• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

VIẾT VỀ THY LAN THẢO

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • VIẾT VỀ THY LAN THẢO

    TỰA NHỎ


    Một chút phân vân , một chút ngaị ngần khi nghe Thy Lan Thảo ngỏ ý nhờ tôi viết cho anh một tựa nhỏ .Tôi không biết phải làm thế nào để không phụ lòng anh , người đã tìm đến với thơ tôi từ thuở tôi hãy còn là một cô bé con vừa ngậm ô mai , vừa thút thít khóc khi làm những bài thơ tình cho lính gửi đăng trên các báo .
    Tưởng chừng như mới đó đã mấy mươi năm ...
    Thăng trầm , biển dâu với đời lưu lạc .Niềm đau mất nước , nỗi buồn quặn thắt của kẻ lưu vong , nợ núi sông nửa đời cung kiếm gãy nhưng vẫn sáng rực niềm tin hẹn một ngày về và hình ảnh người mẹ hiền trải dài trong suốt thơ anh đã cho tôi trân trọng một tấm lòng . Người lính chiến Cộng Hòa khẳng khái , trung kiên tuyên thệ trước khi rời trường Mẹ , mang phương châm "Cư An Tư Nguy "Vùng vẫy bốn phương trời :
    " Đêm vũ đình trường Tăng Nhơn Phú
    Ngàn cánh tay thề giữ núi sông
    Ra đi đáp lại lời sông núi
    Nhiệt huyết đời trai trọn ý lòng "
    ( Mẹ hiểu lòng con )
    Và dấn thân vào cuộc chiến là trách nhiệm của kẻ làm trai khi quê nhà binh biến :
    " Tự nguyện hiến dâng đời gió bụi
    Diệt thù dành lại chữ tự do
    Bốn vùng chiến thuật chân không mỏi
    Lòng vẫn yên xây mộng hải hồ "
    ( Oan Khốc Sông Ba )
    Nhưng chí trai không thỏa , tháng tư đen như một cơn địa chấn bạo tàn đã vùi dập tất cả ước mơ tuổi trẻ , chỉ còn đây là nỗi tủi nhục , hờn căm của một người lính bị bắt buộc phải giã từ vũ khí :
    "Nhưng mộng đời trai tủi bước lầm
    Đầu quân dưới trướng - tướng vinh thân ...
    ...Niềm tin đã mất trời cao rộng
    Ngăn bước đời trai ,nhục núi sông "
    ( Oan khốc Sông Ba )
    Ngày anh buông súng trở về trong nỗi tuyệt vọng khôn cùng của một người lính không còn chỗ đứng , vòng tay người mẹ hiền đã là một điểm tựa bền vững để an ủi , xẻ chia tiếp tục nâng đở bước anh đi :
    " Tan cuộc chiến , ta nhớ màu mắt mẹ
    Khi ta về buồn tủi khóc ôm ta
    Thương con trẻ lỡ đời cung kiếm gãy
    Đất nước vô tình , ai thấu nỗi xót xa "
    ( Quê hương rồi sẽ đẹp )
    Dù bị gông cùm trong tay kẻ thù, người lính Cộng Hòa vẫn nêu cao gương kiên cường . kiêu dũng , giữ vững sắt son như ngày nào ngôi trường mẹ đã hun đúc chí trai :
    "Ta thân chiến bại trong tù ngục
    Mắt vẫn ngời sao ý buổi đầu
    Lửa nghĩa trung đài đêm mãn khóa
    Lòng ta giữ mãi có quên đâu "
    ( Đôi mắt ngày về )
    Và thật xót xa của một kiếp người tù tội , anh vẫn không quên một cuộc tình xưa, nhưng có còn cần thiết không khi thực tế đời anh cháo rau mới chính là nhịp thở , nên thơ anh chỉ còn lại đau đớn ngậm ngùi :
    " Cũng có lúc núi rừng sâu ta nhớ
    Mắt thật buồn trong dáng của em xưa
    Nhưng ở đó ta cần khoai để thở
    Như ngày xưa ta cần mắt của em mơ "
    ( Về trên xe quốc lộ )
    Nhưng khi thoát được vùng đất lưu đày, đến bến tự do, thì quê hương đã nghìn trùng cách biệt:
    "Chiều nay chút lạnh giao mùa đến
    Em có buồn không , em Việt Nam
    Một chuỗi ngày thơ xưa luyến mến
    Nghìn trùng xa cách buốt con tim "
    ( Chuyển mùa )
    Anh ấp ủ Gò Công , nơi chôn nhau cắt rốn của anh , như chiếc nôi êm đềm của một thời niên thiếu .Thị trấn có những ngôi nhà mái ngói âm dương , hoang sơ cổ kính , có những con phố nhỏ tình thân như phố Tàu ở mãi Hội An .Anh nhớ từng địa danh , từng món ăn quen thuộc của một vùng quê nghèo : hoa so đũa luộc ăn với mắm tôm chà , những trái cerise chua chua , ngọt ngọt trên đường về Hòa Nghị , những mùa xuân đoàn tụ yên vui đã mất với bồn mai tứ quý , với mắm tôm chua ... Ở đó anh có một người mẹ vẫn ngồi trên ván gõ, tựa cửa trông con , nhưng đã bao lần xuân qua , quê người , đất khách anh vẫn chưa một lần về thăm lại ...Ăn miếng canh rau mà nhớ về quê Mẹ , những tháng ngày đạm bạc nhưng thắm đượm tình quê :
    " Canh tập tàng nêm thêm chút muối
    Đọt bầu, đọt bí ,lá mồng tơi
    Ngan ngát rau dền bông bí đỏ
    Mẹ húp , con chan - ngọt ý đời "
    ( Canh rau tập tàng )
    Từ giọng hát nào đã đưa anh về bãi bờ yêu dấu cũ : Những tà áo bay trên cầu Long Chánh , vị ngọt ngào của cam Vĩnh Hựu giữa buổi trưa hè , Tháng sáu trẻ con Vàm Láng khoe áo mới trong lễ đón ngênh Ông...
    " Rau dền xanh lá hương ngan ngát
    Đất tạm dung vẫn tưởng quê nhà
    Nhạn Trắng Gò Công cao tiếng hát
    "Nỗi buồn gác trọ " ngút đường xa "
    ( Nhớ Mẹ )
    Và anh nhắn gởi nỗi nhớ thương về quê cũ :
    " Cuối tháng em về cho ta gởi
    Tấm lòng thương nhớ của riêng ta
    Gặp em nếu mẹ ta thăm hỏi
    Em bảo ta ngàn đêm xót xa "
    ( Nhắn gởi )
    Thy Lan Thảo xót thương quê nghèo đắm chìm trong đêm dài Việt Nam tăm tối , mất mùa hạn hán trong cơ trời , ách nước , ngàn nỗi tai ương ở một thư gửi chị :
    " Chị kể Gò Công trời hạn hán
    Dân nghèo bỏ xứ kiếm ăn xa ..."
    ( Cờ vàng sẽ bay )
    Anh cũng ghi khắc ân nghĩa thâm sâu của Mẹ già, của người chị hiền đã thăm nuôi anh trong những tháng năm tù tội từ Nam ra Bắc, trong cảnh đời cơ cực :
    " Hôm nay ăn bát cơm thơm dẽo
    Nhớ Mẹ ru con nát cả lòng "
    ( Nghĩa ân còn nhớ )
    " Chị vẫn âm thầm đời đạm bạc
    Hàng ngày hai buổi đến trường xưa
    Chữ nghĩa văn chương nào thấy sáng
    Cuộc đời dạy học chẳng tròn mơ "
    ( Chút ý ngày về )
    Nhưng đậm nét nhất trong thơ anh vẫn là hình ảnh người mẹ hiền rạng rỡ, như biển Thái Bình, như vầng dương muôn thuở:
    " Trong suốt đời ta chỉ một người
    Dáng tiên hiền diệu dẫu xa xôi
    Mẹ luôn dõi mắt theo chân bước
    Của đứa con trai đến cuối đời "
    ( Đau xót đời ta )
    Thảo ngay , tình nghĩa của một người con chí hiếu với ray rứt khôn nguôi khi không về được để thọ tang trong ngày mẹ mất, cũng không làm thơ anh bi lụy, khi thắp lửa tin yêu với giấc mơ hồi hương :
    " Chừng đó mùa xuân thắm ý mai
    Anh dìu bước muội ngọt tình say
    Trong đôi mắt muội ngời tha thiết
    Anh thấy hình anh chất ngất đầy "
    ( Sẽ có mùa xuân )
    Trái tim người lính Cộng Hòa với chan chứa yêu thương, khẳng định niềm tin ở một ngày mai tất thắng :
    " Hồn quốc tổ sẽ cười vang sông núi
    Đường quê hương sẽ rợp bóng cờ vàng
    Đổi năm tháng nhọc nhằn đầy hận tủi
    Bằng tình thương dấu ái ngát trời hương "
    ( Quê hương rồi sẽ đẹp )
    Tôi quý trọng cái khí khái của một người lính Quốc Gia , với lý tưởng Tổ Quốc , Danh Dự , Trách Nhiệm như một hoài bão mà anh vẫn còn ấp ủ - tình nghĩa gia đình gắn bó, bền chặt- tình chiến hữu thâm sâu...Ngần ấy thứ đã nói lên nhân cách sống của anh giữa một cảnh đời chao đảo.Chúng ta hãy giang tay cho Thy Lan Thảo buớc tới , để thơ anh còn có dịp bay cao , bay xa hơn thế nữa về với những rặng tre , bờ cỏ ở quê nhà , những hình ảnh nồng đượm , đơn sơ , nhưng một Việt Nam tự do vẫn luôn làm ấm lòng người xa xứ .
    Minneapolis tháng 6/2001

    M.H.HÒAI LINH PHƯƠNG
    Con đi dưới lá cờ sao máu
    Rờn rợn lòng con, nhục Mẹ ơi...
    Similar Threads
  • #16

    Tựa



    Tôi gấp xấp bản thảo tập thơ “CHÚT TÌNH, CHÚT Ý”, tự nhiên, thật chậm, thật chậm tôi xếp từng trang lại theo thứ tự. Dường như lòng tôi còn muốn kéo dài niềm xúc động đang quyện trong gan ruột. Tôi đọc đi, đọc lại tám mươi bốn bài thơ dài của Thy Lan Thảo gom góp từ năm 1984.

    Đâu chỉ có “CHÚT TÌNH, CHÚT Ý” mà tràn ngập cả tình người !

    Tôi không biết làm thơ mà dám nhận giới thiệu một tập thơ của một thi sĩ đã xuất bản ba thi tập và đã có tên tuổi trên thi giới, quả là “liều mạng” ! Nhưng một câu nói ngắn của Thy Lan Thảo :” Thy Lan Thảo muốn một người Gò Công giới thiệu một người Gò Công”, câu nói đậm tình Gò Công đó đã tiếp cho tôi “mười thành công lực” nhận giới thiệu tập thơ.

    Quê hương ngàn dậm lòng ghi khắc
    Hai chữ Gò Công- âm thật êm.
    ( Nỗi nhớ trong mơ.)

    Ta ở đây đất người xứ lạ
    Nhớ Gò Công- nước mặn, đất phèn
    (Ước ao trăn trở)

    Bằng thơ, Thy Lan Thảo đã minh họa hình ảnh Gò Công đậm cái “chất Gò Công” trong đó:

    Tô canh chua mẹ nấu bông so đũa
    Tôm cắt đầu đuôi thêm chút ngò om
    Lẫn với đậu rồng giàn làm cạnh ngõ
    Tôm đất rang muối ớt, nức mùi thơm.
    ( Rau càng cua)

    Nhưng đặc biệt của tập thơ “CHÚT TÌNH, CHÚT Ý” là tình người.

    Ta cãm được cái không khí ấm áp đầy tình thương của gia đình, cha mẹ, chị em:

    Ba ngồi đánh bóng bộ lư hương
    Bên cội mai già trổ lộc non
    Mẹ chị lăng xăng làm bánh mứt
    Lửa củi reo vui, má ửng hồng
    ( Lại thấy xuân về)

    Những kỹ niêm với thầy, cô, trường cũ:

    Ta trân quý giữ từng kỹ niệm
    Tên thầy, tên bạn, chuyện trường xưa
    (Một chút xót xa)

    Buổi sáng ở đây có học trò nhỏ
    Rất dễ thương bước ríu rít trên đường
    Trời tháng Chín nắng hồng chim Sẻ hót
    Mùa khai trường nào cũng rất dễ thương
    (Niềm tin và em gái)

    Và nhứt là tình đồng ngủ với những người chiến sĩ cùng chiến đấu, cơ cực, tù đày và ngã gục cho tự do:

    Bằng cả tấm lòng ta riêng viết
    Câu thơ thương nhớ đắng đêm dài
    (Giữ riêng kỹ niệm)

    Với những dòng thơ, Thy Lan Thảo đã chiếu lại cuốn phim đời mình từ một thanh niên rời trường học, đi chiến đấu, lúc tù đày rồi sống tha hương. Đọc thơ Thy Lan Thảo, ta chợt thấy ta trong đó. Ta bắt gặp ta cũng trôi lăn trong những tình huống xót xa:

    Ta thấy bạn ta không tù tội
    Đạp xe ba bánh, áo quần tưa
    Thằng bạn thương binh ngồi góc chợ
    Hát kiếm tiền trong cảnh gió mưa
    (Trăng xưa còn nhớ)

    Giả từ trường mẹ ra đơn vị
    Dấu bước chân tao khắp bốn vùng
    Mày về phục vụ sư đoàn 9
    Đâu ngờ gặp lại …..cảnh lao lung

    Mẹ mày tình cờ ra thăm con
    Bàn tay từ mẫu vuốt thân còm
    Đau xót nào hơn giờ tử biệt
    Tình mẹ, lòng con, nát ý tròn
    (Nhớ bạn tù)

    Hình ảnh người tù cãi tạo:

    Bướm ong xơ xác tìm hoa dại
    Ta bứt vang rừng thắm giọng khô
    Nắng tháng Ba, tóc vàng muốn cháy
    Núi cạnh hàng dương, lắm hoang mồ

    Tay cầm mã tấu quần tưa rách
    Da sạm đen, nhăn nhúm mặt đời
    Mỗi ngày đốn cũi gần trăm ký
    Lưng nặnq quằn vai bước xuống đồi
    ( Đốn cũ trên đồi)

    Hơi thơ nhiều đoạn rúng động, rờn rợn cảnh trại tù cãi tao:

    Gió vẫn từng cơn dậy oán hờn
    Réo hồn dân tộc khóc giang sơn
    Trùng trùng núi dựng đồi bia mộ
    Long phục, linh qui, mãnh hổ vờn
    (Đá dựng Nam Hà)

    Thân phận người bị quản chế:

    Nhật ký trong ngày người tù quản chế
    Sáng trưa chiều ghi rõ mọi việc làm
    Mỗi đầu tuần nộp công an khu vực
    Gặp lại bạn bè, buồn chẵng dám than
    (Nỗi đau còn mãi)

    Nỗi nhục tháng Tư:

    Ở trong tâm, cõi lòng ta in đậm
    Một tháng Tư đen, nhục bước hèn
    ( Tâm ý buổi về)

    Tha hương:

    Chiều đi làm về một mình thui thủi
    Con trong phòng, vợ làm ca hai
    Soạn bữa cơm, xác thân mòn mõi
    Cá với tôm, lạt lẽo… thở dài
    ( Ước ao trăn trở)

    Đất xa lạ bạn cho ta hột giống
    Rau càng cua- hoa nở hạt tiêu đen
    Tháng Năm, tháng Sáu hoa bắt đầy lên rộ
    Nhìn đám rau, thương quá nhớ mẹ hiền
    (Rau càng cua)

    Mặc dầu dằn vặt, ray rứt với những tiếc nuối, oán hờn, thơ Thy Lan Thảo vẫn đầy lãng mạn:

    Mỗi năm mây vẫn không sao xóa
    Vết ráng chiều êm nắng nhạt tà
    Đôi mắt sao trời yên sáng tỏ
    Liếc nhìn như xoáy tận tim ta
    (Chút nhớ tình xưa)

    Và dầu “Nỗi đau còn mãi”. “Ước ao trăn trở”, “Rối nhịp tim”, “Lòng vẫn không nguôi”, “Nhớ mãi xa xôi”, Thy Lan Thảo vẫn còn nghe

    Tiếng chim kêu ríu rít
    Chút vui nắng chiều tà
    (Ríu rít chim ca)

    Vẫn thấy

    Muội của huynh,trời Houston đẹp lắm
    Nắng tươi vàng ấm áp buổi trời Đông
    Nhìn ngoài sân sắc thắm nụ hoa hồng
    Tươi mơn mởn sương đêm còn lóng lánh
    (Mùa Xuân sẽ đến)

    Và niềm hi vọng vẫn rạt rào:

    Cờ sẽ vàng bay cười vang sông núi
    Quê hương mình thưc sự hết thương đau
    Bước trở về bóng ngã dài chung lối
    Anh nhìn em- chất ngất ý ngọt ngào
    (Viết cho hiền muội)

    Xin trân trọng giới thiệu tập thơ “CHÚT TÌNH, CHÚT Ý” của nhà thơ Thy Lan Thảo.

    Toronto, tháng Sáu 2005

    B.S Nguyễn Tường Vân
    Con đi dưới lá cờ sao máu
    Rờn rợn lòng con, nhục Mẹ ơi...

    Comment

    • #17

      Vài Ghi Nhận Bất Ngờ Về thơ Thy Lan Thảo

      *

      Dẫn Nhập
      Tôi đọc Thy Lan Thảo mười tháng sau khi tập thơ đầu tay của anh chào đời. Trước đó, tôi cũng có dịp đọc thơ anh đâu đó trên các tạp chí hay các bản tin. Nhưng phải đọc hết một công trình 10 năm mới thấy rõ ruột gan nỗi niềm và mơ ước của một con chim tận Gò Công miền Nam nước Việt thân yêu bỏ xứ lưu lạc tận Houston miền Tây nước Mỹ ngan ngát...
      Cô Hồng Phan, đồng hương của tác giả và nữ sĩ M.H. Hoài Linh Phương trong phần Cảm Nghĩ...và Tựa Nhỏ đã lần lượt đưa tác giả lên bàn mổ và quý anh chị ấy đã tìm thấy trong tận cùng Thơ Thy Lan Thảo cái dễ dàng, cái tự nhiên như ăn như thở, cái chân thành rất dễ thương rất dễ làm xao xuyến rung động lòng người.
      Xin được chia sẻ những nhận xét trên và chúng tôi xin mạo muội phác họa lại bóng dáng của tác giả bằng cách hệ thống những ý tình của Thơ Thy Lan Thảo hiển hiện trong tim gan phèo phổi của anh.
      Bóng dáng đó thật bình thường nhưng không phải là không khác thường...
      - Thy Lan Thảo là một người con đạo hiếu với bậc sinh thành và là một người em thuận thảo với các anh chị trong gia đình,
      - Thy Lan Thảo là một người bạn chí tình và một người yêu trung hậu,
      - Thy Lan Thảo là một chiến sĩ QLCH trung dũng khí phách với Đất nước Quê hương.


      Dẫn Chứng

      Trong phần ghi nhận thô thiển này, chúng tôi xin đề cập đến cái bất ngờ mà cũng có thể là điều khác thường phất phới hiên ngang trong suốt tập thơ 174 trang, đứa con nhà tông đầu lòng của Thy Lan Thảo, không giống Tâm cũng giống Ý!
      Cái khác thường phất phới hiên ngang đó chính là Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, một biểu tượng của Tự Do Dân Chủ của Việt Nam Cộng Hòa và của hàng triệu người Việt Tự do lưu vong trên hoàn vũ. Quả vậy, chúng tôi thật bất ngờ nhìn thấy lá cờ Tổ quốc thân yêu tung bay trong suốt tập thơ, tung bay trong suốt thời gian quê nhà, tung bay trong các ngục tù cộng sản từ Nam ra Bắc, tung bay trong suốt 10 năm lưu lạc và sẽ tung bay trong tâm tưởng suốt cuộc đời của người Sĩ quan trẻ trung dũng khí phách Thy Lan Thảo.
      Chúng tôi xin trích từ Tập Thơ những vần thơ Cờ Vàng (in chữ hoa trong phần trích), dựa theo thứ tự số trang và dựa theo bóng dáng phác họa tác giả nêu trên đây.

      - Cờ Vàng với người con đạo hiếu và người em thuận thảo:
      Chị ơi! quỷ dữ cùng ma quái
      Cũng phải vì dân thuận ý Trời
      Ngày mai nắng đẹp trời Nam phải
      Phất phới Cờ Vàng bay khắp nơi
      (Cờ Vàng Sẽ Bay, TTLT, trang 34)

      Em bảo một ngày tươi nắng đẹp
      Cờ Vàng rực rỡ gió tung bay
      Ta về với Mẹ vui như Tết
      Quê cũ từ đây hết đọa đày
      (Nhắn Gửi, TTLT, trang 79)

      Đói khát nhọc nhằn nhiều lần tưởng chết
      Xương bọc da lê nặng bước chân đời
      Mắt vẫn sáng và tấm lòng vẫn nhớ
      Lá Cờ Vàng Ba Sọc nét hùng tươi...!
      (Viết Cho Ba Ngày Father’s Day, TTLT, trang 151)

      - Cờ Vàng với người bạn nghĩa tình và người yêu đôn hậu
      Anh hẹn em – anh sẽ trở về
      Một ngày nắng đẹp – mát tình quê
      Cờ Vàng phất phới bay kiêu hãnh
      Mình sẽ bên nhau trọn ước thề
      (Gò Công Ơi Ta Nhớ, TTLT, trang 51)

      Ngày nào tao bước chân về lại
      Nhìn lá cờ xưa lộng gió bay
      (Nghĩa Tình Vẫn Nhớ, TTLT, trang 77)

      Một ngày nào quê mình thôi cát bụi
      Cờ Vàng bay, nắng sớm ngọt vàng hanh
      Bao thương nhớ tháng năm dài mệt mỏi
      Tôi theo anh- về thăm lại Tân Thành...!
      (Sao Vẫn Là Mơ, TTLT, trang 97)

      Muội ơi ! Ta chúc gì cho muội
      Năm mới quê mình nở thắm mai
      Cờ Vàng sẽ bay tươi nắng ấm
      Muội cười, vang dội pháo bên tai...
      (Ta Chúc Gì Cho Muội, TTLT, trang 108)

      Em ơi mai mốt quê mình sẽ
      Rợp bóng Cờ Vàng rực rỡ bay
      (Vẫn Còn Ý Nhớ, TTLT, trang 141)

      Mầy thường tâm sự thân lưu lạc
      Mất nước mong gì bước lối xưa
      Gắng chờ quang phục trời tươi mát
      Cờ sẽ bay - trời tạnh giông mưa...
      (Viết Vội Bài Thơ, TTLT, trang 157)

      Mười năm đất lạ luôn ray rứt
      Nhìn lá cờ xưa dựng xứ người
      Đất tổ quê cha không ở được
      Thì đời em hởi mấy khi vui
      (Ý Đến Đầu Năm, TTLT, trang 167)

      - Cờ Vàng với người chiến sĩ trung dũng
      Mười năm đất lạ lòng mơ ước
      Cờ sẽ vàng bay giữa tháng tư
      (Chút Ý Tháng Tư, TTLT, trang 28)

      Một dãy giang sơn gấm vóc xưa
      Vua Hùng dựng nước thắm màu cờ
      Trải bao tai biến người dân Việt
      Vẫn vững niềm tin trọn ước mơ...
      (Có Phải Là Mơ, TTLT, trang 31)

      ....
      Của một thời ngang dọc bước chân xưa
      Mang chiến công dâng trọn dưới lá cờ
      .....
      Mấy ngàn đêm ray rứt chiến trường xưa
      Vẫn âm thầm trang trọng sống trong mơ
      Ngày quang phục dựng cờ xưa kiêu dũng
      ......
      Cờ máu kia thay bởi Lá Cờ Vàng
      Trả nắng ấm cho miền Nam nước Việt
      (Không Thể Quân, TTLT, trang 62, 63, 64)

      Hồn Quốc Tổ sẽ cười vang sông núi
      Đường quê hương sẽ rợp bóng cờ vàng
      Đổi năm tháng nhọc nhằn đầy hận tủi
      Bằng tình thương dấu ái ngát trời quang
      (Quê Hương Rồi Sẽ Đẹp, TTLT, trang 92)

      Tháng sáu vào tù- lòng ta vẫn nhớ
      Lá Cờ Vàng tơi tả ướt gió mưa
      (Tháng Sáu...Lòng Ta, TTLT, trang 113)

      Hơn mười năm cảnh Nam Hà vẫn rõ
      Mắt tướng quân tha thiết đậm trong lòng
      Trời phương Nam bao giờ trăng rạng tỏ
      Cờ Vàng bay kiêu hãnh thỏa chờ mong!!...
      (Xót Xa Ngục Tù, TTLT, trang 160)

      Tạm Kết
      Khi xếp tập thơ lại, trí kia còn lãng đãng, lòng nọ còn bồi hồi. Thì ra, Thy Lan Thảo đã giúp tôi thấy lại Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ mà tôi từng đội trên đầu (Tổ Quốc Danh Dự Trách Nhiệm), từng đeo bên ngực trái (Tổ Quốc Không Gian), từng thề dưới ngọn Lửa Nghĩa Trung Đài đêm mãn khóa, lòng ta giữ mãi có quên đâu...! (Đôi Mắt Ngày Về, trang 40).
      Vâng, lá Cờ Vàng cũng là biểu tượng của Chính nghĩa Tự Do Dân Chủ mà mỗi một người dân miền Nam còn ở lại trong nước hoặc đã bỏ nước ra đi đều mang theo trong lòng mình hình ảnh thiêng liêng nầy. Từ đó, Cờ Vàng được biết như là ước vọng của toàn dân trong đó có người Chiến sĩ QLVNCH. Giữa biểu tượng của Chính nghĩa Tự Do và xương máu của người Chiến sĩ Cộng hòa đổ ra dưới lá cờ này, đã chung hòa và quấn quyện vào nhau tạo nên màu cờ linh thiêng truyền thống...
      Và lá cờ thiêng liêng nầy đã thấm nhập vào trong máu huyết và trong hơi thở của người Việt Nam Tự Do trong đó có chinh nhân Thy Lan Thảo.
      Ngày nay, đã có trên 60 thành phố trên toàn nước Mỹ công nhận Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ như là biểu tượng Tự Do của Cộng đồng Người Việt tị nạn. Đây không hẳn là điều thiếu ý nghĩa.
      Nhưng không phải người chiến sĩ quốc gia nào cũng ấp ủ và quý trọng biểu tượng thiêng liêng nầy một cách liên tụcson sắt như Thy Lan Thảo đã từng biểu lộ qua ước vọng của riêng mình (mà cũng là ước vọng chung của đàn chim xa xứ), thốt lên từ ruột gan của mình, qua đứa con đầu lòng của mình là tập Thơ Thy Lan Thảo xuất bản tháng 08 năm 2003:

      Hồn Tổ quốc sẽ cười vang sông núi
      Đường quê hương sẽ rợp bóng Cờ Vàng
      Đổi năm tháng nhục nhằn đầy hận tủi
      Bằng tình thương dấu ái ngát trời quang...
      Bằng tình thương dấu ái ngát trời quang...

      Ôi cao cả thay tấm lòng dung dị chơn chất của người Chiến sĩ Cộng hòa Thy Lan Thảo đối với quê hương đất nước. Vâng, tôi đã học ở Thy Lan Thảo lòng trung dũng khí phách nhưng cũng thật nhu hòa chơn chất nầy.
      Tôi muốn nói với anh lời chân thành: chúng mình là bạn tù từ những năm 80, nhưng mãi đến hôm nay, nghĩa là hơn 20 năm sau, tôi mới tìm gặp ở anh một chiến hữu nghĩa tình!
      Dù muộn màng nhưng vẫn còn hơn không, có phải không Mỏng?!

      St Louis, 19/06/2004
      Bắc Đẩu võ ý

      Con đi dưới lá cờ sao máu
      Rờn rợn lòng con, nhục Mẹ ơi...

      Comment

      • #18

        Chuyện hai người tù gặp lại




        Sau cái ngày của Tháng Tư Đen năm 1975. anh em đồng đội của chúng tôi bị gảy súng ,vì bị bức tử.một cách oan nghiệt. Bị tan hàng rã ngủ , bị bạn thù trở mặt.Tưởng không còn sống để gặp nhau nữa, như những bạn bè đã hi sinh trước và sau cuộc chiến Việt Nam.. Nhưng cũng đau thương không ít cho những người còn sống sót . Do một số lớn bị tù đày, một số trốn bỏ đi tìm tự do, có người bỏ thây bỏ mạng trên đường vượt biên, vượt biển hoặc trong nhà tù Cộng sản. Kể ra cũng có nhiều cái nghiệt ngã không ngờ, mang đầy đầy tủi nhục và cay đắng. Như tình cảnh của người còn sống bị kẹt lại, thì bị vào tù ngục, còn người chết thì bị quật mồ quật mã, xóa sạch và san bằng nghĩa trang

        Còn cảnh của chúng tôi khi gặp lại nhau cũng đau thương không ít, tại nơi các trại tù cải tạo tập trung của CSVN trên đất Bắc . Như trại tù Sơn La, Nghĩa Lộ ở Hoàng Liên Sơn. Trại tù Hà Tây của tỉnh Hà Sơn Bình Trại tù Nam Hà của tỉnh Hà Nam Ninh. Hoặc trại tù Tân Kỳ, Thanh Phong Thanh Hóa. Trại tù Tiên Lĩnh ở miền Trung . Trại tù Z30D, Long Khánh ở miền Nam. Nếu đem kể tên hết trại tù do Cộng sản dựng ra sau cái ngày 30/4/75, làm sao mà kể cho hết. Ngày đó, CSVN đã xây nhà tù mọc lên như nấm,.khắp mọi nơi trên toàn cõi.Việt Nam... Cũng vì thế mà nhà văn Nga lưu vong Solzhenitzyn có phát biểu, khi miền Nam lọt vào tay Cộng sản : ‘’ Toàn thể Việt Nam sẽ thành trại tập trung ‘’ Nhà văn này có nhiều kinh nghiệm đối với Cộng sản không riêng gì CSVN

        Dù trong vòng lao lý, dù có tan hàng rã ngủ, nhưng trong lòng mỗi người anh em đồng đội, đồng ngũ vẫn giữ một lòng son sắt , gắn bó với tình nghĩa huynh đệ chi binh như thuở nào. Dù bất cứ trong tình huống bi đát đến đâu vẫn tình nghĩa một lòng và tưởng nhớ mến thương nhau... Cũng do tình nghĩa cao quý như thế nên chúng tôi còn tìm gặp lại nhau..

        Như trường hợp của tôi và anh Nguyễn Sơn,tức nhà thơ Thy Lan Thảo., gặp lại nhau hôm nay. Chúng tôi đã từng gặp nhau trong trại tù Hà Tây, Hà Sơn Bình và trại tù Nam Hà, Hà Nam Ninh, Bắc Việt.Nam. Chúng tôi bị giam giữ ở trại Hà Tây cũng khá lâu, tính ra trong vòng 4 năm. Kể từ năm 1979 , sau khi CSVN bị Trung Quốc dạy cho bài học thứ nhất, tức đánh CSVN có không gian và thời gian, tức chỉ đánh 6 tỉnh phía Bắc nằm giáp sát biên giới Hoa Việt và thời gian 3 tháng, mục đích lấy lại những gì Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam. Do đó CSVN phải di tản tù cải tạo từ miền rừng sâu núi thẩm Hoàng Liên Sơn,đem về giam giữ tại các trại tù trong vùng đồng bằng sông Hồng. Do đó tôi và Sơn mới có dịp gặp nhau một thời gian.ở Hà Tây và Nam Hà

        Vào tháng ba năm 1983, tù cải tạo ở trại Hà Tây bị chuyển về trại tù Nam Hà. Sơn và tôi cũng bị chuyển về giam ở trại tù Nam Hà một thời gian. Rồi Sơn cũng được thả về ngày 29 tháng 6 năm 1983. Còn tôi vẫn còn bị giam tiếp đến 11 tháng giêng năm 1986 mới được phóng thích,cũng tử nơi nhà tù Nam Hà này..

        Giờ này, Sơn và tôi cũng may mắn được gặp lại với nỗi niềm nữa mừng nữa tủi. Tôi hình dung lại những năm tháng ở trại tù Hà Tây. Nhất là khi thấy những người bạn trẻ như Sơn, khiến lòng tôi cảm mến và quí trọng. Cảm mến cái tác phong anh hùng, đầy sĩ khí qua hình dáng của những người lính trẻ trong QLVNCH. Mặc dù, còn rất trẻ, bị tù đày, nhưng tinh thần rất vững chắc. Do cái hào khí oai hùng của người lính miền Nam được giáo dục tốt, được tôi luyện kỷ như thép súng. Tương tự như tinh thần bất khuất đầy khí tiết , un đúc trong huyết quản của từng người lính VNCH, đã vì lý tưởng Tư Do, vì Tổ quốc Việt Nam,và vì miền Nam thân yêu, đã thể hiện một cách rạng ngời, qua tấm gương trung liệt của những vị anh hùng miền Nam, như Nguyễn khoa Nam, Lê văn Hưng, Trần văn Hai, Lê Nguyên Vỹ, Hồ ngọc Cẩn.. Dù có bị bức tử, dù có bị tù đày như thế, nhưng tinh thần và khí tiết của người lính miền Nam vẫn còn bất cứ trong tình huống nào.

        Nhớ lại ngày ở tù về, trở lại đất miền Nam, Sơn về quê quán ở đất Gò Công. Còn tôi khi trở về phải tạm trú ở Sài Gòn. Cả hai chúng tôi, cũng như một số tù cải tạo khác, được CSVN thả về, phải làm ‘’phó thường dân Nam Bộ ‘’ môt thời gian khá lâu do bị quản chế, mới được trao trả quyền công dân, nhưng cũng cảm thấy khó sống.! Kể ra lúc đó, ai muốn làm công dân của một nuớc theo chế độ Cộng sản như Việt Nam cũng khó lắm thay ! Cũng do thù hận , kỳ thị vì tư tưởng ý thức hệ vẫn còn. Đồng thời cũng do cái tư tưỏng ngạo mạn công thần xem đồng bào mình như cỏ rác.. Bởi thế, nên buộc lòng chúng tôi đành cam phải bỏ xứ mà ra đi.. Nên Sơn đã viết cho một người bạn của Sơn những dòng như sau đây :

        Giặc thả tao về bơ vơ tay trắng
        Mẹ chị cưu mang an ủi bước đời
        Mày chạy xe lam hằng ngày kiếm sống
        Bạn bè cùng khổ gặp lại cũng vui
        .........
        Uống với tao cạn ly này để nhớ
        Đã một thời bằng hữu sống bên nhau
        Mai mốt tao đi điều tao lo sợ
        Sống ly hương rất tủi nhục nghẹn ngào

        Rựơu Gò Công ai đong nấy uống
        Tao mời mầy bởi biết khó tương phùng

        ( Viết cho thằng bạn, thơ Thy Lan Thảo )

        Chúng tôi ngở không bao giờ có dịp gặp lại nhau, đời con người mấy ai học được chữ ngờ. Thế mà , chúng tôi cũng còn cái may mắn hơn một số bạn bè ở lại. Chúng tôi gặp lại nhau do một sự tình cờ, nơi quê lạ xứ người. Ôi đời con người chuyện ly tan, ly xứ , hoặc tương phùng tái ngộ , tôi tin là do định mệnh, hoặc do cái duyên tiền định đã an bày. Hồi tưởng lại, biết làm sao kể hết. những đớn đau xa cách bất hạnh, do lo sợ và tù đày, từng xảy ra hàng ngày, cho cuộc đời.của con người, tức con người Việt Nam, phải sống và cam chịu dưới chế độ bạo tàn của CSVN..

        Lần này, tôi gặp lại Sơn trên đất tạm dung, với niềm đau thất thổ ly hương và cùng nhau kể lại những ngày đau tùi của quá khứ tù đày. Chúng tôi gặp nhau qua ‘’ Chút Tình Chút Ý’. Chúng tôi gặp nhau qua thi phẩm của Nguyễn Sơn xuất bản ở Hoa Kỳ năm 2005. Qua điện thoại gọi nhau, Sơn cũng nhắc lại một thời quá khứ bị lưu đày nơi trại tù Hà Tây và Nam Hà. Tôi hình dung nhớ lại Sơn còn có biệt danh biệt hiệu do bạn bè đặt cho lúc trong tù, là Sơn Mỏng. Vì Sơn có thân hình mảnh mai, ốm yếu, nhưng trẻ trung vui tính và đẹp trai, nên bè bạn ai cũng rất mến Sơn...

        Chút tình Chút Ý.

        Cũng từ lâu, tôi có nghe nhà báo Việt Hùng , chủ nhiệm tạp chí Phương Đông ở Boston, Massachusetts, có gọi nhắc tôi , nhà thơ Thy Lan Thảo có ý muốn gặp. Cũng may mắn tôi có số điện thoại của nhà thơ, nên đã gọi thăm, mới biết ra Thy Lan Thảo là Nguyễn Sơn , là người bạn trẻ, là một trong số những người lính trẻ của QLVNCH, từng bị CSVN giam giữ chung cùng trại tù Hà Tây với tôi năm nào.

        Ôi ! may mắn thay ! Nỗi vui mừng làm sao kể xiết. Có biết bao là kỷ niêm vui buồn được nhắc lại, kể lại trong những ngày bị tù đày trên quê hương mình. Tôi ngở như là trong giấc mộng chiêm bao. Vì từ lâu ,tưởng chừng đời chúng tôi như đã chết rồi. Cũng may, sau những năm lưu đày tủi hận, chúng tôi còn sống sót đến hôm nay, lại gặp nhau trên xứ người, để cùng kể cho nhau nghe những chuyện buồn của một thời quá khứ..

        Thy Lan Thảo cũng có gửi tặng tôi quyển thơ có tựa đề ‘’Chút tình chút ý’’ với những dòng chữ do tự tay tác giả viết tặng’’ Để kỷ niệm.
        những ngày tháng ở trại tù Hà Tây và Nam Hà.’’

        Tôi nhận được tập thơ’’ Chút tình chút ý’’, tôi chợt có cảm nghĩ, mình cũng nên ghi lại đôi dòng về người bạn trẻ tùng là đồng đội, đồng cảnh năm xưa, mà mãi cho đến giờ này vẫn còn giữ được tình nghĩa huynh đệ chi binh trong lòng. Ngoài ra, còn chan chứa những nỗi niềm thất thổ ly hương do cái tình đồng đội, đồng hương, đồng nghiệp do cùng làm thơ làm văn , ghi lại những nỗi niềm thương tiếc của một thời.qua ở quê nhà

        Được biết rõ thêm, Thy Lan Thảo sinh quán ở làng Tân Niên Trung, tỉnh Gò Công. Là con út trong một gia đình giáo chức thời VNCH. Nói đến Gò Công, đối với tôi không có gì xa lạ. Do tôi có môt thời gian, từng làm công tác bình định xây dựng trong khu vực tỉnh Gò Gông, gần khu Cầu Nổi. Có lúc tái thiết cầu Cần Đước, Cầu Ông Thìn trên đường từ Chợ Lợn đi Cần Giuộc xuống Gò Công. Như vậy, Thy Lan Thảo cũng là người cùng quê với nữ ca sĩ Phương Dung, từng nỗi danh với lời ái mộ của bà con thường gọi là ‘’Con nhạn trắng Gò Công’’ .

        Gò Công cũng là vùng đất của lịch sử miền Nam, vùng đất của những vị anh hùng dân tộc như Võ Tánh ,Trương Định.. Của những bậc nữ lưu danh tiếng như Hoàng Thái Hậu Từ Dũ, và Nam Phưong Hoàng Hậu. Gò Công từng nổi tiếng là vùng đất của địa linh nhận kiệt..


        Nói đến Gò Công là vùng đất mà tôi từng lưu lại những công tác xây dựng như tái tạo các cầu đường trong vùng. Những kỷ niệm cùng đồng bào trong vùng Cần Giuộc , Cần Đước, Hoà Đồng, Hòa Tân, Hòa Lạc.. Nhất là vùng Cần Đước với hương vị mặn mà của các món đặc sản ở vùng này,như gạo Nàng Hương chợ Đào, cùng mắm còng trộn với thơm Bến Lức, hòa lẫn với tình nghĩa đồng bào và quê hương ngày đó thật là thắm thiết mặn nồng..

        Khi gặp Sơn và biết Sơn là dân Gò Công, tôi có cảm tình quí mến Sơn như đã có ‘’chút tình chút ý’’ với Gò Công ngày nào. Được gặp Sơn, qua những dòng thơ Thy Lan Thảo đã viết, dù là trong mơ, dù là bị thất thổ ly hương, nhưng trong tiềm thức, trong tư tưởng vẫn một lòng hoài vọng về hướng quê nhà nơi đất Gò Công

        Quê hương ngàn dậm lòng ghi khắc
        Hai chữ Gò Công - âm thật êm
        ( Nỗi nhớ trong mơ, thơ Thy Lan Thảo )
        hoặc :

        Chị ơi đất lạ lòng cô quạnh
        Em nhớ Gò Công , nén thở dài
        ( Lòng vẫn không nguôi , thơ Thy Lan Thảo)

        Khi đọc thơ Thy Lan Thảo, thấy nhà thơ tuy trẻ , tuy làm lính xa nhà, tuy bị tù đày khổ sai biệt xứ, nhưng trong lòng vẫn luôn luôn gắn bó với gia đình, do lòng hiếu đạo ,đã thương nhớ từng cọng rau tấc đất, cùng với những giây phút êm đềm thắm thiết đậm đà của tình mẹ cha , nơi quê cha đất tổ, qua những câu trong bài ‘’ Rau càng cua ‘’ như:

        Đất Hà Tây rau càng cua chẳng có
        Nằm mơ thấy mẹ cắp rổ hái rau
        Chợt thức giấc nghe như mình nghẹt thở
        Mẹ thương con- ôi lai láng rạt rào
        .........
        Dĩa rau càng cua rưới thêm dầu giấm
        Nước tương dầm với ớt vậy mà ngon
        Mẹ với ba ảnh hình con ghi đậm
        Nước mắt quê hương trong dạ héo mòn !

        Hoặc khi biết lũ giặc chuyển tù ra đất Bắc, lòng như tuyệt vọng :

        Chuyển tù ra Bắc như đời ta hết
        Mẹ tuổi già đâu thể đến thăm con
        Hai năm trong Nam mẹ gắng thăm tìm
        Sáu năm đất Bắc mẹ thương mõi mòn..

        ( Rau càng cua, thơ Thy Lan Thảo )

        Sau ngày 30/4/75, nhớ lại những ngày đầu vào trại tù ở miền Nam trước khi bị đưa ra Bắc :

        Ta ở đây dù chỉ một năm
        Mỹ Phước Tây triền miên cực khổ
        Ta nghe đầy lời chửi của bọn coi tù
        Lũ côn đồ có trái tim bằng đất..

        ( Về thăm lại Mỹ Phước Tây, thơ Thy Lan Thảo )

        Rồi cờ gảy tao lưu đày ra Bắc
        Mấy lần đau tường rũ xác thiên thu
        Trong tuổi thanh xuân nhọc nhằn héo hắt
        Nhớ lời cổ nhân : ‘’ nhất nhật tại tù ‘’
        ( Viết cho thằng bạn , thơ Thy Lan Thảo )

        Và cuộc đời bị lưu đày của nhà thơ cứ tiếp diễn trên đất Bắc Việt Nam::

        Từng trại tù- Tết chầm chậm trôi qua
        Xuân Hà Tây- bụng đói mắt nở hoa
        Tường chớn chở kẽm gai rào mấy lớp
        Chiến hữu xưa gượng cười quên tiếng khóc
        Mắt đỏ nhìn thâm thẩm hướng trời Nam.

        Dù biết bị lưu đày trong tuyệt vọng, nhưng tình nghĩa xưa mãi mãi vẫn còn.

        Mày hơn năm năm trại Kiến Hòa
        Tao trại Hà Tây chuyển Nam Hà
        Mày vượt biên giả từ lũ quỷ
        Cùng đường tao cam chịu xót xa
        ........
        ( Viết cho thằng em, thơ Thy Lan Thảo )

        Nhớ lúc chuyển trại, đến trại tù Nam Hà :

        Đất đá Nam Hà bước máu loang
        Trừng trừng mắt gửi sắc hao mòn
        Phía sau chút khói hoàng hôn đó
        Là gửi tấm lòng với nước non

        Nằm trong hổn trận đành yên chịu
        Rừng núi Nam Hà ngăn lối đi...

        ( Đá dựng Nam Hà, thơ Thy Lan Thảo )

        Cảnh lưu đày này cứ ngở sẽ mục gông trong nhà tù khám lạnh, nhưng cũng may, nhờ thời thế xoay vần , thời cuộc biến đổi, giặc Cộng cùng đường hết lối. Do kinh tế kiệt quệ và bị kẻ thù bao vây phong tỏa cấm vận, buộc lòng chúng phải thả tù ra cứu đảng để mong được sống còn. Cũng nhờ thế mà mạng của tù cải tạo còn, nếu không thì cũng toi mạng với chủ trương của CSVN ‘’ trước sau như một’’ tức ‘’trước nhốt sau giam’’, ‘’ở mãi không về’’ hoặc’’ kiên trì cải tạo và cải tạo lâu dài’’ và’’ Rượt đuổi người đi và cầm tù người ở lại’’. .. Tất cả những câu , những khẩu hiệu đểu giả này là những ngón sở trường sở đoản của CSVN.

        Sau 8 năm ra tù, trở về Gò Công nhớ lại bạn bè:

        Bạn cùng khóa bao nhiêu thằng nằm xuống
        Bao nhiêu thằng oan ngục chịu tù gông
        Sau ngục tù tao trở về hết muốn
        Sống ươn hèn- thà vùi xác biển Đông

        ( Nghĩ về bạn, thơ Thy Lan Thảo )

        Đọc thơ Thy Lan Thảo với những dòng thơ trích dẫn như trên ta mới thấy được cái nỗi đau của những người tù cải tạo bị Cộng sản trả thù một cách hèn hạ. Nổi đau nhục này khó lòng mà hàn gắn, khó mà quên đi một cách dễ dàng, Vì nó đã trở thành một nổi đau chung của dân tộc, của lịch sử. Nó đã trở thành những kỷ niệm khó bôi xóa hết trong lòng. Đó là những kỷ niệm khó quên, đối với đời người, với những người tù cải tạo, bởi thế :

        Đừng trách tại sao nhắc hoài kỷ niệm
        Bởi lòng ta kỷ niệm quý hơn vàng

        ( Nghĩ về bạn, thơ Thy Lan Thảo )

        Những kỷ niệm đau buồn trong cuộc đời bất hạnh của những người tù cải tạo là những niềm đau sâu đậm đã trở thành một vết hằn sâu trong tim óc của từng người, từng nạn nhân của Cộng sản. Do đó, thơ Thy Lan Thảo cũng đã nói lên được nỗi đau chung của thời đại, của thời thất thổ lưu vong của chúng ta.

        Những ai chưa từng là nạn nhân của cảnh tù đày của Cộng sản, đọc thơ Thy Lan Thảo trong thi tập Chút ý chút tình, cũng hiểu được cái nỗi đau của tác giả,từng là người tù cải tạo tập trung trong trại tù Cộng sản, .khi bị lưu đày trên đất Bắc

        Tao đi dưới sắc cờ tanh máu
        Chiến bại thân hèn nhục khổ sai
        Tám năm sống kiếp tù ‘’ cải tạo’’
        Oan khuất đời ta nhục đọa đày
        ( Tấm lòng gửi bạn, thơ Thy Lan Thảo )

        Thy Lan Thảo làm thơ và có lúc cũng mượn rượu để giải sầu, để giải bày cái đau cái hận sau cái ngày bị tan hàng rã ngủ. Mục đích nói lên cái nỗi đau chung, cái nỗi đau oan nghiệt của người lính sau ngày tàn cuộc chiến.bị Cộng sản trả thù và ngược đãi

        Rượu đế Gò Công trong sùi bọt
        Nhậu để quên tuổi thuở dập bầm

        ( Viết cho thằng em, thơ Thy Lan Thảo)

        Hết phần đọc thơ

        Trong pham vi nhỏ hẹp của bài viết này, khi đọc thơ Thy Lan Thảo, tôi chỉ cố gắng chủ yếu muốn ập trung vào những nỗi đạu nỗi nhục của thân phận của người lính bị gảy súng, bị làm thân chiến bại, bị tù đày khổ sai biệt xứ do người Cộng sản trả thù sau cuộc chiến Việt Nam. Chưa nói đến, chưa kể đến những nỗi lòng tha thiết với tình cảm, tình yêu thơ mộng , với mái tóc , với vành môi khoé mắt, mà Thy Lan Thảo cũng từng đã viết qua thơ trong thi phẩm’’ Chút ý Chút tình’’ như :

        Không son phấn vẫn ý thơ tròn nụ
        Mái tóc ngày xưa, mái tóc bây giờ
        Bạn bè em bốn phương trời lữ thứ
        Em ngoan hiền mắt vẫn đẹp vẫn mơ

        ( Ngọt nụ xuân đời , thơ Thy Lan Thảo )

        Do đó người viết chỉ kể riêng rẽ về chuyện tù đày .Giờ này nhớ lại có biết bao kỷ nệm trong lao tù giữa nhà thơ và tôi, cùng anh em đồng đội.từng là chiến hữu trong QLVNCH. Tôi nhớ khi tôi gặp Nguyễn Sơn là người tù năm xưa ,tức nhà thơ Thy Lan Thảo hôm nay, xuyên qua những dòng thơ chan chứa nặng tình nặng ý. Thy Lan Thảo đã gói ghém trọn vẹn những nỗi lòng, nỗi nhớ , nỗi đau của nhà thơ đem trang trải hết trên những dòng thơ mang nặng ‘’ Chút ý chút tình ‘’. Nên tôi đọc thơ Thy Lan Thảo’’ như cảm thông thấy có mình ở trong đó

        Thy Lan Thảo cũng thể hiện cho người đọc thơ thấy tấm lòng của người con chí hiếu, nguời anh , người em có nghĩa tình. Kể cả cái tình nghĩa cao quý với bạn bè bằng hữu, dù trong mọi tình huống, hoặc cảnh ngộ của một khoảng đời , từ lúc ở quê nhà hay ra hải ngoại tạm dung .

        Thy Lan Thảo là nhà thơ người miền Nam, cũng đã vận dụng khéo léo qua cách dùng từ miền Nam trong những bài thơ của anh, cũng tạo nên những cái duyên dáng, tự nhiên, đáng mến, như’’ ai đong nấy uống’’, ‘’dập bầm’’ ‘’ bụng phình chưa’’ ‘’ Khều chân’’ ..v..v.. Nói tóm lại những dòng thơ Thy Lan Thảo cũng phong phú tình cảm cùng âm điệu nhẹ nhàng qua những sáng tác đã thể hiện trong thi tập ‘’Chút ý chút tình ‘’ Tất cả cũng đã tạo nên những ý và tứ thơ rất hợp với tâm tình của một người mặc áo lính làm thơ. Mục đích để nói lên tâm sự , để kể chuyên của đời mình, hoà lẫn với nỗi đau chung của bằng hữu và của quê hương ...

        Nhân khi viết vội những dòng lưu niệm này, tôi cũng cảm thấy vui vui, khi gặp lại người bạn trẻ năm xưa, một trong số những người lính trẻ của VNCH, từng là tù cải tạo bị giam giữ chung nhau ở trại tù Hà Tây và Nam Hà. Nguyễn Sơn ơi ! hồi tưởng lại những năm tháng tù đày, khổ sai biệt xứ, đói khát và tủi nhục, nhưng chúng ta còn sống sót đến ngày nay, để gặp nhau lần này, cũng là phúc đức của Ông bà Tổ tiên ban cho nhiều lắm rồi.! Xin cảm ơn Thượng Đế.! Xin cảm ơn những người bạn đã chết để cho chúng ta còn sống đến hôm nay !. Nỗi vui này biết làm sao kể hết., nói sao cho trọn, cho đầy ..

        Tôi cũng cảm ơn nhà thơ Thy Lan Thảo đã gửi tặng tôi thi tập này, để cùng nhớ lại những ngày đau tủi bị lù đày khổ sai biệt xứ trên quê hương mình. Cũng là dịp để’’ ôn cố tri tân’’ trước cái thảm cảnh người mình, sĩ nhục hành hạ đánh đập mình. Trước cảnh dối trá bằng những thủ đoạn nói lời giả nhân giả nghĩa , để đánh lừa mình và dối gạt đồng bào mình.như hiện nay . Đồng thời cũng là dịp nhớ lại thời gian bị lưu đày khổ sai trên đất Bắc Việt Nam. Coi như là một bài học cho thế hệ con em chúng ta biết qua, mục đích để rút kinh nghiệm, một kinh nghiệm xương máu và nước mắt của cha anh từng gánh chịu dưới chế độ bạo ngược của Cộng sản Việt Nam./

        Austin, mùa hè năm 2008

        Phạm Thành Tính
        Con đi dưới lá cờ sao máu
        Rờn rợn lòng con, nhục Mẹ ơi...

        Comment

        • #19


          Nhân đọc Thy Lan Thảo
          HAI MƯƠI NĂM - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG THƠ

          Bài viết của Đỗ xuân Thảo


          Biết tác giả đã lâu mà phải chờ hơn ba mươi năm mới được đọc tập thơ thứ 3 của anh, Chút Ý Chút Tình (Hoa Tiên-2005). Thực sự tôi có đọc một số bài đăng lẻ tẻ trên các báo văn học hải ngoại nhưng không ngờ Thy Lan Thảo lại là người có một thời cùng đóng quân bên bờ kênh Thị Nghè!
          Cứ như dòng tiểu sử thì anh là một nhà thơ có đủ quá trình một người trai
          thời chiến, đã có thời đi học, đi lính, đi tù CS, rồi sống vật vờ như kẻ lạ trên quê hương trước khi đi định cư nơi xứ lạ.

          Ta đã mất cả một thời thơ dại
          Tuổi tăng dần theo lửa khói chiến chinh
          Cũng một thời ta khoác áo chiến binh
          Rồi tù ngục rồi lưu đầy biệt xứ

          Nhưng nói về quá trình sáng tác thì Thy Lan Thảo là một hiện tượng hiếm thấy trong số các nhà văn, nhà thơ dù trong hay ngoài nước khi chỉ trong vòng ba năm đã ra mắt ba tập thơ (Thơ Thy Lan Thảo, 2003; Vết Khắc Nửa Đời, 2004; Chút Tình Chút Ý, 2005) chưa kể có thơ in chung cùng 5 tác phẩm khác sau mấy năm ra hải ngoại. Tôi cũng nghe nói thơ anh khi được nhận đăng thường được trả nhuận bút dù chỉ tượng trưng bằng chút hiện kim nhưng điều này nói lên sự đánh giá trân trọng của những người chủ biên văn học.

          Gần đây, sau khi nối được liên lạc, tôi đã được anh gởi tặng tập thơ mới nhất. Tôi vốn yêu thơ nên khi bắt gặp hồn thơ của một người đồng thuyền đồng hội thì có bận bịu thế nào tôi cũng đọc đi đọc lại xem tới xem lui. Trong niềm đồng cảm xin được ghi lại vài cảm nghĩ để cùng chia xẻ với các bạn yêu thơ đặc biệt với những người cùng một thời áo trận.

          Tuyển tập Chút Tình Chút Ý tự nó tiêu biểu cho một chặng đường thơ hai mươi năm , từ Gò Công’84 trải dài đến Houston’04, tác giả như có ý gom góp lại những hoài niệm của mình về những ngày tháng cũ. Chủ đề thì cũng chẳng khác nhiều so với những tác phẩm thi văn cùng thời, cũng là những nỗi nhớ, niềm đau, ký ức của một thời quá khứ, cũng có tù tội, đổi đời, vượt biên, xa xứ, cũng nói về mẹ, về vợ, về người thân, đồng đội kẻ còn người mất, cũng nhớ về lứa tuổi mộng mơ, trường cũ người xưa, về màu cờ sắc áo, về quê hương bản quán, về tình đời tình người, về quan điểm tư duy rạch ròi đen trắng...Nhưng Thy Lan Thảo trong từng chùm thơ, trong từng con chữ vẫn có những nét cá biệt, riêng tư từ ý đến tình, từ văn phong đến cảm xúc không chỉ hạn hẹp trong khung cảnh của một đất nước đổi đời, của tình người điên đảo, mà sâu lắng hơn tác giả đã tìm về một vùng quá khứ của thời an bình nơi miền quê nước lợ, với những tô canh bông so đũa, về bữa cơm chiều với lá càng cua canh bí cá rô mề...

          Tô canh bí đao nấu tôm lột vỏ
          Cá rô mề chiên sả ớt vàng tươi
          Đất lạ trời xa nhớ ngày tuổi nhỏ
          Nhà tuy nghèo mà không thiếu tiếng cười

          Ta hiểu điều này khi anh là con út của một gia đình gia phong giáo chức đông con nên tình mẹ, tình chị như trút hết cho anh kể cả những ngày ra tù mẹ nhịn chị nhường chén cơm đạm bạc cho đến khi tuổi đời tóc bạc lòng vẫn còn:

          Chị ơi đất lạ lòng cô quạnh
          Em nhớ Gò Công! Nén thở dài

          Quả anh có nặng lòng với Gò Công, nơi sanh ra và lớn lên, nên có trăn trở nhớ nhung trong quãng đời còn lại. Nhưng với trái tim nhạy cảm của nhà thơ, của một người đã sống và đi dọc chiều dài của đất nước, nên anh cũng đau với niềm đau của quê hương, ngậm ngùi với cái chết của bạn bè trên đường hành quân, trong cảnh tù, nơi rừng sâu, trong lòng biển, có lúc phẫn nộ cả với thằng bạn chỉ vì ngắn tầm suy nghĩ bán cả anh em trong tù. Ta hãy nghe:

          Đêm nay thức trắng, tao nghiền ngẫm
          Thế sự đời thường tựa giấc mơ
          Mày lập công giặc tha về sớm
          Bạn xưa thay dạ có ai ngờ

          Nếu cứ trích lời thơ con chữ thì nó vô cùng vì những trang giấy hạn hẹp không đủ trải dài chuỗi tâm tư trăn trở gần cả trăm bài tích lũy từ những ngày tháng thăng trầm của đất nước, nên tôi nghĩ các bạn bè độc giả thân quen với bút hiệu Thy Lan Thảo cần tìm đọc bằng chính ‘ấn bản trên tay’ thì mới cảm nhận được hình như có ‘ai đó’ nói thầm hộ mình những cảm xúc mà chính mình muốn nghe muốn nghĩ.
          ĐỖ XUÂN THẢO

          Con đi dưới lá cờ sao máu
          Rờn rợn lòng con, nhục Mẹ ơi...

          Comment

          • #20



            Tập thơ thứ tư
            Con đi dưới lá cờ sao máu
            Rờn rợn lòng con, nhục Mẹ ơi...

            Comment

            • #21

              THƠ THY LAN THẢO ::



              HỒNG PHÚC



              Mấy năm gần đây, chúng ta thường thấy trên các diễn đàn Internet, trên báo chí địa phương nhiều tiểu bang ở Mỹ, Pháp, Canada, Đức, Úc, Hòa lan... đã xuất hiện nhiều bài thơ của Thy Lan Thảo, một nhà thơ sinh trưởng ở Gò Công, làm thơ từ thuở còn là học sinh Trung Học.
              Thy Lan Thảo là một trong hơn 100 nhà thơ, đã được giới thiệu trong chương trình Vườn Thơ Văn Học Nghê Thuật Việt Nam Hải Ngoại trên Đài Phát Thanh do Hồng Phúc phụ trách. Thơ Thy Lan Thảo nhẹ nhàng, chân thật dễ đi vào lòng người. đã được thính giả đón nhận và khen ngợi.

              Qua 3 tập thơ : Thơ Thy Lan Thảo, Vết Khắc Nửa Đời, Chút Tình Chút Ý, người đọc đã hiểu được nỗi lòng của tác giả dành cho quê hương, cho Cha Mẹ và chị, cho người yêu, và với nỗi đau xót của người chiến sĩ, nỗi uất hận của những ngày tháng tù đày …..
              Và mới đây, tôi nhận được bản thảo của tập thơ thứ tư DẤU BƯỚC CHÂN ĐỜI, tác giả muốn nhờ tôi đóng góp ý kiến. Tôi đã đọc nhiều lần và nhận thấy trong tập thơ này tác giả viết theo nhiều thể loại, nhiều đề tài ghi lại những chặng đường anh đã đi qua. anh có một trí nhớ thật đặc biệt, vì vậy thơ anh đã ghi lại được đầy đủ từng chi tiết những thăng trầm của cuộc sống, từ lúc ấu thơ đến khi đi học, đi lính, đi tù và cho đến những ngày tháng lưu vong nơi đất khách quê người, đã được Thy Lan Thảo diễn tả một cách trung thực. Những sự việc đã khắc sâu trong trí nhớ, và những kỷ niệm tiềm ẩn trong tâm hồn, đó là tiếng lòng của tác giả, đã được anh gói gém trong tập thơ DẤU BƯỚC CHÂN ĐỜI, người đọc sẽ cảm thông và chia sẻ với nhà thơ Thy Lan Thảo khi đọc tập thơ này, riêng cá nhân tôi đã thật sự xúc động theo từng lời thơ …

              Thương nhớ quê hương, Cha Mẹ và nhất là tấm lòng của người chị kính yêu đã được tác giả ghi lại
              Thương chị quằn vai nợ áo cơm
              Nuôi cha nuôi mẹ sớm chiều hôm
              Nuôi thằng em út vương tù tội
              Đời chị mùa xuân gió thoảng buồn
              (Chút đắng cảnh đời)
              Ở trong chút nhớ buồn xa xót
              Ta thấy Gò Công- Vạn dặm ðường
              Bóng mẹ hình ba nay đã mất
              Quê nhà anh chị nhớ trông thương…
              ( Thực Ý Tâm Lòng)
              Rời xa xóm làng nơi sinh trưởng, xa mái trường Trung Học Gò Công để bước vào ngưỡng cửa Đại học Văn Khoa, một tương lai đầy hứa hẹn, nhà thơ cũng đã ghi lại những mối tình học trò mang nhiều kỷ niệm trong những bài thơ tình lãng mạng
              Sài Gòn với anh- Sài Gòn không mất
              Vẫn phố phường thân thuộc dáng yêu xưa
              Gió bay bay, tóc rối, mắt hẹn chờ
              Lụa vẫn trắng, nắng chiều nghiêng nón lá
              (Ý Nhớ Ngậm Ngùi)
              Em biết lòng ta thật nhớ thương
              Dáng kiều tha thướt nắng chiều vương
              Ta say nửa mộng- trăng huyền ảo
              Mơ nụ hôn ðầy- mắt diễm sương…
              (Muội Buồn Ta Có Được Vui Đâu)
              Thế rồi chinh chiến lan tràn khắp nơi ở miền Nam, phận làm trai phải đáp lời kêu gọi của núi sông, theo gương những vị tiền nhân thuở trước
              Từ Trưng, Triệu, Ðinh, Lê, Lý, Trần
              Rạng ngời trang sử chống xâm lăng
              Đất ta đang ở tiền nhân đã
              Máu ðổ, xương phơi biết bao lần…
              (Hèn Với Tổ Tiên)
              Tuổi trẻ con lên đường tuân theo lệnh
              Tổng động viên- vang tiếng gọi sơn hà
              Đôi mắt của mẹ ngày con nhập ngũ
              Nhìn theo con, nắng đổ bước đường xa
              (Đôi Mắt Mẹ Hiền)
              Là một quân nhân giữ vững lời tuyên thệ ở Vũ Đình Trường, gót giày saut của Thy Lan Thảo đã in sâu vào những vùng đất của quê hương, những ngày nếm mật nằm sương cùng đồng đội, chia sẻ với nhau những nỗi đau buồn
              Nhớ một mùa thu ta ðến Huế
              Tháng tám mưa giãng nhão ðất trời
              Quảng Trị lửa bom cười ngạo nghễ
              Dừng quân Tây Lộc buồn hay vui ?
              ..................................................
              Bước chân ta vần xoay ðây ðó
              Nhớ Hàm Rồng mờ mịt mù sương
              Về với Kontum ðầy kiêu dũng
              Lộ 7B, máu nhuộm bước ðường
              ( Thu Ở Lòng Ta)
              Những ngày dầu sôi lửa bỏng Thy Lan Thảo luôn luôn bên cạnh đồng đội, để an ủi, giúp đỡ bạn bè trong tình huynh đệ chi binh
              Ta chợt tỉnh dần trong hãi kinh
              Bạn ta máu ướt khắp toàn thân
              Nằm bên xương trắng ðồi hoang phế
              Tai vẫn chờ nghe khúc tiến quân…
              ........................................
              Những người chiến sĩ từng anh dũng
              Góp máu xây đời đẹp tự do
              Giặc về cày xới tung đền miếu
              Uổng tử hồn oan chẳng nấm mồ
              (Sẽ Có Một Ngày)
              Những ngày tháng đau buồn của tháng tư, ngày mà toàn dân miền Nam cùng chung số phận, ngày mà bao chàng trai đất Việt đã mang tuổi thanh xuân đi vào quân ngũ theo lý tưởng bảo vệ quê hương, rồi cuối cùng bị tù đày, chết chóc, nỗi căm hờn được Thy Lan Thảo ghi lại
              Anh còn nhớ tháng tư buồn tan tác
              Mây ðen che tầm mắt hướng tương lai
              "Ai anh hùng, ai can ðảm chí trai
              Tìm cái chết, ngàn năm còn thương nhớ"
              (Gửi Bạn Tù Xưa)

              Đã mấy ngàn đêm, cảnh khổ sai
              Bạn bè oan khuất kiếp lưu đày
              Biết bao cái chết âm thầm lắm
              Lạnh nấm mồ hoang một kiếp trai
              (Chút Đắng Cảnh Đời)

              Giờ đây trên bước đường lưu vong, nhà thơ Thy Lan Thảo cũng giống như mọi người dân Việt, lòng luôn hướng về quê hương với niềm hy vọng ...

              Bao giờ quang phục quê hương lại.
              Mang ánh bình minh thay bóng đêm
              (Xóa Dòng Nhục Sử)

              Đất tạm dung, âm ỉ tháng ngày
              Nhớ thương ngút hận nặng quằn vai
              Áo cơm đất lạ đời vay trả
              Nợ núi sông buồn ướt mắt cay…
              ..........................................
              Việt Nam là của dân Hồng Lạc
              Đuổi thù- vang rộn tiếng reo cười…
              (Sẽ Có Một Ngày)

              Theo năm tháng dần trôi, biết bao biến thiên dời đổi của cuộc đời, mà bước chân của Thy Lan Thảo đã từng đi qua, để rồi tác giả đã gửi gấm nỗi lòng trong những bài thơ đầy cảm xúc. Tôi xin hân hạnh giới thiệu đến quý bạn đọc Thi Phẩm DẤU BƯỚC CHÂN ĐỜI
              Tập thơ này cũng góp phần cho nền Văn Học Việt Nam
              ở Hải Ngoại thêm phong phú, và mong rằng thơ Thy Lan Thảo sẽ còn tiếp nối mãi mãi .

              Hồng Phúc (Tháng 8/2006)


              Con đi dưới lá cờ sao máu
              Rờn rợn lòng con, nhục Mẹ ơi...

              Comment

              • #22

                Thy Lan Thảo
                CHÚT TÌNH CHÚT Ý MẤY VẦN THƠ
                Túy Hà


                Tình cờ tôi gặp chính tôi
                Trên dòng sông cũ dật dờ khói sương
                Chút tình chút ý còn vương
                Trên từng con chữ ghét thương cũng liều .
                Quả thật tôi đã gặp lại chính tôi , gã đàn ông phiêu bạt một thời ở rể đất Gò Công sau ngày mất nước . Tôi ở làng Tây vẫn thường vượt đồng xa sang làng Ðông đong rượu. - Ðế Gò Công một thời lừng lẫy tiếng đồn gần xa khắp lục tỉnh Nam kỳ.Giới lưu linh chưa thử qua thì chưa phải là người lịch lãm. Chính vì điều nhỏ nhoi ấy trong tôi vẫn còn mãi một Gò Công dầu đang hành thiền khất thực xứ người .
                Thực sự ra thì tôi chẳng gặp ai trên dòng sông cũ cả , mà chỉ là gặp tôi trên dòng Thơ Thy Lan Thảo . Cái âm hưởng Gò Công và tên tác giả làm tôi liên tưởng đến một tà áo vờn bay ở bến đò qua Chợ Gạo , một vành nón che nghiêng mái tóc ai vượt cầu Quay những chiều hanh nắng. Tôi tò mò , tôi tìm hiểu với tất cả nôn nao háo hức và tôi lạc vào thơ . Cũng từ thơ tôi vỡ mộng như ly rượu cuối cùng quật tôi ngã xuống khi tiệc chưa tàn và bằng hữu vẫn đang vui . Tôi vỡ mộng bởi lẽ Thy Lan Thảo môt cái tên hết sức tượng hình nhưng không là hình ảnh của một cô gái Gò Công chân chất thật thà mà lại là một anh chàng lính thú như tôi .
                Thế nhưng vẫn là chữ nhưng khó chịu dịu êm , thường lai vãng trong đời của những phận người trôi nổi . Tôi không gặp lại Cô gái Gò Công của tôi thì luật bù trừ cho tôi cái may mắn kết giao với một người thơ không kém phần dịu dàng đôn hậu, đó là Thy Lan Thảo .
                Mới gặp lần đầu , sẽ không ai nghĩ Thy Lan Thảo đã từng là một người lính cũ , là một cựu tù , có lẽ thời gian như dành riêng một biệt lệ cho Thy Lan Thảo , ở anh tôi không thấy nét khắc khổ phong sương , nỗi dày vò cơm áo cũng không hiện ra những vết khắc của đời .
                Ở anh tôi bắt gặp dáng dấp của một nhà giáo , xa hơn một tí có thể là bản sao của môt linh mục , mà đằng sau tròng kính trắng là đôi mắt rất đổi hiền lành . Chỉ khi nào bắt gặp nụ cười rất hiếm trên môi anh tôi mới thấy có chút gì khinh bạc , khác người .
                Tôi vốn là gã phàm phu , một đôi lúc cố ẩn mình trong dòng chảy của thơ như tìm một cứu cánh dịu êm để quên đi những cơ hàn nghiệt ngã .Nhưng thú thực tôi vẫn thường thất vọng và đôi khi nghĩ quẩn thơ thẩn chẳng là cơm cháo gì giữa đời thường vốn rất cần thực tế.
                Và tôi hờ hững , tôi lãng quên tôi không còn quyến luyến cùng thơ, cho đến một ngày :
                * ...Ðêm nay chợt thấy trăng len lén
                Rất lẽ loi nhợt nhạt đất trời
                Bỗng nhớ quê mình trăng rất sáng
                Trắng lòng nhớ quá bé thương ơi !...
                Dường như trăng vàng chỉ vén mây mang chút ánh sáng mờ ảo cho riêng tôi , mà sao ai đó chỉ
                đôi câu lại gợi nhớ cả một trời tâm sự . Tôi lịm người . tôi rũ xuống và thổn thức cùng thơ.
                Thy Lan Thảo chỉ gởi đến tôi chút tình chút ý , nhưng xuyên suốt những vần thơ bình dị nhưng không kém mượt mà kia,dù là gởi cho ai , viết cho ai vẫn là lãng đãng đôi bờ , đã trắng bông những hàng cây So đủa ,một chiếc thuyền con trên dòng sông quê hương mập mờ nhân ảnh vén bức màn sương về với người thơ . Thời tiết chỉ là cái cớ , hàng cây chỉ là kỷ niệm nhưng lời thơ hiền hòa lại chuyên chở cả một trời tưởng nhớ :
                * ...Tháng mười hai hàng cây So đủa
                Trổ trắng bông đùa gió đong đưa
                Như áo lụa vờn mây nhảy múa
                Gío chướng về tung bụi nắng trưa ...
                Thy Lan Thảo vẫn nhớ và luôn luôn vẽ lại đậm nét cho chính mình những góc nhỏ của toàn cảnh quê hương yêu dấu . Trong cái nhỏ nhoi bình dị vẫn ngầm chứa những ray rứt khôn nguôi, như từng vi ti huyết quản vẫn thường xuyên theo máu về tim :
                * ...Van xin cho nước thôi đừng chảy
                Gío thổi làm sao sóng ngược dòng ...
                Hôm ấy , tôi hạnh ngộ Thy Lan Thảo ở một tiệc cưới ,cùng bàn cùng mâm. Tôi lãng đãng chút rượu cay Thy Lan Thảo nhẹ nhàng hơn ly bia giải khát, với bộ complet xanh đen cắt khéo may đúng cở , chemise màu thiên thanh ,cà vạt đỏ thời trang . Mái tóc chải gọn , cặp kính trắng và nụ cười hiền . Ở anh tôi không thấy dấu vết nào của một thời tù tội , của những tháng ngày vật lộn với sình lầy, cũng chẳng còn vương mùi tử khí của những dặm dài lộ máu 7B . Anh đã hồi sinh trở lại nguyên mẫu một nhà giáo thuở nào . Bên cạnh anh thay vì một phu nhân thì lại là một cô bé đang tuổi dậy thì, một búp hoa chưa nở hết, đôi mắt sáng mái tóc mềm và đôi môi hồng như vừa nhắp quả Ô môi . Thy Lan Thảo tinh ý nói nhỏ với tôi:-là con gái tôi đấy và cũng là nàng thơ của riêng tôi , đi đâu cũng phải đưa cháu theo .Tôi gã đàn ông bạt mạng . không quen với những lịch lãm thượng lưu , nhất là gò bó trong những tiệc tùng, lại thêm có tí rượu nóng phổi, bèn đi một đường nham nhở :- Thế bạn là gà trống nuôi con à ?! Thy Lan Thảo cười cười :- Vâng , và gà mái nuôi gà trống .Thì ra hiền muội trong thơ Thy Lan Thảo bận đi làm ca hai để lo cho gà trống . Và anh không muốn để cháu gái ở nhà một mình , anh nói thêm ;- cháu còn là nhiếp ảnh viên và thư ký riêng của tôi nữa đấy . Nhà tôi dạy cháu học tiếng Việt và khuyến khích bằng cách nhờ cháu sửa chính tả cho tôi . Thế đấy , Thy Lan Thảo ở hoàn cảnh nào cũng hướng về quê hương với tất cả mến yêu , lại vô cùng thực tế như ai đó đã nói tiếng Việt còn ,nguời Việt còn . Anh đã tuân giữ lời nhắc nhỡ ấy bằng cách trên khá hữu hiệu nhất là với con mình . Thử hỏi mấy ai có tấm lòng như thế , tôi lại hiểu thêm một chút về Thy Lan Thảo :
                *... Mười năm em vẫn đùa bụi phấn
                Dạy học mà lòng thỏa ước mong ?!..
                Hoặc sâu hơn :
                *...Câu thơ xưa viết còn buông lửng
                Rồi gió giông mưa chợt ngỡ ngàng ...
                Vâng , Thy Lan Thảo luôn còn luyến nhớ một thời dạy học và bây giờ vẫn tiếp tục trong âm thầm .Thế mới biết xen lẫn giữa thơ Thy Lan Thảo vẫn còn nguyên vết khắc nữa đời với chút tình chút ý rất đổi Viêt <st1:country-region w:st="on">Nam</st1:country-region> .
                Sau đó , một thời gian dài tôi lưu lạc ta bà , chạy giông chạy bão , chạy quên cả đường về. Tôi trở lại Houston khi thời tiết đã bắt đầu se lạnh , tôi lại lang thang truy tìm bằng hữu , bất ngờ gặp được gã bạn lưư linh giang hồ thứ thiệt chữ nghĩa không đầy một chiếc lá vàng rơi , thế mà đang hùng hồn giảng thuyết về một.... tập thơ mới ?! Tôi sà vào bàn nhậu tuy trong lòng không vui vì những gã phàm phu say khướt lại bày điều bình thơ xướng họa . Nhưng , lại vẫn là chữ nhưng tai quái , trên tay bạn tôi là tập Thơ bìa hoa tiên màu xanh lá mạ với đôi dòng thư pháp ghi : Chút Tình Chút Ý thơ Thy Lan Thảo . Tôi mừng vui còn hơn nhận được món quà qua đêm vợ tặng sau những ngày biền biệt xa nhà .
                Chịu một chầu bia đãi bạn , tôi mươn Chút ý chút Tình vừa chiêu bia vừa để tâm hồn trôi theo dòng thơ Thy Lan Thảo . Càng đọc lại càng say , không hiểu bia rượu dậy men hay là thơ Thy Lan Thảo đang đẩy tôi bềnh bồng về với một thuở nào xa , quả là :
                *... Chữ nghĩa văn chương thời Chiến quốc
                Vài tờ nhàu nát bụi thê lương ...
                Trước khi biết Thy Lan Thảo tôi vốn không mấy mặn mà với thơ , nhất là những tay làm thơ tài tử , đến một độ tuổi nào đó tự dưng chợt nhớ mỗi người Việt sinh ra đã là một nhà thơ , bèn lôi vợ con mình vào cuộc , tô son trát phấn .Vẽ cánh thêm râu cho bằng hữu rồi tung hứng và mặc áo thụng vái nhau cứ như là thơ tiên văn thánh. Ðó là những gã học làm sang , nịnh đầm không đúng cách và chính những người ấy đã phần nào làm thui chột thi ca vốn là của trời cho xuất phát từ tim óc vô cùng thâm thúy diệu kỳ .
                Thy Lan Thảo cũng làm thơ cho người yêu , cho vợ , cho con cho bằng hữu , nhưng khi thơ phổ biến thì mỗi người đọc đều ngỡ rằng chính mình là tác giả và đối tượng thơ của Thy Lan Thảo trở thành hình tượng chung cho những người đồng cảnh . Nói rỏ hơn Thy Lan Thảo đã đem được cái tâm tư riêng của mình biến thành cái chung của quần chúng . Ðại danh từ ngôi thứ nhất đã biến thành ngôi thứ ba . Với riêng tôi Thy Lan Thảo đã thành công ở điểm này.
                Từ đó đã có câu trả lời chính xác và rõ nét cho những người yêu thơ và làm thơ rằng : những kỷ niệm , những niềm riêng phải trở thành cái chung cho mọi người cùng buồn vui thương ghét thì thi ca mới dồi dào sinh lực để sống .
                Qua thi tập mới với tựa đề “ Chút Tình Chút Ý “ Thy Lan Thảo dã khiêm tốn theo phong cách của một nhà giáo , và chỉ là một cách nói biết lựa lời .Thật ra Chút Tình Chút Ý đã trở thành muôn tình ngàn ý , Bởi lẻ dù anh nói về người yêu , người vợ , một kỷ niệm tù , một chíến hữu hay một người mẹ . Tất cả đã được vẽ thành một bức tranh toàn cảnh cho tất cả những người Việt ly hương ,ï trở thành một mẫu số chung không thừa không thiếu cho bất kỳ ai còn nặng nợ với thơ . Thế nhưng Thy Lan Thảo đã khiêm cung biết dường nào khi đặt tựa cho thơ mình , một chút , chỉ một chút thôi nhưng là tất cả nhiệt tình tim óc của một người thơ .
                Qua thơ , Thy Lan Thảo tự vẽ chân dung mình dù chỉ là hai màu đen trắng , tôi không thể tô thêm bất kỳ một chút màu nào , bởi hai màu thật ra không sắc ấy đã trở thành rực rỡ gấm nhung thất thể , là bảy sắc cầu vồng tỏa sáng từ cõi thơ riêng của Thy Lan Thảo ,chắc chắn sẽ góp thêm sắc màu cho thi ca hải ngoại .
                Về sau , có lần tôi liên lạc được với Thy Lan Thảo bằng phone ,tôi không hề nhắc gì về tập thơ tôi vừa đọc . Anh vồn vã mời tôi hôm nào ghé nhà làm một chầu cho đã và sẽ cho tôi một bất ngờ , thói quen hiếu khách và hào phóng của người dân <st1:country-region w:st="on">Nam</st1:country-region> bộ vận còn trong anh .
                Tôi vốn quý bạn và trong lòng cũng thích lắm , Nhưng ,tôi lại nghĩ , thôi cứ để cho bạn ta có thời gian và hứng khởi làm thơ dâng hiến cho đời . Không hẹn mà gặp thế mới hay , Tôi đành ởm ờ hẹn lần hẹn lữa và nhủ thầm thôi thì hẹn ngày nào sẽ :
                Rượu Gò Công ai đong nấy uống ,
                Chờ hoa Mai nở , hóa cờ vàng
                Ta về thăm lại phương trời cũ
                Thắp nén hương trầm tạ tứ phương .
                Và riêng với những bằng hữu của tôi khi đọc đươc những dòng này , vui lòng tìm đến :Chút tình chút ý “ của Thy Lan Thảo , ở đó sẽ thấy những điều các bạn cần tôi viết mà tôi vẫn mãi say nên chưa viết được gì .


                Túy Hà viết từ Hội Quán Bụi Vàng
                (*) Trích thơ Thy Lan Thảo
                Con đi dưới lá cờ sao máu
                Rờn rợn lòng con, nhục Mẹ ơi...

                Comment

                • #23



                  Tập thơ thứ 5
                  Con đi dưới lá cờ sao máu
                  Rờn rợn lòng con, nhục Mẹ ơi...

                  Comment

                  • #24

                    TÌNH MẸ TỪ THI TẬP DẤU BƯỚC CHÂN ĐỜI của THY LAN THẢO
                    *


                    Làm thơ để gửi gấm, truyền đạt. Đọc thơ để nhận, để cảm, để say. Mấy mươi năm trôi dạt, tôi đã nhận, đã cảm rất nhiều tâm tình của anh Thy Lan Thảo, nhà thơ xứ Gò. Tôi thấy mình nợ nần anh, nợ những sợi tơ quấn quít, giăng dọc, trãi dài.
                    Chúng ta, ai cũng tất bật lăn mình vào cuộc sống, chăm lo bản thân, gia đình, tương lai con cái…Bận rộn đến nỗi không thể viết trọn một lá thư đủ ý, đủ tình gữi về quê cũ thăm lại người thân. Lạ lùng gì đâu! Đó chỉ là mẫu số chung trong bài toán đời lưu lạc nên tôi vừa khâm phục vì ý thơ vẫn dạt dào trong trái tim anh, tình thơ vẫn mênh mang trong cõi lòng anh - Bốn năm, bốn tập thơ được ấn hành - hãnh diện vì anh là nhà thơ Gò Công, có liên quan ruột rà với đất mẹ.
                    Do vậy, tôi sẽ không viết bất kỳ chữ nào để khen thơ anh hay giống như những nhà bình thơ hay làm cho những tác giả cùng phe nhóm.
                    Ngàn sao, ý tỏ mây che
                    Ở trong sương dáng rụt rè dễ thương
                    Mắt môi tròn nụ thu hường
                    Hình như đêm xuống còn dư hương thừa
                    (Thương quá đêm tù – Dấu Bước Chân Đời)

                    Mượt mà, trao chuốc, chỉ dùng để đánh bóng. Thật ra trên bình diện ngôn ngữ, mỗi chữ đều có giá trị ngang nhau. Nói chữ nầy mượt mà hơn, trao chuốc hơn chữ kia là bậy. Nếu phân biệt được thì bao nhiêu chữ không mượt mà, không trao chuốc sẽ bị lãng quên.

                    Chừng nào em mới quay về lại
                    Thăm đất Gò Công, kỷ niệm xưa
                    Mẹ mất đi rồi lòng trống trải
                    Thương em chị biết nói sao vừa…!
                    (Em về thăm chị - Dấu Bước Chân Đời)
                    Ngắt rời những chữ ở đọan thơ trên: chừng nào, quay về lại, thăm đất Gò Công, mẹ mất đi rồi …. Các chữ đều bình thường như nhau, ai viết cũng được, ai nói cũng được. Nhưng đọc một câu thơ, đọc một đoạn thơ và cả bài thơ, tự nhiên, ta lại du ta vào một cõi trời xa xăm nào đó.
                    Chị ơi em muốn quay về lại
                    Kỷ niệm, quê nhà đâu dễ quên
                    Đất nước vẫn đỏ cờ oan trái
                    Lối về quê cũ vẫn buồn tênh…
                    Xứ người gửi nhớ thương về chị
                    Đừng mãi buồn thương sinh ốm đau
                    Em đọc thư nhà nghe chị kể
                    Máu của tình thâm vẫn ngọt ngào
                    (Em về thăm chị)
                    Có sự kết nối kỳ diệu giữa chữ nầy với chữ kia tạo thành một cấu trúc đặc biệt để mỗi thi sĩ tự xây cho mình một lâu đài riêng mà đi vào thế giới thơ. Sự kết nối đã làm các chữ trong câu có âm bậc, giai điệu, từ đó, tình thơ, ý thơ mới tóat lộ được, mới phô diễn được và giúp cho người đọc cảm nhận những gì tác giả muốn gửi gấm.
                    Thy Lan Thảo đặt cõi lòng bao la của Mẹ vào trong trái tim của chị. Mẹ đã mất. Biển Thái Bình tưởng ngưng sóng, nhưng âm ba vẫn đầy, lao xao vẫn dồn vỗ, vì dòng sông đã vượt gềnh, sông đã ra khơi và trở thành biển lớn. Sự tiếp nối của thế hệ đàng sau.
                    Em ơi! Tuổi chị giờ leo lét
                    Đêm đã về khuya, sắp cạn dầu
                    Muốn gặp lại em, hai đứa cháu
                    Mai nầy ai biết sẽ ra sao …?!
                    (Em về thăm chị)
                    Chị ngày xưa là Mẹ bây giờ. Chị là Mẹ của em, của tình em. Lòng chị cũng ngút ngàn như Mẹ, cũng thương, cũng buồn, cũng âu lo, chắt chiu tình nghĩa. Chí cũng có những ngày tháng đợi mong.
                    “Mẹ vẫn ngồi đan một nỗi buồn
                    Bên trời tạt gió với mưa tuông
                    Con đi góp lá nghìn phương lại
                    Đốt lửa cho đời tan khói sương”
                    Tôi không nhớ rõ đọan thư nầy của ai, dường như Trần Trung Đạo, cũng thắm thía, mịt mờ. Đó là điểm gặp trong thơ, chỗ hẹn của những đứa con biết dừng lại, nhìn ra biển cả mênh mông, nhìn sóng bạc đầu trắng xóa, nhìn mây nỏn như bông gòn để nhớ về Mẹ.
                    Mẹ già tóc trắng chiều tựa cột
                    Mắt buồn lơ đãng cánh chim bay
                    Nước mắt lăn dài dù không khóc
                    Nhìn trời mẹ nhớ, nhớ thương ai

                    Mâm cơm nhiều, cửa nhà hiu quạnh
                    Ngọn đèn dầu lửa, chiếc bàn tròn
                    Hạt gạo quê nhà, cơm dẽo trắng
                    Mẹ ngồi ăn mà nhớ thằng con…
                    ( Ngọt ngào tình Mẹ - Dấu Bước Chân Đời)
                    Dường như hầu hết các bà Mẹ Việt Nam đều mang nặng nỗi buồn và có chung khỏang đời gian truân đau khổ như nhau. Phải chăng, vì quê Mẹ nghèo mà lòng Mẹ lại canh cánh niềm thương! Phải chăng, cuộc đời của mẹ, thế hệ đàn con bị nhận chìm trong cơn quốc biến!
                    Hơn 30 năm mà như mới hôm qua, “lệnh hèn ban” như vết chém sau lưng, xương da đau buốt, vết thương vẫn hành hạ Thy Lan Thảo một cách đắng cay.
                    Năm tháng chết mà tình người vẫn nhớ
                    Tám năm tù chưa đủ trả núi sông
                    Nợ của kẻ buông gươm khi giặc đến
                    Vương mang canh cánh, hèn nhục trong lòng
                    (Hoa bằng lăng tím – Dấu Bước Chân Đời)
                    Chính “lệnh hèn” đó mà Thy Lan Thảo và rất nhiều người trong chúng ta không được gặp lại Mẹ mình lần cuối. Niềm đau thương nầy mãi mãi là niềm đau thương vô tận, mãi mãi là nỗi ngậm ngùi, cay đắng khôn nguôi.
                    Thy Lan Thảo còn là một quân nhân. Mang trong mình bầu nhiệt huyết, chí mong vẫy vùng để trả nợ núi sông. Nhưng
                    Một lệnh hèn ban … quân đòan tan tác
                    Ngang Chư Pao nghe ớn gió oan hồn
                    Chiến hữu năm nào đồi nầy phơi xác
                    Đạn lên nòng, chiều xuống lạnh hòang hôn
                    (Lòng ta – Bạn hiểu – Dấu Bước Chân Đời)
                    để giờ đây, Thy Lan Thảo vẫn là người trai đang đi tìm TỔ QUỐC. Mong, tôi có dịp viết về người trai nầy.

                    - - -- - - - - - - - - - - - - -- -
                    • Xin ân cần giới thiệu đến: Những Người Yêu Thơ và Chưa Yêu Thơ,
                    Thi Tập DẤU BƯỚC CHÂN ĐỜI
                    • Xin ân cần giới thiệu đến: Những ai còn bỏ lại sau lưng mẹ cha, anh chị, tình yêu, bạn bè
                    Thi Tập DẤU BƯỚC CHÂN ĐỜI
                    • Và cũng ân cần giới thiệu đến: Những ai từng khoát áo trận, nửa đường gãy gánh
                    Thi Tập DẤU BƯỚC CHÂN ĐỜI của THY LAN THẢO, nhà thơ lính, sẽ phát hành vào mùa xuân ĐINH HỢI – 2007

                    Đọc DẤU BƯỚC CHÂN ĐỜI của Thy Lan Thảo để nghe tiếng dội lạ lùng từ tâm ức, để nhìn lại khung trời kỷ niệm lừng lững trở về, để đón nhận những cơn sóng vỗ cho lòng bỗng nao nao, để được đồng cảm với tác giả vì thơ anh là những tinh huyết trào ra của người con đi tìm TỔ QUỐC.


                    Đông Quyên
                    Con đi dưới lá cờ sao máu
                    Rờn rợn lòng con, nhục Mẹ ơi...

                    Comment

                    • #25

                      RAY RỨT CHÚT TÌNH
                      *


                      Đã nhiều đêm nằm thao thức với con trăng vàng vọt cũ mèm, khắc khoải nghe nhịp gõ con tim vọng về nơi miền ký ức xa xôi nào đó mà nhất thời chưa hình dung ra được. Miền ký ức đương độ mãn khai có cuồng lưu não nùng bất kể, có hạnh ngộ huyền nhiệm miên man. Khởi hành theo bóng dáng người con gái dịu dàng thùy mị giữa khoảng không gian diệp lục hạnh phúc đầy thơ mộng.

                      Dáng em ngập cả hồn anh mộng
                      Tình vẫn âm thầm trong thiết tha
                      (Ý Thơ Cho Em)

                      Trong thoáng quắt quay qua vùng chiêm bao ngắn ngủi đã bát ngát bóng hình em. Trăng gió cũng gợi phần quyến rũ để chờ đợi cung lòng điểm tiếng yêu thương. Dẫu biết chỉ là mơ, nhưng giây phút huyền vi đó hồn say đắm đã thăng hoa thành cánh hồng tươi thắm. Em, chính em là giai điệu trữ tình kết cấu trên giòng nhạc anh luân lưu ... réo rắt.

                      Nhưng chỉ là mơ em gái ơi!
                      Lòng anh mây trắng gió xa xôi
                      Lòng anh đã nở hoa hồng thắm
                      Hoa nở lòng anh chỉ một người
                      (Cạn Ý Cho Em)

                      Cũng từ phiên ký ức thần thoại xa xôi đó, con bướm trắng đa tình lãng mạn đã mất hút trong bão lửa cuộc đời. Khập khiễng bước khỏi vùng khói trầm luân là bóng hình gã hành khất phai bạc mái đầu quảy trên lưng túi thơ về ngang vùng duy thực để ngỡ ngàng bắt gặp ánh nhìn nguyệt lãnh.

                      Con bướm đa tình, con bướm trắng
                      Anh về tóc trắng, trắng hồn thơ
                      Người xưa trách bướm vô tình lắm
                      Nay bướm về đây. Ai hững hờ …!?
                      (Bướm Lẻ)

                      Mà thôi, tình đâu phải vỏn vẹn nằm trong lằn phấn vẽ chu vi của tình yêu đôi lứa. Biên giới tình yêu còn mênh mông vô cùng tận. Gã hành khất lim dim thả hồn về nguyên thảo nơi giòng sữa mẹ ngọt ngào chan hoà ... vào những yêu thương đầu đời. Bơi trong vòng tay dịu dàng, nghe tiếng ru hời trìu mến của mẹ. Cái hạnh phúc bao dung tuyệt vời sẽ miên viễn lâng lâng trong kiếp người. Giờ đây, không biết nơi địa tầng lá cỏ hồn nhiên nào, nấm mồ thân mẫu có vơi nỗi buồn biển dâu ngày tháng, có mùi nhang trầm xông ngát quạnh hiu?

                      Mẹ đi cách biệt đôi đường
                      Hoa đời úa héo, nắng sương một mình
                      Vọng từ trong cõi lặng thinh
                      Trong mơ bóng mẹ, dáng hình kỳ hoa …
                      (Lục bát nhớ mẹ)

                      Vì sao băng còn vạch vệt sáng ngời trên giòng ký ức. Những dấu tích thiêng liêng tĩnh mặc đột nhiên nứt rạn, gã hành khất bật khóc cho riêng mình loại ngôn ngữ tưởng nhớ.

                      Ba bỏ cuộc đời yên trong lòng đất
                      Con trong tù đau đớn nhận tin ba
                      Phận làm con, trời hỡi lắm xót xa
                      Không nhìn mặt tiễn đưa ba lần cuối
                      (Viết Cho Ba)

                      Trắng đêm bên bờ mênh mông lao xao con sóng bồi phục quay quắt về con chim đầu đàn đang trầm mình trong phong bão mà chưa lần ân xá bởi thời gian điêu ngoa, qủy quyệt.

                      Thương chị quê nhà luôn trông luôn đợi
                      Nhớ thằng em một thuở khổ nhục tù
                      (Ray Rứt Đắng Lòng)

                      Ray rứt tưởng khánh kiệt nơi vườn khuya riêng tư, nhưng xâm thực qua biên thùy chủng loại. Sau cơn hồng thủy đẫm tang thương, xót xa điệp trùng, không cương thổ trú thân. Những thiên thể ánh ngời tinh hoa lầm lũi ngược dòng thuỷ triều ra biển lớn. Sự sinh tử không còn nơi kỳ kèo trả giá mà mặc nhiên hội tụ để phơi trần dấu ấn tủi hờn sâu hoắm … một thời.

                      Giặc trói mày sau ngày sập tiệm
                      Tao ngu ngơ trình diện ở tù
                      Dưới hầm tàu Sông Hương ra Bắc
                      Gặp lại mày, buồn nhục tháng tư …

                      Vậy đó … giòng sông nào cũng chuyên chở phù sa và vần thơ nào cũng ngút ngàn xúc cảm trong từng con chữ. Thôi thì ... hãy bước vào những trang thơ hằn tiếc thương, bi phẫn khởi động bằng con tim thành khẩn, bằng ngôn ngữ thiết tha và hiển nhiên ngòi bút để nghe hồn mình hội nhập trên giòng ký ức khôn cùng của Thy Lan Thảo trong “Ray Rứt Chút Tình”.

                      Thụy My 2008
                      Con đi dưới lá cờ sao máu
                      Rờn rợn lòng con, nhục Mẹ ơi...

                      Comment

                      • #26

                        Chương trình Giới Thiệu Sách



                        Chương trình Giới thiệu sách do Nguyên Nhung phụ trách, NN xin thân mến kính chào quý thính giả. Chương trình này đến với thính giả trên làn sống 900 AM, Đài Sàìgòn tại Houston và trên làn sống 890 AM tại Dallas, để giới thiệu đến quý vị một số thi phẩm, tác phẩm mà chúng tơi nhận được trong thời gian gần đây, nhất là những cây bút qua nhiều đề tài khác nhau, nhằm mục đích bảo tồn và phát huy văn hóa Việt cuả chúng ta nơi hải ngoại.
                        Trong chương trình Giới thiệu sách kỳ này, NN xin trân trọng giới thiệu thi tập Ray Rứt Chút Tình cuả nhà thơ Thy lan Thảo. Đây là thi tập mới nhất cuả tác giả, xuất bản năm 2008, ấn hành bởi thi đàn Hoa Tiên, qua bài giới thiệu cuả Thuỵ Mi. Hình như trong thi tập này tác giả đã gửi gấm khá nhiều nỗi niềm riêng từ những ray rứt cho một mối tình, một hình bóng nào đó đã chìm khuất trong dĩ vãng mù xa.
                        Trong khi một người viết văn cần phải dồi dào tưởng tượng để sáng tác thì hình như người làm thơ chỉ cần ghi thật nhanh niềm tâm sự, hay những biến chuyển cuả nội tâm qua những vần thơ có nhịp điệu để được gọi là một bài thơ. Hầu hết thơ phát xuất từ tâm, do đó thơ biểu hiện cho cái gì rất riêng cuả mỗi tác giả, trong đó có sự đóng góp không nhỏ cuả thiên nhiên, một vầng trăng khuyết, một dải mây trời, một hơi gió hiu hiu báo hiệu một muà thu đến, tất cả hội tụ với nhau để trở thành thơ, mà khi đến với những tâm hồn đồng điệu thơ đã làm cho người đọc rung động. Chẳng hạn trong 4 câu thơ dưới đây cuả Thy lan Thảo:
                        Nhưng chỉ là mơ em gái ơi
                        Lòng anh mây trắng gió xa xôi
                        Lòng anh đã nở hoa hồng thắm
                        Hoa nở lòng anh chỉ một người.
                        Thực sự đấy chỉ là chút hồi niệm dĩ vãng mà chút mơng mênh cuả một mối tình, còn để lại trong tâm tư tác giả một nuối tiếc cũng rất mơng mênh. Hiện tại thì khơng phải vậy, nhưng ai cấm được thi nhân một chút xao động với những hình ảnh đẹp cuả dĩ vãng.
                        Ngoài tình yêu đôi lưá, hình như còn một thứ tình cao cả hơn mà ở mỗi con người đã phảng phất trong thơ cuả Thy Lan Thảo. Tuy mỗi hoàn cảnh có khác nhau nhưng tựu chung thì vẫn có một mẫu số chung, đó là tình mẫu tử, trong những vần lục bát cho mẹ, anh viết:
                        Mẹ đi cách biệt đôi đường
                        Hoa đời héo uá nắng sương một mình
                        Vọng từ trong cõi lặng thinh
                        Trong mơ dáng mẹ bóng hình kỳ hoa.
                        Khi viết cho người cha, hình ảnh ấy đã biến thành một vệt sáng ngời trong dòng ký ức cuả tác giả, nhất là giây phút cuối cùng khi người cha nhắm mắt, anh còn đang sống trong vòng kẽm gai cuả một trại tù nào đó xa xôi vùng Việt Bắc:
                        Ba bỏ đi đời yên trong lòng đất
                        Con trong tù đau đớn nhận tin ba
                        Phận làm con, trời hỡi lắm xót xa
                        Không nhìn mặt tiễn đưa ba lần cuối
                        Còn niềm đau nào lớn hơn nỗi đau đó, khi trong tù thì mất cha, lúc vật lộn áo cơm nơi quê người thì mất mẹ, và rồi lại thêm nỗi đau xót cho người chị chốn quê nhà còm cõi một thân một mình chống trả với những oan khiên cuả cuộc đời. Trong bài thơ Ray Rứt Đắng Lòng, Thy lan Thảo đã kể lể:
                        Thương chị quê nhà luôn trơng luôn đợi
                        Nhớ thằng em một thuở khổ nhục tù
                        Còn rất nhiều điều ray rứt trong thi tập Ray Rứt Chút Tình cuả Thy lan Thảo, vì ngoài nỗi ray rứt cho chút tình yêu đầu đời đã bỏ lại sau lưng, cho gia đình, cho cha, cho mẹ, anh còn nặng tình với đồng đội cuả mình nữa:
                        Những thằng còn lại quên nghiên bút
                        Ngẩng mặt cao đi dưới bóng cờ
                        Bạn xưa chung lớp nay chung hướng
                        Áo trận giày sơ gió bụi mờ
                        Lắm thằng đền trả ơn sông núi
                        Yên giấc ngàn năm giữa chiến trường
                        Tuổi trẻ một thời ai công tội
                        Cúi đầu ôm nhận hết đau thương
                        Với một tập thơ khoảng 200 trang, dĩ nhiên là Thy lan Thảo làm thơ khơng biết mệt. Anh đã từng thú nhận nếu không còn làm thơ có lẽ cuộc đời sẽ rất vô vị vì con người không thể loanh quanh với cơm áo gạo tiền. Dùng thơ để giải toả chút ray rứt trong đời sống, làm thơ để quân bình nội tâm khi ở thế hệ anh, thường khó hòa nhập hoànn toàn với xã hội hiện tại, mà trong chiều sâu cuả tâm hồn bao giờ dĩ vãng cũng dự phần không nhỏ trong lòng những người lính cũ năm nao.

                        Bạn đọc yêu thơ chắc cũng thông cảm với nỗi niềm cuả người làm thơ như Thy lan Thảo, nếu muốn có thi tập này xin liên lạc với tác giả qua điện thoại 713- 895- 7496

                        Chương trình GTS do NN thực hiện tới đây đã chấm dứt, hẹn gặp lại quý vị trong chương trình kỳ tới, trên làn sóng 900 AM đài Saìgòn tại Houston, và 890 am tại Dallas. Ước mong rằng những tác phẩm, thi phẩm mà chúng tôi giới thiệu sẽ có dịp đến tay những độc giả xa gần, đó là niềm mong mỏi cuả người thực hiện chương trình. Nhân dịp này, cũng xin chúc quý thính giả mau chóng ổn định lại cuộc sống, sau cơn giông tố đã ghé qua thành phố cuả chúng ta và các vùng phụ cận.
                        NN xin thân mến chào tạm biệt quý vị.
                        NGUYÊN NHUNG
                        Con đi dưới lá cờ sao máu
                        Rờn rợn lòng con, nhục Mẹ ơi...

                        Comment

                        • #27



                          tập thơ thứ 6
                          Con đi dưới lá cờ sao máu
                          Rờn rợn lòng con, nhục Mẹ ơi...

                          Comment

                          • #28

                            Vẫn Còn Đó Nỗi Đau
                            *
                            HÀ THỊ NGUYỆT MINH


                            Nhận được bản thảo tập thơ và bút kí “Vết hằn kỉ niệm” của Thy Lan Thảo tôi rất xúc động và xin có lời cảm ơn tác giả. So với những tập thơ trước tác phẩm này có đa dạng hơn về hình thức và phong phú hơn về nội dung. Bằng nhiều thể loại thơ, văn, và trí nhớ tuyệt vời Thy Lan Thảo đã đánh thức cả miền kí ức xa xăm của những người Việt xa xứ. . . .
                            Đọc “Vết hằn kỉ niệm” tôi chợt nhớ đến những câu thơ của Đan-Tê:
                            “Có khổ đau nào bằng,
                            Trong đắng cay nhớ về hạnh phúc. . . ”
                            Đối với những người trong nước thì người Việt sống ở nước ngoài được ưu đãi quá nhiều, được hưởng tự do thật sự, vật chất quá đầy đủ làm gì mà đau khổ, mà đắng cay, mà nhớ về hạnh phúc. Nào ai hiểu được những điều có trong hiện tại lại gợi lên bao nhiêu phiền muộn, xót xa liên tưởng đến những điều đã mất, những gì là hạnh phúc trong những điều đã mất: Có những cái rất tầm thường nhưng khi không tìm thấy mình mới thấy tiếc, thấy nhớ…
                            (Cá kèo)
                            Bút pháp hồn nhiên giản dị của Thy Lan Thảo lần này lại tự nhiên trôi theo dòng hồi tưởng đặc sắc giữa hiện tại và quá khứ; giữa cuộc sống trên đất tạm dung và những ngày tháng đã xa rồi trên quê hương Việt Nam:
                            Ở đây đất lạ người dưng
                            Đường thênh thang rộng-ngập ngừng bước chân
                            Tình quê nỗi nhớ bâng khuâng
                            Tan ca chiều xuống xác thân rã rời
                            (Nỗi nhớ mang mang)
                            Một xác thân rã rời cùng với nỗi nhớ mang mang, trên con đường đi về hằng ngày, một loại cây bên vệ đường nơi đất khách cũng đã gợi lên một nỗi nhớ quê hương da diết, nhớ bao nhiêu kỷ niệm tuổi thơ của mình:
                            Mười mấy năm lưu lạc xứ người, mỗi lần ra đường nhìn thấy những cây có tàn lá giống cây me là lòng tôi như chùng xuống, kỷ niệm thời thơ ấu như hiện rõ trong tôi, những thức ăn chế biến từ lá, trái me… Tôi nhớ mẹ tôi, tôi nhớ anh chị tôi…Tôi nhớ Gò Công, quê hương của tôi” (Cây me)
                            Quê hương trong lòng mỗi con người có biết bao điều để nhớ khi ta là lữ khách:
                            Mẹ ơi! Con khóc trời xa xứ
                            Chiều luộc dĩa rau ăn với cà
                            Quê cũ cảnh nghèo tha thiết nhớ
                            Bước đời lưu lạc bụi đường xa…
                            (Ấm cảnh nhớ tình)
                            Quê cũ cảnh nghèo vẫn âm thầm theo chân nhà thơ trên bước đời lưu lạc. Ngôi nhà ba căn kiểu chữ đinh quay mặt ra con kinh Salicetti vẫn hiện hữu song song bên Kỳ Đà Động ở Houston. Hình ảnh một gia đình đầm ấm hạnh phúc có ông bà mẫu mực, có cha mẹ chăm sóc thương yêu con cái, có anh chị em bảo bọc nhau vẫn tồn tại bên một gia đình nhỏ theo nếp sống ở một đất nước công nghiệp hiện đại:
                            Chiều ở đây, đi làm về thui thủi một mình, vợ làm khác ca, con im ỉm trong phòng, cá thịt đông lạnh nhạt phèo, cố ăn mà sống....
                            “…chỉ có trong măm cơm gia đình, dọn trên bộ ván sơ sài bên ngọn đèn dầu lửa mới thấy hết cảnh ấm cúng của măm cơm chiều cả gia đình xum họp chuyện trò vui vẻ…với đầy đủ hương vị ngon ngọt của cọng rau con cá quê nhà.” (Cá kèo)
                            Và mâm cơm ngày nay thì lại nặng oằn nỗi nhớ:
                            Ăn cơm mà nhớ xa xôi
                            Bàn tay của mẹ, tiếng cười chị, anh
                            Khói chiều hôm quyện trời xanh
                            Chim về xao xác mong manh nắng tàn
                            (Nỗi nhớ mang mang)
                            Vợ và hai cô con gái, ba người phụ nữ trong hạnh phúc hiện tại lại gợi nhớ đến ba người phụ nữ trong gia đình ấm êm xưa kia, mẹ và hai người chị. Trên nhất vẫn là mẹ, thiêng liêng nhất vẫn là tình mẹ dành cho con. Đứa con trai út dễ thương, dễ dạy thường lẫn quẫn quanh nhà được cả gia đình thương yêu, được mẹ chăm chút cho từng miếng ăn giấc ngủ:
                            Cũng tại bàn tay của mẹ chăm sóc miếng ăn thức uống cho con từ ngày còn thơ trẻ, những món ăn nhà nghèo nhưng đầy đủ chất ngọt ngào của con cá cọng rau vùng quê hương tay của mẹ ủ ấm đời con…cho nên bây giờ sống đời xa xứ con mới thấy thèm hương vị quê nhà. Đời sống vật chất ở đây đủ đầy… nhưng mẹ ơi! Buổi chiều nào trời mưa, đi làm về, con đứng tựa cửa kiếng nhìn ra sân… mắt của con mờ dần… con nhìn thấy ngoài sân hàng cây so đủa, trổ trắng bông đang nghiêng mình theo gió trong cơn mưa chiều…! (Cá kèo)
                            Đời sống vật chất ở đây đầy đủ lắm nhưng lại thiếu mẹ, chẳng những thiếu bàn tay mẹ, thiếu hương vị quê nhà mà còn thiếu cả tình quê:
                            Nhìn con khô bày bán
                            Trong nhiều chợ Việt Nam
                            Nghe cay ươn ướt mắt
                            Nhớ mẹ- Trời lặng căm
                            (Tình mẹ cho con)
                            Chợ Việt Nam cũng có bán đầy đủ lương thực, thực phẩm như ở trong nước. Những đặc sản ấy được đông lạnh hàng tháng trời làm sao còn giữ được dưỡng chất từ lòng đất quê hương:
                            . . . dù tôi cũng kho nấu chiên xào giống hệt mẹ tôi nhưng, thịt cá cứng ngắt, ăn chẳng ngọt ngào…Những thức ăn làm từ cá kèo của mẹ bây giờ tôi chỉ còn được ăn trong mơ… để rồi tỉnh giấc…lau vội giòng nước mắt lén chảy ướt má.” (Cá kèo)
                            Cá kèo tươi ngon, ngọt ngào thấm đẫm tình quê của ngày xưa chỉ còn trong mơ, trong ngôn từ diễn dạt của Thy Lan Thảo với các món ăn:Tô canh chua bông so đũa, lẫn với đậu rồng xắt liễn, nấu với cá kèo, nêm rau tần dày lá với ớt sừng trâu chín đỏ cắt khoanh mỏng xéo, dĩa nước mắm trong dầm ớt
                            Cá kèo nướng thật đặc biệt, thật ngon và hấp dẫn: “mẹdùng gấp tre cặp gấp nướng, cá gặp lửa than hồng liu riu chín tới từ từ, cho tới khi da nứt vàng nghín mẹ để cá vào dĩa, nước mắm chanh đường tỏi ớt, củ cải trắng mẹ xắt lát mỏng rồi xắt lại thành sợi, ngâm củ cải vào tô giấm có pha chút đường muối và chút nước lã, rau quế mẹ xắt nhuyển, cá kèo nướng được mẹ đặt nằm khít trên dĩa, mẹ chan ngập nước mắm ớt, trải trên mặt một lớp củ cải ngâm dấm, trên lớp củ cải là lớp rau quế,. . . .”
                            Cũng là món nướng nhưng không phải là cá kèo nướng, tác giả đã tự tay thực hiện buổi tiệc gỏi sam nướng:
                            Miệng nói, tay tôi vẫn trộn đều tô gỏi, những tép bưởi bị vỡ nước hòa lẫn với muối đường tạo một vị chua ngọt dễ chịu, mùi tỏi phi, mùi thơm của trứng sam nướng làm cho tôi bắt khịt mũi hoài, với ba cái dĩa bàn hình hột xoài, tôi sớt tô gỏi sang dĩa, dùng đũa muổng sửa lại cho khéo léo dễ coi, xong rắc rau thơm, phủ lên rau những sợi ớt đỏ au ngâm dấm cong queo lại được trang điểm sau cùng
                            (Quê hương nỗi nhớ)
                            Hương vị quê nhà được nhà thơ miêu tả tỉ mỉ, đẹp mắt, đầy màu sắc, mùi thơm quyến rủ như đang hiện ra trước mắt, mời mọc và gợi nhớ “… ngon khó tả, cho tới bây giờ xứ người nhớ lại, tôi nuốt miệng không mà cũng thấy ngon…”(Cá kèo)
                            Cá kèo trong mâm cơm gia đình còn có các món khác nữa như kho mắm, kho chỉ, chiên, nấu cháo. . . .và cá kèo theo mẹ đến trại cải tạo thăm nuôi Thy Lan Thảo:
                            Một gói khô cá kèo
                            Trong gói quà thăm nuôi
                            Con thấy bàn tay mẹ
                            Trở khô giữa nắng đời!
                            (Tình mẹ cho con)
                            Cứ ngỡ rằng chấm dứt chiến tranh mọi người sẽ trở về vị trí bình yên của mình trong gia đình và ở xã hội nào ngờ lại phải đem thân vào chốn lao tù trong các trại cải tạo.
                            “Nếu không có ngày của tháng Tư đen, tôi sẽ không bao giờ hiểu được sự thâm ác của người cộng sản.”. . .
                            “Mỹ Phước Tây trong lòng tôi vẫn là ... địa ngục trần gian bởi chế độ lao động quá nặng nề và cai tù đánh đập tù quá tàn nhẫn.”. . . .
                            “Tôi thiếp đi nhiều hơn tỉnh, nhiều đêm thức giấc, tôi nhớ Mẹ vô cùng, từ nhỏ sống cạnh kề Mẹ, tôi ít khi bệnh; vào quân trường cũng thế, ai sao tôi vậy, chín tháng quân trường, ngay cả trong thời gian huấn nhục tôi chưa từng bị xỉu; cũng từng dầm mưa dãi nắng khi ra đơn vị; cũng ngủ bờ, ngủ bụi, nhất là trên con đường máu 7B di tản từ Pleiku về đến Bình Tuy, biết bao nhiêu là gian hiểm tôi đều vượt qua được, không lẽ trong cảnh tù đày như vầy mà lại... Tôi không dám nghĩ tiếp, nhưng có lẽ vì quá tủi thân, nước mắt tuôn trào ướt cả má.”. . . .
                            (Mưa Đồng Tháp Mười)
                            Bao nhiêu đau buồn, bao nhiêu ray rứt khi con không về phụng dưỡng được cha mẹ già mà còn làm cho mẹ khổ thêm:
                            Mẹ ơi ! con nhớ ngày thơ bé
                            Con lớn trong vòng tay mẹ yêu
                            Suốt thời thơ ấu con bên mẹ
                            Mẹ khổ vì con cũng rất nhiều !!
                            (Con sẽ về với mẹ)
                            Nặng tình thương Mẹ gửi
                            Ta nhận đầy hai tay
                            Rào kẽm gai ngầm hỏi
                            Buồn nào hơn buồn nầy ...
                            (Trại tù gặp mẹ)
                            Ai gây nên những thảm cảnh này? Tình mẹ con lại là “Vết hằn kỷ niệm” đau đớn trong suốt cuộc đời này:
                            Ngày còn ở trại cải tạo Huyện Tây, mỗi nửa tháng được cho thăm nuôi một lần, tù bên trong nhìn rõ thân nhân từ ngoài đường di chuyển về hướng cổng trại. Ðã có lần máu tôi chợt nóng lên, mắt tôi như tóe lửa, khi nhìn thấy cảnh Mẹ tôi hai tay xách đầy hai giỏ nặng lầm lũi bước vào cổng trại bị một thằng võ trang dùng mũi súng gạt ngang làm Mẹ hoảng hốt chao người, mất thăng bằng suýt té, hai tay tôi đã nắm chặt lại trong niềm tức giận, Mẹ ơi! Con trai Mẹ hèn quá! Mẹ ơi! Hoàn cảnh nào đã biến con trai Mẹ thành thằng hèn. Mẹ ơi! chắc Mẹ vẫn biết thằng con trai út của Mẹ có một trí nhớ rất tốt, cả đời nó sẽ không bao giờ quên hình ảnh Mẹ mình lảo đảo trước sắt thép của kẻ thù
                            (Mưa Đồng Tháp Mười)
                            Nhiều năm sau, những địa ngục trần gian đó vẫn là nỗi thù hận, ám ảnh mọi người:
                            Nam Hà lam chướng ăn không đủ
                            Kiệt lực theo từng ngày tháng trôi
                            Nghĩa trang tù lô nhô mộ mới
                            Một thời ngang dọc đã qua rồi

                            Sau cảnh tù đày còn được mạng
                            Là điều may mắn nhất đời ta
                            Bao nhiêu nấm mộ vùi xương trắng
                            Vất vưởng hồn oan xót ý nhà
                            (Trại tù Nam Hà)
                            Sau hơn 8 năm bị đày ải trong địa ngục trần gian mà còn được mạng sống là điều may mắn nhất cho những người tù không bản án, là niềm vui lớn nhất của mẹ:
                            Con ra tù mẹ vui mừng lắm
                            Tám năm dài mẹ khóc mẹ thương
                            (Ấm cảnh nhớ tình)
                            “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại”, hơn tám năm, bao nhiêu “thiên thu” đã mất đi, mất đi tài sức của thời trai trẻ, mất đi những tình cảm thiêng liêng không sao tìm lại được:
                            Em về, di ảnh ba yên đó
                            Tóc mẹ đầy sương, mắt thật buồn
                            (Cũng vẫn tâm lòng)
                            Được tự do, được trở về mái nhà xưa, được sống trong sự thương yêu đùm bọc của mẹ và chị, sung sướng nhưng cũng không ít xót xa cho thân phận “nam nhi” thất thế của mình:
                            Đồng lương dạy học ôi se thắc
                            Chữ nghĩa văn chương đảo ngược đời
                            Chị giảng ý lời luôn cân nhắc
                            Kiếm tiền nuôi mẹ héo tiếng cười!

                            Nuôi một thằng em sau cuộc chiến
                            Trở về tráng sĩ vóc xanh xao
                            Mâm cơm thường chỉ ăn rau luộc
                            Cà hấp dầm tương nuốt ngọt ngào…
                            (Ấm cảnh nhớ tình)
                            Chín năm sau cảnh gia đình đầm ấm xum họp ấy lại là cảnh chia ly, có nước mắt đau thương, có nụ cười gượng gạo, có cả nỗi nhớ thương dằng dặc suốt cuộc đời :
                            Mẹ cười mà rưng lệ
                            Tiễn thằng con mẹ đi
                            Níu tay ôm lấy cháu
                            Trời cắt ruột phân ly
                            (Hoa hồng trắng)
                            Ngày đi, bước tiễn em ôm chị
                            Nước mắt tuôn dòng khóc như mê
                            Cờ đỏ ngập trời cờ của quỷ
                            Em biết ra đi khó trở về…

                            Em ẵm con thơ mười tháng tuổi
                            Ân cần nhờ chị gắng lo toan
                            Cho mẹ tuổi già đang bệnh hoạn
                            Nhà cửa đơn sơ gió lộng vờn…
                            (Tết này em vẫn)
                            Bên cạnh cuộc sống yên lành ở đây vẫn là một tâm trạng bất ổn:
                            Mẹ ơi con nhớ mà con khóc
                            Nắng trải đất người con ấm thân
                            Có chút tiền dư con gửi mẹ
                            Gọi là tính cách ý luôn gần

                            Bây giờ tiếng mẹ thân thương chỉ
                            Được gọi âm thầm trong giấc mơ
                            Nhà xưa cảnh cũ tình anh chị
                            Con vẫn luôn nuôi đậm ý chờ
                            (Ấm cảnh nhớ tình)
                            Nhắc đến cha mẹ, đến gia đình ngày xưa là gợi đến nỗi đau đớn, uất hận lớn nhất đời. Còn nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau khi trong tù thì mất cha, lúc bươn chải nơi đất khách quê người thì mất mẹ:
                            Mẹ đi đến cõi vĩnh hằng xa
                            Con vẫn tình quê- nát ý nhà
                            Mất mẹ lòng con luôn ray rứt
                            Hiếu tình con lỗi đạo mẹ cha
                            (Thiêng liêng tình nhớ)
                            Cả hai lần đại tang đều vắng bóng đứa con trai út ngoan hiền mà mọi người rất thương yêu:
                            Em biết cả đời mẹ rất yêu
                            Đứa con trai út được nuông chiều
                            Nhưng mà mẹ được bao đền trả
                            Hay chỉ buồn thương trong quạnh hiu.!

                            Bây giờ đất trời xa lạ quá
                            Mẹ bỏ em về ở với ba
                            Quê nhà anh chị còn nguyên đó
                            Em khó quay về nên xót xa…
                            (Cũng vẫn tâm lòng)
                            Ngày trở về của những người xa quê hương thường là ngày Tết, về nhà để cùng với gia đình thắp nén nhang trên bàn thờ ông bà, cha mẹ, cùng vui đón mùa xuân đất trời rạng rỡ. Đau lòng cho những người vì hoàn cảnh phải đón xuân tha hương:
                            Năm nầy thêm một Tết xa quê
                            Lòng vẫn luôn mong muốn trở về
                            Chị hiểu cho em…đau xót lắm
                            Đời vẫn buồn thương nhớ não nề
                            (Tết này em vẫn)
                            Nơi đây cũng có cảnh chợ Tết như ở quê nhà:
                            Đất người, chợ Việt mừng xuân mới
                            Cũng bánh, mứt, trà, hoa cúc tươi
                            Có mấy chậu hồng, mai đơm nụ
                            Pháo tết chờ lân- ngập tiếng cười…

                            Em vẫn đi làm mà tâm động
                            Trong lòng hiện rõ cảnh chợ quê
                            Gió chướng bụi đường theo gió lộng
                            Chị ơi! Em rất muốn quay về !
                            (Tết này em vẫn)
                            Tết Việt ở đây không có nếp nhà xưa, không còn cha mẹ, không gặp anh chị, không được nghỉ Tết, Tết chỉ có trong lòng người, trong mỗi gia đình và trong nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương quay quắt của những người xa xứ.
                            Trong mái ấm hiện tại, vợ con không những gợi nên bao nhiêu kỷ niệm về mẹ và chị mà còn làm tác giả nhớ đến tuổi thơ của mình, tuổi thơ của cả dân tộc mình rồi chạnh lòng:
                            “Ngày qua tới đất hứa, con tôi đứa lớn 5 tuổi đứa nhỏ 10 tháng… Nhìn các thứ đồ chơi của các hội thiện nguyện mang tới cho… Tôi không khỏi không nhớ tới chiếc xe bằng họp cá mòi, tới em ve chai Nhị Thiên Đường hết dầu cắt giấy làm áo , tới hình tac dăng…mà thấy ngậm ngùi cho người dân nhược tiểu, sống và lớn lên trong cảnh khói đạn mịt trời...”
                            Thế hệ sinh thập niên 40 có tội tình gì mà phải chịu quá nhiều truân chuyên… Tuổi thơ tôi mất tôi biết đòi ai đây?
                            (Một thời tuổi thơ)
                            Đúng là thế hệ sinh trong thập niên 40 của thế kỉ trước gặp quá nhiều điều không may:
                            Ơi một thời chinh chiến
                            Lửa bom đạn điêu tàn
                            Tuổi của mình vừa lớn
                            Hụt hẫng bước ngỡ ngàng
                            (Êm điệu tình ru)
                            Một thế hệ lớn lên trong khói lửa không được quyền tự định đoạt tương lai mình. Thy Lan Thảo đã đại diện cho thế hệ ấy mời chúng ta xem một đoạn phim hồi tưởng từ thuở còn bé, đến lúc lớn lên đi học, thời chiến tranh đi lính, ngưng tiếng súng trở về quê đi tù và giờ đây lưu vong nơi đất khách quê người. Cuộc sống tự do, đầy đủ của ngày nay, đã được trả giá bằng những ngày bị giam cầm, lao khổ, nhục nhã. Họ đã được tự do gặp lại nhau, tự do nói, tự do bày tỏ cảm nghĩ của mình:
                            Gặp nhau niềm vui nào hơn
                            Năm xưa tay súng tay đờn bốn phương
                            Tóc anh trắng gió bụi đường
                            Mấy thằng em út dễ thương năm nào
                            Tay ôm, tay bắt, tay chào
                            Thâm tình chiến hữu ngọt ngào là đây
                            Tao phùng chếnh choáng men say
                            Trại xưa quê cũ mơ ngày gặp nhau…
                            (Gặp lại đồng đội)
                            Bạn bè lưu lạc đời xa xứ
                            Rỗi rãnh cuối tuần thăm hỏi nhau
                            Từ buổi rời xa loài giặc dữ
                            Thương quê, nhớ nước ngậm ngùi đau…
                            (Tâm lòng ao ước)
                            Rồi lại cùng ngậm ngùi tiếc cho những hoài bão thời trẻ trung của mình:
                            Tuổi quá năm mươi còn lưu lạc
                            Bạn buồn ta có được vui đâu
                            Vẫn nhớ tháng tư đầy nước mắt
                            Trời Nam tan tác ngập thương đau...!

                            Đất người khanh tướng còn đâu nữa
                            Ứa tủi ngậm ngùi tiếc nắng xuân
                            Tháng tư gió ngược trời đen tối
                            Thương nắng xuân kia sớm tắt tàn...
                            (Chút tình chiến hữu)
                            Tuổi đời không còn trẻ, ước vọng ngày xuân cũng tàn phai, họ gặp nhau vì chung một tâm lòng cùng hoài vọng về quê hương, đất nước:
                            Mười mấy năm đất lạ gặp lại anh
                            Kỷ niệm nào hơn kỷ niệm lao lung
                            Nhắc để nhớ ...đừng quên mình vong quốc
                            Tôi quý anh - một tấm lòng chân thật
                            (Viết nhớ bạn tù)
                            Cùng nhớ lại những ngày ở địa ngục trần gian, cùng đau đớn xót thương cho những người bị kiệt sức chôn vùi xác thân trong các trại cải tạo:
                            Đất người ta nhớ Nam Hà lắm
                            Địa ngục trần gian có thật sao?
                            Giặc chiếm miền Nam từ đất Bắc
                            Toàn dân phải chịu cảnh ba đào...
                            (Trại tù Nam Hà)
                            Chuyện buồn vui làm sao kể xiết
                            Đất tạm dung lặng lẽ nỗi sầu
                            Nấm mồ hoang bạn bè đã chết
                            Ai đốt nhang cho bạn năm nào??!
                            (Bài thơ gởi anh)
                            Bạn ta chết tức nghẹn ngào
                            Quan tài trống vách, huyệt đào lưng vơi
                            Một vài gịọt nước mắt rơi
                            Bạn tù chung kiếp khóc đời biệt ly
                            (Duyên dáng ngọt đời)
                            Kể từ lúc tháng tư cờ thay hướng
                            Bằng hữu anh - bao oan hồn vất vưởng
                            Kiệt sức vùi nông - nấm mộ rừng hoang
                            Người sống dật dờ cay đắng nuốt thở than
                            (Viết nhớ bạn tù)
                            Nhớ cả những người ra đi chưa hề đến được bến bờ tự do:
                            Em một mình ra biển
                            Sóng tâm động bất thường
                            Bước lìa quê dịu viễn
                            Mưa nát bờ sông Tương. !

                            Ta được tin tàu chìm
                            Trước tin em ra đi
                            Cả bầu trời sẫm tím
                            Ta biết nói câu gì !?
                            (Giấc em – Sóng biển)
                            Và nhớ lại những cuộc tình không trọn vì cảnh tù đày:
                            Ta hiểu tình xưa như áng mây
                            Gió lên dù nhẹ vẫn lung lay
                            Ta thân tù tội thì năm tháng
                            Nắng nhạt em ơi ! Có một ngày…
                            (Bến xưa hờ hững)
                            Ao ước vẫn tràn đêm thật sâu
                            Chữ chung, chữ thủy nhớ mà đau
                            Người tù bản án còn không có
                            Thì nghĩa ân làm sao có nhau…!
                            (Bến xưa hờ hững)
                            Thương sao một thế hệ phải gánh chịu quá nhiều nỗi oan khiên!
                            Cũng có những người may mắn vượt qua vòng khói lửa chiến tranh, sống sót qua cảnh khổ sai tàn nhẫn, đến miền đất hứa bồi hồi nhớ lại:
                            Qua rồi một thuở xa xôi
                            Bụi đường gió cuốn rã rời xác thân
                            Ở đây nắng ấm ân cần
                            Tan rồi bóng tối- đường dần phẳng phiu
                            Đất người bỗng nhớ trăm điều
                            Thuở mình mới gặp, tiếng yêu ngọt ngào
                            Lá hoa vườn cũng xuyến xao
                            Quên làm sao được hương đào ngất ngây
                            (Tình yêu)
                            Một chút gì tốt đẹp bù đắp cho những đau thương mất mát đã qua. Còn những sinh mạng, những cuộc đời, những tài sản phi vật thể đã mất đi lấy gì bù đắp được? Nhưng đáng quý nhất là trong hoàn cảnh nào Thy Lan Thảo vẫn không để mất niềm tin.
                            Những lúc ở địa ngục trần gian:
                            Hoang thú kiềm thân cảnh đọa đày
                            Vẫn tin hoa nở đẹp ngày mai
                            Em thơ chắc sẽ cười tươi lắm
                            Xuân muộn trong mơ sẽ có ngày ...
                            (Thay đổi)
                            Và khi “tha hương ngộ cố tri”:
                            Trời quang tạnh, lạnh buồn xa xứ
                            Đếm tuổi đời, đáo tuế hết trơn
                            Bao giờ về Gò Công gặp gỡ
                            Nắng đẹp, tình quê …xóa oán hờn.!
                            (Tâm lòng ao ước)
                            Nơi đây chỉ là đất tạm dung thôi, nơi để nuôi dưỡng giấc mơ trở về cố hương:
                            Sao vẫn hoài mơ tiếng vó câu
                            Áo chàng kỵ sĩ bến giang đầu
                            Tiến quân chặt đứt tung xiềng xích
                            Dựng lại cờ xưa ấm ngọt ngào…
                            (Lững thững lưng đồi)
                            Một hình ảnh đẹp như mơ mà mọi người cùng ao ước được nhìn thấy trên quê hương mình.
                            Cảm ơn Thy Lan Thảo - một chứng nhân lịch sử của thế hệ sinh trong thập niên 40 - đã sử dụng thơ văn để kể cho chúng ta biết một giai đoạn lịch sử hào hùng và bi tráng của dân tộc.
                            Ai trong chúng ta lại không có lần nhớ về quá khứ, không có những lần nhắc lại những kỉ niệm của thời đã qua. Có những kỉ niệm vui vẻ, ngọt ngào nhưng cũng không ít kỉ niệm khơi gợi lại những đau thương, đắng cay, đeo đẳng suốt đời. Năm tháng trôi qua, những vết thương trên thân thể đã lành lặn và để lại những vết sẹo xấu xí nhưng những vết thương lòng, những lời nói sỉ nhục, xúc phạm, thù hận vẫn còn mãi hành hạ nhức nhối tâm can chúng ta:
                            “Thiên trường địa cửu hữu thời tận
                            Thử hận miên miên vô tuyệt kỳ”
                            (Cổ thi – Trung Quốc)
                            Cảm nghĩ, xúc động là điều tự nhiên đến với mỗi con người nhưng với nghệ sĩ lại là nguồn cảm hứng sáng tác. Chúng ta không thể nào bảo nhà thơ hãy quên đi hay nhớ lại những kỷ niệm của mình. Thy Lan Thảo cứ tự nhiên nhớ lại những niềm vui nỗi buồn trong đời, tự nhiên sống theo nguyện vọng của anh. Chúng tôi mừng là sau bao nhiêu biến đổi thăng trầm của thế sự, anh vẫn là một Thy Lan Thảo của thuở nào. Mong rằng sau “Vết hằn kỷ niệm” sự nghiệp văn thơ của Thy Lan Thảo sẽ còn tiếp nối mãi mãi và hãy gởi gắm những cảm xúc chân thành đó vào lời văn, ý thơ. Chúng tôi sẽ hân hoan đón nhận tình cảm của người con xa xứ có tâm lòng luôn luôn hướng về quê hương Việt Nam.

                            Con đi dưới lá cờ sao máu
                            Rờn rợn lòng con, nhục Mẹ ơi...

                            Comment

                            • #29

                              Đọc Vết Hằn Kỷ Niệm.



                              Tôi viết những dòng nầy như một lời cám ơn tác giả Tập Thơ VẾT HẰN KỶ NIỆM- Nhà Thơ Thy Lan Thảo: Một người anh trong tình đồng hương, trong nghĩa văn nghệ.
                              Tập thơ xuất bản năm 2009. Anh đã dàn trải trong gần 60 bài thơ và 6 bài bút ký: Tình yêu Tổ quốc. Tình chiến hữu năm xưa. Tình gia đình. Tình trong kỷ niệm ngọt ngào với người yêu thời áo trắng. Qua nhiều thể loại:Thơ ngũ ngôn, thất ngôn, thất ngôn tứ tuyệt, lục bát, thơ 8 chữ, thơ tự do, v.v…Anh viết:

                              Với Mẹ:
                              Ngay ở những trang đầu – bài thơ thứ nhất – Đây hình ảnh một mái ấm gia đình thân thương, trìu mến:
                              Rau dền mẹ nấu canh tôm,
                              Dĩa dưa mắm trộn chiều hôm tối rồi.
                              (Nỗi nhớ mang mang).
                              Ôi! Thức ăn dân dã mà ngon tuyệt! Bạn thử tưởng tượng đi. Nếu chiều hôm đó là một buổi chiều Thu. Mưa rơi lất phất bên ngoài. Cái lạnh khẽ khàng len vào căn nhà nhỏ ấy. Chắc là tình nồng ấm biết bao! Thế nhưng, vì đất nước chiến tranh, anh phải lìa xa mẹ:
                              Rồi một ngày mẹ tiễn con đi,
                              Nhẹ bước tùng chinh, mẹ nghĩ gì
                              Thằng nhỏ gửi thân đời sương gió,
                              Làm trai phải xứng chữ tu mi.

                              Mấy năm đây đó xuôi ngược chiến trường xa, chưa hề dám nghĩ có tháng ngày sống vui bên mẹ thì thời gian biến chuyển, đất nước đi vào cơn quốc nạn. Anh gặp mẹ thường hơn. Mà gặp trong không gian vời vợi khổ đau với hình ảnh người mẹ già đi thăm nuôi người tù:
                              Hai tay đầy giỏ xách,
                              Bên hàng rào kẽm gai,
                              Giữa cuộc đời thử thách,
                              Buồn lắng sâu thật dài

                              Ngày trở về bên mẹ từ địa ngục trần gian tưởng đâu mãi mãi còn ở gần bên gối mẹ. Nào ngờ một lần nữa người phải khóc sinh ly:
                              Mẹ cười mà rưng lệ,
                              Tiễn thằng con mẹ đi,
                              Níu tay ôm lấy cháu,
                              Trời cắt ruột phân ly.

                              Còn chính anh:
                              Con đi trong cõi lòng tan nát,
                              Mắt mẹ hình như muốn nói gì,
                              Con biết trong lòng người muối xát,
                              Thâm tình chia cách buổi ra đi…!

                              Hôm nay,…
                              Đất tạm dung . Mười năm nhớ thương,
                              Mẹ già vị ngọt chuối ba hương,
                              Ra đi không phải sang sông Dịch,
                              Mà ý về thăm ngược bước đường.

                              Ai đã lìa xa mẹ và vĩnh viễn xa, mới cảm thông được nỗi đau lòng của nhà thơ Thy Lan Thảo. Năm này qua năm khác, anh thưa với mẹ rằng:
                              Mẹ ơi! Con vẫn chưa về được,
                              Mẹ sống an bình - gắng đợi con,
                              Con về là lúc toàn dân Việt,
                              Không còn tiếng uất - núi sông hờn…

                              Ngày mai , làm sao mà biết được? Mẹ anh xa thật rồi. Đọc dòng tâm sự của anh, lòng tôi buồn rũ rượi:
                              Thế là mãi mãi anh không gặp. Chỉ còn những lần găp mẹ trong mơ:
                              Mẹ ơi! Nửa giấc đêm về sáng,
                              Con khóc âm thầm ướt má môi,
                              Bóng mẹ hiện về trong yên lặng,
                              Rồi biến tan dần trong xa xôi!
                              Và :
                              “ Nhưng mẹ ơi! Buổi chiều nào trời mưa, đi làm về, con đứng tựa cửa kiếng nhìn ra sân…Mắt con mờ dần.”
                              Tôi thấy tôi trong hình ảnh đó!

                              Ôi ! Có biết bao người con trai thời chinh chiến đã lìa xa mẹ từ tuổi thanh niên để bước vào đời lính. Rồi xa hơn trong năm tháng lao tù. Cuối cùng, mẹ qua đời vẫn không được nhìn thấy mặt.Vì không gian chia cắt cả nửa vòng trái đất xa xăm. Đó là Vết Hằn Kỷ Niệm! Rất sâu và rất đau!
                              Bây giờ con mất mẹ,
                              Mất đôi mắt nhân từ,
                              Nhớ một thời tuổi trẻ,
                              Nhớ nhục nhằn tháng tư.
                              Tận đáy lòng những người con thời ly loạn muốn khóc trong đắng cay: Mẹ ơi! Con tìm mẹ ở đâu?

                              Với Chị:
                              Những người chị anh nhớ nhiều trong năm tháng lao động khổ sai với nỗi nhọc nhằn và tủi nhục:
                              Lững thững trên đồi em đốn củi,
                              Thân tù tủi nhục lắm chị ơi,
                              Nhớ thương cha mẹ, thương anh chị,
                              Vận nước điêu linh nát ý đời…!

                              Vận nước điêu linh nên tình nhà trắc trở, chia xa. Một lần chia xa biết là vô hạn định. Chỉ có mối dây sầu thương ruột thịt nhớ về nhau từ hai nửa địa cầu:
                              Ngày đi, bước tiễn em ôm chị,
                              Nước mắt tuôn dòng khóc như mê,
                              Cờ đỏ ngập trời cờ của quỷ,
                              Em biết ra đi khó trở về…

                              Với Vợ:
                              Chỉ những câu thơ lục bát thôi cũng đủ gói trọn nghĩa đá vàng của một nhà thơ:
                              Đếm thời gian tóc điểm sương
                              Năm mươi tuổi lẻ, dặm đường còn xa,
                              Nhớ ngày hôn lễ nét hoa,
                              Tâm lòng chia xẻ đậm đà trao thân,
                              Đá vàng tình nghĩa ân cần,
                              Chữ yêu thương đượm duyên phần bên nhau,
                              Dấu thời gian ý ngọt ngào….

                              Với chiến hữu, bạn tù, bạn bè năm xưa:
                              Anh nhớ lại:
                              Một thuở bèo mây đời tan tác,
                              Đành chịu thân hèn sống lất lây,
                              Giặc chuyển tù trại nầy, trại khác,
                              Chiến hữu thân ma sống đọa đày.

                              Giờ đây gặp nhau nơi quê người xứ lạ:
                              Anh ra khỏi tù là người sau cuối,
                              Mười mấy năm đất lạ gặp lại anh,
                              Kỷ niệm nào hơn kỷ niệm lao lung…
                              Anh càng nhớ về những bạn bè xưa còn ở lại quê nhà. Đất Gò Công dấu yêu:

                              Trời quang tạnh, lạnh buồn xa xứ,
                              Đếm tuổi đời đáo tuế hết trơn,
                              Bao giờ về Gò Công gặp gỡ,
                              Nắng đẹp, tình quê…xóa oán hờn…!

                              Nói với người yêu trong thơ:
                              Có thể nói tình yêu đẹp rộn ràng là tình yêu nam nữ. Mà nam nữ thời kỳ chiến tranh càng có những trăn trở nhiều hơn, nhớ thương mãnh liệt hơn:
                              Ta nắm tay dìu em bước đi,
                              Rải đường hoa phượng thắm mùa thi,
                              Giàu saut bên áo Văn Khoa trắng,
                              Mắt chớp- Kìa em nghĩ ngợi gì?
                              ( Áo Trắng Tình Xưa).

                              Thương yêu thế mà chia ly, song anh còn hứa hẹn:
                              Anh sẽ về trong mùa hoa phượng,
                              Cờ vàng đượm thắm sắc hương xưa,
                              Xin một lần dìu em đến lớp,
                              Tìm chút mùa Xuân giữa nắng hè.
                              ( Mùa phượng ta về)

                              Rồi một ngày chàng lính trẻ trở lại Sài Gòn, tất cả đã thành quá khứ rồi sao?
                              Sài Gòn ta trở lại,
                              Kỷ niệm cũ đong đầy,
                              Ly rượu tràn trước mặt,
                              Ta uống đời đắng cay.

                              Cũng từ ngày đó, oan trái trong tình yêu chất chồng:
                              Ai đếm giùm ta bao tháng Hạ,
                              Từ ngày rực lửa tháng tư đen,
                              Xác hoa phượng thắm bên cờ máu,
                              U uất đời trai trong mắt em.
                              ( Mùa phượng ta về)


                              Anh nói với người đã một thời yêu:
                              Ao ước vẫn tràn đêm thật sâu,
                              Chữ chung, chữ thủy nhớ mà đau,
                              Người tù bản án còn không có,
                              Thì nghĩa ân làm sao có nhau…!

                              Dù vậy, không một lời than oán, vẫn một niềm thương nỗi nhớ anh an ủi người tình:
                              Em ạ!Tình không trọn ý chung,
                              Trách anh hay trách một dòng sông?
                              Hình như trong chuyện tình chia cách,
                              Vẫn có buồn chung – ý của lòng.

                              Anh nào dễ quên đâu! Vẫn muốn trải lòng qua những dòng thơ , ý nhớ:
                              Không thương sao giấc đêm về sáng,
                              Mơ thấy cùng em bước dạo vườn,
                              Tay ấm trong tay- tình lãng mạn,
                              Môi hồng em nở nụ yêu thương…

                              Và bây giờ …Chúng ta hãy xem nhà thơ lính nghĩ gì ?
                              Những ngày tù…
                              Thân xác ta đày với tháng năm,
                              Siết vòng tay lạnh nuốt hờn căm,
                              Xích xiềng không thể giam mơ ước,
                              Xây một niềm tin trong tối tăm.
                              (Thay đổi)
                              Anh là vậy đó: Một người lính. Một nhà thơ. Dù giữa ngục tù ý chí vẫn kiên cường, tinh thần vẫn bất khuất.
                              Hoang thú kềm thân cảnh đọa đày,
                              Vẫn tin hoa nở đẹp ngày mai,
                              Em thơ chắc sẽ cười tươi lắm,
                              Xuân mới trong mơ sẽ có ngày.
                              ( Thay đổi).
                              Có một quãng đời không làm sao quên được cho dù đến ngày nhắm mắt xuôi tay. Có một nơi mà tất cả bạn bè anh trong bước sa cơ đều trãi nghiệm.
                              Nơi mà:
                              Đoàn người quần áo te tua vá,
                              Thân ốm còm nhom mắt hốc sâu,
                              Một thời tuấn kiệt phương Nam đã,
                              Thất trận đành ôm hận nhục đau.

                              Anh kể;
                              Bạn bè chiến hữu xanh xao lắm,
                              Mắt vẫn mơ màng chuyện thủy chung,
                              Gió sương chiến trận còn in đậm,
                              Ngã ngựa mà tâm ý vẫn hùng…

                              Chuyện rất đau lòng:
                              Nam Hà lam chướng ăn không đủ,
                              Kiệt lực theo từng ngày tháng trôi,
                              Nghĩa trang tù lô nhô mộ mới,
                              Một thời ngang dọc đã qua rồi.

                              Nơi xứ người tan tác, chút tình chiến hữu làm sống lại những lao nhục năm nào. Những kỷ niệm đắng cay còn đó. Mãi mãi còn đó! Làm gì quên được tháng Tư? Làm sao quên được chuỗi ngày sống kiếp đọa đày.
                              Cho nên,
                              Trong phone bạn kể đời oan nhục,
                              Tiếng vẫn âm vang rõ giọng buồn,
                              Hăm mấy năm trời còn đau tức,
                              Một thời tuổi trẻ gió mưa sương.
                              ….
                              Bạn cười từ giã nghe như nấc,
                              Ta cúp phone - ray rứt tận lòng.

                              Tôi nghĩ rằng:
                              Thơ anh Thy Lan Thảo – người Gò Công- không chỉ viết cho người Gò Công đọc. Nhưng thơ dành cho bạn thơ, bạn đọc. Riêng dành cho những cuộc đời đã hiến dâng tuổi trẻ để gìn giữ quê hương. Dành cho những cảnh đời đã nếm biết “ nhất nhật tại tù” ở những nơi được xem như chín tầng địa ngục. Dành dâng cho những Bà Mẹ từng bước nhục nhằn theo chân những người con ưu tú của Tổ Quốc khi đã xa một quá khứ hào hùng. Dành cho những người vợ thủy chung. Cho những người yêu là em gái hậu phương mà bóng hình xưa không thể xóa nhòa trong trí nhớ…Cho tất cả…

                              Gấp tập thơ lại tôi còn nghe thấp thoáng đâu như Vết Hằn Kỷ Niệm của chính cuộc đời mình!
                              Miền Đông Bắc Mỹ đầu Xuân 2010

                              Hoàng Yến
                              Con đi dưới lá cờ sao máu
                              Rờn rợn lòng con, nhục Mẹ ơi...

                              Comment

                              • #30

                                ẤM ÁP BƯỚC ĐỜI
                                *


                                -Nguyễn Minh Huệ ( ĐĐ201CTCT):Tôi ghi lại cảm xúc của mình khi đọc đến đoạn thơ” Mẹ Hiểu Lòng Con” S. có tin không, khi đọc đến đoạn đó, tôi chảy nước mắt, ít ra cũng còn có những người như KS, vẫn còn ray rứt lúc “ Minh Thệ”khi nhập quốc tịch Mỹ. Vì cuộc sống,vì muốn tồn tại trên đất nước người, đành phải như vậy thôi.Tôi không rành về nhạc, nhưng dạo sau nầy, tôi thích đem thơ ra phổ nhạc để tự mình ca chơi, tự biên tự diễn., vậy mà còn một năm nữa bước vào tuổi 70 nên anh em đừng cười cho cái giọng của tôi nhé.Bài thơ đó của KS, tôi ghi thành lời nhạc mang tên” Quê hương chữ S vẫn ngọt ngào” ( email ngày 19-7-09)
                                -Trần Ngọc Nguyên( Nguyên quận trưởng quận Gò Công, tỉnh Định Tường năm 1962-1963)) : Thơ chú làm thật nhẹ nhàng, giản dị và rất có hồn, thể văn đã hay mà tình ý thật đậm đà, đọc lên là thấy rõ bài thơ như một bức hình trước mắt. Tôi rất cám ơn chú và khen ngợi tài làm thơ của chú.Trông hình chú tôi không nghĩ chú là một nhà thơ chút nào!
                                ( Thư ngày 17-8-09 )
                                - -Cám ơn anh TLT thiệt nhiều. Thỉnh thoảng tui vẫn được đọc những vần thơ hay, u uẩn những nỗi buồn man mác của một thời cung kiếm của anh TLT trong các tờ báo nơi tôi đang sinh sống.
                                Những dòng thơ nhẹ nhàng, làm lòng người luôn nhớ lại, nhắc mọi người về một thời đã qua, những gì còn đọng lại trong tâm hồn của những người từng một thời binh lửa để giữ từng mái nhà, từng ngôi trường, mỗi con đường làng, mỗi cây cầu nhỏ ... được bình yên - Dù là cái bình yên tạm bợ của thời chiến. Và chắc chắn rằng, trong nơi chốn tạm được gọi là bình yên thuở đó, có chú bé học trò bé nhỏ là tui ...trong đó ...Xin cảm ơn anh về những gì thế hệ của anh-chú đã làm trong những ngày quá khứ. Và cũng xin cảm ơn anh về những bài thơ mà anh đang làm cho hôm nay, và mai sau để cuộc sống này thêm đậm sắc màu vui buồn trong đó

                                Thư của PDK trong trang www.quangngai.net ngày 23-8-09)
                                -Nguyễn Hùng Sơn ( CA) :Cám ơn anh Đức và tác giả Thủy Lan Vy đã cho đọc bài viết hay, thật thú vị về GòCông . Thủy Lan Vy, có phải là anh Nguyễn S không anh Đức? Anh S có trí nhớ rất tốt, rất nhiều về GòCông. Khâm phuc! Chắc chắn anh là người đã từng sống ở GòCông trong một thời gian dài và rất tha thiết . Tên các nhân vật, nơi chốn và các thương hiệu ... gợi nhớ rất nhiều về thời thơ ấu ở thành phố nhỏ vùng Tiền Giang mến yêu này ( email ngày 9-10-09)
                                -Vương Hoa ( Houston) Đọc “ Một thời tuổi thơ” Làm chị không khỏi nhớ Gò công thân thương ( Thư ngày 15-10-09)
                                - Hồ Trường An( Pháp): Thơ của TLT không có vóc dáng riêng biệt, nhưng vẫn là loại thơ đẹp. Nó khá đơn giản, không cầu kỳ, không chuốc lục tô hồng quá đáng.Tuy nhiên nó không quá bộc trực đến độ thô tháp cục mịch, vụng về.Tác giả vẫn có cái tinh xảo riêng để làm cho vóc thơ óng ả như lụa và sáng dịu như trăng để đi thẳng vào tâm hồn và trái tim người đọc bằng những rung động êm ái, bằng những thoáng bâng khuâng dịu dàng..( Trong Lai Láng Dòng Phù Sa)
                                - Nguyễn văn Hoài ( Houston) Vết hằn Kỷ Niệm của nhà thơ TLT càng đọc càng gợi nhớ con khô cá kèo Gò Công với lại tô canh chua bông so đũa, tuy đạm bạc nhưng rất ấm lòng. ( thư ngày 19-10-09)
                                -Nguyên Nhung: (Houston)
                                Thơ Thy Lan Thảo mộc mạc, chân thật, như kể chuyện thì qua lĩnh vực Văn, anh cũng viết y như thế, nghĩa là cũng lại kể chuyện. Trong thơ thì phải gò bó bởi vần điệu, luật bằng trắc nhịp nhàng thì mới là thơ, nhưng cũng vì thế mà không kể hết được mọi diễn tiến hay những gì xảy ra, do đó những câu chuyện ngắn của anh cũng được mọi người đón đọc, nhất là những người bạn lính, bạn tù, những đồng hương Gò Công nghe anh kể chuyện ngày xưa.
                                Tác giả có một trí nhớ khá tốt về những dữ kiện, địa danh, tên tuổi cuả nhiều nơi, nhiều người mà anh biết, vì thế không thể xem truyện cuả Thy Lan Thảo là loại tiểu thuyết hư cấu, mà là sự thật trong cuộc đời anh. ( Trong bài giới thiệu trên Đài phát Thanh Sài Gòn- Houston ngày 18-10-09)
                                -Phước ( FL) Anh Bảy ơi, em đọc Vết Hằn Kỷ Niệm thích quá ,kỳ nầy có phần văn xuôi, anh viết thật hay, vì nó tả chân (rất chân thật) cuộc đời và kỷ niệm của chính anh vậy. Đọc xong những câu chuyện em cũng cảm thấy như mình được thấy những cảnh thật đã xảy ra cho anh Bảy trước mắt em vậy. Những hình ảnh quê hương, những vết hằn, những kỷ niệm quá sâu, không thể nào quên được, phải không anh Bảy.( Email ngày 30-10-09)
                                -Vương Văn Thạch ( Atlanta) Thi tập nầy quá xúc tích, nhất là những bút ký của bạn đã đưa mình trở về những vùng kỷ niệm xa xưa như “ Cá Kèo” “Cây me’…
                                Trong thơ bạn luôn phảng phất những hình ảnh của thời chinh chiến cũ, niềm uất hận nghẹn trào của ngày buông súng và nhất là đưa người đọc trở về với thâm tình, với cha mẹ, với anh em( Thư ngày 25 tháng 10- 09)
                                _ Võ Đức Trung ( France):Vợ tôi ( Nguyệt Urago) vừa đọc xong mấy trang bút ký của S.về Gò Công, vừa vui vừa buồn lẫn lộn vì những hình ảnh và những người xưa lại hiện về trong ngậm ngùi thương nhớ.Nhà tôi gửi lời thăm gia đình S.và thành thật cám ơn S.về những giây phút hoài niệm quí hiếm nầy ( Thư ngày 31-10-2009)
                                -Trần văn Đạt ( Ca)- Xin cảm ơn anh đã gởi cho món ăn tinh thần. Dù chưa đọc hết (mới hơnnửa quyển), tôi cảm thấy thơ nhẹ nhàng và hay, và xuyên qua đó cũng biết đến phần nào tấm lòng của một người con nhớ Mẹ, một cựu quân nhân thất vọng với chính mình và vài nỗi nhớ mong lung về người xa xưa...( Email ngày 20-11-09 )
                                –Loan Lê ( VA): Chị vui mừng vì Gòcông mình có được một nhà thơ như em, làm thơ dễ dàng như nói chuyện, tự nhiên mà xúc tích. Thơ em viết đầy ấp tình yêu, gắn bó với quê hương, dân tộc; càng nồng nàn hơn với đất Gòcông thân yêu của chúng ta, nhất là tình yêu mẹ già, tình yêu các chị, tình yêu đồng đội và cả tình yêu của lứa tuổi mộng mơ. Đọc thơ em bên cạnh một cốc trà ấm, lòng mình cảm thấy nhẹ nhàng như được trở về với quê hương, và ruộng lúa ( Email ngày 22-11-09)
                                -Parker Le ( SanJose).Cám ơn nhiều lắm, cứ đọc thơ TLT là nhớ lại quê hương Gò Công quá đi thôi.Đặc là các món ăn nhà nghèo, nào bông so đũa, cá kho tiêu, kho mắm, cộng thêm rổ rau nào là bông súng, giá rau thơm, làm cho người thèm và đói bụng luôn đó.TLT ơi! Còn đọc qua tình mẹ, tình chị, thố lộ tâm tư hết sức là thảo kínhcủa người con trai út.Thương quá là thương đi ông ơi!( Thư ngày 1-12-09)
                                -Hứa Hồng Huê (CA) :Thơ văn lúc nào cũng phóng khoáng, ôm ấp những tình ý của quê hương, của tình người và riêng lẻ là tình chiến hữu không lúc nào thiếu vắng trong thơ em. ( Thư ngày 4-12-09)
                                -Tuấn Phạm- Quỳnh Nga( Sugerland)Lòng tôi bàng bạc trang trải theo ý thơ anh viết trong các bài: Sương Ban Mai, Gợi Nhớ,Thơ Buồn Anh Viết Gửi Hư Không, Một Chút Ngày Xưa…Thơ Anh đã gợi lại trong tôi với đôi ba hình bóng đã đi qua đời mình với biết bao kỷ niệm thương nhớ, khổ đau, buồn tiếc…Phải chăng đây đó trong tôi cũng là “ Vết Hằn Kỷ Niệm” ( Thư ngày 8-12-09)
                                -Dzung Đồng Sơn:Em dùng từ vừa gọn vừa hay, dễ dàng nhưng súc tích. Chị mến mộ em lắm ( Email ngày 24-4-2010)
                                -Hoàng Yến ( Nhà thơ): Thơ anh Thy Lan Thảo – người Gò Công- không chỉ viết cho người Gò Công đọc. Nhưng thơ dành cho bạn thơ, bạn đọc. Riêng dành cho những cuộc đời đã hiến dâng tuổi trẻ để gìn giữ quê hương. Dành cho những cảnh đời đã nếm biết “ nhất nhật tại tù” ở những nơi được xem như chín tầng địa ngục. Dành dâng cho những Bà Mẹ từng bước nhục nhằn theo chân những người con ưu tú của Tổ Quốc khi đã xa một quá khứ hào hùng. Dành cho những người vợ thủy chung. Cho những người yêu là em gái hậu phương mà bóng hình xưa không thể xóa nhòa trong trí nhớ…Cho tất cả… ( Trong bài " Đọc Vết Hằn Kỷ Niệm")

                                - Nguyễn thị Hoàng Chi( Fremont) : Bài thơ nào cũng đầy tình nghĩa và ray rứt. Bài" Lục Bát Gia Đình" rất dễ thương, bài thơ tuy ngắn nhưng tình cảm anh dành cho vợ, cho con thật đằm thắm biết bao nhiêu, hạnh phúc lắm.
                                - Link Thơ Thylanthảo nói lên tâm hồn u uẩn của một chiến sĩ đã hy sinh một phần của cuộc đời mình để không được gì cả chỉ vì thời cuộc oái oăm đã buộc anh cũng như bao nhiêu chiến sĩ đồng ngũ khác phải chịu bao nhiêu thiệt thòi, bao nhiêu cay đắng thương đau. Thơ anh còn nói lên một nhung nhớ, một tiếc nuối những ngày vui khi tình yêu đã đến với anh để rồi nhận thức rằng bây giờ tất cả chỉ còn là dĩ vãng.
                                Tôi thích đọc thơ anh vì nó nói lên nỗi buồn trong lòng, vì tôi cũng như anh có nhiều tiếc nuối.....




                                Con đi dưới lá cờ sao máu
                                Rờn rợn lòng con, nhục Mẹ ơi...

                                Comment

                                Working...
                                X
                                Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom