Truyện Kiều
Tác giả: Nguyễn Du
Diễn đọc: Thu Hiền
Đoạn Chân dung Hoạn Thư
Tác giả: Nguyễn Du
Diễn đọc: Thu Hiền
Đoạn Chân dung Hoạn Thư
Download
Kể chi những nỗi dọc đường,
Buồn trong này nỗi chủ trương ở nhà
Vốn dòng họ Hoạn danh gia,
1530./ Con quan Lại bộ tên là Hoạn thư.
Duyên đằng thuận nẻo gió đưa,
Cùng chàng kết tóc xe tơ những ngày.
Ở ăn thì nết cũng hay,
Nói điều ràng buộc thì tay cũng già.
1535./ Từ nghe vườn mới thêm hoa,
Miệng người đã lắm tin nhà thì không.
Lửa tâm càng dập càng nồng,
Trách người đen bạc ra lòng trăng hoa:
"Ví bằng thú thật cùng ta,
1540./ "Cũng dung kẻ dưới mới là lượng trên.
"Dại chi chẳng giữ lấy nền,
"Tốt chi mà rước tiếng ghen vào mình?
"Lại còn bưng bít giấu quanh,
"Làm chi những thói trẻ ranh nực cười!
1545./ "Tính rằng cách mặt khuất lời,
"Giấu ta ta cũng liệu bài giấu cho!
"Lo gì việc ấy mà lo,
"Kiến trong miệng chén có bò đi đâu?
"Làm cho nhìn chẳng được nhau,
1550./ "Làm cho đầy đọa cất đầu chẳng lên!
"Làm cho trông thấy nhãn tiền,
"Cho người thăm ván bán thuyền biết tay."
Nỗi lòng kín chẳng ai hay,
Ngoài tai để mặc gió bay mái ngoài.
1555./ Tuần sau bỗng thấy hai người,
Mách tin ý cũng liệu bài tâng công.
Tiểu thư nổi giận đùng đùng:
"Gớm tay thêu dệt ra lòng trêu ngươi!
"Chồng tao nào phải như ai,
1560./ "Điều này hẳn miệng những người thị phi!"
Vội vàng xuống lệnh ra uy,
Đứa thì vả miệng đứa thì bẻ răng.
Trong ngoài kín mít như bưng.
Nào ai còn dám nói năng một lời!
Kể chi những nỗi dọc đường,
Buồn trong này nỗi chủ trương ở nhà
Vốn dòng họ Hoạn danh gia,
1530./ Con quan Lại bộ tên là Hoạn thư.
Duyên đằng thuận nẻo gió đưa,
Cùng chàng kết tóc xe tơ những ngày.
Ở ăn thì nết cũng hay,
Nói điều ràng buộc thì tay cũng già.
1535./ Từ nghe vườn mới thêm hoa,
Miệng người đã lắm tin nhà thì không.
Lửa tâm càng dập càng nồng,
Trách người đen bạc ra lòng trăng hoa:
"Ví bằng thú thật cùng ta,
1540./ "Cũng dung kẻ dưới mới là lượng trên.
"Dại chi chẳng giữ lấy nền,
"Tốt chi mà rước tiếng ghen vào mình?
"Lại còn bưng bít giấu quanh,
"Làm chi những thói trẻ ranh nực cười!
1545./ "Tính rằng cách mặt khuất lời,
"Giấu ta ta cũng liệu bài giấu cho!
"Lo gì việc ấy mà lo,
"Kiến trong miệng chén có bò đi đâu?
"Làm cho nhìn chẳng được nhau,
1550./ "Làm cho đầy đọa cất đầu chẳng lên!
"Làm cho trông thấy nhãn tiền,
"Cho người thăm ván bán thuyền biết tay."
Nỗi lòng kín chẳng ai hay,
Ngoài tai để mặc gió bay mái ngoài.
1555./ Tuần sau bỗng thấy hai người,
Mách tin ý cũng liệu bài tâng công.
Tiểu thư nổi giận đùng đùng:
"Gớm tay thêu dệt ra lòng trêu ngươi!
"Chồng tao nào phải như ai,
1560./ "Điều này hẳn miệng những người thị phi!"
Vội vàng xuống lệnh ra uy,
Đứa thì vả miệng đứa thì bẻ răng.
Trong ngoài kín mít như bưng.
Nào ai còn dám nói năng một lời!
Chú giải:
1528. Buồng trong: Chỉ vào người vợ. Câu này đại ý nói: Bây giờ hãy nói đến người vợ Thúc sinh làm chủ gia đình ở quê nhà.
1530. Lại bộ: Bộ lại, tức là quan trọng nhất trong sáu bộ của triều đình phong kiến.
1531. Duyên đằng: Cổ thi: Thời lai phong tống Đằng vương các (Thời vận đến, gió đưa lại gác Đằng Vương). Ý nói gặp cơ hội may mắn.
1534. Ràng buộc: Có nghĩa là thắt buộc, cho người khác vào khuôn, vào phép của mình.
1535. Vườn mới thêm hoa: ý nói Thúc sinh có thêm vợ lẽ.
1538. Đen bạc: Cùng nghĩa như bạc bẽo, phụ bạc.
Trăng hoa: Do chữ hoa nguyệt mà ra, ý chỉ sự chơi bời trai gái.
1541. Nền: Nền nếp của người trên, tư thế của mình là người bề trên.
1551. Nhãn tiền: Trước mắt.
1552. Tục ngữ: Chưa thăm ván đã bán thuyền. Ở đây chỉ Thúc sinh là người có mới nới cũ.
1560. Thị phi: Có nghĩa là việc phải thì nói thành trái, việc trái thì nói thành phải, thêu dệt phải trái làm cho người nghe mắc lầm.
Tác giả: Nguyễn Du
Diễn đọc: Thu Hiền
Đoạn Thúc Sinh giáp mặt Kiều tại nhà Hoạn Thư
Lâm Truy từ thuở uyên bay,
Phòng không thương kẻ tháng ngày chiếc thân.
Mày ai trăng mới in ngần,
Phấn thừa hương cũ bội phần xót xa.
1795./ Sen tàn cúc lại nở hoa,
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân.
Tìm đâu cho thấy cố nhân?
Lấy câu vận mệnh khuây dần nhớ thương.
Chạnh niềm nhớ cảnh gia hương,
1800./ Nhớ quê chàng lại tìm đường thăm quê.
Tiểu thư đón cửa giã giề,
Hàn huyên vừa cạn mọi bề gần xa.
Nhà hương cao cuốn bức là,
Phòng trong truyền gọi nàng ra lạy mừng.
1805./ Bước ra một bước một dừng,
Trông xa nàng đã tỏ chừng nẻo xa:
"Phải rằng nắng quáng đèn lòa,
"Rõ ràng ngồi đó chẳng là Thúc Sinh?
"Bây giờ tình mới tỏ tình,
1810./ "Thôi thôi đã mắc vào vành chẳng sai.
"Chước đâu có chước lạ đời?
"Người đâu mà lại có người tinh ma?
"Rõ ràng thật lứa đôi ta,
"Làm ra con ở chúa nhà đôi nơi.
1815./ "Bề ngoài thơn thớt nói cười,
"Mà trong nham hiểm giết người không dao.
"Bây giờ đất thấp trời cao,
"Ăn làm sao nói làm sao bây giờ?"
Càng trông mặt càng ngẩn ngơ,
1820./ Ruột tằm đòi đoạn như tơ rối bời.
Sợ uy dám chẳng vâng lời,
Cúi đầu nép xuống sân mai một chiều.
Sinh đà phách lạc hồn xiêu:
"Thương ôi chẳng phải nàng Kiều ở đây?
1825./ "Nhân làm sao đến thế này?
"Thôi thôi ta đã mắc tay ai rồi!"
Sợ quen dám hở ra lời,
Khôn ngăn giọt nước sụt sùi nhỏ sa.
Tiểu thư trông mặt hỏi tra:
1830./ "Mới về có việc chi mà động dong?"
Sinh rằng: "Hiếu phục vừa xong,
"Suy lòng trắc dĩ đau lòng chung thiên."
Khen rằng: "Hiếu tử đã nên!
"Tẩy trần mượn chén giải phiền đêm thu."
1835./ Vợ chồng chén tạc chén thù,
Bắt nàng đứng chực trì hồ hai nơi.
Bắt khoan bắt nhặt đến lời,
Bắt quì tận mặt bắt mời tận tay.
Sinh càng như dại như ngây,
1840./ Giọt dài giọt ngắn chén đầy chén vơi.
Ngoảnh đi chợt nói chợt cười,
Cáo say chàng đã dạm bài lảng ra.
Tiểu thư vội thét: "Con Hoa!
"Khuyên chàng chẳng cạn thì ta có đòn."
1845./ Sinh càng nát ruột tan hồn,
Chén mời phải ngậm bồ hòn ráo ngay.
Tiểu thư cười nói tỉnh say,
Chưa xong cuộc rượu lại bày trò chơi.
Rằng: "Hoa nô đủ mọi tài,
1850./ "Bản đàn thử dạo một bài chàng nghe."
Nàng đà tán hoán tê mê,
Vâng lời ra trước bình the vặn đàn.
Bốn dây như khóc như than,
Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng.
1855./ Cùng trong một tiếng tơ đồng,
Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm.
Giọt châu lã chã khôn cầm,
Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt Tương.
Tiểu thư lại thét lấy nàng:
1860./ "Cuộc vui gảy khúc đoạn trường ấy chi?
"Sao chẳng biết ý tứ gì?
"Cho chàng buồn bã tội thì tại ngươi."
Sinh càng thảm thiết bồi hồi,
Vội vàng gượng nói gượng cười cho qua.
1865./ Giọt rồng canh đã điểm ba,
Tiểu thư nhìn mặt dường đà cam tâm.
Lòng riêng tấp tểnh mừng thầm:
"Vui này đã bõ đau ngầm xưa nay."
Sinh thì gan héo ruột đầy,
1870./ Nỗi lòng càng nghĩ càng cay đắng lòng.
Chú giải:
1791. Uyên: do chữ uyên ương, giống chim ở với nhau từng đôi, nên người ta thường dùng để chỉ vợ chồng. Uyên bay: ý nói Thuý Kiều không còn nữa (con chim uyên đã bay mất).
1793. Trăng mới: Trăng đầu tháng. Câu nói đại ý nói: Thúc sinh trông thấy mặt trăng lưỡi liềm đầu tháng giống như lông mày người gái đẹp mà tưởng nhớ đến Kiều.
1794. Câu này đại ý nói: Thúy Kiều không còn nữa. Thúc Sinh trông thấy phấn hương của nàng còn sót lại mà thương tâm.
1797. Cố nhân: Người quen biết cũ. Ở đây chỉ Thúy Kiều.
1799. Gia hương: Nhà và làng, tức quê nhà. Ở đây chỉ quê hương của Thúc Sinh ở huyện Vô Tích.
1803. Nhà hương: Do chữ Hương khuê.
1816. Thành ngữ: Giết người không dao, ở đây chỉ mưu mẹo nham hiểm.
1823. Phách lạc hồn xiêu: Do chữ hồn phi phách tán, ý nói sợ hãi một cách ghê gớm.
1830. Động dong: Biến đổi sắc mặt, ý nói động lòng.
1831. [i]Hiếu phục: Tang trở cha mẹ. Ở đây chỉ Thúc Sinh vừa hết tang mẹ.
1832. [i]Trắc dĩ: Kinh thi[i] có câu Trắc bỉ Dĩ hề, chiêm vọng mâu hề (lên núi Dĩ trông ngóng mẹ). Người sau bèn dùng hai chữ Trắc Dĩ để nói thương nhớ mẹ.
Chung thiên: Suốt đời, ý nói không bao giờ quên.
1833. Hiếu tử: Người con có hiếu với cha mẹ.
1834. Giải phiền: Làm cho khuây khoả sự phiền não.
1835. Thù: Chén rượu do chủ nhà rót mời khách.
Tạc: Chén rượu do khách rót cho người chủ để đáp lại. Ở đây nói vợ chồng Thúc Sinh uống rượu và mời mọc nhau.
1836. Trì hồ: Bưng bầu rượu. Ý nói bắt Kiều đứng hầu một bên để rót rượu cho hai vợ chồng Thúc Sinh uống.
1846. Bồ hòn để ám chỉ người có việc buồn khổ mà không nói ra được. Ở đây ý nói: chén rượu Kiều đưa mời chàng thấy đắng như bồ hòn, nhưng vì sợ Kiều bị liên luỵ phải uống hết ngay.
1856. Người ngoài: là người ngoài cuộc, chỉ Hoạn thư. Người trong: là người trong cuộc, chỉ Thúc sinh và Kiều.
1865. Giọt rồng: có nghĩa là thời giờ, thời khắc.
1866. Cam tâm: Thoả lòng, hả dạ.
Tác giả: Nguyễn Du
Diễn đọc: Thu Hiền
Đoạn Kiều xuất gia tại nhà Hoạn Thư
Người vào chung gối loan phòng,
Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài
Bây giờ mới rõ tăm hơi,
Máu ghen đâu có lạ đời nhà ghen!
1875./ Chước đâu rẽ thúy chia uyên,
Ai ra đường nấy ai nhìn được ai.
Bây giờ một vực một trời,
Hết điều khinh trọng hết lời thị phi.
Nhẹ như bấc nặng như chì,
1880./ Gỡ cho ra nợ còn gì là duyên?
Lỡ làng chút phận thuyền quyên,
Bể sâu sóng cả có tuyền được vay?
Một mình âm ỉ đêm chày,
Đĩa dầu vơi nước mắt đầy năm canh.
1885./ Sớm khuya hầu hạ đài doanh,
Tiểu thư chạm mặt đè tình hỏi tra.
Lựa lời nàng mới thưa qua:
"Phải khi mình lại xót xa nỗi mình."
Tiểu thư hỏi lại Thúc Sinh:
1890./ "Cậy chàng tra lấy thực tình cho nao!"
Sinh đà rát ruột như bào,
Nói ra chẳng tiện trông vào chẳng đang!
Những e lại lụy đến nàng,
Đánh liều mới sẽ lựa đường hỏi tra.
1895./ Cúi đầu quỳ trước sân hoa,
Thân cung nàng mới thảo qua một tờ.
Diện tiền trình với Tiểu thư,
Thoát xem dường có ngẩn ngơ chút tình.
Liền tay trao lại Thúc Sinh,
1900./ Rằng: "Tài nên trọng mà tình nên thương!
"Ví chăng có số giàu sang,
"Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên!
"Bể trần chìm nổi thuyền quyên,
"Hữu tài thương nỗi vô duyên lạ đời!"
1905./ Sinh rằng: "Thật có như lời,
"Hồng nhan bạc mệnh một người nào vay!
"Nghìn xưa âu cũng thế này,
"Từ bi âu liệu bớt tay mới vừa."
Tiểu thư rằng: "Ý trong tờ,
1910./ "Rắp đem mệnh bạc xin nhờ cửa Không.
"Thôi thì thôi cũng chiều lòng,
"Cũng cho khỏi lụy trong vòng bước ra.
"Sẵn Quan âm các vườn ta,
"Có cây trăm thước, có hoa bốn mùa.
1915./ "Có cổ thụ, có sơn hồ,
"Cho nàng ra đó giữ chùa chép kinh."
Tâng tâng trời mới bình minh,
Hương hoa ngũ cúng, sắm sanh lễ thường.
Đưa nàng đến trước Phật đường,
1920./ Tam qui, ngũ giới, cho nàng xuất gia.
Áo xanh đổi lấy cà sa,
Pháp danh lại đổi tên ra Trạc Tuyền.
Sớm khuya tính đủ dầu đèn,
Xuân, Thu, cắt sẵn hai tên hương trà.
1925./ Nàng từ lánh gót vườn hoa,
Dường gần rừng tía, dường xa bụi hồng.
Nhân duyên đâu lại còn mong,
Khỏi điều thẹn phấn, tủi hồng thì thôi.
Phật tiền thảm lấp sầu vùi,
1930./ Ngày pho thủ tự, đêm nồi tâm hương.
Cho hay giọt nước cành dương,
Lửa lòng tưới tắt mọi đường trần duyên.
Chú giải:
1871. Loan phòng: Phòng nằm của đôi vợ chồng;
1875. Thúy: Chim thúy. Uyên: Chim uyên ương. Ở đây chỉ việc Hoạn Thư dùng mưu chia rẽ đôi lứa Thúc sinh và Thúy Kiều.
1885. Đài dinh: Đài các, dinh thự, chỉ chỗ ở của bọn quyền quý. Ở đây mượn để chỉ nhà ở của Thúc sinh và Hoạn thư.
1896. Thân cung: Cung khai, khai trình.
1897. Diện tiền: Trước mặt.
1910. Cửa Không: Do chữ Không môn. Vì đạo Phật cho mọi vật trên thế gian đều là "không" nên người ta gọi đạo Phật là "Không môn".
1913. Quan âm các: Cái chùa thờ Phật Quan thế âm Bồ tát. Đây là chùa riêng của nhà Hoạn Thư.
1915. Cổ thụ: Cây lâu năm.
Sơn hồ: Núi giả và hồ đào ra để làm cảnh.
1918. Ngũ cúng: Năm vật cúng Phật, tức hương, hoa, đăng, trà, quả.
1920. Tam quy: Ba lễ "qui y" tức quy y phật, quy y pháp, quy y tăng, nghĩa là đem cả tâm và thân mà theo đạo Phật.
Ngũ giới: Năm điều răn, tức là răn sát sinh, răn ăn rộm, răn tà dâm, răn nói càn, răn uống rượu.
Xuất gia: Ra khỏi nhà tức đi tu.
1921. Áo xanh: Thanh y, áo các hầu gái mặc.
Cà sa: áo nhà sư mặc.
1922. Pháp danh: Tên đặt theo tập tục tôn giáo. Trạc Tuyền là pháp danh do Hoạn thư đặt cho Kiều.
1924. Xuân, thu: Tên hai người đầy tớ gái do Hoạn thư sai đến Quan âm các ở với Kiều để giúp việc hương đèn.
1926. Rừng tía: Do chữ tư trúc lâm, chỗ ở của Phật Quan âm Bồ tát.
Bụi hồng: Do chữ hồng trần, tức cõi trần tục, cõi đời.
1927. Nhân duyên: Duyên vợ chồng. Ở đây chỉ duyên phận giữa Kiều và Thúc sinh.
1930. Thủ tự: Chữ viết tay.
Tâm hương: Hương lòng. Nén hương dân lên do tấm lòng thành kính.
1931. Giọt nước cành dương: Do chữ dương chi thủy. Theo sách Phật thì Phật Quan âm có cành dương liễu và bình nước cam lộ, khi muốn cứu ai thì lấy cành dương liễu dúng nước trong bình mà rảy vào người ấy. Ở đây giọt nước cành dương dùng để chỉ phép màu nhiệm của Phật.
1932. Lửa lòng: do chữ tâm hỏa, chỉ mọi thứ dục vòng do lòng người sinh ra.
Trần duyên: Duyên nợ ở cõi trần.
Tác giả: Nguyễn Du
Diễn đọc: Thu Hiền
Đoạn Kiều trốn khỏi nhà Hoạn Thư
Nâu sồng từ trở màu thiền,
Sân thu trăng đã vài phen đứng đầu,
1935./ Quan phòng then nhặt lưới mau,
Nói lời trước mặt, rơi châu vắng người.
Gác kinh viện sách đôi nơi,
Trong gang tấc lại gấp mười quan san.
Những là ngậm thở nuốt than,
1940./ Tiểu thư phải buổi vấn an về nhà.
Thừa cơ, sinh mới lẻn ra,
Xăm xăm đến mé vườn hoa với nàng.
Sụt sùi giở nỗi đoạn trường,
Giọt châu tầm tã đượm tràng áo xanh:
1945./ "Đã cam chịu bạc với tình,
"Chúa xuân để tội một mình cho hoa!
"Thấp cơ thua trí đàn bà,
"Trông vào đau ruột nói ra ngại lời.
"Vì ta cho lụy đến người,
1950./ "Cát lầm ngọc trắng, thiệt đời xuân xanh!
"Quản chi lên thác xuống ghềnh,
"Cũng toan sống thác với tình cho xong.
"Tông đường chút chửa cam lòng,
"Cắn răng bẻ một chữ đồng làm hai.
1955./ "Thẹn mình đá nát vàng phai,
"Trăm thân dễ chuộc một lời được sao?"
Nàng rằng: "Chiếc bách sóng đào,
"Nổi chìm cũng mặc lúc nào rủi may!
"Chút thân quằn quại vũng lầy,
1960./ "Sống thừa còn tưởng đến rày nữa sao?
"Cũng liều một giọt mưa rào,
"Mà cho thiên hạ trông vào cũng hay!
"Xót vì cầm đã bén dây,
"Chẳng trăm năm cũng một ngày duyên ta.
1965./ "Liệu bài mở cửa cho ra,
"Ấy là tình nặng ấy là ân sâu!"
Sinh rằng: "Riêng tưởng bấy lâu,
"Lòng người nham hiểm biết đâu mà lường.
"Nữa khi giông tố phũ phàng,
1970./ "Thiệt riêng đấy cũng lại càng cực đây.
"Liệu mà xa chạy cao bay,
"Ái ân ta có ngần này mà thôi!
"Bây giờ kẻ ngược người xuôi,
"Biết bao giờ lại nối lời nước non?
1975./ "Dẫu rằng sông cạn đá mòn,
"Con tằm đến thác cũng còn vương tơ!"
Cùng nhau kể lể sau xưa,
Nói rồi lại nói, lời chưa hết lời.
Mặt trông tay chẳng nỡ rời,
1980./ Hoa tì đã động tiếng người nẻo xa.
Nhận ngừng, nuốt tủi, đứng ra,
Tiểu thư đâu đã rẽ hoa bước vào.
Cười cười, nói nói ngọt ngào,
Hỏi: "Chàng mới ở chốn nào lại chơi?"
1985./ Dối quanh Sinh mới liệu lời:
"Tìm hoa quá bước, xem người viết kinh."
Khen rằng: "Bút pháp đã tinh,
"So vào với thiếp Lan đình nào thua!
"Tiếc thay lưu lạc giang hồ,
1990./ "Nghìn vàng, thật cũng nên mua lấy tài!"
Thiền trà cạn nước hồng mai,
Thong dong nối gót thư trai cùng về.
Nàng càng e lệ ủ ê,
Rỉ tai, hỏi lại hoa tì trước sau.
1995./ Hoa rằng: "Bà đã đến lâu,
"Nhón chân đứng nép độ đâu nữa giờ.
"Rành rành kẽ tóc chân tơ,
"Mấy lời nghe hết đã dư tỏ tường.
"Bao nhiêu đoạn khổ, tình thương,
2000./ "Nỗi ông vật vã, nỗi nàng thở than.
"Ngăn tôi đứng lại một bên,
"Chán tai rồi mới bước lên trên lầu."
Nghe thôi kinh hãi xiết đâu:
"Đàn bà thế ấy thấy âu một người!
2005./ "Ấy mới gan ấy mới tài,
"Nghĩ càng thêm nỗi sởn gai rụng rời!
"Người đâu sâu sắc nước đời,
"Mà chàng Thúc phải ra người bó tay!
"Thực tang bắt được dường này,
2010./ "Máu ghen ai cũng chau mày nghiến răng.
"Thế mà im chẳng đãi đằng,
"Chào mời vui vẻ nói năng dịu dàng!
"Giận dầu ra dạ thế thường,
"Cười này mới thực khôn lường hiểm sâu!
2015./ "Thân ta ta phải lo âu,
"Miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn này!
"Ví chăng chắp cánh cao bay,
"Rào cây lâu cũng có ngày bẻ hoa!
"Phận bèo bao quản nước sa,
2020./ "Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh.
"Chỉn e quê khách một mình,
"Tay không chưa dễ tìm vành ấm no!"
Nghĩ đi nghĩ lại quanh co,
Phật tiền sẵn có mọi đồ kim ngân.
2025./ Bên mình giắt để hộ thân,
Lần nghe canh đã một phần trống ba.
Cất mình qua ngọn tường hoa,
Lần đường theo bóng trăng tà về tây.
Mịt mù dặm cát đồi cây,
2030./ Tiếng gà điếm nguyệt dấu giày cầu sương.
Canh khuya thân gái dặm trường,
Phần e đường xá, phần thương dãi dầu!
Chú giải:
1937. Gác kinh: Cái gác viết kinh, chỉ chỗ ở của Kiều.
Viện sách: Tức thư viện, phòng đọc sách, chỉ chỗ ở của Thúc sinh.
1940. Vấn an: Hỏi thăm sức khoẻ.
1944. Áo xanh: Do chữ thanh sam, chỉ thứ áo xanh mà các nhà nho sĩ xưa thường mặc.
1950. Cát lầm ngọc trắng: ý nói Kiều như "ngọc trắng" mà bị cát vùi dập.
1953. Tông đường: Nhà tổ tông. Ở đây dùng với nghĩa: "nối dõi tông đường". Ý nói Thúc sinh nghĩ mình chưa có con trai để nối dõi tông đường.
1969. Dông tố: Cơn mưa to gió lớn, ở đây chỉ sự giận giữ ghê gớm của Hoạn thư.
1987. Bút pháp: Phép viết chữ.
1988. Thiếp Lan - đình: Do chữ Lan-đình thiếp là bản bút tích rất tốt của nhà văn Vương Hy Chi, đời Tần.
1991. Thiền trà: Nước trà của nhà chùa.
Hồng mai: Gỗ cây mai già dùng để nấu làm nước uống, sắc nước đỏ hồng, nên gọi là hồng mai.
1992. Thư trai: Nhà đọc sách, cũng như thư viện.
2008. Bó tay: Chữ hán là thúc thủ. Đặt hai chữ "bó tay" sau chữ "Thúc" là một cách chơi chữ của tác giả.
2011. Đãi đằng: ở đây lại có nghĩa là nói năng, làm ầm ĩ lên.
2014. Cổ nhân có câu: Nộ giả thường tình, tiếu giả bất khả trắc, nghĩa là: Giận dữ là thói thường, cười thì không thể lường được. Câu này dùng ý ấy.
2018. Câu này ý nói: Bị giam giữ ở đây lâu, thế nào cũng có ngày mình bị hành hạ điêu đứng hơn, hoặc bị trừ khử.
2020. Câu này ý nói: Thuý Kiều nghĩ thân phận của mình như cánh bèo trên mặt nước, ở đâu thì cũng là lênh đênh cả, không còn quản gì.
2024. Kim ngân: Vàng bạc, chỉ các đồ thờ như chuông, khánh đúc bằng vàng bạc.