• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Duy Quang: giọng hát tình ca sinh viên

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Duy Quang: giọng hát tình ca sinh viên


    Ca sĩ Duy Quang tiếp tục sự nghiệp ca hát khi sống tại hải ngoại.
    Người từ trăm năm về ngang trường luật

    Ta hỏng tú tài ta hụt tình yêu

    Thi hỏng mất rồi ta đợi ngày đi
    Đau lòng ta muốn khóc…
    Lời thơ Nguyễn Tất Nhiên đã được Phạm Duy phổ thành ca khúc “Thà như giọt mưa” và không ca sĩ nào chuyên chở tâm tình đó hay hơn Duy Quang.
    Đó là nỗi buồn vời vợi của học sinh, sinh viên miền Nam ở những năm đầu thập niên 1970, khi đất nước ngùn ngụt khói lửa chiến tranh và chuyện học hành, thi cử đậu rớt gắn liền với đi và ở của nam sinh. Đi lính. Hay ở lại chốn thị thành tiếp tục con đường học vấn.
    Đã có biết bao nam sinh lớp 12 thi rớt tú tài và thấm thía được nỗi buồn đó. Buồn cho thân phận, buồn cho cuộc tình. Giọng hát Duy Quang đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng thế hệ thanh niên miền Nam lúc bấy giờ. Thật buồn và chẳng bao giờ mờ phai.
    Nhạc sinh viên
    Nhạc sinh viên những năm đầu thập niên 1970 có những phong trào, từ đấu tranh xuống đường với “Hát cho đồng bào tôi” của Tôn Thất Lập, vẽ lên “thân phận quê hương” với Trịnh Công Sơn – Khánh Lý cho đến nhạc tình sinh viên với những lời thơ phổ nhạc hay ca từ của Phạm Duy.
    Thời đó tiếng hát sinh viên có Thanh Lan là giọng ca nữ. Chính hiệu sinh viên vì Thanh Lan là sinh viên văn khoa. Duy Quang không là sinh viên nhưng những bản tình ca sinh viên qua giọng hát trầm ấm đã đưa anh lại gần, rất gần với sinh viên, với sân trường đại học và làm rung động biết bao con tim sinh viên qua những bóng hình ẩn hiện, khi thực khi mơ.
    Hỡi người tình học trò hỡi người tình năm xưa
    Bóng người từng in dấu trên đường mờ
    Có thuộc vạn nẻo đường, có ngại ngùng nên quên
    Nhớ hoài con đường cũ không tên…

    Hỡi người tình Văn Khoa, bóng người trên hè phố
    Lá đổ để đưa đường cho người tình Trưng Vương
    Hỡi người tình Gia Long, hỡi người trong cuộc sống
    Con đường này xin dâng cho người bình thường…

    Sinh viên từ Sài Gòn ra Huế, từ Đà Lạt xuống đến Cần Thơ ngân nga những lời ca tình tứ vì sức quyến rũ của giọng Duy Quang khi bài ca được giới thiệu đến với quần chúng.
    Từ sân trường đại học, từ quán cà-phê, nghe Duy Quang hát và đã có biết bao chàng sinh viên ngồi mơ mộng một con đường đầy lá me bay, một bóng hình ở một khuôn viên trường nào đó, có thể là Phan Thanh Giản ở Cần Thơ, Võ Tánh ở Nha Trang hay Trần Qúy Cáp ở Hội An. Không cứ phải là đại học luật khoa, văn khoa hay Gia Long, Trưng Vương.
    Mong ước hòa bình
    Lớn lên cùng đất nước vào thời chiến tranh nên hoà bình là mong ước của mọi người. Khi hoà bình đến, với chấp bút của các bên trong bản Hiệp định Paris 1973, nghe Duy Quang hát Bình Ca của Phạm Duy, có giai điệu tung tăng vui:
    Mang giầy vớ tốt mang khăn áo lành
    Tôi chào đất nước tôi nay thái bình…
    Hay trong một bình ca khác, cũng để mừng ngày đất nước thôi chiến tranh:
    Này em khi sang mùa mà em nghe tiếng nổ
    Là tiếng pháo cưới hay hội hè
    Cũng vì hoà bình đã về đây…
    Tiếc là khi hoà bình đến thì nhiều gia đình phải ly tan. Trong đó có gia đình Phạm Duy.
    Tháng Tư 1975, Phạm Duy cùng Thái Hằng và các con gái là Thái Hiền và Thái Thảo rời khỏi Việt Nam khi Sài Gòn đổi tên, bỏ lại những người con trai của ông, trong đó có Duy Quang và các em trai. Anh em trong gia đình với ban nhạc Dreamers vang danh một thời bây giờ không còn được tự do ca hát.
    Ra đi
    Năm 1978, qua sự giúp đỡ và vận động của nhạc sĩ Trần Văn Khê với chính quyền mới, Duy Quang được qua Pháp, rồi sau đó qua Mỹ đoàn tụ với Phạm Duy.
    Tại hải ngoại giọng hát của anh được vẫn được nhiều người mến chuộng. Duy Quang đã phát hành nhiều băng, đĩa nhạc. Hát riêng. Hát chung với Ngọc Lan, Thanh Lan tất cả cũng có đến bốn trăm bài ca. Nhiều bài là dấu ấn của anh: Thà như giọt mưa, Con đường tình ta đi, Còn chút gì để nhớ, Trả lại em yêu, Ngày xưa Hoàng thị, Em hiền như ma sơ, Chuyện tình buồn, Đưa em tìm động hoa vàng…
    Khi Việt Nam mở cửa, mời gọi nghệ sĩ hải ngoại trở về, năm 2004 Duy Quang đã quay về hát, mở phòng trà kinh doanh khiến có dư luận ở hải ngoại phản đối anh nói riêng và gia đình Phạm Duy nói chung vì đã quyết định về sống ở Việt Nam, chịu những kiểm duyệt, hạn chế sinh hoạt văn nghệ của chế độ đương thời.
    Khi biết mình bị chứng bệnh ung thư gan, mấy tháng trước Duy Quang trở lại Hoa Kỳ để chữa trị. Hai tuần trước có buổi sinh hoạt văn nghệ hội ngộ cùng anh ở Quận Cam, nơi anh và gia đình Phạm Duy đã sinh sống nhiều năm. Hơn 500 thân hữu, những người quí mến và nghệ sĩ đã đến góp vui, thăm hỏi và chia sẻ ưu tư về sức khoẻ của anh.
    Tháng Ba vừa qua, Duy Quang biểu diễn ở San Jose trong chương trình Hát cho Tình yêu tổ chức tại Center for the Performance Arts. Trên hai nghìn khán giả hôm đó đã được nghe lại những lời tình ca âm vang một thuở:
    Con đường trời mưa êm, chiếc dù che mầu tím
    Môi tìm làn môi ngon, nhưng còn thẹn thùng
    Con đường về ban trưa, tới nhà hay vào lớp
    Con đường của đôi mình, ôi chuyện tình thư sinh…

    Hỡi người tình học trò hỡi người tình năm xưa
    Bóng người từng in dấu trên đường mờ
    Có thuộc vạn nẻo đường, có ngại ngùng nên quên
    Nhớ hoài con đường cũ không tên…

    Sáng ngày 19-12-2012 giọng hát tình ca sinh viên hay nhất đã thực sự ngưng tiếng, sau 62 năm buồn vui ca hát ở chốn dương trần.
    Similar Threads
  • #2

    Ca sĩ Duy Quang qua đời tại Hoa Kỳ


    Ca sĩ Duy Quang được biết đến nhiều với các bản tình ca do nhạc sĩ Phạm Duy, cha ông, sáng tác
    Ca sĩ Duy Quang vừa qua đời ở tuổi 62 tại bệnh viện Fountain Valley ở Nam California, Hoa Kỳ sau một thời gian chữa trị bệnh ung thư gan.
    Tin từ Hoa Kỳ cho hay con trai đầu của nhạc sĩ Phạm Duy và ca sĩ Thái Hằng qua đời lúc 11 giờ 39 phút giờ địa phương (19:39 GMT) ngày 19/12/2012 sau khi bị hôn mê sâu vài ngày kể từ khi nhập viện khoảng một tuần trước đó.
    Cũng có ý kiến nói rằng ca sĩ Duy Quang được mọi người biết đến vì có cha là nhạc sĩ Phạm Duy và có lẽ được nổi tiếng nhờ vào những bài hát do cha ông sáng tác.
    Tuy nhiên nhà báo Kỳ Phát từ Hoa Kỳ nói với BBC rằng ''ngoài những nhạc phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy ông còn hát các nhạc phẩm của Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên và được rất nhiều người ưa thích và rằng Duy Quang là người có giọng hát rất đặc biệt và rất tình cảm.
    ''Duy Quang là người bạn đã trên 40 năm với tôi và anh là một người dễ thương, hiền lành và được rất nhiều người mến mộ trong phong trào nhạc trẻ trước năm 1975", ông Kỳ Phát cho biết.

    Sau năm 1975, ông kẹt lại ở Việt Nam nhưng vẫn tiếp tục tổ chức các buổi ca nhạc "chui" cùng với một số ca sĩ miền Nam bị chính quyền sau 1975 cấm hành nghề.
    Năm 1978, ông được bảo lãnh qua Pháp và sau đó sang định cư tại California, Hoa Kỳ.
    Vẫn tiếp tục theo đuổi con đường ca hát và thu băng đĩa của mình, sau một thời gian sống tại Hoa Kỳ, ông mở phòng thu âm và lập ra trung tâm băng đĩa nhạc DreamMusical Productions phát hành băng đĩa nhạc nhắm vào đối tượng cộng đồng người Việt hải ngoại.
    Băng nhạc đầu tiên của ông tại hải ngoại mang tên ''Về Đây Nghe Em'' được Ngọc Chánh và Thúy Nga phát hành năm 1982.
    Tổng cộng từ khi bước vào con đường ca hát tới khi qua đời, ông đã thu băng khoảng hơn 600 bài hát.
    ''Bị đánh''
    Năm 2004, ông Duy Quang trở về Việt Nam sống bằng nghề ca hát và kinh doanh phòng trà, quyết định khiến một số người trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ tức giận.
    ''Đặc biệt sau khi ông ngã bệnh và quyết định quay về Mỹ chữa trị, ông đã bị "rất nhiều người đánh" trên internet'' ông Kỳ Phát cho hay.
    Ông Duy Quang kết hôn ba lần, lần cuối vào năm 2007, nhưng cuộc hôn nhân cuối cùng này chỉ được hai năm. Ông có ba cô con gái đều đã trưởng thành (một với người vợ đầu và hai con gái với người vợ thứ hai).
    Trong cuốn Hồi ký của mình, nhạc sĩ Phạm Duy, cha ông, kể về kỷ niệm khi vợ ông sinh Duy Quang "Mùa Đông năm 1950, vợ tôi đẻ. Nhà hộ sinh ở ngay bên kia bờ sông Máng. Người đỡ đẻ là bà đỡ Ninh, từ Hà Nội tản cư ra đây, mang theo đầy đủ đồ nghề.
    ''Từ Việt Bắc, vợ tôi mang được cái bụng chửa về tới Chợ Neo để đẻ...
    "... Đứa bé ra đời nặng 3 ký, được đặt tên là Quảng. ... Nhưng khi di cư vào miền Nam, phải làm lại giấy khai sinh cho đứa bé thì không hiểu tại sao cái dấu hỏi đó lại bị mất đi?"
    Nhạc sĩ Phạm Duy vẫn đang ở Việt Nam và cũng đang đau ốm.

    Comment

    • #3

      Phút cuối của Duy Quang
      Cách đây hai tháng, sáng ngủ dậy có đứa bạn gọi nói: “Mới nghe đồn Duy Quang mất rồi, nhưng gọi qua nhà thì biết là đang cấp cứu, xem chừng nguy kịch. Cũng vì vậy mà biết được tin Phạm Duy cũng ngã bệnh, nặng”.

      Rồi Duy Quang được đưa về Mỹ chữa trị. Mấy bạn ở Mỹ tin về: anh hiện đang bị ung thư gan giai đoạn cuối. Bác sĩ điều trị trực tiếp cho biết là tình trạng bệnh tình coi như hết phương chữa trị, đang ở Orange Coast Hospital, đã không ăn uống gì được cả, chỉ chuyền sirum thôi. Mắt Duy Quang khi đó đã chuyển màu vàng và da sạm đen, nhìn sắc diện khó còn nhận ra anh. Thông tin lan nhanh, bạn bè bàng hoàng. Nhiều người họp lại bàn chuyện tổ chức đêm nhạc quyên tiền giúp anh chữa trị. Từ khi phát hiện bị bệnh nan y, Duy Quang tỏ ra rất cứng cỏi để chiến đấu chống lại bệnh tật và còn động viên gia đình, bạn bè không quá lo lắng cho anh.
      Tuy nhiên, sau gần hai tháng trở về Mỹ, bất ngờ bệnh tình của Duy Quang trở nặng. Anh vừa rơi vào hôn mê sâu tại bệnh viện Orange Coast (California) vào sáng 19.12. Lúc này, Duy Quang chỉ còn hơn 20kg. Vì biết bệnh tình anh quá nặng, nên tất cả con cái và người thân luôn túc trực bên anh.

      Sáng 20.12, tui nhận được tin nhắn của gia đình Duy Quang từ Mỹ, nguyên văn: "Anh Quang vừa ra đi vào khoảng 11A.M (19.11, giờ Mỹ) tại bệnh viện Fountain Valley, California".

      Duy Quang sinh 1950. Còn quá trẻ!

      Ngày xưa, những năm đại học ở KTX, 6 đứa con gái sống một phòng mà hết 5 đứa mê Duy Quang. Hồi đó, chỉ có catssette. “Thà như giọt mưa” (Duy Quang 3) được nhiều sinh viên tua đi tua lại tới nhão băng. Thích anh hát Hẹn hò, Hai năm tình lận đận, Chuyện tình buồn, Cô Bắc Kỳ nho nhỏ, Em hiền như Ma Soeur, Thà như giọt mưa… Tới giờ, nhiều năm trôi qua mà tôi vẫn nhớ như in hình ảnh nhỏ bạn tên Thu Duyên, buồn chuyện tình yêu hay ngồi cửa sổ phòng thòng chân xuống lầu gảy đàn hát đi hát lại: “Khiến người trăm năm đau khổ ăn năn. Khiến người tên Duyên đau khổ muôn niên…”. Đó cũng là thời đỉnh cao của Duy Quang; giọng hát tôi hâm mộ nhất trong suốt thời sinh viên của mình.
      Thời gian đầu khi Duy Quang về nước, anh hùn hạp mở quán phở 40 Trần Cao Vân với anh Văn Công Mỹ - chủ phòng trà Tiếng tơ đồng. Rồi dẹp tiệm, qua làm ăn chung với vợ chồng nhạc sĩ Xuân Hùng, mở phòng trà Văn Nghệ (14 Lam Sơn – Bình Thạnh). Rồi cơm không lành, anh lại bỏ ra mở tiếp phòng trà ở đầu đường Phổ Quang (Tân Bình). Đam mê là vậy, nhưng anh thường bảo mình không mát tay kinh doanh. Lại đóng cửa. Bỗng Duy Quang bất ngờ cưới vợ, ca sĩ Yến Xuân. Hai người mua căn hộ sống trong khu Screc (Q.3), nhưng không bao lâu thì li dị.


      Duy Quang - Yến Xuân thời còn mặn nồng
      Anh kín tiếng, thêm những đổ vỡ càng kín tiếng hơn. Duy Quang chỉ thật sự trở lại vào cuối năm 2010 khi trở thành cổ đông và phụ trách chuyên môn cho phòng trà Duy Tân (6B Phạm Ngọc Thạch, Q.1, TP.HCM), có sự cộng tác của Elvis Phương, Ý Lan, Khánh Hà, Tô Chấn Phong, ban nhạc Duy Cường... Hàng tuần ở đây có những chương trình đặc biệt “Duy Quang và những tình khúc”. Giọng anh về sau này cũng đã xuống nhiều, như quy luật của tuổi chiều.
      Sau khi tôi báo tin Duy Quang mất cho Lê Kiều Như, nghe bên kia điện thoại cô òa khóc nức nở. Tưởng như hai kẻ không có chỗ nào liên quan, nhưng kỳ thực Duy Quang với Lê Kiều Như có mối đồng cảm khá đặc biệt trong cuộc sống và âm nhạc. Anh từng tham gia song ca trong album “Nửa Hồn Thương Đau” (2006) của Lê Kiều Như. Vào đầu năm 2012, dự tính ra một album với những tình khúc lãng mạn, Lê Kiều Như và Duy Quang lại tiếp tục bắt tay nhau thực hiện. Album có 8 bài, trong đó Duy Quang hát đơn Chỉ chừng đó thôiBàn tay. Anh nói tặng riêng Lê Kiều Như, ngoài ra hai người còn song ca với nhau hai bản Phút cuối Ngày không có anh. Trong album còn có bài Kiếp đam mê, một trong những sáng tác ít ỏi của Duy Quang. Đây chính là những bản thu âm cuối cùng của Duy Quang. Lê Kiều Như dự tính sẽ đặt tựa album “Phút cuối” như một lời cảm ơn và thương nhớ một người anh, một người bạn đồng hành, người có cuộc sống ít khi được bình yên cùng một định mệnh ngắn ngủi.
      Ca sĩ Duy Quang sinh năm 1950 tại Bạch Mai, Hà Nội, trong gia đình họ Phạm thuộc loại danh gia, ông nội là nhà văn Phạm Duy Tốn, hai bác là học giả Phạm Duy Khiêm (1908 - 1974), nhạc sĩ Phạm Duy Nhượng, cha là Phạm Duy Cẩn (tức nhạc sĩ Phạm Duy). Mẹ của Duy Quang là danh ca Thái Hằng, dì là danh ca Thái Thanh, cậu là nhạc sĩ Phạm Đình Chương.

      Giữa thập niên 1960, Duy Quang cùng với Duy Hùng, Duy Minh, Duy Cường và Thái Hiền lập ban nhạc The Dreamers (Những kẻ mơ mộng), nổi tiếng trước 1975. Duy Quang đã hát gần 600 ca khúc, thu âm khoảng 400 bài tại tại hải ngoại và Việt Nam.
      Chỉ Chừng Đó Thôi - Duy Quang
      Thơ: Nguyễn Tất Nhiên
      Nhạc: Phạm Duy
      Chỉ chừng một năm thôi
      Là quên lời trăn trối,
      Ai nuối thương tình đôi,
      Chỉ chừng một năm thôi.

      Chỉ chừng một năm qua,
      Là phai gầy hương cũ,
      Hoa úa trong lòng ta,
      Chỉ cần một năm xa...

      Khi xưa em gầy gò đi ngang qua nhà thờ.
      Trông như con mèo khờ, chờ bàn tay nâng đỡ.
      Ta yêu em tình cờ, như cơn mưa đầu mùa,
      Rơi trên sân cỏ già, làm rụng đôi cánh hoa.

      Chỉ một chiều lê thê,
      Ngồi co mình trên ghế,
      Nghe mất đi tuổi thơ
      Chỉ một chiều bơ vơ.

      Chỉ chừng một cơn mưa,
      Để không ngờ chi nữa,
      Đi dưới mưa hồng nghe
      Giọt nhẹ vào tim ta...

      Ta yêu em mù lòa, như Ađam ngù ngờ
      Yêu Eva khù khờ, cuộc tình trinh tiết đó.
      Nhưng thiên tai còn chờ, đôi uyên ương vật vờ
      Chia nhau xong tội già, đày đọa lâu mới tha!

      Chỉ là chuyện đong đưa,
      Đời luôn là cơn gió
      Thay áo cho tình ta
      Chỉ là chuyện thiên thu...

      Chỉ cần một cơn mưa, chẳng ai còn yêu nhau.
      Nào ngỡ đâu tình yêu giăng bẫy nhau còn nhiều.
      Nghe lòng còn kho giáo, nghe tình còn khát khao.
      Nên gục đầu rất lâu, xưng tội cả kiếp sau.

      Cả chiều người yêu nhau,
      Còn ai là không thấu,
      Len giữa u tình sâu
      Một vài giọt ơn nhau...
      ... Tia sáng thiên đường cao rọi vào ngục tim nhau.

      Comment

      Working...
      X
      Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom