• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Truyện BẾN CHỜ

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Truyện BẾN CHỜ

    Truyện ngắn: BẾN CHỜ

    Hơi nước theo gió từ sông bốc lên … mát lạnh. Giữa trưa, giòng sông thấp thoáng bóng hàng cây rọi xuống nước lung linh. Tôi đứng chờ…Tay xách chiếc máy hình. Đã mấy ngày chờ đợi, một bóng đò qua lại trên sông, tung lưới đánh cá. Trong ý nghĩ tôi đã vẽ lên cảnh sinh động từ chiếc lưới tròn có những ô vuông úp xuống mặt nước, sóng xao… Ghi được vào ảnh thì đẹp biết mấy!

    Chiếc đò chở đầy cát cập bến. Một thanh niên đầu chít chiếc khăn rằn đã ngã màu, chống chiếc sào, cắm chặc cạnh đò và lấy giây neo lại. Lầm lũi đến bên gốc cây sung lấy chiếc bị lát xuống, bày cơm ra ăn…. Tôi đứng quan sát kỷ… Anh ta thân hình ốm nhưng các bắp thịt rắn chắc, nước da ngăm đen, bóng lượn, chiếc quần xà lỏn màu xanh bạc thếch. Anh chẳng buồn nhìn ai cả, chỉ hướng mắt ra sông chờ đợi một điều gì đó. Nét mặt trầm tư, thỉnh thoảng nhíu đôi lông mày rậm rạp lại với nhau. Chờ anh ăn xong. Tôi bước đến gợi chuyện:
    - Chào anh! Anh ăn cơm trưa rồi à?
    Anh ta quay lại nhìn tôi, nhếch mép cười, không trả lời, chụp vội bi đông nước tu ừng ực. Lấy gói thuốc lá Địa cầu xanh, rút một điếu đưa lên môi, châm lửa. Làn khói thả vòng theo nhịp thở của anh, loãng bay vào không trung…Bỗng anh xoay về phía tôi.
    - Anh làm gì ra đây hoài vậy?
    Tôi cười xởi lởi:
    - Ra kiếm một cảnh đẹp để ghi hình!
    - Sao không ở nhà cho khỏe, mà ra đây cho nắng gió!
    Nghe đậm đặc giọng quê miền Trung. Tôi cảm thấy vui vui :
    - Anh người Huế? Vào đây lâu chưa?
    Anh đưa mắt nhìn ra xa rồi kể :
    - Tôi vào vùng này đã gần mười năm. Lúc đầu đi thăm người bà con ở trong làng. Thấy ở đây cũng dễ sống, nên sau đó bỏ làng, nhà cửa vào ở hẳn trong này!
    - Anh được mấy cháu rồi?
    - Hai… một gái, một trai!
    - Chị ở nhà à?
    Anh ta mơ màng nhìn theo giòng nước chảy, nhíu mắt lại không trả lời. Tôi hình dung anh ta có chuyện gì đó, lẽ nào người cùng quê hương chọn nơi này để lập nghiệp lại ngăn cách, xa lạ nhau đến thế sao! Tôi cố gợi chuyện :
    - Anh đi làm một mình? Thường thường tôi thấy dân làm cát cứ đi
    đôi, cả hai vợ chồng cùng nhau làm, chồng lặn vợ xúc, mỗi ngày cũng kiếm bộn tiền!
    Ngập ngừng … anh thở dài ! Rồi chậm rãi :
    - Vợ tôi chết cách đây một năm rồi anh à!
    Thì ra thế, ít nhất mình cũng tìm được nguyên nhân. Tôi tự nhủ thầm!
    - Anh đừng cho tôi khách sáo, dù sao anh với tôi cùng quê hương. Trước hết, tôi xin chia buồn cùng anh! À, hai cháu lớn nhỏ rồi?
    - Đứa sáu tuổi, đứa ba, chúng đang ở với Bà ngoại!
    Tôi thầm – Đừng khơi chuyện buồn của người khác, nhưng trong lòng tôi lại lại trái với ý nghĩ. Biết đâu câu chuyện trao đổi, hàn huyên sẽ làm cho anh vơi bớt những mất mát u buồn mà anh cứ ấp ủ trong lòng không ai cùng anh tâm sự.- Tôi đưa mắt nhìn giòng nước chảy xiết theo từng hồi, khi chậm khi nhanh rồi gợi ý:
    - Anh ở trong làng Thái? (Vì tôi đoán là dân Thái làm cát rất nhiều và họ cũng đã làm nhiều đời).
    - Vâng, nhà tôi ở cuối làng!
    Hình như lời nói và ý nghĩ của tôi cũng có giá trị lúc này. Anh ta có lẽ bình thản hơn.
    - Giá mà chị không mất thì đò cát này có chị xúc lên, anh khỏi bận rộn và chúng ta lại có thời gian tán gẩu!
    - Vâng, cũng thiệt thòi cho mình!
    - Mỗi ngày anh lặn được bao nhiêu đò?
    - Gắng sức thì được bốn, còn thường chỉ làm ba thôi!
    - Mỗi đò bán được bao nhiêu tiền?
    - Vài chục ngàn thôi anh ạ, những năm trước bán được lắm, mỗi đò năm sáu chục ngàn lận. Còn lúc này ai có tiền đâu mà xây dựng nên ế rề!
    Lời qua chuyện lại anh vui vẻ tâm sự …
    &
    Ngày xách chiếc túi du lịch lên vai đi vào vùng này. Tuấn (Tên anh ta) chỉ nghĩ là làm sao kiếm được việc làm, vì quê nhà thường bị bão lụt, mất mùa, đói nghèo… Mới vào, Tuấn năng nổ kiếm việc làm. Việc gì người ta cần là Tuấn đến ngay: Làm rẫy, cuốc đất, đập đá, cưa gỗ, phụ nề… làm đủ mọi việc. Thời gian đó công việc còn nhiều. Tuấn siêng năng nên ai cũng mướn làm.
    Một ngày mùa hè. Tuấn theo xe máy cày xuống bến mua cát đem về xây nhà cho chủ. Anh gặp Thoa, người con gái mảnh khảnh, có đôi mắt một mí trùm trụp như người Hoa. Sau lần tìm hiểu, anh biết Thoa là người “ Thái trắng”, Cha mẹ di cư vào Nam năm 1954. Thoa sinh ra và lớn lên tại vùng đất này. Cho nên tiếng Việt khá rành mạch và trôi chảy vì Thoa đã học hết cấp 2. Tình yêu đến với hai người cũng thật đơn giản như bản tính của con người vùng quê. Mỗi lần xe cát xuống, Tuấn phụ xúc cát cho mau đầy xe, không nề hà hay sợ cực nhọc. Người mua, kẻ bán sòng phẳng. Khi xong công trình thì cũng là lúc tình yêu đến với họ … Vì cần có nhau, những khi rãnh rỗi, Tuấn được động viên bằng những lời lẽ mật thiết và những ánh mắt đầy ắp chất men tình. Phần Tuấn cũng nhận thấy, cần ở bên Thoa nhiều hơn nữa, nên tình nguyện bước vào nghề lặn cát. Cái nghề bán cả sức lực của mình mới kiếm được đồng tiền – Mãnh lực nào đã làm cho Tuấn say mê : Tình yêu Thoa!
    Lúc đầu lặn được vì mét, dần dần sức chịu đựng hơn. Đến khi được tám, mười mét… Từng đò cát vào bờ, với tiếng cười trong trẻo hòa theo giòng nước chảy của sông Sê rê Pốk.

    Tuy hai bên cách biệt về phong tục tập quán. Người Huế thì nghi lễ cung đình mà người Thái thì tập tục xa xưa còn giữ lại. Nhưng khi đã yêu nhau thì ai có nề hà gì, Tuấn quyết đi đến cùng trong lời hẹn ước hôn nhân. Mặc dầu các nghi lễ và tập tục đã làm cho họ hàng Tuấn buồn phiền- Người ta nói ra, nói vào, nhưng mặc kệ. Tuấn vẫn một lòng chung thủy.
    Chuyện gì đến cũng phải đến. Họ cưới nhau theo phong tục của người Thái, cũng tiền cheo, tiền cưới, cũng lạy sống bố mẹ vợ, cô dâu cũng đưa vạt áo dài hứng những đồng tiền của người thân trong họ hàng bên gái tặng khi đứng trước bàn thờ Tổ tiên. Rồi cũng mền gối, người xách kẻ mang theo khi về nhà riêng của đôi vợ chồng.
    Cuộc sống đơn giản và êm đềm trôi theo ngày tháng. Hằng ngày, hai vợ chồng trẻ cùng ra sông. Chồng lặn đầy đò cát chống về, vợ cầm xẻn xúc lên thành đống chờ xe đến lấy đi. Gia đình ngày thêm khấm khá, vì hai vợ chồng trẻ, lao động cần cù. Hai người tạo được căn nhà riêng, vách ván lợp ngói… Rồi đứa con gái ra đời. Hạnh phúc đến với họ thật đầy. Trong thời gian Thoa ở cử, Tuấn một mình gánh vác, vừa lặn vừa xúc cát lên. Những ngày tháng đó, kinh tế người dân khấm khá, có của ăn của để, các công trình xây dựng ồ ạt, cát không có để bán. Tuấn vui mừng và không hề than phiền nặng nhọc, miễn sao làm hết mình và có nhiều tiền.
    Con lớn, Thoa lai trở về với cuộc sống bên sông nước. Lúc này hàng loạt máy hút cát đưa về địa phương. Phương thức cạnh tranh của các tay tư bản này là hạ giá thành để cạnh tranh với thợ thủ công, vì họ làm ăn đã lâu và có mối lái.Người dân chuyên sống với nghề lặn cát không nương rẫy khốn đốn.

    Sau những lần đấu tranh gay gắt với bọn chủ mới, có tiền bạc, có thế lực và một số trùm sò của các đơn vị kinh tế các ngành về đánh lẻ. Người dân nghèo thất bại, đành gác đò, treo rổ…Lên bờ sống lây lất với nương rẫy thuê mướn. Tuấn cũng bị lôi cuốn trong số đó; thôi thì :
    “Sông sâu hạt cát cũng gay
    Trở về ruộng rẫy ta cày đất ta …!”
    Câu hát vọng lại từng đêm, bên mái nhà đèn dầu leo lét để ru con đã làm nhiều gia đình rớm nước mắt. Thoa không chịu nỗi cảnh nắng lửa mưa dầu, lên đồng cạn xuống đồng sâu. Tiền bạc không còn trong túi như những năm tháng trước đây. Thoa quyết định trở lại nghề cầm xẻn, nhưng không phải cùng chồng đi sớm về trưa, một đò, một bến, một giòng sông…
    Hằng ngày, nàng cùng các chị em bạn gái ra đứng ở ngã Ba đường nhựa, chờ có xe chở cát đi qua thì vẫy tay để xúc mướn ăn khối lượng. Lâu dần, quen nhiều tài xế. Phần có chút nhan sắc, lại gái một con. Nên được các tay tài xế săn đón đưa đi. Gặp khi nước cạn, sông tại địa phương ít cát. Thoa bương bả đi xa nhà từ bốn mươi, năm mươi cây số. Sáng sớm đến tối mịt mới về nhà. Tuấn vừa nương rẫy vừa chăm sóc con cái, heo gà…

    Thời gian lặng lẽ trôi qua… Nhiều đêm Thoa không về nhà viện cớ là xúc cát đêm, nếu ở nhà thì đứa khác nhận mất chổ. Tuấn biết lúc này Thoa đẹp hẳn ra, phấn son và có những cử chỉ không còn e dè như trước. Lời nói cũng ngon ngọt hơn. Một tối, ngồi nhâm nhi chén rượu với bạn bè chờ Thoa đi làm về. Tuấn nghe bóng gió : “Thằng Tuấn chỉ thêm tay thêm chân …”
    Tuấn âm thầm dò xét, nhưng người con gái khôn hơn con trai nhiều. Thoa chủ động và nung nẩy mỗi khi Tuấn nói xa gần hoặc có ý hờn ghen – Phải chăng Thoa đã ra ngòai đời, tiếp cận được những vấn đề mà bạn bè cùng ngồi lê đôi mách với nhau; không còn bản chất thật thà như con người dân quê của những năm trước…
    Tuấn suy nghĩ thật nhiều, nhưng vì thương vợ, Tuấn chỉ mong một ngày nào đó, Thoa biết bổn phận làm vợ, làm mẹ của mình. Rồi chuyện gì đến cũng đến. Thoa sinh thêm cho Tuấn một thằng nhóc. Tuấn mừng vì đã có con trai, để gia đình của Tuấn khỏi buồn tủi. Mới được ba tháng, Thoa lại xách xẻn ra đi. Chỉ mua một ít sữa bò đem về để Tuấn thêm vào nước cháo và làm nhiệm vụ vú em.
    Tuy buồn vợ, nhưng Tuấn vẫn chịu đựng. Một đêm Tuấn bàn với vợ ;
    - Hay ta trở về với bến nước của mình như trước…
    Thoa gạt phăng :
    - Ở đây ai mua, công trình lúc này chỉ còn ở xa. Mình bán cho ai, chỉ húp cháo cũng không đủ!
    - Còn hơn em cứ đi hoài, việc nhà bỏ phế, anh cứ chăm sóc con như vầy hay sao? Thà đói no có vợ chồng bên nhau, có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít!
    Thoa bĩm môi :
    -Anh đừng lý tưởng hóa, xã hội này phải có tiền…
    - Nhưng đồng tiền bằng mồ hôi nước mắt của mình mới quý!
    - Anh nói sao? Thế tôi không làm bằng mồ hôi nước mắt chắc? Anh cho tôi là con đĩ à?
    Tuấn lại phải im lặng, lo công việc của mình. Đến một sáng, Tuấn thức dậy sớm, đi ra đi vào để chờ Thoa thức dậy. Khi nàng ngồi vào bàn chải tóc, Tuấn nhỏ nhẹ:
    - Em ở nhà với con, thằng Cu Bi bị sốt đó!
    - Mai ở nhà, hôm nay đã hứa với người ta rồi, tiền họ chưa đưa!
    - Lúc nào em cũng chỉ có tiền, tình mẹ con của em đâu?
    - Em không nói nữa, mai hãy hay
    - Em ở nhà !
    - Tôi không ở, tôi không là nô lệ của ai cả. Việc của tôi làm, không mắc mớ gì đến anh !
    Sự nhẫn nhịn đã quá giới hạn. Không tự chủ được trước sự ươn ngạnh của vợ và dáng đứng chống tay vào hai bên hông như thách đố. Sẵn đứng gần, Tuấn tát một bạt tai.. Thoa vừa khóc bù lu bù loa rồi cầm xẻn đi. Tuấn để mặc cho vợ muốn làm gì thì làm; vì đây là lần đầu tiên Tuấn đánh vợ.

    Đêm hè, trời nóng bức. Chờ vợ mãi không về. Thằng Cu Bi cứ khóc hoài đòi mẹ. Tuấn dỗ dành thế nào nó cũng không nín. Anh ngồi bên võng ru con. Mắt mơ ngủ thì nghe tiếng chân thình thịch và sau đó là tiếng đập cửa…
    - Tuấn ơi, Tuấn …Mầy ngủ chưa?
    - Gì vậy ?
    Tuấn lật đật ra mở cửa. Thằng bạn cùng xóm hớt hãi :
    -Vợ mầy bị xe lật, chết rồi!
    - Ở đâu?
    - Đèo Krông A Na!
    Tuấn sững sờ giây lác. Cu Bi khóc thét lên tưởng mẹ nó về.
    Tuấn gọi bé Chi dậy và ẳm cu Bi sang nhà bà ngoại. Sau khi báo cho bà Ngoại biết và gởi hai đứa nhỏ. Tuấn được người bạn đưa đi … Đến nơi, một cảnh tượng thê thảm, Thoa bị kẹp giữa khung và cánh cửa bên trái, máu be bét cả mặt. Tài xế nằm ngữa lên người nàng. Cả hai đều đã chết. Chiếc xe lật đưa bốn bánh lên trời. Cát vung tung tóe khắp nơi…
    Sau khi nhận xác vợ về chôn cất tử tế. Tuấn bị cơn sốc quá mạnh. Anh đâm ra lầm lỳ ít nói. Hằng ngày ra bến lặn cát. Bán được đồng nào thì đem về đong gạo nuôi con…
    &
    Kể đên đây, anh sực nhớ điều gì đó. Nhìn lên bầu trời, anh vội vã vào gốc cây lấy xẻn xuống đò :
    - Anh đứng chơi , tôi đi lặn kiếm thêm một đò nữa, chiều rồi!
    Tôi gật đầu. Từng nhát xẻn đầy cát tung lên bờ. Nắng soi mình xuống giòng sông, bóng con đò xao đưa, sóng vỗ nhẹ. Tôi gắn vội ống kính, mở khẩu độ. Đưa lên ngắm “Tách!”, một cảnh sinh động. Bến nước từng ngọn sóng vỗ bờ vì chiếc đò chao đảo theo từng nhịp quay của xẻn cát.
    Tuấn cắm chiếc xẻn lên đống cát rồi vẫy tay chào tôi. Chiếc đò ngược sông, nước rẽ sóng, bồng bềnh. Tôi đứng nhìn theo cho đến khi con đò khuất sau lùm cây xa xa.
    Bến cát trở về với yên tĩnh., như chờ đợi một ngày sẽ qua. Tôi lên xe, lòng miên man – Giá mà chị ấy nghĩ đến hạnh phúc bình thường, bổn phận làm mẹ, làm vợ thì đâu đến nỗi! Giá mà anh ấy cương quyết từ đầu và đủ
    bản lãnh làm chồng thì giờ đâu phải gà trống nuôi con!
    Bóng ngã dần… Bến vẫn chờ người đi chưa về…


    Đăk Lăk, 20-7-1997
    Dzạ Lữ Kiều
    Similar Threads
Working...
X
Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom