Jean-Marie Dayot qua những bài viết
Phần 2 : Nguồn gốc các bịp bợm
Phần 2 : Nguồn gốc các bịp bợm
Nguyễn Vĩnh-Tráng
B - Nguồn gốc các bịp bợm.
Cũng nên nói sơ qua nguồn gốc những bịp bợm do những sử gia, tác giả thực dân Pháp thổi phồng, phóng đại để rồi một số sử gia và tác giả Việt Nam bị bẫy.
I - Chuyện J.M. Dayot và Olivier de Puymanel.
1) Linh mục Pierre-Jacques Lemonnier de la Bissachère (1764-1830).
Là một thừa sai, linh mục de la Bissachère « … đi sang miền tây Bắc Hà vào ngày 11/12/1789… Khi vụ « cấm đạo » xảy ra, ông phải chạy trốn vào năm 1789, ông đến lánh nạn trên một hòn đảo cách bờ khoảng bốn giờ đi thuyền ; ông ở đây trong 7 tháng và tránh được sự lùng bắt. Có một lúc ông cầm đầu một chủng viện nhỏ, có lẽ vào năm 1800. Không lâu sau đó, ông lại bị truy lùng với án lệnh tử hình. Năm 1806, ông bi ốm và chạy sang Macao và năm sau ông trở lại Âu Châu ; ông đến Anh quốc vào năm 1808, và ở lại đây. Ông cư trú tại London và Oxburg, và theo lời đồn thì ông có ý thành lập một giáo đoàn mà mục đích thì chúng tôi không rõ ; vả lại chuyện đó không đưa lại một thành quả nào cả. Ông cùng hợp tác với ông de Montyon để cho phát hành một cuốn sách, hay có lẽ đúng hơn là ông de Montyon đã dựa vào các ghi chép của vị thừa sai, mà ông tu chỉnh lại, đôi khi khá vụng về, để cho xuất bản một cuốn sách về Bắc Hà và Nam Hà ». [ME, Archives, Site Internet, http://archives.mepasie.org/fr/notic...la-bissachare].
Nhận thức của linh mục de la Bissachère về Việt Nam rất hạn chế nếu không muốn nói là sai lạc, vì ông ít đi ra ngoài. Vì chiến tranh, ông phải sống chui rúc ở những nơi thiếu tiện nghi tại miền Bắc Trung Phần, lãnh thổ dưới quyền cai quản của vua Quang Trung. Cũng vì thế, ông có một thái độ khinh bỉ người Việt, từ vua quan cho đến người dân thường. Ông xem người Việt là một giống man di, có lẽ trừ những người được chính ông dạy dỗ để thành giáo dân. Thật sự ông biết rất ít về Việt Nam. Những tin tức mà ông ghi chép toàn là do tin đồn hay do ông tưởng tượng ra, vì ông không phải là nhân chứng trực tiếp.
Về vua Quang Trung, ông ta viết :
« … một đoàn quân Tàu rất lớn qua Bắc Hà (Tonquin/Tonkin) để lập lại ngai vàng cho nhà Lê mà nhà vua đang lánh nạn tại Bắc Kinh. Quang Trung đang ở Nam Hà được tin, thì đi ra Bắc với vài trăm quân. Họ đi cả ngày lẫn đêm ; trên đường đi họ lùa theo những người dân có thể mang khí giới…
… Cuối cùng ông ta đến được trại của quân Tàu với đoàn quân mỏi mệt của ông, mà phần đông thì què cụt, ngất ngư vì phải đi trong nhiều ngày (longues marches), thế mà tức khắc, không một chút sợ hãi trước một số lớn quân địch, ông ta tấn công và giết khoảng 40 000 địch quân trong ngày ông đến ; những tên tránh được cuộc tàn sát thì chạy trốn và chết gần hết ở trong rừng… » [Maybon. La Relation…, sđd, trang 132].
Một đoàn quân vài trăm người, mỏi mệt, què cụt, ngất ngư có thể tiêu diệt 40 000 quân Tàu trong một ngày chăng ? Đây phải chăng là lời kể của một kể bị bịnh tâm thần ?
Đối với Nguyễn Ánh, thì ông ta viết :
… « Vua Gia-Long đến kinh đô Nam Hà (Cochinchine), nghỉ ngơi trong 2 tháng hay khoảng đó. Sau đó ông lo việc hành hình các tù binh. Tôi sai một người trong nhóm đầy tớ của tôi (un de mes gens - một người trong những người nhà của tôi ?) đến cung nhà vua, xin giấy phép cho tôi (hay cho anh đầy tớ ?)* để được ghi tên vào danh sách những người có thể vào cung và ở trước mặt vua trong một tháng, anh ta làm việc trong ngày hành hình* và anh ta đã thấy tất cả từ đầu đến cuối. Khi trở về anh ta đã kể lại cho tôi, hiên giờ tôi không nhớ hết mọi tình tiết, vả lại những tình tiết đó rất kinh tởm, tôi chỉ kể ra đây những điều tôi còn nhớ hay những điều làm chấn động tôi nhất, và những điều đó đã được công khai cho cả nước đều biết.
… người ta cột tay chưn ông ta (vua Quang Toản) vào 4 con voi để xé xác ông… Những người hành sự đã dùng một dụng cụ cực hình, mà ở Âu Châu người ta không thể tưởng tượng được (duquel on n’a pas d’idée en Europe) (c), để xé (xác) ra làm bốn…
… có một cô gái khoảng 14, 15 tuổi (d), với tất cả vẻ duyên dáng của một thiếu nữ (cô con gái của bà Bùi Thị Xuân)**, khi cô ta thấy một con voi cực kỳ to lớn xông đến ném cô lên trên không…
… Những người hành sự, để tỏ ra sự can đảm của họ, đã ăn sống tim, gan, phổi và hai cánh tay cứng rắn (của bà Bùi Thị Xuân)** (e)… »… [Xem Maybon, La Relation…, sđd, trang 117, 118, 119, 121].
*Lình mục de la Bissachère viết không rõ ràng (pour m'obtenir une permission du roy et qui fut porté sur la liste de ceux qui pouvoient entrer au palais et se tenir devant Sa Majesté pendant un mois, se trouva de service le jour de l'exécution), đây là de la Bissachère xin phép cho anh đầy tớ của ông, và có thể anh nầy là nhân viên của triều đình, nhưng không nói rõ là ở cơ quan nào.
Cũng vì đoạn văn nầy (**) do Maybon, một sử gia có tiếng trích từ de la Bissachère, mà ta thấy trong vài cuốn « sử » gần đây, kể bà Bùi Thị Xuân và người con gái nói chuyện với nhau tại pháp trường. Từ đó, các « sử gia » của các cuốn « sử » nói trên, lại còn bịa đặt thêm chuyện bà Bùi Thị Xuân đối đáp với Nguyễn Ánh cũng tại pháp trường. Ta thấy rõ tác dụng tai hại của câu văn mà de la Bissachère đã bịa ra, rồi do Maybon chép lại, và một số « sử gia » người Việt dùng làm tài liệu.
Chúng ta đều biết tự cổ chí kim, theo Điển Lễ, vua không bao giờ tiếp tù nhân và hơn nữa không bao giờ dự vào cuộc hành hình các tội nhân, mà chỉ sai một vị quan ở Bộ Hình đứng ra lãnh trách nhiệm giám sát việc hành hình. Ở đây, Thực Lục, tập 1, trang 485 viết rất rõ ràng :
« Tháng 11 [âm lịch, (tháng 12/1802)] làm lễ tuyên cáo võ công. Ngày Quý dậu tế thiên địa thần kỳ. Ngày Giáp tuất hiến phù (1. Hiến phù : Dâng những người bắt được trong chiến tranh.1) ở Thái miếu. [Tù nhân quỳ trước cửa Thái Miếu, chứ không được vào Thái Miếu].
Sai Nguyễn Văn Khiêm là Đô thống chế dinh Túc trực, Nguyễn Đăng Hựu là Tham tri Hình bộ áp dẫn Nguyễn Quang Toản và em là Quang Duy, Quang Thiệu, Quang Bàn ra ngoài cửa thành, xử án lăng trì cho 5 voi xé xác. Còn đồ đảng là bọn Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng đều xử trị hết phép, bêu đầu cho mọi người biết. Xuống chiếu bố cáo trong ngoài ».
Linh mục de la Bissachère là ai mà hống hách đến thế, sai đầy tớ mình vào cung nói chuyện với vua ? Ai cũng biết Nguyễn Ánh từ chối tiếp kiến những sĩ quan cao cấp Anh, Pháp, nếu những người nầy không có thư ủy nhiệm của các vua Anh, Pháp.
Pháp trường là nơi được canh gác rất kỹ lưỡng, phòng đồng bọn mang vũ khí vào cướp tội nhân, vậy « đầy tớ » của de la Bissachère làm sao mà ở tại pháp trường trong lúc nầy được. Vả lại anh đầy tớ đó không thuộc đội hành hình, nếu anh ta thuộc đội hành hình, thì anh ta không thể nào kể lại những chuyện hoang đường tại pháp trường như de la Bissachère đã ghi như trên ! [Xem phần ở dưới].
Tội hình « lăng trì » có ghi trong bộ Luật Hình Sự dành cho những kẻ « đại nghịch ». Linh mục de la Bissachère lấy làm phẫn nộ và ghê tởm về tội hình nầy « mà ở Âu Châu người ta không thể tưởng tượng được », vậy vị linh mục nầy đã vô tình hay cố ý quên rằng các đồng nghiệp của ông đã dùng tội hình nầy (xé xác) bằng cách dùng ngựa hay dụng cụ bằng sắt để tra tấn và giết những người « Dị Giáo (hérétiques) », nhất là đối với phụ nữ, những người đàn bà, con gái chưa bao giờ giết một ai, nếu chẳng qua, vì họ không cùng « đức tin » với de la Bissachère. [Chỉ việc gõ vào Google tiếng Pháp mấy chữ « Inquisition, Cathares, Ecartèlement » là có hàng chục tài liệu về chuyện nầy].
Comment