Đêm của nguời "Trinh Nữ"
Xin mời thưởng thức "Bộ tứ bình" gồm 4 truyện ngắn : - Đêm của người trinh nữ; - Phá thế độc canh; - Trái rụng; - Một mình ôm kỷ niệm
Đêm của nguời "Trinh Nữ"

Đêm của nguời "Trinh Nữ"

Đôi chân mỏi nhừ, cặp mắt Trinh đã nặng, nàng buồn ngủ ghê lắm. Mấy người khách vẫn ngồi lì trong quán, chưa đóng cửa đi ngủ, có lẽ đã quá mười giờ, nàng đoán thế. Trong số này có anh Tình, anh tới quán từ tám giờ tối, anh đi một mình, lúc đầu anh gọi cốc nước chanh. Anh uống thong thả từng hớp một, hết cốc nước thì cũng hết một tiếng đồng hồ. Anh ngồi trầm ngầm một lúc, thấy chướng quá nên gọi thêm ly cà phê đá, uống xong lại mất thêm một giờ nữa. Cuối cùng anh ta gọi một xị rượu.
Lúc này quán đã vắng khách. Mỗi lần Trinh đến gần, anh nhìn cô, ánh mắt là một lời van lơn. Khi anh kêu cà phê, nước chanh, những món hàng rẻ tiền. Trinh mang đến rồi bỏ đi ngay. Khi anh gọi xị rượu với nem chả cái phiếu tính tiền đã lên kha khá thì Trinh ghé lại ngồi với anh. Anh chỉ đợi có thế. Anh bắt đầu nói chuyện thơ.
Trinh biết anh Tình là thủ kho hợp tác xã. Đã có lần Trinh đến kho, thấy anh cắm cúi làm việc. Mặt mày khó đăm đăm. Nhìn lên, Trinh thấy có tờ báo tường, để giết thì giờ Trinh đứng xem. Có một bài thơ, nhan đề "Mùa lúa mới " dưới ký tên Trần Tình. Bây giờ Trinh đang khổ vì bài thơ này và nhiều bài thơ khác. Anh Tình đọc hết bài thơ này đến bài thơ khác cho Trinh nghe. Anh làm thủ kho, ngoài cái kho vật tư nông nghiệp mà nhiều hơn cả là chỗ chứa phân hữu cơ. Phân hữu cơ thường là phân xanh phân chuồng, không ai chứa trong kho nhưng vùng này trồng nhiều lê guym, thường dùng xác mắm là xương cá đã lấy hết thịt trong việc làm nước mắm cũng gọi là phân hữu cơ. Phân xác mắm, ướt át hôi hám, đựng trong bao nhưng vẫn để chảy ra ngoài dòng nước đen. Sống suốt ngày trong bầu không khí ô nhiễm ấy anh đã quen nên vẫn phóng bút làm thơ được. Trinh là người mới đến nên rất khó chịu. Trinh thấy người thủ kho này, ngoài mấy bao xác mắm, anh ta còn có cả một kho thơ đồ sộ. Đứng quan sát anh làm việc một lúc Trinh thấy Tình tỏ ra là một cán bộ nghiêm khắc và rất nguyên tắc về việc xuất vật tư, về thơ anh lại xuất kho một cách vô nguyên tắc, vô cùng hào phóng, thoải mái.
Ngồi nghe nhà thơ nói chuyện một lúc Trinh thấy hết chịu nổi. Nàng còn phải dọn dẹp, quét nhà cửa, ngủ một giấc để còn sức ngày mai mở cửa hàng. Trinh là chủ một quán cà phê ở trước cửa huyện. Nói là quán cà phê nhưng Trinh bán đủ thứ, rượu, đồ nhậu. Trinh là chủ và còn là người giúp việc cho mình, cô không thuê mướn ai. Trinh ba mươi hai tuổi, chồng chết, để lại đứa con trai mười hai tuổi học lớp bảy. Nàng đang cư ngụ trong căn nhà của bên gia đình chồng. Cha mẹ chồng để cho nàng ở buôn bán nuôi con. Trinh có nhan sắc. Nếu thi hoa hậu chắc nàng chiếm được vương niệm. Nàng hấp dẫn bọn đàn ông từ lão sồn sồn tới bọn choai choai tại cái huyện lỵ này.
Anh Tình, ngồi coi kho, rỗi rãi cảm hứng viết ra không biết bao nhiêu bài thơ tình tặng cho nàng chủ quán goá phụ. Hôm nay nhờ xị rượu gạo nước nhất nguyên chất nó giúp cho hồn thơ anh thêm tung cánh bay cao. Nó giúp cho anh thêm can đảm để đưa ra lời đề nghị sau cùng: Rằng, đêm nay cho anh ngủ lại!
Khi nghe anh nói, Trinh im lặng, cô đứng dậy đi ra sau. Anh Tình tưởng nàng đồng ý, ngâm nga vài câu thơ cảm tác ngay trong giây phút cực kỳ hứng khởi này. Trinh đi vô phòng, chỉ khép hờ cửa lại. Nàng cởi bộ đồ xoa bóng ra, mặc cái quần lãnh đen, khoác áo sơ mi trắng vào. Nàng quơ cái lược chải vài ba cái lên mớ tóc ngắn như tóc con trai, rồi vội vàng bước ra. Mọi sự trong chớp mắt. Thật là một kỷ lục trong việc thay đổi xiêm y! Trinh đi quanh mấy bàn, lấy thêm cục nước đá. Xị rượu, trái chanh..rồi tới bàn anh Tình. Anh khấp khởi mừng thầm, nhắc lại đề nghị, Trinh nói:
- Bữa nay em kẹt rồi!
- Kẹt gì?
- Bộ không thấy em mặc quần đen sao?
Tội nghiệp nhà thơ. Mãi mộng mơ nên một sự thay trắng đổi đen như thế mà không hề biết. Giờ đây sự thực đen tối làm cho hồn thơ anh đang ở cao vút chín tầng mây bị sức hút trái đất rơi ập xuống. Tội nghiệp! Ngọn lửa trong hồn anh cũng tắt ngấm theo cái màu đen u ám đó! Anh đứng lên trả tiền, đi về. Trinh mừng, nhủ thầm: thằng cha này dai như giẻ rách. Không có cách này hắn ngồi tới sáng!
* * *
Trinh dọn dẹp, đóng cửa quán, lên giường nằm đúng mười hai giờ khuya. Trinh vừa chợp mắt thì có tiếng gõ cửa. Tiếng gõ rụt rè nhưng trong đêm khuya nghe rất rõ. Tiếng gõ cửa gồm hai tiếng nhặt một tiếng khoan là ám hiệu quen thuộc của tay Mười Dư ở xóm trên. Lão này có lò ép bún, nuôi mười hai con heo nái, mỗi năm thu... lão luôn luôn nhấn mạnh cái tiềm năng kinh tế mười hai con heo nái, nấu rượu...giữa lão Mười Dư và Trinh là một liên minh trời sinh. Lão nấu rượu nàng bán rượu. Mười Dư trưa nào cũng lén chờ mụ vợ ru thằng cháu nội trên võng. Cháu chưa ngủ nội đã ngủ, lão rót lít rượu gạo nước nhất giấu trong người đem đến tặng người yêu. Trinh pha lít rượu với hai trái dừa xiêm thành ra ba lít rượu bán cho dân nhậu.
Đêm nay, anh Mười đến, người ân nghĩa không thể từ chối một cách sỗ sàng được. Lão lại gõ cửa, lần sau to hơn lần trước. Trinh giả vờ ngủ nhưng lão này dai quá, gõ không xong lão gọi:
- Trinh ơi! Em Hai ơi! Dậy đi!
Trinh sợ hàng xóm nghe, nàng ngồi bật dậy đưa chân tìm dép. Nghe có tiếng dép lê trong nhà Mười Dư rất mừng. Trinh tới bên cửa, không mở cửa và mở đèn, hỏi vọng ra:
- Anh Mươì đó hả?
- Ừ, mở cho tui vô!
- Không được!
- Sao?
- Thằng Lắm nó chưa ngủ...
Thằng Lắm là con Trinh. Sự thực thằng bé đã ngủ từ hổi bảy giờ tối. Trinh tiếp:
- Nó đau răng khóc cả đêm, mới cho uống mấy viên APC. Nó mà còn thức thì không được. Nó biết chuyện mét bên nội lấy lại cái nhà này thì nguy to!
Ngoài cửa yên lặng, Trinh mừng thầm. Mười Dư nghĩ: người ta tin ra ngõ gặp đàn bà thì xui, thiệt đúng. Lúc mới ra cửa gặp con mụ bánh canh gánh cái gánh không trở về, quả nhiên tới gặp thằng nhỏ đau răng. Sao không đau lúc khác? Lão bước xuống sân, chân lạo xạo trong sỏi. Bên trong vọng ra tiếng an ủi rất dễ thương của Trinh: "Thôi chịu phiền, để khi khác đi anh Mười..."
Trinh vô nhà, leo lên giường, thầm nghĩ: không biết có được yên thân không? Mấy con muỗi vo ve, Trinh tốc mùng lên, lấy tờ báo cũ quơ đuổi, bỏ mùng xuống, lại nghe tiếng muỗi vo ve, nàng nghĩ, thôi mặc kệ. Vừa nghĩ tới đó thì lại có tiếng gõ cửa. Lần này tiếng gõ một chậm hai nhanh. Trong cơn chập chờn Trinh cũng biết kẻ nào đến tìm mình. Đây là ám hiệu của anh Khanh, cán bộ, anh có tám con, trai có gái có, lại được cử làm trưởng ban kế hoạch hoá gia đình. Người đầu tiên anh vận động là vợ, chị ta nói: "Tui triệt ông cũng triệt, để một mình ông lôi thôi hả?" Anh nói "Triệt một người thôi, triệt chi cả hai?". Anh nghe bọn thanh niên nói triệt rồi thằng đàn ông giống con gà trống thiến, chỉ được cái tốt mã, hết cả máu hiếu chiến của con trống, suốt ngày lúc thúc kiếm ăn trong vườn. Lần này anh nói láo với vợ: "Ừ, triệt thì triệt!"Trinh đứng trong nhà hỏi vọng ra:
- Khanh phải không?
- Ừ, anh đây, mở cửa tôi vô tí coi.
- Làm cán bộ mà chẳng biết chi cả...
- Biết gì?
- Đêm nay công an đi kiểm tra hành chính.
- Sao em biết?
- Anh không nghe chó sủa xóm trên xóm dưới đó sao? Phía bờ sông thấy ánh đèn pin lắp ló đó!
Trinh nói láo, nàng đứng trong nhà làm sao thấy ánh đèn pin bên ngoài. Nhưng vì quýnh quá, Khanh không nhận ra điều vô lý ấy, vội vàng bỏ đi, chỉ kịp hẹn: "Thôi mai nhé?". Trinh ừ hữ cho qua chuyện. Ấy cũng chỉ là kế hoãn binh, mai sẽ có lý do khác để từ chối. Đêm của mình dài thực..
Trinh chưa kịp lên giường lại có tiếng gõ cửa rụt rè. Trinh hỏi: "Ai?"
- "Long Thuỷ lợi" đây!
Xã tuy nhỏ nhưng có tới hai anh cùng tên Long. Một "Long Thuỷ lợi", giữ cái trạm bơm nước nhỏ và một là : "Long Thương nghiệp". Hắn là trưởng cửa hàng, gọi thế cho oai. Chứ cái gọi là cửa hàng bách hoá đó chỉ có mấy chai nước mắm, mấy cái chổi đót, nhưng ai muốn mua cũng không đơn giản, phải có cái phiếu hai ba con dấu và chữ ký. Hai con rồng này lại chẳng ưa nhau. Tại quán Sáu Liễu đã có lần Long "Thuỷ Lợi" đòi tát Long "Thương nghiệp" nói xấu long "Thuỷ lợi" đi chơi đêm suýt mất máy bơm nước, phải làm tám bản kiểm điểm. Có lần họ đã choảng nhau vì Long "Thuỷ lợi" chê Long "Thương nghiệp" hôi hám quá! Đi hội chẳng ai dám ngồi gần. Long "Thuỷ Lợi" ngầm khinh Long "Thương nghiệp" nên đêm nay đến nhà Trinh anh phải xưng tên đầy đủ và thêm cả cái "hậu tố". Trinh chưa thấy lý do gì để từ chối người khách không mời thứ tư này. Song đầu óc nàng "trinh nữ" vốn rất nhanh nhạy đối phó với những vấn đề tương tự kiểu này. Chẳng cần "kích chuột" bộ nhớ trong đầu nàng liền đưa ra giải pháp. Trinh quơ vội ve dầu gió trên đầu tủ, nhỏ vài giọt vào tay xoa xoa mấy lần. Trong đêm khuya vắng mùi dầu lan toả rất nhanh. Trinh than:
- Từ chiều tới giờ em trúng gió toàn thân đau nhức, hai vai không gánh gồng gì mà mỏi nhừ, cổ cũng đau nữa, nuốt nước bọt thấy rất đau. Em ra chợ đầu cầu mua mấy viên bi (bipénicilin) uống rồi, chưa thấy đỡ tí gì.
Long "Thuỷ lợi" nghe mùi dầu gió, thấy thương, nói:
- Tội nghiệp em Hai! Mai anh tới y sĩ Bảy, nhờ xem bệnh cho em, tới bệnh xá lấy thuốc, đừng mua thuốc tây ở chợ, coi chừng thuốc dỏm.
Long "thuỷ lợi"bỏ đi. Khi đi qua nhà mụ Bốn Hoà đầu óc anh đang nghĩ đâu đâu bỗng con chó xô ra sửa làm anh giật mình rủa thầm: "Mẹ cha mày. Bọn câu chó ở đâu không kéo cổ đi cho rồi!"
Trinh tính leo lên giường, chợt con gà cồ nhà bác Bá cất tiếng gáy. Mấy con gà trong xóm bắt chước gáy theo. Tiếng gà sôi lên khắp xóm trên xóm dưới. Trinh nhủ thầm: "Sáng rồi còn ngủ ngáy gì nữa. Thôi dậy nhen lò than nấu nước sôi chế cà phê bán cho bọn đi xe sớm".
Bên kia hàng rào, bác Bá cũng vừa xô chiếc cửa gỗ lớn lâu ngày không tra dầu bản lề nên nó kêu cót két chói tai. Bác nhìn qua sân nhà Trinh, thấy nàng ngồi quạt lò than, bác nói: "Tội nghiệp, thức cả đêm sáng phải dậy sớm làm lụng nuôi con thật cực. Người sao sung sướng quá, người sao khổ thế này...đêm của người ghê gớm thật!..."
Quý Thể
Comment