• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Truyện ngắn HOA HUỆ TRẮNG

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Truyện ngắn HOA HUỆ TRẮNG

    Truyện ngắn: HOA HUỆ TRẮNG

    Hòa trong giòng người đi chợ Tết. Từng bước chân … người tất bật, hối hả, cũng có người an nhàn, thư thả …Cảnh nhộn nhịp của ngày cuối năm.Tú bước chậm trên lề đường quen thuộc. Nhưng từ lâu Tú không bước ra phố, nên có nhiều điều khác lạ hơn ngày thường. Từng khoảng lề nhỏ đã được những người bán hoa lấn chiếm để bày bán những chậu hoa, cành và những bó hoa tươi. Những nụ mai e ấp trên cành như chờ đợi thời gian để nở rộ, những đóa cúc vàng, thược dược, hồng đủ loại ….hàm tiếu, lung linh dưới nắng ấm, khí trời hơi se lạnh của tiết xuân.
    Tú rẽ vào chổ bán hoa huệ, lay ơn. Người ta chen lấn, đông đúc; vì năm nay huệ hơi hiếm – Phải chuyển từ Đà Lạt về- Anh nghe những người mua hoa truyền tai nhau. Hai người nữ bán hoa thoăn thoắt, đưa từng bó hoa và nhận tiên hoặc thối lại. Chẳng còn ai bận tâm để mời mọc hoặc nhận ra khách hàng quen, lạ. Người khách thì nôn nao mua cho được, người này cầm lên đưa tiền …người khác cũng làm như thế.
    Tú tiến vào gần hơn, đưa tay lựa những cành huệ mập, bông dài đang chưng trong một thùng nhựa. Anh mân mê từng cành, mùi hương của hoa vừa nở phản phất theo gió thoảng thấy dễ chịu lạ. Anh đưa bó huệ vừa lựa chọn xong cho người bán :
    - Bao nhiêu cô?
    - Dạ huệ lựa thì đắt hơn anh à! Năm mươi ngàn đồng.
    - Cô gói lại giúp tôi!
    Cô gái đứng bên cạnh bỗng khựng lại. Đôi mắt mở lớn như muốn thâu hẳn hình ảnh của người đứng trước mặt.
    - Anh Tú!
    Người khách mua huệ cũng kinh ngạc không kém.
    - Diệu Ái !
    Họ lặng đi giây lác rồi lúng túng nhìn nhau.

    Tú chợt giậc mình khi người học trò nữ cũng đến mua huệ chào:
    - Thầy đi mua huệ à?
    - Thầy đang phụ giúp cô bán đấy chứ!
    - Em chào cô ạ! Năm nay Thầy Cô trúng hoa huệ rồi đó.
    - Cảm ơn em!
    Người học trò sau khi trả tiền cao hơn giá bán mà không nhận tiền thối lại. Bước đi ngay.
    - Em chào Thầy Cô!
    Diệu Ái ngước mắt nhìn lên, bắt gặp ánh mắt của Tú đang nhìn mình.
    - Anh muốn gặp riêng em một chốc được chứ?
    - Anh chờ em khỏang nửa giờ để em phụ bán hết giỏ hoa đượckhông?
    - Được, anh phụ em, đồng ý chứ?

    Tú loay hoay những bó huệ, vụng về … để chạm vào tay nàng. Người bán hàng với Diệu Ái để ý, mĩm cười tinh nghịch
    - Thầy không quen bán hoa đâu! Chắc phải nhờ chị Ái hướng dẫn một thời gian mới vào nghề được.
    Câu nói làm Tú bừng đỏ mặt, ấp úng:
    - Rất tiếc, tôi và Diệu Ái ở xa quá!

    &
    Tú và Diệu Ái cùng học chung trường Đại học Sư phạm ở Đà Lạt. Mặc dù Tú học trước hai năm. Hai người gặp nhau trong buổi sinh nhật người bạn gái thân của Diệu Ái. Họ quen nhau và trở thành đôi bạn.
    Những buổi gặp, hẹn hò bắt đầu ở Thư viện. Trong những ngày nghỉ học, Tú và Diệu Ái thường chọn ghế gần nhau. Diệu Ái vào trước thì để cặp ghế bên và khi có người khác đến, thì nói dối là bạn mình vừa đi mua nước uống hoặc vào toilet.
    Ngày tháng chất chồng lên hai mái đầu trẻ, cùng kết thân thêm tình bạn; cùng hướng đến những ước mơ ngày mai. Diệu Ái là con độc nhất của một gia đình nghèo. Ba mẹ nàng quanh năm suốt tháng bên luống hoa. Mặc dù ở nông thôn, nàng có gương mặt thật đáng yêu. Da trắng, hai gò má ửng hồng – Gái Đà Lạt mà! Ai cũng buộc miệng thế.- Một thân hình cân đối, nét đẹp giãn dị và phúc hậu…
    Trong trường có nhiều sinh viên để ý đến nàng; vì giọng hát trầm ấm, ngọt ngào trong những buổi sinh hoạt văn nghệ của trường. Với những năng khiếu sẵn có. Tú sợ một ngày nào đó, Diệu Ái tuột khỏi tấm tay của mình…

    Tú bàn với người bạn thân, hiện đang học khóa Kinh tế, nhưng có điều kiện mở một quán cà phê sinh viên. Nơi đây chỉ phục vụ cho sinh viên,học sinh… Từ khâu tiếp viên, điều hành, phục vụ cũng lấy từ sinh viên. Cốt lõi là tạo điều kiện cho anh chị em sinh viên nghèo, xa nhà có thêm một chút thu nhập để trả học phí và ăn uống thêm… Diệu Ái đã được giới thiệu.
    Công việc ở đây đã giúp cho nàng có thêm một số tiền để sắm sửa cho mình những vật dụng cần thiết. Mà cũng chính nơi quán cà phê này, Diệu Ái như một đóa hoa đầy hương sắc. Để những cặp mắt các sinh viên trường khác dòm ngó. Nhiều lần, thấy Diệu Ái vui vẻ,tươi cười…Hoặc một bản nhạc nào đó, được các bạn mến mộ tặng hoa. Tú cảm thấy bưc bội, nhất là những bạn trai săn đón tặng hoa mời nàng hát … Ngược lại, dù có nhiệt tình với bạn bè để cùng hòa chung vào nếp sống, đời sinh viên…Diệu Ái vẫn dành cho Tú những tình cảm nồng ấm nhất.

    Sau những giờ nghỉ học, hoặc những ngày lễ không có điều kiện về thăm nhà. Tú thường đến quán, chọn cho mình một bàn nước ở góc sàn nhà nhìn vào quầy nước, sau mỗi lần nàng hát thì trở về gần đó. Một lần đi chơi ở Thung lũng Tình yêu, Tú đề cập đến chuyện lập gia đình thì Diệu Ái thối thác chính đáng – “Chờ ngày ra trường và ổn định công tác, hiện giờ Ái phải học và cố gắng giúp Ba mẹ ổn định cuộc sống….” Trong lòng Tú cảm thấy không vui, vì nghĩ rằng Diệu Ái trẻ đẹp, còn chọn người thích hợp cho mình, có điều kiện để sống, vân vân và vân vân. Nhìn lại mình, Tú chẳng có gì ngoài vốn kiến thức nghèo nàn, hai bàn tay trắng. Mà cha mẹ quanh năm chạy vạy để lo đàn con còn đeo đẳng học hành…

    Thời gian trôi qua nhanh…Ngày Tú ra trường, anh ở lại Đà Lạt mấy hôm để đi chơi với Diệu Ái. Những ngày này, anh cảm thấy quá nhanh, con tim như muốn dồn hết cho nàng. Anh đề nghị Diệu Ái cho anh về nhà để biết thêm cuộc sống của gia đình nàng… Ba nàng đã già, nét mặt gầy còm, mái tóc đã bạc trắng, bàn chân trần luôn bám đất, bên những luống hoa, bàn tay ông chăm bón, nâng niu từng cánh hoa…Mẹ nàng, người đàn bà lam lủ cùng phụ với chồng làm việc và đem hoa ra chợ bán. Công viêc dù vất vả nhưng cũng chỉ nuôi tạm gia đình, sống đạm bạc. Khi tiễn Tú lên xe về Đak Lăk. Diệu Ái cầm thật chặc bàn tay Tú, xúc động đến rơi cả nước mắt ;
    - Anh về, Em chúc anh công tác tốt, sức khỏe và nhất là đừng quên em!
    - Anh hứa, mong em giữ được những tình cảm mà chúng ta đã có…Anh yêu Em!
    Cái hôn tay từ giã đã làm cho cả hai xúc động đến nghẹn lời …

    &

    Tú trở về Đăk Lăk, trong nỗi vui mừng của gia đình. Thời gian chờ đợi Sở Giáo Dục phân công tác. Tú viết thật nhiều thư cho Diệu Ái để kể lể những nỗi nhớ nhung, dặn dò… Những thư từ qua lại đều hứa hẹn ngày Diệu Ái ra trường, có nơi công tác ổn định…
    Thời gian trôi qua, nằm nhà hoài cũng đâm chán. Mà liên hệ Sở chỉ gặp những lời hứa suông … Ba Mẹ Tú đâm lo lắng. Một ngày kia, ba Tú gọi con vào:
    - Con liên hệ với Sở họ quyết định như thế nào?

    - Nghe nói họ phân bổ con về Huyện EaSup, con nghe những đồng nghiệp vào dạy trong đó bảo… Đường xa, trường lớp rách nát, học trò rất yếu kém về kiến thức … v . v…con đâm chán!
    - Thôi con để đó, Ba lên Thầy Hà nhờ Thầy giúp. Thầy có uy tín trong sở, hy vọng Thầy xin về được Huyện gần hoặc trường cấp 2 – 3 vùng ven cũng được…
    Nói là làm, Ba cùng Tú lên nhà Thầy ngày hôm sau. Thầy về muộn. Không ngờ Tú gặp Cúc Phương …

    &
    Cúc Phương là học trò của chị Tú, lớp mười hai học thêm Anh ngữ với chị ngoài giờ, để luyện thi vào Đại học. Vì đôi khi bận công tác, hoặc những buổi dự liên hoan, cưới hỏi của bạn bè. Chị nhờ Tú lên lớp giúp khi anh về nghỉ hè. Cúc Phương cũng có cảm tình với Tú, ánh mắt của nàng đôi lần đã làm xao xuyến con tim của người “Thầy hờ”.
    Một buổi chiều cuối hè, Cúc Phương đến sớm hơn mọi ngày. Nàng đã quen thuộc với gia đình, nên rất tự nhiên. Tú rót nước mời, nàng nhìn Tú rồi hỏi :
    - Bao giờ “Thầy” trở lại trường?
    Qua lớp kính trắng. Tú thấy nét mặt đăm chiêu của Cúc Phương…Chậm rãi trả lời:
    - Chủ nhật đến. Em hỏi để gởi gì lên Đà Lạt hả? Anh sẵn sàng mang hộ ngay!
    Nét mặt Cúc Phương thoáng buồn vời vợi. Người bạn gái đến, nàng ngồi vào cạnh Cúc Phương. Sau một lúc trò chuyện. Khi Cúc Phương xin phép ra ngoài. Bạn nàng ghé vào tai Tú nói nhỏ:
    - Hình như Cúc Phương có cảm tình với Anh. Có nhiều khi tâm sự với em, nó nói rất nhiều về anh. Nó còn bảo là khó quên anh, nhất là những khi anh đứng trên bảng đen. Nó không còn đầu óc để nghe anh giảng những gì cả… Nó chỉ lắng nghe tiếng trầm ấm của anh thế thôi!
    - Em nói thật đấy chứ?
    - Trăm phần trăm mà anh!
    Tú ngồi thừ giây lác. Rồi lên lớp, đứng cạnh bảng đen nhìn xuống. Anh không dám nhìn Cúc Phương lâu hơn như mọi ngày vì ánh mắt nàng luôn nhìn thẳng vào anh. Anh cố gắng xua đi những ý nghĩ về lời cô bạn gái nhưng sao anh cảm thấy lúng túng khi giảng bài. Sau tiết học, Tú tự nhủ thầm : Diệu Ái và Cúc Phương đều đẹp, nhưng mỗi người đều có nét riêng của mình.

    Ngày hè đã qua, Cúc Phương thi đậu vào Đại học Ngoại ngữ tại Đăk Lăk. Đến khi gặp lại Cúc Phương, Tú mới biết nàng là con Thầy Hà, bạn của Ba mình.

    &
    Gặp nhau, Cúc Phương mừng rỡ ra mặt :
    - Anh ra trường rồi à? Sao không báo tin cho em biết với! À, mà em bận học quá nên ít ghé về nhà thăm hai Bác và Cô, nên không biết anh về. Em xin lỗi nghe! Mời anh và Bác ngồi chơi, Ba em sắp về rồi.
    Cúc Phương lay hoay rót nước vào ly thì Thầy Hà cũng bước vào. Trông thấy ba Tú, Thầy chìa tay ra bắt, hớn hở.
    - Anh mới lên à?
    - Vâng, Thầy khỏe chứ?
    - Cảm ơn anh, em bận họp nên về muộn hơn thường ngày. Anh lên chơi có việc gì không mà đi trưa nắng/
    - Ai đây? ( Thầy chỉ vào Tú)
    Cúc Phương nhanh nhẩu :
    - Anh Tú, con Bác đó Ba à!
    - Chào Thầy!
    - Anh và cháu ngồi chơi, em rửa mặt cái đã!
    Khi Thầy Hà bước vào thấy Cúc Phương và Tú vui vẻ chuyện trò.
    - Hai đứa quen nhau rồi à? Anh thấy đó, bọn trẻ bây giờ nó dễ làm quen với nhau lắm phải không anh? Không như tuổi chúng mình ngày đó!
    - Thầy dạy Anh ngữ cho con đó Ba. Mỗi khi Cô giáo con vắng hay bận việc thì anh Tú lên lớp, thần tượng của con đó Ba à!
    Thấy Thầy Hà vui vẻ, Ba Tú vào đề ngay
    - Xin lỗi Thầy, thật tình tôi lên đây nhờ Thầy giúp cho cháu. Vì cháu mới ra trường, chưa biết phân bổ đi đâu cả.
    - Anh định xin cho cháu về đâu?
    - Nhờ Thầy giúp đở cho cháu về gần nhà hoặc vùng ven cũng được
    - Tưởng xin về thành phố thì hơi khó. Chứ vùng ven em cố gắng lo việc này cho, Anh yên trí.
    Sau những. câu thăm hỏi xã giao. Ba Tú xin phép ra về để Thầy Hà ăn cơm, nghỉ trưa. Trong lòng hai người tràn ngập hân hoan. Một tháng sau, Tú nhận được giấy về công tác một trường vùng ven.

    Thế rồi, hai gia đình như gần gũi lại với nhau. Cúc Phương lại đến nhà Tú mỗi khi giáo viên bị ốm, hoặc bận việc riêng không lên lớp được. Vì trường không xa nhà Tú bao nhiêu. Tình yêu chớm nở giữa Tú và Cúc Phương. Họ gần gũi và thường gặp nhau. Hơn nữa hai gia đình quen thân cũng tạo điều kiện cho con trẻ, hai gia đình cũng muốn thế vì ân nghĩa qua lại.
    Một ngày cuối năm, Diệu Ái gởi thư báo tin buồn “ Ba nàng đã mất!”. Nàng đau buồn và ít viết thư cho Tú. Hình ảnh Diệu Ái cũng dần dà phai trong tâm khảm Tú.

    Hai năm trôi qua,Thư từ giữa Tú và Diệu Ái thưa dần. Rồi một ngày… Tú và Cúc Phương thành hôn qua sự sắp xếp của gia đình hai bên, những tình cảm của hai gia đình tạo cho họ, Tú lạc lòng trong hệ lụy này. Trong niềm hạnh phúc có được, Tú quên mất hình ảnh của Diệu Ái…

    &
    Chỉ còn lại một ít hoa lay ơn, Diệu Ái nói nhỏ với bạn :
    - Hồng bán hộ cho mình!
    - Ừ, để đó cho mình, hai người tâm sự với nhau cho bỏ những ngày xa cách.
    Hai người nhìn nhau thông cảm, nhưng mỗi người mang những ý nghĩ khác nhau. Gật đầu…
    - Hồng giúp chúng tôi với nhé!
    - Vâng, anh cứ tự nhiên…
    Hai người cùng hòa vào giòng người đi về một quán cà phê có nhiều cây cảnh. Sau khi chon một bàn nhỏ ở góc phòng có bóng cây dừa cảnh che. Tú kéo ghế mời Diệu Ái ngồi. Người nữ tiếp viên đến bên:
    - Anh chị dùng thứ nào?
    Tú đưa mắt nhìn Diệu Ái
    - Em uống nước ngọt nhé?
    - Cho em cà phê đen đá hay hơn!
    Tú hơi nhíu mày.
    - Hồi đó em đâu có uống loại này!
    - Cũng quen rồi anh ạ!
    Thôi tùy em – Cô cho hai ly cà phê đen đá. Người tiếp vên vào trong. Tú lấy bình tĩnh nhìn vào mắt Diệu Ái. Nhưng nàng lãng tránh và nhìn lên bức tranh treo trên tường
    - Diệu Ái này, trước hết anh xin lổi em. Anh không biết phải nói làm sao cho em hiểu được lòng anh. Hoàn cảnh của anh phải làm như vậy!
    - Gì anh? Anh chị vẫn hạnh phúc đó chứ?
    Bỗng nhiên Diệu Ái nhìn thẳng vào mắt Tú.
    - Chuyện ngày đó thì chỉ mình em thiệt thòi. Còn anh, anh đã hiểu cho cho em chưa? Đau khổ đã đến với em quá tàn nhẫn. Ba em mất và luôn cả anh cũng đành đoạn bỏ em!
    Tú như mất hẳn tự chủ,. Anh ngồi lặng người để nghe Diệu Ái nói như diễn thuyết :
    - Em đã cố hết sức mình, trong thời gian còn ngồi trên ghế nhà trường. Đời Sinh viên anh cũng biết đó. Mong ước sau khi ra trường sẽ kiếm được một chổ gần nhà để giúp đõ mẹ già. Nhưng thời buổi này, những tiêu cực của các cơ quan đã đẩy em vào con đường cùng phải chọn. Một là về với Mẹ, giúp đở Mẹ khi ốm đau và lo miếng cơm , giặt giũ cho Mẹ. Hai là để cho bà sống ra sao thì ra, cứ hằng tháng dành dụm, đem về một ít tiền còm không đủ ăn trong năm ngày! Anh biết không, người ta phân bổ em về một huyện xa lắc, cách trở. Phải chi trong các trường quanh đấy đã đủ số giáo viên biên chế em không nói.. Chỉ có tiền! Em nghèo, mẹ già bệnh hoạn! Giá mà có anh bên cạnh thì em cũng có nguồn động viên an ủi! Em không thể yên tâm để mẹ ở nhà một mình với những lo toan, vất vả. Thêm vào đó, bạn bè em những đứa nghèo không lo nỗi tiền chạy trường, đi xa nhà cũng bỏ luôn. Do đó , em cũng bỏ dạy trở về trồng hoa, phụ với Mẹ.
    - Diệu Ái nhắp một ngụm cà phê rồi nhìn thẳng vào mắt Tú nói như uất nghẹn :
    - - Em không được may mắn đi trọn cuộc đường tình. Giá em không còn có Mẹ, thì em đã chọn cho mình một lối sống yên tĩnh hơn! Giả như vào một Thiền viện hoặc một Tu viện chẳng han. Có như thế em mới thỏa nguyện và anh khỏi bận tâm, phải thế không?
    - Anh van em, xin em hiểu cho hoàn cảnh của anh!
    Tú chống tay lên bàn, đưa bàn tay đỏ lấy trán mình. Im lặng…
    - Thôi nói cho biết,để sau này em khỏi nói lại, mà lòng em cũng bớt u uất… Chuyện gì cũng đã rồi! Chúng ta có duyên mà không nợ…
    Tiếng hát nức nở, nghẹn ngào của một ca sĩ nào đó từ chiếc loa vọng lại. Mắt Ái cay sè…
    “ Em… như …hạt…mưa sa…
    Anh …là…..cơn ….gió lạ
    Gặp nhau … rồi …lại xa …”
    Diệu Ái chợt rùng mình
    - Thôi chúng ta về anh ạ! Chiều nay em lên xe trở về Đà Lạt. Cầu mong anh chị sống yên vui, hạnh phúc

    &
    Hai người đứng dậy. Tú lấy tiền đạt trên bàn và chồng chiếc ly lên cho quán.
    Ra chổ cũ. Người bạn của Diệu Ái cũng đã bán hết hoa từ hồi nào. Còn lại bó hoa huệ trắng và bó hoa lay ơn túm lại trong giấy ni lông để trong thùng nước. Diệu Ái chìa tay cho Tú bắt :
    - Từ ngày nhận được tin anh đám cưới, em không có ý định gặp anh, có thể nói sợ là đằng khác khi lên Đak Lak. Vì để cho anh vui với hạnh phúc. Nhưng vì Hồng rủ mang hoa lên trong dịp cuối năm là hợp lý nên em mới nhận lời. Cũng không một hy vọng nào gặp anh. Giờ bó hoa Lay ơn em tặng anh chị… cũng như em đi dự đám cưới vậy. Anh đừng nói gì cả, đừng từ chối mà em buồn. Chúc anh chị vui trong mùa xuân mới.
    Tú xúc động, đỏ hoe cả mắt
    - Mong em tha lỗi cho anh!

    Sau khi chào hai người. Tú thẫn thờ về nhà với tâm trạng ray rức. Dòng người thưa dần trên đường phố…
    Vừa đến nhà, Tú đã thấy Cúc Phương chờ đón ở cửa.
    - Sao về muộn vậy anh? Ồ, anh mua huệ đẹp quá. Lay ơn nhung Đà Lạt phải không anh, hoa năm nay đắt lắm phải không?
    Tú mĩm cười, gật đầu. Rồi lẵng lặng vào nhà lấy bình hoa cắm lên. Màu trắng của huệ xen lẫn màu nhung của hoa lay ơn tạo nên một bình hoa tết diễm tuyệt.
    Cúc Phương kéo Tú ngồi xuống ghế sa lon
    - Huệ thơm quá phải không anh?
    - Ừ thơm và tinh khiết lắm em à!
    Tú ôm vai Cúc Phương vào lòng rồi đặt một nụ hôn lên môi. Mơ hồ nhớ lại một ngày nào còn ở Đà Lạt, cũng trong dịp về thăm nhà Diệu Ái. Cũng chính vòng tay này anh đã ôm trọn Diệu Ái và đặt nụ hôn đầu đời lên môi nàng.
    Ngoài kia… những giọt nắng xuân lọt qua khe lá, lung linh như nhảy múa, như tinh nghịch đùa với gió…
    Chợt trong ý nghĩ của Tú, thoáng mơ hồ… Không biết giờ này Diệu Ái đã lên xe chưa? Và, Tết này nàng sẽ ăn Tết như thế nào đây…

    Đak Lăk, 08-3-1997
    Dzạ Lữ Kiều
    Similar Threads
Working...
X
Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom