• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Nguyễn Bính

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Nguyễn Bính

    Tên thật là Nguyễn Trọng Bính, sinh năm 1918 tại làng Thiện Vinh, huyện Vụ Bảng, tỉnh Nam Định (nay là Hà Nam Ninh). Ông mồ côi mẹ từ nhỏ, tự học ở nhà, bắt đầu làm thơ từ năm 13 tuổi.

    Nguyễn Bính được giải khuyến khích thơ của nhóm Tự Lực Văn Đoàn năm 1937 với tập thơ Tâm Hồn Tôi.

    Ông tham gia kháng chiến chống Pháp tại Nam Bộ, tập kết ra Bắc năm 1954, làm việc tại Hội văn nghệ Việt Nam, Ty văn hóa thông tin Nam Hà. Năm 1958, Nguyễn Bính làm chủ bút báo Trăm Hoa.

    Ông mất ngày 20 tháng 1 năm 1966 tại Hà Nội.

    Tác phẩm tiêu biểu: các tập thơ Lỡ Bước Sang Ngang (1940), Tâm Hồn Tôi (1940), Hương Cố Nhân (1941), Mây Tần (1942), Người Con Gái Ở Lầu Hoa (1942), Tình Nghĩa Đôi Ta (1960), Tuyển Tập Nguyễn Bính (1984); kịch thơ Bóng Giai Nhân (1942); truyện thơ Truyện Tỳ Bà (1944)...

    Thơ Nguyễn Bính "chân quê": giản dị, mộc mạc, nhẹ nhàng, trong sáng, và hồn nhiên như ca dao trữ tình. Ông viết về làng quê qua lăng kính tình cảm lãng mạn, biểu lộ một tình quê, một hồn quê chân tình và gần gũị Giáo Sư Lê Đình Kỵ có nhận xét về thơ Nguyễn Bính: "Nổi bật lên ở Nguyễn Bính là ca dao, ở cảm xúc lẫn tư duy, ở cả ý, tình, và điệu..."


    Trích: Tuyển Tập Nguyễn Bính, NXB Văn Học, Hà Nội, 1984.


    ----------------- ************* ------------------


    Tương Tư

    Thi Sĩ Nguyễn Bính

    Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
    Một người chín nhớ mười mong một người,
    Gió mưa là bệnh của trời,
    Tương Tư là bệnh của tôi yêu nàng,
    Hai thôn chung lại một làng,
    Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này,
    Ngày qua ngày lại qua ngày,
    Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng,
    Bảo rằng cách trở đò ngang,
    Không sang là chẳng đường sang đã đành,
    Nhưng đây cách một đầu đình,
    Có xa xôi mấy mà tình xa xôi,
    Tương tư thức mấy đêm rồi,
    Biết cho ai hỏi ai người biết cho,
    Bao giờ bến mới gặp đò,
    Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau,
    Nhà em có một giàn trầu,
    Nhà tôi có một hàng cau liên phòng,
    Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,
    Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào.
    Phương - Y!M: ilydnv
    Similar Threads
  • #46

    ..::~Trích dẫn nguyên văn bởi Uất Kim Hương View Post
    Thơ thì tả 2 con ngưa...gầy. Mít lại đem khoe 2 con bò mộng to ù! Í ẹ, Mít đi đo độ mắt lại đi. Một là cận hai là...loạn rồi mà hong biết đó

    Mít làm chị nhớ lại hề Bảo Quốc trong tuồng "tiếng trống Mê linh" lúc anh chàng đi ghẹo gái, lại ghẹo nhằm bà già đang che một cái quạt "khổ lòng"
    -Bà ơi, bà già rồi bà đi ra đường làm chi cho con cháu nó chọc nó mang tội!

    Hahaha...Chỉ e rằng Mít nhà ta bị...cận thì phải chữa...cháy như Bảo Quốc thôi hè!
    -Bà ơi, bà già rồi bà ra đường làm răng, cho con cháu nó lỡ làm răng thì tội hắn lắm bà hỉ!

    Comment

    • #47

      ..::~Trích dẫn nguyên văn bởi Uất Kim Hương View Post
      Thơ thì tả 2 con ngưa...gầy. Mít lại đem khoe 2 con bò mộng to ù! Í ẹ, Mít đi đo độ mắt lại đi. Một là cận hai là...loạn rồi mà hong biết đó

      Mít làm chị nhớ lại hề Bảo Quốc trong tuồng "tiếng trống Mê linh" lúc anh chàng đi ghẹo gái, lại ghẹo nhằm bà già đang che một cái quạt "khổ lòng"
      -Bà ơi, bà già rồi bà đi ra đường làm chi cho con cháu nó chọc nó mang tội!

      Hahaha...Chỉ e rằng Mít nhà ta bị...cận thì phải chữa...cháy như Bảo Quốc thôi hè!
      -Bà ơi, bà già rồi bà ra đường làm răng, cho con cháu nó lỡ làm răng thì tội hắn lắm bà hỉ!
      Tưng bừng vua mở khoa thi
      Tôi đỗ quang trạng vinh quy về làng
      Võng anh đi trước võng nàng
      Cả hai chiếc võng cùng sang một đò
      Đồn rằng đám cưới Cô to
      Nhà trai thuê đến 2 bò... đón dâu
      Đã chỉnh sửa bởi M Mít Đặc; 25-06-2010, 03:48 PM.
      Tôi khám phá ra bí mật của đại dương khi suy niệm về một giọt sương mai.

      Comment

      • #48

        ..::~Trích dẫn nguyên văn bởi M Mít Đặc View Post
        Tưng bừng vua mở khoa thi
        Tôi đỗ quang trạng vinh quy về làng
        Võng anh đi trước võng nàng
        Cả hai chiếc võng cùng sang một đò
        Đồn rằng đám cưới Cô to
        Nhà trai thuê đến 2 bò... đón dâu
        Rớt! Mít đi thi kiểu này thì rớt là cái chắc, làm sao đỗ được đến Trạng nguyên? Hỏi một đường trả lời một nẻo. Nhìn con ngựa ra con bò! Nhìn gà thì ra cuốc! Nhìn con gái hóa con…trâu! Giời ạ! Mít ơi, đang bị tẩu hỏa nhập ma hả? Có cần cao nhân trị giùm cho không?Hương Bình ơi, về pha thuốc đặc trị cái bệnh nhớ nhớ quên quên cho Mít nè! Lẹ lên nha để lâu hết...thuốc chữa nè!
        Nghe Bà Ngoại chị kể, mấy người bị như vậy phải dùng roi dâu da để quất đó. Roi dâu thì ốm bằng cây tăm, người có võ như Mít đâu có thấm. Cẩn thận nha Hương Bình, Mít mà cáu lên là đá song phi chết oan lắm đó! Dùng roi...điện là chắc ăn nhứt!
        Đã chỉnh sửa bởi Uất Kim Hương; 26-06-2010, 02:07 AM.

        Comment

        • #49

          ..::~Trích dẫn nguyên văn bởi M Mít Đặc View Post


          Mùa Xuân Xanh

          Mùa xuân là cả một mùa xanh
          Giời ở trên cao, lá ở cành
          Lúa ở đồng tôi và lúa ở
          Đồng nàng và lúa ở đồng anh
          Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh
          Tôi đợi người yêu đến tự tình
          Khỏi luỹ tre làng tôi nhận thấy
          Bắt đầu là cái thắt lưng xanh

          NGUYỄN BÍNH




          .
          ----------------------------

          Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

          Comment

          • #50


            ..::~Trích dẫn nguyên văn bởi Ngocanh.online View Post
            Hi, bạn Vertumnus.Tks bạn đã chỉ dẫn. Trong chủ đề này tôi muốn post tặng bạn một bài thơ của Nguyễn Bính, một trong những nhà thơ Việt Nam mà tôi thích nhất. Hy vọng bạn sẽ thích vì bài này cũng liên quan đến tuổi học trò.

            TRƯỜNG HUYỆN.

            .........................................Nguyễn Bính.

            Học trò trường huyện ngày năm ấy.
            Anh bằng tuổi em lứa tuổi thơ.

            Những buổi học về không có nón.
            Đầu đội chung một lá sen to.

            Lá sen vương vấn hương sen ngát.
            Ấp ủ hai ta chút nhuỵ hờ.
            Lũ bướm tưởng hoa cài mái tóc.
            Theo về tận cửa mới tan mơ.

            Em ơi phố huyện tiêu điều lắm.
            Trường huyện giờ xây kiểu khác rồi.
            Mà đến bây giờ anh mới hiểu.
            Tình ta như chuyện bướm xưa thôi.

            .
            ----------------------------

            Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

            Comment

            • #51

              MƯA XUÂN (II)


              Chiều ấm mùi hương thoảng gió đưa
              Tà tà mưa bụi rắc thưa thưa
              Cây cam cây quít cành giao nối
              Lá ngửa lòng tay hoa đón mưa.


              Nào ai nhìn thấy rõ mưa xuân ?
              Tơ nhện vừa giăng sợi trắng ngần
              Bươm bướm cứ bay không ướt cánh
              Người đi trẩy hội tóc phơi trần.


              Đường mát da chân lúa mát mình
              Đôi bờ cỏ dại nở hoa xanh
              Gò cao đứng sững trâu bềnh bụng
              Nghếch mõm nghe vang trống hội đình.


              Núi lên gọn nét đá tươi màu
              Xe lửa về Nam chạy chạy mau
              Một toán cò bay là mặt ruộng
              Thành hàng chữ nhất trắng phau phau.


              Bãi lạnh bờ dâu sẫm lá tơ
              Làng bên ẩm ướt giọng chuông mờ
              Chiều xuân lưu luyến không đành hết
              Lơ lững mù sương phảng phất mưa.


              1958
              "ĐỪNG HỎI TỔ QUỐC ĐÃ LÀM GÌ CHO BẠN
              HÃY TỰ HỎI BẠN ĐÃ LÀM GÌ CHO TỔ QUỐC"

              Comment

              • #52

                .

                Mưa xuân

                Nguyễn Bính
                Em là con gái trong khung cửi
                Dệt lụa quanh năm với mẹ già.
                Lòng trẻ còn như vuông lụa trắng
                Mẹ già chưa bán chợ làng xa.

                Bữa ấy, mưa xuân phơi phới bay,
                Hoa xoan lớp lớp rụng rơi đầy.
                Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ,
                Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”.

                Lòng thấy giăng tơ một mối tình
                Em ngừng thoi lại giữa tay xinh
                Hình như hai má em bừng đỏ
                Có lẽ là em nghĩ tới anh…

                Bốn bên hàng xóm đã lên đèn
                Em ngửa bàn tay trước mái hiên,
                Mưa chấm tay em từng chấm lạnh,
                Thế nào anh ấy chẳng sang xem

                Em xin phép mẹ, vội vàng đi
                Mẹ bảo xem về kể mẹ nghe,
                Mưa bụi nên em không ướt áo,
                Thôn Đoài cách có một thôi đê.

                Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm
                Em mải tìm anh chả thiết xem
                Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh
                Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em

                Mình em lầm lũi trên đường về,
                Có ngắn gì đâu một dải đê
                áo mỏng che đầu, mưa nặng hạt
                Lạnh lùng em tủi với canh khuya.

                Bữa ấy, mưa xuân đã ngại bay
                Hoa xoan đã nát dưới chân giầy
                Hội chèo làng Đặng ngang ngõ
                Mẹ bảo: “Mùa xuân đã cạn ngày”

                Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày
                Bao giờ em mới gặp anh đây?
                Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ
                Để mẹ bảo rằng: “Hát tối nay!”

                ***


                Ngày xuân nói chuyện “Mưa xuân” trong thơ Nguyễn Bính



                (VOV) - Nói đến mùa xuân, đến tết cổ truyền của dân tộc, thì không thể không nhắc đến mưa xuân. Có ai trong chúng ta, dù xa quê hương đã lâu, không quên được cái tiết của ngày ấy.

                Cả đất trời ong óng, biêng biếc, được bao trùm trong một làn sương khói lững lờ, e ấp quấn quít nơi vòm cây, mái phố. Và ta nghe ở đâu đó, trong xa thẳm, trong mỗi thân cây, gốc rạ, trong cảnh vật quen thuộc, từng tiếng động rất khẽ. Rất khẽ. Phải mùa xuân đang về hay tiếng cựa mình của đất đai sau một mùa đông giá rét, tiếng động của chồi non đầu tiên nhú trên cây?. Trùm lên tất cả bức tranh yên ấm ấy là một làn mưa bụi mỏng li ti. Giăng giăng khắp ao chuôm, đồng, bãi. Mưa không đủ làm ướt áo, ướt đầu.

                Năm mươi năm trước, trong một ngày sương khói như vậy, thi sĩ “chân quê” Nguyễn Bính đã ghi lại một cách tuyệt với cảnh sắc ấy trong bài “Mưa xuân” của mình. Trong toàn bài hình ảnh mưa xuân được nhắc đến 5 lần, và trong cái thanh bình yên ả của một làng quê cổ miền Bắc, mưa xuân hiện ra như một nhân vật có tâm hồn, từng lúc buồn vui, đồng cảm với người thôn nữ lần đầu yêu.
                Khổ đầu của bài thơ mở ra như cánh màn nhung từ từ kéo lên, kể về câu chuyện mộc mạc nơi làng quê:
                Em là con gái trong khung cửi
                Dệt lụa quanh năm với mẹ già.
                Lòng trẻ còn như vuông lụa trắng
                Mẹ già chưa bán chợ làng xa.

                Phải nói rằng, những câu thơ Nguyễn Bính thật “tầm vóc” (chữ của nhà văn Tô Hoài). Ta có cảm giác như đang ngồi trước sân khấu. Cảnh êm đềm của hai mẹ con đang ngồi bên nhau, âu yếm đùm bọc trong thế giới riêng. Đêm đêm, những ngón tay xinh xắn của cô thôn nữ lướt trên khung cửi và cô ngồi trong ánh mắt dịu dàng, che chở, đùm bọc của bà mẹ. Mặc ngoài kia ong bướm đi về. Lòng trẻ còn trong trắng, thơm ngát.
                Thế nhưng cái thế giới riêng nhỏ bé ấy, thâm nghiêm và kín cổng cao tường đó, một hôm bị xao động. Cái ngày có biến động được đánh dấu bằng sự hiện diện của mưa xuân.
                Bữa ấy, mưa xuân phơi phới bay,
                Hoa xoan lớp lớp rụng rơi đầy.
                Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ,
                Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”.

                Mưa xuân xuất hiện lần đầu trong bài thơ và cũng là mưa đầu xuân nên… “phơi phới bay”. Như tâm hồn của ai vậy. Tô điểm cho không khí rạo rực của những ngày đầu Xuân không phải là hoa đào tươi thắm, không phải là lay ơn sang trọng mà chỉ là hoa xoan. Hoa xoan khiêm tốn giản dị, không cầu kỳ phô trương sắc đẹp, biểu tượng của nông thôn Việt Nam. Hoa xoan và đom đóm tháng 3, có ai quên được?
                Giữa cái khung cảnh nên thơ ấy, ngoài mưa xuân phơi phới, đất trời tươi tắn, trên làng dưới xóm rộn rã tết, những sắc hoa xoan tím rải rác, thì người mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”. Lòng nào mà ngồi cho yên được. Nên cô bé của chúng ta bỗng:
                Lòng thấy giăng tơ một mối tình
                Em ngừng thoi lại giữa tay xinh

                Mẹ có cấm thì… mặc. Em đâu có lỗi. Những ngón tay búp măng, xinh xắn, mảnh dẻ của cô bé hơi run rẩy trên khung cửi cùng với trái tim nhỏ thầm đập hồi hộp sau làn áo mỏng.
                Hình như hai má em bừng đỏ
                Có lẽ là em nghĩ tới anh…

                Không, chưa có gì!… mới chỉ là “hình như” thôi.
                Sau cái cảnh mưa bụi bay, hoa xoan rụng đầy đất, hội chèo đi qua ngõ, và khi nhân tố “anh” xuất hiện thì cô bé không còn tĩnh tâm được nữa. Chuyện tình tiếp tục:
                Bốn bên hàng xóm đã lên đèn
                Em ngửa bàn tay trước mái hiên,
                Mưa chấm tay em từng chấm lạnh,
                Thế nào anh ấy chẳng sang xem

                Nguyễn Bính đã tạc qua từng ấy thời gian hình ảnh cô thôn nữ ngửa tay, hứng từng hạt mưa bụi, dưới làn áo mỏng, trái tim run rẩy. Em đâu cầu xin số phận:
                Em xin phép mẹ, vội vàng đi
                Mẹ bảo xem về kể mẹ nghe,
                Mưa bụi nên em không ướt áo,
                Thôn Đoài cách có một thôi đê.

                Em ra đi vào đám hội. Hơi vội. Lòng tràn đầy hy vọng, vì… “thế nào anh ấy chẳng sang xem”. Mẹ già không nghi ngờ “vuông lụa trắng” của mình, nên chỉ dặn: “xem về kể mẹ nghe”.
                Mưa xuất hiện lần này là “mưa bụi”. Mưa xuân dường như cũng đồng loã với cô bé. Nhưng tại sao cô không lo ướt đầu, mà chỉ lo ướt áo? ấy là vì còn để khoe bộ cánh mới, để làm đỏm với người tình. ướt đầu cũng được, chứ ướt áo thì gay. Mà có xa xôi gì đâu: “Thôn Đoài cách có một thôi đê”. Nếu viết là: Cách một con đê, một quãng đê, một khúc đê… thì câu này coi như hỏng. Cái cô bé của năm xưa, áo tứ thân, răng đen thì phải nói là “một thôi đê”, nghe mới thú. Từ “thôi đê” đã lâu không được dùng, lần này vang lên trong thơ Nguyễn Bính nghe rất “đã”. “Thôi đê”, có nghĩa là cũng gần thôi. Đi đến với người yêu thì xa mấy cũng gần. Đêm hội diễn ra thật náo nhiệt:
                Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm
                Em mải tìm anh chả thiết xem
                Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh
                Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em

                Lễ hội hay như vậy mà cô chả thiết xem. Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em, còn em thì mải tìm… ai.
                Lời thơ mộc mạc, chân thành, tha thiết như mối tình của cô gái quê:
                Chờ mãi anh sang, anh chả sang,
                Thế mà hôm nọ hát bên làng,
                Năm tao bẩy tiết anh hò hẹn
                Để cả mùa xuân cũng bẽ bàng

                Chờ mãi mà người ấy không đến. Thế rồi cô ra về, con đường cũ giờ đây dài dằng dặc:
                Mình em lầm lũi trên đường về,
                Có ngắn gì đâu một dải đê
                áo mỏng che đầu, mưa nặng hạt
                Lạnh lùng em tủi với canh khuya.

                Không khấp khởi, hớn hở như lúc đi. Âm thầm giữa canh khuya. Mưa xuất hiện lúc này không còn là mưa bụi dịu dàng nữa, mà có phần gay gắt: “Mưa nặng hạt”. Mưa cũng có hồn tựa một nhân vật xuất hiện theo từng lớp truyện. Và cô bé không che đầu bằng ô, che đầu bằng một vật gì đó, tàu lá chẳng hạn, mà “áo mỏng che đầu”. Hình tượng cô gái lấy tà áo che đầu cho khỏi ướt có cái gì rất dân dã, mộc mạc. Không gặp được người ấy, thì bây giờ ướt áo có làm sao.
                Cuối cùng, mưa xuân và hoa xoan lại xuất hiện khi câu chuyện khép lại, hội chèo làng Đặng ra về qua ngõ:
                Bữa ấy, mưa xuân đã ngại bay
                Hoa xoan đã nát dưới chân giầy
                Hội chèo làng Đặng ngang ngõ
                Mẹ bảo: “Mùa xuân đã cạn ngày”

                Những hạt mưa không còn bay nữa. Hoa xoan nát dưới chân giầy. Mùa xuân dường như vô tình với em. Đời con gái là bao, mà sao mùa xuân đã sớm cạn ngày? Cô gái thầm hỏi và hy vọng:
                Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày
                Bao giờ em mới gặp anh đây?
                Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ
                Để mẹ bảo rằng: “Hát tối nay!”

                Bao giờ mưa bụi bay lần nữa để cho em vội vàng xin phép mẹ ra đi?
                Ngày hôm nay, nhà thơ đã trở thành người thiên cổ, thiếu nữ năm xưa chắc tóc đã trắng phau vì nhuộm “nước thời gian”. Mùa xuân này, mưa bụi bay, bà cụ vẫn ngồi sưởi bên bếp sưởi, hơ bàn tay nhăn nheo, cặp mắt như nước, người già có nhớ không cái đêm hội năm xưa ở bên Đoài? Xuân này đứa cháu gái cụ tuổi cập kê cũng đang đến chỗ hẹn. Cô có gặp may hơn không?

                Mà thôi, mưa xuân đang phơi phới bay, tôi cũng muốn ngửa lòng bàn tay trước mái hiên để còn vội vàng… Mưa bụi bay…


                Nguyễn Thiên Việt
                Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 27-06-2010, 06:10 PM.
                ----------------------------

                Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

                Comment

                • #53

                  Bác CO lưu ý nha , sao mà nhà thơ nào em thích bác cũng "cạnh tranh" vậy ta. Hihihihihi. Bày này hay lắm bác nè.


                  QUAN TRẠNG


                  Quan Trạng đi bốn lọng vàng
                  Cờ thêu tám lá qua làng trang nghiêm
                  Mọi người hớn hở ra xem
                  Chỉ duy có một cô em chạnh buồn.
                  Từ ngày cô chửa thành hôn
                  Từ ngày anh khóa hãy còn hàn vi.
                  Thế rồi vua mở khoa thi,
                  Thế rồi quan Trạng vinh quy qua làng...

                  "ĐỪNG HỎI TỔ QUỐC ĐÃ LÀM GÌ CHO BẠN
                  HÃY TỰ HỎI BẠN ĐÃ LÀM GÌ CHO TỔ QUỐC"

                  Comment

                  • #54

                    ..::~Trích dẫn nguyên văn bởi Ngocanh.online View Post
                    Bác CO lưu ý nha , sao mà nhà thơ nào em thích bác cũng "cạnh tranh" vậy ta. Hihihihihi. Bày này hay lắm bác nè.


                    QUAN TRẠNG


                    Quan Trạng đi bốn lọng vàng
                    Cờ thêu tám lá qua làng trang nghiêm
                    Mọi người hớn hở ra xem
                    Chỉ duy có một cô em chạnh buồn.
                    Từ ngày cô chửa thành hôn
                    Từ ngày anh khóa hãy còn hàn vi.
                    Thế rồi vua mở khoa thi,
                    Thế rồi quan Trạng vinh quy qua làng...





                    ...chỉ là bác " nhắc chừng " cho NAOL lôi ra từ trí nhớ của mình trước khi " mải vui quên bớt..." thôi í mà !

                    gửi Ngọn nến của Phú Quang xong là bác rút nhé , bác dạo qua nơi khác...Chào NAOL.
                    Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 29-06-2010, 09:09 AM.
                    ----------------------------

                    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

                    Comment

                    • #55




                      Xóm Ngự Viên


                      Lâu nay có một người du khách
                      Gió bụi mang về xóm Ngự Viên
                      Giậu đổ dây leo suồng sã quá
                      Hoa tàn con bướm cánh nghiêng nghiêng
                      Buồn thu rơi nhẹ đôi tờ lá
                      Xóm vắng rêu xanh những lối hèn
                      Khách du lần giở trang hoài cổ
                      Mơ lại thời xưa xóm Ngự Viên.

                      Có phải ngày xưa vườn Ngự uyển
                      Là đây, hoa cỏ giống vườn tiên?
                      Sớm Đào, trưa Lý, đêm Hồng Phấn
                      Tuyết Hạnh, sương Quỳnh, máu Đỗ Quyên
                      Cung tần mỹ nữ ngời son phấn
                      Theo gót nhà vua nở gót sen
                      Hương đưa bát ngát ngoài trăm dặm
                      Cung nữ đa tình vua thiếu niên
                      Một đôi công chúa đều hay chữ
                      Hoàng hậu nhu mì không biết ghen.
                      Đất rộng can chi mà đổi chác
                      Thời bình đâu dụng chước hòa Phiên
                      Mẫu đơn nở đỏ nhà vua nhớ
                      Câu chuyện: “Hô lai bất thượng thuyền”

                      Có phải ngày xưa vườn Ngự uyển
                      Là đây, hoa cỏ giống vườn tiên?
                      Gót sen bước nhẹ lầu tôn nữ
                      Ngựa bạch buông chùng áo Trạng nguyên
                      Mười năm vay mượn vào kinh sử
                      Đã giả xong rồi nợ bút nghiên
                      Quan Trạng tân khoa tàn tiệc yến
                      Đi xem hoa nở mấy hôm liền
                      Đường hoa, má phấn tranh nhau ngó
                      Nhạc ngựa vang lừng khắp bốn bên
                      Thắp hương tôn nữ xin trời phật
                      “Phù hộ cho con được phỉ nguyền”.
                      Lòng Trạng lâng lâng màu phú quý
                      Quả cầu nho nhỏ bói lương duyên
                      Tay ai ấy nhỉ gieo cầu đấy?
                      Nghiêng cả mùa xuân Trạng ngước nhìn.
                      Trạng bắt sai rồi, lầu rủ sáo
                      Có người đêm ấy khóc giăng lên
                      Bóng ai thấp thoáng sau bờ trúc
                      Chẳng Tống Trân ư cũng Nguyễn Hiền?
                      Khách du buồn mối buồn sông núi
                      Núi lở sông bồi cảnh biến thiên

                      Ngự viên ngày trước không còn nữa
                      Giờ chỉ còn tên xóm Ngự Viên
                      Khoa cử bỏ rồi, thôi hết Trạng!
                      Giời đem hoa cỏ trả vườn tiên
                      Tôn nữ ngồi đan từng chiếc áo
                      Dân thường qua lại lối đi quen.
                      Nhà cửa xúm nhau thành một xóm
                      Cay nồng hơi thuốc lẫn hơi men
                      Mụ vợ bắc nam người tứ xứ
                      Anh chồng tay trắng lẫn tay đen
                      Đổi thay tình nghĩa như cơm bữa
                      Khúc “Hậu đình hoa” hát tự nhiên.
                      Nhọc nhằn tiếng cú trong thanh vắng
                      Nhao nhác đàn dơi lúc đỏ đèn…

                      Hôm nay có một người du khách
                      Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên.

                      Nguyễn Bính

                      (Huế 9-1941)
                      Đã chỉnh sửa bởi M Mít Đặc; 02-07-2010, 10:07 PM.
                      Tôi khám phá ra bí mật của đại dương khi suy niệm về một giọt sương mai.

                      Comment

                      • #56




                        Giời Mưa ở Huế

                        Giời mưa ở Huế sao buồn thế!
                        Cứ kéo dài ra đến mấy ngày
                        Thềm cũ nôn nao đàn kiến đói
                        Giời mờ ngao ngán một loài mây

                        Trường Tiền vắng ngắt người qua lại
                        Đập Đá mênh mang bến nước đầy
                        Đò vắng khách chơi nằm bát úp
                        Thu về lại giở gió heo may...

                        Chúng tôi hai đứa xa Hà Nội
                        Bốn tháng hình như kém mấy ngày
                        Lăn lóc có dư mười mấy tỉnh
                        Để rồi nằm mốc ở nơi đây

                        Thuốc lào hút mãi người ra khói
                        Thơ đọc suông tình hết cả hay
                        Túi rỗng nợ nần hơn Chúa Chổm
                        Áo quần trộm mướn, túng đồ thay
                        Hàng xóm có người con gái lẻ
                        Ý chừng duyên nợ với nhau đây
                        Chao ôi! Ba bốn tao ân ái
                        Đã đủ tan tành một kiếp trai.
                        Tôi rờn rợn lắm giai nhân ạ!
                        Đành phụ nhau thôi, kẻo đến ngày
                        Khăn gói gió đưa sang xứ lạ
                        Ai cười cho được lúc chia tay?
                        Giời mưa ở Huế sao buồn thế!
                        Cứ kéo dài ra đến mấy ngày
                        Xa xôi ai nhớ mà thương nhớ?
                        Mà nhớ mà thương đến thế này!
                        Cố nhân chẳng khoá buồng xuân lại
                        Vung vãi ân tình khắp đó đây
                        Mưa chiều, nắng sớm, người ta bảo
                        Cả đến ông giời cũng đổi thay!
                        Gia đình dọn cả lên Hà Nội
                        Buôn bán loanh quanh bỏ cấy cầy
                        "Anh em cánh nhạn người Nam Bắc
                        Tâm sự hồn quyên lệ ngắn dài..."

                        Giời mưa ở Huế sao buồn thế!
                        Cứ kéo dài ra đến mấy ngày
                        Hôm qua còn sót hơn đồng bạc
                        Hai đứa bàn nhau uống rượu say
                        Nón lá áo tơi ra quán chợ
                        Trơ vơ trên bến nước sông đầy
                        Sầu nghiêng mái quán mưa tong tả
                        Chén ứa men lành, lạnh ngón tay.
                        Ôn lại những ngày mưa gió cũ
                        Những chiều quán trọ những đêm say
                        Người quen nhắc lại từng tên một
                        Kể lại từng nơi đặt dấu giày
                        Trôi dạt dám mong gì vấn vít
                        Sòng đời thua nhẵn cả thơ ngây
                        Tỉ tê gợi nhớ niềm tâm sự
                        Cúi mặt soi gương chén rượu đầy
                        Bốn mắt nhuộm chung màu lữ thứ
                        Đôi lòng hoà một vị chua cay
                        Đứa thương cha yếu thằng thương mẹ
                        Cha mẹ chiều chiều ...con nước mây
                        Hoa rao bán nhuỵ tình nên vợ
                        Chim nửa bình minh bóng trúc gầy.
                        Không hiểu vì đâu hai đứa lại
                        Chung lưng làm một chuyến đi đầy?
                        Giời mưa ở Huế sao buồn thế!
                        Cứ kéo dài ra đến mấy ngày...
                        Mai đây bỏ Huế rồi quên Huế
                        Quên được làm sao bữa rượu này.

                        Huế 1941

                        Nguyễn Bính
                        Đã chỉnh sửa bởi M Mít Đặc; 29-07-2010, 08:15 PM.
                        Tôi khám phá ra bí mật của đại dương khi suy niệm về một giọt sương mai.

                        Comment

                        • #57




                          Bên Hồ


                          Lá rơi theo gió bay,
                          Bên hồ ta đứng đắm say nhìn hồ .
                          Sương mai đây đó trắng mờ,
                          Như còn lưu luyến đôi bờ cây xanh.
                          Xa trên mặt nước mông mênh,
                          Buông thuyền, cô gái nghiêng mình hái sen.

                          Nguyễn Bính

                          Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 30-07-2010, 12:50 AM.
                          ----------------------------

                          Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

                          Comment

                          • #58

                            ..::~Trích dẫn nguyên văn bởi CONHAKO View Post



                            Bên Hồ




                            Lại hái sen và mặc yếm đào...

                            Hình như là Co , Chị UKH và chị Hương Bình rủ nhau đi bẻ sen... he... he...
                            Tôi khám phá ra bí mật của đại dương khi suy niệm về một giọt sương mai.

                            Comment

                            • #59

                              ..::~Trích dẫn nguyên văn bởi M Mít Đặc View Post
                              Lại hái sen và mặc yếm đào...




                              Hình như là Co , Chị UKH và chị Hương Bình rủ nhau đi bẻ sen... he... he...



                              Theo như CO đoán :

                              -Một cô đang dìm đầu kẻ trộm sen.

                              - Một cô đang hái lá sen nhét vào miệng cho kẻ trộm sen ko kêu cứu được.

                              - Cô còn lại phải đỡ thuyền vì kẻ trộm đang thu tàn lực giở miếng võ cuối cùng để lật thuyền...haaa haaa haaa

                              Hôm ấy Mít uống nước ao có no ko...
                              ----------------------------

                              Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

                              Comment

                              • #60

                                NGUYỄN BÍNH - THI SĨ GIANG HỒ


                                (phần 1)

                                Nguyễn Bính là một đỉnh cao riêng biệt trong nền văn học Việt Nam. Bằng những sáng tác độc đáo của mình, ông đã đưa hồn dân tộc vào thi ca Việt Nam hiện đại. Đó chính là đóng góp lớn nhất của Nguyễn Bính. Về cuộc đời, Nguyễn Bính có nhiều nét rất đặc biệt. Ông là một con người nghệ sĩ hoàn toàn. Có thể nói hiếm có nhà thơ nào có được cuộc sống giang hồ lãng mạn đến tận cùng như Nguyễn Bính.

                                Với cách giới thiệu đan xen giữa các chi tiết đời thường và đặc điểm tác phẩm, tác giả Trần Đình Thu đã phác họa một chân dung Nguyễn Bính rất sinh động qua cuốn sách Nguyễn Bính - thi sĩ giang hồ.





                                Nguyễn Bính là một thi sĩ mang sẵn trong người dòng máu lang bạt kỳ hồ. Thời tuổi trẻ của ông là những chuỗi ngày lang thang khắp Bắc - Trung - Nam. Đi đến đâu là ông có thơ đến đó và dưới nhiều bài thơ ông có ghi năm sáng tác cùng với địa chỉ. Nhờ vậy mà ngày nay ta có thể theo dõi được bước chân của ông.

                                Chú bé si tình Nguyễn Bính

                                Nguyễn Bính thuở nhỏ tên thật là Nguyễn Trọng Bính. Khi bước chân vào làng văn làng báo, ông lấy tên mình bỏ đi chữ lót thành ra bút danh Nguyễn Bính. Ông tuổi Mậu Ngọ, sinh năm 1918. Quê nội và cũng là nơi sinh của ông là xóm Trạm, thôn Thiện Vịnh, xã Đồng Đội, nay là xã Cộng Hòa, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Lên ba tháng tuổi, ông mồ côi mẹ. Sau đó, cha ông đi thêm bước nữa. Vì thế về sau khi gia cảnh rơi vào khó khăn thì ba anh em ông được bên ngoại ở thôn Vân Tập cùng xã Đồng Đội với quê nội đón về nuôi.

                                Nguyễn Bính ở với người cậu ruột là ông Bùi Trình Khiêm, một nhà nho có tiếng, từng tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, là thầy dạy học chữ Nho của ông Trần Huy Liệu. Nhờ người cậu giỏi chữ Nho này mà ông có điều kiện tiếp xúc sớm với chữ nghĩa và nghệ thuật thơ phú.

                                Năm mười ba tuổi, Nguyễn Bính làm mọi người kinh ngạc về tài thơ của mình. Năm đó, vào dịp tháng ba âm lịch, hội Phủ Giầy tỉnh Nam Định quê ông có tổ chức một cuộc thi thơ. Đề thi là tả cảnh chọi gà trong ngày hội. Trong lúc mọi người đang loay hoay làm bài, thời gian cũng chỉ mới hết một nửa, người ta đã thấy một cậu bé con bước vào chỗ ban giám khảo đang ngồi để nộp bài. Đó chính là Nguyễn Bính. Bài thi của cậu bé là một bài thơ dài hơn ba trang giấy học trò. Sau khi xem xét cân nhắc, ban giám khảo quyết định chấm ngay giải nhất cho bài thơ. Và khi ban tổ chức dùng loa để đọc to bài thơ lên giữa sân đình cho mọi người cùng thưởng thức thì hàng ngàn người đang dự hội thơ vỗ tay không ngớt.

                                Có một điểm đặc biệt liên quan đến sự hình thành phong cách thơ Nguyễn Bính về sau trong câu chuyện thú vị này. Trong bài thơ tả cảnh chọi gà đó, ngoài sự độc đáo về mặt nghệ thuật thì chỗ làm tất cả mọi người, từ ban giám khảo đến người tham dự phải tâm phục khẩu phục là hai câu kết. Tác giả đã lấy hai câu ca dao "Khôn ngoan đá đáp người ngoài/Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau" để đưa vào bài thơ tả cảnh chọi gà một cách thật thú vị và đầy ý nghĩa.

                                Tiếng đồn về một chú bé con thần đồng thơ có lẽ từ đó đã lan nhanh. Và những lời thêu dệt huyền hoặc cũng phát sinh theo khiến nảy sinh nhiều chuyện bất ngờ. Ban đầu là một số người tìm đến để nhờ Nguyễn Bính gà thơ cho người hát trong những cuộc thi hát đối đáp. Nguyễn Bính vốn có tài ứng tác tức thì nên thường bên nào được ông giúp sức thì y như rằng bên đó sẽ thắng cuộc. Vì thế dần dần lòng ngưỡng mộ của mọi người lên cao đến tột đỉnh. Và Nguyễn Bính trở thành một người "cõi trên". Một số người mê tín tin rằng thơ của Nguyễn Bính làm ra là thơ tiên, được giáng vào cho một cậu bé con chứ không phải là thơ của người bình thường. Vì thế nhiều người tìm đến Nguyễn Bính để xin thơ. Những đám dựng vợ gả chồng, trắc trở tình duyên hay làm ăn xui xẻo... đều đến nhờ "cậu" cho thơ tiên. Và tùy theo hoàn cảnh mà Nguyễn Bính cho thơ.

                                Lần nọ, một gia đình nông dân nghèo có cô con gái vừa được đám nhà giàu đến dạm hỏi. Ngặt nỗi, cô gái trước đó cũng đã có người thương ở làng. Gia đình phân vân không biết quyết định thế nào, bàn nhau tìm đến cậu. Nghe trình bày xong, Nguyễn Bính liền cho ngay một quẻ thơ có đoạn như sau: "Của dẫu nhiều nhưng vẫn chẳng nên/Phù vân, giả dối chẳng lâu bền/Tình em đâu phải trao thiên hạ/Dành để trai làng mới đẹp duyên". Lời thơ tiên đã truyền dạy như vậy, gia đình đành phải chối đám nhà giàu xứ khác để chọn anh trai làng cho con gái.

                                Độc đáo nhất là có một anh chàng hành nghề đạo chích cũng tìm đến xin thơ tiên và được Nguyễn Bính "giáng" cho mấy câu thơ và từ đó bỏ luôn nghề ăn trộm.

                                Một người quen của Nguyễn Bính có kể lại câu chuyện thú vị sau đây nữa. Đó là câu chuyện si tình của Nguyễn Bính năm ông mười bốn tuổi. Chuyện kể rằng, tháng ba năm ấy, Nguyễn Bính đi dự hội Phủ Giầy. Đó là lễ hội mà ông mê từ thuở bé. Một buổi đang ngồi xem hầu bóng, ông thoáng thấy một cô gái trạc tuổi mình đi ngang qua. Cô bé người cao dong dỏng mặc áo cánh sen thắt lưng hoa lý. Cô đi cùng với một người dáng chừng là mẹ. Nguyễn Bính có cảm giác lạ lùng như là cô bé vừa thoát ra từ bức tranh Tố Nữ. Ông vội vàng chạy theo. Khi nhìn được khuôn mặt cô bé, ông ngơ ngẩn như người mất hồn. Cả buổi hôm ấy, ông cứ đi theo hai mẹ con họ, lạy cùng lạy, khấn cùng khấn.

                                Rồi trong nhiều ngày sau nữa, ông luôn luôn đi theo bên họ. Đến ngày thứ tư, ông lén dúi được vào tay cô bé mảnh giấy có mấy câu thơ như sau: "Em ở cõi trần hay cõi tiên?/Phủ đền nhang khói nức hương em/Xin đi chầm chậm cho theo với/Lộc Thánh dâng người một trái tim". Cô gái nhanh nhẹn cầm lấy mảnh giấy nhưng ngó lơ đi nơi khác. Tuy nhiên, chỉ cần vậy là ông đã tràn ngập sung sướng trong lòng mình rồi.

                                Sau đó cô bé theo mẹ về quê và ông tìm cách đi theo cho đến tận nơi ở của nàng. Tuy nhiên có lẽ mối tình đầu chỉ đẩy đưa tới đó. Bởi chừng ba tháng sau thì gia đình cô có việc gì đó phải đột ngột bán nhà chuyển đi nơi khác, thế là người tiên biến mất. Hình ảnh cô bé trẩy hội Phủ Giầy đầu chít khăn nhung thả tóc đuôi gà từ đó luôn lẩn quất trong tâm hồn ông.


                                Khởi bước giang hồ

                                Nguyễn Bính là một thi sĩ mang sẵn trong người dòng máu lang bạt kỳ hồ. Thời tuổi trẻ của ông là những chuỗi ngày lang thang khắp Bắc - Trung - Nam. Đi đến đâu là ông có thơ đến đó và dưới nhiều bài thơ ông có ghi năm sáng tác cùng với địa chỉ. Nhờ vậy mà ngày nay ta có thể theo dõi được bước chân của ông.

                                Mùa xuân năm Quý Dậu (1933), Nguyễn Bính rời quê ngoại thôn Vân, nơi đã trải qua quãng đời thơ ấu của mình để bắt đầu dấn thân vào cuộc đời phiêu bạt. Lúc này, Nguyễn Bính mới chỉ 15 tuổi. Ông đến Hà Nội, tới phố Hàng Bồ, gia nhập vào đội quân bán báo lẻ. Nhưng con người nhà quê của Nguyễn Bính khó lòng tồn tại được với cuộc sống hè phố, vì vậy ông bỏ Hà Nội tìm đến Hà Đông - nơi người anh ruột Nguyễn Mạnh Phác (tức nhà biên kịch Trúc Đường sau này) đang dạy học - tá túc. Một thời gian sau, Nguyễn Bính cùng với anh trở về Hà Nội. Rồi ông lên Phú Thọ, Thái Nguyên, đến tận vùng Lạng Sơn biên ải xa xôi. Lấy Hà Nội làm tâm điểm, ông liên tục thực hiện những chuyến đi như thế. Một phần là kiếm kế sinh nhai nhưng phần khác cũng là để thỏa mãn chí phiêu bồng.

                                Trong thời gian này, ông sáng tác nhiều bài thơ mà trong đó một số bài lưu lại rất rõ dấu ấn của những chuyến đi. Đặc biệt, có một bài thơ bốn câu mà một thời trong sách giáo khoa chương trình phổ thông trung học người ta xếp nhầm nó vào ca dao. Đó là bài thơ Xa cách, được Nguyễn Bính sáng tác vào năm 1938 tại Phú Thọ:

                                Nhà em cách bốn quả đồi
                                Cách ba ngọn suối cách đôi cánh rừng
                                Nhà em xa cách quá chừng
                                Em van anh đấy, anh đừng yêu em

                                Đây là bài thơ đặc biệt nhất của Nguyễn Bính. Chất dân gian trong thơ nhiều đến nỗi hầu như nó chính là một bài ca dao. Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh có nhận xét: "Giá mà Nguyễn Bính sinh ra thời trước, tôi chắc người đã làm những câu ca dao mà dân quê vẫn hát quanh năm và những tác phẩm của người, bây giờ đã có vô số nhà thông thái nghiên cứu". Có lẽ thời đó, Hoài Thanh không để ý đến những câu thơ này của Nguyễn Bính nên mới giả định như vậy mà thôi.

                                Quãng thời gian lưu lạc trên những vùng đồi núi sơn cước có lẽ làm ông thỏa chí tang bồng lắm, dù rằng đôi lúc cuộc sống cũng khó khăn. Có tài liệu cho biết, trong thời gian này có lúc ông đi làm nghề gõ đầu trẻ để kiếm sống. Nhưng ta hãy đọc mấy câu thơ dưới đây của ông:

                                Buổi chiều uống rượu làm thơ
                                Buổi trưa đi đốt lá khô trên đồi
                                Lá khô là lá của trời
                                Thơ tôi là để riêng tôi tặng nàng

                                (Thơ tôi)

                                Đọc mấy câu thơ này, ta hiểu được sự phóng khoáng và lãng mạn đến vô cùng ở Nguyễn Bính. Ta thấy trong thơ ca, có nhiều người vẫn làm được những bài thơ hay nhưng nếu nói rằng để có một cuộc đời đúng chất thi sĩ như Nguyễn Bính thì có lẽ không mấy ai đạt được.

                                Tuy vậy ở nơi đất khách quê người, dù sao buồn vẫn nhiều hơn vui. Có những đêm giao thừa lạnh lẽo hiu quạnh ở miền biên ải, ông lại hoài vọng:

                                Có phải đêm nay trời mới tối
                                Đêm nào trời cũng tối như đêm
                                Ải xa không pháo giao thừa nổ
                                Mưa rét tơi bời mưa rét thêm
                                Vườn cũ hoa mai chắc nở rồi
                                Cành mai ai gửi đến xa xôi
                                Mẹ ơi! Một sớm thăm hoa rụng
                                Nhặt giữ giùm con dăm cánh thôi

                                (Tết biên thùy)

                                Ta thấy một điểm dễ nhận ra ở con người Nguyễn Bính: thích phiêu bạt giang hồ nhưng lại luôn luôn hoài cố hương, hay buồn tủi nhớ thương những ngày tháng đã qua. Chính vì vậy mà trong thơ ông thường hiện hữu hình ảnh quê nhà. Trong bài thơ Quán trọ có lẽ cũng được ông sáng tác trong thời kỳ này, Nguyễn Bính viết:

                                Từ độ phiêu linh mãi đến giờ
                                Xuân dàn vào tết bốn năm thưa
                                Bốn năm biết mấy tao gian khổ
                                Thôi để xuân sau trở lại nhà
                                Nhưng rồi tết ấy tết sau qua
                                Lần lữa ai chưa trở lại nhà
                                Quán trọ xuân này hoa lại nở
                                Lại ngồi xem tết, tết người ta

                                Một điều đáng chú ý, Nguyễn Bính nghiện rượu rất sớm. Hay là các thi nhân thời đó thường nghiện rượu sớm? Có lẽ là thế. Vào năm 1940, lúc này ông mới 22 tuổi tròn nhưng có vẻ đã rất sành rượu. Trong bài thơ Ga đơn ga kép làm tại ga Kép, Nguyễn Bính có những câu thơ như sau:

                                Ở đây chiều xuống rất mau
                                Bình minh lên sớm, tôi sầu bơ vơ
                                Rượu say từ sáng đến giờ
                                Nhớ người, tôi nhớ mãi từ hôm lên

                                Quả thật là một người thường hay say rượu thông tầm mới có cái cảm giác "sầu bơ vơ" khi uống rượu từ sáng sớm say đến chiều tối, tỉnh giấc nhìn ra bên ngoài thấy hoàng hôn sắp đổ xuống.

                                Ta hãy đọc thêm một khổ thơ buồn nữa của Nguyễn Bính. Đó là một khổ thơ nằm trong bài Một trời quan tái, sáng tác ở Lạng Sơn năm 1940:

                                Chiều lại buồn rồi em vẫn xa
                                Lá rừng thu đổ nắng sông tà
                                Chênh chênh quán rượu mờ sương khói
                                Váng vất thôn sâu quạnh tiếng gà

                                Đây là những câu thơ tả cảnh đường rừng thật đẹp. Hóa ra là Nguyễn Bính có hẳn một mảng thơ đường rừng mà lâu nay ta không để ý đến. Ta hãy đọc bài thơ Phố chợ đường rừng Nguyễn Bính sáng tác vào năm 1940 tại Kép:

                                Đồi lau gió lạnh phất cờ
                                Tán bàng đã rụng đôi tờ huyết thư
                                Sương buông, chiều xuống lững lờ
                                Thịt rừng nướng ngậy, rượu vò bốc men
                                Điếm canh tuần tráng thay phiên
                                Bước đi nhập nhoạng nâu chen lẫn chàm

                                Quả là không thể có một họa sĩ tài ba nào vẽ được bức tranh phố rừng sinh động hơn những câu thơ này. So sánh những lá bàng cuối thu như những tờ "huyết thư" hay là tả cái cảnh những tuần điếm lẫn vào trong đêm tối chập choạng "nâu chen lẫn chàm" thì thật là tuyệt diệu!

                                Nhưng cái tài tả cảnh như viết tiểu thuyết của Nguyễn Bính ở những câu thơ tiếp theo của bài thơ trên mới thật sự làm ta kinh ngạc:

                                Giường tre le lói ánh đèn
                                Đôi ba mặt lạ chia tiền nhỏ to
                                Đôi ba người bạn giang hồ
                                Tóc bồng cỏ dại bình thơ nhớ nhà
                                Chập chờn bóng quỷ hình ma
                                Khoanh tay chủ quán nhìn ra đường mòn

                                Thật là những câu thơ tả cảnh quá độc đáo!

                                Còn tiếp...

                                (Nguồn: Trần Đình Thu - Thanh Niên )
                                "ĐỪNG HỎI TỔ QUỐC ĐÃ LÀM GÌ CHO BẠN
                                HÃY TỰ HỎI BẠN ĐÃ LÀM GÌ CHO TỔ QUỐC"

                                Comment

                                Working...
                                X
                                Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom