen. Thật đơn giản mà không đơn giản chút nào. Tại sao? Như nghiệp uống rượu, nghiệp đánh bài, nghiệp hút thuốc… muốn bỏ không phải là chuyện đơn giản. Lại nữa, chúng ta không ai thích phiền não nhưng luôn luôn sống trong phiền não.
        Tại sao? Tại quen rồi, bỏ không được. Ai bắt chúng ta phiền não? Ta không có câu trả lời vì ta không dám nhận lỗi về mình. Bây giờ muốn giải trừ phiền não, nhất định phải truy nguyên cho ra nguồn gốc của nó. Phiền não từ mình mà ra. Do si mê tăm tối nên ta tạo nghiệp, nghiệp quay trở lại làm tăng trưởng vô minh. Cứ thế xoay vần gốc vô minh càng lớn, nghiệp lực càng mạnh, chúng ta càng bị nó sai sử, chớ không ai bắt mình cả. Đối với phiền não, nhà Phật gọi nó là giặc. Muốn trừ giặc, trước tiên ta phải phát hiện nó thật sớm, sau đó kiên quyết đuổi sạch, không khoan nhượng mới yên ổn được. Vừa nổi nóng lên ta phát hiện ngay, một tên giặc vừa ló đầu ra, dùng gươm trí tuệ chém nhanh. Tự nói giận làm gì cho mệt, không thèm giận. Đó chính là tu tập, là chuyển hóa nghiệp. Việc này cũng phải có lực, nhà Phật gọi là đạo lực. Muốn có đạo lực mạnh phải liên tục huân tu, không đợi gặp cảnh mới tu.

        Cái gan của chúng sanh lớn tợn lắm, rất sợ khổ mà chuyên lao vào nhân khổ. Phật nói Bồ-tát sợ nhân chúng sanh sợ quả. Nếu thấy phiền não mệt quá thì đừng thèm phiền não. Thí dụ hồi xưa mình nói chuyện với ai, bất đồng ý kiến là bắt đầu nổi sùng trong bụng, tức thiệt là tức. Bây giờ thấy tức mệt quá mình không tức nữa. Vậy thôi. Ngoài cách đó ra không còn cách nào hữu hiệu hơn. Có người bảo làm không được. Được chứ! Cứ không thèm tức thử coi ai làm gì mình. Thật ra chúng ta không chịu buông cái sân giận mà lại đuổi theo nó, chơi với nó, hòa nhập làm một với nó. Trong tâm cứ bám cứng theo đối tượng làm nhân cho sự tức tối thì làm sao hết tức được.

        Như có vị ngồi đây trong lòng đang buồn bực chuyện riêng. Lẽ ra hôm nay không đi nghe pháp mà tại sùng bà hàng xóm quá, đi cho khuây khỏa. Nếu chúng tôi chia sẻ với quí vị rằng đừng thèm sùng bà hàng xóm đó nữa, bỏ đi. Quí vị đồng ý thực tập như vậy. Bà ta đâu có nhảy vô bụng của quí vị cản lại điều ấy. Thành thử do ý chí, do quyết định sáng suốt, do sự thực hành của chúng ta thôi.

        Tất cả trạng thái tâm khổ đau là do ta tạo ra, ta lầm chấp. Người kia có quyền thích ngọt, mình có quyền thích mặn, không thể bắt buộc người kia thích giống mình. Cũng không vì người kia thích ngọt, mà ghét người ta. Điều này vô lý. Tất cả các pháp do duyên sinh, không có duyên nào giống duyên nào, chỉ giống nhau ở chỗ chúng đều là tướng sinh diệt. Tướng sinh diệt thì không chân thật, có gì ta lấn cấn với nhau hoài, cuối cùng không ai hơn ai, cũng không ai tồn tại.

        Chỉ một thứ tồn tại gây khó cho mình, đó là nghiệp ta đã tạo. Thế mà ta lại quên, cứ tạo hoài. Chính nghiệp tham sân si quyết định cuộc đời tiếp tục của chúng ta. Trong một đời này mình khổ đã ngán rồi, bây giờ gieo nhân để thọ thân nữa thì được khổ nữa. Một lần có thân là khổ, Phật bảo bốn thứ khổ cơ bản của thân là sanh lão bệnh tử, không ai tránh khỏi. Đó là chưa kể tới thành bại hơn thua trong cuộc đời. Thật ra cái chết không đáng sợ, nhưng vì mình mê thân nên sợ chết. Sống thì khổ mà lại không muốn chết. Vậy chớ sống để làm gì? Sống để khổ. Có lạ lùng chưa!

        Trở lại vấn đề nắm tro. Khi đang sống đây, dù chúng ta thành công vinh quang cách mấy, cũng không giữ được. Vì sự thành công ấy phải gắn liền với chủ nhân, mà chủ nhân sẽ không còn nữa để nhận sự vinh quang kia. Chủ nhân theo vô thường mà trở thành nắm tro. Tội gì vì một nắm tro mà ta khổ triền miên như vậy. Sao không ngay đây thanh thản, hạnh phúc, bình an, để khi trở về với cát bụi, ta chỉ còn lại sự thanh thản, bình an chớ không phải là nghiệp thức mênh mang. Giả như còn nghiệp chúng ta cũng thọ nghiệp lành, tái sanh vào cõi lành. Nếu hết nghiệp chúng ta không còn đi trong sanh tử, vĩnh viễn thoát khỏi khổ đau.

        Chúng ta cũng nên như thế, sống giữa trùng trùng duyên sinh tương đối, thân này còn không giữ được huống là mọi việc chung quanh. Cho nên người tỉnh ngộ sớm chừng nào thì khỏe chừng đó. Tỉnh ngộ chậm hoặc không khéo tỉnh ngộ thì sẽ khổ đến nhắm mắt. Chẳng những khổ đến nhắm mắt mà cho tới lúc tái sinh vẫn tiếp tục khổ. Chúng ta buông xuống hết những buồn phiền, giận hờn, thương ghét để sống đúng trở lại bản vị của mình. Bên cạnh chùm duyên sinh còn có tánh giác.

        Tánh giác ấy chúng ta hiện có đủ, bình đẳng như nhau và vĩnh cửu bất sanh bất diệt. Chúng ta luôn luôn nghe, luôn luôn thấy rõ ràng, đó là tánh Phật thường biết nơi mỗi chúng sanh. Tánh này không ưu tư, không lao lự toan tính, thường tại như vậy. Chỉ khi buông hết các duyên, ta mới nhận ra mình có tánh giác hiện hữu. Bấy giờ còn thân tứ đại cũng vui mà không còn thân tứ đại cũng vui, sống cũng vui mà chết cũng vui.

        Trong nhà Phật, người tu giỏi là người buông xả giỏi. Buông tới lúc trong lòng trống rỗng, không còn gì để buông nữa thì sống chết tự tại, vĩnh viễn an vui. Đó là những gì chúng ta cần chia sẻ với nhau.



        Thích Nữ Hạnh Chiếu

        Comment


        • Hãy nói trước khi quá muộn...

          Hãy nói với mọi người, những người mà bạn yêu thương, rằng họ rất quan trọng, rằng họ là một cái gì đó rất đặc biệt đối với bạn.
          Mint (Dịch từ Cafedito)

          Một hôm, cô giáo đề nghị tất cả học sinh ghi tên những người bạn trong lớp của họ vào hai tờ giấy, để một khoảng trống giữa mỗi cái tên. Sau đó, cô nói với họ rằng hãy nghĩ về những điều thú vị, đáng yêu nhất mà họ cảm nhận được về mỗi người bạn cùng lớp rồi ghi những suy nghĩ ấy vào khoảng trống, dưới tên mỗi người, trong cả hai tờ giấy. Sau khi tất cả đã hoàn thành, các học sinh rời khỏi phòng học, mỗi người một tờ giấy trên tay, tờ còn lại cô giáo giữ.
          Vài hôm sau, cô giáo đưa cho mỗi học sinh trong lớp một tờ giấy, ghi tên của họ, trong đó ghi lại tất cả suy nghĩ của các bạn trong lớp về họ. Thời gian sau đó, không khí trong lớp tràn ngập những nụ cười thân thiện: "Tôi thật không biết rằng tôi có ý nghĩa với người đó đến vậy", "Mình cũng không hề biết bạn ấy lại thích mình đến vậy"... Sau đó, không ai nhắc lại câu chuyện về những tờ giấy đó nữa. Rồi lớp học cũng kết thúc, giáo viên và học sinh chia tay nhau trong cả niềm vui hoàn thành khóa học lẫn nỗi bâng khuâng vì phải chia xa.
          Vài năm sau, một trong số các học sinh của lớp học hy sinh trong chiến tranh. Cô giáo đã đến dự lễ tang. Từ khi chia tay lớp học, cô chưa một lần gặp lại người học trò xấu số này - Mark. Hầu hết các bạn học cũ cũng về dự lễ tang anh ấy. Họ chầm chậm đi vòng quanh chiếc quan tài, một lần cuối nhìn người bạn từng một thời gắn bó với họ. Cô giáo cũng vậy. Khi cô đứng lại, một người lính - từng là đồng ngũ của người chết, đến bên cô, hỏi: "Cô có phải là cô giáo dạy toán của Mark?". Cô đáp: "Vâng". Người lính nói tiếp: "Mark đã kể nhiều về cô".
          Sau khi chôn cất Mark, các bạn cũ của anh đã tập trung nhau lại dùng bữa trưa. Cha mẹ của Mark cũng ở đó, họ chờ cô giáo. "Chúng tôi muốn cho cô xem vài thứ" - người cha nói và đưa cho cô một cái ví - "Người ta tìm thấy thứ này trong người Mark khi nó chết. Chúng tôi nghĩ cô có thể nhận ra nó".
          Mở chiếc ví ra, người cha cẩn thận lấy ra tờ giấy, được gấp nhiều lần, những nếp gấp đã sờn, chứng tỏ nó đã được mở ra nhiều lần. Không cần xem những dòng chữ trên đó, cô giáo nhận ra ngay đó là tờ giấy mà cô đã chép lại những điều tốt đẹp mà những người bạn cùng lớp đã viết về Mark. "Cảm ơn cô rất nhiều về việc làm này", mẹ của Mark nói, "Cô thấy đấy, Mark đã rất trân trọng nó".
          Lúc này, những người bạn cũ của Mark cũng đã tập hợp lại xung quanh họ. Charlie mỉm cười và ngượng ngập nói: "Tôi cũng vẫn giữ tờ giấy của mình. Nó luôn nằm trong ngăn kéo bàn của tôi ở nhà, chỉ cần kéo ra là tôi có thể nhìn thấy nó". Vợ của Chuck cho biết: "Chuck đã yêu cầu tôi phải đặt nó trong cuốn album ảnh cưới của chúng tôi". Marylin cũng hào hững chia sẻ: "Tờ giấy của tôi cũng còn đây, nó luôn nằm trong ví".
          Vicki lục trong cặp sách của cô, lấy ra chiếc ví và đưa cho mọi người xem tờ giấy đã cũ của cô: "Tờ giấy này luôn theo tôi, từ đó đến nay. Và tôi nghĩ tất cả mọi người chúng ta cũng đều như vậy". Không kìm được xúc động, cô giáo ngồi sụp xuống và khóc. Cô khóc cho Mark, khóc cho những người bạn của anh, vì họ sẽ không bao giờ còn nhìn thấy anh được nữa.
          Trong cuộc đời mỗi con người, những cuộc gặp gỡ thật khó kể hết, nó đến nhanh tới nỗi chúng ta quên rằng cuộc sống sẽ kết thúc vào một ngày nào đó. Chúng ta không ai có thể biết rằng cái ngày đó sẽ đến vào lúc nào. Vì thế, hãy nói với mọi người, những người mà bạn yêu thương và quan tâm, rằng họ rất quan trọng, rằng họ là một cái gì đó rất đặc biệt đối với bạn. Hãy nói với họ, trước khi quá trễ. Và cũng đừng quên rằng, bạn sẽ gặt được kết quả của những gì mà bạn gieo.

          Comment


          • Ở Trọ Trần Gian...



            Nghỉ hè, nghỉ phép, ta thường đi chơi xa, trú ngụ tạm tại khách sạn. Dăm ba bữa nửa tháng, lại trở về nhà. Thường khi về nhà, lọt vào khung cảnh cũ, ngả mình trên chiếc giường quen thuộc, ta luôn luôn cảm thấy thoải mái, thú vị. Khách sạn là cõi tạm, nhà là cõi thực. Cuộc đời này là một cõi tạm. Hầu như mọi người đều nghĩ như vậy. Nhưng cái cõi tạm này, chúng ta tạm trú hơi lâu, quen hơi quen tiếng, nên khó rời. Biết là tạm mà vẫn cứ thích ở... khách sạn!
            Ông bạn da đen của tôi, rất tha thiết được chầu Chúa, đạo Cơ Đốc thuần thành, Chủ Nhật nào cũng đi nhà thờ, trong túi không bao giờ quên tờ giấy hai chục đô cúng dường, cuốn Thánh Kinh luôn luôn đeo theo người, nói câu nào cũng mời Chúa về góp tiếng cho chắc ăn. Một bữa, thấy ông vất vả với công việc, tôi giỡn.
            “Này, Gabriel, cuộc sống coi bộ nhiều mồ hôi quá nhỉ?”
            Bạn tôi cười nhe hàm răng trắng lạnh.
            “Đời mà! Chúa đã phán “Con phải đổ mồ hôi trán lấy bát cơm ăn”. Mình cứ phải theo ý Chúa vậy chứ sao.”
            Tôi làm bộ tỉnh phán theo.
            “Tôi thấy cậu là con cưng của Chúa, sao không xin Chúa cất về ngồi bên chân Chúa cho nhàn hạ cái thân!”
            Gabriel lắc đầu quầy quậy.
            “Còn sớm quá! Tôi còn mấy đứa con nhỏ phải nuôi, chắc Chúa cũng hoãn cho một thời gian nữa chứ!”
            Bạn tôi không nói rõ một thời gian là bao lâu, nhưng bằng vào cái lắc đầu hung hãn như vậy, tôi dè chừng chắc là phải lâu lắm!
            Một ông bạn khác, ung thư thời kỳ cuối, con cái đã chồng vợ đâu vào đấy, đời chẳng còn gì phải lo lắng, cuộc sống rất thoải mái về vật chất, nhưng cái đau đớn của tật bệnh thật khôn lường, chép miệng than thở khi tôi tới chơi.
            “Mình cũng tới tuổi rồi. Nhưng nếu Trời cho ít năm nữa thì quý hóa quá!”
            Sống có vất vả, đau đớn đến thế nào chăng nữa, vẫn cứ thích bám vào cõi tạm. Sao vậy? Bởi vì cái cõi mà người ta gọi là vĩnh hằng, miên viễn, vô ưu... ta chưa hề biết tới chăng? Hay là bởi vì từ cõi tạm bước qua cõi thật đó, người ta phải xuôi tay nằm dưới ba tấc đất hoặc uốn người trong ngọn lửa thiêu? Toàn những trò khó chơi cả.
            Nhà sinh học Susanne Wiigh-Maesak, người Thụy Điển, vừa phát minh ra một trò mới. Trò này coi bộ dễ chịu hơn. Thi hài người chết sẽ được làm lạnh cực nhanh đến -18 độ C và sau đó nhúng vào nitơ lỏng có nhiệt độ -196 độ. Thi hài, sau khi được lấy ra khỏi dung dịch siêu lạnh, trở nên giòn tan như kính và vỡ vụn thành một hợp chất dạng bột. Tất cả số nước còn lại được hút vào một khoang chân không, trước khi cho chạy qua một màn kim loại để lọc bỏ tất cả những vật thể còn sót lại (những thứ cấy ghép trong thân thể) chưa phân hủy. Bột thi hài, sau đó, có thể được thiêu đốt, hoặc được chôn trong một quách làm bằng tinh bột bắp, đặt trong hố nông khoảng 30 phân. Sau khoảng một năm, oxy và vi khuẩn sẽ phá hủy chúng hoàn toàn, biến thi hài trở thành cát bụi. Bà Wiigh-Maesak cho biết bà đã đăng ký bản quyền phương pháp này ở 35 quốc gia. Phương pháp này giúp tránh làm vẩn đục môi trường như hai phương pháp thông dụng hiện nay là hỏa thiêu và chôn dưới đất quá sâu làm trì trệ quá trình phân hủy.
            Không phải là các nhà sinh học, mấy ông bạn tôi cũng bầy ra nhiều cách... vượt biên từ cõi sống qua cõi chết vui lắm.

            Như ông Du Tử Lê chẳng hạn:
            Khi tôi chết hãy đưa tôi ra biển
            Đời lưu vong không cả một ngôi mồ
            Vùi đất lạ thịt xương e khó rã
            Hồn không đi sao trở lại quê nhà

            Ông Luân Hoán còn cãi cọ với... thinh không:
            Không từ đất sao phải về với đất
            Thịt xương này không thể mất khơi khơi
            Khi tôi chết xin đem giùm thi thể
            Chia cho thù lẫn bạn nhậu chơi

            Ông Lưu Nguyễn cứ thiên thai lơ lửng:
            Mai này ta sẽ ra đi
            Người ơi có nhớ có gì nhắn không
            Trăm năm mây trắng bềnh bồng
            Về nơi đã đến mà lòng thảnh thơi.

            Dặn dò rối rít xong các ông ấy đi... uống cà phê. Bởi vì cái chết vẫn chưa trong tầm mắt. Cõi tạm này mới đích thực trong tầm tay. Tạm lâu ngày dễ có ảo tưởng đây mới là cõi thật.
            Đời người được bao lâu? Trăm năm trong cõi người ta. Trăm năm? Mấy người được trăm năm? Bà cụ 114 tuổi của kỷ lục Guinness vừa qui tiên, nhà cầm quyền Việt Nam đang vận động cho một cụ bà Việt nam, cũng 114 tuổi, được ghi vào thay thế. Lóng rày, coi bộ Việt Nam ham giữ kỷ lục thế giới dữ. Hết bánh dầy, bánh chưng, bánh tét lớn nhất thế giới (có ở đâu khác làm thứ bánh này không nhỉ?), nay muốn đầu tư vào kỷ lục tới sự sống của con người (bệnh kỷ lục có phải là một biến tấu thời mở cửa của bệnh thành tích ngày cũ chăng?). Kỷ lục là thứ xịn. Thường thường bực trung khó với tới. Ông anh tôi bảo cứ sáu chục cái xuân già là gỡ đủ sở hụi rồi. Thêm được năm nào là bonus của trời đất, cứ hân hoan mà cám ơn!

            Trong cái thời gian sống chỉ là tích tắc so với đời sống của vũ trụ, con người quậy như điên. Đủ món ăn chơi. Kèn cựa, khích bác, tranh dành, lừa đảo, xô đẩy, chém giết... nhau. Mỗi người cố thu vén cho riêng mình. Nhà sang, xe xịn, lợi danh, tiền bạc... Mặc sức mà vung tay vung chân. Mặc sức mà lèn cho đầy túi tham. Nhiều người sống trong cái sân si tối tăm trong suốt cuộc sống. Trẻ, tiết vịt còn chảy rần rần trong người, hung hăng con bọ xít đã đành. Già, máu tưởng đã phải nhiễm lạnh mà vẫn cứ sân sân si si phát khiếp.
            Như Bà Margaret Ann Thomas-Irving, 58 tuổi, cư dân ở Hartford, Connecticut chẳng hạn. Từ tháng 10/2002 đến tháng 7/2003, trong vòng chưa đầy một năm, đã một mình cướp nhà băng tới 12 lần. Tổng cộng số tiền cướp được là 19 ngàn đô. Vũ khí của bà chỉ là khẩu súng đồ chơi con nít, hoặc ngon hơn, chẳng súng siếc gì cả chỉ dọa nhân viên ngân hàng là trong ví có súng là họ nộp tiền ngon ơ! Cướp có nghệ thuật hơn là hai vợ chồng James Roland Clark, 71 tuổi, và Deloris Jane Clark, 66 tuổi, dân Florida. Ông chồng xách một bao cát vào ngân hàng dọa là chất nổ, bà vợ rồ sẵn máy xe chờ ở ngoài cửa. Cướp xong ông chạy ra phóng lên xe vù mất. Nhờ một gói thuốc nhuộm cho phát nổ sau đó cảnh sát mới tóm được hai ông bà già chịu chơi này.

            Bà già Connie Parker, 74 tuổi, cư ngụ ở Nassau, tiểu bang Nữu Ước vừa trúng số độc đắc 25 triệu. Khi đi lãnh thì, sau khi trừ thuế má, bà cầm tay được 7,3 triệu. Bà ôm chặt lấy tiền, nhất định không chia cho ông chồng Kenneth Parker, 77 tuổi, đang bị ung thư phổi thời kỳ cuối. Ông chồng cho biết là ông đã đưa cho bà 20 đô để bà đi mua số nhưng bà cãi lại bà đã mua số bằng tiền riêng của bà. Ông chồng tức giận đâm hai đơn một lúc. Một đơn đòi chia tiền, một đơn xin ly dị sau 16 năm rưỡi chung sống. Rút cục, cụ đi đường cụ tôi đường tôi, và bà Connie phải thỏa thuận chia cho ông chồng một số tiền không rõ là bao nhiêu nhưng, theo tiết lộ không chính thức, là một phần ba số tiền bà lãnh. Thất thập cổ lai hy. Hiếm có thiệt! Sống đã từng ấy tuổi tưởng tay chân đã làm biếng nhấc lên nhấc xuống, ai ngờ vẫn cứ chụp giật như máy. Để làm chi? Ôm về cõi viên mãn chăng? Cõi bình an đó có cần những thứ phù phiếm của cõi tạm này không?

            Một cặp vợ chồng già đã trên 80 tuổi mà vẫn khỏe mạnh. Họ ăn uống kiêng khem và tập thể dục hàng ngày. Không may hai cụ qua đời do một tai nạn xe buýt, họ lên thiên đàng và được thánh Phêrô đón tiếp nồng hậu. Thánh Phêrô đưa hai người đi coi nhà bếp khổng lồ, hồ bơi, phòng tắm hơi, sân chơi golf... Lóa mắt vì sự sang trọng của ngôi nhà, cụ ông hỏi thánh Phêrô.
            “Chúng tôi có phải trả tiền cho những thứ này không?”
            “Tất cả đều miễn phí, đây là thiên đàng mà!”
            Đến giờ ăn, thánh Phêrô đưa hai cụ đến môt phòng ăn sang trọng, thức ăn ê hề. Cụ ông hỏi.
            “Thưa Ngài, tất cả các món ăn này cũng miễn phí cả sao?”
            “Tất nhiên!”
            Cụ ông lại rụt rè hỏi tiếp.
            “Chúng tôi có thể ăn tùy thích, không phải lo ngại dư mỡ, đường, cholesterol chứ ạ?”
            “Không, tôi đã bảo là cụ đang ở trên thiên đường cơ mà! Cụ có thể ăn uống no say tùy thích mà không sợ bị mập phì, đái đường hay nhồi máu cơ tim gì cả.”
            Bỗng nhiên mặt cụ ông trở nên đỏ gay, quay sang cụ bà quát to.
            “Tất cả do lỗi của bà! Nếu bà không ép tôi phải ăn uống kiêng cữ và tập thể dục hàng ngày thì tôi đã lên đây sớm hơn mười năm rồi!”
            Cái cõi mông lung đó đâu phải chỉ có thiên đường. Những nơi khác có vui như vậy không?
            Hai bợm nhậu ngồi bên chai rượu đã cạn quá nửa. Một ông hỏi.
            “Ông bạn nghĩ là có thế giới bên kia hay không?”
            Ông bạn gục gặc đầu.
            “Có chứ! Mà chắc ở bển cũng vui vẻ lắm, nhậu nhẹt lu bù.”
            “Sao ông biết?”
            “Thì ông thấy đấy. Mấy chả đi có cha nào thèm quay về đâu!”

            Dương sao âm vậy. Dân gian vẫn cứ tin như thế. Cái cõi đầy bí ẩn đó được hiểu như là một nối dài của cõi tạm này, cũng có cuộc sống và những cung cách sống cụ thể như nhau. Vậy nên mới có dịch vụ gửi UPS không thiếu thứ gì qua cõi mờ ảo đó. Nhà cửa, xe cộ, quần áo, nồi niêu soong chảo, vàng bạc, tiền đô giấy lớn 100.000, và cả... điện thoại di động nữa! Mấy bà thương chồng cũng không quên gửi những nàng hầu trắng trẻo xinh đẹp xuống cho các ông chồng bớt cô đơn. Dĩ nhiên, trước khi hóa vàng, mấy bà không quên rạch mặt, chọc mù mắt hình nhân để thỏa cơn ghen kéo dài qua hai cõi!
            Tin như thế bị coi là tin nhảm. Mê tín! Nhưng mâm cơm cúng ngày giỗ ngày tết chắc có ý nghĩa khác. Không ai nghĩ là người từ cõi kia về ăn như chúng ta ăn (cơm canh còn nguyên đó chứ có hụt đi chút nào đâu!) nhưng làn khói nhang ấm áp mời người quá cố về thụ lộc được hiểu như là một cách tưởng nhớ tới người thân đã bước sang cõi khác trước chúng ta. Tấm lòng thương tưởng của chúng ta thể hiện qua cách cúng những món ăn mà người thân quá cố ưa thích khi còn sinh tiền.
            Trong nghĩa trang, một ông dọn cơm canh cúng trên mộ vợ. Một ông người bản xứ thành kính đặt bó hoa trên ngôi mộ bên cạnh. Lễ bái, cầu kinh xong, ông bản xứ hỏi ông Việt nam.
            “Bộ ông tin rằng vợ ông có thể về ăn được những thức ăn ông cúng như vậy chăng?”
            Ông Việt nam bình thản hỏi lại.
            “Bộ ông cũng tin rằng vợ ông có thể về ngửi được bó hoa ông đặt trên mộ kia chăng?”

            Chỉ một bước ngắn, chúng ta chuyển từ cõi này qua cõi khác. Ai cũng ngại ngần trước nhịp bước vô định này. Cõi tạm, cõi... khách sạn, chúng ta đã quen nếp sống. Cõi thực, cõi... nhà, chúng ta u u minh minh. Cái bước dùng dằng từ một chỗ đứng cân bằng trên mặt đất sang chỗ chênh vênh mây trời là cái bước mỗi con người phải trải qua. Cái điều chắc chắn sẽ xảy ra này chúng ta không muốn nghĩ tới. Càng thêm tuổi, chúng ta càng làm lơ không muốn nghĩ tới. Không nghĩ thì làm sao mà hiểu được.
            Thế giới có triệu điều không hiểu
            Càng hiểu không ra lúc cuối đời
            Chẳng sao khi đã nằm trong đất
            Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi.

            (Mai Thảo)
            02/2004

            Comment


            • Vạn Pháp Qui Tâm...

              Chuyện thị phi trên đời rất nhiều. Người thấy được tâm sẽ được giải thoát, còn không thấy sẽ bị ràng buộc. Cảnh đời không có tốt xấu, tốt xấu ở trong lòng, trong tâm chúng ta.

              Có câu: "Thay đổi thái độ, thay đổi cuộc đời"
              . Thái độ ở đây là cách nhìn, góc nhìn, suy nghĩ, tư tưởng, quan điểm, sự hiểu biết, là tâm. Ở đời dù chuyện gì xảy ra, dù chuyện xấu hay tốt, dù chuyện buồn hay vui, dù thành công hay thất bại, dù hạnh phúc hay đau khổ, dù được khen hay bị chê, chỉ cần ai biết cách sống lạc quan, tích cực thì tâm họ luôn luôn an vui và hạnh phúc.

              Trong tâm họ không bao giờ bị ràng buộc vào những chuyện buồn phiền đau khổ, những chuyện xấu, chuyện thất bại, thất tình, mất của cải, lo lắng, sợ hãi,...Họ luôn biết cách thay đổi tâm trạng để luôn có những suy nghĩ tích cực, lạc quan, thấy mọi người là người tốt, người thiện, người lành, người thương yêu mình, người thầy của mình, người giúp đỡ mình hoặc là học được những bài học vô giá..

              Dưới mắt của người biết cách sống tích cực, lạc quan, người xấu ác cũng biến thành người tốt, chuyện xấu cũng biến thành chuyện tốt, chuyện buồn cũng biến thành vui, chuyện xui cũng biến thành may mắn, không thuận biến thành thuận, bất hòa thành hòa, hiểm nguy thành bình an, lo lắng sợ hãi thành bình tĩnh sáng suốt, họa cũng biến thành phúc,...

              Do vậy mới có câu: "VẠN PHÁP QUI TÂM". Niềm vui và hạnh phúc của mỗi con người đều phụ thuộc vào chính bản thân chúng ta, chứ không phải phụ thuộc vào người khác, vào hoàn cảnh hay bất cứ thần thánh nào cả.

              Comment


              • Chân Hạnh Phúc …

                Đây là một bài phỏng vấn của ông Allen Wallace nói về thế nào là chân hạnh phúc đăng trên một tờ báo Phật học. Ông Allen Wallace là một học giả và cũng là một nhà Phật học Hoa kỳ nổi tiếng. Ông đang điều hành những chương trình dài hạn tại Santa Barbara Institute và đại học UCLA, nghiên cứu về sự liên hệ giữa thiền tập và hạnhphúc.
                Trong bài này ông chia sẻ và giới thiệu về quyển sách mới của mình có tựa đề là Genuine Happiness, vừa mới được xuất bản. Xin được gửi đến các anh chị. Một buổi sáng đầu thu ở nhà Chuyển Hóa, W. VA
                Duy Nhiên



                Hạnh Phúc Chân Thật Là Gì?
                Thế nào là một hạnh phúc chân thật (genuine happiness)?
                Tôi nghĩ ta dùng chữ "con người hưng thịnh" (human flourishing) thì chính xác hơn, vì nó có gốc từ chữ eudaimonia của Hy lạp. Dịch là hạnh phúc chân thật cũng được, nhưng tôi nghĩ "hưng thịnh" (flourishing) thì chính xác hơn.

                Và hạnh phúc ấy sẽ mang lại cho ta những gì?
                Một cuộc sống có ý nghĩa.


                Cái gì làm cho cuộc sống ta có ý nghĩa?
                Theo tôi thì đó phải là cho mỗi ngày chứ không phải là chỉ cho một cuộc sống. Tôi thấy có bốn yếu tố cho một ngày hạnh phúc.
                Thứ nhất là ngày hôm nay mình có sống trong giới hạnh hay không? Mà ở đây tôi chỉ nói về những luân lý căn bản trong đạo Phật thôi, ví dụ như đừng làm hại ai, đừng nói nặng lời với ai, cố gắng thực tập từ bi và chánh niệm.


                Điều thứ hai là tôi cảm thấy hạnh phúc thay vì là khổ đau. Tôi đã gặp những người có tu tập, lúc nào họ cũng biểu lộ ra một sự bình an trong những bước đi của họ, trong lối hành xử của họ đối với những khó khăn trong cuộc sống và khi tiếp xúc với người khác.

                Điều thứ ba là đi tìm sự thật, muốn thấy và hiểu rõ được thực tại, chân tướng của chính mình và cuộc sống. Và ta có thể ngồi yên trong căn phòng nhỏ của mình mà vẫn có thể làm hết được những việc ấy. Nhưng có điều là trong chúng ta không có ai là riêng rẽ và độc lập hết. Vì vậy muốn có một đời sống hạnh phúc, ta phải trả lời câu hỏi thứ tư này "Ta mang lại gì cho cuộc đời này?" Nếu tôi có thể nhìn lại một ngày trong đời mình và thấy có đủ bốn yếu tố: giới hạnh, hạnh phúc, sự thật và biết nghĩ đến chung quanh, thì tôi có thể nói rằng "Tôi là một người có hạnh phúc."

                Vấn đề hạnh phúc không hề tùy thuộc vào trương mục ngân hàng của ta, hoặc thái độ của vợ hay chồng mình, vào công việc làm hay số tiền lương của ta. Ta có thể sống một đời tròn đầy ý nghĩa, cho dầu nếu ta chỉ còn lại mười phút để sống trên cuộc đời này.

                Trong bốn yếu tố ấy không có yếu tố sức khoẻ, như vậy sức khoẻ không là một yếu tố quan trọng sao?
                Sự thật là không! Một người học trò của tôi bị mang một chứng bệnh rất hiếm và nan y, mỗi ngày anh ta đều phải vào bệnh viện để chữa trị và được cho thuốc. Và anh phải sống như vậy trọn cuộc đời còn lại của mình. Ta có thể nói rằng "Thật là tội nghiệp và khổ cho anh! Hoàn cảnh thấy đáng thương quá!" Nhưng ngày hôm kia tôi gặp anh, anh bảo tôi, "Allen này, tôi đang 'flourishing' đây!" Và tôi cảm thấy anh thật sự như thế. Anh ta tìm được cho mình con đường đi giữa những giới hạn, và trong những điều kiện nào đang có mặt với anh. Tâm ý anh trong sáng. Anh đọc sách, anh viết bài, anh tăng trưởng. Anh ngồi thiền mỗi ngày, và anh còn dạy thiền cho các bệnh nhân nan y khác trong bệnh viện nữa. Anh ta sống một cuộc sống rất tròn đầy ý nghĩa, và anh có thể thành thật nói rằng mình đang có hạnh phúc.


                Bí quyết của anh ta là gì?
                Anh ta không đi tìm hạnh phúc ở bên ngoài mình. Khi chúng ta trông cậy vào địa vị, tiền bạc, vào vợ hay chồng của mình để mang lại hạnh phúc, thì ta sẽ không bao giờ có hạnh phúc. Vì chúng ta nương tựa vào những gì không phải của mình. Và lại nữa, những người chung quanh cũng đang tranh dành với ta những thứ tiền bạc và địa vị ấy, mà chúng đâu có dư dã cho tất cả mọi người đâu. Đáng buồn là vậy.


                Còn điều đáng vui?
                Điều đáng mừng là hạnh phúc chân thật không có đem bày bán ở ngoài phố chợ, mà hễ có tiền là ta có thể đi mua về cho mình. Một trong những điều bí mật mà ít có ai khám phá được là: cái hạnh phúc mà ta đang đi tìm ở những chức vụ cao, trong một người chồng hay người vợ gương mẫu, đứa con ngoan, sức khoẻ đầy đủ, việc làm tốt, có an ninh, có diện mạo đẹp… thật ra chúng lúc nào cũng đang có sẵn bên trong ta, chỉ cần ta tiếp xúc mà thôi. Thay vì đi tìm bên ngoài thì tại sao ta lại không thử quay vào tìm bên trong chính mình đi, thử xem sao! Nhưng điều ấy không có nghĩa là ta sẽ không lấy vợ hay chồng, đi mua xe, hay tìm một việc làm cho ưng ý. Nhưng tôi chỉ muốn nói rằng, nếu bạn có hạnh phúc thì hạnh phúc ấy không hề tùy thuộc vào những yếu tố bên ngoài, vì chúng không nằm trong sự kiểm soát của bạn.


                Mọi người ai cũng nói rằng tiền bạc, địa vị không mang lại cho mình hạnh phúc, nhưng có mấy ai là thật sự sống như vậy đâu?
                Thật ra thì trong thâm tâm chúng ta chưa thật sự có niềm tin. Chúng ta vẫn đi tìm kiếm bên ngoài, đeo đuổi những gì mà ta nghĩ nó sẽ mang lại cho mình hạnh phúc - danh vọng, chức vụ, tình yêu, một sự an ninh về tiền bạc và tình cảm. Chúng ta không có hy vọng và niềm tin vào một hạnh phúc chân thật nào đó. Ta tự nhủ rằng, "Có lẽ một hạnh phúc chân thật không có mặt đâu, nói cho nghe hay ho vậy thôi. Mình thì bằng lòng với một iPod hay một big screen tivi, như vậy là vui rồi. Không đòi hỏi hay cầu mong gì xa xôi hết" Hoặc cũng có người nói rằng, "Thôi đừng nói chuyện hạnh phúc, chỉ ráng qua được ngày hôm nay là đủ khoẻ rồi!" Tôi nghĩ họ cũng đáng thương thật!
                Như vậy đó có phải là một sự tuyệt vọng không?
                Nó là một trạng thái mà tâm ta không còn không gian nữa, ta đánh mất đi một cái nhìn rộng lớn. Tôi nghĩ tới tâm từ, metta. Khi thực tập tâm từ, chúng ta bắt đầu bằng một tình thương với chính mình. Nhưng điều ấy không có nghĩa là "Công việc nào là tốt nhất cho tôi đây? Lương bao nhiêu là xứng đáng với mình đây?" Nhưng chính là, "Làm cách nào để ta được hưng thịnh?" "Ta nên sống cách nào để ta có hạnh phúc, an lạc và có ý nghĩa đây?"
                Và sau đó, ta nới rộng cái nhìn đó ra, "Làm thế nào để những người đang sống trong khổ đau tìm được một hạnh phúc thật sự đây?"

                Shantideva nói, "Những kẻ đi trốn tránh khổ đau lại cứ cắm đầu lao mình vào chốn khổ đau. Chính vì sự tham muốn hạnh phúc mà họ lại vô tình đi phá vỡ cái hạnh phúc mà họ đang có, và xem chúng như kẻ thù." Tại sao lại như vậy? Tại sao chúng ta lại ít ai chọn con đường tu học, nếu như nó có thể mang lại cho mình một hạnh phúc chân thật?
                Thật ra câu trả lời là vì chúng ta không hề biết cái gì có thể mang lại cho mình một hạnh phúc thật sự. Sẽ cần một thời gian dài và những kinh nghiệm khổ đau trước khi ta tỉnh thức dậy và ghi nhận được những gì đang xảy ra. Chúng ta bị kết chặt vào những hình tượng, ý niệm trong đầu "Phải chi vợ hay chồng tôi là người như vậy, phải chi tôi có được công việc như vậy, có được một số tiền như vậy, tướng diện tôi như vậy, sức khoẻ tôi như vậy… tôi sẽ có hạnh phúc." Nhưng đó chỉ là một ảo tưởng mà thôi.

                Chúng ta chắc ai cũng biết những người có đầy đủ sức khoẻ, có tiền bạc, địa vị, dư thừa tình yêu… nhưng họ cũng vẫn mang đầy khổ đau. Những người đó là thầy của chúng ta, vì họ dạy cho ta một bài học lớn. Họ dạy cho ta thấy rằng, mình có thể trúng một tấm vé số lớn của cuộc đời nhưng vẫn thua trật tấm vé số của hạnh phúc.

                Khi Ông nói về một "hạnh phúc chân thật", thì có lẽ ý ông ám chỉ rằng trong cuộc đời còn có những loại hạnh phúc khác nữa? Phải rồi! Chúng ta thường lầm lẫn cái mà đức Phật gọi là Bát Phong, tám ngọn gió xao động của cuộc đời, và cho đó là hạnh phúc. Tám ngọn gió ấy là muốn thịnh mà không suy, muốn vui mà tránh khổ, muốn được khen mà không bị chê, muốn danh vọng mà không bị khinh thường. Nhưng mà ta phải nhớ điều này, thật ra không có gì là sai quấy với lại giàu, vui, được khen, và có danh tiếng hết. Ví dụ như nói về sự giàu có đi: giả sử như nếu ta có một chiếc áo lạnh mới. Nếu như ta bỏ chiếc áo mới ấy đi, ta có là một con
                người tốt đẹp hơn không? Lẽ dĩ nhiên là không! Thật ra không có gì là sai quấy với vấn đề được có hết, nhưng nó hết sức là sai lầm nếu ta cho rằng nó có thể mang lại cho mình hạnh phúc.

                Hạnh phúc chân thật là tiếp xúc với cái gốc rễ của hạnh phúc, chứ không phải chỉ đi nắm bắt những yếu tố nào mà chúng có thể hoặc không có thể chế tác ra được hạnh phúc. Và sự khác biệt giữa tu tập và đi đuổi bắt theo tám ngọn gió xao động của cuộc đời là ở chỗ đó. Cũng có người đi tu tập vì mục đích muốn thoả mãn ngọn bát phong ấy, muốn tìm được một niềm vui thú trong thiền tập. Họ xem thiền tập như là một tách cà phê, một cuộc chạy bộ thể dục, hay là được mát-xa vậy. Mà thật ra cái đó cũng không có gì là sai quấy hết, nhưng có điều nó rất là giới hạn. Thiền tập có thể làm một việc mà
                mát-xa không thể làm được, nó có thể chữa lành được những vết thương trong tâm ta.

                Con đường hạnh phúc này dường như đòi hỏi ta phải có một niềm tin và sự buông bỏ rất lớn. Điều ấy hơi đáng sợ một chút. Nếu như tôi buông bỏ hết những thứ bên ngoài ấy thì tôi sẽ trở thành gì đây?
                Thật ra chúng ta không cần phải nhảy vào chỗ nước sâu làm gì. Nó cũng giống như là một ngày nào đó tự nhiên ta hứng khởi lên rồi tuyên bố rằng "Thế giới này như căn nhà lửa. Đầy khổ đau. Tôi sẽ từ bỏ hết tất cả để đi tìm một niềm an lạc theo Phật pháp." Rồi độ chừng vài ngày, vài tuần hay giỏi lắm là vài tháng, ta sẽ nói, "Ái chà, cái tu tập này cũng đâu có gì là hạnh phúc hay an lạc gì như họ nói đâu, mà không biết cái iPod, cái tivi hay cô bồ củ của mình đâu rồi nhỉ, có ai biết đâu rồi không?" Vì vậy vấn đề không phải là đột nhiên lập tức mà xả bỏ hết tất cả mọi thú vui, bát phong, của cuộc đời, và chỉ thực tập giáo pháp sâu xa của Phật pháp. Cũng giống như dạy một đứa trẻ mới tập bơi vậy, ta đâu có thảy đứa bé vào chỗ nước sâu rồi xem chuyện gì sẽ xảy ra! Ta tập cho nó bơi ở nơi cạn cho từ từ quen trước. Cũng vậy, ta hãy bước đi chậm mà vững. Bắt đầu bằng ngồi thiền một chút vào mỗi sáng và mỗi tối. Xem nó ảnh hưởng đến một ngày của ta như thế nào. Từ từ ta sẽ nếm được mùi vị của đạo pháp. Ta có thể sẽ cảm thấy rằng, "Cũng thú vị đó chứ! Ta cảm thấy hạnh phúc hơn. Mà không phải chỉ có hạnh phúc thôi, ta còn có chút đạo hạnh nữa. Ta thấy được thực tại rõ ràng hơn. Và nếu muốn, bây giờ ta có khả năng giúp được người chung quanh và cuộc đời hữu hiệu hơn, nhờ sự thực tập của mình." Ta thật sự có hạnh phúc hơn, và ta cũng sẽ có niềm tin vào con đường mình đi hơn. Tám ngọn gió xao động của cuộc đời vẫn thổi, chúng vẫn tiếp tục đến rồi đi. Chúng vẫn có mặt, nhưng bây giờ ta có thể sử dụng chúng để hỗ trợ thêm cho sự thực tập của mình.


                Như vậy ta có thể kết luận rằng con đường tu tập của đức Phật không phải chỉ để giác ngộ dưới cội bồ đề, mà là còn để mang lại hạnh phúc cho kẻ khác?
                Tôi tin rằng đức Phật đã chứng nghiệm được một điều rất sâu sắc và phi thường dưới cội bồ đề. Nhưng ngài cũng ý thức rằng, sự giác ngộ đó sẽ không có kết quả viên mãn nếu ngài không chia sẻ nó với kẻ khác. Giác ngộ không phải là cho riêng chính mình "Bây giờ thì tôi ngon lành rồi. Xong việc, đến nơi, nghỉ được rồi." Thế giới chúng ta được chuyển hóa nhờ sự có mặt của đức Phật trên cuộc đời này. Nhưng không phải là 49 ngày ngài ngồi dưới cội bồ đề khiến cho cuộc đời này được chuyển hóa, mà chính là 45 năm sau đó, khi đức Phật đi gặp gở và tiếp xúc với hạng bần cùng, vua chúa, bậc chiến sĩ, kẻ ăn mày… gặp ai ngài cũng chia sẻ sự giác ngộ của mình với kẻ khác. Thế cho nên, trở lại bốn yếu tố mà tôi nêu lên ở trên, khi ngồi dưới cội bồ đề là đức Phật phát huy ba yếu tố đầu: đạo hạnh, hạnh phúc và sự thât. Và 45 năm sau đó ngài phát triển yếu tố thứ tư, mang hạnh phúc vào cuộc đời. Và theo tôi đức Phật chính là khuôn mẫu của một cuộc sống hạnh phúc và tròn đầy ý nghĩa.

                Nhưng ở đây tôi cũng phải cảnh cáo các bạn trước, đôi khi muốn tiếp xúc với cái hạnh phúc chân thật (genuine happiness) của mình, bạn cũng phải chịu khó bỏ qua cái
                iPod và plasma tivi của mình một chút!

                Comment


                • Vì sao ở hiền không gặp lành mà toàn đau khổ...?

                  Tôi đã tìm một người thầy thông thái và đạo hạnh xin chỉ bảo:

                  - Vì sao những người lương thiện như con lại thường xuyên cảm thấy khổ, mà những người ác lại vẫn sống tốt như vậy

                  Thầy hiền hòa nhìn tôi trả lời:

                  - Nếu một người trong lòng cảm thấy khổ, điều đó nói lên rằng trong tâm người này có tồn tại một điều ác tương ứng. Nếu một người trong nội tâm không có điều ác nào, như vậy, người này sẽ không có cảm giác thống khổ. Vì thế, căn cứ theo đạo lý này, con thường cảm thấy khổ, nghĩa là nội tâm của con có tồn tại điều ác, con không phải là một người lương thiện thật sự. Mà những người con cho rằng là người ác, lại chưa hẳn là người thật sự ác.

                  Một người có thể vui vẻ mà sống, ít nhất nói rõ người này không phải là người ác thật sự.

                  Có cảm giác như bị xúc phạm, tôi không phục, liền nói:

                  - Con sao có thể là người ác được? Gần đây, tâm con rất lương thiện mà!

                  Thầy trả lời:

                  - Nội tâm không ác thì không cảm thấy khổ, con đã cảm thấy khổ, nghĩa là trong tâm con đang tồn tại điều ác. Con hãy nói về nỗi khổ của con, ta sẽ nói cho con biết, điều ác nào đang tồn tại trong con.

                  Tôi nói:

                  - Nỗi khổ của con thì rất nhiều! Có khi cảm thấy tiền lương thu nhập rất thấp, nhà ở cũng không đủ rộng, thường xuyên có “cảm giác thua thiệt” bởi vậy trong tâm con thường cảm thấy không thoải mái, cũng hy vọng mau chóng có thể cải biến tình trạng này; trong xã hội, không ít người căn bản không có văn hóa gì, lại có thể lưng quấn bạc triệu, con không phục; một trí thức văn hóa như con, mỗi tháng lại chỉ có một chút thu nhập, thật sự là không công bằng; người thân nhiều lúc không nghe lời khuyên của con, con cảm thấy không thoải mái…

                  Cứ như vậy, lần lượt tôi kể hết với thầy những nỗi thống khổ của mình.

                  Thầy gật đầu, mỉm cười, một nụ cười rất nhân từ đôn hậu, người từ tốn nói với tôi:

                  Thu nhập hiện tại của con đã đủ nuôi sống chính con và gia đình. Con còn có cả phòng ốc để ở, căn bản là đã không phải lưu lạc nơi đầu đường xó chợ, chỉ là diện tích hơi nhỏ một chút, con hoàn toàn có thể không phải chịu những khổ tâm ấy.

                  - Nhưng, bởi vì nội tâm con có lòng tham đối với tiền tài và của cải, cho nên mới cảm thấy khổ. Loại lòng tham này là ác tâm, nếu con có thể vứt bỏ ác tâm ấy, con sẽ không vì những điều đó mà cảm thấy khổ nữa.

                  Trong xã hội có nhiều người thiếu văn hóa nhưng lại phát tài, rồi con lại cảm thấy không phục, đây chính là tâm đố kị. Tâm đố kị cũng là một loại ác tâm. Con tự cho mình là có văn hóa, nên cần phải có thu nhập cao, đây chính là tâm ngạo mạn. Tâm ngạo mạn cũng là ác tâm. Cho rằng có văn hóa thì phải có thu nhập cao, đây chính là tâm ngu si; bởi vì văn hóa không phải là căn nguyên của sự giàu có, kiếp trước làm việc thiện mới là nguyên nhân cho sự giàu có của kiếp này. Tâm ngu si cũng là ác tâm!

                  Người thân không nghe lời khuyên của con, con cảm thấy không thoải mái, đây là không rộng lượng. Dẫu là người thân của con, nhưng họ vẫn có tư tưởng và quan điểm của riêng mình, tại sao lại cưỡng cầu tư tưởng và quan điểm của họ bắt phải giống như con? Không rộng lượng sẽ dẫn đến hẹp hòi. Tâm hẹp hòi cũng là ác tâm.

                  Sư phụ tiếp tục mỉm cười:

                  - Lòng tham, tâm đố kỵ, ngạo mạn, ngu si, hẹp hòi, đều là những ác tâm. Bởi vì nội tâm của con chứa đựng những ác tâm ấy, nên những thống khổ mới tồn tại trong con. Nếu con có thể loại trừ những ác tâm đó, những thống khổ kia sẽ tan thành mây khói.”

                  Con đem niềm vui và thỏa mãn của mình đặt lên tiền thu nhập và của cải, con hãy nghĩ lại xem, căn bản con sẽ không chết đói và chết cóng; những người giàu có kia, thật ra cũng chỉ là không chết đói và chết cóng. Con đã nhận ra chưa, con có hạnh phúc hay không, không dựa trên sự giàu có bên ngoài, mà dựa trên thái độ sống của con mới là quyết định. Nắm chắc từng giây phút của cuộc đời, sống với thái độ lạc quan, hòa ái, cần cù để thay thế lòng tham, tính đố kỵ và ích kỷ; nội tâm của con sẽ dần chuyển hóa, dần thay đổi để thanh thản và bình an hơn.

                  - Trong xã hội, nhiều người không có văn hóa nhưng lại giàu có, con hãy nên vì họ mà vui vẻ, nên cầu chúc họ càng giàu có hơn, càng có nhiều niềm vui hơn mới đúng. Người khác đạt được, phải vui như người đó chính là con; người khác mất đi, đừng cười trên nỗi đau của họ. Người như vậy mới được coi là người lương thiện! Còn con, giờ thấy người khác giàu con lại thiếu vui, đây chính là tâm đố kị. Tâm đố kị chính là một loại tâm rất không tốt, phải kiên quyết tiêu trừ!”

                  Con cho rằng, con có chỗ hơn người, tự cho là giỏi. Đây chính là tâm ngạo mạn. Có câu nói rằng: “Ngạo mạn cao sơn, bất sinh đức thủy” (nghĩa là: ngọn núi cao mà ngạo mạn, sẽ không tạo nên loại nước tốt) người khi đã sinh lòng ngạo mạn, thì đối với thiếu sót của bản thân sẽ như có mắt mà không tròng, vì vậy, không thể nhìn thấy bản thân có bao nhiêu ác tâm, sao có thể thay đổi để tốt hơn. Cho nên, người ngạo mạn sẽ tự mình đóng cửa chặn đứng sự tiến bộ của mình. Ngoài ra, người ngạo mạn sẽ thường cảm thấy mất mát, dần dần sẽ chuyển thành tự ti. Một người chỉ có thể nuôi dưỡng lòng khiêm tốn, luôn bảo trì tâm thái hòa ái từ bi, nội tâm mới có thể cảm thấy tròn đầy và an vui.

                  - Kiếp trước làm việc thiện mới chính là nguyên nhân cho sự giàu có ở kiếp này, (trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu). Mà người thường không hiểu được nhân quả, trồng dưa lại muốn được đậu, trồng đậu lại muốn được dưa, đây là thể hiện của sự ngu muội. Chỉ có người chăm học Phật Pháp, mới có được trí huệ chân chính, mới thật sự hiểu được nhân quả, quy luật tuần hoàn của vạn vật trong vũ trụ, nội tâm mới có thể minh tỏ thấu triệt. Để từ đó, biết làm thế nào lựa chọn tư tưởng, hành vi và lời nói của mình cho phù hợp. Người như vậy, mới có thể theo ánh sáng hướng đến ánh sáng, từ yên vui hướng đến yên vui.”

                  - Bầu trời có thể bao dung hết thảy, nên rộng lớn vô biên, ung dung tự tại; mặt đất có thể chịu đựng hết thảy, nên tràn đầy sự sống, vạn vật đâm chồi! Một người sống trong thế giới này, không nên tùy tiện xem thường hành vi và lời nói của người khác. Dẫu là người thân, cũng không nên mang tâm cưỡng cầu, cần phải tùy duyên tự tại! Vĩnh viễn dùng tâm lương thiện giúp đỡ người khác, nhưng không nên cưỡng cầu điều gì.

                  - Nếu tâm một người có thể rộng lớn như bầu trời mà bao dung vạn vật, người đó sao có thể khổ đây?

                  Vị thầy khả kính nói xong những điều này, tiếp tục nhìn tôi với ánh mắt đầy nhân từ và bao dung độ lượng.

                  Ngồi im lặng hồi lâu…xưa nay tôi vẫn cho mình là một người rất lương thiện, mãi đến lúc này, phải! chỉ đến lúc này, tôi mới biết được trong tôi còn có một con người rất xấu xa, rất độc ác! Bởi vì nội tâm của tôi chứa những điều ác, nên tôi mới cảm thấy nhiều đau khổ đến thế. Nếu nội tâm của tôi không ác, sao tôi có thể khổ chứ ?

                  Xin cảm tạ thầy, nếu không được người khai thị dạy bảo, con vĩnh viễn sẽ không biết có một người xấu xa như vậy đang tồn tại trong con!

                  ST

                  Comment


                  • Đâu là hạnh phúc...

                    Em hỏi anh: " Hạnh phúc ở nơi mô, để em đi tìm!"
                    Anh bảo: "Hạnh phúc ở đây nè, ngay trong hiện tại, bây giờ và ở đây. "
                    Em ngơ ngác trả lời: " Em thấy em toàn khổ đau, trước đây, bây giờ và có lẽ ngay cả ngày mai nữa... em cũng sẽ khổ... vậy mà anh bảo ở đây em chẳng thấy. "
                    Anh hỏi lại : "Thế trong em đang có gì?"
                    Em bảo: "Trong em toàn là những ký ức của quá khứ mà chỉ toàn là bốp chát đau thương. "
                    "Rồi trong em còn có những gì nữa?"
                    Trong em còn có cả những nỗi lo âu và sợ hãi. Em sợ mất cái này cái kia và em đã mất đủ thứ mặc dù em cố nắm thật chặt... như là tình yêu, là bạn bè .... Em thương họ thế cơ mà họ đành lòng bỏ em ra đi. Rồi em khóc.... tôi im lặng nhìn em....! Em đang mỏi mệt và rớt rơi. Tâm trạng vô định ấy đã làm cho em khổ. Tôi thở và tịnh tâm để có thể chia sẻ với em vài điều.
                    Tôi bảo em : " Hãy nhận diện em đang chạy về quá khứ... thu nhập quá nhiều những chất liệu năng lượng tàn phá, nó gặm nhấm em mỗi ngày... trong từng sát na... nó không để em yên ... cứ như kiến bò và em đã để cho tương lai chi phối mình quá nhiều. Em để cho những nỗi lo chiếm lĩnh lấy mình. Nó làm em mất tự do và đóng khung em vào lối sống mà lúc nào cũng phiền muộn, lo toan. Vì vậy, em không còn một chút niềm tin, một chút sức lực nào.
                    Em ngồi nghe tôi và có lẽ đã nhận diện được một chút.
                    Em bảo tôi nói tiếp và tôi đã nói : " Rồi có phải vì những nỗi lo sợ ấy mà em cố gắng tìm đủ mọi cách để giữ, cột chặt nó_những điều em đang có bằng cách quản trị mọi thứ bằng hình tướng. Em không dám để người mình thương tự do vì em sợ họ sẽ bay đi mất. Em không tin là khi họ xa mình họ vẫn nhớ và vẫn lo cho mình nên em cứ xiết chặt hình hài em vào họ. Em không để cho họ một giây phút nào để thở... không một chút khí trời tự do. Cả em và họ đều mệt mỏi để rồi đến một ngày họ quyết định đi thật xa. Khi đó em tiếp tục kết tội rằng : " Rõ ràng họ là kẻ phản bội. " nhưng em trở nên ngang tàng hơn, khổ đau hơn.
                    "Sao anh biết? " Em hỏi tôi như thế.
                    Tôi bảo : " Vì anh lắng nghe được tiếng lòng ở nơi em. Vì anh đã bắt bệnh rất nhiều người và họ rất giống em. Họ đau khổ vì họ có tình thương nhưng họ lại chế tác năng lượng yêu thương ấy không đúng. Sự gia giảm trong những vi chất ghen tuông, giận hờn, quan tâm... là một nghệ thuật đòi hỏi sự tinh tế và cần sự lắng nghe thật sâu sắc. Em đã quên mất điều đó và em đã tự ý chế biến một mâm cỗ tình thương mà em cho là hay nhất, tuyệt vời nhất. Em có biết đâu khẩu vị của người mình yêu thương? và đó chính là bi kịch của người đầu bếp chế tác tình thương... bởi vì không biết khẩu vị người thân thương mà em bày biện quá nhiều thứ không hợp. " Nghe đến đó, em òa khóc. Em khóc nức nở... em bảo: "Hãy chỉ cho em một con đường để đi đến hạnh phúc." Tôi chia sẻ : "Hạnh phúc ở đây nè! Bây giờ em hãy dừng lại đi. Em hãy bỏ dần những nỗi buồn của quá khứ, những ký ức đầy gai góc và nước mắt đắng cay. Em giữ lấy nó để làm gì? Còn tương lai đã đi đến đâu? Em đang có gì? Em đang có thân này. Thân người lành lặn. Có nó... em có thể làm được nhiều thứ lắm. Trân quý thân mình đi. Em sẽ thấy giá trị của thân. Thân này dẫu có dơ thì nó cũng là phương tiện chế tác những điều mầu nhiệm khác. Hạt giống hạnh phúc nằm nơi tâm mình. Em hãy tưới tẩm nó đi bằng cách thương mình một chút nữa đi. Thương mình... em sẽ không còn cau mày, không bực bội, không khó chịu, không nổi cơn thịnh nộ vô cớ... và em sẽ biết hiến tặng tình thương và sự tha thứ, bao dung cho người khác. Bởi vì sao, em có biết không? Vì chỉ có khoan dung, tha thứ và hiến tặng tình thương một cách vô tư và không đòi hỏi thì em mới thấy nhẹ nhàng và không phân biệt. Đó là khi em biết mình đang có gì, đang ở đâu, nên làm gì để những hạt giống tham sân si khi ươm mâ`m... sẽ không có cơ hội lớn dậy nữa. Hạnh phúc là ở chỗ đó em à. Em có nghe gì không? Một tiếng chuông tôi vừa gõ để em nhớ là mình có những giá trị ngay hiện tại và em đang nghe tiếng chuông đó. "

                    ST

                    Comment


                    • Đối mặt - sự cứu vãn và chuộc tội thật sự



                      Cuối năm 2002, trên một số trang báo của Ý đã xuất hiện một thông báo tìm người rất đặc biệt:
                      Vào ngày 17/5/1992, ở bãi đậu xe đường số 5, khu thương nghiệp thành phố Avenue, một người phụ nữ da trắng bị một chàng trai da đen cưỡng hiếp. Không lâu sau, người phụ nữ kia đã sinh ra một bé gái da đen. Cô và chồng đã không chút do dự mà gánh vác trách nhiệm nuôi dưỡng bé gái này.
                      Tuy nhiên điều không may chính là, hiện tại cô bé bị bệnh máu trắng, cần phải làm phẫu thuật cấy ghép tủy gấp, ba ruột của cô bé chính là niềm hy vọng duy nhất để cứu sống cô, hy vọng người năm xưa sau khi đọc được lời nhắn này, hãy mau chóng liên hệ với bác sĩ Adrew làm việc tại bệnh viện Elizabeth.

                      Bản tin tìm người này đã dấy lên một làn sóng dư luận trong xã hội
                      Tiêu điểm thắc mắc của mọi người chính là: “Người da đen này sẽ đứng ra hay không?”
                      Hiển nhiên anh ta sẽ phải đối mặt với hai sự lựa chọn, nếu đứng ra, anh ta sẽ đối mặt với việc mất hết danh dự, gia đình tan nát; nếu giữ im lặng, anh ta một lần nữa sẽ phạm phải tội lỗi… không thể tha thứ được.
                      Đây là một câu chuyện có thật, và câu chuyện này sẽ có kết cục như thế nào?

                      Cô bé bị bệnh máu trắng và một bí mật…
                      Ở một khu dân cư thuộc thành phố Foyer nước Ý, Marda 35 tuổi là người phụ nữ luôn bị mọi người xì xào bàn tán. Bởi cô và chồng cô Peters đều là người da trắng, nhưng trong hai đứa con của họ, lại có một đứa là da đen.
                      Hiện tượng kì quặc này đã khiến cho những người hàng xóm bên cạnh không khỏi cảm thấy tò mò, Marda luôn cười nói với họ rằng, do bà nội của mình là người da đen, ông nội là người da trắng, nên đứa con gái Monica mới xuất hiện sự lại giống như vậy.

                      Mùa thu năm 2002, cô bé da đen Monica liên tục bị sốt cao. Cuối cùng bác sĩ Andrew chuẩn đoán Monica bị bệnh máu trắng, biện pháp chữa trị duy nhất là làm phẫu thuật cấy ghép tủy.
                      Bác sĩ phân tích: “Hết thảy những người có quan hệ huyết thống với Monica, hãy đến bệnh viện để làm xét nghiệm tủy xương, bởi những người như vậy là dễ dàng tìm được mẫu tủy thích hợp nhất, cả nhà và người thân họ hàng của hai bên, tốt nhất đều nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm”.
                      Nghe thông báo này, mặt Marda bỗng tái nhợt, nhưng vẫn bảo cả nhà đến làm xét nghiệm tủy xương, kết quả không có ai thích hợp cả.
                      Bác sĩ lại nói với họ, tình huống giống như Monica, tỉ lệ để tìm được tủy thích hợp thật sự là rất nhỏ.
                      Bây giờ vẫn còn một biện pháp hữu hiệu nhất, chính là Marda và chồng cô sinh thêm một đứa bé nữa, lấy máu trên cuống rốn của đứa bé này truyền cho Monica.
                      Hai vợ chồng này nghe xong, im lặng một hồi lâu… Cuối cùng họ nói: “Cho chúng tôi thời gian suy nghĩ”.

                      Buổi tối Thứ Hai, bác sĩ Andrew đang trực ban, bỗng cửa phòng bị đẩy ra, là vợ chồng Marda.
                      Marda cắn chặt môi, chồng cô Peter nắm chặt lấy tay cô, vẻ mặt nghiêm túc nói với bác sĩ: “Chúng tôi có một chuyện muốn nói với ông, nhưng ông hãy hứa là sẽ giữ bí mật cho chúng tôi, bởi vì đây chính là bí mật lâu năm của vợ chồng chúng tôi”.
                      Ông bác sĩ trịnh trọng gật đầu.

                      “Chuyện xảy ra vào tháng 5/1992. Lúc đó, con gái lớn của chúng tôi Jelena đã được 2 tuổi, Marda làm việc trong một quán ăn, đến 10 giờ tối mỗi ngày mới được về nhà.
                      Buổi tối hôm đó trời mưa rất to, khi Marda tan ca trở về thì trên đường đã gần như không còn ai nữa.
                      Khi đi ngang qua một bãi đậu xe bị bỏ hoang, Marda nghe thấy sau lưng có tiếng bước chân, cô sợ hãi quay đầu lại nhìn, thì thấy một chàng trai da đen đang đứng phía sau cô. Anh ta tay cầm một khúc cây, đánh cô ngất đi, và làm nhục cô.
                      Đợi đến khi Marda tỉnh lại, loạng choạng trở về nhà thì đã hơn một giờ sáng, tôi lúc đó tựa như đã phát điên lên, xông ra ngoài để tìm người da đen kia tính sổ, nhưng từ sớm đã không có một bóng người nào ở đó cả.
                      Buổi tối hôm đó, hai vợ chồng chúng tôi ôm nhau khóc thảm thiết, cả bầu trời dường như đều đã đổ sập xuống”.
                      Kể đến đây, mắt của Peter ướt nhòe.
                      Anh kể tiếp:
                      “Không lâu sau đó, Marda phát hiện mình đã mang thai.
                      Chúng tôi vô cùng sợ hãi, lo sợ rằng đứa con này chính là của người da đen kia. Marda muốn phá bỏ cái thai này đi, nhưng lòng tôi vẫn ôm một tia hy vọng, biết đâu đứa bé trong bụng này chính là con của chúng tôi thì sao.
                      Cứ như vậy, chúng tôi đã thấp thỏm chờ đợi mấy tháng.
                      Tháng 3/1993, Marda hạ sinh một bé gái, là da đen. Chúng tôi đã hoàn toàn tuyệt vọng, cũng từng nghĩ rằng sẽ đem đứa bé này giao cho viện mồ côi, nhưng mỗi lần nghe thấy tiếng khóc của nó, chúng tôi lại không nhẫn tâm.
                      Nói cho cùng thì Marda cũng đã mang thai nó, nó cũng là một sinh mệnh mà. Tôi và Marda đều là những tín đồ Cơ Đốc thành kính, sau cùng chúng tôi đã quyết định nuôi dưỡng nó, đặt tên cho nó là Monica”.
                      Khóe mắt của bác sĩ Andrew cũng đã cay cay, ông cuối cùng đã hiểu vì sao đôi vợ chồng này lại sợ sinh thêm một đứa con như vậy.
                      Ông gật đầu tựa như đang suy nghĩ: “Nếu đã như vậy, dẫu cho ông bà có sinh thêm 10 đứa nữa, cũng rất khó sinh ra được đứa bé có tủy xương thích hợp với Monica!”
                      Ông nhìn Marda, như thử thăm dò, nói: “Ông bà phải tìm được cha ruột của Monica, nói không chừng tủy xương của anh ta, hoặc tủy xương của con cái anh ta có thể thích hợp với Monica.
                      Nhưng… ông bà có bằng lòng để cho anh ta xuất hiện trong cuộc đời mình lần nữa hay không?”
                      Marda nói: “Vì con, tôi bằng lòng tha thứ cho anh ta, nếu như anh ta chịu bước ra để cứu đứa bé, tôi thề sẽ không khởi tố anh ta”.
                      Bác sĩ Andrew không khỏi chấn động sâu sắc bởi tấm lòng lòng thương con của người mẹ này.

                      Marda và Peter suy nghĩ hết lần này đến lần khác, quyết định dùng hình thức giấu tên, để đăng một bản tin tìm người trên báo.
                      Tháng 11/2002, trên các tạp chí thành phố Foyer đều đăng một bản tin tìm người đặc biệt như miêu tả ở trên, bản tin khẩn cầu kẻ cưỡng gian đó hãy bước ra, vì đó là hy vọng cuối cùng đối với mạng sống của bé gái bị bệnh máu trắng đáng thương kia.
                      Bản tin tìm người đặc thù này đã dấy lên một làn sóng hiến tủy khắp cả nước. Nhưng trong biển người mênh mông, huống hồ chuyện đã nhiều năm như vậy, biết đi đâu để tìm tên cưỡng gian năm xưa?
                      Bản tin vừa được đưa ra đã gây nên tiếng vang mạnh mẽ trong xã hội. Thùng thư và điện thoại của bác sĩ Andrew mỗi ngày đều không thiếu những cuộc gọi khắp nơi trong nước, mọi người tranh nhau dò hỏi người phụ nữ này là ai, họ rất muốn được gặp cô, hy vọng có thể chung tay giúp đỡ cô.
                      Nhưng Marda đã cự tuyệt sự quan tâm của mọi người, cô không muốn tiết lộ họ tên của mình, càng không muốn để cho người khác biết Monica chính là con gái của kẻ cưỡng hiếp kia.

                      Lúc này giới truyền thông đối với kết cục của sự việc này đã tiến hành thảo luận trước. Các trang của tờ La Mã bình luận: “Người đàn ông da đen này sẽ xuất hiện không? Nếu như người đàn ông da đen này dũng cảm bước ra, vậy chúng ta sẽ nhìn nhận và đối đãi anh ta như thế nào? Pháp luật của chúng ta nên trừng phạt anh ta như thế nào?”
                      Anh ta vì tội ác của ngày hôm qua mà nhận sự trừng phạt, hay là vì sự dũng cảm của ngày hôm này mà nhận được lời tán dương?
                      Tin tức Foyer tiếp tục được đăng tải: “Nếu bạn là người đàn ông da đen đó, bạn sẽ làm thế nào?”
                      Những thảo luận này, đã khởi lên một làn sóng tranh luận khó cả đôi đường đối với quần chúng độc giả rộng lớn.

                      Tình mẹ thương con này đã cảm động vô số người, cũng đã tình cờ giúp đỡ những bệnh nhân khác
                      Cai ngục ở vùng đó cũng tích cực giúp đỡ Marda. Họ đã cung cấp danh sách tội phạm từ sau năm 1992 cho bệnh viện, bởi người da đen trong thành phố này rất ít, vậy nên, kể từ 10 năm trước thì tội phạm da đen cũng không nhiều.
                      Họ nói với Marda rằng: “Mặc dù có một số tội phạm năm đó không phải vì phạm tội cưỡng hiếp và bị tuyên án, nhưng cũng có khả năng từng làm qua những chuyện như vậy”.
                      Có những người đã ra ngục rồi, có một số người vẫn còn ở trong ngục, Marda và Peter đã kết nối liên lạc với những người này, không ít tội phạm đã bị tình mẹ thương con của cô làm cho cảm động, bất luận là người da trắng hay da đen, họ đều tự nguyện trình báo để làm xét nghiệm tủy xương, hy vọng có thể hiến tủy cho Monica, nhưng trong số họ cũng không có tủy xương thích hợp.
                      Rất nhiều tội phạm năm đó đều bày tỏ sự chân thành và quan tâm sâu sắc, họ đều cung cấp manh mối cho vợ chồng Marda.
                      Nhưng đáng tiếc thay, họ đều không phải là người da đen cưỡng hiếp năm đó.
                      Câu chuyện này cũng đã làm cảm động rất nhiều người dân, không ít người tự nguyện làm xét nghiệm tủy, để xem tủy xương của bản thân mình có thích hợp hay không.
                      Người tình nguyện càng lúc càng nhiều lên tạo thành một làn sóng hiến tủy của những người tình nguyện tại thành phố Foyer, làn sóng ấy đã cứu được khá nhiều sinh mệnh của những người bị bệnh máu trắng, nhưng Monica lại không nằm trong số những người may mắn này.
                      Marda và Peter vẫn hồi hộp lo lắng mà chờ đợi người da đen kia xuất hiện…

                      Hơn hai tháng trôi qua, người này vẫn không xuất hiện
                      Hai vợ chồng thấp thỏm không yên, nghĩ rằng, cũng có thể người đàn ông da đen kia đã không còn trên cõi đời này nữa?
                      Cũng có thể đã rời khỏi quê nhà, từ lâu đã không còn ở Ý nữa rồi?
                      Cũng có thể anh ta không muốn hủy hoại cuộc sống của chính mình, nên không muốn bước ra?…
                      Nhưng bất luận như thế nào, chỉ cần Monica còn sống một ngày, họ sẽ không từ bỏ hy vọng tìm kiếm người đàn ông da đen kia.

                      Sau khi bản tin tìm người đặc thù này xuất hiện trên trang báo ở thành phố Napoli, trong lòng ông chủ 30 tuổi của một nhà hàng cao cấp bắt đầu dậy sóng.
                      Anh là người da đen, tên Achlia.
                      Ngày 17/5/1992, trong cuộc đời anh đã trải qua một đêm mưa tầm tã tựa như ác mộng, anh chính là người được nhắc đến trong câu chuyện trên.
                      Không ai có thể ngờ được rằng Achlia bạc triệu của ngày hôm này từng là một người rửa chén bị người ta sai tới sai lui. Bởi cha mẹ mất sớm, một người không được ăn học nhiều như anh đã phải lăn lộn kiếm sống từ rất sớm.
                      Người thông minh chăm chỉ như anh chỉ mong sao dùng sự cần cù lao động của mình có thể đổi lấy tiền bạc và sự tôn trọng của người khác, nhưng trớ trêu thay ông chủ của anh là người phân biệt chủng tộc, dẫu cho anh cố gắng thế nào, vẫn luôn phải chịu đánh đập chửi mắng từ ông ta.

                      Hôm đó là sinh nhật lần thứ 20 của Achlia
                      Anh dự định sẽ nghỉ làm sớm để đón mừng sinh nhật của mình, không ngờ trong lúc loay hoay đã vô tình làm rơi một cái đĩa, ông chủ túm chặt lấy cổ anh bắt anh phải nuốt hết những mảnh vỡ đó. Achlia căm phẫn dâng trào đã cho ông ta một đấm, rồi xông ra khỏi quán.
                      Anh vẫn chưa hết căm hận và quyết tâm báo thù người da trắng, buổi tối trên đường trời mưa tầm tã dường như không có một bóng người đi lại, trên bãi đậu xe anh gặp Marda, xuất phát từ sự báo thù về phân biệt chủng tộc, anh đã vô tình cưỡng gian người phụ nữ vô tội đó.
                      Sau sự việc, Achlia trong lòng thấp thỏm không yên. Ngay tối hôm đó, anh đã dùng số tiền đón sinh nhật của mình mua vé xe lửa đến thành phố Napoli, rời xa khỏi thành phố này.

                      Về sau, Achlia kiếm được một công việc thuận lợi ở nhà hàng của một người Mỹ, đôi vợ chồng người Mỹ đó rất quý tính cách thông minh cần cù của anh, còn đem cô con gái Lina gả cho anh, về sau thậm chí còn giao cho anh quản lý toàn bộ công việc kinh doanh của nhà hàng.
                      Mấy năm trở lại đây, anh không chỉ phát triển nhà hàng thành một nhà hàng cao cấp sang trọng kinh doanh thịnh vượng, mà còn có được ba đứa con đáng yêu.
                      Trong mắt người nhà và người làm, Achlia thật sự là một ông chủ tốt, người chồng tốt và người cha tốt.
                      Vậy mà trong lòng anh vẫn không sao quên được tội ác năm xưa mà mình đã phạm. Anh luôn cầu nguyện với Thượng Đế xin Người hãy phù hộ người phụ nữ đã từng bị anh làm hại kia, hy vọng cô có thể bình an vô sự sống một cuộc sống hạnh phúc và không bị tổn hại bởi những gì tội lỗi anh đã gây nên. Nhưng anh trước giờ chưa từng đem bí mật trong lòng này nói với bất kỳ người nào cả.
                      Buổi sáng hôm đó, Achlia đã đọc đi đọc lại bản tin đó đến mấy lần, trực giác mách bảo rằng anh chính là kẻ cưỡng gian được tìm trên tờ báo đó. Anh không bao giờ nghĩ đến rằng, người phụ nữ đáng thương đó cuối cùng đã mang thai và đã nuôi dưỡng đứa con vốn không thuộc về mình.
                      Cả ngày hôm đó, Achlia mấy lần muốn gọi điện thoại cho bác sĩ Andrew, nhưng mỗi lần điện thoại còn chưa quay xong anh liền vội cúp máy. Trong lòng Achlia đang giãy giụa đau đớn, nếu như đứng ra thừa nhận tất cả, mọi người sẽ biết được quá khứ xấu xa nhất của anh, những đứa con sẽ không còn yêu thương anh nữa, anh sẽ mất đi gia đình hạnh phúc và người vợ xinh đẹp, cũng sẽ mất đi sự tôn trọng của xã hội đối với mình.
                      Hết thảy những thứ này là kết quả anh đã không ngừng nỗ lực phấn đấu trong suốt mấy năm nay, vất vả lắm mới có được!

                      Buổi tối hôm đó, khi đang ăn cơm, mọi người trong nhà đều bàn luận về những tin tức có liên quan đến Marda trên báo chí như những lần trước. Người vợ Lina nói: “Em thật sự rất khâm phục người phụ này, nếu như đổi lại là em, em sẽ không có can đảm để nuôi dưỡng con gái do mình bị cưỡng hiếp rồi sinh ra, em càng khâm phục người chồng của cô ấy, anh ta quả thật là một người đàn ông đáng được tôn trọng, lại có thể chấp nhận một đứa con như thế”.
                      Achlia im lặng nghe những lời đàm luận của vợ rồi đột nhiên hỏi: “Vậy em nhìn nhận kẻ cưỡng hiếp đó như thế nào?”
                      Người vợ lòng đầy căm phẫn nói: “Em tuyệt đối không thể tha thứ cho hắn ta được, năm xưa đã làm sai rồi, vào thời khắc then chốt của bây giờ, hắn ta lại rụt cổ trốn tránh. Hắn ta thật đúng là quá đê tiện, quá ích kỷ rồi, thật là quá ghê tởm! Hắn ta đúng thật là con quỷ hèn nhát!”
                      Achlia ngơ ngác lắng nghe, muốn đem tất cả sự thật nói với vợ. Buổi tối hôm đó, do cậu con trai 5 tuổi không chịu ngủ, Achlia lần đầu tiên đã đánh nó một bạt tai. Đứa con trai vừa khóc vừa nói: “Ba là người ba xấu xa, con sẽ không còn quan tâm đến ba nữa. Ba không phải là ba của con nữa”.
                      Trong lòng Achlia xung đột mạnh, anh ôm chặt con vào lòng, nói: “Ba thật sự xin lỗi, ba sẽ không bao giờ đánh con nữa đâu. Tất cả là lỗi của ba, con hãy tha thứ cho ba, được không?” Nói đến đây, nước mắt Achlia không ngừng trào ra.
                      Đứa con sợ quá, dường như nó cũng hiểu chuyện, vội lấy tay lau nước mắt và an ủi Achlia: “Được rồi, con tha thứ cho ba. Thầy giáo dạy rằng, đứa bé biết sai mà nhận lỗi mới là đứa bé ngoan”.

                      Achlia cả đêm trằn trọc không sao ngủ được, anh cảm thấy bản thân mình dường như đang bị dày vò dưới địa ngục, những khung cảnh trong đêm mưa gió tội ác đó và hình bóng của người phụ nữ kia không ngừng đan xen xuất hiện trước mắt, và dường như anh còn nghe thấy tiếng khóc và tiếng gọi đau thương của người phụ nữ kia nữa. Anh không ngừng tự hỏi chính mình: “Mình rốt cuộc là người tốt, hay người xấu đây?”
                      Nghe thấy hơi thở đều đều của người vợ đang nằm bên cạnh, anh liền mất đi dũng khí để nói ra mọi chuyện.
                      Ngày hôm sau thần sắc anh cực kỳ tiều tụy, trong lòng càng lúc càng nặng trĩu…
                      Người vợ rất nhanh đã nhận ra sự khác thường nên quan tâm hỏi han chồng.
                      Buổi sáng khi đi làm, các nhân viên đều chào hỏi anh thân thiết: Chào ngài tổng giám đốc!”
                      Anh sắc mặt tiều tụy chào lại họ, trong lòng cảm thấy toàn là xấu hổ và nhục nhã. Achlia cảm thấy bầu trời dường như đã đổ sụp xuống rồi!

                      Mấy ngày sau, Achlia không cách nào im lặng được nữa, anh liền gọi điện thoại ẩn danh cho bác sĩ Andreew bằng điện thoại công cộng. Anh cố hết sức để giọng nói của mình trông thật bình tĩnh: “Tôi rất muốn biết bệnh tình của cô bé bất hạnh kia”.
                      Bác sĩ Andrew trả lời rằng, bệnh tình của cô bé đó rất nghiêm trọng, cuối cùng ông còn thương cảm rằng: “Không biết con bé có thể đợi được đến ngày cha ruột của nó xuất hiện hay không”.
                      Lời nói này đã chạm đến tận đáy lòng Achlia, tình thương của người cha đã bùng lên từ nơi sâu thẳm trong tâm hồn anh, cô bé đó dù sao cũng là cốt nhục của mình!
                      Anh quyết định bước ra để cứu Monica, anh đã phạm sai lầm một lần rồi, bây giờ không thể phạm sai lầm tiếp nữa.
                      Buổi tối hôm đó, anh lấy hết can đảm để nói với vợ tất cả. Cuối cùng anh nói: “Anh rất có khả năng chính là cha ruột của đứa bé đó! Anh phải đi cứu con bé!”
                      Vợ anh bàng hoàng, căm phẫn, thương tâm, trái tim như vỡ vụn ra khi nghe hết tất cả những điều này rồi nói: “Anh là đồ dối trá!”
                      Buổi tối hôm đó, cô đã dắt theo ba đứa con, lái xe đến nhà ba mẹ. Khi cô đem hết bí mật của Achlia kể lại với ba mẹ, đôi vợ chồng này lúc đầu cũng vô cùng tức giận, nhưng sau khi nghe xong đã rất mau chóng lấy lại bình tĩnh.
                      Họ nói với con gái rằng: “Chúng ta nên tức giận về hành vi của Achlia trong quá khứ. Nhưng con có từng nghĩ qua hay chưa, anh ấy có thể bước ra, cần có dũng khí lớn đến dường nào, điều này chứng minh rằng lương tâm của anh ta còn chưa mất đi. Con hy vọng chồng con là một người từng phạm sai lầm, nhưng bây giờ có thể sửa đổi? Hay là muốn một người chồng mãi mãi chỉ biết chôn vùi quá khứ tàn ác?”
                      Cô đã im lặng không nói gì cả. Ngày hôm sau, trời vừa sáng Lina vội trở về bên cạnh Achlia, nhìn thấy Achlia cặp mắt đỏ hoe, Lina kiên định nói : “Achlia, anh hãy đến chỗ bác sĩ Andrew đi! Em sẽ đi cùng với anh!”

                      Ngày 3/2/2003, vợ chồng Achlia đã liên lạc được với bác sĩ Andrew. Ngày 8/2, vợ chồng Achlia vội đến bệnh viện Elizabeth, bệnh viện đã làm xét nghiệm DNA và kết quả là anh thật sự chính là cha ruột của Monica.
                      Khi biết được người đàn ông da đen đã làm nhục mình cuối cùng đã dũng cảm bước ra, những giọt nước mắt hạnh phúc không ngừng lăn dài trên má Marda.
                      Cô đã căm hận Achlia trong suốt 10 năm, nhưng thời khắc này đây cô lại vô cùng cảm động.
                      Tất cả đều được tiến hành cực kỳ bí mật. Để bảo vệ đời tư của vợ chồng Achlia và vợ chồng Marda, bệnh viện đã không nói ra tên thật và thân phận của họ cho báo chí mà chỉ thông báo với kí giả rằng đã tìm được cha ruột của Monica.
                      Thông tin này đã khiến toàn bộ người dân thành phố quan tâm đến sự kiện này phấn khởi, họ không ngừng gọi điện thoại và viết thư cho bác sĩ Andrew, nhờ ông gửi sự tha thứ và lòng tôn kính của họ đến người da đen này: “Anh ấy từng là tội nhân, nhưng giờ đây anh ấy là một anh hùng!”

                      Ngày 10/2, vợ chồng Marda yêu cầu được gặp mặt Achlia. Lúc đầu, anh không có dũng khí gặp họ, nhưng Marda cầu xin hết lần này đến lần khác nên anh mới dám nhận lời.
                      Ngày 18/2, dưới sự sắp xếp bí mật của bệnh viện, Marda gặp Achlia trong phòng khách của bệnh viện. Đầu tóc của anh vừa mới cắt, khi nhìn thấy Marda, bước chân anh trở nên nặng nề khó bước, sắc mặt tái nhợt hẳn lên. Marda và chồng bước đến, nắm chặt lấy tay anh, ngay tức khắc 3 người khóc không thành tiếng, nước mắt của ba người hòa lẫn vào nhau.
                      Rất lâu sau, Achlia nghẹn ngào nói: “Xin lỗi, xin lỗi, xin hãy tha thứ cho tôi! Câu nói này tôi đã chôn sâu trong lòng suốt hơn 10 năm nay rồi, hôm nay cuối cùng đã có cơ hội để nói với chị”.
                      Marda nói: “Cảm ơn cậu đã có thể bước ra. Cúi xin Thượng Đế phù hộ, tủy xương của cậu đã cứu sống con gái tôi!”
                      Ngày 19/2, bệnh viện xét nghiêm xương tủy đối với Achlia, may mắn thay nó hoàn toàn thích hợp với Monica!
                      Bác sĩ xúc động nói: “Đây thật sự là kì tích!”

                      Ngày 22/2/2003, thời khắc mà mọi người chờ đợi từ lâu cuối cùng đã đến, xương tủy của Achlia được cấy ghép vào trong thân thể của Monica.
                      Một tuần sau đó, Monica khỏe mạnh xuất viện. Vợ chồng Marda đã hoàn toàn tha thứ cho Achlia, mời anh và bác sĩ Andrew đến nhà họ làm khách. Nhưng ngày hôm đó Achlia lại không đến, anh nhờ bác sĩ Andrew mang đến một lá thư.
                      Trong thư anh vô cùng day dứt nói rằng:
                      “Tôi không thể quấy nhiễu cuộc sống bình yên của anh chị lần nữa. Tôi chỉ hy vọng Monica và anh chị sẽ sống hạnh phúc bên nhau, nếu như anh chị có khó khăn gì, xin hãy nói với tôi, tôi nhất định sẽ giúp đến cùng! Đồng thời, tôi cũng rất cảm kích Monica, từ một ý nghĩa khác mà nói, là con bé đã cho tôi một cơ hội để chuộc tội, là con bé đã cho tôi có được những khoảnh khắc vui vẻ của nửa cuộc đời còn lại. Đây chính là món quá mà con bé đã tặng cho tôi!”

                      Có lẽ bạn cũng đã từng làm sai, đi lầm đường, nhưng chỉ cần có lòng sửa lỗi thì bạn có thể bình thản mà đối mặt với chính mình và mọi người!
                      Tiểu Thiện, dịch từ cmoney
                      (Tinh Hoa)

                      Comment


                      • Thiện vs Ác...

                        Một con tàu du lịch gặp nạn trên biển, trên thuyền có một đôi vợ chồng rất khó khăn mới lên đến trước mũi thuyền cứu hộ, trên thuyền cứu hộ chỉ còn thừa duy nhất 1 chỗ ngồi. Lúc này, người đàn ông để vợ mình ở lại, còn bản thân nhảy lên thuyền cứu hộ. Người phụ nữ đứng trên con thuyền sắp chìm, hét lên với người đàn ông một câu…
                        Kể đến đây, thầy giáo hỏi học sinh: “Các em đoán xem, người phụ nữ sẽ hét lên câu gì?”

                        Tất cả học sinh phẫn nộ, nói rằng: “Em hận anh, em đã nhìn nhầm người rồi.”
                        Lúc này thầy giáo chú ý đến một cậu học sinh mãi vẫn không trả lời, liền hỏi cậu bé. Cậu học sinh nói: “Thầy ơi, em nghĩ người phụ nữ sẽ nói: Chăm sóc tốt con của chúng ta anh nhé!” Thầy giáo ngạc nhiên hỏi: “Em nghe qua câu chuyện này rồi ư?”
                        Học sinh lắc đầu: “Chưa ạ, nhưng mà mẹ em trước khi mất cũng nói với bố em như vậy.”

                        Thầy giáo xúc động: “Trả lời rất đúng.”
                        Người đàn ông được cứu sống trở về quê hương, một mình nuôi 2 đứa con nhỏ trưởng thành. Nhiều năm sau, anh ta mắc bệnh qua đời, người con gái của ông lúc sắp xếp kỷ vật, phát hiện quyển nhật ký của bố.

                        Hóa ra, lúc mẹ và bố ngồi trên chiếc tàu ấy, người mẹ đã mắc bệnh nan y không còn sống bao lâu nữa, trong giây phút quyết định, người chồng đã giành lấy cơ hội sống duy nhất về mình.
                        Trong nhật ký viết rằng: “Anh ước gì anh và em có thể cùng nhau chìm xuống đáy biển, nhưng anh không thể. Vì các con chúng ta, anh chỉ có thể để em một mình ngủ giấc ngủ dài dưới đáy đại dương sâu thẳm. Anh xin lỗi.”
                        Kể xong câu chuyện, phòng học trở nên im ắng, các em học sinh đã hiểu được ý nghĩa câu chuyện này: Thiện và ác trên thế gian, có lúc lắm mối rối bời, khó lòng phân biệt, bởi vậy đừng nên dễ dàng nhận định người khác...

                        Người thích chủ động thanh toán tiền, không phải bởi vì người ta dư dả, mà là người ta xem trọng tình bạn hơn tiền bạc.

                        Trong công việc, người tình nguyện nhận nhiều việc về mình, không phải bởi vì người ta ngốc, mà là người ta hiểu được ý nghĩa của trách nhiệm.

                        Sau khi cãi nhau người xin lỗi trước, không phải bởi vì người ta sai, mà là người ta hiểu được sự trân quý của người bên cạnh mình.

                        Người tình nguyện giúp đỡ người khác, không phải vì nợ người đó cái gì, mà là vì người ta xem người đó là bạn...

                        Comment


                        • TƯỚNG DO TÂM SANH, TÂM ĐẸP TƯỚNG MẠO SẼ ĐẸP...

                          Bất luận phúc báo nào đều là có căn nguyên tất nhiên của nó, giống như tài phú sẽ đến từ việc năng làm từ thiện, sự tôn quý đến từ sự khiêm nhường, dung mạo xinh đẹp sẽ đến từ tính ôn hòa và thiện lương.

                          Con người sau tuổi trung niên sẽ lộ ra tướng mạo được hình thành do ảnh hưởng của tính cách trong đời này. Người khoan dung nhân hậu phần lớn sẽ có khuôn mặt phúc hậu. Người có tính tình nhu hòa tướng mạo sẽ nhu hòa xinh đẹp.

                          Người có tính nết thô bạo, cay nghiệt sẽ luôn sở hữu khuôn mặt hung dữ. Một số phụ nữ có phẩm hạnh không tốt thường thường có vẻ mặt khắc tướng hay gọi là tướng bạc mệnh, tướng khắc chồng.

                          Trên thực tế không phải là tướng mạo ngay từ khi sinh ra đã định như vậy mà tướng mạo là sự phản chiếu của tâm tính và hành vi qua một quá trình tu luyện. Những tướng mạo này cũng biểu thị vận mệnh tương lai của người đó.

                          Thuật xem tướng cũng chính là một loại tích lũy kinh nghiệm, tướng do tâm sinh, từ mặt xem tâm, từ tâm biết tương lai.
                          Vậy tướng mạo lúc còn nhỏ, thuở niên thiếu và thanh niên có nguồn gốc từ đâu?

                          Tướng mạo có quan hệ đặc biệt với nhân tố di truyền của cha mẹ. Khuôn mặt, dáng người và tính nết là có quan hệ bẩm sinh. Mức độ xinh đẹp của dung mạo là chịu ảnh hưởng từ cách sống của cả đời trước.

                          Nửa đầu đời của một người ở kiếp này là sống trong sự ảnh hưởng của kiếp trước. Nửa cuối đời là sống trong sự ảnh hưởng của nửa đầu đời ở kiếp này. Cho nên mới nói, con người đến tuổi sau trung niên phải chịu trách nhiệm về diện mạo của mình.
                          Lòng từ bi cũng là một nhân tố quan trọng

                          Người có tấm lòng yêu thương người khác thường thường sẽ từ bên trong mà tỏa sáng ra một loại hào quang, khiến người khác càng nhìn càng thấy thu hút, càng ngày càng yêu thích được tiếp xúc với họ.

                          Mặt khác, đối với người ích kỷ, so đo, giảo hoạt sẽ khiến người khác không muốn nhìn lần thứ hai. Cho dù may mắn khi sinh ra được dung mạo xinh đẹp thì trên khuôn mặt cũng sẽ dần dần lộ ra những điểm mà người khác không ưa thích. Ví dụ: khuôn mặt không hòa ái, lần đầu tiên nhìn sẽ thấy hút mắt nhưng càng tiếp xúc nhiều càng muốn tránh xa…

                          Nhưng dung mạo của một người là có thể từng bước từng bước cải biến được bởi vì khi tâm tính cải biến thì từ tâm sẽ tản ra một loại lực hấp dẫn cũng sẽ khiến người khác sinh lòng ái mộ.

                          Rất nhiều khi, người ta nhìn nhận một người có xinh đẹp hay không, không phải ở khuôn mặt mà là nhìn vào tâm tính, nội tâm người đó. Cho nên, một người nếu muốn tướng mạo xinh đẹp, trước hết phải có tâm linh tốt!

                          Để có tâm tốt cần lưu ý những điều sau

                          1. Người cam tâm tình nguyện có hại chịu thiệt cuối cùng cũng sẽ không bị thiệt. Người chịu thiệt nhân duyên tất sẽ tốt, người nhân duyên tốt, cơ hội tự nhiên sẽ nhiều. Con người khi sống có thể nắm bắt một, hai cơ hội đã là đủ!

                          2. Người yêu thích chiếm lợi, muốn được hưởng lợi hơn người khác cuối cùng cũng chiếm không được lợi đâu! Chỉ là nhặt được một bụi cỏ mà mất đi một mảnh rừng rậm.

                          3. Người ích kỷ, luôn nghĩ đến bản thân hay người thân gia đình mình thì những chuyện tốt đẹp khác cũng tự nhiên không có quan hệ đến họ.

                          4. Trên đường đời chúng ta sẽ gặp được rất nhiều người. Kỳ thực, có duyên mới có thể gặp nhau, người thân ở kiếp này hầu hết là bạn thân ở kiếp trước, bạn thân ở kiếp này phần lớn là người thân ở kiếp trước. Người mang đến cho bạn phiền não hầu như đều là người mà kiếp trước bạn đã làm tổn thương họ. Vì vậy, hãy nhớ lấy! Hãy đối xử tốt với người thân, quan tâm đến bạn bè bên cạnh mình, khoan dung với người làm tổn thương mình. Đó là nhân quả!

                          5. Trong lòng không thiếu sót gọi là phú, được người khác cần đến gọi là quý. Vui vẻ không phải là một loại tính nết mà là một loại năng lượng.
                          6. Giải pháp để loại bỏ phiền não chính là hãy quên phiền não đi!

                          7. Không tranh giành chính là từ bi, không tranh cãi chính là trí tuệ, không nghe thấy chính là thanh tịnh, không nhìn thấy chính là tự tại, tha thứ chính là giải thoát, thấy đủ chính là buông bỏ.

                          8. Không hỗn loạn với tâm, không khốn đốn với tình, không lo sợ tương lai, không nhớ nhung ủy khuất quá khứ.

                          9. Sống trên đời cuối cùng vật chất cũng không mang được đi vì thế hãy sống cho hiện tại, cười cho hiện tại và tỉnh ngộ!

                          Nguồn: Đại Kỷ Nguyên

                          Comment


                          • 4 bà vợ …



                            Một anh giàu có... có 4 bà vợ:
                            Ông yêu người vợ thứ tư nhất, luôn mua sắm cho bà ta những bộ đồ sang trọng đắt tiền. Ông nâng niu chiều chuộng, coi người vợ thứ tư như một món đồ trang sức quý.
                            Ông cũng rất yêu người vợ thứ ba. Ông tự hào về người vợ này và luôn muốn "khoe" vợ với bạn bè. Tuy nhiên, trong ông luôn thường trực nỗi lo sợ bà bỏ đi với người đàn ông khác.
                            Ông cũng yêu người vợ thứ hai. Ông coi bà như người bạn tâm tình, người giúp ông vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Bất cứ khi nào gặp khúc mắc, ông đều tìm đến bà.
                            Người vợ thứ nhất lại là người rất chân thành, chung thủy, luôn kề vai sát cánh bên ông lo toan chu đáo chuyện gia đình. Tuy nhiên, ông lại không yêu bà vợ thứ nhất. Mặc dù bà rất yêu ông, ông hầu như chẳng bao giờ chú ý đến bà.

                            Một ngày, ông ngã bệnh. Ông tự biết rằng mình sắp từ giã cõi trần. Ông nghĩ về cuộc sống giàu sang xa hoa và tự nhủ: "Hiện mình có 4 bà vợ. Nhưng khi mình chết, lại chỉ có một mình. Thật cô đơn làm sao!"

                            - Ông ta hỏi bà vợ thứ tư: "Tôi yêu mình nhất, luôn dành cho mình sự quan tâm đặc biệt và những điều tốt đẹp nhất. Tôi chẳng còn sống được bao lâu nữa, liệu khi tôi chết, mình có nguyện đi theo tôi không?"
                            "Không đâu" - Bà vợ thứ tư đáp lại và bước đi.
                            Câu trả lời như một nhát dao cứa vào tim.

                            - Ông hỏi người vợ thứ ba: "Tôi yêu bà nhiều lắm, tôi sắp chết rồi, bà có nguyện theo tôi không?"
                            "Không, cuộc sống vẫn đang đẹp mà. Sau khi ông chết, tôi sẽ tái hôn". Trái tim ông run lên đau đớn.

                            - Sau đó, ông hỏi người vợ thứ hai: "Bất cứ khi nào gặp vấn đề khó khăn rắc rối gì tôi cũng đều tìm đến bà. Bây giờ tôi xin bà hãy kề vai sát cánh cùng tôi lần cuối cùng. Khi tôi chết, bà có nguyện đi theo tôi không?"
                            Bà vợ thứ hai trả lời: "Xin lỗi, lúc này tôi không thể giúp ông được. Nếu có, tôi chỉ đưa linh cữu ông ra mộ thôi". Ông nghe câu trả lời mà như sét đánh ngang tai. Ông thực sự quá đau đớn vì người mà ông nghĩ có thể tin tưởng nhất cũng bỏ rơi ông.

                            Bỗng có một giọng nói cất lên: "Tôi sẽ đi cùng ông, đi đến bất cứ nơi nào ông tới". Ông dáo dác tìm kiếm chủ nhân của giọng nói và nhận ra đó chính là người vợ thứ nhất, người mà chẳng mấy khi ông để ý tới. Trông bà gầy và xanh xao quá. Rưng rưng xúc động, ông nói: "Ðáng lẽ ra trước đây tôi phải chăm sóc bà nhiều hơn nữa".

                            Mỗi chúng ta ai cũng có 4 bà vợ
                            - Bà vợ thứ tư chính là thân thể của chúng ta. Cho dù ta có chăm chút, trau chuốt đến mấy, rồi nó cũng rời bỏ ta khi ta chết.
                            - Còn bà vợ thứ ba? Ðó chính là của cải, địa vị... Khi chúng ta chết, chúng sẵn sàng đi theo người khác.
                            - Bà vợ thứ hai chính là gia đình và bạn bè. Cho dù có thân thiết đến mức độ nào, khi ta chết, họ cũng chỉ khóc đưa ta ra mộ mà thôi.
                            - Bà vợ thứ nhất chính là tâm hồn ta, thường bị lãng quên khi ta chạy theo tiền tài, địa vị, danh vọng, của cải, nhưng nó sẽ theo ta suốt cuộc đời.

                            Tốt hơn hết là nuôi dưỡng tâm hồn ngay từ bây giờ, vì đó là "người" thân tín nhất bên ta. Ðừng để phải hối hận vì đã lãng quên nó.

                            ST

                            Comment


                            • Cái Thấy và Cái Chấp

                              Có lẽ chúng ta ai cũng đều biết câu truyện người mù sờ voi. Một hôm có một vị vua ra lệnh cho người hầu mang một số những người bị mù từ thuở bé tụ họp lại ở một nơi. Sau đó vua cho sai đem một con voi đến để cho các người mù nhận diện.
                              Người mù thứ nhất được sờ đầu của con voi, người mù thứ hai được sờ lỗ tai con voi, và rồi những người mù khác tuần tự được sờ vòi của voi, thân, ngà, chân và đuôi của nó.

                              Sau đó vì vua hỏi, “Này các ông, các ông hãy nói cho ta nghe, con voi giống như thế nào?” Và mỗi người mù trả lời theo kinh nghiệm của chính mình: con voi giống như là một bình tưới nước, một cái đòn xóc, như một cây quạt, một cái thúng sàng thóc to, một cây cột, một cây chổi.
                              Chắc bạn cũng đã được nghe câu truyện ấy nhiều lần rồi, nhưng có lẽ ít ai biết rằng câu truyện ấy được ghi chép trong Trường Bộ Kinh và Tiểu Bộ Kinh.

                              Ý nghĩa của câu truyện

                              Và theo bạn nghĩ, câu truyện người mù sờ voi ấy muốn dạy ta điều gì? Phải chăng ý muốn nói rằng bất cứ một vấn đề nào cũng có nhiều khía cạnh khác nhau, mà cái biết của chúng ta thì chỉ giới hạn trong một kinh nghiệm rất cá nhân của mình? Hay là, cái thấy hoàn toàn tùy thuộc vào sự tiếp xúc và kinh nghiệm của mỗi người?
                              Nhưng tôi nghĩ nó sâu xa hơn thế. Trong kinh kể tiếp là những người mù ấy bắt đầu tranh cãi với nhau về sự thật của con voi là như thế nào, “Con voi giống như cây quạt, chứ không thể giống như cây chổi được!”, “Nó là như thế này chứ không phải là như thế kia!” Và sau một hồi tranh cãi, cuối cùng những người mù ấy nổi giận, lao vào và đấm đá lẫn nhau.
                              Có lẽ câu truyện ấy không phải chỉ đơn giản nói rằng mỗi chúng ta ai cũng có một ý kiến, nhận thức khác nhau về một việc gì đó. Thật ra đó cũng là chuyện bình thường thôi, vì mỗi chúng ta cũng chỉ có thể biết được qua kinh nghiệm của chính mình, và nó thì rất là giới hạn. Và vì thế, nếu như chúng ta có sự tranh luận với nhau, thì cũng là chuyện dĩ nhiên.
                              Nhưng có lẽ bài kinh ấy muốn nhắc nhở rằng, vấn đề bắt đầu phát khởi khi chúng ta cho rằng chỉ có cái thấy của mình mới là đúng và là duy nhất. Và cái chấp ấy dẫn đến sự “đâm chém lẫn nhau bằng binh khí của miệng lưỡi” như theo lời diễn tả trong kinh.

                              Vấn đề không phải do cái thấy mà là cái chấp

                              Và vì vậy, tôi nghĩ gốc rễ của vấn đề không phải là do cái thấy của chúng ta có giới hạn, nhưng là vì chúng ta đã nắm bắt và cố chấp vào nó như thế nào.
                              Chúng ta ít có thể nào có một cái thấy, cái nhìn giống y như nhau. Mà thật ra trong cuộc sống đầy biến đổi này thì cũng đâu có một sự thật nào là sẽ đúng hết cho mọi hoàn cảnh, mọi trường hợp đâu, phải không bạn? Chúng ta sẽ có những ý kiến khác nhau, và đó cũng là chuyện tự nhiên thôi. Nhưng ta cần nhớ đừng nên cho rằng sự thật chỉ có thể là như cái thấy của mình!

                              Tôi nhớ trong kinh, có lần Phật cũng đề cập đến vấn đề này. Phật bảo rằng những cái biết của những người khác không hẳn là sai lầm. Phật cũng thấy được những quan điểm khác nhau ấy, nhưng điều khác biệt là Ngài không bị mắc kẹt vào đó. Trong kinh Phạm Võng có nói “Duy chỉ Như Lai biết rõ những cơ sở quan điểm này được nắm bắt như vậy, được giữ chặt như vậy, và cũng biết sẽ có báo ứng như vậy… Tuy biết nhưng không bị chấp trước. …Do không bị chấp trước nên được gọi là Như Lai.”
                              Phật thấy được hết tất cả những quan điểm và cái nhìn khác nhau, và chúng tuy không hoàn toàn sai trật, nhưng điều khác biệt với những người khác là Phật không bị kẹt và chấp trước vào một cái thấy nào hết.

                              Bao dung và rộng mở

                              Tôi nghĩ, câu truyện người mù sờ voi không phải chỉ đơn giản nói rằng, bất cứ một việc gì cũng đều có nhiều phương diện khác nhau, nhưng còn muốn nhắc nhở ta rằng chính vì sự nắm bắt và cố chấp của ta mà đã tạo nên đủ mọi thứ khổ đau cho nhau.
                              Vì vậy, chúng ta hãy cứ cùng chia sẻ với nhau những cái thấy và kinh nghiệm của mình về một vấn đề nào đó, nhưng nhớ đừng bao giờ cho đó là Tôi, hoặc của Tôi, và rồi ta thấy rằng mình cần phải bảo vệ nó bằng mọi cách.

                              Có một câu truyện kể rằng, có lần Ma vương và Phật hóa thân ra hai người thường và cùng đi dạo với nhau trên đường. Cả hai thấy có một người đang đi phía trước. Anh ta đang đi bổng dừng lại và nhìn thấy một vật gì đó sáng lóng lánh dưới đất, anh cúi xuống nhặt vật ấy lên xem, lộ vẽ vui mừng và cất vào túi áo của mình. Phật quay sang hỏi Ma Vương, “Ông biết người ấy nhặt được cái gì đó không?” Ma Vương đáp, “Biết chứ, anh ta nhặt được một mảnh của chân lý.” Phật hỏi tiếp, “Thế ông không sợ là anh ta sẽ biết được chân lý sao?” “Tôi không sợ đâu Ngài, vì tôi biết rằng anh ta sẽ giữ gìn mảnh chân lý nhỏ bé ấy và cho đó là toàn thể chân lý!”
                              Con đường của Phật là để chuyển hóa khổ đau, và chính sự chấp trước của ta là nguyên nhân chánh của khổ đau. Tôi nghĩ, mục đích của sự tu học là để giúp ta bớt đi những cái chấp ấy, có được một thái độ rộng mở và bao dung hơn. Nó giúp ta có được một cái thấy, cái nhìn rộng lớn hơn đối với cuộc sống này.

                              Và nếu như mình chưa có một cái thấy chân chánh và rộng mở, thì hạnh phúc nào đó mà ta đang có, cũng khó có thể là một hạnh phúc chân thật, phải không bạn?


                              NGUYỄN DUY NHIÊN
                              Đã chỉnh sửa bởi ketui; 16-03-2016, 04:35 PM.

                              Comment


                              • ĐỪNG ĐỂ SÂN SI LÂU TRONG LÒNG, VÌ CHÍNH SÂN SI THẾ GIAN ĐÓ SẼ GIẾT CHẾT PHẬT TÁNH CỦA TA…

                                Thật vậy, nếu chúng ta cứ mãi nhớ khuyết điểm của người khác, nhớ những cái sân hận, si mê của thế gian... thì người thiệt thòi, đau khổ và tổn thương nhiều nhất là chính bản thân mình. Bản chất thì đã vậy: Xuân có hoa – Hạ có gió - Thu có trăng – Đông có tuyết. Trong lòng không có gì phải phiền lo thì đó chính là mùa xuân tươi đẹp nhất. Nhớ những cái cần nhớ, quên những cái cần quên, sống cuộc đời cởi mở, trong lòng không vướng mắc thì cuộc đời này thật tươi đẹp biết bao.

                                Có một câu chuyện kể rằng:
                                Một Tiểu hòa thượng và Lão hòa thượng cùng đi hóa duyên. Tiểu hòa thượng lễ độ cung kính, việc gì cũng đều nhìn theo sư phụ. Khi tới bờ sông, một cô gái mù nọ muốn qua sông; thấy vậy, lão hòa thượng đã cõng cô gái qua sông, cô gái sau khi qua được sông đã cảm tạ lão hòa thượng nọ và đi mất.

                                Còn vị tiểu hòa thượng kia thì trong lòng cứ thắc mắc:
                                “ Sư phụ sao có thể cõng một cô gái qua sông như thế?”
                                và cứ thế đi mãi được 20 dặm, cậu ta không kìm được đành hỏi sư phụ:
                                “Chúng ta là người xuất gia, sao thầy có thể cõng một cô gái qua sông?”

                                Sư phụ điềm đạm nói:
                                “Ta cõng cô gái qua sông thì bỏ cô ấy xuống, còn ngươi thì đã cõng cô gái ấy 20 dặm rồi vẫn chưa bỏ xuống.”
                                Các bạn thấy sao qua lời nói của lão hòa thượng đầy thiền ý như vậy. Với câu nói ấy, nó đã hàm chứa trong nó chính là nghệ thuật nhân sinh.
                                Trong cuộc đời chúng ta giống như một cuộc hành trình dài, không ngừng bước đi, ven đường nhìn thấy nào là phong cảnh, nào là sự việc, nào là những gập ghềnh, nào là những vui buồn, bi ai và sầu khổ... nếu như đem tất cả những gì mà chúng ta đã nhìn thấy và ghi nhớ hết trong lòng thì sẽ khiến cho bản thân mình chất chứa thêm rất nhiều gánh nặng không cần thiết. Sự từng trải càng phong phú, áp lực càng lớn, chẳng bằng đi một chặng đường quên một chặng đường, để như chúng ta:

                                MÃI MÃI MANG 1 HÀNH TRANG GỌN NHẸ TRÊN VAI TA THEO NHỮNG CON ĐƯỜNG
                                Quá khứ đã qua, thời gian cũng không thể quay ngược trở lại, ngoài việc ghi nhớ lấy những bài học kinh nghiệm, còn lại không cần thiết để cho lòng phải vướng bận thêm.
                                Với phương châm:
                                - Sẳn sàng quên đi là một cách cân bằng tâm lý
                                - Cần phải thản nhiên để có thể đối mặt với cuộc sống...!
                                ST

                                Comment

                                Working...
                                X
                                Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom