Loài chim ấy, 2 chân dài duỗi thẳng, chiếc cổ cao, đôi mắt đen láy hướng về phía trước đang tìm một nơi bình yên để đến. Loài chim ấy mang tên vạc – Như cánh vạc bay.
Tôi vẫn hình dung như thế, mỗi lần nghe bài “Như cánh vạc bay” của Trịnh
Như cánh vạc bay phải chăng là hình tượng trong giấc mơ của chàng?, nàng đến trên một đường bay và nàng đi chắc hẳn trên một đường bay xa tít.
Thiên nhiên, nắng, mưa, suối nguồn, đời trần gian đón nàng, nàng đẹp quá, nắng không hồng bằng đôi môi của nàng, mưa không buồn bằng đôi mắt nàng và tóc của nàng rớt xuống đời, tạo giông bảo, tạo đau khổ cho những người ý thức được một cách rõ ràng sinh mệnh của đời người: Ý thức thì vô hạn mà thân xác thì hữu hạn.
Nắng có hồng bằng đôi môi em
Mưa có buồn bằng đôi mắt em
Tóc em từng sợi nhỏ,
Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh.
Suối đón từng bàn chân em qua
Lá hát từ bàn tay thơm tho
Lá khô vì đợi chờ.
Cũng như đời người mãi âm u.
Vẻ đẹp của nàng thiêng liêng, cao quý, thánh thiện. Mọi ý muốn chiếm hữu đều tan biến, mọi mưu đồ đen tối đều thất bại. Hạnh phúc, ngày vui rồi sẽ qua mau. Trịnh Công Sơn trong tiềm thức đã linh cảm được:"Từ lúc đưa em về, là biết xa nghìn trùng".
Và mọi mong ước, đợi chờ đều khô héo: "Suối đón từng bàn chân em qua. Lá hát từ bàn tay thơm tho. Lá khô vì đợi chờ. Cũng như đời người mãi âm u. Nơi em về ngày vui không em? Nơi em về trời xanh không em? Ta nghe từng giọt lệ. Rớt xuống thành hồ nước long lanh".
“Như cánh vạc bay” là hình tượng mà trong đời ai cũng có giai đoạn trãi nghiệm. Đó là thời kỳ chúng ta chạy theo hình bóng. Chúng ta chỉ cảm nhận, chúng ta chỉ ước mơ để hướng tới.
“Như cánh vạc bay” phải chăng là người đẹp của thế giới ý tưởng (monde de l idee), người đẹp đó không thể có trong thế giới cảm tính (monde de sensible)?
Và cảm tính thì có giới hạn trong khi ý tưởng thì vô cùng.
Như cánh vạc bay là một ý thức thất bại tình yêu. Trong gặp mặt đã linh cảm chia tay: "từ lúc đưa em về là biết xa nghìn trùng".
Phải chăng ý thức thất bại là bản chất của tình yêu?
Nói cách khác, những người tình hạnh phúc là những người tình không hạnh phúc.
Trong tình yêu, người ta sống với nhau bằng những khoảnh khắc màu hồng, không vướng bận vật chât, không vướng bận mùi tục lụy trần gian.
Đó là những bọt bong bóng màu sắc rất dể tan biến.
Nếu một ngày anh đến với em bằng hôn nhân thì đời trần gian nhiều dục vọng, một ngày chúng ta lại chia tay nhau trong thất vọng về nhau.
Hãy để tình yêu vĩnh cửu khi chúng ta nói lời chia tay.
Như Kierkegaard yêu nàng Régine Olsen kinh khủng, nhưng sắp đến ngày thành hôn, Kierkegard trả lại nhẫn cưới. Chàng đã từ hôn. Và để Régine Olsen chóng quên chàng, Kierkegard tự bôi xấu hình ảnh của mình trước mắt nàng, buộc nàng phải là người chủ động bỏ chàng. Sau này trong nhật kí chàng tâm sự: "Tôi không bao gờ nghĩ tới giây phút người yêu của tôi lại trở thành người vợ" Những ngày tháng sau khi đã xa hẳn Régine Olsen, Kierkegard đau khổ đến tuyệt vọng. Và trong cơn tuyệt vọng, Kierkegard thú nhận mình đã trực giác được Thượng đế.
Sau này khi qua đời (1904), Kierkegaard đã chỉ định nàng Régine Olsen (lúc đó đã 84 tuổi) như người thừa hưởng toàn gia tài của chàng – Đây là một sự trao tặng có tính cách tinh thần hơn là vật chất.
Đối với Kierkegaard, việc cắt đứt cuộc đính hôn không phải là một kết thúc nhưng là một khởi đầu. Từ nay đời chàng sẽ đeo đuổi trong sự đối thoại với Régine.
Vậy “Như cánh vạc bay” là một nhắn gởi cho những người yêu nhau: Kinh nghiệm tình yêu là kinh nghiệm thất bại.
Và tôi, tôi nhớ bài thơ tình đầu tiên. Chiều cuối năm, 25 tháng chạp. Trời Huế lạnh như cắt. Nàng bước vào. Không gian chao đảo. Nụ cười, mái tóc, ánh mắt sau cặp kính cận dày. Nụ hôn đầu như cánh bướm rung nhẹ tõa hơi ấm xua tan hơi lạnh mùa đông. Tất cả, tất cả đều đã tan biến vào hư vô chỉ còn lại mình tôi, bài tình ca của Trịnh:”Từ lúc đưa em về là biết xa nghìn trùng”
Bài ca đó. Lời tiên tri đó mãi mãi là thông điệp đẹp nhất gửi cho những tình nhân.
Comment