Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh
làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.
Mùa hè Cali, anh nhớ sài gòn
Phượng hồng ban trưa, ve chắc gọi buồn
Em ghé ngôi trường, phượng rơi ai bán
Gom hết mua về, mà kết môi tim
Làm nhớ nhau thêm
Thiết tha kỷ niệm, để nhớ nhau thêm !!
Chiều mòn Cali, anh nhớ Sài gòn
Người tình khoa văn, duyên dáng mặn mà
Năm ngón nỏn nà, bàn tay xinh xắn
Em vẩy tay chào, ngày đó chưa phai
Còn nhớ trong anh, áo em học trò
Còn mãi trong anh,
Phượng Sài Gòn, hoa đẹp lắm
Đâu có nơi nào bằng đất quê hương
Anh phương xa, nhung nhớ muôn trùng
Hoa tên em, trang vỡ mong chờ
Tình thương vẫn thương
Màu hoa vấn vương...... lòng anh!!!
Trường Nữ Trung học Lê Văn Duyệt tọa lạc trên đường Lê Văn Duyệt, gần Lăng Ông thuộc xã Bình Hòa tỉnh Gia Định, nơi thờ phượng Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt.
Theo Nguyễn Ngọc Oanh, một trong những học sinh kỳ cựu nhất của Lê Văn Duyệt, vào năm 1957 trường chỉ có 2 lớp Đệ Thất, một nam và một nữ, được học nhờ tại trường Nam Tỉnh Lỵ. Trường này còn có tên là Trương Tấn Bửu, theo cô Trần Thị Ngoạn. Hiệu trưởng đầu tiên là ông Lê Ngọc Toản. Lớp nam sinh sau đó đã dược chuyển về Hồ Ngọc Cẩn.
Theo bà Bùi Thị Lắm, tòa tỉnh trưởng Gia Định đã cấp cho môt khu đất để xây trường Lê Văn Duyệt mà chúng ta hiện có. Miếng đất này được biết trước đó là nơi trồng rau muống. Bà Bùi Thị Lắm đã trở thành vị Hiệu trưởng thứ nhì bắt đầu từ niên khóa 1959-60, và bà cho biết đã đích thân khánh thành ngôi trường mới này.
Sau Bà Lắm, Giáo sư Phạm Thị Diệu Linh đã lãnh chức quyền hiệu trưởng trong một thời gian ngắn, từ cuối tháng 11 năm 1963 đến đầu năm 1964, rồi được điều về Trưng Vương làm Giám Học.
Vị Hiệu trưởng kế tiếp là Bà Nguyễn Ngọc Hương, một người tài đức vẹn toàn, rất được giáo sư và học sinh kính mến. Hiện nay tuổi Bà đã cao, đang cư ngụ tại San Jose và thỉnh thoảng vẫn được cựu đồng nghiệp và nữ sinh ghé thăm.
Bà Trần Hoàng Mai đã trở thành vị Hiệu trưởng cuối cùng của Trường Nữ Trung Học Lê Văn Duyệt tính đến năm 1977 khi bà bị chính quyền cộng sản cho nghỉ việc. Từ một ngôi trường bé nhỏ với mươi lớp, trường đã được xây thêm nhiều lớp học và lên một tầng lầu, và đã là nơi cư ngụ cho gia đình bà Trần Hoàng Mai trong suốt thời gian bà làm Hiệu trưởng nơi đây.
Bà đã lâm bịnh trong một thời gian khá dài và từ trần vào cuối năm 2007 trong sự thương tiếc của cựu đồng nghiệp và nữ sinh.
Một số giáo sư và nhân viên khác cũng lần lượt ra đi, trong số có Cô Trần Ngọc Lan, Giáo sư Pháp Văn, mất năm 1975 khi còn rất trẻ. Các cố giáo sư khác gồm Cô Đoàn Thị Lài dạy môn Việt Văn, Cô Nguyễn Thị Thanh Lan phụ trách môn Lý Hóa, Cô Đinh Thị Bạch Nga dạy Pháp Văn. Cách nay gần 3 năm, Cô Dương Thị Diệp, giám thị, đã mất ngày 12 tháng 8 năm 2006. Hai nhân viên văn phòng nữa là bà Sáu và bà Lương Ngọc Tương cũng đã ra người thiên cổ.
Trở lại ngôi trường cũ, chúng tôi đã có từ lớp Đệ Thất đến lớp Đệ Nhị, rồi Đệ Nhất, đào tạo được rất nhiều thế hệ học sinh đa tài và hữu dụng cho đất nước.
Vào năm 1963, sau lớp Đệ Nhị, Ngọc Oanh và các bạn phải chuyển qua Trưng Vương học Đệ Nhất vì năm đó trường ta chưa có cấp lớp này. Lớp Anh Văn sinh ngữ chính của Thúy Lan, cựu hội trưởng Lê Văn Duyệt, cũng đã được chuyển qua Trưng Vương, trong khi lớp Đệ nhất Pháp văn sinh ngữ chính của Trưng Vương thì lại được qua học tại Lê Văn Duyệt.
Nhưng chỉ vài năm sau thì trường nhà có lớp Đệ Nhất và học sinh không còn phải từ giã trường của mình sớm một năm nữa.
Bây giờ khi nhẩm tính lại, trường Lê Văn Duyệt đã được thành lập trên nửa thế kỷ. Nhưng so với hai trường nữ Gia Long và Trưng Vương, Lê Văn Duyệt được coi như một ngôi trường trẻ với thành phần giáo sư cũng có tinh thần trẻ trung và rất gần gụi với học sinh.
Trường tôi đó, nơi rất nhiều lần tôi đã được nghe câu hỏi: “Sao trường nữ mà lại có tên một vị nam tướng quân?” Tôi không biết ai đã đặt tên trường, song thường nghĩ rằng cái tên này đã gắn liền với cuộc đời của một vị khai quốc công thần suốt đời lo cho dân cho nước.
Ngài sinh năm 1763, gốc người làng Bồ Đề, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là danh tướng thời Nguyễn sơ, rất có công trong việc giúp chúa Nguyễn chống lại nhà Tây Sơn. Ngài rất thông minh, có sức khỏe và chuộng võ nghệ. Từng hai lần hộ giá Chúa Nguyễn Phúc Ánh chạy sang Xiêm, đánh chiếm thành Qui Nhơn, dùng hỏa công đốt phá toàn đội chiến thuyền và các thủy trại của Tây Sơn tại cửa biển Thị Nại.
Sau khi lên ngôi Hoàng đế, vua Gia Long phong cho Lê Văn Duyệt chức Khâm-sai Chưởng Tả- quân-dinh Bình-Tây Tướng-quân tước Quận công, rồi cùng với Trung Quân Nguyễn văn Trương và Hậu quân Lê Chất tiến đánh Bắc hà. Sau khi đất Bắc được dẹp yên, ông được cử làm Kinh-lược xứ Thanh Nghệ.
Ngài đã 2 lần được bổ làm Tổng Trấn Gia Định, theo Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm. Lần thứ nhất từ 1812 đến 1815, thời vua Gia Long. Và lần thứ nhì từ năm 1820 đến năm 1832 là năm ngài mất .
Không những là một vị tướng tài, Đức Tả quân còn là một nhà chính trị lỗi lạc, hết lòng chăm lo cho đất nước và dân chúng. Ông cũng là nhà ngoại giao giỏi, thức thời trong cách đối xử với người Tây phương đến buôn bán tại Saigon.
Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt đã làm được hai điều rất khôn khéo: đó là không theo chính sách bế quan tỏa cảng mà đón nhận thương gia vào buôn bán, và làm ngơ cho việc truyền đạo.
Hiện nay tại xã Bình Hòa, tỉnh Gia Định có lăng Đức Tả quân, còn được gọi là Lăng Ông, nơi dân chúng rất sùng bái vì tin rằng Ngài rất linh thiêng. Người ta đến đây để cầu phúc, cầu tài, xin xâm, nhất là vào dịp lễ vía và đầu năm âm lịch.
Cho đến hôm nay và mãi mãi về sau, ngôi trường mang tên Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt vẫn để lại trong lòng chúng ta những hình ảnh thân thương và những kỷ niệm khó nhạt phai nhất.
(Tài liệu tham khảo về Đức Tả Quân: Việt Nam Danh Nhân Tự Điển của Nguyễn Huyền Anh. Nhà xuất bản Hội Văn Hóa Bình Dân Saigon, 1960).
LỊCH SỬ TRƯỜNG NỮ TRUNG HỌC GIA LONG SAIGON
Cô Giám Học Nguyễn Ngọc Anh
Cây có gốc mới trổ cành sanh ngọn
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu
Trường ta nguồn gốc tại đâu ?
Xuất phát từ ý định tha thiết muốn xây dựng một nền giáo dục cho nữ giới, một số nhân sĩ tâm huyết và tiến bộ đã khẩn thiết gửi đơn xin chánh phủ lập một trường Sơ Học Cao Đẳng riêng biệt cho nữ sinh. Năm 1909, đơn đã được Hội Đồng Quản Hạt chấp thuận nhưng chưa có kinh phí để thực hiện. Mãi đến ngày 6 tháng 11 năm 1913, cách đây gần 86 năm, lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng trường Nữ Học Đường Sài Gòn mới được cử hành. Trường được xây dựng trên một khu đất rộng ở đường Legrand de la Liraye, sau đổi tên là đường Phan Thanh Giản.
Hai năm sau, ngày 19 tháng 10 năm 1915, Toàn Quyền Roume và Thống Đốc Courbell làm khánh thành. Trong buổi lễ trọng thể này, ban tổ chức đã chọn màu tím làm màu áo đồng phục cho nữ sinh, tượng trưng đức tính đoan trang, kín đáo và khiêm nhượng của người thiếu nữ Việt Nam.
Từ đó, trường thường được gọi là "Trường Áo Tím".
Ngày khai trường có bốn mươi hai nữ sinh. Các học sinh đầu tiên của Trường thuộc những gia đình sống ở Sài Gòn và các vùng phụ cận. Dần dần, có nhiều học sinh từ các tỉnh lên học nên Trường bắt đầu có nội trú.
Trường có từ lớp Đồng Ấu (Enfantin) tới lớp Cao Đẳng (Superieur). Vào năm cuối học sinh thi lấy bằng Sơ Học (CEP).
Trong những năm 1917 - 1922, dãy thứ hai được xây cất song song với dãy phía trước. Các phòng trên lầu được dùng làm phòng ngũ nội trú. Cách một sân cỏ, là một dãy nhà sau, thấp, sát với vách tường rào. Ở đó có bệnh thất, các lớp nữ công gia chánh, phòng giặt và xếp quần áo học sinh nội trú, cuối cùng là nhà bếp.
Tháng 9 năm 1922, Toàn Quyền Albert Sarraut cắt băng khánh thành Ban Trung Học Nữ Học Đường. Tấm bảng đá cẩm thạch với hàng chữ đen Collège de Jeunes Filles Indigènes được gắn trước cổng trường. Tuy nhiên tên này ít được biết đến và danh hiệu trường Áo Tím vẫn được thông dụng hơn.
Bà Lagrange, vợ một ông Chánh Tham Biện người Pháp, được bổ nhiệm làm Hiệu Trưởng ban trung học. Trường mở từ lớp đệ thất niên đến lớp đệ tứ niên, chỉ thu nhận nữ sinh có bằng Sơ Học và trúng tuyển qua một kỳ thi.
Lúc đầu, các nữ sinh đậu vào lớp đệ nhất niên thì học ban Sư Phạm, sau bốn năm ra làm giáo viên. Hoặc theo ban Phổ Thông. Cả hai ban đều học một chương trình để tốt nghiệp lấy bằng Thành Chung (DEPSI).
Từ lớp Dự Bị (Préparatoire) tức là lớp Hai bây giờ, học sinh đã bắt đầu học Pháp Văn. Ban Trung Học hoàn toàn được giảng dạy bằng tiếng Pháp. Mỗi tuần chỉ có hai giờ Việt Ngữ.
Trong trường học sinh bị bắt buộc phải nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp. Mỗi lần bị bắt gặp nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt, phải chịu phạt một hay hai xu. Nhưng hình phạt không mấy khi thi hành.
Năm 1926, nhân đám tang cụ Phan Chu Trinh, một phong trào bãi khóa lan rộng từ Nam chí Bắc để tỏ lòng thương tiếc nhà cách mạng lão thành. Học sinh trường Áo Tím nhiệt liệt hưởng ứng đưa đến kết quả một vài nữ sinh bị bắt và phải đuổi khỏi trường.
Năm 1940, quân đội Nhật chiếm đóng trường trong lúc học sinh nghỉ hè. Đầu năm học 1941-1942 các nữ sinh tạm chuyển qua học ở trường Đồ Chiểu (Tân Định).
Năm 1949, trường xây thêm dãy lầu đường Bà Huyện Thanh Quan để đáp ứng số học sinh ngày một tăng.
Niên khóa 1950-1951, là một năm đáng nhớ. Lần đầu tiên trong lịch sử trường Áo Tím được đặt dưới quyền điều hành của một nữ Hiệu Trưởng Việt Nam. Cô Nguyễn thị Châu cũng là cựu nữ sinh Nữ Học Đường. Cô Châu từ trần năm 1996 tại Pháp.
Năm 1952, chương trình Việt Ngữ được áp dụng thay thế dần chương trình Pháp và Pháp Việt. Từ đây học sinh bắt đầu có giờ sinh ngữ Anh, Pháp.
Năm 1953, đồng phục tím được thay thế bằng đồng phục trắng với phù hiệu bông Mai Vàng. Sau cùng là huy hiệu với tên trường Gia Long được thêu trên vải.
Về sau Chánh phủ ra lệnh dùng tiếng Việt trong mọi cơ sở của người Việt. Tên trường được gọi là Nữ trung học Gia Long. Trên bước đường phát triển, trường xây thêm: Thư Viện (1965), phòng Thí Nghiệm Lý Hóa (1966), hồ bơi (1968).
Nữ sinh trường Gia Long trong áo dài truyền thống
trên dường Norodom boulevard,1967
Năm 1964 trường bỏ nội trú. Những dãy lầu từng được dùng làm nơi cư ngụ cho các học sinh nội trú được sửa thành lớp học. Buổi sáng có tất cả năm mươi lăm lớp học từ đệ Tứ đến đệ Nhất (lớp 9 đến lớp 12). Buổi chiều có tất cả bốn mươi lăm lớp từ đệ Thất đến đệ Ngũ (lớp 6 đến lớp 8). Tổng công sáng chiều trường có tất cả một trăm lớp học. Vào khoảng thập niên bảy mươi, kỳ thi tuyển vào đệ Thất mỗi năm có chừng bảy trăm nữ sinh trúng tuyển trong số hơn mười ngàn thí sinh. Trường có độ hai trăm giáo sư và năm ngàn nữ sinh.
Từ năm 1975, trường đã bị đổi tên. Nhưng với tất cả chúng ta,trường vẫn là trường Gia Long yêu quý. Cũng như Sài Gòn vẫn mãi mãi là Sài Gòn, trong trái tim, trong nguồn nhớ không nguôi của một người dân Việt.
Hỡi người tình Luật khoa
Xa chi mắt lệ nhòa
Bây giờ là tháng mấy ?
U hoài cuộc tình ta
Con đường Duy Tân đó!
Cùng em bên giãng đường
Hàng me già rũ bóng
Cuộc tình bao vấn vương
Ngày xưa mình bên nhau
Cùng em bước vội mau
Tay ôm chồng sách vở
Tháng Hạ trời mưa ngâu
Gió chiều nhẹ ru êm
Lời thương yêu ngọt mềm
Đôi bóng hằn in dấu
Tình còn hay đã quên
Còn đâu trường Luật Khoa
Gợi bao niềm xót xa
Ta xa trường năm đó
Em tôi bóng nhạt nhòa
Ngôi trường xưa yêu dấu
Tà áo dài năm xưa
Gió bụi mờ phai nhạt
Chưa quên buổi hẹn hò
Giãng đường nay vắng xa
Cổ thụ xưa đã già
Anh giờ nơi đất khách
Tiếc nhớ chuỗi ngày qua
Thuyền xưa giờ tách bến
Gió nhẹ hồn đong đưa
Bến xưa còn ngóng đợi
Lời yêu mấy cho vừa
“Hỡi người tình năm xưa”
Dấu chân em xóa mờ
Con đường xưa kỷ niệm
Còn anh nỗi đợi chờ
Comment