VẤN ĐỀ TIỀN ĐỊNH VÀ SỐ MẠNG CON NGƯỜI
Tác Giả: Nguyễn Thanh Liêm
Người Việt Nam xưa hầu hết đều tin rằng con người ai cũng có số mạng cả. Thật ra không phải chỉ có người Việt Nam mà là loài người nói chung, ở vào thời kỳ khoa học chưa nẩy nở, đều tin ở những sự huyền bí thường bao trùm cả vũ trụ và cuộc sống của con người. Định mệnh là một trong những lẽ huyền bí đó. Từ giữa thế kỷ XVIII trở đi, khi khoa học bắt đầu phát triển mạnh lôi kéo theo sự tiến bộ nhanh chóng về kỹ thuật với bao nhiêu những khám phá và phát minh mới, số người tin ở những sự mầu nhiệm huyền bí có phần sút giảm phần nào. Người ta bắt đầu tin ở những giải thích của khoa học trong nhiều lãnh vực. Tuy nhiên vì khoa học không cắt nghĩa được hết các sự việc trên đời này cho nên người ta vẫn còn tin ở một số những lẽ huyền diệu siêu nhiên. Vấn đề định mệnh vẫn là một câu hỏi lớn trong đầu óc con người, không riêng gì cho người Việt Nam mà cho cả nhiều giống người khác trên thế giới, kể cả những nước văn minh như Hoa Kỳ. Khắp nơi trên thế giới, ngay bây giờ vẫn có nhiều người tin ở số mạng, tin ở sự tiền định nào đó.
Tiền định có nghĩa là đã được định trước. Con người khi sinh ra đời đã được định (hay bị định) trước rồi. Ta không có quyền gì cả trong vấn đề bị sinh ra đời. Tại sao ta phải sinh ra đời trong thời gian đó, trong không gian đó, trong gia đình đó, trong hoàn cảnh đó? Ta có sửa đổi thời gian, hoàn cảnh cũng như môi trường khi ta sinh ra đời này được không? Lẽ dĩ nhiên là không. Ta thấy ta đã được sinh ra đời với những yếu tố tiền định mà mình không được biết cũng như không được quyền chọn lựa. Đó là bước đầu khi ta hiện hữu trên cõi đời này. Sau đó khi ta lớn lên cuộc đời của ta cũng đã được định sẵn. Con đường đã được vạch ra và ta cứ phải theo đó mà đi từ lúc ta chào đời cho đến khi ta từ giã cõi đời. Tất cả đều được định sẵn. Mỗi người có số mạng của mình. Số mạng đó đã được định sẵn như vậy. Ta gọi đó là định mệnh.
Nếu có định mệnh thì ai có đủ quyền năng làm công việc định đoạt đó? Theo các nhà nho xưa thì Trời có đủ quyền năng để định đoạt mọi việc ở trong vũ trụ cũng như trên thế gian này. Cho nên đối với cuộc sống của con người trên đời này nhà nho xưa bảo “Tử sinh hữu mạng, phú quí tại thiên”, nghĩa là sống chết có số mạng, giàu nghèo đều do nơi Trời. Khổng Minh là người rất có tài, mưu kế giỏi không ai bằng. Ông đã dùng mưu dụ được Tư Mả Ý vào hang rồi cho quân sĩ bủa vây chất rơm nổi lửa đốt. Nhưng số của Tư Mả Ý chưa chết nên bỗng nhiên Trời lại nổi cơn mưa to làm cho lửa tắt hết và Tư Mả Ý thoát nạn. Khổng Minh thấy kế mình hay nhưng kết quả không được như mình mong ước, bèn than : “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, có nghĩa là người ta có thể mưu sự, tính toán, nhưng thành được hay không là do nơi Trời.
Có một số nhà nho tin tưởng ở định mệnh một cách tuyệt đối. Họ cho rằng bất cứ cái gì cũng do Trời định. Từ việc lớn đến việc nhỏ, không có điều gì mà không do sự định đoạt trước của số mạng. Cho nên họ bảo : “Nhất ẩm nhất trác dai do tiền định, vạn sự phận dĩ định”, có nghĩa là từ cái ăn cái uống cái gì cũng do Trời định trước, mọi việc đều đã được số phận an bài. Tin ở định mệnh một cách tuyệt đối như vậy không phải chỉ có ở Đông phương mà ở Tây phương cũng có. Các câu chuyện thần thoại ơÛ Đông phương cũng như ở Tây phương cho thấy xưa kia người ta tin tưởng tuyệt đối ở số mạng. Số mạng đã định thế nào rồi thì mọi việc sẽ xảy ra như vậy mà thôi không có cách gì sửa đổi được. Hai câu chuyện sau đây, một ở Đông phương và một ở Tây phương, cho thấy rõ điều đó. Chuyện thứ nhất kể rằng ngày xưa có một nhà sư trụ trì trong một ngôi chùa. Có một hôm nhà sư để ý thấy cái đèn treo giữa chính điện làm như bị mất dầu nhiều quá. Nhà sư nghi ngờ là có kẻ lấy trộm dầu của nhà chùa nên nhà sư bèn rình thử xem sao. Quả đúng như nhà sư nghĩ, giữa khuya có hai người từ trên nóc chùa trổ xuống lấy cắp dầu của chùa. Nhà sư bèn la lên, và hai người kia năn nỉ xin nhà sư tha tội cho họ. Nhà sư hỏi họ là ai? Tại sao lại lấy cắp của nhà chùa? Hai người kia cho nhà sư biết họ là hai vị thần làm sổ sách ở trên thiên đình. Gần đây phải làm sổ sách nhiều quá nên phải làm cả ban đêm mới kịp, và vì làm ban đêm nữa nên thiếu dầu và phải đi lấy trộm của nhà chùa. Nghe nói vậy nhà sư cũng lấy làm lạ, bèn hỏi hai người kia làm sổ sách gì mà nhiều thế? Hai người kia nói nhỏ riêng cho nhà sư biết là họ ghi tên vào sổ những người sẽ phải chết trong công cuộc nổi loạn của Hoàng Sào sau nầy. Nhà sư hỏi có phải Hoàng Sào là đứa chăn trâu trước cổng chùa của nhà sư đó không? Hai người kia trả lời :”Phải.” Nhà sư hỏi tiếp vậy chớ kẻ nào là kẻ đứng đầu sổ những người sẽ chết trong cuộc nổi loạn đó. Hai người kia buồn rầu trả lời :”Kẻ đó là nhà sư.” Tuy không tin lắm nhưng nhà sư cũng phòng xa, cho nên hôm sau nhà sư tìm Hoàng Sào cho nó đủ thứ đồ ăn rồi dặn nó rằng sau nầy khi nào nó làm loạn thì nó nhớ cho nhà sư hay để nhà sư tìm nơi an toàn ẩn tránh. Hoàng Sào hứa sẽ làm đúng như lời nhà sư dặn bảo. Về sau Hoàng Sào nổi loạn thật, và khi sắp sửa làm lễ tế cờ khởi loạn nó không quên lời dặn của nhà sư. Nó tìm đến nói rõ cho nhà sư hay là ngày mai nó sẽ làm lễ tế cờ nổi loạn chống triều đình. Nhà sư muốn đi tránh xa nhưng lại tiếc cảnh chùa của mình. Nhìn trước sau thấy trước sân chùa có cái bộng cây khá kín đáo, nhà sư bèn chui vào bộng cây trốn đỡ. Khi làm lễ tế cờ Hoàng Sào tuốt gươm ra nhìn quanh quẩn tìm vật gì để chém nhác gươm đầu tiên làm lệnh. Thấy quanh đó chỉ có cái cây to Hoàng Sào bèn thẳng tay bổ một nhác thật mạnh. Cái cây bị đứt ngang và cái đầu của nhà sư cũng bị văng ra lìa khỏi cổ. Nhà sư là người chết đầu tiên trong cuộc nổi loạn của Hoàng Sào đúng như lời tiết lộ trước của hai vị thần ăn cắp dầu của nhà chùa. Trời đã định như vậy rồi thì không chạy đâu cho khỏi.
Chuyện thứ hai xảy ra bên trời Tây là câu chuyện Oedipe trong thần thoại Hy Lạp. Ngày xưa vua thành Athenes khi vừa sinh hoàng tử Oedipe thì bèn đi xin một quẻ ở đền Delphi xem đứa nhỏ sau nầy sẽ ra sao. Thần linh báo cho biết là đứa nhỏ đó, tức là Oedipe, khi lớn lên sẽ giết cha nó và sẽ cưới mẹ nó làm vợ. Nghe lời báo chẳng lành nhà vua bèn sai quần thần đem đứa bé vứt ngoài đồng vắng cho nó chết đi. Oedipe bị bỏ rơi ngoài đồng nhưng nó không chết, nó được bọn người chăn chiên đem về nuôi dưỡng. Lớn lên Oedipe mạnh mẻ, khôn ngoan hơn người, nhưng nó không biết rõ nguồn gốc hoàng gia của mình. Một hôm trên đường vào Athenes nó phải đối đầu với nhà vua từ phía trước đi tới. Nhà vua buộc tội nó là đứa thất phu không biết tránh đường cho vua đi. Nó phẫn uất vì thái độ kẻ cả của nhà vua. Một cuộc so kiếm sắp xảy ra, và Oedipe đã nhanh tay giết chết nhà vua. Oedipe đã giết chết cha ruột của mình mà không biết, đúng như lời thần linh báo trước. Cùng lúc đó ở ngoài cửa thành Athenes có một con quỷ đầu người mình sư tử , gọi là con Sphinx, xuất hiện. Sphinx cho biết là nó sẽ rời bỏ chỗ đó nếu có người trả lời được đúng câu hỏi của nó, người nào trả lời sai sẽ bị giết chết. Những người ra vào cửa thành đều bị nó giết chết vì họ không trả lời đúng câu hỏi của nó đặt ra. Vì nhà vua đã bị giết chết thành ra quyền nhiếp chính lúc đó ở trong tay người anh của bà hoàng hậu. Ông nầy treo bảng thông báo là hễ người nào trả lời đúng để cho con quỷ Sphinx bỏ đi thì người đó sẽ được làm vua ở Athenes và sẽ được cưới bà hoàng hậu. Oedipe tình nguyện đi gặp Sphinx. Câu hỏi của Sphinx là: Con vật gì buổi sáng đi bốn chân, buổi trưa đi hai chân, và buổi chiều đi ba chân? Oedipe trả lời : Đó là con người. Buổi sáng là lúc nhỏ vì phải bò nên coi như đi bốn chân, buổi trưa là lúc lớn lên thì đi hai chân, và buổi chiều tức lúc tuổi già thì phải chóng gậy nửa nên kể như đi ba chân. Oedipe đã trả lời đúng, con Sphinx bỏ đi. Oedipe trở thành vua xứ Athenes, và được cưới bà hoàng hậu làm vợ. Oedipe đã cưới bà hoàng hậu tức mẹ ruột của mình làm vợ đúng như lời báo của thần linh trước đây. (Nhà phân tâm học Sigmund Freud đã dùng tên Oedipe để đặt tên cho cái mặc cảm mà ông đã khám phá ra về tình cảm của con cái đối với cha mẹ. Theo ông con gái thương cha và ghen ghét với mẹ và con trai thương mẹ và ghen ghét với cha bởi trong vô thức người ta mang khuynh hướng tự nhiên đó mà ông gọi nó là mặc cảm Oedipe. Freud đã mượn câu chuyện thần thoại này để nói về mặc cảm nói trên).
Thuyết định mệnh tuyệt đối, khắt khe theo cái nhìn của con người thuở xưa như đã thấy trên đây không dành cho con người ở trên cõi đời này một chút tự do nào. Con người cũng chẳng có chút giá trị gì cả vì nó chỉ là trò chơi của định mệnh, một thứ định mệnh hết sức khắt khe, đưa đẩy con người đến chỗ tột cùng của đau khổ mà không do lỗi của mình, cũng không có một chút quyền vùng vẫy tránh né. Nhà sư kia có tội gì đâu, tại sao phải chịu chết trước nhất trong cuộc nổi loạn của Hoàng Sào? Oedipe có tội gì? Tại sao định mệnh bắt Oedipe phải giết chính cha mình và cưới chính mẹ mình làm vợ? Chúng ta thấy thật là phi lý cho thứ định mệnh tuyệt đối khắt khe đưa đến thân phận đau đớn vô nghĩa (fatalism) của con người. Ai có quyền lực và khả năng ấn định trước định mệnh khắc nghiệt đó cho con người? Và tại sao lại quá khắc nghiệt như vậy cho một số người này trong khi đó lại quá chiều đãi một số người khác? Tại sao cho một số người giàu có sang trọng quá nhiều trong khi đó lại bắt những kẻ khác phải chịu cảnh nghèo đói khổ sở quá sức? Tại sao lại cho một số người có nhan sắc có sức khỏe và ngược lại một số những người khác xấu xí, bệnh tật ốm đau? Tại sao Trời cho một số người tài giỏi, thông minh, và một số người khác đần độn, bất tài, ngu ngốc?
Nếu có Thượng Đế, và nếu Thượng Đế đã làm công việc đặt để ra số phận của mỗi người theo như chúng ta đã thấy trên đây thì Thượng Đế có bất công không? Ngay cả việc Thượng Đế tự mình sinh ra con người ngoài ý muốn của con người cũng đã là một bất công phi lý rồi. Có ai muốn mình được sinh ra không? Nói một cách khoa học thì không ai muốn cả vì trước khi sinh ra đời mình đã có hiện hữu đâu để mà muốn. Cho nên một nhà Nho trước kia đã nổi loạn chống lại mệnh Trời qua bài thơ sau đây:
“Tích ngã vị sinh thì,
Minh minh vô sở tri.
Thiên công hốt sinh ngã,
Sinh ngã phục hà vi?
Vô y sử ngã hàn,
Vô phạn sử ngã cơ.
Hoàn nhỉ thiên sinh ngã,
Hoàn ngã vị sinh thì.” (Khuyết danh)
(Ý nghĩa của bài thơ này là:
Ngày xưa, trước khi tôi bị sinh ra đời,
Mịt mù đen tối, tôi nào biết chi đâu.
Bỗng nhiên Trời sinh tôi ra trên đời này,
Trời sinh tôi ra để làm chi?
Không quần áo chi cả khiến cho tôi phải lạnh,
Không cơm ăn khiến cho tôi phải đói.
Tôi xin trả lại cho ông Trời cái việc Trời sinh ra tôi,
Và xin Trời hãy trả lại cho tôi cái trạng thái lúc tôi chưa sinh ra đời.)
Tính cách phi lý trong thuyết định mệnh khắt khe tuyệt đối trên đây khiến cho một số các nhà tôn giáo và triết lý khác không chấp nhận. Một số nhà hiền triết đã nhìn sự kiện định mệnh một cách khác hơn. Ấn giáo (Hinduism), Phật giáo và Jainism quan niệm con người có tự do, có nhiều kiếp sống, có luật nhân quả. Mọi người đều có quyền tự do và tự quyết (free will). Mỗi người tự chọn lựa, tự quyết định những hành động của mình không do một quyết định nào từ bên ngoài. Chính hành động đó sẽ đưa đến những hậu quả của nó. Hậu quả đó có thể xảy ra liền trong kiếp này hay có thể xảy ra trong kiếp khác. Thành ra định mệnh không gì khác hơn là hậu quả của những gì mình đã tạo ra trước đó. Bạn cố gắng tu hành, làm nhiều việc thiện trong kiếp này là bạn đã tạo dựng một định mệnh tốt đẹp cho kiếp sau của bạn vậy. Thuyết định mệnh theo ý nghĩa đó đã được các nhà nho tóm tắt trong câu :”Dục tri tiền thế nhân, kim sinh thụ giả thị; Dục tri lai thế quả, kim sinh tác giả thị.”(có nghĩa là: muốn biết trong kiếp sống trước mình đã làm những gì thì hãy nhìn xem hiện tại trong kiếp này mình đang được hưởng những gì; Muốn biết trong kiếp sau mình sẽ được hưởng nhử ng gì thì hãy nhìn xem trong kiếp sống hiện tại mình đang làm được những gì) . Theo thuyết này thì con người có nhiều kiếp sống: kiếp trước, kiếp này, và kiếp sau. Mỗi kiếp sống gồm có hai phần: một phần là kết quả của kiếp trước và một phần là nguyên nhân của kiếp sau. Thí dụ anh A được sinh ra trong một gia đình giàu có sang trọng, lại được thông minh học giỏi nên anh A học thành tài đỗ đạt cao, có địa vị lớn trong xã hội, hưởng nhiều may mắn hạnh phúc sung sướng trên đời. Nhưng vì quá giàu sang danh vọng anh A thường khinh thường người nghèo khó, lại nhiều khi có những hành động hà hiếp kẻ dưới tay, và đôi khi không tránh được một số những việc làm độc ác cốt để làm giàu thêm cho cá nhân mình. Trong kiếp sống hiện tại của anh A ta thấy có hai phần: một phần là những gì anh đang thụ hưởng và một phần khác là những gì anh đang làm. Phần anh đang được thụ hưởng là phần được sinh ra trong một gia đình giàu có sang trọng, lại thông minh, được may mắn thành công và hưởng nhiều hạnh phúc sung sướng ở đời. Phần này là kết quả của những việc làm có thể là rất tốt, rất thiện, rất đạo đức của anh hồi kiếp trước. Tuy nhiên phần anh đang làm trong kiếp này như khinh người, hiếp đáp kẻ khác, có những hành động độc ác, thì những việc làm xấu xa đó là nguyên nhân của một kiếp sau có thể là sẽ rất hèn hạ khổ đau. Kiếp sau có thể anh A sẽ phải sinh ra trong gia đình nghèo khó, lại có thể không đủ khôn ngoan, không có cơ hội học hành, phải sống cuộc đời nghèo khổ bị nhiều người khinh bỉ, vv..... Tóm lại theo thuyết này thì con người có hoàn toàn tự do, và có đầy đủ trách nhiệm về cuộc sống của mình. Mình làm tốt mình được hưởng kết quả tốt, mình làm ác mình sẽ phải gánh lấy hậu quả xấu xa trong tương lai. Tốt hay xấu là hoàn toàn do nơi mình mà thôi chớ không có một áp lực nào từ bên ngoài. Thuyết này được nhiều người chấp nhận và áp dụng ở ngoài đời. Trong thực tế ai cũng biết là khi ta đối xử tử tế, lịch sự, tốt đẹp đối với những người chung quanh ta thì dĩ nhiên ta cũng sẽ được nhiều người đối xử tử tế, lịch sự, và tốt đẹp lại. Ngược lại nếu ta có những hành vi không ra gì đối với những người chung quanh ta thì khó mà mong rằng người ta thương mến, đối xử tốt với mình. Thực tế cho thấy không ai chịu tốt bụng để cứ đối xử tốt đẹp mãi với một người đã có lối xử sự không ra gì đối với mình. “Bánh sáp đi, bánh quy lại” cũng như “ăn miếng thì trả miếng”, tức là”oeil pour oeil, dent pour dent” như người Pháp nói. Mặt khác, thuyết này hoàn toàn trái ngược với thuyết tiền định khắc nghiệt ở bên trên. Hai thuyết này là hai thái cực, hoàn toàn trái ngược nhau. Một bên thì cho rằng con người không có một chút tự do, một chút quyền nào cả, tất cả đều do tiền định; còn một bên thì cho con người có hoàn toàn tự do hoàn toàn có quyền lựa chọn quyết định mọi hành động của mình không có ai hay cái gì ở ngoài chen vào.
Một số tư tưởng gia khác đã đưa ra một thuyết thứ ba để dung hòa bằng cách bao gồm cả hai thuyết trên. Thuyết thứ ba này cho rằng “Có Trời mà cũng tại ta” như Nguyễn Du đã viết trong Đoạn Trường Tân Thanh. Trời định bao nhiêu, ta định bao nhiêu không thấy nói. Chỉ thấy nói “Đức Năng Thắng Số” hoặc làm phải, làm phước thì có thể cải số được. Thuyết này có vẽ hữu lý đối với phần đông người đời. Nó có vẽ thực tế và có thể đáp ứng đúng lòng mong mỏi của nhiều người. Ai cũng mong muốn là mình có thể làm chút gì đó để xin Trời xét lại, thương cho mình và cho mình được sống cuộc đời đỡ khổ hơn, hoặc sung sướng hơn. Thậm chí có người còn có thể nói :”Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều,” (Nguyễn Du) có nghĩa là xưa nay quyết định của người ta cũng thắng được quyết định của Trời cũng nhiều. Thật sự làm sao mà biết được trường hợp nào là trường hợp “nhân định thắng thiên”? Và người ta thắng được quyết định của Trời (định mệnh) bao nhiêu lần mà gọi là nhiều? Truyện cổ có kể chuyện anh học trò mấy lần cải số của mình nhưng những lần cải đổi đó đều do Trời cho sửa lại số của anh ta chớ không phải là tự anh ta làm trái với số Trời đã định mà có thể thắng số Trời được. Chuyện kể có một anh học trò kia hằng ngày trên đường đi học phải đi ngang qua một con chó đá. Hôm nọ khi anh ta đi ngang qua thì thấy con chó đá hả miệng cười với anh ta. Anh học trò lấy làm lạ bèn hỏi: “Hằng ngày ta đi ngang đây chưa bao giờ ta thấy nhà ngươi cười cả, sao hôm nay nhà ngươi lại cười với ta vậy?” Chó đá trả lời: “Hôm nay tôi cười là để mừng ông vì ông vừa được Trời cho ghi tên ông vào danh sách những người thi đậu trong kỳ thi tới. Được vậy là nhờ ông học hành siêng năng lại ăn ở hiền lành nên Trời thương mà cho như vậy.” Anh học trò nghe vậy lấy làm mừng rỡ bèn về thưa lại với cha mình. Ông cha nghe con mình sắp sửa thi đậu làm quan nên bắt đầu tỏ ra hống hách với xóm làng. Dân làng phẫn uất lắm nhưng không dám nói vì sợ lãnh hậu quả không tốt khi người con ông kia thi đậu thật. Tuy nhiên việc làm xấu xa của ông cha đã làm cho Trời bực mình. Trời liền thay đổi ý, cho sửa số ông con lại là thi hỏng chớ không phải là thi đậu nữa. Liền sau khi Trời cho sửa số lại thì con chó đá không thèm cười với anh học trò nữa. Thấy chó đá bổng trở lại lãnh đạm với mình, anh học trò hỏi nó tại sao hôm nay nó không cười mừng anh ta nữa? Chó đá trả lời là vì người cha của anh học trò hống hách, làm nhiều điều tội lỗi nên Trời đã bôi tên anh học trò trong sổ những người thi đỗ rồi. Anh học trò nghe vậy buồn rầu về thưa lại với cha. Ông cha nghe nói rất lấy làm hối hận. Hai cha con liền lo tu tĩnh, làm lại việc thiện, tạo nhiều phước đức để chuộc tội. Họ làm như vậy một thời gian sau thì Trời lại thương tình nên cho cải đổi số anh học trò một lần nữa để cho anh ta thi đậu trong khóa tới nữa. Một hôm đi ngang chó đá anh học trò thấy chó đá bắt đầu cười lại với anh ta. Hỏi ra thì biết là nhờ ở sự ăn năn tu tỉnh làm nhiều điều phước đức của hai cha con mà Trời thương và cho sửa đổi số lại một lần nữa. Lần nầy anh học trò cố giữ kín tin nầy, không dám cho ông bố biết. Ông cha không hay biết gì cứ tiếp tục ăn năn, tiếp tục làm việc thiện cho đến ngày ông con thi đỗ thật sự và ra làm quan cho triều đình. Qua câu chuyện này ta thấy người ta vẫn quan niệm rằng số mạng vẫn do Trời định, chớ con người chẳng có sửa đổi gì được. Con người chỉ có thể làm lành, cầu khẩn để xin Trời sửa số lại mà thôi. Quyết định cuối cùng cũng vẫn là Trời. Phần “tại ta” cũng có nhưng vẫn phải tùy thuộc rất nhiều ở Trời. Thành ra câu “đức năng thắng số” hay “nhân định thắng thiên” thật sự không đúng, đáng lý ra phải nói “đức có thể động lòng Trời để Trời cho sửa số lại” mới phải. Dù sao thì trong lối tin tưởng này con người vẫn có chút tự do, có phần tham dự của mình, của cái ta của con người trong đó. Nó khác hơn thuyết định mệnh tuyệt đối đã thấy ở phần đầu vốn là thuyết phủ nhận mọi tự do, mọi cố gắng của con người trong vấn đề định mệnh.
Khoa học có chấp nhận tiền định không? Có, nhưng không phải loại tiền định có tính cách huyền bí siêu nhiên như đã thấy ở trên. Theo khoa học thì bất cứ cái gì xảy ra cũng đều có nguyên nhân của nó. Những nguyên nhân đưa tới sự việc là yếu tố quyết định (determining factors) của sự việc đó. Chữ dùng đúng theo khoa học là tất định thuyết (determinism) chớ không phải là số mạng (destiny) hay tiền định (pre-determined). Khoa học gia có thể tìm tòi, nghiên cứu, thử nghiệm để tìm ra nguyên nhân của sự việc, giải thích sự việc, và có thể đi tới những định luật khoa học. Lẽ dĩ nhiên là người ta đã rất thành công đối với những đối tượng vật chất như trong vật lý, hóa học, sinh vật học, vv... Trong lãnh vực tâm lý, xã hội thì kết quả không mấy chính xác dứt khoát, có khi chỉ mới là một thuyết lý mà thôi dù vẫn mang tính cách suy luận và chứng minh khoa học. Thí dụ như cuộc đời gian truân của Thúy Kiều trong quyển Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du chẳng hạn. Cuộc đời gian truân đó là do nơi số mạng, do nơi Trời định trước như vậy hay do những yếu tố sinh vật lý hoặc tâm lý nào quyết định? Câu hỏi này sẽ được nhiều người trả lời khác nhau, tùy theo quan điểm triết lý của mỗi người. Người theo nhà nho xưa tin ở Thiên Mệnh thì bảo đó là do Trời định. Người tin theo luân hồi nghiệp báo của nhà Phật thì cho rằng đó là cái nghiệp mà nàng Kiều đã tạo ra từ kiếp trước và bây giờ nàng phải trả ở kiếp này. Người tin theo khoa học như Nguyễn Bách Khoa trước kia, có thể dùng tâm phân học của Freud để giải thích số kiếp gian truân của Kiều, và câu trả lời theo thuyết này là “vô thức” đã quyết định những hành động phiêu lưu của Kiều mà chính nàng cũng như người thường cho là “ma đưa lối quỷ dẫn đường.” Cũng có người tin theo khoa học tân tiến ngày nay, tin ở vai trò quyết định của di truyền, của cái gene, của những yếu tố tâm sinh lý của mỗi người.
Thành ra vấn đề định mệnh, nhất là câu hỏi con người có số mạng hay không, cho đến giờ phút này vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát, thỏa đáng. Tùy ở mỗi người, hay đúng hơn, tùy theo lòng tin của mỗi người. Tin ở Thiên Mệnh, tin ở Nghiệp Báo, hay tin ở Khoa Học, tất cả đều do khuynh hướng bẩm sinh của mỗi người. Khuynh hướng tự nhiên đó sẽ hướng dẫn mỗi người trong sự lựa chọn câu trả lời cho thích hợp. Điều tối quan trọng là con người có sửa đổi định mệnh được không? Nếu được thì tự mình sửa đổi hay ai giúp mình sửa đổi? Chính những câu trả lời cho những câu hỏi này mới có ảnh hưởng thật nhiều đến cuộc sống của mỗi người. Thực tế nhất và cũng có lợi nhất là theo câu trả lời của Nguyễn Du: “Có Trời mà cũng tại ta” và “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều.” Hãy tin như vậy để mình còn cố gắng hết sức mình đương đầu với những khó khăn của cuộc sống chớ đừng nên tin ở định mệnh tuyệt đối để buông xuôi tay một cách tiêu cực, xem như đầu hàng trước định mệnh.
Tác Giả: Nguyễn Thanh Liêm
Người Việt Nam xưa hầu hết đều tin rằng con người ai cũng có số mạng cả. Thật ra không phải chỉ có người Việt Nam mà là loài người nói chung, ở vào thời kỳ khoa học chưa nẩy nở, đều tin ở những sự huyền bí thường bao trùm cả vũ trụ và cuộc sống của con người. Định mệnh là một trong những lẽ huyền bí đó. Từ giữa thế kỷ XVIII trở đi, khi khoa học bắt đầu phát triển mạnh lôi kéo theo sự tiến bộ nhanh chóng về kỹ thuật với bao nhiêu những khám phá và phát minh mới, số người tin ở những sự mầu nhiệm huyền bí có phần sút giảm phần nào. Người ta bắt đầu tin ở những giải thích của khoa học trong nhiều lãnh vực. Tuy nhiên vì khoa học không cắt nghĩa được hết các sự việc trên đời này cho nên người ta vẫn còn tin ở một số những lẽ huyền diệu siêu nhiên. Vấn đề định mệnh vẫn là một câu hỏi lớn trong đầu óc con người, không riêng gì cho người Việt Nam mà cho cả nhiều giống người khác trên thế giới, kể cả những nước văn minh như Hoa Kỳ. Khắp nơi trên thế giới, ngay bây giờ vẫn có nhiều người tin ở số mạng, tin ở sự tiền định nào đó.
Tiền định có nghĩa là đã được định trước. Con người khi sinh ra đời đã được định (hay bị định) trước rồi. Ta không có quyền gì cả trong vấn đề bị sinh ra đời. Tại sao ta phải sinh ra đời trong thời gian đó, trong không gian đó, trong gia đình đó, trong hoàn cảnh đó? Ta có sửa đổi thời gian, hoàn cảnh cũng như môi trường khi ta sinh ra đời này được không? Lẽ dĩ nhiên là không. Ta thấy ta đã được sinh ra đời với những yếu tố tiền định mà mình không được biết cũng như không được quyền chọn lựa. Đó là bước đầu khi ta hiện hữu trên cõi đời này. Sau đó khi ta lớn lên cuộc đời của ta cũng đã được định sẵn. Con đường đã được vạch ra và ta cứ phải theo đó mà đi từ lúc ta chào đời cho đến khi ta từ giã cõi đời. Tất cả đều được định sẵn. Mỗi người có số mạng của mình. Số mạng đó đã được định sẵn như vậy. Ta gọi đó là định mệnh.
Nếu có định mệnh thì ai có đủ quyền năng làm công việc định đoạt đó? Theo các nhà nho xưa thì Trời có đủ quyền năng để định đoạt mọi việc ở trong vũ trụ cũng như trên thế gian này. Cho nên đối với cuộc sống của con người trên đời này nhà nho xưa bảo “Tử sinh hữu mạng, phú quí tại thiên”, nghĩa là sống chết có số mạng, giàu nghèo đều do nơi Trời. Khổng Minh là người rất có tài, mưu kế giỏi không ai bằng. Ông đã dùng mưu dụ được Tư Mả Ý vào hang rồi cho quân sĩ bủa vây chất rơm nổi lửa đốt. Nhưng số của Tư Mả Ý chưa chết nên bỗng nhiên Trời lại nổi cơn mưa to làm cho lửa tắt hết và Tư Mả Ý thoát nạn. Khổng Minh thấy kế mình hay nhưng kết quả không được như mình mong ước, bèn than : “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, có nghĩa là người ta có thể mưu sự, tính toán, nhưng thành được hay không là do nơi Trời.
Có một số nhà nho tin tưởng ở định mệnh một cách tuyệt đối. Họ cho rằng bất cứ cái gì cũng do Trời định. Từ việc lớn đến việc nhỏ, không có điều gì mà không do sự định đoạt trước của số mạng. Cho nên họ bảo : “Nhất ẩm nhất trác dai do tiền định, vạn sự phận dĩ định”, có nghĩa là từ cái ăn cái uống cái gì cũng do Trời định trước, mọi việc đều đã được số phận an bài. Tin ở định mệnh một cách tuyệt đối như vậy không phải chỉ có ở Đông phương mà ở Tây phương cũng có. Các câu chuyện thần thoại ơÛ Đông phương cũng như ở Tây phương cho thấy xưa kia người ta tin tưởng tuyệt đối ở số mạng. Số mạng đã định thế nào rồi thì mọi việc sẽ xảy ra như vậy mà thôi không có cách gì sửa đổi được. Hai câu chuyện sau đây, một ở Đông phương và một ở Tây phương, cho thấy rõ điều đó. Chuyện thứ nhất kể rằng ngày xưa có một nhà sư trụ trì trong một ngôi chùa. Có một hôm nhà sư để ý thấy cái đèn treo giữa chính điện làm như bị mất dầu nhiều quá. Nhà sư nghi ngờ là có kẻ lấy trộm dầu của nhà chùa nên nhà sư bèn rình thử xem sao. Quả đúng như nhà sư nghĩ, giữa khuya có hai người từ trên nóc chùa trổ xuống lấy cắp dầu của chùa. Nhà sư bèn la lên, và hai người kia năn nỉ xin nhà sư tha tội cho họ. Nhà sư hỏi họ là ai? Tại sao lại lấy cắp của nhà chùa? Hai người kia cho nhà sư biết họ là hai vị thần làm sổ sách ở trên thiên đình. Gần đây phải làm sổ sách nhiều quá nên phải làm cả ban đêm mới kịp, và vì làm ban đêm nữa nên thiếu dầu và phải đi lấy trộm của nhà chùa. Nghe nói vậy nhà sư cũng lấy làm lạ, bèn hỏi hai người kia làm sổ sách gì mà nhiều thế? Hai người kia nói nhỏ riêng cho nhà sư biết là họ ghi tên vào sổ những người sẽ phải chết trong công cuộc nổi loạn của Hoàng Sào sau nầy. Nhà sư hỏi có phải Hoàng Sào là đứa chăn trâu trước cổng chùa của nhà sư đó không? Hai người kia trả lời :”Phải.” Nhà sư hỏi tiếp vậy chớ kẻ nào là kẻ đứng đầu sổ những người sẽ chết trong cuộc nổi loạn đó. Hai người kia buồn rầu trả lời :”Kẻ đó là nhà sư.” Tuy không tin lắm nhưng nhà sư cũng phòng xa, cho nên hôm sau nhà sư tìm Hoàng Sào cho nó đủ thứ đồ ăn rồi dặn nó rằng sau nầy khi nào nó làm loạn thì nó nhớ cho nhà sư hay để nhà sư tìm nơi an toàn ẩn tránh. Hoàng Sào hứa sẽ làm đúng như lời nhà sư dặn bảo. Về sau Hoàng Sào nổi loạn thật, và khi sắp sửa làm lễ tế cờ khởi loạn nó không quên lời dặn của nhà sư. Nó tìm đến nói rõ cho nhà sư hay là ngày mai nó sẽ làm lễ tế cờ nổi loạn chống triều đình. Nhà sư muốn đi tránh xa nhưng lại tiếc cảnh chùa của mình. Nhìn trước sau thấy trước sân chùa có cái bộng cây khá kín đáo, nhà sư bèn chui vào bộng cây trốn đỡ. Khi làm lễ tế cờ Hoàng Sào tuốt gươm ra nhìn quanh quẩn tìm vật gì để chém nhác gươm đầu tiên làm lệnh. Thấy quanh đó chỉ có cái cây to Hoàng Sào bèn thẳng tay bổ một nhác thật mạnh. Cái cây bị đứt ngang và cái đầu của nhà sư cũng bị văng ra lìa khỏi cổ. Nhà sư là người chết đầu tiên trong cuộc nổi loạn của Hoàng Sào đúng như lời tiết lộ trước của hai vị thần ăn cắp dầu của nhà chùa. Trời đã định như vậy rồi thì không chạy đâu cho khỏi.
Chuyện thứ hai xảy ra bên trời Tây là câu chuyện Oedipe trong thần thoại Hy Lạp. Ngày xưa vua thành Athenes khi vừa sinh hoàng tử Oedipe thì bèn đi xin một quẻ ở đền Delphi xem đứa nhỏ sau nầy sẽ ra sao. Thần linh báo cho biết là đứa nhỏ đó, tức là Oedipe, khi lớn lên sẽ giết cha nó và sẽ cưới mẹ nó làm vợ. Nghe lời báo chẳng lành nhà vua bèn sai quần thần đem đứa bé vứt ngoài đồng vắng cho nó chết đi. Oedipe bị bỏ rơi ngoài đồng nhưng nó không chết, nó được bọn người chăn chiên đem về nuôi dưỡng. Lớn lên Oedipe mạnh mẻ, khôn ngoan hơn người, nhưng nó không biết rõ nguồn gốc hoàng gia của mình. Một hôm trên đường vào Athenes nó phải đối đầu với nhà vua từ phía trước đi tới. Nhà vua buộc tội nó là đứa thất phu không biết tránh đường cho vua đi. Nó phẫn uất vì thái độ kẻ cả của nhà vua. Một cuộc so kiếm sắp xảy ra, và Oedipe đã nhanh tay giết chết nhà vua. Oedipe đã giết chết cha ruột của mình mà không biết, đúng như lời thần linh báo trước. Cùng lúc đó ở ngoài cửa thành Athenes có một con quỷ đầu người mình sư tử , gọi là con Sphinx, xuất hiện. Sphinx cho biết là nó sẽ rời bỏ chỗ đó nếu có người trả lời được đúng câu hỏi của nó, người nào trả lời sai sẽ bị giết chết. Những người ra vào cửa thành đều bị nó giết chết vì họ không trả lời đúng câu hỏi của nó đặt ra. Vì nhà vua đã bị giết chết thành ra quyền nhiếp chính lúc đó ở trong tay người anh của bà hoàng hậu. Ông nầy treo bảng thông báo là hễ người nào trả lời đúng để cho con quỷ Sphinx bỏ đi thì người đó sẽ được làm vua ở Athenes và sẽ được cưới bà hoàng hậu. Oedipe tình nguyện đi gặp Sphinx. Câu hỏi của Sphinx là: Con vật gì buổi sáng đi bốn chân, buổi trưa đi hai chân, và buổi chiều đi ba chân? Oedipe trả lời : Đó là con người. Buổi sáng là lúc nhỏ vì phải bò nên coi như đi bốn chân, buổi trưa là lúc lớn lên thì đi hai chân, và buổi chiều tức lúc tuổi già thì phải chóng gậy nửa nên kể như đi ba chân. Oedipe đã trả lời đúng, con Sphinx bỏ đi. Oedipe trở thành vua xứ Athenes, và được cưới bà hoàng hậu làm vợ. Oedipe đã cưới bà hoàng hậu tức mẹ ruột của mình làm vợ đúng như lời báo của thần linh trước đây. (Nhà phân tâm học Sigmund Freud đã dùng tên Oedipe để đặt tên cho cái mặc cảm mà ông đã khám phá ra về tình cảm của con cái đối với cha mẹ. Theo ông con gái thương cha và ghen ghét với mẹ và con trai thương mẹ và ghen ghét với cha bởi trong vô thức người ta mang khuynh hướng tự nhiên đó mà ông gọi nó là mặc cảm Oedipe. Freud đã mượn câu chuyện thần thoại này để nói về mặc cảm nói trên).
Thuyết định mệnh tuyệt đối, khắt khe theo cái nhìn của con người thuở xưa như đã thấy trên đây không dành cho con người ở trên cõi đời này một chút tự do nào. Con người cũng chẳng có chút giá trị gì cả vì nó chỉ là trò chơi của định mệnh, một thứ định mệnh hết sức khắt khe, đưa đẩy con người đến chỗ tột cùng của đau khổ mà không do lỗi của mình, cũng không có một chút quyền vùng vẫy tránh né. Nhà sư kia có tội gì đâu, tại sao phải chịu chết trước nhất trong cuộc nổi loạn của Hoàng Sào? Oedipe có tội gì? Tại sao định mệnh bắt Oedipe phải giết chính cha mình và cưới chính mẹ mình làm vợ? Chúng ta thấy thật là phi lý cho thứ định mệnh tuyệt đối khắt khe đưa đến thân phận đau đớn vô nghĩa (fatalism) của con người. Ai có quyền lực và khả năng ấn định trước định mệnh khắc nghiệt đó cho con người? Và tại sao lại quá khắc nghiệt như vậy cho một số người này trong khi đó lại quá chiều đãi một số người khác? Tại sao cho một số người giàu có sang trọng quá nhiều trong khi đó lại bắt những kẻ khác phải chịu cảnh nghèo đói khổ sở quá sức? Tại sao lại cho một số người có nhan sắc có sức khỏe và ngược lại một số những người khác xấu xí, bệnh tật ốm đau? Tại sao Trời cho một số người tài giỏi, thông minh, và một số người khác đần độn, bất tài, ngu ngốc?
Nếu có Thượng Đế, và nếu Thượng Đế đã làm công việc đặt để ra số phận của mỗi người theo như chúng ta đã thấy trên đây thì Thượng Đế có bất công không? Ngay cả việc Thượng Đế tự mình sinh ra con người ngoài ý muốn của con người cũng đã là một bất công phi lý rồi. Có ai muốn mình được sinh ra không? Nói một cách khoa học thì không ai muốn cả vì trước khi sinh ra đời mình đã có hiện hữu đâu để mà muốn. Cho nên một nhà Nho trước kia đã nổi loạn chống lại mệnh Trời qua bài thơ sau đây:
“Tích ngã vị sinh thì,
Minh minh vô sở tri.
Thiên công hốt sinh ngã,
Sinh ngã phục hà vi?
Vô y sử ngã hàn,
Vô phạn sử ngã cơ.
Hoàn nhỉ thiên sinh ngã,
Hoàn ngã vị sinh thì.” (Khuyết danh)
(Ý nghĩa của bài thơ này là:
Ngày xưa, trước khi tôi bị sinh ra đời,
Mịt mù đen tối, tôi nào biết chi đâu.
Bỗng nhiên Trời sinh tôi ra trên đời này,
Trời sinh tôi ra để làm chi?
Không quần áo chi cả khiến cho tôi phải lạnh,
Không cơm ăn khiến cho tôi phải đói.
Tôi xin trả lại cho ông Trời cái việc Trời sinh ra tôi,
Và xin Trời hãy trả lại cho tôi cái trạng thái lúc tôi chưa sinh ra đời.)
Tính cách phi lý trong thuyết định mệnh khắt khe tuyệt đối trên đây khiến cho một số các nhà tôn giáo và triết lý khác không chấp nhận. Một số nhà hiền triết đã nhìn sự kiện định mệnh một cách khác hơn. Ấn giáo (Hinduism), Phật giáo và Jainism quan niệm con người có tự do, có nhiều kiếp sống, có luật nhân quả. Mọi người đều có quyền tự do và tự quyết (free will). Mỗi người tự chọn lựa, tự quyết định những hành động của mình không do một quyết định nào từ bên ngoài. Chính hành động đó sẽ đưa đến những hậu quả của nó. Hậu quả đó có thể xảy ra liền trong kiếp này hay có thể xảy ra trong kiếp khác. Thành ra định mệnh không gì khác hơn là hậu quả của những gì mình đã tạo ra trước đó. Bạn cố gắng tu hành, làm nhiều việc thiện trong kiếp này là bạn đã tạo dựng một định mệnh tốt đẹp cho kiếp sau của bạn vậy. Thuyết định mệnh theo ý nghĩa đó đã được các nhà nho tóm tắt trong câu :”Dục tri tiền thế nhân, kim sinh thụ giả thị; Dục tri lai thế quả, kim sinh tác giả thị.”(có nghĩa là: muốn biết trong kiếp sống trước mình đã làm những gì thì hãy nhìn xem hiện tại trong kiếp này mình đang được hưởng những gì; Muốn biết trong kiếp sau mình sẽ được hưởng nhử ng gì thì hãy nhìn xem trong kiếp sống hiện tại mình đang làm được những gì) . Theo thuyết này thì con người có nhiều kiếp sống: kiếp trước, kiếp này, và kiếp sau. Mỗi kiếp sống gồm có hai phần: một phần là kết quả của kiếp trước và một phần là nguyên nhân của kiếp sau. Thí dụ anh A được sinh ra trong một gia đình giàu có sang trọng, lại được thông minh học giỏi nên anh A học thành tài đỗ đạt cao, có địa vị lớn trong xã hội, hưởng nhiều may mắn hạnh phúc sung sướng trên đời. Nhưng vì quá giàu sang danh vọng anh A thường khinh thường người nghèo khó, lại nhiều khi có những hành động hà hiếp kẻ dưới tay, và đôi khi không tránh được một số những việc làm độc ác cốt để làm giàu thêm cho cá nhân mình. Trong kiếp sống hiện tại của anh A ta thấy có hai phần: một phần là những gì anh đang thụ hưởng và một phần khác là những gì anh đang làm. Phần anh đang được thụ hưởng là phần được sinh ra trong một gia đình giàu có sang trọng, lại thông minh, được may mắn thành công và hưởng nhiều hạnh phúc sung sướng ở đời. Phần này là kết quả của những việc làm có thể là rất tốt, rất thiện, rất đạo đức của anh hồi kiếp trước. Tuy nhiên phần anh đang làm trong kiếp này như khinh người, hiếp đáp kẻ khác, có những hành động độc ác, thì những việc làm xấu xa đó là nguyên nhân của một kiếp sau có thể là sẽ rất hèn hạ khổ đau. Kiếp sau có thể anh A sẽ phải sinh ra trong gia đình nghèo khó, lại có thể không đủ khôn ngoan, không có cơ hội học hành, phải sống cuộc đời nghèo khổ bị nhiều người khinh bỉ, vv..... Tóm lại theo thuyết này thì con người có hoàn toàn tự do, và có đầy đủ trách nhiệm về cuộc sống của mình. Mình làm tốt mình được hưởng kết quả tốt, mình làm ác mình sẽ phải gánh lấy hậu quả xấu xa trong tương lai. Tốt hay xấu là hoàn toàn do nơi mình mà thôi chớ không có một áp lực nào từ bên ngoài. Thuyết này được nhiều người chấp nhận và áp dụng ở ngoài đời. Trong thực tế ai cũng biết là khi ta đối xử tử tế, lịch sự, tốt đẹp đối với những người chung quanh ta thì dĩ nhiên ta cũng sẽ được nhiều người đối xử tử tế, lịch sự, và tốt đẹp lại. Ngược lại nếu ta có những hành vi không ra gì đối với những người chung quanh ta thì khó mà mong rằng người ta thương mến, đối xử tốt với mình. Thực tế cho thấy không ai chịu tốt bụng để cứ đối xử tốt đẹp mãi với một người đã có lối xử sự không ra gì đối với mình. “Bánh sáp đi, bánh quy lại” cũng như “ăn miếng thì trả miếng”, tức là”oeil pour oeil, dent pour dent” như người Pháp nói. Mặt khác, thuyết này hoàn toàn trái ngược với thuyết tiền định khắc nghiệt ở bên trên. Hai thuyết này là hai thái cực, hoàn toàn trái ngược nhau. Một bên thì cho rằng con người không có một chút tự do, một chút quyền nào cả, tất cả đều do tiền định; còn một bên thì cho con người có hoàn toàn tự do hoàn toàn có quyền lựa chọn quyết định mọi hành động của mình không có ai hay cái gì ở ngoài chen vào.
Một số tư tưởng gia khác đã đưa ra một thuyết thứ ba để dung hòa bằng cách bao gồm cả hai thuyết trên. Thuyết thứ ba này cho rằng “Có Trời mà cũng tại ta” như Nguyễn Du đã viết trong Đoạn Trường Tân Thanh. Trời định bao nhiêu, ta định bao nhiêu không thấy nói. Chỉ thấy nói “Đức Năng Thắng Số” hoặc làm phải, làm phước thì có thể cải số được. Thuyết này có vẽ hữu lý đối với phần đông người đời. Nó có vẽ thực tế và có thể đáp ứng đúng lòng mong mỏi của nhiều người. Ai cũng mong muốn là mình có thể làm chút gì đó để xin Trời xét lại, thương cho mình và cho mình được sống cuộc đời đỡ khổ hơn, hoặc sung sướng hơn. Thậm chí có người còn có thể nói :”Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều,” (Nguyễn Du) có nghĩa là xưa nay quyết định của người ta cũng thắng được quyết định của Trời cũng nhiều. Thật sự làm sao mà biết được trường hợp nào là trường hợp “nhân định thắng thiên”? Và người ta thắng được quyết định của Trời (định mệnh) bao nhiêu lần mà gọi là nhiều? Truyện cổ có kể chuyện anh học trò mấy lần cải số của mình nhưng những lần cải đổi đó đều do Trời cho sửa lại số của anh ta chớ không phải là tự anh ta làm trái với số Trời đã định mà có thể thắng số Trời được. Chuyện kể có một anh học trò kia hằng ngày trên đường đi học phải đi ngang qua một con chó đá. Hôm nọ khi anh ta đi ngang qua thì thấy con chó đá hả miệng cười với anh ta. Anh học trò lấy làm lạ bèn hỏi: “Hằng ngày ta đi ngang đây chưa bao giờ ta thấy nhà ngươi cười cả, sao hôm nay nhà ngươi lại cười với ta vậy?” Chó đá trả lời: “Hôm nay tôi cười là để mừng ông vì ông vừa được Trời cho ghi tên ông vào danh sách những người thi đậu trong kỳ thi tới. Được vậy là nhờ ông học hành siêng năng lại ăn ở hiền lành nên Trời thương mà cho như vậy.” Anh học trò nghe vậy lấy làm mừng rỡ bèn về thưa lại với cha mình. Ông cha nghe con mình sắp sửa thi đậu làm quan nên bắt đầu tỏ ra hống hách với xóm làng. Dân làng phẫn uất lắm nhưng không dám nói vì sợ lãnh hậu quả không tốt khi người con ông kia thi đậu thật. Tuy nhiên việc làm xấu xa của ông cha đã làm cho Trời bực mình. Trời liền thay đổi ý, cho sửa số ông con lại là thi hỏng chớ không phải là thi đậu nữa. Liền sau khi Trời cho sửa số lại thì con chó đá không thèm cười với anh học trò nữa. Thấy chó đá bổng trở lại lãnh đạm với mình, anh học trò hỏi nó tại sao hôm nay nó không cười mừng anh ta nữa? Chó đá trả lời là vì người cha của anh học trò hống hách, làm nhiều điều tội lỗi nên Trời đã bôi tên anh học trò trong sổ những người thi đỗ rồi. Anh học trò nghe vậy buồn rầu về thưa lại với cha. Ông cha nghe nói rất lấy làm hối hận. Hai cha con liền lo tu tĩnh, làm lại việc thiện, tạo nhiều phước đức để chuộc tội. Họ làm như vậy một thời gian sau thì Trời lại thương tình nên cho cải đổi số anh học trò một lần nữa để cho anh ta thi đậu trong khóa tới nữa. Một hôm đi ngang chó đá anh học trò thấy chó đá bắt đầu cười lại với anh ta. Hỏi ra thì biết là nhờ ở sự ăn năn tu tỉnh làm nhiều điều phước đức của hai cha con mà Trời thương và cho sửa đổi số lại một lần nữa. Lần nầy anh học trò cố giữ kín tin nầy, không dám cho ông bố biết. Ông cha không hay biết gì cứ tiếp tục ăn năn, tiếp tục làm việc thiện cho đến ngày ông con thi đỗ thật sự và ra làm quan cho triều đình. Qua câu chuyện này ta thấy người ta vẫn quan niệm rằng số mạng vẫn do Trời định, chớ con người chẳng có sửa đổi gì được. Con người chỉ có thể làm lành, cầu khẩn để xin Trời sửa số lại mà thôi. Quyết định cuối cùng cũng vẫn là Trời. Phần “tại ta” cũng có nhưng vẫn phải tùy thuộc rất nhiều ở Trời. Thành ra câu “đức năng thắng số” hay “nhân định thắng thiên” thật sự không đúng, đáng lý ra phải nói “đức có thể động lòng Trời để Trời cho sửa số lại” mới phải. Dù sao thì trong lối tin tưởng này con người vẫn có chút tự do, có phần tham dự của mình, của cái ta của con người trong đó. Nó khác hơn thuyết định mệnh tuyệt đối đã thấy ở phần đầu vốn là thuyết phủ nhận mọi tự do, mọi cố gắng của con người trong vấn đề định mệnh.
Khoa học có chấp nhận tiền định không? Có, nhưng không phải loại tiền định có tính cách huyền bí siêu nhiên như đã thấy ở trên. Theo khoa học thì bất cứ cái gì xảy ra cũng đều có nguyên nhân của nó. Những nguyên nhân đưa tới sự việc là yếu tố quyết định (determining factors) của sự việc đó. Chữ dùng đúng theo khoa học là tất định thuyết (determinism) chớ không phải là số mạng (destiny) hay tiền định (pre-determined). Khoa học gia có thể tìm tòi, nghiên cứu, thử nghiệm để tìm ra nguyên nhân của sự việc, giải thích sự việc, và có thể đi tới những định luật khoa học. Lẽ dĩ nhiên là người ta đã rất thành công đối với những đối tượng vật chất như trong vật lý, hóa học, sinh vật học, vv... Trong lãnh vực tâm lý, xã hội thì kết quả không mấy chính xác dứt khoát, có khi chỉ mới là một thuyết lý mà thôi dù vẫn mang tính cách suy luận và chứng minh khoa học. Thí dụ như cuộc đời gian truân của Thúy Kiều trong quyển Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du chẳng hạn. Cuộc đời gian truân đó là do nơi số mạng, do nơi Trời định trước như vậy hay do những yếu tố sinh vật lý hoặc tâm lý nào quyết định? Câu hỏi này sẽ được nhiều người trả lời khác nhau, tùy theo quan điểm triết lý của mỗi người. Người theo nhà nho xưa tin ở Thiên Mệnh thì bảo đó là do Trời định. Người tin theo luân hồi nghiệp báo của nhà Phật thì cho rằng đó là cái nghiệp mà nàng Kiều đã tạo ra từ kiếp trước và bây giờ nàng phải trả ở kiếp này. Người tin theo khoa học như Nguyễn Bách Khoa trước kia, có thể dùng tâm phân học của Freud để giải thích số kiếp gian truân của Kiều, và câu trả lời theo thuyết này là “vô thức” đã quyết định những hành động phiêu lưu của Kiều mà chính nàng cũng như người thường cho là “ma đưa lối quỷ dẫn đường.” Cũng có người tin theo khoa học tân tiến ngày nay, tin ở vai trò quyết định của di truyền, của cái gene, của những yếu tố tâm sinh lý của mỗi người.
Thành ra vấn đề định mệnh, nhất là câu hỏi con người có số mạng hay không, cho đến giờ phút này vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát, thỏa đáng. Tùy ở mỗi người, hay đúng hơn, tùy theo lòng tin của mỗi người. Tin ở Thiên Mệnh, tin ở Nghiệp Báo, hay tin ở Khoa Học, tất cả đều do khuynh hướng bẩm sinh của mỗi người. Khuynh hướng tự nhiên đó sẽ hướng dẫn mỗi người trong sự lựa chọn câu trả lời cho thích hợp. Điều tối quan trọng là con người có sửa đổi định mệnh được không? Nếu được thì tự mình sửa đổi hay ai giúp mình sửa đổi? Chính những câu trả lời cho những câu hỏi này mới có ảnh hưởng thật nhiều đến cuộc sống của mỗi người. Thực tế nhất và cũng có lợi nhất là theo câu trả lời của Nguyễn Du: “Có Trời mà cũng tại ta” và “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều.” Hãy tin như vậy để mình còn cố gắng hết sức mình đương đầu với những khó khăn của cuộc sống chớ đừng nên tin ở định mệnh tuyệt đối để buông xuôi tay một cách tiêu cực, xem như đầu hàng trước định mệnh.
Comment