Biển Thước(*) là một danh y có y thuật cao minh của Trung Hoa vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, được mọi người tôn kính gọi là “Thần y Biển Thước”. Gia đình có hai người anh trai của ông y thuật cao siêu hơn ông rất nhiều nhưng lại không nổi tiếng bằng ông.
Có lần Ngụy Văn Hầu hỏi Biển Thước: “Tôi nghe nói ba anh em ngài đều là thầy y. Vậy y thuật của ai là cao siêu nhất?”
Biển Thước trả lời: “Y thuật của đại ca tôi là cao nhất, sau đó đến nhị ca và cuối cùng là tôi.”
Ngụy Văn Hầu ngạc nhiên hỏi: “Vậy tại sao chỉ có ông là nổi danh lừng lẫy thiên hạ? Hai người họ thì một chút danh tiếng cũng không có?”
Biển Thước trả lời: “Y thuật của đại ca tôi cao, có thể tránh được cho bệnh không xảy ra. Khi bệnh của một người còn chưa phát, đại ca vừa nhìn khí sắc là phát hiện ra ngay. Sau đó, ông ấy sẽ dùng thuốc cho người đó uống khỏi bệnh, cho nên người trong thiên hạ đều cho là ông ấy không biết trị bệnh. Vì vậy, ông ấy một chút danh tiếng cũng không có. Khả năng trị bệnh của nhị ca tôi cũng rất cao. Ông ấy có thể trị bệnh ngay khi bệnh còn ở thời điểm bắt đầu, tránh cho họ bị lâm bệnh nặng. Khi người bệnh vừa cảm mạo, ho khan thì ông ấy đã dùng thuốc chữa khỏi rồi. Cho nên, danh tiếng của nhị ca tôi chỉ vẻn vẹn ở trong phạm vi quê nhà, bị mọi người gọi là bác sĩ trị bệnh nhẹ.”
Biển Thước ngừng một lát rồi lại nói: “Còn tôi, cũng bởi vì có y thuật kém cỏi nhất nên nhất định phải đợi đến lúc người bệnh bị nguy kịch, hấp hối rồi mới cắt thuốc được. Nhờ uống thuốc tôi, họ từ chết đi lại được sống lại nên thiên hạ mới cho tôi là thần y. Ngẫm nghĩ lại, cách trị bệnh của đại ca tôi là không làm tổn thương nguyên khí của người bệnh. Cách trị bệnh của nhị ca tôi là chỉ để người bệnh bị tổn thương một chút nguyên khí, bồi bổ một chút sẽ nhanh khỏi. Còn tôi, cứu được mạng của người ta nhưng nguyên khí bị thương nặng mất rồi. Ngài nói xem, y thuật của ai cao nhất?”
Nhìn lại lịch sử, y thuật của Biển Thước được chứng thực là phi thường, cao minh cho nên từ lời nói này có thể thấy ông là một người vô cùng khiêm tốn; nhưng nó cũng nói rõ một đạo lý là nếu dùng thanh danh để đánh giá năng lực của một người là chưa hoàn toàn chính xác.
Thanh danh mà một người đạt được có thể thông qua rất nhiều cách: có thể thông qua con đường sai trái mà đạt được; có thể thông qua quyền lực mà thu được; hay thông qua kế thừa cũng có được. Năng lực chỉ là một trong các cách đó. Cho nên, không nên xem năng lực và thanh danh là ở cùng một cấp bậc, tức là thanh danh lớn thì năng lực cao. Mọi người thường dựa vào danh tiếng của một người để đánh giá năng lực của người đó cao hay thấp, nhưng rất nhiều lúc danh tiếng lớn lại không đồng nghĩa với năng lực cao!
Làm một người truy cầu thanh danh sẽ dễ dàng bị mất phương hướng, nhưng làm một người có năng lực mới là chân chính có trách nhiệm.
Sưu tầm
*) Chú thích thêm của Thư Viện GĐPT: Biển Thước tên thật là Tần Hoãn, tự Việt Nhân, sinh khoảng năm 401, mất năm 310 trước Tây lịch, thọ hơn 90 tuổi. Ông vốn là người châu Mạc, Bột Hải, (nay là huyện Nhiệm Khâu, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc).
Comment