xvii. Từ trước đến nay trong sách thường dạy người ta phải ăn thịt mới có đủ dinh dưỡng, mới khoẻ mạnh, động vật sanh ra là để người ăn thịt! Và nói: ‘Tôn giáo là mê tín, chẳng có thần tiên, chẳng có Bồ Tát, và cũng chẳng có địa ngục, người chết thì hết, việc gì cũng chẳng còn’. Vì [có những quan niệm sai lầm như] vậy nên ngày càng nhiều người chẳng tin nhân quả, muốn làm gì thì làm, tham đắm trong ngũ dục, chẳng thể tự chủ.
xviii. Khi nhìn thấy người ta giỏi, tốt hơn mình thì chịu không nổi, đây là đố kỵ. Ðố kỵ thuộc về [tội] ăn cắp, là tập khí từ vô thỉ kiếp đến nay. Phải thành tâm hối cải, khi nhìn thấy chuyện thiện phải tùy hỷ, có thể hoan hỷ khi nhìn thấy cái tốt, cái đẹp của người khác là thành tựu công đức cho mình, tức là tùy hỷ công đức.
xix.Nhẫn nhục là công phu giữ gìn công đức của mình, là công phu trước khi được định. Người xưa thường nói: ‘[Việc] nhỏ mà không nhẫn thì làm loạn mưu lớn’. Thành tựu nhỏ cần nhẫn nại ít, thành tựu lớn cần phải nhẫn nại nhiều. Nhưng nhẫn nhục chẳng phải đè nén, đè nén lâu ngày sẽ tích lũy thành bịnh. Nhẫn nhục đúng cách là vượt thoát ra khỏi phạm vi của sự tranh chấp, dùng trí huệ hóa giải, dùng độ lượng bao dung.
xx. Thuốc bổ tốt cách mấy cũng thua tâm thanh tịnh, tâm vui vẻ. Ham muốn ít, biết đủ thì thường vui. Ham muốn ít thì tâm thanh tịnh, biết đủ thì thường khoái lạc.

Tóm lại chỉ có niệm Phật là tốt. A Di Ðà Phật!

Chú thích
(1) Trăm giới ngàn như (Bách giới thiên như): Theo tông Thiên Thai có mười giới: từ ngạ quỉ, súc sanh, địa ngục.. cho đến chư Phật. Trong mỗi giới lại có đủ mười giới (mỗi giới có đủ mầm mống mười pháp giới ở trong), nên 10 x 10 = 100 giới. Trong mỗi giới lại có mười môn như thị (mười thứ đúng như thế). Diệu lý của thật tướng từ xưa đến nay vẫn ‘như như’, chẳng hề biến đổi nên gọi là Như; y vào Thực Tướng và phải hiện ra Thế Ðế nên gọi là Thị. Hai chữ Như Thị là trạng thái của Thực tướng, nó phải như như thế thế. Mười cái Như thị là như thị tướng, như thị thể, như thị tánh, như thị lực, như thị tác, như thị nhân, như thị duyên, như thị quả, như thị bản mạt cứu kính (cái gì cũng có gốc, ngọn, từ gốc đến ngọn đều bình đẳng rốt ráo), (xem kinh Pháp Hoa) Mỗi một pháp giới có mười cái Như Thị, một trăm pháp giới thành ra một ngàn cái Như Thị. Tông Thiên Thai dùng chữ “bách giới thiên như” để chỉ tất cả các pháp.
(2) Trong kinh có tỷ dụ ‘thân người khó được’ như sau: từ trên đỉnh núi cao thả một sợi chỉ xuống, phía dưới chân núi đặt một cây kim, thả sợi chỉ từ đỉnh núi xuống và xỏ ngay vào cây kim ở dưới chân núi, gió vừa thổi nhẹ thì sợi chỉ chẳng biết sẽ bay đến phương nào rồi! Ðừng nói là chỉ có một sợi, dù có một ngàn sợi, mười ngàn sợi, có sợi nào may mắn xỏ được ngay vào lỗ kim, sác xuất của việc này xảy ra vô cùng nhỏ bé, chuyện này rất khó xảy ra, mất thân người rồi muốn được thân người trở lại cũng khó như vậy!
(3) Ðịa Thượng Bồ Tát: Các vị Bồ Tát từ Sơ Ðịa trở lên.
Trong quá trình chuyển ngữ chắc không tránh khỏi thiếu sót, xin các bậc thức giả hoan hỷ phủ chính cho.
Xin thành thật cám ơn.
Một nhóm Diệu Âm cư sĩ, 9-4-2004
Di Da Nguyen Hai