Đó là vào năm 1979, một hôm bất ngờ một người chị trong gia đình bảo tôi : "Chương, tao dẫn mày đi học thêu..." Nghe xong tôi đồng ý ngay, bởi cái gì có chữ Học là tôi rất thích... học võ, học đàn, học vẽ hay học thêu đều lôi cuốn trí tò mò của tôi. Nhất là thời bấy giờ chưa có nhiều thứ hấp dẫn như bây giờ.
Cái gia đình đó, họ gọi nhau bằng cái tên rất lạ, chị A, anh B, chị C và chị D. Chị A, chị C và chị D là 3 sư phụ nổi tiếng trong giới nghề thêu tay thời bấy giờ. Tôi đã đến đó, đã ngồi vào cái khung thêu như thế đó, ý thức về tình yêu và cuộc sống cũng bắt đầu từ đó...
Bàn tay của cô bé tuổi 14 nắm nhẹ lấy bàn tay của cậu thanh nhiên tôi tuổi 15. "Để Dung chỉ cho Chương cách gài cây kim thêu lên mặt vải nha!", tôi giật mình nắm bàn tay lại và dấu xuống dưới khung thêu rồi nhìn cô ấy gài kim. Dưới mặt vải thêu, tôi từ từ cắt đứt năm móng tay phải dài ngoằng. Ôi, năm cái móng tay thân thương tôi đã nuôi dưỡng để luyện đàn guitar classic bấy lâu nay. Cắt xong móng tay rồi, bây giờ tôi mới định thần lại nhìn người đối diện. Cô bạn có mái tóc vàng óng, ánh mắt màu nâu và làn da trắng muốt (cô có dòng máu người Mỹ).
Rồi tình yêu bắt đầu từ đấy, cô ấy cứ theo mình, cứ muốn ngồi kề cùng thêu chung một tà áo dài. Ai đó biết ý nắm lấy cái chân tôi đặt lên đùi của Mỹ Dung, tôi run bắn người định rút chân về thì thấy Mỹ Dung cười, không phản ứng... Những ngày trời mưa đường về nhà lầy lội... Mỹ Dung bảo: " Chương ôm lưng, Dung cõng Chương về!". Vừa cảm động, vừa xấu hổ mình là đàn ông mà, sao để cho con gái nó cõng được. Nhưng tình yêu cứ thế mà lớn dần lên. Cái thằng quỷ Kimj lúc đó nó cứ theo chọc hoài: "Que Chường Mỹ Dung, Que Chường Mỹ Dung..." Lúc đầu thì nổi giận đùng đùng nhưng sau lại thấy khoái.
"Nghề thêu là phải để móng tay đó nha, dùng móng để búng và vuốt chỉ!" chị C vừa nói xong. Hả! trời ơi! Tôi phải nuôi dưỡng lại năm cái móng để còn luyện đàn nữa chứ... Thời gian trôi qua rất nhanh, kỹ thuật thêu tay của tôi cũng tăng nhanh không kém. Tôi thả hồn vào từng chiếc lá, cành hoa. Mũi kim uyển chuyển từng đường gân sóng, chiếc lá cong mình tưởng chừng như thấy được con sâu bò trên cuốn, con ve sầu run rẩy trên cành điệp vàng... "Chương thêu rơi hoa đào tà sau quá đẹp! Chuyển Chương lên làm tà trước... Mấy đứa cẩu thả phóng mũi kim dài ngoằng, đứa thì thêu thưa lăn tăn, đứa thì thêu ngược vẹm. Tụi bay không hiểu cái sóng gân lá, cánh hoa nó uốn như thế nào thì làm sao mà thêu ra hồn được! không thấy nét vẽ thì hỏi thằng Chương xem nó thêu làm sao. Người ta in thiếu lá nó tưởng tượng ra mà thêu, vẽ bằng chính mũi kim thêu của mình đó!..."
Tiếng của chị C la rất to và dữ dội, mình được khen mà còn run. Cũng từ đó tôi và Mỹ Dung trở thành một đôi trai tài và gái sắc. Hai tay thêu cừ nhất trong số mấy chục học trò. Nhưng các sư phụ không biết rằng hai đứa nó đang có âm mưu phản thầy... Khi trở thành thợ chánh tôi thường được ngồi gần các sư phụ. Một chiếc áo dài thêu đặc biệt người thợ phụ chỉ được thêu hoa và lá, đâm mây và lướt gió trên tà trước, còn nhụy và cành, đầu rồng, mắt phụng là linh hồn của tác phẩm đòi hỏi kỹ thuật kết hợp với nghệ thuật hội họa mới thực hiện được... Một lần ngồi gần thêu chung tà áo với chị C, chị là sư phụ dữ dằn nhất mà cũng lại thân thiện nhất đối với những đứa được lòng chị. " Chị à, thêu đục lỗ ở trong cái mình rồng là gì vậy?", " Không được hỏi!" chị trả lời. Nếu chị mà trả lời thì tôi sẽ hỏi tiếp kỹ thuật mạng đầu rồng... "Mấy cái này, mấy đứa không có học, nó thuộc nghề thêu rua, muốn làm phải đếm được từng sợi vải, mệt lắm, quên đi!". Trong đầu tôi suy nghĩ, chị dấu nghề há!... Tôi có cái kỹ năng học lóm, liếc, nhìn, phân tích và thực hiện... Về nhà tôi lấy giấy tập ra làm thử và có kết quả, sau đó thực hiện lại trên vải mẫu... Hôm sau khi đang thêu, chị bỏ đi, tôi lấy mẫu thêu của tôi đem ra so sánh với hàng thêu của chị thì y chang...
Hai năm đã trôi qua, đồng lương cho thợ chính quá thấp so với thợ làm riêng... Mỹ Dung rủ tôi "Mình xin nghỉ làm với các chị đi, Dung đi lấy hàng thêu về hai đứa thêu chung, Dung cũng học lóm được kỹ thuật mạng đầu rồng rồi!." Ôi tình yêu, nghệ thuật, cuộc sống và tuổi trẻ nữa chứ... sao hồn nhiên quá đỗi...
Trên cái căn gác nhỏ nhà tôi, cái khung cửa sổ nhìn xuống là con đường dẫn đến nhà Dung, ngôi nhà ở cuối con đường nhưng tôi vẫn nhìn thấy rõ ngọn dừa trước sân nhà cô ấy. Rồi những giọt nắng lung linh vàng, một màu vàng óng ánh như đóm sao dần hiện , rõ dần đó là màu óng vàng trên mái tóc của Dung. Hai đứa ngồi bên nhau, những chiếc lá, cành hoa tình yêu chớm nở theo từng mũi kim, đường chỉ...
Vậy mà tuổi tôi vẫn cứ dại khờ... người con gái vẫn cứ mong chờ... Tôi dừng tay thêu... ôm đàn khảy bản Romance, rồi Sonat ánh trăng... Tôi còn hát khẽ, "Nhìn qua khung cửa nhỏ là vòm trời của tôi, là tình yêu với những ánh sao lấp lánh...". "Sao hay vậy! Chương học đàn hồi nào vậy...?" Tôi vẫn cứ khảy đàn và... vẫn cứ dại khờ... không biết rằng những bản đàn... những tranh thêu... những khả năng, tài năng... không giữ được tình yêu mãi mãi... không giữ được người tôi yêu đến cuối cuộc đời...
Mẹ tôi về nhà. Bà nói đã gặp bà ngoại của Mỹ Dung. Bà ngoại của Mỹ Dung đã nói gì đó khiến mẹ tôi không vui. Mẹ tôi nói gia đình đó không hợp với gia đình mình. Sự ra đời của Mỹ Dung không bình thường... Ôi, người lớn, lúc đó tôi không đủ khả năng để hiểu những suy nghĩ của người lớn. Tôi chỉ hiểu rằng vì tôi què, vì Mỹ Dung là con lai nên chúng tôi không thể đến với nhau...
Pháo đã nổ và người ta rước dâu ngang qua nhà tôi đó, mái tóc vàng đã đi xa nơi tôi từng hạnh phúc... Tôi cuộn mình trong chăn trốn tránh mặt người... Rồi từ đó tôi cũng từ bỏ kim thêu để bước tiếp sang trang kế của cuộc đời..../.