Sau khi bị liên quân Việt-Mỹ đánh bại trong trận chiến Hè-Thu năm 1966 tại phía Nam sông Bến Hải, Bắc Việt phải rút quân về hướng Tây Bắc Quảng Trị và tiến hành các cuộc tấn công quấy rối ở khu vực Khe Sanh và quận Cam Lộ.
Đêm 20 tháng 3/1967, cuộc chiến tại vùng giới tuyến đã bùng nổ trở lại khi Bắc Việt pháo kích dữ dội vào một căn cứ hỏa lực Hoa Kỳ gần quận lỵ Gio Linh, cách cầu Hiền Lương khoảng 6 km đường chim bay. Cũng trong đêm này, họ mở trận hỏa công vào vị trí đóng quân của các tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) Hoa Kỳ và đơn vị thuộc Trung Đoàn 2 Bộ Binh (BB) Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) chung quanh Cồn Tiên và Gio Linh.
Ngày hôm sau, Cộng quân phục kích một đoàn xe chở đạn của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ chỉ cách Gio Linh hơn 3 km, nơi mà trước đó vài ngày, đã diễn ra trận đụng độ ác liệt giữa một đại đội Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ và một đơn vị Cộng Sản Bắc Việt (CSBV).
Đến ngày 6 tháng 4/1967, toàn khu giới tuyến trở thành điểm nóng, Bắc Việt điều động Sư Đoàn 324B (đã từng xâm nhập vào phía Nam sông Bến Hải trong tháng 7/1966) phối hợp cùng Sư Đoàn 341 tổng trừ bị vượt vĩ tuyến 17 tấn công cường tập vào khu vực tuyến phòng ngự dọc bờ Nam sông Bến Hải, đồng thời đánh chiếm một đồn Cảnh Sát Quốc Gia ở phía Nam của cầu Hiền Lương, và một số xã thuộc quận Trung Lương.
Tại mặt trận Cồn Tiên (Cồn Tiên), mùa hè năm 1967: Hình trên, trực thăng tiếp tế súng đạn. Lính Thủy Quân Lục Chiến hợp sức khuân một khẩu đại bác 106 ly ra khỏi trực thăng.
Hình dưới: Một thương binh nằm trên băng ca được đồng đội đưa lên trực thăng để tải thương về hậu cứ.
(Hình ảnh: Vietnam Remembered).
Trước đó vào tối ngày 5 tháng 4/1967, Cộng quân đã tấn công vào yếu khu La Vang ở phía Tây thị xã Quảng Trị, đồng thời pháo kích dữ dội vào tỉnh lỵ làm nhiều doanh trại quân sự bị hư hại nặng. Đặc công Việt Cộng đã yểm trợ để các tù binh Cộng Sản phá trại giam vượt thoát. Tại phía Nam sông Bến Hải khi trận chiến xảy ra, lực lượng Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ và Trung Đoàn 2 Bộ Binh VNCH đã kịp thời khai triểm đội hình, chận đứng được các đợt xung phong của quân Cộng Sản Bắc Việt.
Ngày 7 tháng 4/1967, được sự yểm trợ về phi pháo và hải pháo, Trung Đoàn 2 Bộ Binh VNCH và các đơn vị thuộc Sư Đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đã đẩy lùi các cuộc tấn công của quân Cộng Sản và giữ vững cụm tuyến Cồn Tiên và Gio Linh, làm cho lực lượng địch phải tạt lên phía Tây Bắc để tránh tổn thất.
Theo phân tích của Đại Tướng Williams Westmoreland, Tư Lệnh Lực Lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam vào thời gian này, thì trận tấn công của 2 sư đoàn Cộng Sản Bắc Việt vào khu giới tuyến mang tính cách chiến lược. Cộng quân muốn chọc thủng cụm tuyến phòng ngự của liên quân Việt-Mỹ tại vùng Phi Quân Sự (DMZ), để đánh chiếm Quảng Trị, nhưng kế hoạch của Cộng quân đã bị liên quân Việt-Mỹ vô hiệu hóa.
Các trận giao tranh kéo dài đến giữa tháng 4/1967, trong suốt thời gian này, quân trú phòng tại các tiền cứ đã phải “đội mưa pháo hàng ngày.” Cứ vào rạng sáng, khi tầm quan sát của phi cơ còn bị hạn chế, Cộng quân đã pháo như mưa vào các hào tuyến của quân trú phòng. Nhờ có hệ thống công sự chiến đấu kiên cố, các đơn vị Bộ Binh VNCH và Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đã chịu đựng được các trận hỏa pháo của Cộng quân. Khi vừa dứt đợt pháo, Không Quân Hoa Kỳ xuất trận oanh tạc vào các mục tiêu được ghi nhận là có địch tập trung. Theo ước định của các chuyên viên tình báo, Sư Đoàn 324B CSBV bị thiệt hại gần 1/3 quân số.
Từ 15 tháng 4 đến 30/4/1967, Cộng quân vẫn tiếp tục pháo kích vào các đơn vị trú phòng. Riêng trong ngày 27 tháng 4/1967, Cộng quân đã pháo kích dữ dội vào các tiền cứ của liên quân Việt-Mỹ quanh khu vực Gio Linh bằng đại bác 105 ly do Hoa Kỳ chế tạo (đây là các đại bác bị Cộng quân lấy được trong vài trận tấn công vào căn cứ của liên quân Việt-Mỹ ở Vùng 1 Chiến Thuật).
Vào thượng tuần tháng 5/1967, quân Cộng Sản Bắc Việt lại khởi động một đợt tấn công mới vào các căn cứ của liên quân Việt-Mỹ, bắt đầu bằng cuộc tấn công vào căn cứ Cồn Tiên vào rạng sáng ngày 7 tháng 5/1967. Lực lượng Cộng quân tham gia cuộc tấn công này là Tiểu Đoàn K2 và Tiểu Đoàn K4 thuộc Trung Đoàn 80 CSBV.
Sau một giờ giao tranh, đơn vị Thủy Quân Lục Chiến trú phòng đánh bật cuộc tấn công. Địch quân rút đi và để lại quanh căn cứ 238 xác bộ đội. Ngoài ra, 7 cán binh Cộng Sản bị bắt sống, 212 súng bị tịch thu cùng nhiều đạn dược. Song song với cuộc tấn công bằng bộ binh vào Cồn Tiên, Cộng quân cũng pháo kích dữ dội vào khu vực Gio Linh và Đông Hà gây tử thương cho 36 binh sĩ Hoa Kỳ và 99 người bị thương.
Hình chụp nhìn về phía một vọng gác nằm trên đỉnh đồi tại Cồn Tiên. Căn cứ này nằm về phía bắc tỉnh Quảng Trị.
Và cũng như một số địa danh khác như Ðông Hà, Cam Lộ, ở tuyến địa đầu, Cồn Tiên cũng nằm chung số phận bị những trận mưa pháo của Bắc quân cày nát. Trận chiến tại Cồn Tiên bắt đầu vào tháng 5/1967 và kết thúc vào cuối tháng 7/1967 khi Sư Ðoàn 3 TQLC Hoa Kỳ phối hợp với Sư Ðoàn 1 BB VNCH mở cuộc hành quân truy lùng địch quân và giải tỏa vùng này. (HÌNH ẢNH: Jeff Kelly)
Mười ngày sau, sáng 17 tháng 5, một đại đội Thủy Quân Lục Chiến hành quân tuần tiểu quanh Cồn Tiên đã chạm súng với một đơn vị Cộng quân. Đại đội Thủy Quân Lục Chiến này làm chủ trận địa ngay từ phút đầu. Họ đánh tan một đại đội Cộng quân và hạ sát 96 cán binh Cộng Sản.
Ngày 18 tháng 5/1967, để truy lùng và tấn công 3 trung đoàn Cộng Sản Bắc Việt, liên quân Việt-Mỹ đã khởi động 3 cuộc hành quân sau đây: 1) Cuộc hành quân Hickory của TQLC Hoa Kỳ đổ bộ từ các chiến hạm của Hạm đội 7, 2) cuộc hành quân Bean Charger của Bộ Binh Mỹ, 3) và cuộc hành quân Lam Sơn 54 của Sư Đoàn 1 Bộ Binh VNCH. Trong cuộc hành quân Lam Sơn 54, Sư Đoàn 1 Bộ Binh VNCH được tăng cường với 4 tiểu đoàn Nhảy Dù. Quân số của liên quân Việt-Mỹ tham dự các cuộc hành quân gồm có 15 ngàn chiến binh.
Tuần lễ cuối cùng của tháng 5, trận chiến tiếp tục quanh căn cứ Cồn Tiên và các tiền cứ ở phía Tây căn cứ này, trong đó có trận kịch chiến suốt ngày 25/5 trên Đồi 117 cách Cồn Tiên 5 km đường chim bay. Đầu tháng 6/1967, một đại đội TQLC Hoa Kỳ bị Cộng quân tấn kích tại một vị trí cách Cồn Tiên 6 km, phía Hoa Kỳ có 13 tử thương, 63 bị thương.
Trong tháng 6/1967, liên quân Việt-Mỹ tiếp tục khai triển ba cuộc hành quân nói trên, các đơn vị được bung rộng để truy kích địch. Trong thời gian này, hoạt động quấy rối của các đơn vị bộ đội Cộng quân đã bị lực lượng Việt Mỹ chận đứng, nhưng các trận pháo kích của đối phương vẫn tiếp diễn.
Dù bị tổn thất nặng trong các trận tấn công vào Cồn Tiên, nhưng Cộng quân vẫn không từ bỏ mưu tính đánh chiếm căn cứ này.
Rạng sáng ngày 2 tháng 7/1967, quân Cộng Sản Bắc Việt điều động một trung đoàn tấn công vào các vị trí tiền đồn quanh Cồn Tiên. Giao tranh diễn ra vô cùng ác liệt khi Cộng quân cố chọc thủng tuyến phòng thủ của các đại đội TQLC Hoa Kỳ quanh căn cứ. Hỏa lực của Không quân đã yểm trợ mạnh mẽ làm cho lực lượng tấn công phải rút lui. Quân Cộng Sản 65 xác chết, phía Hoa Kỳ có 51 người tử thương, 70 bị thương, và 34 mất tích. Cũng trong ngày này, Cộng quân pháo kích dữ dội vào các căn cứ của Hoa Kỳ tại Gio Linh và Đông Hà.
Ngày 17 tháng 7/1967, sau hai tháng liên tục truy lùng địch, liên quân Việt-Mỹ đã kết thúc ba cuộc hành quân tại giới tuyến. Tuy nhiên, để triệt tiêu áp lực của quân Cộng Sản tại phía Nam Bến Hải, ngày 17 tháng 7/1967, Sư Đoàn 3 TQLC Hoa Kỳ phối hợp với Sư Đoàn 1 Bộ Binh VNCH tổ chức cuộc hành quân Hickory 2 để truy quét Cộng quân quanh Cồn Tiên.
Từ ngày khai diễn cuộc hành quân cho đến cuối tháng 7, nhiều trận giao tranh đã diễn ra giữa các đơn vị Việt Mỹ và các tiểu đoàn Cộng Sản Bắc Việt, trong đó có trận kịch chiến kéo dài suốt ngày giữa TQLC Hoa Kỳ và Cộng quân cách Cồn Tiên 5 km về phía tây bắc.
Trong thời gian trận chiến ở vùng Phi Quân Sự diễn ra ác liệt, Đại Tướng Westmoreland đã nhiều lần bay ra Quảng Trị để thị sát tình hình. Ông cũng đã đáp xuống Cồn Tiên để thăm viếng đơn vị Thủy Quân Lục Chiến tại đây. Theo vị tư lệnh này, vì Cồn Tiên là mục tiêu trọng điểm nên liên quân Việt Mỹ đã tạo mọi nổ lực để bảo vệ. Nhận định tổng lược về trận chiến Cồn Tiên, Đại Tướng Westmoreland đã ghi lại như sau:
Bây giờ Cồn Tiên trở thành mục tiêu số một. Các nhà bình luận trên truyền hình và báo chí bắt đầu gọi nơi này là điểm chờ Điện Biên Phủ. Thật vậy, Cồn Tiên rất hẻo lánh, binh sĩ suốt ngày sống trong các hầm làm bằng bao cát, nhìn ra qua lỗ châu mai.
