• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Tiểu thuyết Một ngày cho trăm năm của nhà văn Nguyễn Bá Trình

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Tiểu thuyết Một ngày cho trăm năm của nhà văn Nguyễn Bá Trình

    Tiểu thuyết Một ngày cho trăm năm của nhà văn Nguyễn Bá Trình

    Link" align="left" border="0" alt="" style="padding:7px;" />Tiểu thuyết Một ngày cho trăm năm của nhà văn Nguyễn Bá Trình được Công ty phát hành sách FAHASA giới thiệu "sách được bạn đọc yêu thích bình chọn” xếp vào danh mục Sách quốc văn- Văn học- tiểu thuyết Việt Nam tại Hội sách Tp HCM năm 2012. Vandanvieet.net trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

    Lời giới thiệu của Nhà sách FAHASA:
    Một ngày cho trăm năm là cuốn tiểu thuyết lãng mạn, lãng mạn từ chi tiết cho đến nội dung cốt truyện. Nhưng xen lẫn và góp phần vào đời sống lãng mạn ấy là những cảnh đời thực, những nhân vật thực của những con người thực.
    Bối cảnh của tiểu thuyết là vào năm 1975, khi đất nước ta ở vào giai đoạn có nhiều biến động lịch sử. Những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến là những ngày tháng người dân đất nước vỡ òa trong cảm xúc: vui có, buồn có, hy vọng có mà lo lắng cũng nhiều. Lo lắng vì đất nước được thống nhất nhưng còn lắm những khó khăn: đói kém, bệnh tật, dân tình thì túng thiếu trăm bề. Nhưng vượt lên tất cả những hoang mang, nghi kị mà hoàn cảnh mang lại, mỗi nhân vật, mỗi con người trong tác phẩm Một ngày cho trăm năm đã tự quyết định cho mình hướng đi riêng và cũng tự nắm giữ vận mệnh của mình. Tình người ở đây không được biểu hiện trực tiếp mà được đặt trong sâu thẳm mỗi con người rồi dịu dàng toát ra và lan tỏa.

    Cái ý vị của tác phẩm là đây, tính nhân đạo sâu xa của tác phẩm cũng là đây. Với lối viết nhẹ nhàng của một nhà văn và lối phân tích, lập luận logic chặt chẽ của một giáo viên dạy toán, tác giả Nguyễn Bá Trình đã đưa người đọc đến rất gần với những con người năm ấy và chạm vào tâm hồn họ. Tác phẩm Một ngày cho trăm năm của nhà giáo Nguyễn Bá Trình đã đi sâu vào tình yêu lãng mạn, viết về tình yêu lãng mạn nhưng cái đích sau cùng mà người đọc cảm nhận được là tình người, là tình yêu thương đồng loại, là niềm tin tha thiết trước cuộc đời và quê hương đất nước… Sách phát hành tại hệ thống Nhà sách FAHASA, mời các bạn đón đọc!

    LỜI GIỚI THIỆU của Nhà văn Triệu Xuân
    Đây là tiểu thuyết đầu tay của nhà văn trẻ NGUYỄN BÁ TRÌNH. Trẻ, hiểu theo nghĩa là mới viết. và là tác phẩm xuất bản đầu tiên. Tác giả là nhà giáo, dạy môn toán trường trung học phổ thong, đã nghỉ hưu. Là người chuyên viết tiểu thuyết, tôi trân trọng những chi tiết thực, bối cảnh thực, nội dung hiện thực của tác phẩm này.

    Những năm đất nước mới hòa bình thống nhất, dân tình chìm đắm trong khó khăn thiếu thốn của thời bao cấp, cộng với những hành vi, động thái phi nhân do đối lập về chính kiến, khiến tâm thế con người luôn hoang mang, nghi kỵ, hốt hoảng; vậy mà tình người vẫn luôn ấm áp, tỏa sáng… Tác phẩm toát lên tấm lòng của tác giả tha thiết với đồng loại, với cuộc đời, với đất nước, quê hương…

    Nhà văn Triệu Xuân
    Sống trên đời

    Similar Threads
  • #61

    ĐOẠN KẾT

    98 - Công ty LTC ba năm sau khi thoát khỏi cảnh nợ nần đã chuyển sang cơ chế cổ phần. Hải Dương- cổ đông có số vốn lớn nhất được bầu làm chủ tịch Hội đồng quản trị. Lâm là giám đốc điều hành của công ty.

    Đám cưới của Lâm và Hải Dương được dự định tổ chức tại Thùy Dương. Trước ngày đám cưới Hồng Liên nói với con trai:

    - Sau khi tổ chức ở đây xong vào Sài Gòn con cùng Hải Dương mở tiệc đãi bạn, lúc đó cậu Bật sẽ vào, má không vào được.

    Lâm nhất trí với cách tổ chức của má, nhưng khi nghe nói má không vào được, Lâm có vẻ buồn:

    - Trong đó không có má làm sao tụi con vui được. Bằng cách nào má cũng phải vào. Con mua vé máy bay cho má, cả ông bà ngoại nữa.

    - Không được đâu con à. Ông bà ngoại lớn tuổi rồi không nên để ông bà đi xa. Ở đây có má, có ông bà thế là vui lắm rồi. Má chờ đợi ngày hôm nay gần cả cuộc đời của má đấy.

    Bỗng nhiên Hồng Liên xúc động nàng ôm con trai vào lòng như nàng đã từng ôm Lâm những ngày anh còn thơ dại. Hồng Liên làm sao có thể nói cho con hiểu rằng buổi tiệc cưới của con tổ chức tại Sài Gòn cùng bạn bè, nàng không thể nào có mặt để dự được nữa. Buổi tiệc ở Thùy Dương đã là một niềm hạnh phúc quá lớn đối với nàng. Cuối cùng số phận cũng đã khuất phục trước nghị lực và lòng dũng cảm của nàng. Mình đã chiến thắng- Khi nghĩ đến ngày đám cưới của con tiếng reo đó như vang lên dù không hân hoan nhưng mãn nguyện trong lòng Hồng Liên. Tuấn cũng đã về kịp thời và rất đúng lúc: ân huệ cuối cùng mà số phận dành cho nàng. Và Hồng Liên nghĩ chỉ có những tên tử tù đầy dũng cảm mới ăn ngon miệng bữa cơm ân huệ ấy.

    - Sắp đến ngày vui của con sao má lại khóc?

    - Vì má thấy mình hạnh phúc quá con à- Hồng Liên lại siết chặt con trong đôi tay gầy guộc của mình như ôm niềm hạnh phúc mong manh mà nàng cảm thấy chỉ kéo dài thêm một thời gian ngắn thì nàng không còn đủ sức lực để ôm giữ nó nữa.

    - Má hãy cười lên đi! Má buồn con làm sao vui được!- Hồng Liên lau nước mắt cố gắng gượng cười cho con trai vui lòng.

    Hai mẹ con Lâm, cùng ông bà Sáu và vợ chồng Bật đang ngồi chuyện trò bàn việc tổ chức ngày cưới cho Lâm thì Hạnh vào. Hạnh chào mọi người và cười:

    - Cả nhà đang bàn chuyện tổ chức lễ cưới cho cháu Lâm phải không? Chị định tổ chức tại nhà hàng nào chị Hồng Liên.

    Bác Sáu gái dù đã già nhưng vẫn còn minh mẫn:

    - Định tổ chức ở nhà hàng Hải Yến bác sĩ Hạnh à.

    - Dạ vậy thì tuyệt rồi. Nhà hàng lớn nhất của Thùy Dương đấy bác Sáu- Hạnh lại ngồi vào cùng những thành viên trong gia đình bàn bạc góp ý.

    Trước khi ra về Hạnh lấy trong ví ra hộp thuốc và dặn Hồng Liên:

    - Chị nhớ uống đều đặn đừng lo lắng công việc quá, cứ để vợ chồng anh Bật lo cho. Chị nghỉ ngơi đi.

    Hạnh chào mọi người định bước đi nhưng nhớ ra, Hạnh quay lại nói với Hồng Liên:

    - Vui gì thì vui, chị nhớ không được uống rượu đấy.

    Tuần trước Tuấn điện cho Hồng Liên bảo rằng anh bận công việc đột xuất không về sớm hơn được. Nhưng chắc chắn ngày cưới của Lâm Tuấn sẽ có mặt- Anh đã hứa như thế với Hồng Liên. Trước đó anh cũng đã gởi quà cưới cho Lâm, kèm theo những món quà anh tặng riêng Hồng Liên. Không biết vô tình hay mang ý nghĩa gì mà Tuấn đã chọn cho nàng một chiếc áo dài sang trọng mầu thiên thanh na ná với mầu trứng cưỡng của chiếc áo cho đến giờ nàng còn cất trong tủ. Hồng Liên mặc ướm thử và thấy chiếc áo rộng thình bởi nàng quá gầy. Và lạ lùng, đôi hoa tai Tuấn tặng cho nàng sao giống hệt đôi hoa tai nàng thường đeo thời trung học. Nhưng hạt nhựa mầu xanh lục hồi đó giờ được thế bằng hai hạt kim cương lấp lánh sang trọng.

    Hồng Liên còn nhớ như in đôi hoa tai thuở nhỏ của mình. Bà Sáu đã mua cho nàng nhân ngày vào năm học mới. Hồng Liên đã từng thích nó biết bao! Mỗi lần đến lớp mấy con nhỏ học cùng lớp cứ nằng nặc đòi Hồng Liên cởi ra cho chúng xem và sau đó cả nhóm bạn đứa nào cũng đòi cha mẹ mua cho một đôi hoa tai giống hệt của nàng. Đến nỗi con Uyên chưa xâu lỗ tai cũng về réo má xâu cho- Trước đó má tao bắt xâu mấy lần nhưng tao sợ đau nên không chịu. Giờ thấy mấy đứa bây đeo thích quá, xâm mình luôn- Nó đã kể với tụi bạn gái oắt con nhưng thích làm dáng kiểu người lớn như vậy. Đôi hoa tai ấy nàng đã mất đi một chiếc ở dòng sông An Hòa lúc bị đắm xuồng. Và từ đó Hồng Liên cũng ném luôn chiếc còn lại ở xó xỉnh đâu đó trong tuổi thơ của mình.

    Tối đến khi mọi người đi ngủ cả Hồng Liên đóng cửa buồng bật đèn, nàng mặc bộ áo quần Tuấn làm quà cho nàng và đeo đôi hoa tai vào, ngắm mình thật lâu trong gương. Hồng Liên biết rằng nàng không còn cơ hội được nhìn mình như thế này một lần nào nữa. Ý nghĩ ấy không còn làm nàng tuyệt vọng như trước đây. Giờ Hồng Liên thấy lòng mình rất thanh thản. Hồng Liên nghĩ đến ngày mai khi cử hành lễ cưới cho con, nàng phải lên phát biểu lời cảm ơn trước tất cả quan khách. Nàng không muốn để lại trong mắt mọi người hình ảnh tiều tụy, lời nói lắp bắp qua hơi thở hổn hển. Hồng Liên mặc nguyên bộ trang phục Tuấn mua, nàng ngồi xuống bàn lấy giấy bút soạn mấy câu phát biểu vào ngày mai sao cho hay và gãy gọn. Biết trí nhớ của mình đã đến hồi quá tồi tệ, đang nói điều gì bỗng nhiên nàng quên bẵng, quên đến độ không thể nào moi cho ra một dấu tích dù rất nhỏ trong đầu để có thể nhớ lại. Do vậy Hồng Liên phải soạn trước câu phát biểu và đọc đi đọc lại cho thật thuộc. Mỗi ý nàng phải viết thành một câu và có đánh dấu thứ tự để khi lên nói khỏi bị bỏ sót. Sau đó Hồng Liên đứng dậy và tưởng tượng mình đang đứng trước mọi người, cố gắng lấy hơi ráng sức đọc chậm rãi rõ ràng và đủ âm lượng để bên dưới mọi người có thể nghe. Mọi việc xong xuôi Hồng Liên viết nốt bức thư cuối cùng cho Tuấn. Nhìn đồng hồ đã hơn một giờ sáng Hồng Liên thấy đôi mắt mình ráo hoảnh. Biết đêm nay sẽ không thể nào ngủ được, nhưng nếu thức trắng, ngày mai nàng sẽ kiệt sức mất. Hồng Liên tự nhủ phải nhắm mắt một chút, nàng đến tủ lấy mấy viên thuốc ngủ rót nước uống rồi lên giường nằm.

    Trước phút cử hành hôn lễ, Lâm và Hải Dương cùng cha mẹ đứng hai bên chào quan khách. Hải Dương mặc bộ áo cưới mầu hồng ngọc phủ là đà tận gót chân, đầu đội vương miện và khăn voan buông xuống bờ vai trông xinh đẹp và mềm mại. Khuôn mặt nàng như đang lộ ra từ vầng mây ấm áp của bộ trang phục cô dâu. Hải Dương đứng bên cha mẹ. Phía đối diện cạnh Hồng Liên, Lâm trang trọng trong bộ vét trắng có gắn hoa hồng bên trên túi áo. Chiếc áo dài thiên thanh thụng thịnh càng tăng thêm vóc dáng gầy gò của Hồng Liên.

    Tay trong tay, Ngân và Thành Tín hai doanh nhân thành đạt là hai vị khách đầu tiên. Các cặp Thanh-Linh, Chuẩn- Lan cùng nhiều bè bạn dần dần có mặt. Họ chào hỏi bắt tay nhau nói cười giòn giã như chưa có đám cưới nào vui hơn. Tất cả bạn bè ở Sài Gòn đều tụ hội đầy đủ. Đó là điều ngạc nhiên và cảm động vô cùng của Lâm và Hải Dương. Một điều đặc biệt vui mừng không kém khi có cả đại diện hãng Ximen. Hãng sản xuất thiết bị điện tử này sau khi nghe tin công ty LTC của Lâm đã cải tiến thành công bộ biến tần Ximen họ đã đến quan hệ với Lâm mua lại công trình nghiên cứu của anh để sản xuất ra loại tủ điện đa năng này.

    Khách mời đã đến gần đầy đủ. Hồng Liên thắc thỏm trong lòng: Sao giờ này vẫn chưa thấy Tuấn đến?

    Trong phòng tiệc đã có tiếng loa của ban tổ chức tuyên bố giờ cử hành hôn lễ sắp bắt đầu. Hai nhân viên của ban tổ chức ra mời cô dâu chú rể và cha mẹ hai bên vào trong để sắp xếp chương trình. Người dẫn chương trình bắt đầu.

    Nỗi mong Tuấn trong lòng Hồng Liên bắt đầu tuyệt vọng.

    Đã đến giờ cử hành hôn lễ. Đèn phụt tắt, làm xuất hiện những đốm sáng lung linh huyền ảo. Một tốp nữ bước ra lộng lẫy như những nàng tiên trong cổ tích, trình bày một liên khúc dân ca. Rồi đến tốp nam gọn gàng thoăn thoắt quây tròn những vòng pháo xẹt trông đẹp mắt không kém gì những nhà ảo thuật tài ba. Có lời mời của người dẫn chương trình:

    - Xin mời đôi tân lang và tân giai nhân tiến lên sân khấu.

    Mọi cặp mắt đều hường về cô dâu chú rể. Hai nhân viên cầm lọng, một nam một nữ đi kèm phù dâu rể bước lên trong tiếng vỗ tay rào rào của quan khách và những dải kim tuyến bắn ra nhấp nháy bám đầy trên tóc trên vai đôi uyên ương như niềm hạnh phúc sáng ngời phủ ngập lối đi của cuộc sống lứa đôi.

    Nghe lời mời thân mẫu chàng rể, Hồng Liên run rẩy bước lên thảm đỏ dưới những lằn chớp của máy ảnh. Đầu óc Hồng Liên bỗng chốc như tờ giấy trắng. Nàng không còn nhớ gì cả. Những điều nàng cố ghim vào đầu nó đã tự động tan biến lúc nào không biết. Để lấy lại bình tĩnh Hồng Liên đứng sát vào con trai. Ba má Hải Dương từ từ tiến lên. Tiếng vỗ tay không dứt. Nhìn xuống mấy bàn tiệc dành riêng cho họ nhà trai, Hồng Liên bắt gặp ánh mắt Tuấn nhìn nàng tự bao giờ. Người dẫn chương trình giới thiệu mẹ chàng rể phát biểu. Chính giây phút này Hồng Liên chợt thấy mình tỉnh táo lạ lùng. Giọng nàng to rõ đầy phấn chấn lẫn xúc động. Như có một phép mầu, Hồng Liên biết nhờ đâu mà mình khoan khoái và trí óc minh mẫn lạ thường đến thế. Chỉ mấy phút trước đây đầu óc nàng tối tăm mụ mẫm. Hồng Liên bày tỏ lòng biết ơn của mình đến quan khách. Nàng gởi lời chúc sức khỏe và sự thành đạt đến mỗi gia đình của tất cả những người đến chung vui…. Những điều đó Hồng Liên chưa soạn trước và giọng nàng thật lưu loát chẳng hề vấp váp.

    Sau phần nghi lễ, Hồng Liên cùng hai con và ba má Hải Dương đi chào quan khách từng bàn một. Sợ má mệt Lâm nói:

    - Má đến ngồi vào bàn nói chuyện với bà con, để con với Hải Dương đi chào mừng khách tân cũng được.

    - Con đừng lo, má khỏe lắm.

    Vậy là Hồng Liên đi theo hai con đến khắp gần mấy chục bàn tiệc.

    Nàng trở lại bàn tiệc dành cho gia đình, nơi đó có ông bà ngoại của Lâm, Tuấn, Hạnh, vợ chồng Bật và một số bạn bè thân thiết của nàng. Thấy Hồng Liên đến Hạnh đứng dậy ôm nàng giọng xúc động:

    - Chị Hồng Liên! Em không ngờ chị cừ thật!- Nói xong Hạnh chảy nước mắt. Hồng Liên cũng ôm quàng Hạnh:

    - Sao vậy Hạnh? Cười lên xem nào, em không thấy chị đang hạnh phúc lắm hay sao?

    Trên bàn ngoài những li bia, còn có chai rượu Chivas, Hồng Liên bố trí đặc biệt chỉ bàn này mới có. Nàng rót rươụ vào hai chiếc li trịnh trọng thưa ông bà Sáu:

    - Ông bà ngoại đã chịu cực khổ với con cháu quá nhiều. Hôm nay đứa cháu ngoại của ông bà nên người cũng nhờ công ơn trời biển của ông bà. Con xin kính mừng ông bà li rượu này- Hồng Liên nâng li rượu cho ông Sáu:

    - Má không uống được, ba uống li này với con. Ba chỉ cần nhấp môi cũng được- Ông Sáu vừa nhấp môi thì nàng đã uống cạn.

    Hồng Liên rót đầy li trao cho Tuấn và sau đó rót đầy li của mình, nàng nói với Tuấn:

    - Cháu Lâm có được ngày hôm nay là nhờ sự cưu mang của chú Tuấn. Trong lòng cháu Lâm, chú Tuấn không những là người cha đỡ đầu mà còn hơn thế nữa. Hôm nay là ngày hạnh phúc của cháu mà cũng là ngày hạnh phúc của tôi, xin Tuấn cùng tôi uống cạn.

    Tuấn nâng li lên và định nói với Hồng Liên điều gì đó nhưng anh chưa kịp thì Hồng Liên đã uống hết ly. Hạnh đứng dậy đến kéo Hồng Liên bước ra khỏi bàn rồi ghé sát tai nói nhỏ, chợt Hồng Liên phá lên cười trông nàng thật thoải mái. Hồng Liên nói với Hạnh:

    - Không sao đâu. Uống lần này thôi, sau này không bao giờ uống nữa.

    Tuấn uống cạn li rượu của mình và nói với nàng:

    - Vui như vậy là đủ rồi, Hồng Liên không nên uống nhiều.

    Hồng Liên nhìn Tuấn cười:

    - Cuộc vui lớn thế này một vài li rượu thì đã thấm vào đâu!

    Nàng lại rót rượu vào li:

    - Li này chị mời Hạnh. Trải qua bao nhiêu hoạn nạn, chị luôn có em bên cạnh, những lúc chị đau đớn tuyệt vọng nhất em là người để chị san sẻ nỗi lòng. Dù uống không được em cũng phải cạn li này với chị.

    - Chị Hồng Liên!- Hạnh đứng dậy định giật li rượu trên tay Hồng Liên nhưng nàng đã ực một hơi hết sạch. Hồng Liên lại tiếp tuc rót rượu vào li.

    - Li này tôi mời chung tất cả bà con trong bàn tiệc. Nào!- Mọi người chưa ai uống hết, nàng đã trút một hơi ráo hoảnh. Lại tiếp tục rót đầy li khác.

    Vừa lúc Lâm và Hải Dương đến, thấy má uống rượu, Lâm giật mình kêu lên:

    - Má không được uống rượu mạnh, bác sĩ dặn má không nhớ sao? Cô Hạnh đừng cho má uống nữa. Có bia sao má không uống?

    Tuấn đứng dậy cầm lấy chai rượu:

    - Xin lỗi cả bàn tôi xin cất chai rượu, để Hồng Liên vui quá uống nhiều không tốt, chúng ta uống bia cũng được- Tuấn nói và bỏ chai rượu xuống chân bàn.

    Hồng Liên ngả đầu lên vai con trai thì thào:

    - Để má vịn một lát, không sao đâu, má chỉ hơi chóng mặt thôi.

    - Con đưa má về nhà nhé?

    Hồng Liên gượng cười:

    - Đã nói không sao đâu mà, chóng mặt một lát sẽ hết thôi. Con phải cùng Hải Dương thay má tiếp và tiễn khách ra về, nhớ đừng để sơ suất đấy.

    Hồng Liên ngồi xuống, trông nàng không vững lắm.

    Tuấn đứng dậy nói:

    - Bà con cứ ở lại chung vui, còn cháu Lâm đi tiếp bạn bè khách khứa, để chú đưa má về nhà nghỉ ngơi lát chú sẽ trở lại.

    Ông Sáu thấy Tuấn đưa con gái về nhà nghỉ ông rất yên tâm:

    - Được đấy, cậu Tuấn giúp hai bác một chút, đưa Hồng Liên về trước hai bác sẽ về bây giờ.

    Lâm nói với chú Tuấn:

    - Nhờ chú đưa giúp má cháu về nhà, cháu sẽ tranh thủ về sớm.

    - Được, cháu yên tâm. Má cháu chỉ chóng mặt do uống rượu không quen, chẳng sao đâu.

    - Có gì chú điện cho cháu nhé.

    ***

    Tuấn đứng dậy dìu Hồng Liên bước ra. Nàng nói với Tuấn giọng có vẻ hơi đuối:

    - Tuấn đi sát vào để Hồng Liên tựa bước đi cho khỏi té. Đừng dìu như vậy khách khứa thấy.

    Nàng muốn mình như loài hoa súng, khép chặt lại trước khi nằm xuống miên viễn để khỏi phơi bày sự tàn phai úa héo của kiếp hoa.

    Hồng Liên bước sát cạnh Tuấn những khi suýt ngã nàng quàng tay qua lưng anh một lát, lấy thăng bằng rồi tiếp tục bước đi, cố gắng hết sức giữ nét mặt và dáng vẻ tự nhiên.

    Trên sân khấu tiết mục văn nghệ giúp vui đang hát bài Lòng mẹ của nhạc sĩ Y Vân

    - Người ta đang ca ngợi tấm lòng của Hồng Liên đấy. Hồng liên có nghe không- Tuấn nói bên tai nàng giữa tiếng nhạc ồn ào và tiềng chuyện trò rôm rả của phòng tiệc.

    - Có. Hồng Liên thấy mình hạnh phúc lắm. Sao Tuấn không lấy vợ đi? Hạnh đang mở rộng vòng tay chờ Tuấn đấy. Hạnh phúc đang đến với Tuấn sao không chịu nắm bắt lấy?

    - Được cho Hồng Liên tựa vào mình để bước đi như thế này cũng là hạnh phúc rồi.

    - Tuấn có biết niềm hạnh phúc của Hồng Liên hôm nay được nhân đôi lên không?

    - Hồng Liên đang nói thì chân nàng vấp cái gì đó muốn ngã. Tuấn quàng tay sau lưng nàng để Hồng Liên tiếp tục bước, nàng nói tiếp- Được trông thấy… con trai trưởng… thành… và được… bước đi những bước cuối…cùng… của đời mình trong… vòng tay nâng dìu… của Tuấn… Hồng Liên cảm thấy hạnh… phúc biết…chừng… nào…

    Vừa bước ra khỏi cửa phòng tiệc Hồng Liên té quỵ xuống ngay, Tuấn kịp đỡ nàng lên và thảng thốt gọi:

    - Hồng Liên! Hồng Liên!- Nhưng nàng đã mềm như tàu lá chuối héo trên tay anh. Tuấn xốc Hồng Liên lên vai chạy vội về xe mình, nàng nằm vắt trên vai anh ốm nhom và nhẹ tênh như một chú mèo.

    Chiếc xe con của Tuấn phóng như bay đến bệnh viện tư Nhân Ái, anh đưa nàng vào phòng cấp cứu.

    Tuấn ngồi đợi ngoài phòng cấp cứu từ mười một giờ ba mươi đến hai giờ chiều. Cánh cửa phòng cấp cứu hé mở, một bác sĩ bước ra hỏi:

    - Ai là thân nhân cuả bệnh nhân nữ mới đưa vào trưa nay.

    Tuấn vội chạy lại:

    - Dạ tôi. Tình hình sức khỏe của cô ấy ra sao thưa bác sĩ?

    - Anh là gì của người bệnh?

    - Tôi là anh của bệnh nhân.

    - Bệnh nhân có chồng con gì không?

    - Chồng cô ấy chết, con trai đang có việc đột xuất. Lát nữa cậu ấy sẽ tới. Tình hình cô ấy ra sao rồi bác sĩ?- Tuấn hỏi lại.

    Bác sĩ kéo Tuấn đến một chỗ xa cửa ra vào phòng cấp cứu. Nhìn vẻ mặt nghiêm trọng của vị bác sĩ, Tuấn cũng phần nào đoán được tình hình sức khỏe của nàng.

    Vị bác sĩ nói nhỏ vừa đủ Tuấn nghe:

    - Cô ấy bị nhiễm HIV đã chuyển sang Aids gia đình có biết không?

    - Dạ, gia đình chúng tôi đã biết.

    - Sao không đưa bệnh nhân đi điều trị mà lại để ở nhà?

    Vừa lúc đó Hạnh ở ngoài bước vào, hỏi bác sĩ:

    - Anh Phùng! Tình hình chị Hồng Liên ra sao rồi?

    Vị bác sĩ đang trao đổi với Tuấn chợt thấy Hạnh, anh cười:

    - Chào bác sĩ Hạnh. Sức cô ấy đã suy kiệt lại thêm uống ruợu quá nhiều, hiện đang trong tình trạng hôn mê, chắc sẽ khó qua khỏi. Bệnh nhân là gì của Hạnh vậy?

    - Chị ấy là bạn thân của em.

    Phùng bỏ Tuấn, cầm tay Hạnh trở lại cửa phòng cấp cứu, anh nói:

    - Cô ấy bị Aids chắc Hạnh biết rồi chứ?

    - Tất nhiên là em biết- Hạnh giải thích- Em đã trực tiếp điều trị và tư vấn về cách phòng ngừa lây nhiễm cho chị ấy, hơn nữa chị Hồng Liên trước đây cũng là y sĩ nên anh Phùng yên tâm không có gì đáng lo đâu. Có điều em nhờ anh Phùng chuyện này…

    - Chuyện gì Hạnh cứ nói.

    - Ba má của chị Hồng Liên đã già rồi nếu biết con mình bị thứ bệnh quái ác đó e ông bà sẽ không chịu nổi. Do đó mà chị Hồng Liên đã chọn cách chết cho mình như vậy. Chị ấy đã uống rượu thật nhiều vào ngày đám cưới con trai…

    - Ra vậy, tôi đã hiểu- Phùng gật đầu- Nên lát nữa ba má chị ấy đến, nhờ anh nói do chị ấy uống quá nhiều rượu.

    - Tôi hiểu- Phùng lại gật đầu.

    - Cảm ơn anh Phùng, theo tinh thần như vậy có gì nhờ anh Phùng dàn xếp giúp.

    Hạnh theo Phùng bước vào phòng cấp cứu, lát sau nàng trở ra gặp Tuấn và nói:

    - Đang hôn mê sâu- Hạnh nhìn Tuấn- Chị Hồng Liên vẫn tin là anh Tuấn không hề hay biết gì- Hạnh thở ra- Chị ấy thật dũng cảm. Mà sao anh Tuấn biết? Hạnh đâu có kể với anh?

    - Có một lần Tuấn chở Hồng Liên từ chùa Phước Quang về nhà, Hồng Liên kêu chóng mặt, Tuấn lục xách Hồng Liên tìm chai dầu gió vô tình thấy hộp thuốc. Lúc đầu Tuấn nghĩ là thuốc điều trị cho đám trẻ trong trại, sau hỏi ông bà Sáu thì biết đó là thuốc Hạnh mua cho Hồng Liên uống hàng ngày. Tuấn lặng người. Định hỏi Hồng Liên nhưng thấy cô ấy đã có ý giấu, nên thực tình Tuấn hết sức đau đớn và muốn biết nhưng không thể nào mở miệng hỏi. Có hỏi cũng chỉ làm nàng đau khổ thêm, được gì nữa đâu? Giờ thì Tuấn muốn biết Hồng Liên bị nhiễm bệnh sau khi vào làm việc tại trại từ thiện, hay trước đó?

    - Trước đó! Hạnh không giấu anh điều này nữa. Sau khi ở bệnh viện tâm thần về, chị ấy phát hiện mình bị mang thai. Em đem chị ấy tới bệnh viện khám và thử máu, kết quả… Anh biết đấy những khi lên cơn, ông Sáu và Lâm chưa kịp tìm về, chị ấy lang thang một mình trong đêm…

    - Hạnh đừng nói nữa, tôi hiểu rồi! Ông bà Sáu và Lâm có biết chuyện này không.

    - Chị ấy bảo phải giấu kín mọi người trong nhà, nhưng hình như ông bà Sáu biết chị ấy phá thai nhưng không biết con gái mình mang thứ bệnh quái ác ấy.

    - Vậy là thời gian qua cô ấy âm thầm chịu đựng một mình! Trời ơi!

    Hạnh nắm chặt cánh tay Tuấn và tựa người vào vai anh. Tuấn nghe tóc Hạnh run lên nhè nhẹ trên vai mình. Hạnh đang khóc. Và nước mắt anh bỗng trào ra.

    ***

    Sau đám cưới con trai, Hồng Liên hôn mê sâu năm ngày rồi qua đời. Hài cốt hỏa táng được chuyển về chùa Phước Quang đặt cạnh bình gốm sứ đựng nắm tro tàn của bé Tĩnh Tâm. Tang lễ cử hành đơn giản. Mọi người im lặng cúi đầu mặc niệm cho sự giải thoát của người thân yêu. Từ chiếc catsette, điệu kèn saxophone trỗi lên bài Cát bụi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn réo rắt. Những người thân yêu của Hồng Liên và các cháu ở trại từ thiện òa khóc. Tuấn bảo mọi người yên lặng để linh hồn Hồng Liên được thanh thản ra đi.

    Trên chiếc bình sứ tấm ảnh Hồng Liên như mỉm cười nhìn Tuấn. Anh xoa nhẹ bàn tay lên mặt bình.

    Trời chùng xuống, tím thẫm, những hạt mưa rơi nhẹ như để tiễn đưa một thân phận về cõi vĩnh hằng.

    Trước khi mọi người rời chùa Phước Quang, Lâm lấy trong cặp ra một chiếc hộp nhỏ được gói vuông vắn trong lớp giấy bạc trao cho Tuấn và nói:

    - Má cháu dặn sau đám cưới, cháu phải trao tận tay cho chú chiếc hộp này. Lúc đó cháu nghĩ chắc má muốn trao một kỷ vật nào đó mà má tránh không gặp trực tiếp chú. Bây giờ thì cháu đã hiểu. Má biết sau đám cưới của cháu má không còn gặp chú nữa- Lâm cúi đầu nhìn xuống đất và giọng anh khó khăn thoát lên từ nỗi lòng ân hận- Tất cả má đều sắp đặt trước mà cháu chẳng hề hay biết gì. Cháu thật vô tâm.

    - Đừng buồn nữa cháu à- Tuấn vịn vai Lâm như muốn chia sẻ nỗi lòng của chàng trai mà anh đã hết lòng cưu mang:

    - Má cháu là người đàn bà tuyệt vời. Một người đàn bà đã vượt lên số phận để thực hiện cho bằng được điều ước muốn của mình.

    99 - Trường trung học An Hòa gióng lên hồi trống tan học. Từ các cửa phòng, học sinh lũ lượt kéo ra. Bao giờ cũng thế, từ phòng lớp đệ tứ A một nữ sinh ôm cặp chạy ra đầu tiên, và hướng về gốc me trước cổng trường, nơi đó có một nam sinh lớp đệ tứ B đang đứng đợi. Cậu ta bao giờ cũng đến trước, lớp học cậu sát cổng.

    Cô nữ sinh không ai khác là Hồng Liên, con chim họa mi của trường và cậu học sinh kia là Tuấn, vệ sĩ tự nguyện của nàng. Hồng Liên không thể về nhà một mình mà không có Tuấn bởi đám con trai An Hòa tinh quái thường chọc ghẹo. Những buổi tan học không có Tuấn cùng về Hồng Liên thấy đoạn đường từ trường về nhà thật dài. Sợ đám trẻ kia cũng một phần, nhưng chính là cảm giác đơn lẻ trống vắng như thiếu đi một điều gì mà cô trò nhỏ mới bước vào tuổi mười sáu vừa cảm nhận ra.

    Rồi một ngày trái tim thơ ngây mang tình yêu trong sáng tuổi học trò của Hồng Liên gần như tan nát. Đó là ngày Hồng Liên đậu trung học đệ nhất cấp. Ba má Hồng Liên bắt nàng thi vào Trường Cán sự y tế Huế. Hồng Liên đi thi mà chẳng hề muốn đậu. Nhưng oái oăm thay với số điểm thấp nhất Hồng Liên đã trúng tuyển. Điều đó có nghĩa là nàng phải xa Tuấn. Giá như thiếu đi nửa điểm, chỉ nửa điểm thôi, thì cuộc đời nàng đã hoàn toàn thay đổi.

    Những ngày ở Huế, lần đầu tiên xa nhà, nhớ cha mẹ, nhớ người mình yêu, Hồng Liên gầy rộc. Người ta bảo Huế là xứ thơ mộng, nhưng Hồng Liên chẳng thấy thơ mộng chút nào. Những ngày mùa đông dài lê thê, quá trời là mưa! Quá trời là buồn! Những ngày nghỉ học bạn bè rủ nhau đi chơi trong mưa. Đi giữa giá lạnh trong mưa phùn nhè nhẹ là cái thú của trai thanh gái lịch xứ Huế. Nhưng Hồng Liên lại rất sợ những ngày nghỉ như vậy. Chủ nhật ở ký túc xá, bạn bè đi chơi cả, Hồng Liên quấn mền nằm khóc một mình. Trông nghỉ tết để được về nhà. Mới ba tháng sao lâu quá! Những ngày đông lạnh buốt rồi cũng qua. Hồng Liên về nghỉ tết. Trên chuyến xe về Thùy Dương nàng háo hức làm sao! Trước đó mấy đêm nàng không ngủ được.

    Về đến nhà Hồng Liên ôm mẹ khóc như một đứa trẻ

    - Cha mầy, sắp lấy chồng rồi mà như con nít- Bà Sáu ôm Hồng Liên vào lòng và chửi yêu con- Mai mốt đi lấy chồng xa thì sao con? Thằng Tuấn nó theo cậu chuyển lên Pleiku học rồi, không biết Tết nầy có về chơi không?

    Tuấn đã lên Pleiku! Bà Sáu đâu nghe được tiếng đổ vỡ phát ra từ cõi lòng con gái.

    Những chiều giáp tết Hồng Liên đi qua về trước căn nhà bỏ hoang của cậu Tuấn lòng tái tê. Ngày mồng hai tết Tuấn về thăm lại xóm An Hòa. Gặp Tuấn, Hồng Liên muốn khóc nhưng nàng giận Tuấn nên làm mặt hờ hững. Tuấn ở lại An Hòa mấy hôm, trước sự thờ ơ của Hồng Liên, Tuấn buồn hiu hắt. Sau tết Tuấn lên Pleiku và Hồng Liên lại ra Huế tiếp tục những ngày buồn bã và nuốt nỗi hờn giận vào lòng.

    Tết năm sau Hồng Liên về nhà, lại được gặp Tuấn. Nàng rất mong Tuấn nói điều gì đó. Nhưng không, Tuấn chỉ hỏi thăm nàng về việc học hành và phong cảnh xứ Huế. Tuấn không biết Hồng Liên đã giận mình khi trả lời:

    - Ừa phong cảnh xứ Huế nên thơ lắm. Mình ước ao sau này làm dâu một gia đình danh gia vọng tộc của miền sông Hương núi Ngự.

    Và Hồng Liên thật hả dạ khi thấy nét mặt đau khổ của Tuấn.

    Tiếp những ngày sau đó không ai còn thời gian để suy nghĩ để đợi chờ. Tháng năm đã bị thiêu cháy trong lửa đạn. Nếu còn sót lại một khoảnh khắc nào đó thì người ta tranh thủ sống. Chính Hồng Liên cũng không ngờ cái tết ấy là lần sau cùng nàng gặp Tuấn trước khi lấy chồng.

    Trước ngày tổ chức đám cưới với Nghi, Hồng Liên đã bay lên Pleiku trong một chuyến trực thăng quân sự mà nàng nhờ Nghi xin giúp, mong gặp Tuấn để nói lời chia tay nhưng anh đã đăng ký vào lính Cộng hòa.

    Đọc xong lá thư của Hồng Liên, Tuấn quay quắt muốn trở lại chùa Phước Quang để tìm nàng. Nhưng trong cõi vũ trụ bao la này anh biết không còn chỗ nào để có thể tìm gặp được Hồng Liên nữa!

    100 - Hơn hai chục năm sau ngày đất nước thống nhất, thôn An Hòa đã đổi khác. Con đường đất vắt vẻo bên bờ lạch năm nào giờ đã đổ bê tông cao ráo thẳng tắp theo bờ mương thủy lợi. Trên đồng ruộng những chiếc máy cày đã thay thế những chú trâu. Chỉ có những đàn cò trắng bay lượn trên bầu trời là không thay đổi. Hình như chúng cũng hiểu rằng không thể thiếu chúng khi ai đó muốn nói về vẻ đẹp của đồng quê Việt Nam.

    Tuấn nắm tay đứa con gái lên ba, dung dăng cạnh mẹ. Đi sau ba người là một thanh niên, họ bước chậm rãi trên con đường bê tông về phía bến đò An Hòa. Đến nơi ba người nhìn ra sông, mùa mưa nước chảy xiết. Tuấn thấy con đò tròng trành đầy ắp học sinh, lòng anh lo lắng. Vừa bước lên khỏi đò một em nữ sinh đến trước mặt Tuấn cúi đầu chào:

    - Cháu chào bác Tuấn ạ.

    Tuấn ngạc nhiên nhìn cô bé:

    - Sao cháu biết bác.

    - Dạ cháu ở trong đội văn nghệ Trường Trung học An Hòa. Hôm qua cháu có tham gia các tiết mục chào đón phái đoàn từ thiện, cháu thấy có bác.

    - À ra vậy. Cháu học lớp mấy?

    - Dạ cháu học lớp tám.

    Nhìn vạt áo ướt sũng của cô bé, Tuấn hỏi:

    - Qua đò sợ không cháu?

    - Dạ bọn cháu sợ lắm, nhất là mùa nước lớn. Mùa mưa năm ngoái có một bạn bị té sông đấy bác ạ.

    - Bạn ấy có sao không cháu?

    - Dạ may được cứu kịp.

    Tuấn cầm bàn tay ướt át lạnh ngắt của cô bé và nói:

    - Mấy cháu chịu khó đi đò một mùa này nữa. Sang năm lên lớp chín sẽ có cầu cho các cháu đến lớp.

    Cô bé ngoái lui reo với các bạn:

    - Sang năm có cầu rồi tụi bây ơi!- Nó hỏi:- Có phải do đoàn của bác tài trợ không bác?

    Nhìn những chuyến đò tiếp tục đưa học sinh sang sông, Tuấn nghĩ phải có kế hoạch đầu tư xây dựng gấp, để cầu kịp hoàn thành trước mùa mưa năm đến. Nghĩ vậy anh quay sang nói với vợ:

    - Anh tính vậy được không em?

    Hạnh nhìn Tuấn, hai vợ chồng khi nãy vừa bàn với nhau trưa nay ăn bánh xèo bà Toại ngoài Đập Đá, ngỡ Tuấn hỏi lại mình đã nhất trí chưa Hạnh trả lời chồng:

    - Ăn bánh xèo ở đó thì tuyệt cú mèo rồi còn gì anh.

    Nhớ ra mình chưa trao đổi với vợ ý tưởng phải xây chiếc cầu sớm, thành ra ông nói gà bà nói vịt.

    Tuấn chợt cười to.



    Viết xong cuối Thu 2008



    Nguồn: Một ngày cho trăm năm. Tiểu thuyết của Nguyễn Bá Trình. NXB Văn học. 8-2010.

    Địa chỉ tác giả:
    email: trantandien46@yahoo.com.vn
    DT :01665094339

    www.trieuxuan.info
    Đã chỉnh sửa bởi bichlien101046; 13-08-2012, 01:22 AM.

    Comment

    • #62

      Các bạn ơi , các bạn đọc xong truyện Một ngày cho trăm năm rồi phải không xin cho B L 101046 biết ý kiến để rút kinh nghiệm mà gửi những truyện khác chứ.Thành thật cám ơn. Sau đây mình xin gởi truyện ngắn đầu tiên nhé
      Đã chỉnh sửa bởi bichlien101046; 15-08-2012, 06:09 AM.

      Comment

      • #63

        chuột ở phố

        Bài thơ Chuột ở phố

        Ông Lãm người ở thị trấn An Tây, chuyên sống về nghề đúc chậu, thích chơi cây kiểng. Bạn bè của ông thường là những người đến mua chậu rồi thấy trước sân nhà ông có mấy chậu cây kiểng dáng hay hay, bàn về thế cây, gốc cây rồi sinh ra thân tình mà kết bạn. Dạo gần đây ông lại có thêm một số bằng hữu mới, đó là những người lớn tuổi yêu thơ văn, mà hầu hết là những cụ về hưu, kể cả những cụ chưa tới tuổi sáu mươi, do sức khỏe phải nghĩ hưu non. Tình cờ cụ Tính, một hưu trí ở khối Năm đến mua chậu thấy trên bàn ông Lãm có bài thơ tựa đề Chuột ở phố.Cụ Tính xin đọc.
        -Dạ thơ thẩn gì đâu anh –Ông Lãm từ tốn- Số là hôm trước đúc mấy cái chậu xong rửa tay định vào uống nước thì một con chuột to bằng nầy nầy-Ông Lãm cúi xuống vỗ bàn tay vào bắp đùi.-Tôi định lấy viên đá ném nhưng lại sợ vỡ mấy cái chậu nên nén tức nhìn nó chạy băng qua đường.
        Ông Lãm chế nước sôi vào bình thủy, nói tiếp:
        -Một lát lại thấy trên lầu ba nhà chú Tám -Ông Lãm chỉ tay về phía ngôi nhà ba tầng bên kia đường, đối diện với nhà ông-nó thoăn thoát trên cái hành lang kia kìa. Không biết sao nó ngoái cổ nhìn qua tôi một lát như có ý thách thức rồi chui tuột vào lỗ lam. Ngẫm nghĩ tức mình tôi bảo thằng cháu nội cho ông mượn giấy bút rồi viết mấy câu như thế đó
        Ông Lãm nhìn cụ hưu trí cười:
        -Anh đọc thử xem tôi viết thế có được không.
        Cụ Tính lấy mục kỉnh ra đeo,ca cẩm-Cái kính nầy mờ rồi định tháng tới đi thay cặp mắt-Cụ dán sát mục kỉnh vào tờ giấy nheo mắt đọc bài thơ:

        Từ đống rác chui ra
        Chuột ngơ ngác nhìn qua đại lộ
        Rồi sửng sốt nhìn tầm cao của một ngôi nhà
        Nó đếm số tầng
        Một tầng
        Ba tầng
        Nó không biết có số hai
        Và nhiều hơn nó không sao đếm được…
        Đọc đến đây cụ Tính tháo mục kỉnh dụi mắt, có lẽ mắt kính đã quá mờ làm cụ đau mắt Cụ hỏi ông Lãm:
        -Ba câu đầu thì rõ rồi. Nhưng đến câu Nó đếm số tầng, sao con chuột biết đếm số một và sồ ba mà lại không biết có số hai? Anh giải thích cho tôi cái ý của anh đi.
        -Dạ tôi có nói ý gì sâu xa đâu. Nó là thế nầy anh ạ. Tôi có đứa cháu ngoại sắp lên ba. Tôi tập cho cháu nó đếm từ một đến mười. Khi bắt nó đếm lại một mình thì nó liếng thoắng một mách ”Một ba năm bảy mười.” Trẻ con thì nghe người lớn nói sao nó lặp lại như vậy mà không hiểu được ý nghĩa, đôi khi lặp lại cũng không đầy đủ. Huống hồ loài chuột bọ chỉ biết đục khóet.
        Cụ Tính gật gật đầu không nói gì. Cụ lại mang mục kỉnh dán mắt đọc tiếp:
        Chuột tự nhủ
        Từ nay mình tha hồ
        Leo lên tầng cao ngất
        Bỏ qua năm tháng chui rúc ở các túp lều.
        Và nó sẽ tự hào
        Mình leo lên được đỉnh cao
        Mà bao nhiêu người tài ba
        Không dám mơ tới.

        Giờ thì cụ Tính không tháo mục kỉnh ra nữa, cụ quay sang ông Lãm:
        -Nầy anh Lãm, tôi biết anh đang dùng nhân cách hóa để ám chỉ hạng người nào đó…
        -Không không đừng nói vậy mà sinh ra đụng chạm.Quả thật hôm đó con chuột cống làm tôi tức tối.Quả đúng là ném chuột sợ vỡ đồ. Đành nhìn nó tung tăng trước mắt mình mà thấy ngứa gan.
        -Tôi nghĩ là không sao đâu anh Lãm à. Tôi đã từng chiến đấu trong quân ngũ, từng hy sinh một phần xương máu cho độc lập nước nhà, cho sự no cơm ấm áo của bà con. Nhìn những người vì tư lợi cá nhân, dẫn đến tham ô hối lộ đục khoét của dân, đã thiếu tài thiếu đức lại còn tìm cách luồn lách lên cao, nghĩ cũng giận. Với một người dân lương thiện bình thường sống bằng nghề đúc chậu như anh mà vẫn giữ được tâm huyết, tôi rất vui. Phê phán cái xấu bao giờ cũng là điều tốt. Nhưng bài thơ của anh cuối cùng không cảnh báo một điều gì để ngăn chặn tội lỗi của hạng người sâu dân mọt nước cả.Và còn một điều nầy nữa, tôi nhận xét thẳng thắn mong anh đừng giân mà cho tôi là lên lớp nhé.
        Ông Lãm cười hiền lành:
        -Tôi chỉ viết cho vui thôi mà, được anh góp ý là tôi càng vui hơn nữa.
        -Con người thì thường hay mơ được lên cao. Còn chuột thì không bao giờ muốn ở tầng cao cả. Vì sao anh biết rồi đấy. Nhà bếp, mọi thức ăn của mọi gia đình bao giờ cũng đặt ở tầng trệt. Do vậy mà chuột thì thích ở tầng trệt mà thôi. Hơn nữa nó là loài thích đào hang, thích chui lỗ cống, thích những nơi tối tăm ẩm thấp, không bao giờ nó mơ lên tầng tư tầng năm đâu anh Lãm à.Ở đấy nó chỉ nước chết đói thôi. Phải không anh.
        Nói đến đây thì cả hai ông già chợt cười vang.
        Sau một hồi cười sảng khoái, ông Lãm chêm nước vào tách trà của người bạn già rồi chậm rãi nói:
        -Thưa anh, anh nói chí phải. Nhưng loại chuột nào cũng vậy, cũng có lúc chúng mơ được lên ở nơi cao nhất. Nhưng nó không biết rằng đó chính là lúc nó cùng đường đấy anh ạ.
        Ông Tình lắc đầu cười, không nói gì.

        Ông Tính là sĩ quan quân đội về hưu. Vợ ông là một bác sĩ nghỉ hưu trước ông bốn năm.Trước khi về hưu hai vợ chồng dành dụm được một số tiền.Có mảnh vườn ông bà để lại, ông Tính cắt bán một phần, gom với số tiền vợ chồng tích lũy, xây được một ngôi nhà hai tầng, một trệt một lầu. Hai vợ chồng ông ở với người con trai trưởng và hai đứa cháu nội.
        Một buổi trưa, ông Tính đang ở nhà người bạn chuyện trò về viec ông chủ tịch nọ mới lên ghế chủ tịch đâu chưa được nửa nhiệm kì đã bị kỹ luật do lạm dụng chức quyền. Chợt ông nhìn ra, nước đâu chảy re re hai bên mép đường thành hai dòng cuốn theo rác rưởi .Ông Tính đứng dậy.
        -Chết rồi, lụt tới nơi rồi ông bạn ơi.
        Vậy là ông Tính ngưng ngang câu chuyện vội chào ra về. Ra đường phố ông thấy nước bắt đầu chảy băng qua những khúc thấp trũng.
        Mới mưa có hơn một ngaỳ một đêm; trưa nay đang ráo hoảnh bỗng dưng nước ào ào chảy qua các đường phố. Nước lên thật nhanh, có lẽ do bên thủy lợi họ xả hồ chứa Khi ở nhà, ông Tính chưa thấy nước đâu cả.Thế mà đến chơi với người bạn già một chặp trở về nước đã ngấp nghé trước thềm. Bà Tính và mấy đứa cháu nội đã dọn lên ở tầng trên, đứa con trai đang dọn dẹp kê cao đồ ở tầng dưới.Thấy ông Tính về trước sân mấy đứa cháu gọi bà:
        -Bà nội ơi ông về rồi.
        Từ tầng trên bà Tính nói vói xuống
        -Ông đi đâu mà đi dữ vậy, không thấy nước lên vùn vụt đấy sao. Tôi định cho thằng Thanh đi tìm ông về đấy.
        Ông Tính nhìn lên cười:
        -Bà khéo lo, tôi còn đủ sức lội được mà. Bà không nhớ sông Thạch Hản năm đó tôi lội qua về đến mười lăm bận để chuyển vũ khí đấy sao.
        Ông Tính vào nhà giúp con trai kê cao đồ đạc. Nước dâng nhanh quá, hai cha con làm không kịp thở.Vừa kê xong thì nước đã đến đầu gối. Chợt ông Tính nghe ở tầng trên mấy đứa cháu la hét và chạy rầm rầm. Ông vội lên xem thử chuyện gì. Nhìn thấy ông Tính ướt át bà nói:
        -Mấy đứa nhỏ rượt mấy con chuột ấy mà. Ông thay áo quần đi, ướt thế nước bạc lạnh chết.Tối qua nước ngập mấy con chuột bò lên chui dưới gầm thờ, có đến bốn năm con đấy ông ạ.
        Ông Tính ra hành lang nhìn xuống thấy mấy con chuột bị lũ nhỏ rượt đánh nhảy ùm xuống nước đang bì bà bì bõm.Nghĩ đến chuyện ông chủ tịch nọ,rồi nhìn mấy con chuột, ông Tính chợt hướng mắt về phía nhà ông Lãm. Đường phố đã ngập nước trắng xóa. Bất giác ông nói một mình: Bài thơ ý tứ kín đáo quá.

        Nguyễn bá Trình
        Đã chỉnh sửa bởi bichlien101046; 15-08-2012, 06:04 AM.

        Comment

        Working...
        X
        Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom