Thương yêu ai?
Từ hồi nhỏ xíu xiu tôi nghe bài hát "Nếu hỏi rằng, em yêu ai, thì em rằng em yêu ba nè, thì em rằng em yêu má nè, yêu chị, yêu em, yêu hết cả nhà... mà nhất là yêu Má cơ". Danh hài Tùng Lâm thì sửa lời bài hát thành: "mà yêu nhất là chị vú cơ" bởi vì chị vú cho cháu ăn, hát cho cháu nghe, ôm cháu ngủ và tắm cho cháu nữa.
Đến khi cắp sách đến trường học tiểu học thì Bác của tui dạy "yêu tổ quốc, yêu đồng bào" một cách chung chung, mơ hồ chứ không có dạy yêu ông, bà, cha, mẹ, anh, chị em... gì hết. Có một dạo báo chí rần rần lên tiếng về tình trạng toàn bộ sách giáo khoa phổ thông tuyệt nhiên không hề có dạy chữ hiếu.
Rồi đến khi đi học cấp hai, cấp ba thì nhà thơ cách mạng vĩ đại khiêm kinh tế gia của ta dạy như vầy:
"Thương cha, thương mẹ, thương chồng,
Thương mình thương một thương Ông thương mười"
để dạy cho đứa con bé bỏng của ông biết thương một ông Stalin người dưng nước lã ở tận chân trời lạnh lẽo nào đó. Thiệt tình là gom hết cả dòng cả họ, cả gia tộc, thân bằng quyến thuộc, vợ chồng ra cộng lại thì cũng chỉ bằng một phần mười của thương ông Stalin thôi.
Đến tuổi học sinh cấp ba, khi trái tim bắt đầu biết rung động thì tôi bị tọng vào họng mấy câu thơ này:
"Và nói vậy, trái tim anh đó
Rất chân thật, chia ba phần tươi đỏ,
Anh dành riêng cho đảng phần nhiều,
Phần cho thơ và phần để em yêu".
Oạch, tình yêu dành cho em chỉ là một miếng lẻ so với đảng. Cái con người cụ thể, gần gủi trước mắt, đầu ấp tay gối mà không yêu, để yêu cái danh từ trừu tượng, mơ hồ nào đó.
Đối với nền giáo dục xã hội chủ nghĩa thì cái gốc rễ yêu thương ngay trong tổ ấm còn không có thì nói gì đến chuyện ra đời biết thương cảm tha nhân?
Bởi vậy nên cán bộ nhà nước từ công an giao thông đến bác sĩ chẳng có một chút lòng nhân nào đối với người khác mà thậm chí xem người khác như những con mồi, sẵn sàng xé, nuốt.
Nhà sập từ móng.
h**ps://www.facebook.com/phanxuantrung?hc_location=stream