Thời tiết tại đây cũng khắc nghiệt, thường xuyên có mưa to. Sau mỗi cơn mưa, thì đất ngập cả bùn lầy, trời vẫn ảm đạm. Có lần tôi đi trực thăng thăm. Phi công vừa cho trực thăng chạm đất thì đạn pháo kích ùa tới. Tôi không làm sao ra được. Một binh sĩ TQLC nói với tôi, “Thưa đại tướng, Việt Cộng nó biết ông đến đó.” Thật vậy, sau nhiều lần bị áp lực chiến trường đè nặng, tinh thần của binh sĩ tại Cồn Tiên đã gan lì khiến họ có bộ óc khôi hài, chấp nhận gian khổ và chỉ còn biết hoàn thành nhiệm vụ.</I>
Cùng với nỗ lực chận địch, một thành phần của Trung Đoàn 2 Bộ Binh VNCH đã phối hợp cùng Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ và Cảnh Sát Quốc Gia tỉnh Quảng Trị đã đưa được hơn 13 ngàn ngàn đồng bào tại hai quận Trung Lương và Gio Linh về tạm cư tại Cam Lộ. Để phối hợp các hoạt động cứu trợ, Thiếu Tướng Hoàng Xuân Lãm (lên trung tướng tháng 7/1967) –Tư Lệnh Vùng 1 Chiến Thuật– đã cử Đại Tá Đỗ Kiến Nhiễu trực tiếp điều hợp và giám sát trại tạm cư. (Tháng 6 năm 1968 Đại Tá Nhiễu được cử làm đô trưởng Saigon. Hai năm sau ông được thăng cấp chuẩn tướng).
Cuộc tấn công của 2 sư đoàn Cộng Sản Bắc Việt ở khu giới tuyến đã gây chấn động dư luận trong nước và quốc tế. Ngay sau khi cuộc chiến xảy ra, trong dịp chủ tọa lễ mãn Khóa 23 Sĩ Quan Trừ Bị Trường Bộ Binh, Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu –lúc ấy là Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia– đã lên tiếng tố cáo Cộng Sản Bắc Việt trắng trợn vi phạm Hiệp định Genève khi họ xua quân vượt sông Bến Hải.
Vương Hồng Anh
Pleiku.org
*********************
"[At the battalion aid station], the doctor had only a few minutes to stop the hemorrhaging and to clean away the mud. He worked under flashlights--an exploding rocket had knocked out the power plant, once again. [Cồn Tiên, September/October 1967.]" War Without Heroes, p. 78.
"In between monsoon rainstorms, when the heat and humidity became too oppressive, the Marines found survival itself almost intolerable within the acrid shell of their own sweat and red dust. So they stripped and waded into the nearest natural bathtub . . . They stripped, that is, except for helmet, flak jacket and boots, which after a few weeks on that shrapnel-saturated Vietnamese hillside were viewed as perfectly normal parts of every man's body. [Cồn Tiên, September/October 1967.]" War Without Heroes, p. 86.
One man was black--one was white; the endless nights and days, the rain-flooded trench, constant enemy shelling, cigarettes, and the grim life which they shared were the same. [Cồn Tiên, September/October 1967.]" War Without Heroes, p. 97.
U.S. Marine inside the cone of fire at Con Thien, September/October 1967.
Corpsmen Dennis McLean and Bill Dancy tend to Corporal Harry Hutchinson after he was blasted by a recoilless rifle from the DMZ. Two nights later Hutchinson was back in his post at OP One. Cồn Tiên, September/October 1967.
David Douglas Duncan: An Inventory of His Papers and Photographs at the Harry Ransom Center
****************
Sư Đoàn 3 Và Không Đoàn 7 Trong Trận Cồn Tiên
Tác Giả: Vương Hồng Anh
Từ giữa năm 1966, Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) đã cho nhiều đơn vị chủ lực vượt Vĩ Tuyến 17 để tiến hành các cuộc tấn công vào Vùng Phi Quân Sự (Demilitarized Zone, hoặc DMZ). Nhằm chận đứng các hoạt động của địch quân tại vùng giới tuyến, Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam đã lập các phòng tuyến dọc theo phía Nam sông Bến Hải, giao trách nhiệm phòng thủ hệ thống căn cứ án ngữ này cho các đơn vị thuộc Sư Đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) thuộc Lực Lượng 3 Thủy Bộ Hoa Kỳ và Trung Đoàn 2 Bộ Binh VNCH.
Từ giữa năm 1966 đến tháng 7/1967, Bắc quân đã mở hai đợt cao điểm tấn công và pháo kích liên tục vào căn cứ Cồn Tiên và các tiền đồn phụ cận tại Vùng Phi Quân Sự, nhưng tất cả các trận tấn công của đối phương trong thời gian này đã bị liên quân Việt-Mỹ chận đứng. Tình hình chiến sự tại vùng trọng điểm này chỉ tạm lắng được 2 tháng thì đã sôi động trở lại vào tháng 9 và kéo dài đến tháng 10. Sau đây là diễn tiến của trận chiến tại Vùng Phi Quân Sự vào mùa Thu 1967.
Vào tháng 9/1967, Bắc Việt đồng loạt tấn công hiệp đồng pháo-bộ binh vào các căn cứ của liên quân Việt-Mỹ dọc theo các triền đồi dưới chân núi ở phía Tây, Tây Bắc và vùng duyên hải tỉnh Quảng Trị. Các trận giao tranh trở nên ác liệt hơn trận chiến Hè-Thu 1966 và Hè 1967. Một số căn cứ chịu áp lực nặng do Bắc quân pháo kích liên tục, với mức độ hỏa tập mà theo Đại Tướng Williams Westmoreland còn dữ dội hơn cả thời kỳ Đệ Nhị Thế Chiến và Chiến Tranh Triều Tiên, gây căng thẳng cho quân trú phòng.
Để triệt tiêu cường lực tấn công của đối phương và để yểm trợ cho các đơn vị Việt-Mỹ có thể khởi động các cuộc hành quân bên ngoài căn cứ, Không Quân Chiến Thuật và Chiến Lược đã liên tục xuất trận oanh tạc dữ dội vào các vị trí có Bắc quân đang tập trung, đồng thời các pháo đội 175 ly từ căn cứ hỏa lực Carroll và Rock Pile, cùng với hải pháo từ các chiến hạm ngoài khơi khai hỏa mạnh mẽ dập tắt được khá lớn các khẩu đại bác, súng cối, hỏa tiễn của địch dùng để pháo kích.
Ngày 5 tháng 9/1967, Bắc quân lại tấn công vào khu vực Cồn Tiên. Vẫn với chiến thuật tiền pháo hậu xung, Bắc quân đã điều động 2 tiểu đoàn tấn công vào tuyến phòng thủ tiền đồn của TQLC cách Cồn Tiên 2 km về hướng Tây-Nam. Trước khi tung bộ binh tấn công, Bắc quân mở trận pháo kích, bắn 157 quả đạn súng cối 82 ly vào vị trí phòng thủ của Thủy Quân Lục Chiến. Giao tranh diễn ra rất ác liệt, các chiến binh trú phòng đã phải tác xạ liên tục để ngăn chận địch. Ngay trong trận đánh đầu tiên này, theo tin tức được phổ biến trên báo chí, phía Bắc quân có 37 cắn binh bỏ xác tại trận địa, phía Thủy Quân Lục Chiến có 47 chiến binh bị thương.
Trận chiến tại Cồn Tiên và khu vực giới tuyến trong suốt tháng 9 năm 1967 tiếp diễn ở mức độ khốc liệt, rất đẫm máu và dai dẳng. Ngày 19 tháng 9/1967, Bắc quân pháo kích hơn 300 quả đạn vào Cồn Tiên và Gio Linh làm cho 100 chiến binh TQLC Hoa Kỳ bị thương. Hầu như ngày nào Bắc quân cũng pháo kích vào căn cứ trọng điểm này.
Trong tháng 9/1967, số thiệt hại của Thủy Quân Lục Chiến do Bắc quân pháo kích tại Cồn Tiên được ghi nhận như sau: Hơn 300 chiến binh Hoa Kỳ tử thương, 3 ngàn quân nhân bị thương.
Riêng trong 8 ngày cuối của tháng 9, mức độ pháo kích và tấn công vào Cồn Tiên và các tiền đồn kế cận đã gia tăng mạnh, trong đó có một số trận gây thiệt hại nặng cho Thủy Quân Lục Chiến được ghi nhận như sau:
Ngày 22 tháng 9, quân Bắc Việt pháo kích suốt ngày vào các vị trí của Thủy Quân Lục Chiến tại Cồn Tiên và Gio Linh, đồng thời mở 3 đợt xung phong vào căn cứ Cồn Tiên. Trong ngày này có 16 lính Mỹ tử thương, 170 bị thương.
Ngày 25 tháng 9, căn cứ Carroll của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ và Cồn Tiên bị
pháo kích dữ dội: 8 chết, 202 bị thương.
Ngày 26 tháng 9/1967, Bắc quân pháo hơn 1,000 đạn đại bác và hỏa tiễn vào căn cứ Cồn Tiên, gây tổn thất nhân mạng cho đơn vị trú phòng: 2 chiến binh tử thương, 172 bị thương.
Xe bọc sắt AMTRAC của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ tại Cửa Việt, 1967. (HÌNH ẢNH: Don Law)
Để triệt hạ các vị trí đại pháo của địch, Pháo Binh Hoa Kỳ đã bắn trả đũa sang phía Bắc Việt hơn 10,000 quả đạn đại bác mỗi ngày. Ngoài ra, Không Quân Chiến Lược với các pháo đài B-52 đã thực hiện nhiều phi tuần dội bom xuống vùng phi quân sự ở gần Cồn Tiên.
Ngày 27 tháng 9/1967, để giải tỏa áp lực địch, Liên quân Việt-Mỹ khởi động cuộc hành quân Lam Sơn 131 tại giáp giới vùng Phi Quân Sự. Ngày 28 tháng 9, một đại đội Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ bị quân Bắc Việt phục kích gần Cồn Tiên, làm cho 3 binh sĩ Mỹ tử trận và 15 bị thương.
Đầu tháng 10 năm 1967, tin tức tình báo ghi nhận Bắc quân đã bị tổn thất nặng trong các trận giao tranh tại Cồn Tiên và khu vực Phi Quân Sự, nhiều đơn vị Bắc quân đã phải rút về bên kia sông Bến Hải để tái bổ sung quân số. Đồng thời các vị trí pháo của Bắc quân cũng dời nơi khác để tránh sự phát giác của phi cơ quan sát của Không Quân Việt-Mỹ. Trong những ngày đầu của tháng 10 năm 1967, Bắc quân đã ngưng các đợt pháo kích vào căn cứ Cồn Tiên.
Để tăng cường sự phòng thủ Vùng Phi Quân Sự hầu ngăn chận hữu hiệu các cuộc xâm nhập và tấn công quấy rối của Bắc quân, ngày 10 tháng 10/1967, Bộ Tư Lệnh Lực Lượng 3 Thủy Bộ đã điều động thêm 3,000 binh sĩ TQLC đến vùng giới tuyến. Theo kế hoạch, sẽ có thêm 4,500 binh sĩ TQLC được điều động ra khu vực này.
Trận chiến tạm lắng được 10 ngày thì đã bùng nổ trở lại. Ngày 11 tháng 10, căn cứ Cồn Tiên bị pháo kích dữ dội trong nhiều giờ liền, cũng trong ngày này, pháo đài B-52 đã oanh tạc vào các vị trí pháo binh của Bắc Việt đặt ở phía Bắc khu Phi Quân Sự.
(Ghi chú: Đến gần cuối năm 1966, Tổng Thống Lyndon Johnson mới cho phép lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam sử dụng hải pháo bắn trả trong trường hợp bị pháo binh của Bắc Việt từ trong Vùng Phi Quân Sự bắn ra. Đến tháng 2 năm sau, Đại Tướng Westmoreland được thêm quyền sử dụng Pháo Binh để tác xạ quấy rối).
Trở lại trận chiến ở Cồn Tiên, trong hai ngày 12 và 13 tháng 10, Bắc Việt tiếp tục pháo kích vào căn cứ. Rạng ngày 14 tháng 10, Bắc quân lại mở trận tấn công hiệp đồng pháo binh và bộ chiến vào căn cứ, nỗ lực chính của họ là 1 tiểu đoàn đặc công. Cuộc tấn công này bị phía bên Thủy Quân Lục Chiến trú phòng chận đứng sau hơn 2 giờ kịch chiến.
Trong trận này, có 21 binh sĩ TQLC Hoa Kỳ tử thương, 20 bị thương. Số tổn thất của Bắc quân được ghi nhận rất cao, nhưng vì Bắc Việt cứ pháo kích liên tục nên quân trú phòng không bung ra ngoài được để kiểm soát trận địa và đếm số Bắc quân bị bỏ xác tại chỗ.
Sau ngày này, Cồn Tiên trở thành biển lửa với các trận không tập dữ dội quanh vùng. Đại Tướng Westmoreland ghi lại trận Cồn Tiên thời gian này như sau:
Qua tuần đầu của tháng 10 năm 1967 có thể nói Cồn Tiên bị bỏ rơi vì một số binh sĩ TQLC Hoa Kỳ và vì ý niệm mới về phòng thủ được gọi là SLAM, tức là viết vắn-tắt của các chữ ghép Seek (truy lùng), Locate (xác định vị trí), Annihilate (tiêu diệt), và Monitor (theo dõi). Chiến thuật này do tướng William W. Momyer, Tư Lệnh Không Đoàn 7, người kế nhiệm tướng Joe Moore chủ xướng.
Tướng Momyer người mảnh khảnh, đáng tín cẩn, phong cách giống như một doanh nhân, nhưng chiến đấu vì lý tưởng, với lý trí và ý chí chứ không vì tình cảm. Theo ý niệm về kế hoạch SLAM của tướng Momyer, ông dựa phần lớn vào khả năng của B-52, của các phi cơ oanh tạc và hải pháo với sự phối hợp của pháo binh diện địa.
Sau khi được phi cơ thám thính và các phương tiện tình báo khác xác định mục tiêu, các pháo đài B-52 sẽ đến thả bom trước, sau đó là các chiến đấu cơ đến không kích cùng với hải pháo và địa pháo hỏa tập. Các cuộc thám sát trường kỳ này sẽ xác định mức độ thiệt hại. Suốt 49 ngày với chiến thuật SLAM đánh vào khu vực chung quanh Cồn Tiên, với hỏa lực kinh hồn của các hình thức vừa kể, lực lượng Bắc Việt vừa đến chiếm Cồn Tiên buộc lòng phải rút lui.
So với Điện Biên Phủ trước kia thì quả Cồn Tiên là một Điện Biên Phủ. Nhưng kết quả trái hẳn. Cộng Sản Bắc Việt bỏ lại hơn 2,000 xác trong khi Gio Linh và Cồn Tiên vẫn đứng vững. Bỏ Cồn Tiên, Gio Linh và cả Khe Sanh ư? Nếu chúng tôi (tức các đơn vị Hoa Kỳ) làm như vậy thì địch sẽ thừa thế lấn tới, đưa súng lớn tới sát khu dân cự Và rồi theo chân Cồn Tiên, Gio Linh, các nơi khác cũng sẽ lần lượt bị bỏ rơi.
Cũng theo lời kể của Đại Tướng Westmoreland là trước khi trận chiến bùng nổ tại Vùng Phi Quân Sự, Hoa Thịnh Đốn đã tỏ ra do dự không chịu cho dùng hải pháo bắn vào khu vực này. Riêng việc vị tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam xin phép cho quân bộ chiến vào khu vực lại càng khó khăn hơn. Ngay cả việc giao tranh bên dưới vùng Phi Quân Sự cũng bị ngăn cấm. Khi săn đuổi địch, các đơn vị có thể rượt đến lằn ranh hai miền nhưng nếu có chạm súng thì đơn vị truy kích buộc phải rút quân về.
Chính những ràng buộc và sự hạn chế nêu trên đã tạo đà cho phía Bắc Việt leo thang chiến tranh và tiến hành các cuộc tấn công quy mô vào vùng Nam Bến Hải ở giữa năm 1966. Lúc đó, Hoa Thịnh Đốn mới chấp nhận những đề nghị khẩn thiết của Đại Tướng Westmoreland để phản công và tiêu diệt quân Bắc Việt.
Vương Hồng Anh
Pleiku.org