• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

VÀI DÒNG CẢM NGHĨ Khi đọc : Quê Hương ngày trở lại của Lê Mỹ Hân

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • VÀI DÒNG CẢM NGHĨ Khi đọc : Quê Hương ngày trở lại của Lê Mỹ Hân

    VÀI DÒNG CẢM NGHĨ

    Khi đọc : Quê Hương ngày trở lại của Lê Mỹ Hân
    Nguyễn Kim Bình

    Đã có nhiều người Việt xa xứ trở về thăm lại quê hương. Và cũng đã có nhiều bài viết ghi lại những điều mắt thấy tai nghe, những cảm nghĩ, những hoài niệm, những ước ao từ những chuyến viếng thăm này. Một quyển sách khá nổi tiếng “40 năm quê nhà trở lại” của tác giả Phan Lạc Tiếp là một thí dụ. Tuy nhiên các câu chuyện trở về quê cũ ở miền Bắc Việt Nam của những người được sinh ra, lớn lên tại miền Bắc xã hội chũ nghĩa, và hiện sinh sống tại nước ngoài, nay trở về thăm lại quê cũ, có rất ít. Nếu có, chắc cũng không ghi lại tỉ mỉ thật nhiều chi tiết về những đổi thay, cả khung cảnh đất trời lẫn tâm trạng của người trở về cũng như người còn ở lại. Hay đã xót xa khơi lại được nhiều kỷ niệm vui buồn thời thơ ấu ở nơi quê hương nay đã xa xôi đó. Theo tôi, nếu có, cũng không gây được nhiều ấn tượng đến với độc giả như ký sự QUÊ HƯƠNG NGÀY TRỞ LẠI của tác giả Lê Mỹ Hân.
    Hơn một năm trước khi quyển ký sự này được xuất bản, tôi đã tình cờ đọc ký sự này trên mạng internet, được ghi nhận là có khá nhiều người theo dõi. Tôi đã đọc với nhiều ngạc nhiên và thích thú. Qua ký sự này, tôi biết được rất nhiều điều mới lạ về văn hóa, xã hội, tình cảm con người, mà từ lâu vẫn ước ao tìm hiểu. Của một vùng đất cùng trên quê hương Việt Nam mà như ở một miền xa xôi tận cùng quả đất.
    Giọng văn kể chuyện của Lê Mỹ Hân thật thu hút, thẳng thừng, không màu mè, không điệu đàn kiểu cách. Dù nói về quê hương thân yêu nơi mình đã lớn lên, mà theo lẽ tự nhiên mọi người thường chỉ muốn nói hay, nói đẹp. Hay dù đã được đào tạo trong một nền giáo dục phục vụ chính trị, dựa nhiều trên gian dối, chủ trương lúc nào cũng tung hô ca ngợi cái gì “của ta” đều tốt đều hay, tác giả cũng đã thẳng thắn và trung thực nói lên cảm tưởng của mình về nhiều chuyện được chứng kiến, khám phá ra, tìm gặp lại, trong một lần về thăm quê nhà. Không có kiểu “xấu che tốt khoe”, thiên lệch, ca tụng quá mức, xa rời sự thật về các vấn đề xã hội (và qua đó, chính trị) mà chúng ta thường thấy từ một số người viết, đã trưởng thành và được giáo dục, ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
    Hoàn cảnh đặc biệt của chính mình (lớn lên ở miền Bắc, vào Nam sinh sống một thời gian khi mới trưởng thành, sau đó ra nước ngoài) đã giúp tác giả có được một cái nhìn khá bao quát, tường tận và chính xác cho nhiều vấn đề, thuộc nhiều lãnh vực, qua nhiều góc độ khác nhau. Và thường khi rất bất ngờ lẫn thú vị. Lẽ ra chuyến về thăm lại quê hương, thăm người thân, bạn cũ, phải là một chuyến đi chỉ có đầy ấp kỷ niệm ngọt ngào, hạnh phúc. Thế nhưng, thực tế cũng mang đến nhiều hình ảnh, nhiều đối diện, thật ngỡ ngàng, chua xót, đau lòng. Có những giòng chữ làm người đọc xót xa cho cuộc sống thật lam lũ, tương lai thật mịt mù, của nhiều người dân của quê hương tác giả, một vùng sơn cước miền Bắc. Chẳng riêng nơi này, mà cả nhiều nơi ở miền Bắc nói chung, qua tác giả, cũng không tươi đẹp gì hơn.
    Tác giả đã mô tả về thực trạng của quê hương mình: “Tôi cũng không hiểu thuốc phiện có gì quyến rũ mà dân lành quê tôi cứ lao đầu vào nghiện ngập. Lúc tôi còn ở quê, mọi người sống lương thiện, hiền hòa, đùm bọc thương yêu nhau như ruột thịt. Chỉ có mười mấy năm thôi… vậy mà nạn ma túy, nạn sida, nạn đề đóm đã tàn phá quê hương tôi tanh bành, gia đình ly tán, lớp chết, lớp ngắc ngoải chờ chết, lớp rủ nhau lũ lượt vào tù, lớp ở ngoài thì nghèo xơ xác.” Những kỷ niệm khá êm đẹp thời đi học, nay chỉ còn là quá khứ thân thương thật xa vời. Khi tác giả thăm lại bạn cũ thời trung học thì “kẻ còn người mất, kẻ trong vòng tù tội, kẻ sống khổ cực trong những cuộc hôn nhân không hạnh phúc.”
    Bên cạnh những chuyện khá thương tâm của những mảnh đời bất hạnh, độc giả cũng bất ngờ lắng hồn mình đọc được các giòng chữ ghi lại những phút giây êm ái, nhẹ nhàng, nhưng không kém thiết tha, trìu mến của những mối tình thời học trò thơ mộng. Cái thời hoa bướm không thể thiếu của hầu như mọi con người ở mọi nơi, dù trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất.
    Cho dù tác giả thường chỉ đề cập nhiều đến những mối quan hệ tình cảm cá nhân, gia đình, bạn hữu hay hiện trạng xã hội cùng kinh tế, nhưng lãnh vực chính trị cũng không thoát khỏi sự phán xét sâu sắc. Tác giả viết:
    “Nhớ lúc còn học sinh, tụi tôi tin vào Đảng vào ông Hồ sái cổ. Cả một chương trình văn học lẫn lịch sử, sách nào mà không đề cao ông Hồ, tâng bốc hơn thần thánh, toàn được dạy dỗ phải yêu kính bác Hồ phải nhớ công ơn của Đảng. Loa đài thì cũng chỉ tuyên truyền “Bác Hồ vĩ đại, Đảng Cộng Sản muôn năm”. Tôi không biết học sinh thời nay thì sao chứ riêng thời tụi tôi đi học, mỗi khi làm bài tập làm văn phần kết luận bao giờ cũng viết thế này: “Là học sinh dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Sau này trưởng thành, em nguyện đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ điều gì khi tổ quốc cần theo đúng phương châm “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” để luôn xứng đáng là trò giỏi, là cháu ngoan của Bác Hồ vĩ đại…!”.
    Và thêm nữa:
    “Những năm học cấp hai tôi được giữ chức trưởng lớp, cứ mỗi lần lễ lạc đến bọn nhóc học sinh chúng tôi thường phải tập trung đi mít tinh ở sân vận động huyện, hoặc đi cổ động, tức là các lớp xếp làm hàng đôi, đứa mang theo cờ đỏ sao vàng, đứa mang theo hình ông Hồ, đi vòng vòng quanh thị trấn. Miệng tôi hô to “Đảng Cộng Sản Việt Nam quang vinh muôn năm”, các bạn phía sau đồng loạt hô theo “muôn năm, muôn năm, muôn năm”. “Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong quần chúng”, đám phía sau lại nhao nhao “sống mãi, sống mãi, sống mãi”, “lao động là vinh quang”… cứ thế mà tiếp diễn. Đi đầu là một đoàn trống ếch gõ tùng xèng”.
    Cuối cùng tác giả đã kết luận thật nhẹ nhàng nhưng không kém mỉa mai, chán chường:
    “Giờ nằm nghĩ lại thấy buồn cười. Trên đời chắc chỉ có những nước theo cộng sản mới có cái trò hề này!.”
    Nhiều người dân trưởng thành từ miền Bắc cộng sản và có cơ hội đi xa, được thăm viếng nhiều nơi, được tiếp cận hay được tham khảo sách vở, tài liệu trung thực từ nhiều nguồn, cũng đã thường có những kết luận không khác mấy với tác giả. Ai cũng biết không có tuyên truyền nào, cho dù khôn khéo, tinh vi, lâu dài, lại ngăn chận được các tác động mãnh liệt làm “bừng con mắt” trước những thực tế trái ngược. Cũng may hiện nay hoàn cảnh đất nước tương đối thuận lợi để cho càng ngày càng có nhiều người được “sáng mắt sáng lòng” như thế.
    Rõ ràng tác giả đã cho thấy miền đất hứa không phải là ở miền Bắc mệnh danh thiên đàng xã hội chủ nghĩa như được nhồi nhét vào đầu thời còn nhỏ. Trước hoàn cảnh của người bạn mình, tác giả viết:
    “Ước gì thời gian quay ngược trở lại, tôi nhất định sẽ kéo nó vào Sài Gòn với tôi để cuộc đời của nó đỡ tang thương như vầy.”
    Tác giả cũng đã có một kết luận thật nhiều ý nghĩa cho một câu chuyện khác:
    “Anh Ba tôi cũng là nạn nhân, nếu không được kịp thời mang vào Nam, chắc giờ này anh tôi cũng bỏ xác mất rồi.”
    Người đọc chắc sẽ suy ra được rất nhiều điều chung từ những ước ao và nhận định cho các hoàn cảnh riêng tư này. Độc giả đọc được cả một tuyên ngôn chính trị mạnh mẽ của một người dân thường trong một ký sự không mang mục đích chính trị.
    Cái tâm trạng bực bội, bất bình, trước những hình ảnh của cuộc sống nghèo nàn, tệ hại, chậm tiến, khiến tác giả phải thốt lên:
    “Kinh khiếp quá! Thật không thể tưởng tưởng được dân miền Bắc xã hội chũ nghĩa sau gần ba mươi năm ‘giải phóng’ mà vẫn còn lạc hậu và bẩn thỉu như thế này.”
    Và đã phán ngay với cô em:
    “Thôi nhé! Chỉ lần này thôi! Đừng bao giờ rủ rê tao về quê nữa nghe chưa! Kinh khủng quá! Bẩn khiếp luôn!”
    Thế nhưng!… Tôi nghĩ tác giả lại cũng sẽ trở về. Cũng lại về như bao người Việt đã có những phản ứng tương tự. Cho dù những người như thế này thường đã sống xa quê hương nhiều năm dài. Và dù, trong những phút giây nào đó, họ thường hay biểu lộ sự bất bình khá gay gắt trước những thảm cảnh, hình ảnh tệ hại trước mắt, ở quê nhà. Các phản ứng mạnh mẽ, nghe như “bạc bẽo khinh người” hay “quay lưng ruồng rẫy” như thế này, trớ trêu thay, thường lại hiện hữu trong lòng của những người còn mang nặng hồn Việt. Còn gắn chặt lòng mình với quê hương. Còn hết sức quan tâm, thiết tha tới sự tồn vong, đẹp xấu, tương lai của quê nhà.
    Cuối cùng, tâm trạng và ước vọng của tác giả sau một chuyến về thăm lại quê hương, cũng rất giống như của nhiều người Việt Nam xa xứ, từ ở cả hai miền đất nước, dù đã hay không có dịp về thăm lại quê hương:
    “Quê hương ơi! Đến bao giờ người dân Việt Nam tôi mới có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tự do, dân chủ giống như tôi đang được hưởng…”
    Vâng! Đến bao giờ?

    Nguồn :QUÊ HƯƠNG NGÀY TRỞ LẠI (Lê Mỹ Hân)
    http://huynhthanhchiem.blogspot.com/
    huynhthanhchiem@gmail.com
    Similar Threads
Working...
X
Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom