
Người phụ nữ bước lên sân khấu, nàng tiến đến micro, chúc mừng đôi bạn trẻ hạnh phúc lâu dài. Rồi nàng giới thiệu bài hát : “100%”. Cả phòng tiệc la hét inh õi :
- 100% !
- 100% !
Nàng mĩm cười, chìm đắm trong bài hát:
“Một trăm em ơi chiều nay một trăm phần trăm. Một trăm em ơi chiều nay một trăm phần trăm. Nguời yêu anh ơi giờ đây lại cấm trại rồi. Nào đâu nào biết tâm tư nguời lính. Lòng anh nao nao mỗi khi ta hẹn nhau với em tâm tình. Xin em nhớ cho rằng chuyện tình biết truớc từ đầu. Dẫu lính hay đa tình nhưng mãi mãi vẫn yêu chỉ yêu một nguời một nguời mà thôi và yêu trọn đời một giây về phép anh xin dành cho em đó”.
Tiếng hát khàn đục nhưng rõ mồn một, sức hút của âm thanh và thân hình lắc lư của nàng đã cuốn hút phòng tiệc. Tất cả im lặng, chỉ còn tiếng nhạc, lời hát. Giai điệu của Twist thật kinh khủng, người nghe khó lòng tĩnh tâm, yên lặng.Thân hình, tay chân bị lôi cuốn theo theo dòng nhạc. Như cơn thác lũ, như bờ đê bị thuỷ triều đánh vỡ mà tiếng động là quá khứ, từ xa tắp của miền ký ức.
Bất ngờ một người đàn ông tuổi cao, tóc bạc bước lên và ông ta lịch sự bắt tay người phụ nữ đang hát. Thế rồi người đàn ông lảo niên nhảy, nhảy say sưa theo bài hát.
Phòng tiệc cưới bây giờ chỉ còn bài hát và hai cơ thể chìm ngập trong giai điệu, mà không phải chỉ có hai người, là 4 trăm thực khách đang hoà nhập theo sóng nhạc.
Cũng không còn là bài hát, không còn là giai điệu, không còn là cơ thể, …
Mà là sự im lặng, im lặng chìm đắm trong kỷ niệm. Ngôn ngữ của âm nhạc, ngôn ngữ của cơ thể đã hư vô hoá thế giới thực tại.
Trưa hôm đó, tôi đã dự đám cưới người em họ và đã cảm nhận bài hát với một sự xúc động, mắt tôi cay cay khi nhìn bước nhảy của người đàn ông. Ảnh tượng về người lính ngày trước không ngớt làm tôi bùi ngùi, xao xuyến.
Hình ảnh cuối cùng với tôi là buổi ủy lạo các chiến sĩ của một tiểu đoàn đóng ở bãi biển Mỹ Khê cuối năm 1974. Hôm đó, tôi cùng một bạn đồng nghiệp khác dẫn một tốp các em học sinh trường trung học Hòa Vang Quảng Nam đi thăm chiến sĩ tiểu đoàn sắp lên đường … chiến đấu. Một kỉ niệm nhỏ: Hôm ấy chúng tôi được Tiểu đoàn chiêu đãi tiệc đứng bằng cơm hộp. Trong lúc loay hoay, tôi vụng về làm rơi mất cái muổng. Nhẹ nhàng và nhanh như…người lính, vị sĩ quan đứng cạnh tôi đã đưa ngay cái thìa của ông cho tôi.
Vị sĩ quan đó sau này tôi được biết là thiếu tá VV, nghe đâu người đã qua đời trong trại học tập.
Dòng nhạc Việt Nam, trong đó nhạc lính chiếm vị trí quan trọng trong thời chiến. Nó là loại ngôn ngữ đơn giản, trong sáng, không cầu kì văn hoa, không làm dáng trí tuệ. Nó là ngôn ngữ của tình yêu. Của người con gái ở hậu phương yêu người anh lính chiến ngày đêm bảo vệ giang sơn Tổ quốc ở địa đầu giới tuyến.
100% có nghĩa là cắm trại hoàn toàn, không một ai được về phép !
“Một trăm em ơi chiều nay một trăm phần trăm. Một trăm em ơi chiều nay một trăm phần trăm. Này em yêu ơi vì anh là lính chung tình. Đừng ghen và nhớ xin em đừng hờn dỗi. Chiều nay không em thấy yêu em nhiều hơn cớ sao em buồn”.
Với người lính, dù ở chiến tuyến nào, dù tính khí khô cằn cộc lốc bao nhiêu, dù được học tập, nhồi nhét bao nhiêu lý thuyết về bổn phận, nhiệm vụ, …
Thì ngày phép vẫn là món quà vô giá.
Những khoảnh khắc biến thành thiên thu, hữu hạn biến thành vô hạn…
Và em, người yêu trong những giây phút ngắn ngủi anh về phép, gặp em. Những bồi hồi, nao nao bên em, trong gặp mặt anh đã nghĩ đến chia tay, trong nước mắt mừng vui, anh đã nghĩ đến nụ cười đau đớn của ly biệt.
Ngày về phép, ngày hồng ân trao anh có bao giờ là không ngắn ngủi? Trong đời lính chiến anh có bao nhiêu ngày hồng ân?
Mai sau …
Và bây giờ,
đã 38 năm, 40 năm, … biết đâu trong cánh rừng lau sậy đó, một chiều nào, người yêu xưa bắt gặp một chiếc mũ sắt, đựng đầy nước, trong đó có con ểnh ương, ngẩng đầu ngơ ngác.
Và bạn ơi!... người yêu xưa, cánh rừng lau sậy, Chiếc mủ sắt, con ễnh ương cũng sẽ không còn. Tất cả đã không còn.
Phải chăng đó là chân dung người lính?
Được biết tác giả bài hát là Vũ Chương, một nhóm các nhạc sĩ thành lập và sáng tác chung, bao gồm Lê Dinh, Anh Bằng, Minh Kỳ.
Chủ trương của nhóm là sáng tác nhạc phản ứng lại nhạc phản chiến, nhằm ca ngợi người lính.