7. Phụ lục


a. Ba yếu quyết của việc thọ trì kinh Vô Lượng Thọ
i. Khéo giữ gìn khẩu nghiệp, chẳng chê bai lỗi của người khác;
Khéo giữ gìn thân nghiệp, đừng làm chuyện trái ngược với giới luật;
Khéo giữ gìn ý nghiệp, thanh tịnh chẳng nhiễm.
ii. Phát bồ đề tâm, một hướng chuyên niệm A Di Ðà Phật.
iii. Quán pháp như hoá, tam muội thường tịch.


Nhận định:
Lão hòa thượng luôn luôn nhấn mạnh bí quyết tu học Phật pháp cho được thành tựu là phải: ‘Thâm nhập một môn, huân tu lâu dài’. Nếu có thể không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn, thì chẳng ai không thành công.
Trong bài văn Khuyên Phát Tâm Bồ Ðề, Tổ thứ mười một của Tịnh Tông, Tỉnh Am đại sư chỉ rõ ‘Trong việc tu hành cấp bách nhất là phải lập nguyện trước tiên’. Trong chín nhân duyên có nói: ‘Phát Bồ Ðề Tâm là thiện căn, chấp trì danh hiệu là phước đức’
Kinh Hoa Nghiêm dạy: ‘Nguyện rộng thì hành sâu, hư không chẳng lớn, tâm vương mới lớn. Kim cang chẳng cứng, nguyện lực cứng nhất’.
Chú thích:Bồ Ðề tâm tức là tín nguyện tâm – tin những gì Phật nói, muôn duyên buông xuống hết, cầu nguyện vãng sanh.


b. Thái độ và nhận thức cần có khi tu học Phật pháp
i. Ấn Quang đại sư dạy chúng ta: ‘Muốn được lợi ích chân thật của Phật pháp thì phải tìm cầu từ sự cung kính, một phần cung kính được một phần lợi ích, mười phần cung kính được mười phần lợi ích’.
ii. Học Phật phải tin sâu nhân quả, hiểu lý của nhân quả. Bất luận là ‘Như Lai thành chánh giác’ hoặc là ‘chúng sanh đọa ác đạo’ đều chẳng ra ngoài nhân quả. Kinh Dịch nói: ‘Nhà tích thiện ắt có niềm vui, nhà tích điều bất thiện ắt có việc tai ương’. Tích thiện và tích bất thiện là nhân; niềm vui và tai ương là quả.
iii. Kinh nói: ‘Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả’. Bồ Tát sợ chiêu cảm ác quả nên ngăn ngừa, đoạn trừ nhân ác, từ đó tội chướng tiêu trừ, công đức viên mãn mãi đến khi thành Phật. Chúng sanh thường làm nhân ác nhưng lại muốn miễn trừ quả ác cũng giống người chạy trốn bóng của mình dưới ánh nắng mặt trời, vất vả khổ nhọc cách nào cũng chẳng được. Người vô trí khi làm chút ít việc thiện xong rồi hy vọng có phước báo to lớn; lúc gặp nghịch cảnh, có chút gì chẳng như ý liền nói: ‘Tôi làm lành nhưng lại gặp nạn, chẳng có nhân quả’, từ đó thoái tâm.
iv. ‘Tu phước còn phải tu huệ, tu Tịnh Ðộ’, tu phước dĩ nhiên là bắt đầu từ ‘đoạn ác tu thiện’. Làm công quả ở đạo tràng nhất định phải giữ gìn tâm thanh tịnh, nhắm đến mục tiêu ‘thành tựu giới, định, huệ của mình’, đừng tham cầu phước báo. Nhân viên [trong đạo tràng] càng không thể có thái độ: ‘tôi cho bạn cơ hội tu phước báo’ để đối xử với những người đến làm công quả. Tu huệ nên cầu đoạn trừ phiền não. Hoằng Nhất đại sư khai thị: “Muốn trừ phiền não trước tiên phải quên ‘ngã’ (tôi)”. Tu hành chẳng rời sinh hoạt, nhất định từ ‘quên tôi, xả tiểu ngã, đến vô tư, vô ngã’ mà làm; như vậy mới có thể đoạn trừ phiền não, trừ ngã chấp, tu học giới, định, huệ; đây là một phương pháp rất kỳ diệu. Nếu có thể dùng tâm ‘chân thành, thanh tịnh, từ bi’ để niệm Phật cầu sanh Tịnh độ thì đó là phước huệ viên mãn.
v. Người niệm Phật ăn chay để nuôi dưỡng tâm từ bi và tâm tường hòa. Nếu chẳng thể chấm dứt ăn mặn thì nên ăn tam tịnh nhục (thịt mà mình chẳng thấy giết, chẳng nghe giết, chẳng bị giết vì mình), hoặc ăn chay buổi sáng, nhất quyết đừng sát sanh, đặc biệt là sát sanh ở nhà. Ðể cho trong nhà thường được kiết tường, nếu thường sát sanh thì trong nhà biến thành lò sát sanh, oan hồn thường tụ tập, chẳng kiết tường.
vi. Phật, Bồ Tát giúp đỡ chúng ta bằng cách nói rõ đạo lý về nghiệp nhân quả báo, nói rõ sự lợi hại, và phương pháp đoạn ác tu thiện cho chúng ta biết, chỉ như vậy mà thôi. Thực sự muốn làm thì phải do tự mình làm; Phật, Bồ Tát chẳng thể làm thay chúng ta.
vii. Nghe pháp và nghe kinh nhất định phải ‘thâm nhập một môn, huân tu lâu dài’, học tập không ngừng để thể hội, giác ngộ và nỗ lực làm được ‘giải và hành đều tương ứng’. Lâu ngày công phu sâu dày mới phát sanh tác dụng -- mới có kết quả --, mới có thể hàng phục thói quen tập khí và đạt được thành tựu.
viii. Khổng Lão Phu Tử dạy chúng ta: ‘Ða văn khuyết nghi, thận hành kỳ dư’ (Nếu nghe nhiều mà còn có những chỗ nghi ngờ thì hãy thực hành cẩn thận những điều còn lại, tức những điều mình không nghi), đây là thái độ nên có khi chúng ta nghe kinh, nghiên [cứu kinh] giáo. Trong việc nghe kinh, nghiên giáo, căn cơ của mỗi người chẳng giống nhau, mỗi người sẽ hiểu khác nhau, tâm đắc khác nhau, và chẳng tránh có chỗ nghi ngờ khác nhau. Nghi ngờ là một căn bịnh nặng, đừng vì nghi mà đánh mất lòng tin, càng không thể vì nghi mà cản trở chánh hạnh. Nên tạm thời gác chỗ nghi hoặc qua một bên, chỉ thực hành những gì mà mình chẳng nghi, chuyện này rất quan trọng. Sau này gặp được ‘minh sư’ hoặc cảnh giới tu học của mình đã nâng cao thì vấn đề nghi hoặc sẽ được giải đáp.
ix. Trong câu chuyện Pháp Chiếu vào Trúc Lâm tự, Văn Thù Bồ Tát nói với Pháp Chiếu: ‘Hôm nay ông niệm Phật, đã đúng lúc rồi. Trong các môn tu chẳng có gì hơn niệm Phật. Cúng dường Tam Bảo, tu phước lẫn tu huệ. Hết thảy các pháp, Bát Nhã Ba La Mật, thậm thâm thiền định, cho đến chư Phật đều phát sanh từ niệm Phật. Thế mới biết niệm Phật là vua của các pháp. Ông nên thường niệm pháp vô thượng này, đừng bao giờ ngừng nghỉ’. Pháp Chiếu hỏi: ‘Làm thế nào để niệm?’. Văn Thù Bồ Tát nói: ‘Phía tây của thế giới đó có Phật A Di Ðà, Ngài có nguyện lực chẳng thể nghĩ bàn, ông nên niệm liên tục đừng để gián đoạn, sau khi mạng chung, nhất quyết sẽ vãng sanh, vĩnh viễn chẳng thoái chuyển’.
x. ‘Nhiếp trọn sáu căn’ là bí quyết của sự niệm Phật, lúc niệm Phật phải nhiếp nhĩ căn, lắng nghe từng chữ từng câu rõ ràng, đừng để mất. Phật hiệu từ tâm khởi lên, âm thanh từ miệng phát ra, trở vào tai, liên tục chẳng gián đoạn. Khi vừa có chút vọng niệm liền thâu nhiếp tâm niệm Phật, nhiếp nhĩ căn lắng nghe, chẳng để vọng niệm tiếp tục, hết thảy tạp niệm sẽ từ từ tiêu trừ, công phu tự nhiên sẽ được đắc lực.