• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Tác Giả - Tác Phẩm

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Tác Giả - Tác Phẩm

    Kính thưa Quý thính giả, chúng tôi vừa hay tin, nhà thơ Phạm Văn Bình, tác giả của Chuyện tình buồn vừa rời khỏi dương thế. Xin nghiêng mình tạ ơn ông, vì một đoạn tình đẹp đã để lại chốn này.

    Xin trích lại bài tưởng niệm của nhà báo Thuan Vuong Tran, rất cảm ơn anh.

    "CON SÂU TRONG TRÁI VẢI" QUA ĐỜI

    Có thể nói Phạm Văn Bình là "nhà thơ một bài". Ai ngang qua một xóm đạo vắng, ngóng lên tháp chuông cao, nhìn tà áo cô gái đi lễ chiều nào đó, cắn vỡ tiếng chuông rền, nghe gió thổi qua tượng gầy Chúa trên thập tự mà không vang lên trong đầu "Năm năm rồi không gặp/Từ khi em lấy chồng/Chúa buồn trên thánh giá...". Chỉ mấy câu 5 chữ, qua tài hoa của Phạm Duy đã ở lại mãi, chí ít dài hơn đời tác giả.

    Nhà thơ Phạm Văn Bình, sinh ở Quảng Trị, ông là một giáo viên trước khi bước vào binh nghiệp. Quảng Trị là xứ đạo. Theo ông, khi còn trẻ, ông có yêu một cô xóm đạo, vì khác tôn giáo nên không đến được với nhau. Ông dõi theo bước chân cô và viết nên bài thơ "Chuyện Tình Buồn" đã được Phạm Duy phổ nhạc. Bài thơ nếu tính riêng về thơ, không phải là quá hay, quá mới. Nhưng khi hòa lẫn nhạc, câu chuyện mà bài thơ kể về, không khí hiu hắt mà bài thơ dựng nên, đã xuất hiện ở một gương mặt mới, dễ hình dung và đẹp hơn.

    Ca từ có thay đổi chút lời thơ, Phạm Duy luôn quá giỏi trong việc này, nhưng ông giữ lại một đoạn đặc biệt. Nhớ ngày nhỏ, khi nghe bài này, đến đoạn "Ngày nhà em pháo nổ, anh cuộn mình trong chăn, như con sâu làm tổ, trong... cô đơn", mình không cách nào đoán ra con sâu nằm trong cái gì, trong "trải dài cô đơn", "trang trải vài cô đơn", "trong trái vài cô đơn"... Mải đến khi lớn chút, mình mới biết đó là "trái vảI", trời đất, làm sao mà đoán ra được. Nhưng thi ảnh đó cứ gieo thắc mắc cho mình, tại sao con sâu phải ở trong trái vải mà không phải trái xoài, trái mãng cầu, trái đu đủ, trái ổi... Khi ông viết bài này, chiến tranh đã ở pha khốc liệt, trái vải là thức sản không dễ dàng mà tìm thấy, tại sao ông lại liên tưởng đến trái cây này? Ông và cô gái ông yêu đã có kỷ niệm nào liên quan đến trái vải? Một câu đùa, một lần ăn, một mùi hương? Chưa có dịp nào hỏi ông, nhưng tôi hiểu, sự đặc biệt của một hình ảnh, liên tưởng, có khi cứu được cả bài thơ, có khi mở cửa cho trí tưởng tượng, cho suy tư người đọc, người nghe, đến mức tác giả cũng không ngờ.

    Năm năm rồi đi biệt
    Anh chẳng về lối xưa
    Sân giáo đường cỏ mọc
    Gác chuông nằm chơ vơ
    Chúa buồn trên thánh giá
    Mắt nhạt nhoà mưa qua
    Trên cánh buồm ký ức
    Sóng thời gian lô xô.
    Ngồi bâng khuâng nhớ biển
    Bên bãi đời quạnh hiu
    Anh mang hồn thuỷ thủ
    Cùng năm tháng phiêu du.
    Anh một đời rong ruổi
    Em tay bế tay bồng
    Chiều hắt hiu xóm đạo
    Hồi chuông giáo đường vang.
    Năm năm rồi không gặp
    Từ khi em lấy chồng
    Bao kỷ niệm chôn kín
    Dường như đã lãng quên.
    Năm năm rồi trở lại
    Một màu tang ngút trời
    Thương người em năm cũ
    Đêm goá phụ bên song

    Buồn quá, nhưng đổ nát nào không buồn và ai chẳng có một nhà thờ riêng, một xóm đạo riêng, một sân giáo đường riêng, một người em năm cũ riêng. Tất cả ở đó, đợi sóng táp lên cánh buồm ký ức, ướt sũng một khi nào. Phạm Văn Bình, Phạm Duy và Chuyện Tình Buồn, vì thế sẽ còn ngân dài nữa, qua sân giáo đường, qua cỏ hoang, qua cánh buồm, qua biển đời quạnh hiu. Nhà thơ Phạm Văn Bình mất ngày hôm qua, tại Mỹ, nhưng con sâu trong cái tổ trái vải sẽ còn kể tiếp về nỗi cô đơn.

    Trích từ Khúc Nhạc Tình
    Hãy hướng về phía mặt trời mọc bóng tối sẽ khuất sau lưng anh.
    Similar Threads
  • #2

    Ca nghĩa là hát , dao nghỉa là ko có chương khúc như trong văn chương bác học.Ca dao là những bài hát ko thành chương khúc.Ca dao có những đặc tính của khoa học.

    Tính cách phổ biến trong dân gian, từ ngàn xưa tới giờ , ko những khắp nước mà có khi từ phương đông sang phương tây.Thí dụ như câu ca dao về sự bất trắc của cuộc đời:

    Còn đời ngươi ấy ngươi ơi, Nào ngươi đã bảy , tám mươi đâu mà.

    Bên Pháp cũng có câu ca dao"Noel au balcon, Pa^ques au tison ( Noel ở ban công , Pa^ques ở lò sưởi )

    0_f600a_ab34db3e_orig_zpsrbwu4n78

    Ý nói ko phải năm nào vào dịp Noel tuyết cũng rơi , vào dịp lễ Pa^ques là trời ấm áp.Có năm thời tiết ấm áp vào dịp Noel và rét mướt vào dịp Pa^ques.Còn có thể kể ra nhiều thí dụ khác nữa như ta sẽ thấy sau đây.Khoa học cũng có tính cách tổng quát như vậy. Nhà triết học Aristote đã từng nói : "Chỉ có cái gì tổng quát mới là khoa học"

    Điểm giống nhau thứ hai là tính cách vô danh hay khuyết danh.Tác giả ca dao là dân chúng từ mấy ngàn năm , trừ một vài ca dao gắn liền với các biến cố lịch sử.có lẽ lúc ban đầu cũng do một người vì có cảm súc mà làm nên rồi người đời sau nhớ lấy mà truyền tụng mãi cho đến tận bây giờ.Các thành tựu khoa học mà ta biết rõ tác giả chỉ là thiểu số, thường là thành tựu gần đây.Các phát minh khoa học - nhất là các phát minh có từ lâu rồi - ta không biết ai là tác giả.

    Về thời gian cũng vậy : một ca dao có từ năm nao?điểm này cũng nhích ca dao gần với khoa học.

    Điểm giống thứ tư là có những ca dao có tính cách khẳng định như những định luật khoa học:

    "Chuồn chuồn bay thấp thì mưa , Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm"

    Trời nắng tốt dưa, trời mưa tốt lúa".

    Hay là ca dao về Tuần trăng:

    "Mồng một không trăng

    Mồng hai không trăng

    Mồng ba câu liêm

    Mồng bốn lưỡi liềm...."

    Ca dao phản ánh lịch sử một nước , danh từ lịch sử được hiểu theo nghĩa rộng nhất:Lịch sử khoa học ( Thiên văn và Khí tượng) , lịch sử nền văn minh, lịch sử của địa lý.

    về Thiên văn thì có bài về Tuần trăng ở trên , về thời tiết , ngoài bài về Chuồn chuồn đã kể ở trên còn:

    Tháng bảy heo may , chuồn chuồn bay thì bão", "Thâm đông , hồng tây dựng may,Ai ơi , ở lại ba ngày hãy đi".

    Ca dao về lịch sử địa lý

    Gió đưa cành trúc la đà

    Tiếng chuông Trấn Võ canh gà Thọ Xương

    Mịt mù khói toả ngàn sương

    Nhịp chày An Thái , mặt gương Tây Hồ.

    7870d93fdb13a18e48c409b7f7777a14

    Phong cảnh này ở phía bắc thành phố Hà Nội, "khu tiểu la tinh" với các trường trung học phổ thông và trung học cơ sở.Mùa thi, thí sinh tụ tập ở đường Cổ Ngư - nay là đường Thanh Niên, với hai rặng phượng vĩ nở đỏ ối , giữa một bên là hồ Trúc Bạch với đền Trấn Võ, một bên là Hồ Tây với chùa Trấn Quốc.Trấn Võ là tên chữ của một cái đền mà dân chúng gọi là đền Quan Thánh, tên một ông tướng huyền thoại , trấn thủ thành phố Hà Nội mặt ngoảnh về phương Bắc vì ngày xưa kẻ thù đến từ phương Bắc.

    "Canh gà" là lúc gà gáy sáng.Huyện Thọ Xượng ngày xưa ở trung tâm Hà Nội, về sau một nhà thờ Thiên Chúa và một tư thục của các linh mục được xây cất ở đó.Làng Yên Thái chuyên chế tạo giấy bản bằng cách giã bột giấy.

    Tóm lại, ca dao - một khoa học dân gian - phản ảnh Tổ quốc thâm trầm , lịch sử khoa học của non sông, lịch sử phong tục , lịch sử đất nước.Ta không lấy làm lạ ngoại quốc đánh giá cao loại thi văn này vì là tiếp cận trực tiếp với các đặc điểm của một dân tộc.
    Hãy hướng về phía mặt trời mọc bóng tối sẽ khuất sau lưng anh.

    Comment

    • #3

      Truyện Kiều có đơn giản chỉ là tiểu thuyết ái tình xót thương thân phận người phụ nữ?


      Đầy trang những chuyện hoang đường,

      Tràn tít nước mắt bao nhường chua cay.

      Đừng cho chỉ giả là ngây,

      Ai hay ý vị chỉ đầy ở trong?

      (Tào Tuyết Cần)

      Truyện Kiều gồm 3254 câu thơ lục bát kể lại quãng đời lưu lạc truân chuyên của nàng Vương Thuý Kiều, một trang “quốc sắc thiên hương” thời nhà Minh, Trung Quốc. 15 năm đoạn trường “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần” của Thuý Kiều xoay quanh mối tình giữa nàng với chàng Kim Trọng, Thúc Sinh và người anh hùng Từ Hải, đều thắm thiết đắm say nhưng chan đầy nước mắt. Có lẽ bởi thế nên nguyên tác câu chuyện về nàng Kiều có tên là “Phong Tình Cổ Lục” (bộ sách chép truyện phong tình thời cổ). Còn riêng thi hào Nguyễn Du thì đặt tên cho tiểu thuyết bằng thơ của mình là “Đoạn Trường Tân Thanh” (tiếng kêu mới về nỗi đau đứt ruột). Đó là nỗi đau gì? Nỗi đau của người con gái như cánh hoa bị gió dập sóng vùi, là nỗi xót thương cho “thân phận người phụ nữ thời phong kiến” theo lời một số nhà phê bình hiện đại, hay là một nỗi đau gì khác?

      “Văn dĩ tải Đạo”, người xưa sáng tác văn chương là để truyền tải Đạo lý, nhất là một kiệt tác như Truyện Kiều thì nội hàm khó lòng xét đoán chỉ qua câu chữ bề ngoài. Thêm vào đó, hoàn cảnh Nguyễn Du gặp được cuốn tiểu thuyết “Kim Vân Kiều Truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân cũng vô cùng đặc biệt. Đó là những năm ly loạn cuối triều Lê, Nguyễn Du vốn làm quan nhà Lê nhưng triều đình lại bị thất thủ trước quân Tây Sơn, ông lênh đênh trong cảnh không cửa không nhà, lưu lạc bôn ba khắp Việt Nam rồi sang Trung Quốc. Đến nơi, Nguyễn Du bị bệnh suốt ba tháng xuân, hết bệnh ông muốn thoát vòng trần tục nên cải danh thành nhà sư Chí Hiên đi chu du khắp Trung Hoa theo gương ‘thi Tiên’ Lý Bạch. “Giang Nam, Giang Bắc túi tiền không”, đến Hàng Châu, Nguyễn Du ngụ tại chùa Hổ Bào – nơi nhân vật lịch sử Từ Hải, tức Minh Sơn hoà thượng từng tu hành. Chính tại đây, ông có được quyển “Kim Vân Kiều Truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân và quyết chí diễn ca thơ Nôm. Phải là một tác phẩm có nội hàm thâm sâu thế nào mới có thể xúc động tâm hồn vị thi sĩ có chí tu hành đến thế?
      Tranh miêu tả cảnh chị em Thúy Kiều gặp Kim Trọng trong ngày Tết Thanh minh của họa sĩ Lê Chánh, treo trong Dinh Độc Lập cũ. 15 năm lưu lạc của nàng Kiều…


      Mở đầu câu chuyện, nàng Vương Thuý Kiều ở tuổi: “Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê” đã dành trọn tình yêu đầu ngây thơ say đắm cho chàng Kim Trọng, tới nỗi chỉ thoáng nhìn thấy nhau trong tiết Thanh Minh mà hai bên đã:

      Tình trong như đã mặt ngoài còn e

      Chập chờn cơn tỉnh cơn mê

      Rốn ngồi chẳng tiện dứt về chỉn khôn.

      Và rồi, tình yêu ấy mãnh liệt tới nỗi một tiểu thư khuê các như Kiều mà dám “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” để “đánh đường tìm hoa”. Họ cùng nhau uống rượu, ngắm trăng, ước hẹn, thề nguyền cho một cuộc vui sánh bước trăm năm còn trải dài trước mặt.

      Thế nhưng, cơn gia biến bất ngờ ập tới, Thuý Kiều vì bán mình chuộc cha mà cam tâm làm lẽ mọn cho người, chấm dứt giấc mộng đẹp cùng chàng Kim trong nỗi xót xa tuyệt vọng:

      Bây giờ trâm gãy gương tan,

      Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!

      Trăm nghìn gởi lạy tình quân,

      Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi.

      Phận sao phận bạc như vôi,

      Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.

      Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!

      Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây.
      ]"]WordPress.com
      Tưởng rằng đời mình đến thế thì thôi, ngờ đâu đám cưới với Mã Giám Sinh chỉ là một trò lừa, một phút sa chân đẩy Kiều vào chốn lầu xanh nhơ nhớp. Phản kháng rồi vô vọng, Kiều chỉ còn có thể ngậm ngùi “lấy thân mà trả nợ đời cho xong”.

      Biết bao bướm lả ong lơi,

      Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm.

      Dập dìu lá gió cành chim,

      Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Trường Khanh.

      Khi tỉnh rượu lúc tàn canh,

      Giật mình mình lại thương mình xót xa.

      Khi sao phong gấm rủ là,

      Giờ sao tan tác như hoa giữa đường.

      Mặt sao dày gió dạn sương,

      Thân sao bướm chán ong chường bấy thân?

      Mặc người mưa Sở mây Tần,

      Những mình nào biết có xuân là gì.

      Trong những cuộc truy hoan dường như bất tận, Thuý Kiều vẫn cảm thấy trơ lì như gỗ đá, cho đến khi nàng gặp được Thúc Kỳ Tâm:

      Trướng tô giáp mặt hoa đào,

      Vẻ nào chẳng mặn nét nào chẳng ưa?

      Hải đường mơn mởn cành tơ,

      Ngày xuân càng gió càng mưa càng nồng!

      Nguyệt hoa hoa nguyệt não nùng,

      Đêm xuân ai dễ cầm lòng được chăng!

      Lạ gì thanh khí lẽ hằng,

      Một dây một buộc ai giằng cho ra!

      Sớm đào tối mận lân la,

      Trước còn trăng gió sau ra đá vàng.

      Thì ra, trong lòng Kiều vẫn ôm một chữ ‘Tình’. Chỉ là chữ Tình ấy trước đây Kiều dành riêng Kim Trọng, còn bây giờ nàng đã gửi gắm sang Thúc Sinh. Thúc Sinh cứu Kiều khỏi chốn lầu xanh, cho nàng được hưởng niềm hạnh phúc ấm áp của người làm vợ, dù chỉ là vợ lẽ:

      Một nhà sum họp trúc mai,

      Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông.

      Cảnh sum họp càng đầm ấm bao nhiêu, thì cuộc chia ly càng lưu luyến bấy nhiêu. Thúc Sinh chia tay Kiều để trở về quê nhà, Nguyễn Du miêu tả cảnh đoạn này mà dường như rưng rưng cả khối tình trong đó:

      Người lên ngựa kẻ chia bào,
      Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.
      Dặm hồng bụi cuốn chinh an,
      Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh.
      Người về chiếc bóng năm canh,
      Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.
      Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
      Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường.
      ..

      Cảm giác cô đơn quạnh quẽ của Thuý Kiều cho thấy nàng chưa bao giờ thôi ôm mộng ước về một cuộc hôn nhân êm đềm tươi đẹp, ‘tài tử giai nhân’, được yêu thương và trân trọng… Chẳng thế mà trong bước đường cùng phải lấy kẻ thô bỉ như Mã Giám Sinh, nàng đã: “Phần căm nỗi khách phần dơ nỗi mình”. Thế nhưng, dường như càng mong cầu lại càng không có được, ngày nàng tiễn biệt Thúc Sinh ngờ đâu cũng là ngày vĩnh biệt cuộc tình duyên với chàng.

      “Ngày vui ngắn chẳng tày gang”, Thúy Kiều bị vợ cả của Thúc Sinh là Hoạn Thư bắt cóc và đọa đày. Sau bao cơn sóng gió dập vùi, nàng hoảng sợ chạy trốn khỏi nhà Hoạn Thư, tưởng rằng sẽ được sống những ngày “Muối dưa đắp đổi tháng ngày thong dong” trong Chiêu Ẩn Am, thì nàng lại sa vào tay Bạc Bà, Bạc Hạnh. Thuý Kiều chỉ còn biết thở than cho kiếp người đen bạc, và đành“Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh”. Ở hành viện Châu Thai, nàng có duyên may mắn gặp được người anh hùng Từ Hải, người đã yêu thương trân quý nàng bằng cả tấm lòng chân thành không nghi ngại. Thế mới là:

      Trai anh hùng gái thuyền quyên,

      Phỉ nguyền sánh phượng đẹp duyên cưỡi rồng.

      Không những cứu Kiều thoát khỏi lầu xanh, Từ Hải còn đem đến cho nàng vinh hoa phú quý tột bậc của một vương phi, hoàng hậu:

      Còn đang dùng dắng ngẩn ngơ,
      Mái ngoài đã thấy bóng cờ tiến la.
      Giáp binh kéo đến quanh nhà,
      Đồng thanh cùng gởi: Nào là phu nhân?
      Hai bên mười vị tướng quân,
      Đặt gươm cởi giáp trước sân khấu đầu.
      Cung nga thể nữ nối sau,
      Rằng: Vâng lệnh chỉ rước chầu vu quy.
      Sẵn sàng phượng liễn loan nghi,
      Hoa quan chấp chới hà y rỡ ràng.
      Dựng cờ nổi trống lên đàng,
      Trúc tơ nổi trước kiệu vàng kéo sau…


      Quả là:

      Vinh hoa bõ lúc phong trần,

      Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày.

      Đến lúc này, nàng Kiều vẫn ôm một chữ “Tình”. Tình yêu với Từ Hải càng sâu đậm bao nhiêu, thì nỗi đau khi chứng kiến Từ Hải chết giữa trận tiền càng sầu thảm bấy nhiêu! Có thể nói, trong ba đấng tình quân, thì Từ Hải là người có ân với Thuý Kiều nhất. Chàng không chỉ vớt nàng lên khỏi vũng bùn ô nhục, giúp cho nàng một bước thành phượng tiên, mà còn giúp nàng báo ân báo oán; thiết nghĩ, tột cùng hạnh phúc của đời người phụ nữ cũng chỉ như 5 năm Kiều chung sống với Từ Hải mà thôi. Để rồi cuối cùng, nàng phải khẩn khoản cầu xin Hồ Tôn Hiến cho chồng mình một doi đất con con “Gọi là đắp điếm lấy người tử sinh”. Tiếng đàn của Kiều khi thị yến dưới màn đã lột tả nỗi đau cùng cực:

      Một cung gió thảm mưa sầu,
      Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay!
      Ve ngâm vượn hót nào tày,
      Lọt tai Hồ cũng nhăn mày rơi châu.
      ..

      Trong tột cùng đau khổ, Thuý Kiều trẫm mình xuống sông Tiền Đường, những mong kết thúc kiếp đoạn trường mà nàng đã dự cảm từ hồi thơ dại. Cả một đời, nàng Kiều ôm mộng thoả một chữ Tình; ngày vui thường quá ngắn, mà nỗi đau lại quá dài.
      Chỉ để ngộ ra một điều này thôi…


      Cổ ngữ có câu: “Âm cực dương hồi, bĩ cực thái lai”, Thuý Kiều được sư Giác Duyên cứu vớt, bỗng một ngày hội ngộ tất cả người thân xưa. 15 năm xa cách, Kim Trọng vẫn dành cho nàng tình yêu nồng nhiệt. Lẽ ra, đây có thể là cái kết viên mãn cho mối tình Kim – Kiều, nhưng lạ thay, nàng miễn cưỡng nhận lời thành thân, và lựa lời từ chối chuyện gối chăn, để “Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy”. Có người hỏi, vậy cuộc hôn nhân của Thuý Kiều và Kim Trọng còn có ý nghĩa gì? Có người lại cho rằng Kiều đã đủ ê chề sau chừng ấy năm làm gái lầu xanh nên thẹn mình chẳng xứng đôi với Kim Trọng, và xót thương cho thân phận nàng. Nếu cuộc đời chỉ để thoả một chữ Tình, thì đời Kiều quả đã muôn phần thua thiệt. Vậy nhưng, Nguyễn Du viết Truyện Kiều có đơn giản chỉ để thương khóc cho những đời người con gái: “Sống làm vợ khắp người ta/ Hại thay thác xuống làm ma không chồng” hay chăng?

      Địa vị của Truyện Kiều trong lịch sử văn học Việt Nam cũng tựa hồ như địa vị của Hồng Lâu Mộng trong văn hóa Thần truyền Trung Hoa. Là một trong “Tứ đại danh tác”, Hồng Lâu Mộng thoạt nhìn ngỡ tưởng chỉ là tiểu thuyết ái tình, kể chuyện tình yêu nam nữ, nhưng thực ra chính là một hành trình giác ngộ. Hồng Lâu Mộng viết về Giả Bảo Ngọc, vốn là hòn đá ngoan cố nơi thiên thượng chuyển sinh thành người, đã mê mất bản tính như thế nào, đắm chìm trong tình cảm trai gái và tình cảm dành cho các chị em trong phủ ra sao, lại trong giấc mộng được điểm ngộ về số phận của những người phụ nữ bên cạnh mình. Lúc mới đầu, chàng không ngộ ra được, cuối cùng tận mắt chứng kiến vận mệnh bất khả kháng của mỗi từng chị em mà chàng lưu luyến, hoặc là gả chồng xa, hoặc là bệnh chết, hoặc là xuất gia, hoặc là bị mất tích, cuối cùng hiểu ra mỗi từng quyển sổ ghi chép vận mệnh mà chàng thấy trong mơ chính là điểm ngộ đối với chàng: Đời người là do Thiên định. Cuối cùng, chàng đã buông bỏ chấp trước với thế gian con người, quay trở về bản tính, đắc Đạo trở về trời. Nên mới có thơ rằng:

      Làm quan đấy, gia nghiệp điêu linh
      Phú quý đấy, bạc vàng tán tận
      Có âm đức, thấy chết lại sống
      Vô tình đấy, phân minh báo ứng
      Vay mạng đấy, ắt phải đền mạng
      Nợ nước mắt, khóc khô nước mắt
      Oan oan tương báo chớ coi thường
      Bi hoan ly hợp số định xong
      Muốn biết đời nay, xem đời trước
      Về già phú quý, thật may mắn
      Hiểu rõ đời, tiến nhập Không môn
      Còn mê mết, uổng cho một kiếp
      Thoát cõi tạm, trở về chốn cũ
      Tâm dứt hết, ấy chân thanh tịnh.


      Cuộc đời của Vương Thuý Kiều chẳng phải cũng vậy đó sao? Vì nợ nghiệp kiếp trước nên đời này có tên trong sổ đoạn trường, 15 năm chìm nổi lênh đênh có cảnh nào nàng chưa từng nếm trải? Làm gái lầu xanh, thân con hầu con ở, cho đến một người vợ hiền hạnh phúc, một hoàng hậu quyền uy… vai diễn nào nàng cũng đã đều sắm cả. Cay – đắng – ngọt – bùi chốn nhân gian cũng chỉ ngần ấy thôi, con người đến thế gian với hai bàn tay trắng, lúc ra đi cũng lại hoàn trắng tay. Ái tình dẫu thắm thiết nhường nào, sau trăm năm cũng tan thành mây khói. Vậy mà con người bao đời bao kiếp cứ đắm đuối không buông, để rồi vùng vẫy không thoát khỏi luân hồi bể khổ. Đó có lẽ mới là “nỗi đau đứt ruột” thực sự của nhân sinh. Đúng như lời Tam Hợp đạo cô, khi giải thích lý do vì sao Thuý Kiều hiếu nghĩa đủ đường mà vẫn phải chịu kiếp đoạn trường như thế:

      Sư rằng: Phúc họa đạo Trời,

      Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra.

      Có Trời mà cũng tại ta,

      Tu là cội phúc tình là dây oan.

      Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan,

      Vô duyên là phận hồng nhan đã đành,

      Lại mang lấy một chữ tình,

      Khư khư mình buộc lấy mình vào trong.

      Vậy nên những chốn thong dong,

      Ở không yên ổn ngồi không vững vàng.

      Ma đưa lối quỷ đem đường,

      Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi.

      và:

      Oan kia theo mãi với tình,

      Một mình mình biết một mình mình hay.

      Làm cho sống đọa thác đày,

      Đoạn trường cho hết kiếp này mới thôi!

      Nếu như nói “Hồng Lâu Mộng” thức tỉnh thế nhân về sự hư ảo của ái tình, thì 15 năm lưu lạc của nàng Kiều cũng chỉ là để điểm ngộ thế nhân buông bỏ một chữ ‘Tình’ ấy mà thôi. Ví như Kiều chẳng gặp cơn gia biến, sống đề huề hạnh phúc bên chàng Kim, thì trăm năm cũng chỉ như một cái chớp mắt. Hai mắt kia nhắm lại, kiếp sau ai biết ai là ai? Quả đúng là:

      Lụy chi lắm tình kia vướng vấy
      Nghĩa tào khang được mấy mươi năm?
      Chia lìa trối trối trăng trăng
      Âm dương cách biệt ai hằng theo ai…


      [Vô danh cư sỹ].

      Mỗi kiếp mỗi đời đều trôi lăn trong bể tình ái, thành bại hưng suy, vạn kiếp không thể trở về thiên thượng. Nhờ chịu khổ chịu nạn, Thuý Kiều cuối cùng đã giác ngộ sự huyễn ảo của ái tình, buông bỏ chấp trước dục tình, thân trong thế tục nhưng tâm đã ra ngoài thế tục.

      Cũng như bài thơ trong Tây Du Ký:

      Ngày tháng trăm năm tựa bóng câu,
      Đời người, bọt nước khác gì đâu.
      Sớm còn thắm đỏ đôi gò má,
      Chiều đã bạc phơ nửa mái đầu.
      Giấc điệp tàn rồi, đời ảo cả,
      Cuốc kêu da diết hãy quay đầu.
      Xưa nay làm phúc đều tăng thọ,
      Ở thiện trời thương, lọ phải cầu.

      Hãy hướng về phía mặt trời mọc bóng tối sẽ khuất sau lưng anh.

      Comment

      • #4

        Tụng Tây Hồ phú


        Nguyễn Huy Lượng

        Lạ thay cảnh Tây Hồ;
        Lạ thay cảnh Tây Hồ.

        Trộm nhớ thuở đất chia chín cõi;
        Nghe rằng đây đá mọc một gò.

        Trước Bạch Hồ vào ở đó làm hang, long vương trở nên vùng đại trạch;
        Sau Kim Ngưu do vào đây hoá vực, Cao vương đào chặn mạch hoàng đô.

        Tiếng nghe gọi Dâm Đàm, Lãng Bạc;
        Cảnh ngó in tinh chử, băng hồ.

        Sắc dờn dờn nhuộm thức lam xanh, ngỡ động bích nổi lên dòng lẻo lẻo;
        Hình lượn lượn uốn vòng câu bạc, tưởng vầng ngân rơi xuống mảnh nhò nhò.

        Dư nghìn mẫu nước trời lẫn sắc;
        Trải bốn bên hoa cỏ nhiều mùa.

        Áng đất phơi mỏ phượng còn in, kẻ rằng đài thượng nguyệt;
        Vũng nước hút hàm rồng chẳng cạn, người gọi trản trung tô.

        Toà thạch tháp nọ nơi tiên để báu;
        Chốn thổ đôi kia chỗ khách chôn bùa.

        Đền Mục Lang hương lửa chẳng rời, tay lưới phép còn ghi công bắt hổ;
        Quán Chân Võ nắng mưa nào chuyển, lưỡi gươm thiêng còn để tích giam rùa.

        Kề bến nọ quán Thiên Niên lớp lớp;
        Cách ngàn kia ghềnh Vạn Bảo nhấp nhô.

        Toà kim liên sóng nổi mùi hương, chùa Trấn Quốc tưởng in vùng tĩnh phạn;
        Hàng cổ thụ gió rung bóng lục, tràng Phụng Thiên nhận sẵn thú Nghi Vu.

        Dấu Bố Cái rêu in nền phủ;
        Cảnh Bà Đanh hoa khép cửa chùa.

        Trông mơ màng dường đỉnh Thứu nơi kia, vài tổ thước cuối làng kêu chích chích;
        Nghe phảng phất ngỡ động đào mái nọ, mấy tiếng gà trong trại gáy o o.

        Lò Thạch Khối khói tuôn nghi ngút;
        Ghềnh Nhật Chiêu sóng giật ỳ ồ.

        Rập rềnh cuối bãi Đuôi Nheo, thuyền thương khách hãy chen buồm bươm bướm;
        Thanh lảnh đầu hồ Cổ Ngựa, tháp cao tăng còn hé cửa tò vò.

        Chày Yên Thái nện trong sương chểnh choảng;
        Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co.

        Liễu bờ kia bay tơ biếc phất phơ, thoi oanh ghẹo hai phường dệt gấm;
        Sen vũng nọ nảy tiền xanh lác đác, lửa đóm ghen năm xã gây lò.

        Cầm ve gảy lầu thư ánh ỏi;
        Mõ cuốc khua án kệ rì rù.

        Gò Châu Long khi ngọn gió đưa quanh, hồi thú cổ thẳng kề bên mái trúc;
        Non Phục Tượng lúc vầng trăng hé nửa, tiếng hàn châm nghe cách dải sông Tô.

        Người ngoạn cảnh thẩn thơ đòi đoạn;
        Khách thâu nhàn lai láng từng khu.

        Mảnh áo tơi lớp xớp trong mưa, ca thanh thảo quyến đàn trâu ngã Nịnh;
        Con thuyền trúc lân la trước gió, khúc thương lang đưa gánh củi chàng Chu.

        Vầy cuộc ẩn mọi nghề chẳng thiếu;
        Mượn thú vui bốn bạn gồm no.

        Cảnh Khán Sơn chưa gác cuộc cờ, lòng thơ đã bồi hồi ban lãnh thỏ;
        Làng Vọng Thị còn đông tiệc rượu, tiếng cầm đà não nuột buổi tà ô.

        Khách Ngô Sở chợ tây ngồi san sát;
        Người Hi Hoàng song bắc gáy phi pho.

        Bến giặt tơ người vốc nước còn khuya, gương thiềm đựng trong tay lóng lánh;
        Vườn hái nhị kẻ dày sương hãy sớm, túi xạ rơi dưới gót thơm tho.

        Ngang thành thị ghé yên hà một thú;
        Dọc phố phường tung phong nguyệt hai kho.

        Gió hiu hiu dòng Nhị Thuỷ đưa lên, lồng hơi mát tới chùm hoa khóm trúc;
        Trăng vằng vặc mái Tam Sơn rọi xuống, đớp bóng trong từng lũ cá đàn cò.

        Phong cảnh cũ nhiều nơi thắng lãm;
        Triều đại xưa mấy lớp thanh ngu.

        Tựa bóng hoa đặt quán Quan ngư kìa đời Long Khánh;
        Đè mặt sóng đem đường Dụ tượng nọ thuở Kiền Phù.

        Trải Trần trước đã nhiều phen xe ngựa;
        Tới Lê sau càng lắm độ tán dù.

        Trộm nhớ thiên bát vịnh du hồ, trong tỉ hứng cũng ngụ lời quy phúng;
        Lại nhớ khúc liên ngâm thưởng nguyệt, lúc tiếu đàm dường thoả ý giao phu.

        Toà đá nọ hãi ghi câu canh hoạ;
        Dòng nước kia dường nổi chén tạc thù.

        Năm sau từ nổi bụi tiêu tường, ba thước nước khôn cầm màu hiệu khiết;
        Buổi ấy cũng góp phần tang hải, sáu thu trời bao xiết nỗi hoang khô.

        Hình cây đá mưa trôi gió giạt;
        Sắc hoa chim mây vẩn sương mù.

        Chốn trì đàm làm bợn vẻ thanh quang, xuôi ngược những vẫy đuôi khoa đẩu;
        Nơi phạm vũ để che màu sảng lãng, dọc ngang trao mắc võng tri thù.

        Hương cổ miếu đôi chòm lạnh lẽo;
        Đèn viễn thôn mấy ngọn tù mù.

        Kênh đâu đâu chảy đến trung sa. lầu túc điểu gió còn sớm quạt;
        Sen chốn chốn đã bay về Tây vực, vũng du ngư nguyệt hãy tối mò.

        Kêu trị loạn đau lòng con Đỗ Vũ;
        Gọi công tư mỏi miệng cái hà mô.

        Lũ cày mây lần tưởng bóng nghê, thơ thất nguyệt thở than cùng mục thụ;
        Khách điếu nguyệt biếng tìm tăm cá, chữ nam mô bàn bạc với tiều phu.

        Nghe xóm nọ rù rì ve nhặng;
        Ngắm ghềnh kia thấp thoáng trai cò.

        Thú cao lưu chếch mác thế cờ, người nhạo thuỷ ôm cầm khi rạng quế;
        Màu yên cảnh bâng khuâng hồn rượu, khách đăng đài gác bút buổi bay ngô.

        Chiều phong vị xem dường quạnh quẽ;
        Dấu đồ thư ngắm hãy mơ hồ.

        Dưới cầu vồng nước chảy mênh mông, đường xưa đua ngựa;
        Trên thành trĩ đá xây chớm chởm, bến cũ gọi đò.

        Trước cố cung treo nửa mảnh gương loan, vầng trăng he hé;
        Sau cổ tự gởi mấy phong da ngựa, đám cỏ lù rù.

        Lớp canh dịch người xưa man mác;
        Vẻ tiêu lương cảnh cũ thẹn thò.

        Áng phồn hoa vì cảnh muốn phô người, người phải khi vật đổi sao rời, cảnh phải chiều người buổi ấy;
        Trời thanh lãng có người còn mến cảnh, cảnh có sẵn nước trong trăng sáng, người nên phụ cảnh này ru.

        Vừng trăng nọ buổi tròn buổi khuyết;
        Ngọn nước kia nơi hoắm nơi nhô.

        Tới Mậu Thân từ rỡ vẻ tường vân, sông núi khắp nhờ công đãng địch;
        Qua Canh Tuất lại tưới cơn thời vũ, cỏ cây đều gội đức chiêm nhu.

        Vũng trì chiểu nước dần dần lặng;
        Nơi đình đài hoa phơi phới đua.

        Chốn bảy cây còn mấy gốc lăng vân, chẳng tùng bách cũng khoe hình thương lão;
        Nơi một bến đã đông đoàn hí thuỷ, tới uyên ương đều thoả tính trầm phù.

        Vẻ hoa thạch châu thêu gấm dệt;
        Tiếng trùng cầm ngọc gõ vàng khua.

        Bãi cỏ non trâu thả ngựa buông, nội Chu đã lắm người ca ngợi;
        Làn nước phẳng kình chìm ngạc lặn, ao Hán nào mấy trẻ reo hò.

        Mặt đất đùn này thóc này rau, rầu lòng Cô Trúc;
        Mặt nước chảy nọ dòng nọ bến, mặc chí Sào Do.

        Cây quán kia còn đứng dậy thần uy, đoàn mán tới dám khoe lời tây hữu;
        Sen chùa nọ lại bay về phật cảnh, lũ Ngô về từng niệm chữ nam mô.

        Dấu linh dị rành rành vẫn sáng;
        Mạch hậu nhân dằng dặc bao rò.

        Mặt thành xưa đem lại thế kim thang, đất xây phẳng lặng;
        Cánh hàn cũ sửa ra hình chỉ trụ, đá xếp xô bồ.

        Ghé vùng danh nẻo lợi bấy lâu, cảnh tuy rằng nhỏ;
        Song nước trí non nhân mấy chốn, cảnh đã chi thua.

        Trải mấy thu từng dựa bóng tàn xanh, thâu cảnh đã vào trong vũ trụ;
        Song ngàn dặm còn xa rời bệ tía, góp cảnh còn gọi chốn biên ngu.

        Tuy thú vị đã dãi bày ra đó;
        Song thanh dung còn trang điểm lại cho.

        Nay mừng:
        Trời phù chính thống;
        Đất mở hoành mô.

        Quyền tạo hoá tóm vào trong động tác;
        Khí kiền khôn vận lại trước đô du.

        Nền hoàng thành đặt vững long biên, ngôi Bắc cực muôn phương đều củng hướng;
        Nền bắc trạch xây kề ngưu chử, cảnh Tây Hồ trăm thức lại phương phu.

        Chòm hủ thảo chưa qua tuần đom đóm;
        Áng tường vân đà cách độ tua rua.

        Ngắm nguyệt chiêm từ cấn tượng bốn hào, ống âm dương đà quét bụi;
        Xem tuế luật đến di tân bảy tấc, lò thiên địa mới bay tro.

        Cơ vãng phục lạnh thôi lại ấm;
        Lẽ doanh thâu bớt đã lại bù.

        Dưới lục âm vừa sinh khí nhất dương, vạn phẩm đã nhờ ơn khôn tạo;
        Trên cửu đạo lại tề ngôi thất chính, bốn mùa đều theo hướng đẩu khu.

        Hương khâm kính xâm miền hạo đãng;
        Rượu cung càn thấm cõi linh u.

        Áng năm mây bày ngọc bạch đôi hàng, thảo mộc hãy ca công Thang, Vũ;
        Vang chín bệ nổi tiêu thiều mấy khúc, điểu thú đều vũ đức Đường, Ngu.

        Vẻ hoa lẫn dấu cờ năm thức;
        Mặt nước in bóng giáo ba ngù.

        Trước huân phong phảng phất cung đàn, làn thâm thuỷ muốn vái lên ngũ bái;.
        Dưới ngọ nhật vang lừng tiếng trúc, hình viễn sơn mong rạp xuống tam hô.

        Lễ nhạc ấy nghìn thu ít thấy;
        Phong cảnh này mấy thuở nào so.

        Trên dưới đều rồng mây các nước phải duyên, giọt vũ lộ tưới đôi hàng uyên lộ;
        Gần xa cũng cõi bờ non sông một mối, tấm đan thành dung khắp lũ nghiêu sò.

        Hơi yêu mị quét dưới cờ thanh đạo;
        Áng tường quang tuôn trước ngọn huyền lô.

        Rặng đầu ghềnh người mượn chữ vu viên, răn loài hồng nhạn;
        Ca cuối vũng kẻ ngâm câu tại chử, nhủ lũ ê phù.

        Lời ca ngợi tưởng ngồi trong Chu nhã;
        Điệu ngâm nga nghe đứng giữa Nghiêu cù.

        Ngẫm nay đà vui thú tạc canh, đành chốn chốn cũng ca đồng vũ tẩu;
        Nhớ trước đã thoả loài động thực, hẳn đâu đâu đều bặt quỷ im hồ.

        Nay lệnh tiết đã tin điềm thái lãng;
        Xin thánh nhân càng ghín chữ dự du.

        Ngọn nguồn tuôn dàn rụa mái kia ghềnh, đèn chiếu thuỷ chia dòng Kinh Vị;
        Chòm cỏ mọc tần vần bên nọ miếu, trống thôi hoa rẽ khóm huân do.

        Nhận giá sắc xét dân phong cần noạ;
        Ngắm phong quang soi vật tính thanh ô.

        Chốn điểu đài xem cá nhảy chim bay, thâu sĩ lộ nơi thông nơi trệ;
        Miền thôn ổ lắng chim kêu gà gáy, lượng nhân gian nơi háo nơi trù.

        Tình u uẩn khắp bày trong thị thính;
        Hiệu trị bình đành sắp dưới tề tu.

        Nơi mạch kia dân tựa ấy làm trời, hang chuột ẩn há chừa nơi cỏ khuất;
        Bờ liễu nọ kẻ xây đà vững đất, lỗ kiến đùn khôn chuyển buổi nguồn xô.

        Đem phong cảnh lại một bầu chi nhỏ;
        Mở thái bình ra bốn bể mới to.

        Tôi nay:
        Hổ mình thiển lận;
        Dại trí thô sơ.

        Dư một kỷ yên bề hu lịch;
        Ngoài năm tuần thẹn bóng tang du.

        Trước phượng đàn đứng sánh hàng loan, trông hồ cảnh tiến một chương ly ngữ;
        Bên ngự đạo ngửa trông vầng nhật, nổi thanh sơn mừng muôn kỷ dao đồ.
        Hãy hướng về phía mặt trời mọc bóng tối sẽ khuất sau lưng anh.

        Comment

        Working...
        X
        Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom