• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Ý nghĩa nhân sinh trong truyện cười nước ta ngày xưa

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Ý nghĩa nhân sinh trong truyện cười nước ta ngày xưa

    Ý nghĩa nhân sinh trong truyện cười nước ta ngày xưa



    Đặng Thai Mai

    Người ta kể chuyện lại rằng:
    - Bộ tiếu lâm đầu tiên của nước ta ra đời về cuối nhà Lê. Tác giả là hai bố con ông cụ đồ người Bắc. Sau mấy phen lảo đảo với chốn khoa trường thì hai ông con đành phải lấy nghề gõ đầu trẻ làm kế sinh nhai. Nhân những lúc nhàn, hai nhà nho bất đắc chí mới góp nhặt những chuyện hài hước lưu truyền trong dân gian viết thành một bản sách chữ nôm, gọi là Tiếu lâm (Rừng cười). Bộ tiếu lâm không phải là một bộ sách làm ra để công bố nên ngòi bút tác giả rất là bạo dạn, phóng túng. Một câu chuyện nhặt được bất kỳ ở xó nào, ngõ nào, cũng chẳng cứ là tục tằn hay là thanh nhã, miễn cười được là họ chép vào sách.
    Cuốn sách viết vào năm nào? Hai nhà biên tập tên là gì? Thân thế họ thế nào?… Hiện nay không ai rõ. Nhưng nghe đồn rằng: khi chép xong tập sách thì một ngày kia hai nhà tác giả đã cùng nhau bày một bữa tiệc “lạc thành” cuốn sách với rượu và thịt chó! Ăn uống no say, hai ông con sẽ cùng nhau duyệt lại công trình trước tác của mình … một lần cuối cùng! Thế rồi từ chương này đến chương khác, truyện nọ xọ truyện kia, hai bố con vừa đọc vừa ôm nhau mà cười sằng sặc! Cưới đến lúc duyệt xong bộ sách, thì hai nhà trước thuật vô danh cũng đồng thì ngã lăn mà chết thẳng!
    Câu chuyện trên đây chỉ là một câu truyền ngôn không có bảo đảm chắc chắn gì về phần lịch sử. Nhưng các cụ ngày xưa vẫn thường nhắc đến cái chết ly kỳ của hai nhà văn sĩ để dạy con cháu và học trò. Và họ kết luận rằng: “Văn hài hước là một loại văn không có tương lai. Trò hài hước chỉ là cái trò “vô hậu”, chết như hai nhà văn ấy là “bất đắc kỳ tử”… Và cái chết ấy cũng chẳng có gì đáng thương tiếc. Ấy cũng là quan điểm của một lối lập luận. Nhưng cũng có người nói: đem thân thế một nhà văn, liễu kết trong một câu cười, vị tất đã là một số phận tủi nhục cho kẻ chết. Và cái ý muốn định đem một ít truyện vui cười mà cống hiến cho người sau cũng vị tất là một sự đáng khinh bỉ, đáng nguyền rủa. Ấy lại là một lối kiến giải khác. Một điều chắc chắn khác là văn cười xưa nay vẫn là một thứ văn đã bị rẻ rúng. Đạo đức và văn nghệ nước ta vẫn liệt văn hài hước vào những tác phẩm không đúng đắn. Chả là những câu cười đã chứa chan những ý vị chua cay độc địa. Và lúc đã cười thì phải nhãng hết những sự nghĩ ngợi sâu xa. Lại còn những giọng thô bỉ, tục tằn nữa là khác… Nhưng một mặt nữa, ta cũng phải công nhận rằng, trong văn nghệ hài hước của nước ta ngày xưa, thật chưa hề có những ngòi bút sâu xa bạo dạn như Aristophane, như Rabelais, Molière… chẳng hạn. Một nguyên nhân của sự thiếu thốn ấy hẳn là vì xã hội nước ta cũng như các nước Á đông đã khinh thị lối văn hài hước.

    Một nhà đại triết học đã viết một câu giới thuyết có ý chỉ: “Người là một loài vật biết cười”. Một nhà đại triết học khác viết thêm: “… và là một loài vật vẫn làm cho người ta bật cười”. Về cả hai phương diện “biết cười” và “làm cho người ta bật cười” dân ta ngày xưa cũng không đến nỗi lạc hậu.
    Mấy năm trước cuộc Âu chiến hiện giờ, một nhà văn Pháp đã phàn nàn rằng: “Thú cười đương ngắc ngoải”. Thú cười ấy đã hấp hối trên quả địa cầu ngày nay! Ở New York cũng như ở Londres, ở Paris cũng như ở Berlin, người ta không cười thiệt tình, cười dòn dã như ngày xưa nữa. Người ta chỉ cười mỉm nửa thôi. Đó là một điều đáng tiếc! Một điều đáng tiếc thật.
    Bất kỳ ở kinh độ, ở vĩ tuyến nào, nếu cái thú cười bị tiêu diệt thì thật là một sự thiệt hại lớn cho sinh thú của loài người. Vẫn biết rằng: lịch sử nhân loại, lịch sử dân tộc có những ngày đau đớn, công cuộc sinh nhai có những ngày vất vả làm cho ta không thể nghĩ đến sự vui cười mà không ngượng ngịu được. Nhưng tai biến của lịch sử là một trạng thái nhất thì, mà vui vẻ là một điều nhu yếu thường xuyên của nhân tính. Người ta ai là người không cười? Huống hồ người ta vẫn có thể cười một cách đứng đắn! Huống hồ cười có thể là một động lực trong công tác hàng ngày của ta. Cần chống chọi với những nỗi khó khăn trong vũ trụ, trong xã hội, chúng ta cũng cần tìm trong thú cười một ít thú vị sống để cho có sức mà bước, thì ta cũng nên ước ao cho loài người sau những bi kịch trong lịch sử hiện thời, sẽ mau mau được sống lại những ngày vui vầy với những cuộc cười giòn giã, chính đáng, thiệt tình!
    Cười có một ý nghĩa nhân sinh rõ rệt. Mỗi xã hội đều có những giọng cười riêng…. Lúc loài người đã đến một lịch trình sinh hoạt khá cao, thì cười không phải chỉ là một động lực cơ giới của bản năng trước một cảnh ngộ khoái lạc mà thôi. Cười cũng là một phương pháp tự vệ, một thủ đoạn trừng phạt của đoàn thể dùng để đối phó với những thái độ phản xã hội hoặc để công kích những điều bất bình trong sinh hoạt hàng ngày. Trên một trình độ tri thức cao hơn nữa, các nhà văn sẽ lợi dụng cái động lực của sự cười để răn đe người đời, hoặc để bài xích những hiện tượng bất như ý….
    Một “bông xung” … của giọng cười dân chúng là những nhân cách, những cử chỉ, những thái độ phản xã hội. Nhưng nét xấu có thể phương hại đến hạnh phúc của đoàn thể, như là lười biếng, tham ăn, bủn xỉn, nói khác… xã hội cũng cần lấy sự cười để làm phương pháp trừng phạt.
    Sinh hoạt xã hội căn bản ở năng lực cá nhân, ở luật hỗ trợ của đoàn thể. Nhưng một sự cần thiết cho nền sinh hoạt công cộng nữa là phẩm giá. Trong một địa vị cao quý mà không có tư cách tương đương thì sẽ bị cười. Một ông cụ đồ, có cái thiên chức giảng đạo thánh hiền, mà đọc chữ này ra chữ kia, đem lời thánh hiền ra mà giảng quàng giảng quấy thì bị người cười. Một ông quan phụ mẫu dân, nghe người ta bảo dân chết đói, mà hỏi: “Thế sao không nấu cháo gà ra mà ăn?” cũng là một câu chuyện cười!… Ông thầy thuốc bắt mạch một ông và tuyên bố: “Bệnh sản hậu!”; Thầy bộ lễ đứng hộ tang mà nhỏ nước dãi với cỗ bày trên giường thờ, cũng là những người đáng cười… Trong một trường hợp tương tự, người ta cười những ông chủ bị đày tớ đánh lừa, những ông chồng mọc sừng, những người sợ vợ – (có cả một làng sợ vợ!) – số là những sự trụy lạc về mặt phẩm giá, đều là những vai tuồng của trò cười dân chúng… Trong ý nghĩa xã hội của các chuyện cười ngày trước, ta cũng nên chú ý đến tính cách lịch sử dân tộc… Xã hội nước ta hồi xưa là một xã hội có trật tự nghiêm, có đẳng cấp phân minh, mà sao lời phúng thích không nể gì đến phần tử thống trị, đến cả những nghệ nghiệp trí thức như là nho, y, lý, số?…
    Lý do lịch sử của nội dung những câu cười xưa kia có lẽ cũng không khác gì lai lịch của các hài văn nước Pháp về hồi Trung cổ…
    Trích Tri Tân, số 81, 82 (28.1 – 4.2.1943) và số 83 (18.2.1943).

    Nguồn:. Đặng Thai Mai Tác phẩm. Phan Cự Đệ (sưu tầm và tuyển chọn). Nxb. Văn học, 1978. Bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện
    Similar Threads
  • #2

    12 truyện cực ngắn của Nguyễn Thị Hậu - Cười hay mểu

    12 truyện cực ngắn của Nguyễn Thị Hậu

    1. Giống nhau

    Nhà có cháu bị hội chứng Down, mọi người phải trông chừng sợ cháu đi lạc. Một ngày ông đi làm thấy cháu đứng bơ vơ ngoài chợ, lật đật chở về. Tới nhà, thấy... cháu đang ngồi ở cổng chờ ông. Nhìn lại, hóa ra nhầm, người kia cũng bị Down nên mặt giống cháu. Bèn chở người ấy trả về chỗ cũ.
    Vừa đi vừa nghĩ ngợi: sao cơ quan mình cũng có nhiều người giống nhau thế, dù không phải là Down?
    2. Đám giỗ
    Bà mất sớm. Ông lấy vợ kế. Bà Hai không sinh con để toàn tâm chăm lo cho chồng và các con chồng, rồi các cháu nội ngoại. Mấy chục năm trôi qua như thế...
    Ông bà lần lượt ra đi.
    Một lần đến đám giỗ ông, nhìn lên bàn thờ chỉ thấy di ảnh của ông và bà Cả. Hỏi người nhà: vậy ai thờ bà Hai? Họ tỉnh queo: để bà ở chùa!
    Thắp nhang trước bàn thờ bỗng như thấy hình bóng bà Hai vẫn ân cần bên ông.
    3. Cái bóng
    Một nhà văn nổi tiếng có ảnh hưởng lớn đến nhiều người viết trẻ. Ông tự hào khi học trò là “bản sao” của mình vì điều đó chứng tỏ uy tín của ông ngày một lớn hơn.
    Ông quên rằng vào giữa trưa cái bóng của mỗi người chỉ đủ cho chính họ, và đến chiều tối thì cái bóng cũng không còn nữa.
    Có “đệ tử” đã nhận ra điều đó, cố gắng bước ra ngoài cái bóng của “sư phụ”. Và đi xa hơn.
    4. Bao thơ
    Có vài cuộc họp được nhận bao thơ, bên trong ít thì vài chục, nhiều thì vài trăm ngàn. Người nhận có khi nhẹ nhàng cất vào túi xách, khi vội vàng nhét túi áo, lại có người hé ra xem, hớn hở hay thất vọng ra mặt... Nhưng nhiều người moi hết tiền ra, bao thơ vo lại vứt toẹt xuống đất.
    Dù nhàu nát nhưng bao thơ không buồn vì nó đã làm tròn phận sự. Đôi khi nó còn thấy mình tử tế hơn nhiều người moi tiền từ nó.
    5. Học trò cũ
    Hồi đó học trò là cán bộ đi học nên lớn hơn cô giáo vài tuổi. Trong lớp ngoài đường gặp nhau vẫn xưng hô cô - em thân tình mà trân trọng. Nhiều năm sau, tình cờ gặp lại trong một cuộc họp, học trò nói với mọi người “đây là cô giáo cũ của tôi”. Quay sang cô giáo: “Em có mang danh thiếp không, cho anh...”. Cô giáo nhã nhặn: “Xin lỗi, tôi không có danh thiếp”.
    Học trò giờ là “người sang” nên cô giáo không muốn “bắt quàng” làm quen.
    6. Điếc
    Ông lão nghễnh ngãng nhưng đi đâu cũng nói to nói nhiều như cãi nhau.
    Một lần qua nhà hàng xóm thấy con chó lao ra sủa thì lão lại mỉa mai “nhà giàu có khác, chó thức đêm canh trộm hay sao mà ban ngày ngáp lắm thế?!”. Con chó thấy lão nói như quát, bèn lao đến đớp cho một phát.
    Từ đấy lão ăn nói từ tốn hẳn.
    Có những người cứ phải bị cắn như thế thì mới tỏ ra biết điều.
    7. Vu lan
    Từ sáng sớm anh chị đã rối rít chuẩn bị nhang đèn hoa trái lên cúng chùa cùng món tiền công đức khá lớn. Mẹ anh hỏi: “Chiều mấy giờ về để mẹ nấu cơm?”.
    - Mẹ đừng chờ. Chiều tụi con ăn cơm chay nhà chùa đãi.
    Xe chạy. Mẹ đứng đó tần ngần.
    8. Mèo và chó
    Mâm cơm đậy lồng bàn vậy mà mèo vẫn cạy và tha mất khúc cá. Nó bèn lấy lồng bàn úp... mèo. Con mèo lê la khắp nhà mà không sao chui ra được. Nó yên tâm làm việc không lo mèo ăn vụng.
    Chó mon men đến mâm cơm, xốc mõm vào ăn hết. Mèo nhìn thấy meo meo ầm ĩ. Nó mắng mèo: cho chừa cái tội ăn vụng, kêu gì mà kêu!
    Người ta thường chỉ thấy mất khúc cá mà không thấy mất cả mâm cơm là thế.
    9. Đạo đức
    Thỏ chạy khắp khu rừng, gặp con thú nào nó cũng nói: đừng hút chích ma túy, đừng chơi bời mà bị HIV rất nguy hiểm... Gặp sư tử chưa kịp nói gì thỏ đã bị một cái tát choáng váng. Sử tử quát: con điên này ngày nào cũng phê thuốc chạy lung tung nói lảm nhảm, bực mình quá!
    Kết luận (tùy chọn):
    1. Đừng nghe mấy người hay rao giảng về đạo đức.
    2. Đừng giảng đạo đức cho kẻ mạnh.
    3. Trong rừng thỏ ngày càng nhiều. Sư tử phải bỏ đi.
    10. Phóng sinh
    Rằm tháng bảy chủ nhà mời thầy chùa về tụng kinh, mua cá phóng sinh thả xuống hồ nước trước nhà.
    Bữa ăn tối toàn món cá: chiên giòn, canh chua, kho tộ... liền khen ngon. Thằng con hồn nhiên khoe: cá bắt trong hồ nước nhà mình đấy.
    Chủ nhà vỗ đùi đánh đét: hay, tay này buông tay kia vớt, nhà mình vẫn được tiếng từ bi!
    11. Halloween
    Mới bước đến cửa mọi người đã nhao ra trầm trồ: Ồ, hóa trang ấn tượng quá! Nó giật mình bước vào phòng vệ sinh, một gương mặt lạ hoắc trong gương đang nhìn nó đầy nghi hoặc. Chợt nhớ: hôm nay vội đi nên nó không trang điểm gì cả, định bụng khi đến đây sẽ tìm mua một cái mặt nạ.
    Mà có khi chẳng cần mặt nạ nữa vì có ai nhận ra cái mặt thật của nó đâu.
    12. Một lần nằm mơ
    “Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời”.
    Linh hồn tôi lạc vào vương quốc chó thấy chuồng nào cũng đồ sộ đẹp đẽ. Bỗng gặp con Vàng yêu quý, nó rối rít mời tôi đến chuồng nhà nó. Bước vào phòng khách tôi thấy tấm hình của mình, dưới ghi “bà chủ - người kiểng Sài Gòn”.
    Nhìn sang chuồng hàng xóm của con Vàng thấy bảng đề “coi chừng, nhà có người dữ”. Lạnh toát cả người, giật mình tỉnh dậy.
    Truyện của NGUYỄN THỊ HẬU

    Comment

    Working...
    X
    Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom