• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

MÌNH VỚI TA TUY HAI MÀ MỘT

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • MÌNH VỚI TA TUY HAI MÀ MỘT



    Trong ngôn ngữ Việt Nam, vợ chồng khi xưng hô với nhau, thường gọi “mình”, mình lấy cho tôi cái áo, hôm nay mình có khỏe không?,…
    Chữ « mình » trong “mình ơi” chỉ một phần đời của mình bị tách rời, nay đã tìm lại được.
    Mình chỉ cơ thể, thân xác của mình. Mình với ta tuy hai mà một. Ta với mình tuy một mà hai, diễn tả dạng uyển chuyển của vợ chồng. Vợ chồng là một thực thể.
    Vì vậy, coi chừng, khi vợ (hay chồng) bị đau, bị thương tật, bị hành hạ kể cả tinh thần hay thể xác thì ta cũng đau như vợ (chồng) !
    Ngôn ngữ Việt Nam nói lên được ý nghĩa của thần thoại về một nửa bị đánh mất.
    Cuộc sống con người, vấn đề giao tiếp, sinh hoạt hằng ngày, người ta cũng không tách rời thực thể vợ chồng và nó trở thành một nếp văn hóa, một thói quen mang phong cách lịch sự đầy tính nhân văn. Các buổi tiệc tùng, lễ cưới, sinh nhật, các buổi tiếp đón, thăm hỏi mang tính ngoại giao đều luôn đi kèm gồm hai người (vợ chồng).
    Ngày trước nhà văn Nguyễn Vỹ chủ nhiệm tạp chí “Phổ thông” có chuyên mục “Mình ơi”, tác giả là Diệu Huyền, để giải thích, phổ biến các kiến thức về khoa học, các phát minh, các ứng dụng kĩ thuật hằng ngày, dưới dạng người chồng giải thích những thắc mắc của người vợ.
    Ngoài ra, cụm từ «nhà tôi» được dùng thay thế đại từ ngôi thứ ba, để nói chuyện với người đối diện khi muốn nhắc đến người vợ hoặc chồng vắng mặt.
    Dùng hình tượng cái nhà là một vật vô tri vô giác hoàn toàn ở dạng vật chất để nói về người vợ hay chồng là một tha thể thì văn hóa Việt đã đề cao cuộc sống vợ chồng.
    Nhà là nơi che nắng, che mưa, chống chõi lại giông bão, sự khắc nghiệt của thiên nhiên, là nơi chốn, không gian trong đó diễn ra cuộc sống của từng cá thể, ít nhất phải hai người trở lên : những sinh hoạt, ăn uống, chuyện trò, tiếng nói, nụ cười, tiếng khóc, hạnh phúc, bất hạnh, ...nói chung là một thế giới riêng tư, ấm cúng, mà cá nhân nào cũng có riêng cho mình. Do đó khi dùng cụm từ « nhà tôi » để nói về người chồng hay người vợ vắng mặt với người mình đang đối diện thì quả là tuyệt.
    Hai người bạn lâu ngày gặp nhau. Câu đầu tiên mà bạn quan tâm để hỏi vẫn là :
    - Chị nhà vẫn khỏe ?
    - Cảm ơn anh ! nhà tôi vẫn khỏe.
    Các từ « mình ơi », « nhà tôi » là những danh xưng đại từ : « mình » ở ngôi thứ hai ( người đối diện), « nhà tôi » ở ngôi thứ ba (người vắng mặt) để đưa ra một quan điểm mang tính nhân văn : Tương quan vợ chồng là tương quan trên bình diện của sự hợp nhất, của sự thông cảm, hạnh phúc. Có gì đẹp đẽ hơn, ấm cúng hơn.
    Nếu tương quan vợ chồng là tương quan của sự thông cảm thì cái nhìn của con người về tha nhân là một cái nhìn khai mở, đón nhận.
    Phải nhìn nhận tha nhân trong ý nghĩa tích cực của nó, nghĩa là tha nhân tham dự vào đời sống của tôi. Tha nhân là thành phần của bản thân tôi, kẻ làm ra cuộc đời của tôi. Nói cách khác, không có tha nhân thì tôi không thể thành người. Tất cả mọi cử chỉ của chúng ta cũng do tha nhân mang đến. Nụ cười của ta, tiếng khóc của ta, ngôn ngữ của ta, ngay cả cử chỉ đưa tay che miệng khi ngáp của ta cũng do tha nhân mang lại.
    Quả thật vậy, nếu không có tha nhân thì khi ngáp, chúng ta không cần che miệng làm gì.
    Áo quần ta đang mặc cũng là do tha nhân mang lại. Chúng ta thử tưởng tưởng nếu tha nhân hoàn toàn vắng mặt quanh ta thì chúng ta cần gì mặc áo quần cho đẹp, cho hợp mốt! Và quả thật khi khi ngủ có nhiều người, nhiều gia đình vẫn không cần mặc áo quân. Thời trang là gì? Chỉ là áo quần được hợp thời. Ngay cả những người chủ trương lập dị, nghĩa là đi ngược lại xã hội thì quan điểm chủ xã hội vẫn cho rằng đó là hậu quả phản ứng từ xã hội !
    Ngay cả vấn đề ẩm thực, tha nhân cũng mang lại cho ta những biểu hiệu tích cực. Rượu chỉ ngon khi có bạn hiền. Bầu trời chỉ đẹp khi có hai người.
    Khi nghĩ đến một đối tượng hay ra đường gặp một người quen nào đó, ta cười. Tiếng cười chỉ có khi có sự hiện hữu của tha nhân. Nó là thông điệp gởi đến tha nhân một tín hiệu vui, hạnh phúc, ... Có trường hợp, đi một mình, không gặp gỡ, không chuyện trò cùng ai, ta vẫn nởi nụ cười. Thật ra nụ cười này là phản ứng có được khi ý thức ta vẫn đang nghĩ về một đối tượng nào đó, một câu chuyện nào đó, có bóng dáng tha nhân, …do đó, có người bảo rằng nụ cười là đám cưới với cuộc đời.
    Những khám phá mới đây cho thấy con người bị tách biệt với xã hội thì không thành người, như trường hợp cậu bé bị thất lạc gia đình, sống với thú trong rừng. Cậu bé đã trở thành loài thú, từ cử chỉ, tiếng nói, chỉ biết bò không đi thẳng đứng được,
    Chúng ta có thể nói, tha nhân tập cho ta làm chủ bản thân và biết cần lao. Tha nhân còn có thể nhìn nhận ta là nhân vị, có vận mệnh riêng. Và sau cùng, nếu thiếu tha nhân thì hiện thân của ta trong vũ trụ cũng bị cắt cụt.
    Như vậy, tha nhân là thành phần của bản thân tôi. Thiết tưởng có thể căn cứ vào đó để đánh giá mức đạo đức của ta, như Immanuel Kant đã viết : « Hãy hành động sao cho con người trong bản thân của mình, cũng như trong bản thân của tha nhân, bất cứ lúc nào cũng được coi là cứu cánh và không bao giờ bị sử dụng như là phương tiện »
    Đây là một cách nhìn tích cực về tha nhân. Chủ thể và tha nhân nối liền (liên chủ thể) bằng sự thông cảm. Từ đó có tình thương, tình yêu, lòng vị tha, ...
    Chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh, hiện đại với những phong tục lễ nghi, phải chăng cũng là thừa hưởng thành quả của những người đang sống, đã sống và những tiền nhân đã làm nên văn hóa, văn minh nhân loại. Quan điểm chủ xã hội cho rằng con người chỉ là sản phẩm của xã hội, điều đó quả không ngoa. Điều quan trọng là ta phải đủ bản lĩnh, có ý chí để con người là một chủ thể không bị chìm đắm trong đám đông, bị vong thân và một lúc nào đó hoàn toàn xa lạ, không nhận diện được chính mình.
    Trịnh Công Sơn đã nhìn nhận : « Chiều nay anh ra phố về, thấy đời mình là những đám đông »
    Nói tắt lại, tha nhân là thành phần làm nên bản thân tôi.
    Tuy nhiên coi chừng tha nhân lại là kẻ làm mất bản thân tôi.
    Triết gia Jean Paul Sartre đã bi quan khi nhìn tha nhân như là địa ngục. Ông nói : « L’ enfert c’ est les autres ».
    Tại sao ?
    Chúng ta lưu ý sự khẳng định của ông như một tuyên ngôn : « Con người hiện hữu trước bản chất của nó », có nghĩa là bản chất của ta là cái có sau, chính ta làm ra con người của ta, cá nhân ta. Ta đảm nhận lấy sinh mệnh của ta và ta trách nhiệm lấy sinh mệnh đó, điều này trái với quan điểm của Khổng Tử : « nhân chi sơ tính bản thiện ».
    Muốn được như vậy, con người phải là một chủ thể có tự do tuyệt đối. Và vì sự tự do tuyệt đối nên con người tôi hoàn toàn do tôi tự quyết định, không ai có thể thay tôi quyết định sinh mệnh, cuộc đời tôi được.
    Trong ý nghĩa đó, J. P. Sartre nhìn tha nhân như là một đối tượng cản trở thứ tự do tuyệt đối của ông. Ông nói : « le regard d ‘autrui m ’ a volé le monde » (cái nhìn của tha nhân đã đánh cắp mất thế giới của tôi). Tại sao? Bởi vì thế giới của riêng tôi, không gian của tôi trong khoảnh khắc khi chưa có sự hiện hữu của tha nhân hoàn toàn khác hẳn khi tha nhân đột ngột xuất hiện : Trước đó, cái bàn, lọ hoa, bốn bức tường quanh tôi đầy quen thân, nhưng khi tha nhân xuất hiện, tôi có tâm trạng khác hẳn và thế giới quanh tôi thay đổi theo tâm trạng của tôi.
    Từ đó Sartre phủ nhận tình yêu. Theo Sartre, tình yêu làm cho chủ thể mất tự do. Chủ thể bị chìm ngập trong tha nhân. Có người cho rằng Sartre bị ám ảnh bởi biện chứng ông chủ và người nô lệ của Hégel, khi nhìn tình yêu qua khía cạnh tranh chấp. Ông cho rằng tương giao trong tình yêu nặng trĩu tính tranh chấp. Ám ảnh này được nối kết với lòng thường xuyên sợ hãi kẻ khác. Do vì phải lệ thuộc vào tha nhân, và như thế trong tình yêu, cả hai đều bị mất tự do.
    Và trong thực tế, cuộc đời của Sartre là một minh chứng cho quan điểm của ông.
    - Sartre từ chối giả Nobel năm 1964? Vì theo ông nếu nhận giải, có nghĩa là ông chấp nhận đứng về một phía nào đó.
    - Sartre sống độc thân, không lập gia đình. Ông có người bạn tâm giao là bà Simone de Beauvoir, cũng là trợ lý của ông, người ta nghĩ rằng có thể đó là người bạn đời của ông, nhưng trong thực tế, người ta không thấy có một công khai nào trong mối quan hệ giữa hai người, mặc dù vẫn có một vài xì xào về sự đi lại giữa bà và Sartre.
    - Thực tế thái độ chính trị của ông : Ông luôn đứng về phe bị áp bức. Ông ủng hộ cuộc kháng chiên của Algérie, Cuba, ông là một thành viên của tòa án Quốc tế lên án cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam (do nhà bác học người Anh Bertrand Roussel làm chủ tịch).
    - Sau năm 1975, nhận thấy làn sóng người vượt biên quá vĩ đại, bất chấp nguy hiểm quyết bỏ nước ra đi tìm tự do , ông có sự thay đổi về thái độ chính trị của mình tại VN. Ông tổ chức một chiếc tàu thuyền để cứu vớt người tại biển Đông, ...
    Dù thế nào , ta vẫn nhận định quan điểm của J. P. Sartre về tha nhân là bi quan, ông có một cách nhìn không mấy thiện cảm về tha nhân. Thật ra , khi ông cho rằng tình yêu làm con người mất tự do, thì ta cũng có thể xét lại vấn đề mất tự do ở đây. Trong tình yêu người ta cảm thấy thú vị và thích tự nguyện được mất tự do. Và trong thực tế tình yêu mang đến cho cả chủ thể lẫn tha nhân lòng vị tha, sự hy sinh, kể cả sự chết. Như trong phúc âm : «vì rằng tinh yêu mạnh hơn cả sự chết ».
    Người ta có thể giải thích lí do khi tìm hiểu bằng cách phân tích quá khứ, tuổi thơ của ông chăng ?
    Tuy nhiên, thái độ của ông khi về già có thể là một xét lại cho quan điểm của ông như đã minh chứng ở trên.
    Đã chỉnh sửa bởi Nguyễn Lương Tuấn; 02-09-2013, 05:31 AM.
    Similar Threads
Working...
X
Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom