• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

thơ khúc Thụy Du

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • thơ khúc Thụy Du



    thơ khúc Thụy Du (Nguyễn Du Anh-Vũ)

    Xưa tôi quen Thụy Du ngay tại góc đường Ngã Tư Hàng Xanh. Dạo ấy tôi theo học Anh Văn ở Hội Việt Mỹ bên Tân Định. Mài đũng quần được gần ba năm thì tôi lên tới lớp 12 của Hội Việt Mỹ. Lớp 12 học xong cuốn Bốn trong bộ ‘English for Today’. Cuối khoá lớp này học sinh phải qua một kỳ thi đặc biệt để lấy mảnh bằng ‘Certificate of Proficiency’ của Hội Việt Mỹ trước khi được lên lớp 13. Hôm ấy tôi chuẩn bị đi thi nhưng rất bình thường, không đi sớm mà cũng không đi trễ vì thi Anh Văn chứ có phải thi Tú Tài đâu. Tiếng Anh nó nằm sẵn trong đầu mình rồi, có gạo thêm vài giờ thì cũng vậy thôi. Tà tà tôi lái xe từ đường Bạch Đằng sang Hùng Vương Nối Dài trực chỉ hướng Thị Nghè. Miệng tôi huýt sáo bài Bao Giờ Biết Tương Tư của Ngọc Chánh-Phạm Duy. Tôi thì chưa thương ai hay nói đúng hơn là chưa được ai thương cả. Nhưng với tâm hồn nghệ sĩ của tôi thì chuyện tương tư cũng nhiều lắm đấy. Nào là hai chị em ở đầu ngõ, nào mấy cô bạn của đứa em gái và thú thực là cả ca sĩ Thanh Mai cũng nằm trong danh sách người mộng của tôi.

    “Tôi ghé răng cắn vào
    Miệng môi ngọt đắng, tình yêu cuối đường
    Là trối trăn cuối cùng,
    Giấc mơ não nùng vợi tan...”


    …Kéttt……. Kétttt……!! Rầmmmm ….. !!
    Giấc mơ não nùng của tôi vội vã tan khi xe tôi tông vào chiếc xe chạy phía trước. Trong một tích tắc trước đó có một thằng bé bật chạy qua đường. Tuy còn hơi xa mà người lái xe phía trước phản ứng mạnh, thắng gấp để tránh. Đang trong giấc mơ, tôi cố gắng thắng xe theo mà không kịp nữa. Tuy tông nhau không mạnh lắm nhưng cô gái kia cũng chập choạng cố chống chiếc xe rồi cả người và xe từ từ đổ xuống. Tôi hấp tấp dựng xe và chạy lại cô gái, tay tôi nhanh nhẩu thò tay tắt cái công tắc vì máy xe cô này còn nổ và bánh xe đang chầm chậm quay, quấn vạt áo vào mắc xích xe. Bàng hoàng vài giây sau cô gái đứng dậy, mặt đỏ bừng lúng túng, phần muốn cám ơn tôi đã nhanh tay tắt máy xe, phần muốn ứa nước mắt vì cơn đau và có lẽ vì chiếc áo dài đã rách vạt kia. Người đi đường bu lại thật nhanh, quây chung quanh hai người chủ xe. Tôi vội xin lỗi cô gái và hứa đền tất cả. Chẳng hiểu sao lúc ấy đầu óc tôi chỉ lo sợ bị trễ kỳ thi đang chờ đợi tôi.
    - Giờ ông tính sao đây?
    Tôi nhìn cô gái và cái xe. Xe thì không sao vì chỉ đổ xuống khi cô gái bị quấn vạt áo và mất thăng bằng. Chỗ tôi tông chỉ là cái bảng số xe nên bị móp quặp vào. Tôi chỉ cho cô gái xem chỗ thiệt hại của chiếc xe, giả lả nói với cô ta là sự thiệt hại chẳng có bao nhiêu và có thể bẻ ra dễ dàng. Một vài người chung quanh nói thêm vào cho tôi. Nhưng một vài người khác lại binh vực cô gái, chỉ mách cô ta đừng để tôi bỏ đi. Tôi hoảng sợ vì nếu đôi co thì sự trì trễ này sẽ làm tôi hụt kỳ thi.
    - Tôi không mang theo nhiều tiền trong túi. Thôi cô giữ tấm thẻ học sinh của tôi và cho tôi xin địa chỉ. Chiều nay tôi sẽ đến nhà để bồi hoàn thiệt hại cho cô.
    Thấy đề nghị cũng hữu lý, cô kia cầm tấm thẻ học sinh trong tay, hơi phân vân. Thấy mọi người xì xồ về cái áo rách, cô đỏ mặt nói lí nhí.
    - Anh nhớ giữ lời nhe.
    Cô ta lật vở, xé một trang giấy rồi viết vội địa chỉ đưa cho tôi. Tôi đọc vội hàng chữ nhỏ, nắn nót “Vũ Thụy Du, số 915A đường Hùng Vương Nối Dài”. Cầm tờ giấy trong tay, tôi mở cờ trong bụng, leo lên xe đi gấp, tai còn nghe sau lưng vài lời dèm pha trong đám đông. Cũng may cô gái cũng lên xe nên đám đông giải tán ngay.
    Hôm ấy, tuy khả năng sinh ngữ tôi rất vững, tai nạn nho nhỏ kia cũng làm tôi phân tâm khá nhiều. Loay hoay mãi đến khi vị giám khảo bắt nộp bài, tôi mới đưa bài làm lên. Thú thực thì khi ngồi thi trong tâm tôi vẫn còn áy náy về vụ việc kia. Tôi bỏ đi hơi vội và hơi bất nhẫn khi cô gái còn lúng túng ngoài đường. Nghĩ lại thì tôi còn nhớ cái dáng nhỏ bé, gầy guộc của cô gái này. Rồi cái áo dài trắng kia, tà áo rách thì ít mà dính dầu mỡ xe thì lại đen thui cả một góc. Tôi phải trấn an nhiều lần là mình sẽ ghé nhà bồi thường cho người ta mà. Ngộ nhỡ họ sửa xe sửa máy lung tung, rồi còn chiếc áo dài nữa, chắc cũng bộn tiền. Tuy nhà khá giả, tôi cũng phân vân về số tiền chưa biết là bao nhiêu kia. Không biết chiều nay tôi cần mang mấy ngàn mới đủ nhỉ. Có lẽ tôi sẽ thiếu tiền và lại phải ngửa tay xin bố mẹ. Chưa đụng xe lần nào nên thật sự là … khó mà chú tâm vào bài thi lắm.
    Chiều hôm ấy tôi đến nhà Thụy Du lúc 5 giờ chiều. Căn nhà nằm trên mặt lộ đường Hùng Vương Nối Dài gần nhà hàng Bình Triệu Quán. Tiếp tôi là một người đàn ông cao gầy, nhìn tôi soi mói. Khi nghe tôi hỏi tìm Thụy Du, mắt ông lộ vẻ ngạc nhiên.
    - Con gái tôi đang đi tập hát trong nhà thờ. Cậu cần gì?
    Không biết nói sao, tôi lúng túng cho biết là có chuyện cần bàn với Thụy Du và ngỏ ý sẽ trở lại lúc 7 giờ. Có tiếng ai trong nhà gọi ba Thụy Du, có lẽ là tiếng người mẹ, nên ông bố chỉ nói ngắn gọn là Thụy Du sẽ về sau 6 giờ.
    Tôi trở lại đúng 7 giờ tối. Thụy Du ra mở cửa mắt đỏ hoe. Cô nàng nhắn tôi ra góc đường chờ một tý rồi cô ta sẽ ra. Không biết làm sao nên tôi đành tuân lời. Đứng chờ ở góc đường mà tâm tư tôi xốn xang, có nhiều cảm giác khó tả. Lúc thì tôi thầm nghĩ như mọi người xung quanh đã biết tôi gây ra tai nạn hồi nãy. Lúc thì tôi băn khoăn không hiểu thái độ của cô gái kia. Tôi cứ áy náy nhìn về cửa nhà Thụy Du xem chừng nào cánh cửa kia mới mở ra. Một lát sau Thụy Du ra góc đường.
    - Xe em không cần sửa. Anh chỉ đền chiếc áo là đủ rồi.
    Có dò hỏi giá cả trước nên tôi hiểu một chiếc áo dài giá từ 9 đến 10 ngàn. Tôi đưa tiền cho Thụy Du. Cô ta lúng túng chưa cầm:
    - Anh đưa nhiều quá, em không có tiền thối lại.
    - Ủa, 10 ngàn là giá may áo dài ở tiệm Thiết Lập mà. Có đúng không vậy thưa cô?
    - Em không biết vì em chưa may áo ở tiệm ấy bao giờ. Áo em may cũng mấy tiệm may nhỏ lanh quanh đây thôi.

    Tôi phì cười, thì ra là thế! Thấy tôi cười, cô gái hiểu lầm nên ngượng ngập nói nhanh:

    - Hay là thôi, anh khỏi phải đền gì cả, áo cũ quá rồi, trước sau cũng rách thôi.
    Tôi lặng người trước câu nói của cô gái. Cái cảm giác xa lạ của hai người đụng xe nhau lúc buổi sáng không còn trong tôi nữa. Cái ý nghĩ bồi thường cô gái kia để nhanh chóng đi thi cũng tan biến. Tôi ấp úng trấn an Thụy Du để cô chấp nhận khoản tiền. Tôi lúng túng trao tiền cho cô gái nhưng cô ta không muốn cầm. Một người đẩy tiền sang, một người ngượng ngùng nắm chặt tay lại, vô tình tay tôi chạm tay cô gái và giữ ở đó. Một cảm giác mắc cở chạy rần rần trong máu tôi. Có lẽ Thụy Du cũng ấn tượng mạnh trong cảnh trên. Cô móc vội tấm thẻ học sinh hoàn trả lại tôi. Tôi thấy lệ hoen bờ mi cô gái. Bàng hoàng, tôi hỏi nhanh:
    - Hình như có chuyện gì làm cô Thụy Du khóc hử.
    Thụy Du quay mặt đi thật nhanh, nhìn về cuối đường. Tôi nhìn theo mà chẳng thấy gì cả. Chỉ thấy vài chiếc xe Honda chạy vội về nhà. Một cửa hiệu ngoài phố đang kéo cửa sắt đóng lại. Giờ là lúc chuyển dạng từ chiều sang tối, có lẽ đường vắng hơn vì mọi người đã về nhà dùng cơm. Nắng vừa tắt, không khí chợt thoáng mát hơn vì trời sắp vào Đông. Chỉ còn hai đứa tôi đứng ở góc đường vắng.
    Thụy Du tóm tắt cho tôi biết là cô dấu chưa cho gia đình biết chuyện bị đụng xe. Thế rồi khi tôi đến tìm, ba cô hạch hỏi nên cô đành kể lại sự việc và đã bị ba cô mắng cho một trận vì … đã khờ dại đưa địa chỉ cho một kẻ xa lạ. Nghe xong tôi chạnh lòng chua xót. Bao tự sự xảy ra cho Thụy Du cũng vì giây phút “bao giờ biết tương tư” của tôi mà thôi. Ngập ngừng tôi đề nghị ngày chủ nhật sẽ đến chở Thụy Du đi may áo ở nhà may Thiết Lập. Như vậy thì giá áo thế nào thì tôi sẽ bồi thường như thế thôi. Mẹ tôi thường may áo ở đây và tôi vẫn nghe nói đây là nơi nổi tiếng với áo dài raglan. Có lẽ cô gái nào ở Sài Gòn cũng mơ ước chiếc áo dài ở Thiết Lập. Thụy Du không đáp, bước quay về nhà. Bóng nắng đổ dài trên thân hình gầy nhỏ, quyện dưới chân tôi. Gió sông thổi lên phần phật. Tôi bỗng thấy phấn khởi nghĩ đến ngày chủ nhật sắp tới.
    Và như thế chúng tôi quen nhau. Để gây cảm tình với ba mẹ Thụy Du, tôi xin ghé 2 ngày mỗi tuần đến kèm Thụy Du và 2 người em trai học. Tôi nói dối với ba Thụy Du là tôi có một chỗ dậy kèm ở gần đó nên ghé lại thêm một tiếng nữa cũng chẳng là bao, việc dậy Toán cũng giúp tôi ôn lại bài cho kỳ thi Tú Tài sắp tới. Thấy chẳng mất mát gì, ba Thụy Du đồng ý và sốt sắng mang ly nước chanh vào lớp học mỗi lần tôi ghé.
    Hai đứa em trai của Thụy Du học Toán khá chăm nên ba mẹ Thụy Du hài lòng về sự kèm trẻ của tôi. Riêng Thụy Du, tôi hiểu là cô nàng chẳng mấy khi chú ý mấy đến lời giảng bài của tôi. Ba tuần sau, Thụy Du cũng mở lời:
    - Ông thày ơi, toán học khô khan quá hà. Ông thày có biết làm thơ không.
    Biết là nói “không” cũng chẳng thoát, tôi đành ngồi xuống chép cho Thụy Du xem một bài thơ tôi mới làm.

    “Ánh mắt trao người ánh long lanh
    Nụ hoa chưa nở nụ trên cành
    Tình yêu vừa chớm tình chưa tỏ
    Nắng hạ tắt rồi nắng mong manh”

    Tôi thấy Thụy Du đọc nhanh bài thơ, rồi trịnh trọng cầm ép vào một cuốn vở bìa hồng trên kệ. Tôi nhìn vội nét chữ hoa viết to trên bìa vở “Thơ Khúc Thụy Du”, thì ra đây là một cuốn vở mà Thụy Du chép thơ.
    - Khi làm thơ, anh Vũ ký bút hiệu gì vậy? Và có tặng ai không vậy?
    - Tôi vẫn thường ký là Anh Vũ. Nhưng giờ chắc tôi sẽ ghi là tặng Thụy Du nhé.
    Mặt cô gái thoáng nét đỏ hồng trên đôi má. Thụy Du quay đi nhưng cũng nói nhỏ đủ để tôi nghe.
    - Hay là anh ký tên Vũ Thụy Du đi. Cho em chôm bút hiệu của anh làm của riêng.
    Tôi sững sờ khi nhận thấy cái tên Vũ Thụy Du đã kết nối tên tôi và Thụy Du. Từ đó, Thụy Du cố gắng chú tâm vào những bài tập khô khan kia hơn. Đánh đổi lại tôi chép cho cô nàng những bài thơ tôi thức trắng đêm làm làm sửa sửa để gởi báo với bao hy vọng sẽ một lần cái tên Vũ Thụy Du được xuất hiện trên trang thơ. Thế mà đã bao lần tôi và Thụy Du ôm hy vọng và rồi thất vọng với những bài thơ ra đi biền biệt của tôi. Cũng may có cô bé hay ngồi bên kể cho tôi nghe những tâm tình riêng tư, rồi còn an ủi tôi, khen tiếp sức cho mấy tác phẩm thi thơ của tôi. Lời khích lệ và sự háo hức của Thụy Du đã bao lần làm tôi hun nóng niềm mơ ước để sáng tác chiều tác những bài thơ vô vọng kia. Tuy không lần nào được lên trang thơ của mấy tờ báo nhưng những bài thơ của tôi lúc nào cũng nằm yên trong cuốn vở hồng kia. Điều này làm ấm cõi lòng tôi vì tôi đã hiểu những bài thơ nho nhỏ sẽ muôn đời là một thoáng mơ của hai đứa. Tôi ôm giấc mơ sống trong một thiên đường mà cái tên của cô nàng đã gián tiếp nối liền hai tâm hồn. Thoáng mơ của tôi tiếp tục trải dài trong những câu thơ bên cạnh những bài toán như một đáp án cho cuộc đời.

    ………………………

    Sau bao năm xa nước, tôi trở về con đường xưa. Giờ tên đường đã đổi là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Nắng vẫn nhạt như ngày nào. Dòng xe cộ nhiều hơn xưa. Căn phố nhỏ còn đó như một chiều nao tôi đã ghé tìm sau tai nạn xe cộ. Ba Thụy Du vẫn là người ra tiếp tôi. Thoáng ngỡ ngàng, ông nghẹn lời.
    - Không ngờ là Vũ. Bao năm mà cháu vẫn nhớ đến gia đình bác. Nhìn cháu mà bác không nhận ra.
    Vào trong nhà, vẫn bộ sa lông xưa, màu da đã bạc đi nhiều theo năm tháng. Ba Thụy Du dí dỏm:
    - Thế nào, cậu Vũ vẫn uống nước chanh như ngày nào nhé.
    Ngồi tâm tình với ba Thụy Du gần một giờ. Tôi và ông thay phiên kể cho nhau nghe những thay đổi của cuộc đời. Thụy Du và hai người em đã lập gia đình và dọn ở riêng. Ngôi nhà ồn ào xưa giờ là một nơi vắng lặng, ra vào chỉ có ba mẹ Thụy Du. Hai người em vì sinh kế đã di chuyển ra miền Trung. Riêng Thụy Du đã dọn vào cư xá Thanh Đa gần đó từ ngày lấy chồng và bây giờ đã có hai đứa con, một trai một gái. Ba Thụy Du ghi cho tôi địa chỉ ngôi nhà trong Thanh Đa. Thấy tôi hì hục đẩy chiếc Honda ra cửa. Ông cười chọc tôi:
    - Cháu là Việt Kiều mà còn dám lái xe là liều lắm đấy. Chạy cẩn thận kẻo lại đụng xe như ngày nào.
    - Bác ơi, không hiểu sao mà cháu vẫn thấy mình mới lớn như ngày nào thôi. Vẫn là cậu học sinh lái xe chạy rong ngoài đường. Thấy cảnh vật vẫn vậy, chỉ khác là đông hơn chút và người người nhìn khác xưa một chút thôi.

    - Cháu vẫn còn mộng mơ lắm đấy !
    Tôi chạy xe sang đảo Thanh Đa. Qua cầu Kinh, tôi rẽ trái để vào khu lô số. Tay ga tôi buông ra cho xe chạy chầm chậm, vừa tìm nhà, vừa nhìn cảnh vật và những cái thay đổi. Mấy khu chung cư đông người thật. Trên trời dưới người. Trẻ nít bu kín những mảnh đất công viên, reo hò, chơi đùa. Kìa là sân banh Bạch Đàn với muôn người dành nhau một pha bóng, chia sẻ một khoảng trống trong sân. Tôi chạy lạc hai vòng mới định hướng được Lô Một. Gửi xe đi lên lầu, tôi tìm ra căn hộ của vợ chồng Thụy Du không khó nhưng chẳng có ai ở nhà. Còn sớm, tôi đi bộ ra bờ sông nhìn trời đất. Gió chiều lồng lộng thổi từ sông. Theo ngọn gió tôi đi ngược về quá khứ, thầm sống với những ngày đông xa xưa. Mới đó mà tôi đã từ một cậu thư sinh mới lớn hăm hở tìm đến cuộc đời chuyển sang một trung niên mệt mỏi với thế sự.
    Tôi trở lại Lô Một lần thứ hai, vẫn không có ai ở trong nhà. Giờ thì đã 8 giờ tối. Tôi thất vọng đi ra quán cà phê Dương gần đó ngồi uống nước chờ đợi. Cảm giác băn khoăn làm tôi nhớ lần chờ Thụy Du ở góc đường năm nao. Giờ này thiên hạ đổ ra đường khá đông. Họ muốn hưởng cái thoáng mát của bầu trời để thoát cảnh hầm nóng trong nhà. Mấy quán nhậu sinh hoạt ồn ào tấp nập như một cuốn phim đời đang trình chiếu cho tôi xem. Gần 9 giờ tối rồi, tôi quyết định trở lại Lô Một lần cuối cùng. Lần này thì căn hộ kia đã có ánh đèn. Trời tối đen nên chỉ có tí ánh đèn lọt ra ngoài mà cũng đủ rọi sáng cả một vùng cầu thang gần đó, nhìn thật ấm cúng so với cái giá lạnh phía bên ngoài. Tôi đi ngang qua cửa nhìn vào trong nhà mà ngập ngừng khoan chưa gõ cửa. Bên trong tôi thấy hai vợ chồng đang ngồi chung ghế sa lông xem ti vi. Xế vào trong chút nữa là hai đứa con khá lớn đang ngồi trên bàn, có lẽ là chúng đang làm bài cho lớp học. Chẳng khác gì lớp học năm kia của tôi là bao. Cũng cảnh hai đứa em Thụy Du đang học bài. Bên kia là cảnh tôi và Thụy Du đang xem bài thơ tôi mới làm. Hình như nhà có muỗi, một đứa con Thụy Du cầm cuốn vở quạt quạt vài cái. Mắt tôi hoa mờ tưởng như hàng chữ Thơ Khúc Thụy Du đang phe phẩy trên tờ bìa cuốn vở.
    Vài con mèo hoang rượt nhau chạy ngang làm đổ một chậu bông kiểng gần đó. Người trong nhà nhìn vội ra ngoài. Thụy Du ngước lên và thấy ánh mắt tôi ngoài cửa. Trong khoảnh khắc tôi còn thấy được nét ngạc nhiên ngỡ ngàng trong đôi mắt đỏ hoe năm xưa. Vội vàng tôi quay đi về hướng cầu thang. Bên trong nhà có tiếng ai hỏi “ai đấy” và có tiếng người trả lời “chẳng có ai hết”. Tôi bước đi trong vội vã như sợ có ai rượt theo và hạch hỏi về câu chuyện lòng của tôi. Nhịp bước chân tôi trên cầu thang nện thình thịch tựa như nhịp tim đang đập mạnh trong máu huyết tôi. Trời ơi, có lẽ đây là đoạn cuối của một thoáng mơ xa xưa rồi sao. Đâu đó trong khu chung cư, tiếng nhạc nho nhỏ vọng ra từ một căn hộ còn sáng đèn.

    “Hãy nói về cuộc đời
    Khi tôi không còn nữa
    Sẽ lấy được những gì
    Về bên kia thế giới
    Ngoài trống vắng mà thôi
    Thụy ơi, và tình ơi!”


    Xuống nhà dưới, tôi lấy xe lái chầm chậm ra cầu Kinh, rẽ về cầu Bình Triệu để lên nhà người quen ở Thủ Đức. Cầu Bình Triệu giờ đã xây mở rộng với một hướng đi và một hướng về riêng biệt như cuộc đời của tôi và Thụy Du. Từ trên cầu nhìn xuống, tôi thấy ánh đèn lấp lánh của khu phố Thanh Đa. Trong đó tôi biết có ánh mắt lấp lánh của Thụy Du đang chờ đợi một lời giải thích của tôi. Sang đến ngã tư Bình Triệu – Bình Lợi, tôi ngừng xe, quay nhìn lại Thanh Đa một lần chót. Ánh đèn đường chiếu bóng tôi đổ dài. Những căn lầu Thanh Đa giờ đã nhỏ mờ dần nhưng gió sông Sài Gòn ban tối vẫn còn lồng lộng thổi tung áo tôi. Đèn đỏ vừa chuyển xanh, theo đoàn xe tôi rồ ga cho xe lăn bánh, bỏ lại sau lưng một dĩ vãng và một bài thơ đang viết dở dang dưới bút hiệu Vũ Thụy Du.

    “Trở bước cuối đường ngõ cầu Kinh
    Tôi về thăm lại cảnh hữu tình
    Trưa đứng chờ ai tàn dừa nhỏ
    Chiều về nghiêng bóng nắng lung linh

    Đường xưa còn đó căn nhà cũ
    Tường vôi loang lở mái tôn buồn
    Hùng Vương ai nối dài ngày tháng
    Xô Viết đêm về nước lũ tuôn

    Chân cầu Bình Triệu tôi chờ em
    Hai đường thẳng tắp ánh đèn đêm
    Nơi ấy một lần ai lỡ hẹn
    Hoàng hôn tôi đếm bước dài thêm

    Gió chiều khuấy nhẹ gợn mặt sông
    Lục bình từng đám quấn chờ mong
    Tôi qua chốn cũ tìm nhung nhớ
    Người em một thuở vẫn trong lòng”




    Similar Threads
  • #2

    bai viet hay cam on tac gia da cho toi song lai nhung phut mông cu
    Đã chỉnh sửa bởi bichlien101046; 27-10-2013, 09:50 PM. Lý do: cam on tac gia da cho toi song lai nhung mo mong cu

    Comment

    • #3

      bai viet hay cam on tac gia da cho toi song lai nhung mo mong cu mot thuo than tien

      Comment

      • #4

        @ sis Sen: Wow, kg ngờ bà chị tui cũng mơ mộng mộng mơ dữ hén, chỉ có 2 chữ này mà bà chị loay hoay đến mấy posts. Dzị mà tui cứ ngỡ là bà chị tui chỉ lo buôn bán, mặc cả suốt ngày chớ.

        @ sis Chiều: Thank you sis cái tấm bình phông nhé. Gặp lại cảnh cũ người xưa trong chiện, có phê kg sis. Mà sis còn nhớ nhân vật trong chiện là khóa nào kg?

        Comment

        • #5


          Câu chuyện hay nhưng hơi buồn.Mới xem HB lại cứ tưởng đang được xem chuyện tình của anh SauDobg chứ...Cám ơn anh rất nhiều với câu chuyện tình nhẹ nhàng thơ mộng của ngày xưa...

          Comment

          • #6

            ..::~Trích dẫn nguyên văn bởi SauDong View Post
            @ sis Sen: Wow, kg ngờ bà chị tui cũng mơ mộng mộng mơ dữ hén, chỉ có 2 chữ này mà bà chị loay hoay đến mấy posts. Dzị mà tui cứ ngỡ là bà chị tui chỉ lo buôn bán, mặc cả suốt ngày chớ.

            @ sis Chiều: Thank you sis cái tấm bình phông nhé. Gặp lại cảnh cũ người xưa trong chiện, có phê kg sis. Mà sis còn nhớ nhân vật trong chiện là khóa nào kg?

            Thân tặng tác giả câu chuyện

            Chiều không nhớ nhân vật trong chuyện là khoá mấy , chỉ nhớ kí ông Nguyễn Du Anh - Vũ , viết câu chuyện thời @ của mình...là kí ông Sầu Đông thui àh !
            Cảm ơn bài viết nhe Bác Sầu Đông...Chiều nhớ là có đọc ở đâu đó vài lần , bi giờ đọc lại , vẫn thấy hay

            Comment

            • #7

              ..::~Trích dẫn nguyên văn bởi SauDong View Post
              @ sis Sen: Wow, kg ngờ bà chị tui cũng mơ mộng mộng mơ dữ hén, chỉ có 2 chữ này mà bà chị loay hoay đến mấy posts. Dzị mà tui cứ ngỡ là bà chị tui chỉ lo buôn bán, mặc cả suốt ngày chớ.

              @ sis Chiều: Thank you sis cái tấm bình phông nhé. Gặp lại cảnh cũ người xưa trong chiện, có phê kg sis. Mà sis còn nhớ nhân vật trong chiện là khóa nào kg?
              ui cha tim cai kinh lao khg ra nen lung tung vay chu co ban ron gi dau cung khg bươn ban chi ca lam tien de lam chi co mang ra di đươc dau dang chuan bi 1 chuyen ra di that xa ma Cac ban ạ

              Comment

              • #8

                ..::~Trích dẫn nguyên văn bởi Hương Bình View Post

                .Mới xem HB lại cứ tưởng đang được xem chuyện tình của anh SauDobg chứ...=.
                Ui chị Op ơi là chị Op, ngừ thiệt chiện thiệt mừ. Đã bảo là cuối tuần mời Binh Hường ghé xem Sáu Đồng ăn phở mà.

                @ Chiều: Thanks sis tấm bình phông thứ nhì nhé , đó là 4 câu thơ kỷ niệm ngày quen người con gái trong truyện. Trên Chiều 1 vài khóa đó.

                Comment

                • #9

                  Còn một chút gì để nhớ để thương... Saudong còn bao nhiêu mảnh tình theo vận nước dể thương như vầy nữa kể ra hết đi nè...

                  Yes, Saudong own Thuy Du một lời giải thích rồi đó...

                  Cái không gian và nhiều chi tiếc của câu chuyện làm ketui nhớ lại thời học sinh của mình ghê đi... cũng Hội Viện Mỹ, cầu Thị Nghè, Khu Thanh Đa Hùng Vương, bến Bạch Đằng...

                  Thanks Saudong.

                  Comment

                  • #10

                    ..::~Trích dẫn nguyên văn bởi ketui View Post
                    Còn một chút gì để nhớ để thương... Saudong còn bao nhiêu mảnh tình theo vận nước dể thương như vầy nữa kể ra hết đi nè...

                    Yes, Saudong own Thuy Du một lời giải thích rồi đó...

                    Cái không gian và nhiều chi tiếc của câu chuyện làm ketui nhớ lại thời học sinh của mình ghê đi... cũng Hội Viện Mỹ, cầu Thị Nghè, Khu Thanh Đa Hùng Vương, bến Bạch Đằng...

                    Thanks Saudong.


                    Cám ơn tất cả đã ghé xem và ủng hộ.

                    @ bác Ké: thế bác mài đũng quần ở trường nào thế. Tui thì thỉnh thỏang có nick ND-VTT vì đóng quân ở 2 trường Nguyễn Du và Võ Trường Toản. Bạch Đằng trong truyện là đường Chi Lăng nối dài khúc qua Lăng Ông Bà Chiểu và kéo thẳng đến Ngã 3 Hàng Xanh tiếp giáp Hùng Vương Nối Dài đó, kg phải là bến Bạch Đằng quận 1 đâu bác ui. Bác nhớ kỹ nhé, vì kg biết đường Bạch Đằng ở Bình Thạnh là sis Chiều buồn lắm đó. Í mà, tui kg khai nữa đâu.

                    Có 1 chi tiết mình kg dám đưa vào truyện là.. hôm đi thi bằng Anh Văn, mình thi trót lọt vì... có đề trước. Giờ hết đi học rồi mới dám lên đây khai.Ngu gì khai sớm, rủi đâu bộ Giáo Dục nghe được thì họ đòi lại cái bằng lái xe.

                    Mà bác ui, viết truyện tầm phào post là đủ giải thích rồi vì cô nàng TD kia đã đọc và.... hổng nói gì hết. Chứ ngu dại gì mà ghé giải thích, họ tưởng ghé ăn phở thì bị quánh sặc máu đó. À quên, cô nàng TD có hát bài Nỗi Lòng khá hay, tui nhớ mãi câu đầu.... í mà... câu đầu hát như thế nào nhỉ???

                    Comment

                    • #11

                      ..::~Trích dẫn nguyên văn bởi SauDong View Post
                      Cám ơn tất cả đã ghé xem và ủng hộ.

                      @ bác Ké: thế bác mài đũng quần ở trường nào thế. Tui thì thỉnh thỏang có nick ND-VTT vì đóng quân ở 2 trường Nguyễn Du và Võ Trường Toản. Bạch Đằng trong truyện là đường Chi Lăng nối dài khúc qua Lăng Ông Bà Chiểu và kéo thẳng đến Ngã 3 Hàng Xanh tiếp giáp Hùng Vương Nối Dài đó, kg phải là bến Bạch Đằng quận 1 đâu bác ui. Bác nhớ kỹ nhé, vì kg biết đường Bạch Đằng ở Bình Thạnh là sis Chiều buồn lắm đó. Í mà, tui kg khai nữa đâu.

                      Có 1 chi tiết mình kg dám đưa vào truyện là.. hôm đi thi bằng Anh Văn, mình thi trót lọt vì... có đề trước. Giờ hết đi học rồi mới dám lên đây khai.Ngu gì khai sớm, rủi đâu bộ Giáo Dục nghe được thì họ đòi lại cái bằng lái xe.

                      Mà bác ui, viết truyện tầm phào post là đủ giải thích rồi vì cô nàng TD kia đã đọc và.... hổng nói gì hết. Chứ ngu dại gì mà ghé giải thích, họ tưởng ghé ăn phở thì bị quánh sặc máu đó. À quên, cô nàng TD có hát bài Nỗi Lòng khá hay, tui nhớ mãi câu đầu.... í mà... câu đầu hát như thế nào nhỉ???
                      "Yêu ai yêu cả một đời Sầu Đông" á... Tris giờ mới biết Sầu Đông cũng...ghê gớm quá đi a...
                      Tristesse/Ngườiđitìmmộng/NhớNhaTrang

                      Comment

                      Working...
                      X
                      Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom