Hoa hồng rụng về gốc hồng
Trước đám cưới của em một tuần, anh đến gặp mẹ em năn nỉ mẹ đừng gả em cho chồng em, vì anh sợ rồi em sẽ khổ. Và... cuối cùng anh thầm thì - anh xin mẹ gả em cho anh.
Mẹ em chỉ nhìn anh cười rồi nói: nó thương đâu tao gả đó.
Và em vẫn đi lấy chồng. Và anh vẫn làm phù rể. Anh là bạn thân của chồng em.
Mẹ chỉ kể cho em nghe chuyện này khi em sinh đến đứa con trai thứ hai với chồng, như một chuyện bâng quơ.
Với em thì không là bâng quơ. Em ngồi thừ người cả buổi và thấy xót thương cho anh. Sao ngày đó, anh chẳng nói gì với em?
Rồi từng mẫu kỷ niệm mỏng mảnh thay nhau rơi rụng trong tim em, như cánh hoa hồng rơi rụng dưới gốc hồng.
Anh với em ở cạnh nhà nhau từ hồi nhỏ, giữa hai nhà là một giậu mồng tơi chín đỏ. Anh hay nghêu ngao: "nhà nàng ở cạnh nhà tôi - cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn". Nhưng "nàng" của anh còn nhỏ xíu, tóc đuôi chuột, nhảy lò cò và chuyên ngậm kẹo đến sún răng.
Mỗi sân nhà có một cây mận, nhà anh mận hồng, nhà em mận trắng. Mận nhà em chát ê răng, mận nhà anh chua quắt lưỡi. Và hai đứa mình cứ như vậy lớn lên. Anh hơn em hai tuổi, học cùng trường trung học, nhưng đứa trước đứa sau, anh học ở trên lầu cao, em học dưới nhà trệt. Chiều nào đám nam sinh lớp anh cũng ngồi bên cửa sổ réo tên em kêu ầm ĩ: em Nhiên ơi, anh là... H. đây, chửi cha mắng mẹ anh đi... và sau đó là trận mưa giấy bắn bì tuôn xuống, như những cánh bướm trắng bay lả tả xuống sân lớp em.
Có những lá thư tỏ tình sướt mướt, anh và em bịt mũi cười lăn lóc, có những lá thư tình ngây ngô, em bâng khuâng, còn anh thì trề môi xì khinh khỉnh: thằng khờ!
Nhà em có một đàn con gái năm đứa sàng sàng nhau năm một, nhà anh chỉ có độc con trai. Anh bảo vệ tụi em như anh hai trong nhà, đi đâu anh cũng kè kè theo cái mỏ lết trong cặp, phòng khi thằng du côn bặm trợn ăn hiếp em là anh giở võ ra trị ngay.
Rồi đúng tuổi, chưa kịp nhận giấy báo đại học, anh đi bộ đội. Ngày anh lên xe mui trần chen nhau vào doanh trại, em đứng dúi dụi một góc với bạn bè chòm xóm, chọc ghẹo nói cười, chưa hề biết buồn. Anh chạy lại bên em, lén nhét vào tay em chiếc nhẫn vàng 1 chỉ, thầm thì: giữ giùm anh đi, mẹ anh cho đó. Chừng nào anh cần thì anh lấy.
Ngày ấy em chưa biết nhẫn vàng là gì, thần người, chiếc nhẫn lóng lánh trong tay mình. Cảm động lạ lùng, rưng rưng vì anh đã tin em đến như thế.
Vừa chẵn một tháng trong quân trường, anh nhắn cả nhà lên thăm, em cũng đu theo mọi người cho vui. Ngồi trên xe chen chúc với những chị, những mẹ cơm đùm cơm nắm đi thăm con trai, mẹ của anh bắt gặp chỉ vàng trên ngón tay của em đã ngờ ngợ hỏi thăm. Em thiệt tình kể ngay là anh nhờ em giữ hộ. Tia mắt của mẹ anh nhìn em lạ lùng, đầy ác cảm, mẹ anh lạnh lẽo nói, con cho bác xin lại, rồi thở dài chép miệng... thằng này dại gái!
Em chưa biết thế nào là tự ái, vội vã cởi ngay chiếc nhẫn trả lại cho mẹ anh.
Xe vừa lăn bánh vào cổng doanh trại, hàng chục thanh niên đen rám rắn rỏi đã chạy ùa ra bu lấy thành xe kêu tên người thân cười đùa hớn hở. Không thấy anh, em chạy xồng xộc vào tận phòng của anh kêu toáng lên, anh nằm trùm mền kín mít, người run bần bật trong cơn sốt. Em vừa tung mền anh ra, anh đã khóc sụt sùi, mẹ của anh và em lặng người nhìn anh xót xa.
Rồi anh cũng đi qua hết những năm chiến tranh biên giới, trở về với một vết đạn nằm đâu đó, mà hàng xóm vẫn thầm thì to nhỏ anh khó có khả năng sinh con. Ngày đó những chuyện mất mát như thế là bình thường nhỏ bé so với bao điều cực nhọc lớn lao hơn của cả một đất nước.
Và anh cũng vào được đại học, dù muộn màng. Hai anh em lại được học cùng trường. Và em cũng kịp có bạn trai.
Mỗi năm nhà em quét vôi lại màu sơn mới, lại có vài anh bạn đang theo tán tỉnh tình nguyện làm thợ sơn. Anh đi vòng vòng quanh nhà, đút tay vào túi quần hậm hực, chê người này quét dối, người kia làm vụng. Anh cũng hùng hục đòi dành một vách tường. Vậy là năm đó mỗi vách tường nhà em khoác một màu vôi khác nhau. Cả nhà cứ ngồi nhìn từng mảng tường xanh - vàng bụm miệng cười tủm tỉm...
Anh có mấy anh bạn thân hay về nhà chơi, mắt len lét nhìn ngó nghiêng qua nhà hàng xóm. Em tỉnh bơ nói cười trong áo lụa điệu đà tha thướt ngồi xích đu lơ lửng dưới táng hồng tường vi. Bạn anh đàn guitare bập bùng sau hàng rào, giọng nam trầm ấm - "nhà bên có cô bé trèo cành me mắt xoe tròn lắng nghe...". Dần dần anh chàng bạo dạn làm quen, mỗi bữa đi ăn chè ba màu đều có anh đi kèm ngồi bên mắt nhìn lom lom, miệng lâu lâu lại ho húng hắng. Bữa nào muốn trốn mẹ đi xem phim với anh bạn, em đều khèo anh ra năn nỉ ỉ ôi, anh vờ mím môi ngẩng cao mặt ỏng eo không thèm nói giúp. Cho đến khi em vòng tay qua cổ anh, chu miệng thì thầm bên tai anh - giúp em rồi em giới thiệu hoa khôi lớp em cho. Anh chợt rùng mình, mặt đỏ đến mang tai, đẩy em ra xa, bất ngờ gắt gỏng: đi thì đi, nhớ về sớm, đừng để có chuyện gì xảy ra đó nhe. Nó nắm tay nắm chân dứt khoát không cho. Con gái phải biết giữ mình.
Lớp đại học của em đi lao động nông trường xa, anh lễ mễ xách giỏ quà bánh lên tận lán trại của em. Nhìn thấy em vừa ốm, vừa đen, vừa hốc hác, anh xót xa nhăn mặt. Nhớ nhà, hay nhớ bồ? Anh hỏi, em im lặng cúi đầu. Anh hùng hổ: thằng đó không lên thăm em hả? Để anh về Saigon cho nó một trận. Em òa khóc nức nở tủi thân.
Không ngờ ngay hôm sau, anh trở lại nông trường cao su tay dắt theo anh bạn trai trắng trẻo bảnh bao của em, miệng cười toe toét. Đêm đó anh ngồi bên bếp lửa trại bập bùng hát hò say sưa cả đêm, bạn trai em kéo em ra góc rừng cao su, vừa ép em vào sát thân cây sù sì, vừa sục sạo khắp người em, miệng thì thào trong hơi thở rực nóng: anh nhớ em quá. Em chống cự yếu ớt, người lã đi, chỉ kịp nhớ đôi mắt anh ấm áp răn đe... Con gái phải biết giữ mình, kẻo không về nhà chồng người ta lại chê mình đầy dấu tay, hiểu không?
Có dạo em và người yêu giận nhau, chiều em đạp xe mini lóc cóc đi học về một mình, sững người như hóa đá ở ngã Sáu khi thấy người yêu song song với một cô bé xinh xắn bên kia đường mắt biết cười lóng lánh. Đêm đó về em gục đầu vào vai anh khóc sướt mướt, anh ôm em xiết vào ngực, âm trầm một tiếng thở dài sâu hoắm.
Đêm Gala náo nhệt rực rỡ của trường đại học, em hóa trang thành ông già Nam bộ, tóc quấn khăn rằn, đeo hàm râu giả đen nhánh trên khuôn măt trắng trẻo thư sinh. Buổi trình diễn văn nghệ diễn ra đến nửa đêm, em rời sân khấu với phần quà hóa trang xuất sắc trên tay, chạy ào đến khoe anh, chỉ kịp thấy người yêu của em khoác vai một cô bạn gái lướt qua, lúng túng cười gượng rồi biến mất vào bóng đêm. Nước mắt em tuôn nhòe nhoẹt hàm râu nhọ nồi lem luốc. Anh đến từ lúc nào trong bóng tối, ngón tay to sù sì quẹt lên mặt em thô ráp, anh kéo em lại thật gần, hôn lên môi em đang khép kín, nụ hôn có lửa da diết. Nhưng môi em khép kín, như tim em đang khép kín chát đắng vì đau đớn. Anh thở dài: con nhỏ này chưa biết hôn môi, bữa nào phải dạy em hôn lại.
Người yêu em quay lại một ngày, da diết xin em tha thứ bằng một lời cầu hôn và đám cưới vội vã, cô bé kia nghe chừng đã đi vượt biên. Em cũng khờ khạo như những người đang yêu, vội vàng tha thứ và đắm chìm trong tình yêu tưởng chừng đánh mất đầy cuồng nhiệt dâng hiến.
Một tuần, trước ngày cưới, căn phòng em nằm ngủ cửa mở toang vì cúp điện, em nằm quấn chiếc khăn voan mới sắm vào ngực, thiếp đi lúc nào không biết, miệng còn cười mơ mộng. Nửa đêm em giật mình, trong giấc mơ bị bóng đè ngẹt cứng. Trong bóng tối dày đặc của đêm không trăng, em chỉ kịp thấy một bóng đen vấp váp chạy đi. Nhiều năm về sau nữa, em vẫn tin đó là giấc mơ bóng đè không giống như thật. Chỉ có vệt nước mắt rơi nóng bỏng trên ngực em là như thật mà thôi!
Ngày em xách vali rời nhà chồng ẵm theo đứa con trên tay, anh đón em từ ngoài đầu hẻm, lui hụi khiêng vali vào nhà. Mẹ xót xa, bao năm rồi nó vẫn ở vây. Đêm ấy bạn bè em kéo đến đầy nhà, cười nói như ngày còn thơ. Anh ngồi ngoài ngõ, lũ bạn em thì thầm nói, anh chạy đi kêu từng người đến an ủi cho em nguôi...
Sáng mai em ra trước sân, tần ngần nhìn gốc hồng tường vi bao nhiêu năm cội hoa đã già, mà hoa vẫn tươi non rực rỡ.
Trong gió sớm, cánh hoa rụng về gốc hồng, cánh hoa thắm như màu máu tươi.
Trước đám cưới của em một tuần, anh đến gặp mẹ em năn nỉ mẹ đừng gả em cho chồng em, vì anh sợ rồi em sẽ khổ. Và... cuối cùng anh thầm thì - anh xin mẹ gả em cho anh.
Mẹ em chỉ nhìn anh cười rồi nói: nó thương đâu tao gả đó.
Và em vẫn đi lấy chồng. Và anh vẫn làm phù rể. Anh là bạn thân của chồng em.
Mẹ chỉ kể cho em nghe chuyện này khi em sinh đến đứa con trai thứ hai với chồng, như một chuyện bâng quơ.
Với em thì không là bâng quơ. Em ngồi thừ người cả buổi và thấy xót thương cho anh. Sao ngày đó, anh chẳng nói gì với em?
Rồi từng mẫu kỷ niệm mỏng mảnh thay nhau rơi rụng trong tim em, như cánh hoa hồng rơi rụng dưới gốc hồng.
Anh với em ở cạnh nhà nhau từ hồi nhỏ, giữa hai nhà là một giậu mồng tơi chín đỏ. Anh hay nghêu ngao: "nhà nàng ở cạnh nhà tôi - cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn". Nhưng "nàng" của anh còn nhỏ xíu, tóc đuôi chuột, nhảy lò cò và chuyên ngậm kẹo đến sún răng.
Mỗi sân nhà có một cây mận, nhà anh mận hồng, nhà em mận trắng. Mận nhà em chát ê răng, mận nhà anh chua quắt lưỡi. Và hai đứa mình cứ như vậy lớn lên. Anh hơn em hai tuổi, học cùng trường trung học, nhưng đứa trước đứa sau, anh học ở trên lầu cao, em học dưới nhà trệt. Chiều nào đám nam sinh lớp anh cũng ngồi bên cửa sổ réo tên em kêu ầm ĩ: em Nhiên ơi, anh là... H. đây, chửi cha mắng mẹ anh đi... và sau đó là trận mưa giấy bắn bì tuôn xuống, như những cánh bướm trắng bay lả tả xuống sân lớp em.
Có những lá thư tỏ tình sướt mướt, anh và em bịt mũi cười lăn lóc, có những lá thư tình ngây ngô, em bâng khuâng, còn anh thì trề môi xì khinh khỉnh: thằng khờ!
Nhà em có một đàn con gái năm đứa sàng sàng nhau năm một, nhà anh chỉ có độc con trai. Anh bảo vệ tụi em như anh hai trong nhà, đi đâu anh cũng kè kè theo cái mỏ lết trong cặp, phòng khi thằng du côn bặm trợn ăn hiếp em là anh giở võ ra trị ngay.
Rồi đúng tuổi, chưa kịp nhận giấy báo đại học, anh đi bộ đội. Ngày anh lên xe mui trần chen nhau vào doanh trại, em đứng dúi dụi một góc với bạn bè chòm xóm, chọc ghẹo nói cười, chưa hề biết buồn. Anh chạy lại bên em, lén nhét vào tay em chiếc nhẫn vàng 1 chỉ, thầm thì: giữ giùm anh đi, mẹ anh cho đó. Chừng nào anh cần thì anh lấy.
Ngày ấy em chưa biết nhẫn vàng là gì, thần người, chiếc nhẫn lóng lánh trong tay mình. Cảm động lạ lùng, rưng rưng vì anh đã tin em đến như thế.
Vừa chẵn một tháng trong quân trường, anh nhắn cả nhà lên thăm, em cũng đu theo mọi người cho vui. Ngồi trên xe chen chúc với những chị, những mẹ cơm đùm cơm nắm đi thăm con trai, mẹ của anh bắt gặp chỉ vàng trên ngón tay của em đã ngờ ngợ hỏi thăm. Em thiệt tình kể ngay là anh nhờ em giữ hộ. Tia mắt của mẹ anh nhìn em lạ lùng, đầy ác cảm, mẹ anh lạnh lẽo nói, con cho bác xin lại, rồi thở dài chép miệng... thằng này dại gái!
Em chưa biết thế nào là tự ái, vội vã cởi ngay chiếc nhẫn trả lại cho mẹ anh.
Xe vừa lăn bánh vào cổng doanh trại, hàng chục thanh niên đen rám rắn rỏi đã chạy ùa ra bu lấy thành xe kêu tên người thân cười đùa hớn hở. Không thấy anh, em chạy xồng xộc vào tận phòng của anh kêu toáng lên, anh nằm trùm mền kín mít, người run bần bật trong cơn sốt. Em vừa tung mền anh ra, anh đã khóc sụt sùi, mẹ của anh và em lặng người nhìn anh xót xa.
Rồi anh cũng đi qua hết những năm chiến tranh biên giới, trở về với một vết đạn nằm đâu đó, mà hàng xóm vẫn thầm thì to nhỏ anh khó có khả năng sinh con. Ngày đó những chuyện mất mát như thế là bình thường nhỏ bé so với bao điều cực nhọc lớn lao hơn của cả một đất nước.
Và anh cũng vào được đại học, dù muộn màng. Hai anh em lại được học cùng trường. Và em cũng kịp có bạn trai.
Mỗi năm nhà em quét vôi lại màu sơn mới, lại có vài anh bạn đang theo tán tỉnh tình nguyện làm thợ sơn. Anh đi vòng vòng quanh nhà, đút tay vào túi quần hậm hực, chê người này quét dối, người kia làm vụng. Anh cũng hùng hục đòi dành một vách tường. Vậy là năm đó mỗi vách tường nhà em khoác một màu vôi khác nhau. Cả nhà cứ ngồi nhìn từng mảng tường xanh - vàng bụm miệng cười tủm tỉm...
Anh có mấy anh bạn thân hay về nhà chơi, mắt len lét nhìn ngó nghiêng qua nhà hàng xóm. Em tỉnh bơ nói cười trong áo lụa điệu đà tha thướt ngồi xích đu lơ lửng dưới táng hồng tường vi. Bạn anh đàn guitare bập bùng sau hàng rào, giọng nam trầm ấm - "nhà bên có cô bé trèo cành me mắt xoe tròn lắng nghe...". Dần dần anh chàng bạo dạn làm quen, mỗi bữa đi ăn chè ba màu đều có anh đi kèm ngồi bên mắt nhìn lom lom, miệng lâu lâu lại ho húng hắng. Bữa nào muốn trốn mẹ đi xem phim với anh bạn, em đều khèo anh ra năn nỉ ỉ ôi, anh vờ mím môi ngẩng cao mặt ỏng eo không thèm nói giúp. Cho đến khi em vòng tay qua cổ anh, chu miệng thì thầm bên tai anh - giúp em rồi em giới thiệu hoa khôi lớp em cho. Anh chợt rùng mình, mặt đỏ đến mang tai, đẩy em ra xa, bất ngờ gắt gỏng: đi thì đi, nhớ về sớm, đừng để có chuyện gì xảy ra đó nhe. Nó nắm tay nắm chân dứt khoát không cho. Con gái phải biết giữ mình.
Lớp đại học của em đi lao động nông trường xa, anh lễ mễ xách giỏ quà bánh lên tận lán trại của em. Nhìn thấy em vừa ốm, vừa đen, vừa hốc hác, anh xót xa nhăn mặt. Nhớ nhà, hay nhớ bồ? Anh hỏi, em im lặng cúi đầu. Anh hùng hổ: thằng đó không lên thăm em hả? Để anh về Saigon cho nó một trận. Em òa khóc nức nở tủi thân.
Không ngờ ngay hôm sau, anh trở lại nông trường cao su tay dắt theo anh bạn trai trắng trẻo bảnh bao của em, miệng cười toe toét. Đêm đó anh ngồi bên bếp lửa trại bập bùng hát hò say sưa cả đêm, bạn trai em kéo em ra góc rừng cao su, vừa ép em vào sát thân cây sù sì, vừa sục sạo khắp người em, miệng thì thào trong hơi thở rực nóng: anh nhớ em quá. Em chống cự yếu ớt, người lã đi, chỉ kịp nhớ đôi mắt anh ấm áp răn đe... Con gái phải biết giữ mình, kẻo không về nhà chồng người ta lại chê mình đầy dấu tay, hiểu không?
Có dạo em và người yêu giận nhau, chiều em đạp xe mini lóc cóc đi học về một mình, sững người như hóa đá ở ngã Sáu khi thấy người yêu song song với một cô bé xinh xắn bên kia đường mắt biết cười lóng lánh. Đêm đó về em gục đầu vào vai anh khóc sướt mướt, anh ôm em xiết vào ngực, âm trầm một tiếng thở dài sâu hoắm.
Đêm Gala náo nhệt rực rỡ của trường đại học, em hóa trang thành ông già Nam bộ, tóc quấn khăn rằn, đeo hàm râu giả đen nhánh trên khuôn măt trắng trẻo thư sinh. Buổi trình diễn văn nghệ diễn ra đến nửa đêm, em rời sân khấu với phần quà hóa trang xuất sắc trên tay, chạy ào đến khoe anh, chỉ kịp thấy người yêu của em khoác vai một cô bạn gái lướt qua, lúng túng cười gượng rồi biến mất vào bóng đêm. Nước mắt em tuôn nhòe nhoẹt hàm râu nhọ nồi lem luốc. Anh đến từ lúc nào trong bóng tối, ngón tay to sù sì quẹt lên mặt em thô ráp, anh kéo em lại thật gần, hôn lên môi em đang khép kín, nụ hôn có lửa da diết. Nhưng môi em khép kín, như tim em đang khép kín chát đắng vì đau đớn. Anh thở dài: con nhỏ này chưa biết hôn môi, bữa nào phải dạy em hôn lại.
Người yêu em quay lại một ngày, da diết xin em tha thứ bằng một lời cầu hôn và đám cưới vội vã, cô bé kia nghe chừng đã đi vượt biên. Em cũng khờ khạo như những người đang yêu, vội vàng tha thứ và đắm chìm trong tình yêu tưởng chừng đánh mất đầy cuồng nhiệt dâng hiến.
Một tuần, trước ngày cưới, căn phòng em nằm ngủ cửa mở toang vì cúp điện, em nằm quấn chiếc khăn voan mới sắm vào ngực, thiếp đi lúc nào không biết, miệng còn cười mơ mộng. Nửa đêm em giật mình, trong giấc mơ bị bóng đè ngẹt cứng. Trong bóng tối dày đặc của đêm không trăng, em chỉ kịp thấy một bóng đen vấp váp chạy đi. Nhiều năm về sau nữa, em vẫn tin đó là giấc mơ bóng đè không giống như thật. Chỉ có vệt nước mắt rơi nóng bỏng trên ngực em là như thật mà thôi!
Ngày em xách vali rời nhà chồng ẵm theo đứa con trên tay, anh đón em từ ngoài đầu hẻm, lui hụi khiêng vali vào nhà. Mẹ xót xa, bao năm rồi nó vẫn ở vây. Đêm ấy bạn bè em kéo đến đầy nhà, cười nói như ngày còn thơ. Anh ngồi ngoài ngõ, lũ bạn em thì thầm nói, anh chạy đi kêu từng người đến an ủi cho em nguôi...
Sáng mai em ra trước sân, tần ngần nhìn gốc hồng tường vi bao nhiêu năm cội hoa đã già, mà hoa vẫn tươi non rực rỡ.
Trong gió sớm, cánh hoa rụng về gốc hồng, cánh hoa thắm như màu máu tươi.