Chuyện Đồng Quê
Tác giả : Hai Rạch Dừa
Bắt cá tôm ở đồng bằng sông Cửu Long
Phần 1
Ruộng lúa miền Tây
Chận Ụ
Trưa nắng gắt, nước lớn được nửa sông. Nước Rạch Dừa đổi từ màu đục ngầu phù sa sang màu trong xanh. Tiếng chim bìm bịp kêu trầm trầm: bịp.. bịp.. bịp... Văng vẳng từ bên sông có tiếng mẹ hát ru con:
Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi,
Buôn bán không lời chèo chống mỏi mê...
Tôi đang thơ thẩn dưới gốc cây ổi tìm trái chín, thì chú tôi lớn tiếng kêu:
- Thằng cu Tèo đâu, chuẩn bị đi chận ụ.
Tôi, thằng cu Tèo, lúc đó 4 tuổi, chạy lăng xăng đi chuẩn bị. Tôi hì hục lấy cho chú tôi một cái rổ xúc lớn, cho tôi một cái rổ nhỏ, một cái thùng thiếc đặt sẵn gần bờ ụ. Trong khi đó chú tôi lấy một cái nồi đất đi rang vài nắm cám.
Cám rang thơm phức, chú tôi đem ra thảy từng nắm xuống cái ụ tròn mà chú đào được mấy tháng nay. Ụ là một cái hồ nhỏ đường kính khoảng 4 mét, sâu 1.5 mét sát bờ sông và ăn thông ra sông Rạch Dừa bằng một cửa rộng 1.5 mét. Cửa ụ làm bằng tre đan có thể hạ xuống bất thình lình, chận không cho cá chạy ra sông.
Ngày ngày chú tôi rải cám xuống ụ nhử cá ngòai sông vào ăn cho quen. Mỗi tuần một lần, khi thấy cá ăn nhiều, chú tôi chận ụ. Tức là khi thấy cá đã vào nhiều chú hạ cửa ụ xuống, dùng một rổ xúc lớn lội vòng vòng trong ụ. Cái rổ to tướng đặt trước ngực xúc cá. Chú vừa đi vừa xúc một hồi làm nước trong ụ đục lên và quay vòng vòng theo bước đi của chú. Những con cá lòng tong, cá he, cá mại bị nước đục ngộp thở nổi đầu lên bị chú dùng rổ xúc chuyền cho tôi đổ vào thùng. Phần tôi cũng cầm cái rổ nhỏ trong tay vừa chạy tới lui vừa la hét:
- Xúc con nầy đi chú.
- Xúc con kia đi chú.
Có một lần tôi với tay hớt một con cá he, trật chân cắm đầu xuống tận đáy. Chú tôi đang xúc cá nghe tiếng động nhìn lại không thấy tôi chỉ thấy hai bàn chân nhỏ ngo ngoe trên mặt nước, vội vã kéo tôi lên. Tôi khóc thút thít vì bị uống nước no bụng.
Tôi lớn lên trong một làng nhỏ gần Đồng Tháp Mười, ven bờ sông Cửu Long. Làng Mỹ Long không giàu nhưng lúa gạo, cá tôm đủ nuôi dân làng no ấm. Câu nói “ăn cơm với cá” là một câu nói quen thuộc hàng ngày của chúng tôi vì lâu lắm chúng tôi mới được ăn cơm với thịt một lần. Lúc nhỏ, gia đình tôi sống với bà nội và cô chú tôi. Trong thời gian nầy tôi hay đi bắt cá với chú tôi. Khi tôi lớn lên gia đình ba má tôi ra riêng, tôi đi bắt cá với ba tôi hay các em tôi.
Thăm lưới trên sông
Xúc Cá Trên Đồng
Chỉ vài tháng sau lần tôi té xuống ụ là mùa nước nổi. Nước ngập ruộng, nước mênh mông nhìn ra ruộng như một cái biển. Cơm nước xong chú gọi tôi:
- Thằng Tèo đâu, đi gom cỏ với tao.
Tôi chẳng biết ất giáp gì, cũng chạy đi lấy nón đội. Chú tôi bỏ tôi lên chiếc xuồng, chèo xuyên qua những con rạch và nhiều thửa ruộng đến miếng đất trong sâu, xa nhà. Vấn một điếu thuốc phì phèo xong, chú lấy cái bàn cào Trư Bát Giới gom nhiều đống cỏ lớn nổi lều bều trên ruộng nước.
Mỗi lần chú vung bàn cào lên, cả đám cào cào, châu chấu đậu trên cỏ hoảng hốt nhảy toán loạn, nhiều con hụt chân rớt xuống nước búng tanh tách. Một con cá lóc nhỏ lao tới đớp mồi, mấy con cá rô rượt theo một con dế chạy loăng quăng trên mặt nước. Chú tôi cười:
- Chà, coi bộ năm nay có cá nghe cu Tèo.
Lòng tôi rộn ràng như hội giữa vùng trời nước mênh mông. Vài cuộn mây trắng trôi trên nền trời trong xanh. Những con chuồn chuồn bay lượn xung quanh, có con cả gan bay đậu trên nón của chú tôi. Coi chuồn chuồn chán, tôi hồi hộp theo dõi mấy con cò trắng không biết từ đâu bay đến đang đậu trên một đống cỏ của chú tôi. Con thì đứng rỉa lông, con thì co một chân lim dim ngủ, con khác thì đang lom khom mổ cá.
Chú tôi giải thích những đám cỏ nầy sẽ làm chỗ trú ngụ cho các loại côn trùng như cào cào, châu chấu, cóc nhái...,những con cua sẽ chui vào đó đẻ con. Rồi thì những con lươn, con cá và rắn sẽ vào đó ăn côn trùng, nhưng nhiều nhất là lươn.
Đợi ba bốn ngày sau, chú cháu tôi chèo xuồng trở lại. Chú nhẹ nhàng lội xuống dùng rổ xúc dưới đám cỏ. Sau khi bỏ hết cỏ ra, chú tôi trút rổ vào xuồng. Tôi thì vui mừng la ơi ới:
- Có lươn, có lươn chú ơi! Có rắn nữa chú ơi! Ái, hu hu, ái, ái.... cua.
Tôi bị một con cua kẹp ngón chân. Chú tôi nhẹ nhàng bẻ càng và gỡ con cua ra dùm tôi. Lòng xuồng lổn ngổn những con lươn vàng nghế, những con cá chạch, vài ba con rắn và hàng đống cua đồng. Chú tôi cẩn thận tóm cổ các con rắn râu, rắn trung liệng đi, các con rắn ri cá, ri voi, rắn nước thì bỏ vào một cái giỏ tre riêng. Mỗi lần xúc xong một đám cỏ, chú tôi trèo lên xuồng, bứt từ chân chú ra một hai con đỉa ném ra xa.
Lươn bán ngoài chợ
Vài giờ sau, chú cháu tôi mang về nhà một thùng lươn, cá và một mớ rắn ăn cả tuần mới hết. Cá chạch cặp gắp nướng ăn vừa dai vừa thơm ngon. Lươn thì làm món lươn um với nước cốt dừa, lá cách, thôi thì ngon hết chỗ nói. Rắn nước, rắn ri cá, ri voi bằm ra nấu cháo đậu xanh ăn vô mát cả ruột gan. Cua đồng nhiều vô số, chúng tôi đập ra cho vịt và heo ăn cho mau lớn.
Khu vực châu thổ sông Cửu Long với sông ngòi chằng chịt, với đồng ruộng rộng lớn là một môi trường sinh thái tốt cho nhiều loài tôm cá. Hàng năm sau mùa mưa lũ vào tháng 6, tháng 7, tháng 8, tháng 9, một lượng nước mưa lớn từ thượng nguồn tận bên Miến Điện, bên Lào, bên Miên đổ ra sông Cửu Long chảy ra biển Đông. Trên đường ra đại dương, khối nước khổng lồ đó làm ngập lụt đồng bằng sông Cửu Long trong 2 tháng là tháng 9 và tháng 10.
Vào mùa nước lụt, số lượng cá tôm lớn tràn lên đồng kiếm ăn và sanh sản mạnh. Nguồn thực phẩm trời cho dồi dào trong tháng nầy là hàng bao nhiêu tấn trùng, dế, cào cào, châu chấu, sâu bọ và lúa trên những cánh đồng ngập nước. Cá tôm ăn nhiều, lớn mạnh, để những tháng nước rút sau đó chúng đổ xuống sông rạch hay tụ tập vào những mương đìa, cung cấp thực phẩm cho con người. Bắt cá được nhiều nhất là vào những tháng nước nổi và những tháng nước rút trong dịp Tết.
Xuồng chèo miền Tây .
Người chèo dùng 2 chèo và đứng thẳng, tay chân nhịp nhàng
Xúc Cá Chạch
Năm tôi mười tuổi, tôi biết chập chững chèo xuồng. Xuồng chèo miền Tây dùng hai cây chèo dài. Người chèo đứng thẳng bước lui ra sau lấy thế xong bước tới và đẩy mạnh hai mái chèo, động tác nhịp nhàng, dẻo dai, đẹp mắt. Nhìn thấy dễ dàng nhưng mới tập chèo thì khó lắm, dùng sức nhiều mà thuyền không chịu đi, hay đi không thẳng. Một hôm, ba tôi sai tôi chèo về thăm bà nội và chú tôi. Tôi thích lắm, ra sức chèo, mồ hôi ra ướt cả áo.
Chèo được vài cây số, rẽ vào vàm sông Rạch Dừa nước đã cạn, tôi thấy lác đác có người mò cá. Chỉ còn ba trăm thước nữa là đến nhà nội tôi, tôi thật là hồi hộp, vui mừng. Lòng sông cạn nước nhỏ lại, hai bên bờ là hai bãi sình. Tôi tập trung tinh thần, bặm môi chèo mà chiếc xuồng nhỏ vẫn lủi hết bên nầy qua bên kia. Khi chèo ngang qua một ông đang đội nón lá xùm xụp mò cá bên bờ, ông quay lại cười:
- Thằng cu Tèo, mầy mới lên hả. Xuống bắt cá chạch với tao, mau !
Những con sông rạch như vầy thường hay có nhiều cá chạch và hến
Ôi, đó là chú tôi. Lâu quá chú cháu không có dịp bắt cá với nhau. Tôi vui mừng cặm một cây dầm xuống sình, cột xuồng vào, cởi áo phóng ngay xuống sông. Thì ra đang mùa cá chạch, chú tôi dùng rổ xúc, múc từng mảng sình lớn, rồi dùng tay xắn sình bỏ ra từ từ. Cuối cùng lộ ra những con cá chạch đang giẫy lăng xăng, đành đạch trong rổ tìm đường tẩu thóat.
Cá chạch là loại cá ngon sống ở đáy sông. Cá có mình dẹp, vảy nhỏ, thân có hình dáng như một lá tre dài, lớn hơn hai ngón tay, dài độ 25cm. Khi nước cạn, chúng chui vào sình chỉ ló một cái mỏ nhỏ như cây tăm lên để thở. Cũng như lươn, cá chạch trơn trợt nên chỉ hớt bằng rổ, rất khó bắt bằng tay. Hôm đó chú cháu tôi bắt được gần 50 con cá chạch đem về cho nội tôi.
Những con cá chạch đang bày bán ngoài chợ
Bữa cơm chiều, chúng tôi ăn cơm với cá chạch kho nghệ và cá chạch nướng . Thịt cá chạch dai, ngọt mà thơm. Người không quen ăn cá chạch thì rất sợ làm cá vì họ nghĩ là phải cạo vẩy, phải mài xuống xi măng cho ra vảy, thật khó khăn. Chính ra là dễ hơn nhiều: Cá nướng thì không cần làm gì cả, chỉ rửa sạch rồi cặp gắp nướng trên than hồng. Cái gắp cá thì chặt một nhánh tre hay một cọng tàu dừa là xong.
Cá kho thì lấy một chút tro nắm vào 2 ngón tay rồi cầm lấy đuôi, lấy dao cạo ngược một cái cho ra vảy. Cạo 2-3 cái rồi đổi bên cạo tiếp bên kia. Cá chạch kho nghệ vàng lườm, thơm ngon vô cùng. Lại thêm gỏi cá chạch nướng vàng, xé trộn với xoài tượng bằm và rau răm, chấm với nước mắm chanh tỏi thì không còn gì bằng. Cá chạch là loại cá ăn luôn ruột, mật, không cần mổ bụng.
Chú cháu tôi lựa một con cá kho mập nhất gắp cho bà nội tôi và gắp thêm cho bà mấy khúc cá nướng nhiều thịt, ngon nhất. Xong chú cháu tôi bắt đầu ăn uống cười nói vui vẻ. Tôi kể lại cho nội tôi nghe những pha hào hứng, lúc tôi bắt cá với chú tôi. Bà nội tôi lúc đó tuổi khoảng 60, người còn khỏe mạnh, ăn uống trông rất ngon miệng. Tuy ở vườn, bà rất gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ . Nhìn thằng cháu đang ba hoa, chích chòe … bà mỉm cười.
Một cảnh nấu nướng dưới quê
Không có Bài Mới
Bắt cá tôm ở đồng bằng sông Cửu Long
Phần 2
Câu cá trong hồ
Câu cá
Trưa, nước lớn, em gái tôi rủ tôi:
- Đi câu đi anh hai.
Ngoài vườn nhà tôi lúc nào cũng có sẵn vài bụi trúc. Gió đưa cành trúc la đà… Tôi chặt một cây trúc thẳng thớm, cột nhợ gân và lưỡi câu nhỏ để anh em tôi câu cá lòng tong và cá rô. Cá lòng tong dưới sông hay dưới mương vườn nhiều lắm và rất dễ câu. Mồi gì chúng cũng ăn, từ một hột cơm, một miếng tép, một chút mồi trùng hay một con cào cào. Cơm thì lấy trong nồi. Tép thì xúc trong rễ lục bình. Lấy một cái rổ nhuyễn, xúc đại từ dưới dề lục bình trong mương vườn thế nào cũng được vài con tép nhỏ. Trùng thì đào gần lu nước chỗ đất ướt. Cào cào thì đi bắt trong những bụi rau mác, bụi cỏ lác gần nhà.
Im lặng đợi chờ
Cá lòng tong rất háu ăn, nếu bỏ mồi ngay bầy thì chúng tranh nhau ăn giựt không kịp, có khi chỉ liệng cái lưỡi không mồi xuống, chúng cũng tranh nhau ăn và dính câu. Còn cá rô hay cá he thì ăn chậm hơn, phải bỏ mồi tép hoặc mồi trùng hơi sâu. Khi bắt đầu ngậm mồi, cá rô nhả một bọt nhỏ, phải để yên đợi khi nó kéo nặng tay mới giựt một cái. Có một lần, trong mương vườn chỗ gốc bưởi, anh em tôi câu dính một con cá rô nghệ lớn hơn ba ngón tay ngừời lớn. Tôi còn nhỏ, con cá kéo cong cần câu, phải lôi kéo một lúc tôi mới đem được cá vào bờ. Anh em tôi mừng quýnh, trống ngực đánh thình thình . Hình ảnh con cá rô lớn đó trong đời tôi vẫn còn nhớ mãi.
Tôi có một anh bạn hiền học chung lớp nhì trường làng. Nhà nghèo, đi học về anh Nam phải đi câu cá, nấu cơm cho cả gia đình ăn. Phần anh sáng đi học xách theo một gà mên cơm với mấy con cá nướng có chan vài muỗng nước mắm. Hồi đó học trò tiểu học ngày học hai buổi sáng chiều. Học sinh ở xa thường xách cơm theo, ở lại trường ăn trưa, tới chiều mới về nhà . Một buổi sáng nọ chúng tôi tới trường, được thầy cho nghỉ học vì sắp có mưa bão lớn. Tôi và anh Nam ra về, lúc đó mới khoảng 9 giờ sáng. Anh rủ tôi thanh toán gà-mên cơm của anh. Chúng tôi tìm một bệ đá bên đường chia nhau phần cơm. Chỉ là cơm nguội với mấy con cá rô biển, mà anh câu được hôm qua, muối nướng thật mặn, chấm nước mắm ớt.
Cá rô biển hình tròn dẹp, con lớn nhất bằng bàn tay, thường mình bắt được cỡ 3-4 ngón tay . Cá sống theo các nhánh chà dưới sông, thịt ăn ngọt như cá rô đồng. Chỉ là bữa cơm của học sinh nghèo đạm bạc, nhưng không hiểu sao, bữa cơm đó ăn giữa đất trời, tôi thấy quá ngon, ngọt bùi tình cảm. Sau nầy tôi được thưởng thức nhiều bữa tiệc tùng, nhưng bữa cơm đạm bạc với anh Nam vẫn còn ghi đậm trong lòng tôi. Dù xa nhau đã trên 40 năm, tôi vẫn luôn ấp ủ tình bạn của anh Nam trong lòng.
Im lặng đợi chờ
Câu Vụt
Một hôm nước sông lớn đầy, trong xanh. Gió thổi bông bần rơi bồng bềnh trên mặt nước, làm bầy cá lòng tong thấy động nổi lên đớp mồi. Mẹ tôi biểu tôi:
- Cu Tèo, đi hái cho mẹ mấy cái bông mù u để mẹ làm mồi câu vụt.
Mẹ tôi lấy một cây kim may cũ, hơ trên đèn cho đỏ rồi bẻ thành một lưỡi câu nhỏ không có ngạnh. Mẹ tóm nhợ bằng chỉ may, móc một miếng nhụy bông mù u nhỏ hình tròn, nhỏ hơn hột tiêu. Đợi khi nước lớn cá lòng tong vào gần bờ ăn, mẹ thảy từng nhúm cám nhỏ cho cá bu lại. Mẹ tôi ngồi gần bờ, ném lưỡi câu xuống rồi vụt lên liên tục cho dù cá có ăn hay không. Người câu vụt ném mồi và vụt lên đều đặn, điệu bộ khoan thai nhịp nhàng. Cá lòng tong, cá mại rất háu ăn và tranh ăn . Khi thấy một cái lá, con sâu rơi xuống nước, không cần biết đó là món gì, chúng tranh nhau bu táp, rỉa lia lịa . Khi mẹ tôi ném một miếng mồi trắng rớt xuống là chúng lao tới đớp không cần biết đó là mồi gì.
Vì lưỡi câu không có ngạnh, khi cá bị dính và vụt lên, cá liền văng ra phía sau. Mẹ tôi cứ tiếp tục vụt, những con cá bạc lấp lánh cứ tiếp tục bay lên và anh em tôi chạy lăng xăng, rối rít bắt cá bỏ vào thau nước. Tuổi thơ chúng tôi rộn ràng trong những ngày vui như hội. Trưa hôm đó mẹ tôi làm món cá lòng tong xào dấm. Mẹ tôi sai tôi ra vườn bẻ mớ rau, chính yếu là rau cải trời, rau ngò gai, rau húng. Những thứ nầy mọc sau vườn lẫn trong cỏ và nhiều như cỏ. Cắt thêm vài cọng hẹ là xong.
Dính cá rồi
Mẹ nấu khoảng 1 tô dấm cho sôi, bỏ cá lòng tong vào. Cá lòng tong tươi xanh, thịt rất ngọt, to bằng ngón tay người lớn, nấu sôi bùng lên là chín, bỏ ra dĩa ăn nóng. Cá mại hình dẹp màu bạc cũng to bằng cá lòng tong. Món cá nhúng dấm nầy quấn với rau cải trời, cuốn với rau ngò gai, hẹ, rau húng thơm ngát, chấm vào nước mắm chanh tỏi. Thịt cá ngọt mềm, chua chua, quyện với mùi rau thơm ngát. Nhai một cuốn, thấy đời như muốn bay lên tận mây xanh. Nay mẹ tôi đã qua đời, tôi nhớ mẹ nên có làm bài thơ như sau:
Gió rụng bông bần rơi lả tả,
Bồng bềnh nước lớn bến sông quê,
Mẹ ngồi câu vụt khoan thai quá,
Cả một khúc sông cá tụ về.
Mẹ vụt liền tay, cá cá bay,
Lòng tong, cá mại, trắng xanh nầy,
Bên lưng hí hố đàn con dại,
Ðứa lượm, đứa la hạnh phúc thay.
Ôi mảnh đời quê hạnh phúc thay,
Mẹ đi chết lịm bến sông dài,
Mẹ đi bỏ lại đàn con dại,
Nhìn lá bần rơi, lệ đắng cay.
Một căn nhà nghèo ven sông
Câu cá trong nhà
Tôi lội ra đám cỏ, bắt mấy con cào cào, xong xách cần câu trở lại cái chõng nơi các em tôi ngồi chờ. Em gái tôi đứng bắt mấy con nhện trên vách lá. Từng tốp cá lòng tong bơi lượn loang loáng dưới chân giường. Lấp ló bên vách nhà, mấy con cá rô đang lượn lờ, thỉnh thoảng vọt lên mặt nước đớp mồi rồi lặn nhanh mất dạng. Tôi móc mồi bỏ xuống và giật lên một con lòng tong. Thằng em tôi lấy cái nồi ở đầu giường, múc nửa nồi nước cho tôi bỏ cá vào. Chúng tôi thay phiên câu cá. Người rình nhử cá, cá rình xem người làm rớt đồ ăn xuống nước là xúm lại đớp mồi.
Bốn anh em chúng tôi đang ngồi trên chõng tức là cái giường ngủ của người dân quê, ngay trong nhà của chúng tôi. Mùa nước nổi Đồng Tháp, nước ngập cả ruộng cả vườn, cả xóm cả làng. Bốn bề nước nổi mênh mông, chợ nhóm trên những chiếc xuồng, trường học đóng cửa. Anh em tôi phải ngồi trên giường. Nước ngập trắng xóa khắp làng, che cả ruộng vườn, ngập mất con đường làng. Mọi sự di chuyển đều phải dùng ghe xuồng. Xuồng bơi vào nhà tới tận giường ngủ. Trong căn nhà lá của cha mẹ tui, mỗi năm vào mùa nước nổi, nước lên tới lưng quần. Giường ngủ của chúng tôi là những cái chõng đóng thật cao, có vách ngăn cả 3 phía. Tối đến bọn con nít chúng tôi ngủ phía trong, người lớn ngủ phía ngoài đề phòng bọn trẻ té xuống nước trong lúc ngủ say.
Cá rô và cá lóc
Ngồi lâu chán, anh em tôi rủ nhau câu cá từ trên giường ngủ. Phần lớn chúng tôi câu được cá lòng tong. Nhưng nếu khéo léo giữ yên lặng, tôi có thể câu được những con cá lóc, cá rô lội vô nhà kiếm ăn. Bữa cơm hôm đó mẹ tôi nấu cơm trên bộ ván mà ba tôi kê tạm mấy ngày trước đó, chúng tôi ăn cơm với cá lòng tong kho tiêu, một con chuột đồng nướng, vài đọt rau muống mới hái bên hông nhà. Nước ngập, chuột đồng hay lên ngọn cây làm ổ, nên ba tôi hay đâm được chuột trong mùa nước . Mùa nước nổi khổ sở cho người lớn, nhưng lại thú vị cho bọn con nít chúng tôi. Người lớn phải lo chuẩn bị kê bồ lúa lên cao, chuẩn bị gạo thóc, củi đuốc, bắt cầu tre làm xa lộ đi trong nhà cho nền nhà không hư. Nhưng bọn con nít được nghỉ học, được bơi xuồng trong xóm trong nhà. Ðược câu cá, bắt chuột suốt ngày, đời vui như… Tết.
Một đống chà ven sông do hàng trăm nhánh cây chất lại
Mua cá mè vinh
Tết nhứt xong, nồi thịt kho đã hết từ lâu. Cha con tôi bận cắt lúa, đập lúa. Phần tôi đập lúa với ba tôi. Em tôi đi đội lúa xuống xuồng chở vào nhà cho mẹ tôi phơi. Gió thổi nồng nồng, thơm mùi lúa chín. Tiếng chim cu gáy cu cu... trên mấy cây xoài cao. Nhà tôi đã hết thức ăn, nhưng không ai rảnh đi bắt cá. Mẹ tôi biểu tôi:
- Con lên bác Ba mua 2 đồng cá mè vinh, đi lẹ về tiếp ba mầy nghe.
Tôi dạ, rồi lội lên xóm trên nói với bác Ba:
- Bác ba ơi, bán cho má con 2 đồng cá mè vinh.
Bác ba lưỡng lự:
- Tao bận phơi lúa, không bán được... Mày ra sông câu đi. Đưa tiền đây.
Mặt bác đỏ gay, giọng nói lè nhè, nồng mùi rượu. Bác trao cho tôi một cần câu dài và dặn dò:
- Câu 5 con thôi nghe, câu xong đem vô tao coi, mồi lúa treo ngoài đầu cầu đi ra đống chà đó...
Tôi xách cần câu đi ra bờ sông. Dưới bến của bác Ba lối xóm là một đống chà cá he to tướng. Bác lấy hàng trăm nhánh cây khô chất lại thành đống chà, ngày ngày bác Ba thẩy lúa nhử cá ăn. Bác lại cắt dây “cứt quạ“ sau vườn cột thành chùm bỏ xuống làm mồi cho cá. Nước sông chảy xiết, cá tôm đủ loại tìm thấy những đống chà là chỗ trú ngụ an toàn lại có thức ăn, nên tụ tập lại đây.
Tuy gọi là “chà cá he”, nhưng thật ra trong đống chà đó có đủ loại cá tôm, mà cá he, cá mè vinh là nhiều nhất. Bác ba bắc một cây cầu từ trong bờ ra giữa đống chà có tay vịn hẳn hòi. Ai đến mua cá bác sẽ ra câu lên bán. Bác không cho phép ai đến gần đống chà vì làm cá sợ chạy đi. Hôm nay bận phơi lúa, bác cho phép tôi câu. Tôi thích lắm, rải một nhúm lúa xuống nước, vài con cá mè vinh bạc lội loang loáng. Tôi cẩn thận móc một hột lúa vào cái lưỡi câu thả xuống, hồi hộp đợi chờ...
Cá mè vinh và cá rô phi
Đầu cần câu rung rung, tôi giật mạnh. Cây cần câu nặng oằn muốn gẫy. Một con cá mè vinh ngoe nguẩy, toòn ten. Ôi thôi, tim tôi muốn rớt ra ngoài, loại cá quý nầy tôi chưa bao giờ câu được cả. Bỏ vào thùng con cá nhảy lung tung. Tôi câu một hồi được năm con bằng bàn tay, đúng như bác ba dặn, nhưng tôi vẫn còn thích câu thêm nữa. Thây kệ, câu thêm đi rồi bác tính sao cũng được. Tôi móc mồi bỏ xuống, và đợi chờ. Bổng cần câu giật thật mạnh một cái rồi nhẹ hều, không còn cảm giác gì cả. Thôi rồi, một con cá lớn đã giật đứt lưỡi câu. Tôi đành xách thùng cá lên trình cho bác ba coi. Bác nói:
- Cá nầy lớn quá, 2 đồng bốn con thôi nghe mầy.
Nói xong, bác bắt lại một con. Chắc bác bận, làm biếng câu, nên bắt lại một con, để dành chiều nay nhậu tiếp.
Cá mè vinh là một loại cá ngon, sống ở đồng bằng sông Cửu Long . Cá hình vuông, vẩy trắng xanh màu bạc, thịt ngọt và thơm, nhưng có nhiều xương, nhất là loại xương nhỏ hình chữ Y làm cho người không quen ăn xương rất sợ. Vì thế cá mè vinh chỉ quý với người quen ăn cá, không mấy thích hợp với người không quen ăn cá có xương. Thường cá mè vinh lớn bằng bàn tay. Có con thật lớn có thể đến 5-10 kí lô.
Nhưng mua cá kiểu nầy lạ thiệt. Tự câu cá dưới sông, coi như còn là của chung, trả tiền, rồi còn bị lấy cá bớt lại, nhưng người bán lẫn người mua đều vui lòng !
Cá lóc nướng trui
Câu cắm
Câu cá còn có 2 loại nữa là câu cắm và câu giăng. Câu cắm dùng những nhánh tre cứng tóm lưỡi lớn, móc mồi sống như cá lòng tong, cá linh, nhái, cóc con, dế... Móc mồi cho khéo sao cho con mồi còn bơi lội trên mặt nước. Cần câu được cắm dọc theo bờ ruộng, bờ mương vườn. Cá lóc, cá trê lớn thấy mồi động đậy sẽ lên táp. Có khi dính nhiều, cá lóc nướng trui ăn không hết. Cá lóc nướng trui là cả một nghệ thuật mà chỉ có dân ở vườn mới biết. Con cá tươi mới đập chết, để nguyên con, xỏ một nhánh tre vào miệng cắm chặt xuống đất. Phủ rơm khô lên rồi đốt đến khi vảy cá cháy đen đều thì cá chín. Đốt nhanh quá cá còn sống trong ruột, ăn tanh. Đốt quá độ, thịt cá sẽ khô không còn ngon ngọt nữa.
Một cách nướng trui khác là nướng với củi. Cá lóc sống, đập đầu, không đánh vảy, lụi một nhánh tre vào bụng, chừa tay cầm. Ðem cá nướng trên lửa. Nướng lửa ngọn cháy mạnh. Ðến khi vảy cháy đen đều hết là xong. Cá lóc nướng trui cuốn bánh tráng với rau thơm, khế chua xắt mỏng, chấm mắm nêm ăn vào, cả một trời quê hương sẽ chui vào trong ruột bạn. Còn cá lóc nấu canh chua me với rau muống, rau ngổ, ngò gai, ngò om, chấm nước mắm ớt là cả một đời sống giản dị, chân chất hương quê sẽ thơm ngát trong lòng.
Câu Tép
Câu tép
Anh em tôi còn một thú vui nữa là câu tép. Ðầu mùa nước nổi khi nước bắt đầu ngập sát mé bờ sông, anh em tôi chuẩn bị đi câu tép. Cần câu chỉ là một cọng lá dừa chuốt nhỏ, lớn bằng cọng chân nhang, dài chừng 4 tấc. Ðầu nhỏ của cọng lá dừa quấn lại thành một vòng tròn bằng chiếc nhẫn đeo tay. Cột vào đầu “cần câu” là một sợi chỉ dài chừng 3 tấc. Không có lưỡi câu, nhưng thay vào đó là một vòng tròn dây kẽm nhỏ, luồn dọc thân một con trùng làm mồi . Chúng tôi tự chế tạo 5-6 cái cần câu … nội hoá như vậy và bắt đầu đi câu .
Cần câu được cắm dọc theo bờ sông, cách nhau chừng vài thước. mỗi khi cắm một cần câu, chúng tôi búng xuống mặt nước kêu “chụt, chụt” vài cái . Phải búng đúng cách, chỉ tạo tiếng kêu mà không làm nước văng tung tóe. Búng nghe “chụt” chúng tôi gọi là búng tôm, còn búng làm nước văng tung tóe chúng tôi gọi là búng cá, chỉ thu hút được mấy con cá mà thôi.
Con tép nghe tiếng búng sẽ tìm đến ăn mồi. Khi đeo được vào vòng mồi trùng, con tép rất say mồi. Nó đeo dính vào cục mồi và lội vòng vòng. Nó chỉ buông mồi khi mình kéo nó lên mặt nước. Ðầu cần câu nhỏ bé sẽ gục xuống hẳn, và cọng chỉ nhợ câu sẽ quay vòng vòng vẽ trên mặt nước một cái vòng tròn đường kính độ một tấc . Mặt nước sông rộng mênh mông, lên tới mé bờ, loang loáng sáng. Gió thổi bông mận, bông bần rơi lả tả .
Ði tới đi lui thăm câu, thấy một cần gục xuống, cọng nhợ chỉ quay vòng, anh em chúng tôi mừng quá đỗi mà không dám la lớn, sợ tép bỏ mồi . Chúng tôi sẽ dùng tay trái nhẹ nhàng nâng cần câu lên cho con tép lên gần tới mặt nước. Tay phải chúng tôi cầm một cái rổ nhỏ, nhẹ nhàng xúc từ phía ngoài sông vào bờ. Khi con tép được nâng lên tới mặt nước nó sẽ buông mồi, búng mạnh một cái thoát thân ra phía ngoài sông và sẽ lọt vào trong rổ . Dỡ rổ lên, một con tép đang búng chành chạnh liên hồi và những trái tim nho nhỏ của anh em chúng tôi cũng đập thình thịch, thiệt là hào hứng !
Có khi cá cũng lại ăn mồi trùng của chúng tôi. Nhưng nhìn cách ăn câu chúng tôi biết được đó là con cá hay con tép. Con cá ăn câu thì cần câu sẽ giựt xuống rồi bật lên. Con tép ăn câu thì cần câu gục xuống rồi giữ ở đó, còn cọng chỉ nhợ câu quây vòng vòng vẽ theo một cái hình nón. Khi mình lại dùng rổ hớt, con cá thường chạy đi, con tép thì vẫn đeo mồi. Câu tép như vậy không nhiều, bữa nào trúng mùa lắm cũng chỉ được 10-20 con tép, mỗi con to bằng ngón tay.
Nhưng chúng tôi sẽ xách rổ ra vườn hái thêm một rổ rau, nào là rau má, rau ngót, rau muống, rau lang, rau cải trời, rau dịu… Thôi thì hầm bà lằng, gặp rau gì ăn được là hái đem về cho mẹ tôi nấu một nồi canh tép, cả nhà cùng ăn. Hí ha, hí hố thiệt là vui vẻ.
Tôm và tép nước ngọt đang được bày bán ở chợ quê
Câu Tôm
Nếu câu tép dành cho bọn trẻ con chúng tôi vui vẻ, thì câu tôm là công việc nghiêm chỉnh của người lớn, kiếm tiền nuôi sống gia đình. Cậu Ba lối xóm tôi là hay đi câu nhất trong xóm. Ban ngày cậu làm ruộng làm vườn như bao người khác. Chiều chiều, sau khi cơm nước xong, cậu sửa soạn đồ nghề đi câu. Trước hết cậu đào thêm vài con trùng hổ, kiểm lại cây vợt, cây cần câu, coi lại chiếc xuồng, chỉnh lại cái bánh lái, cây dầm, cây sào, cái rộng tôm. Lúc nào cậu cũng có một hũ trùng để sẵn, trong đó có nhiều con trùng lớn mà dân quê gọi là trùng hổ. Trùng hổ lớn bằng ngón tay, thân mình đen bóng, khác xa các loại trùng cơm và trùng đất mà anh em chúng tôi hay làm mồi câu.
Cần câu tôm của người lớn cũng không có lưỡi câu, thay vào đó là một vòng dây kẽm đường kính khoảng 1 tấc, luồn vào thân vài con trùng hổ cho thật đầy. Câu tôm cần một cái vợt lưới mỏng manh, đường kính khoảng 1 mét, cán dài một mét rưỡi. Người đi câu bơi một mình trên chiếc xuồng nhỏ, nhưng họ không ngồi phía sau bơi lái như hầu hết những người bơi xuồng miền Tây khác, mà họ ngồi phía trước móc cho xuồng đi tới . Vì thế họ cần một cái bánh lái nhỏ phía sau cho xuồng không lủi . Kè kè bên hông xuồng là một cái rộng tôm hình trụ dài khoảng 1,2 mét, có nắp mở phía trên. Một cây sào tầm vông dài hơn 5 mét để dọc theo chiều dài chiếc xuồng.
Cậu Ba mang đồ nghề xuống xuồng, đem theo cái nóp ngủ đêm, chỉnh lại bánh lái, móc tà tà dọc theo bờ sông. Ðến đầu đống chà nhà tôi, cậu Ba dùng cây sào tầm vông cắm xuồng lại. Cậu ngồi xếp bằng trên xuồng, mang cây vợt để sát vào mình bên tay phải, đáy vợt nằm dưới mặt nước, cầm cần câu bên tay trái, chỉnh lại vị thế chiếc xuồng sao cho cậu có thể xử dụng cây vợt thoải mái không vướng chà, vướng cỏ, vướng lục bình…
Sửa soạn xong, cậu Ba nhẹ nhàng thả vòng mồi trùng cho gần đụng đất. Cậu dùng ngọn cần câu quất “chủm chủm” trên mặt nước vài cái gọi tôm lại. Ngồi một lúc, cái cần câu động đậy, cục mồi bị kéo xuống và bắt đầu quay vòng vòng. Cậu Ba nhẹ nhàng, chậm rãi dỡ cái cần câu lên. Tay phải cậu nghiêng cây vợt hạ xuống và vớt từ dưới con tôm lên. Hai tay cậu một dỡ lên, một hạ xuống, nhẹ nhàng ăn khớp nhau. Con tôm gặp mồi trùng, nó đeo dính. Khi lên gần tới mặt nước, con tôm bỏ mồi, búng mạnh thoát thân và lọt vào cái vợt. Cậu Ba dỡ cái cần câu cao cho khỏi cây vợt, bỏ xuống nước lại, nhịp “chủm chủm” vài cái cho con tôm mới. Xong cậu mới từ từ kéo vợt lên coi. Một con tôm càng đang búng chành chạch. Chà, ngon quá ! Cậu Ba khéo léo tóm con tôm, nghiêng mình bỏ vào cái rộng đan bằng trúc phía sau. Sửa lại vị trí cái vợt, chỉnh lại thế ngồi, cậu Ba kiên nhẫn chờ đợi…
Bắt được vài con tôm, cậu biết rằng lượng tôm đã thưa, cậu Ba nhổ sào bơi đi nơi khác. Cậu vừa móc xuồng, vừa ca nghêu ngao vài câu vọng cổ. Tối tối, nước lớn, sáng trăng, đoạn sông nhà tôi tấp nập những chiếc xuồng câu tôm. Tiếng hát tiếng hò vang dậy cả xóm. Lúc đó chưa có karaoke, thanh niên hay ca lúc họ đi câu tôm. Công việc nhẹ nhàng, tâm hồn thanh thản, trăng nước hữu tình, nên anh nào cũng trổ tài ca hát cho vui. Nào là vọng cổ, nào là tân nhạc, nào là tân cổ giao duyên…
Hình chụp cho thấy 1 con tôm càng xanh lớn, loại tôm mà các ông câu tôm thích câu
Câu được một đỗi nước cạn, tôm ít ăn, cậu Ba chun vào cái nóp ngủ một giấc, chờ con nước sáng câu thêm một chập nữa . Nóp là một cái túi ngủ đan bằng cọng bàng, giống như một cái đệm bàng mà người quê dùng phơi lúa, gấp lại làm 2, khâu ba mặt chừa một mặt cho người ta chui vào. Tôi có ngủ thử một lần, thấy khó chịu chớ không thoải mái như cái sleeping bag của Mỹ. Nhưng vì dưới quê không có phương tiện gì khác nên người dân quê đành phải chịu.
Tôi không được dịp đi câu tôm, nhưng đứa em của tôi được đi câu rất nhiều. Em tôi kể rằng trong rạch dừa có một đoạn sông cạnh nghĩa địa, có nhiều mồ mả. Ít ai lại đó câu vì nghe đồn khúc sông đó có ma. Có lần em tới câu thử thì được rất nhiều tôm vì ít ai câu . Từ đó, tối nào em tôi cũng dạo qua khúc sông đó và trúng khá bộn. Tôm bỏ trong rộng, để chỗ nước trong nên không chết. Hàng ngày có một xuồng thu mua đi dọc theo xóm cân tôm đem đi Sài gòn bán. Thịt tôm càng ngon, cứ 10-15 con thì được một kí lô, bán rất có giá. Người dân nghèo, ít khi ăn tôm họ câu, họ để dành bán lấy tiền. Câu một đêm, có thể kiếm được tương đương hay hơn một ngày đi phát cỏ mướn.
Chuốt tre đan rộng tôm, cá
Bài số: 2
Không có Bài Mới
Bắt cá tôm ở đồng bằng sông Cửu Long
Phần 3
Bông súng
Câu Rê
- Thằng Cu đâu, tối nay bắt cho tao mấy con thằn lằn nghe.
Nghe tiếng cậu Ba gọi, tôi dạ lớn rồi đi kiếm cái hộp, chộp vài con thằn lằn đang đeo trên tường cạnh cái bóng đèn. Bỏ thằn lằn vào hộp, cẩn thận dùi vài cái lỗ cho nó thở để dành cho ngày maì. Tôi bắt thêm vài con kiến cánh, vài con dế con chung quanh đó bỏ vào hộp cho thằn lằn ăn kẻo nó chết. Vào năm 1961, khi giặc giã bắt đầu nổi dậy bắn phá ở nông thôn, trường Tiểu học làng tôi đóng cửa. Ba má tôi gởi tôi ra nhà bà dì để đi học. Nhà bà ở một cái chợ nhỏ gần lộ xe. Ông bà tôi sống với mấy cậu và mấy dì.
Hai ngày nay, cậu Ba bỏ thì giờ o bế một cái cần câu thật lớn. Cậu vô xóm trong lựa mua một cây tầm vông cở trung bình, dài và suông. Cậu róc bỏ nhánh làm thành một cái cần câu dài chừng 6 mét. Cột thêm một nhợ dài khoảng 6-7 mét nửa. Tóm một cái lưởi câu to tướng ở đầu nhợ, có chừa ra một chút giây gân chừng 2 phân, rồi ra lịnh cho tôi bắt sẳn vài con thằn lằn để ngày mai cậu cháu đi câu rê, câu cá lóc.
Hôm sau, khi tôi đi học về, cậu Ba kêu tôi và cậu Út cùng nhau đi câu rê. Tôi xách hộp mồi và một cái giỏ tre lon ton đi theo 2 cậu. Hai ông cậu tôi có tập tạ, tướng người chắc nịch, khỏe mạnh, bắp thịt cuồn cuộn. Ði sau hai ông cậu lực lưởng là tôi, một thằng nhóc 7 tuổi ốm tong teo như một con thằn lằn. (Nếu mà cậu móc tôi vào lưỡi câu làm mồi thì chắc cũng nhấp được vài con cá lóc!).
Chúng tôi đi ra một cái ruộng lúa dọc theo lộ xe cách nhà chừng 800 mét. Ðang mùa nước nổi, lúa đã cấy xong được hơn một tháng, bắt đầu xanh ngọn. Gió thổi mát rượi, mặt nước lăn tăn, sóng lúa mấp mô. Nước ngập tới đầu gối, cào cào châu chấu nhảy tí tách.
Chọn một khoảng ruộng sạch sẽ, trống trãi, gần một cái mương đầy lục bình, rau mác, cậu Ba ngừng lại, hạ cái cần câu dài quá cở trên vai xuống. Tôi bắt đưa cho cậu một con thằn lằn. Cái lưỡi câu to đến 4 phân. Con thằn lằn lớn như vậy mà cậu móc trọn cả con mồi. Móc mồi xong, cậu Ba tôi cắt một cộng cỏ ống bên đường, dài chừng 4 phân. Cậu luồn cọng cỏ vào đầu nhọn lưỡi câu, đầu kia luồn vào cọng dây gân mà cậu còn chừa lại lúc tóm lưỡi câu.
Cậu cháu tôi đứng cạnh bờ lộ. Ra dấu cho cậu Út và tôi im lặng, đừng gây tiếng động, câu Ba đứng lấy thế, dùng cần câu quất mạnh nghe một cái “véo”. Con thằn lằn và cái lưỡi câu bay ra thật xa, có trên 10 mét. Rồi cậu rung rung đầu cần câu, kéo con mồi vào. Con thằn lằn đã chết, nhưng bị kéo lưng tưng nhấp nhô trong ruộng lúa, như một con mồi sống đang nhảy nhót. Cọng cỏ che cái móc câu nhọn, nên khi cậu Ba quăng mồi ra và kéo vào, lưỡi câu nhọn không móc vướng vào lúa, vào cỏ. Có lẽ vì phải rê cục mồi tới lui như vậy nên người ta gọi là câu rê. Cậu Ba quăng ra kéo vào ba lần thì một chuyện lạ xảy ra làm tôi phải há hốc mồm .
Cá lóc là loại cá mạnh mẽ, dể sống trong nhiều địa hình ao hồ, sông rạch khác nhau
Một con cá lóc thật lớn không biết từ đâu lao tới, phóng như bay, như đằng vân giá vũ trên mặt nước rượt theo con thằn lằn. Nó đớp con mồi nghe một tiếng “phập” thật lớn. Cậu Ba tôi ngừng lại vài giây rồi giựt một cái thiệt là mạnh. Con cá lóc dính câu, từ dưới ruộng bay lên ngang qua đầu chúng tôi rồi rớt phía bên kia đường trong đám cỏ cách chổ chúng tôi đứng gần 10 mét. Tôi vội qua đường vạch cỏ bắt con cá bỏ vào giỏ. Con cá bự thiệt, có đến nửa kí lô.
Chúng tôi lên tinh thần, riêng tôi khoái chí không thể tả. Cậu Ba cẩn thận móc con mồi khác rồi đi qua đám ruộng kế bên câu tiếp. Một lát sau, cậu giựt thêm một con cá lóc nữa, rồi chúng tôi ra về. Tôi khệ nệ đeo cái giỏ... chiến lợi phẩm, với gần 1 kí cá lóc. Sau nầy tìm hiểu thêm, tôi biết rằng con cá lóc thường im lặng lượn lờ trong nước, nghe ngóng tìm mồi. Khi nghe tiếng động của một con dế, con cóc, con nhái hay một con cá khác nó lặng lẽ lội về phía con mồi và quan sát. Khi cách con mồi chừng một mét, nó lao tới như một tia chớp đớp mồi. Khi cậu tôi rê con thằn lằn trên mặt nước, nó mở hết tốc lực rượt theo táp con mồi. Cậu cháu tôi được xem một màn rượt đuổi ngoạn mục.
Tối hôm đó cả nhà được thưởng thức một bửa canh chua cá lóc và cá lóc kho tiêu. Vừa ăn, chúng tôi vừa thi nhau trò chuyện râm ran về thành tích “vĩ đại” ban chiều.
Cá diếc màu vàng đen, thịt rất ngon
Câu cá Diếc
Nghe tôi kể chuyện câu cá thời niên thiếu, một người bạn làm chung là anh Kỳ, người gốc Ðà Lạt cũng kể cho tôi nghe kinh nghiệm câu cá diếc của anh. Anh là người nhạy bén trong việc câu kéo và thường hay đi câu ở hồ Than Thở, hồ Xuân Hương ở Ðà Lạt.
Trước hết, anh ra vườn chặt vài cây trúc loại đặc ruột, cao khoãng một với người lớn. Ðem vô cẩn thận vuốt cành, lấy cho đến các lóng sau cùng vì anh cần những cái cần câu mềm và dịu. Thường thì anh chuốt 4 cần câu. Lấy cây đèn cầy, Kỳ hơ những mắt trúc, uốn nắn cho thẳng. Da trúc vàng, tô điểm các vết đèn cầy màu đậm trông rất đẹp, như những tác phẩm nghệ thuật.
Dùng nhợ gân, tóm lưỡi câu loại thật nhuyễn và bén buộc vào các cần câu. Lấy cọng lông vịt, cắt thành 4 cái phao, sơn thêm các khoanh đỏ cho dể thấy. Anh Kỳ bẻ thêm 1 cái giá bằng cây sắt nhỏ để gát 4 cái cần. Rang thêm một nắm cám trộn với mè cho thơm, bỏ trong cái gói nhỏ. Ðào thêm vài con trùn chỉ là xong. Mang đồ nghề lên xe đạp, Kỳ đạp lại bờ hồ.
Một cảnh hồ miền Cao Nguyên
Lựa một gốc thông mát mẻ, nơi hứa hẹn có cá, anh dựng xe đạp và bắt đầu ra tay. Vói tay khoét một cục đất ướt, Kỳ vắt vài viên với mè và cám rồi quăng xuống cạnh bờ hồ. Ðợi một lúc cho cá diếc nghe mùi thơm cám rang bu lại, Kỳ cột phao, móc mồi trùn, thả câu xuống hồ. Bốn cần câu xòe ra như một cây quạt được gát lên cái khung sắt. Mồi chìm độ 1 mét dưới nước, Kỳ ngồi yên chờ đợi.
Trời Ðà Lạt trong xanh, lành lạnh, vài cuộn mây trắng trôi bồng bềnh, mặt hồ phẳng lặng, bóng như gương. Kỳ ngất ngây nhìn về thành phố đẹp đẽ dưới chân đồi, lồng trong đất trời thơ mộng. Bổng một cái phao lay động thật nhẹ rồi trở lại nằm im trên mặt nước. Anh nín thở đợi chờ ... Phao động nhẹ một lần nữa, rồi lay động lần thứ 3. Anh cầm cần câu lên, giật một cái. Một con cá diếc cở 3 ngón tay tòng teng, giảy giụa. Gở cá bỏ vào 1 cái giỏ tre, cột miệng bỏ xuống hồ, Kỳ móc mồi rồi thả câu trở lại.
Ðược một lúc, cái phao khác lay động. Rồi phao chìm xuống, kéo ra xa. Kỳ nhanh tay giật mạnh. Một cá diếc lớn bằng 4 ngón tay đang giảy giụa. Thật là khoái chí ! Câu một lúc, được 10 con nữa, thiệt quá là vui. Chiều nay Kỳ có 1 bữa cá diếc kho hành thật thơm ngon.
Một cảnh thác nước thơ mộng miền Cao Nguyên Trung phần
Cá diếc là loại cá sống trong các ao hồ, sông suối trên miền cao nguyên. Cá màu vàng đen có vảy mõng. Xương nhiều, nhưng thịt rất thơm ngon, như là con cá mè vinh của miệt đồng bằng. Cá diếc miệng nhỏ, ăn uống nhỏ nhẹ và rất nhát tiếng động. Vì thế phải biết cách câu, phải nhạy bén và phải giử im lặng. Kỳ tâm sự rằng câu cá diếc cũng là cách để tập tính kiên nhẫn và khéo léo.
Con cá diếc cũng được ghi trong Việt Sử. Trong 10 năm ròng rã chống giặc Minh, có lần vua Lê Lợi thua trận, phải chạy trốn qua một cánh đồng có 2 vợ chồng lão ông đang tát cá. Vua Lê Lợi cởi quần áo trận nhảy xuống bùn bắt cá với ông lão. Khi giặc Minh đến hỏi ông lão có thấy một tướng Nam chạy qua đây không, ông lão chỉ về phía cánh đồng xa xa, rồi quay lại nạt Lê Lợi: “Thằng con ngu dốt nầy, còn mau không bắt cá đi, nhìn các tướng quân làm gì ?”. Quân giặc bỏ đi. Tối hôm đó, lão bà đãi vua Lê một bửa cơm với chả cá diếc.
Một người đang đặt trúm làm bằng ống dài
Ðặt trúm
Cơm chiều xong, chú Năm vác 4 cái ống tre lớn trên vai đi ra ruộng, tay cầm theo 1 cái thùng nhỏ. Ðó là những ống trúm lươn làm bằng loại tre lồ ồ đường kính khoảng 1 tấc 2 phân, dài một mét rưỡi. Chú đi ra mương ranh giữa nhà chú với chú Tư Nhuận, đặt 2 ống trúm. Ði về phía mương ranh giữa nhà tôi và chú Hai Cầm, đặt thêm 2 ống nữa. Nhìn thấy cái lọp lớn của Ba tôi đặt ở mương ranh có mấy con cua, chú dỡ lọp, đổ mấy con cua vào thùng rồi đặt lọp trở lại. Thấy tôi đi ra ruộng, chú 5 kêu:
- Cu à, lọp mầy dính cá lóc kìa. Tao mới đổ lọp bắt mấy con cua đặt trúm đó nghe.
Tôi dạ, rồi lại đổ lọp, cái lọp mà chú 5 mới đổ cua, bắt được một con cá lóc.
Chú Năm là người xóm trên, không có bà con dòng họ nhà tôi. Nhà nghèo, nhưng tính tình hiền lành nên anh em tôi rất quý chú. Bù lại chú cũng quý anh em tôi. Nếu chú thấy đứa nhỏ nào vào vườn tôi phá phách, hái trộm trái cây thì chú cho nhà tôi hay, hay la rầy dùm.
Không hiểu từ thời nào, xóm tôi có những cái ước lệ tương đối dể dải.
- Những con cá, con lươn trong vườn là của chủ vườn, vào câu vào bắt là ăn cắp, là xâm phạm chủ quyền của nhau. Nhưng cá tôm ở những mương ranh thông ra sông là của chung, ai cũng bắt được.
- Những con cá tôm bên trong đống chà là của chủ chà, không được câu, không được đập phá cho cá chạy ra. Nhưng cá bên ngoài đống chà là của chung, ai cũng được quyền câu, chài lưới. Ðược quyền thả cám, thả mồi, miễn sao bên ngoài đống chà.
- Những trái xoài, trái cam trên cây là của chủ vườn, không ai được đụng tới. Nhưng khi trái xoài rụng xuống dọc đường đi, thì người khác đi ngang có quyền lượm ăn chơi.
- Cái lờ cái lọp của người khác đặt, mình không được quyền đụng tới. Ðụng tới là ăn cắp.
- Khi chủ vườn tát hầm bắt cá, lối xóm được quyền đến ngồi chờ. Chủ nhà bắt cá xong đi lên thì người lối xóm được xuống bắt hôi. Thường thì họ bắt những con cá nhỏ, những con cua, con ốc không đáng kể. Nhưng có khi gặp hên họ bắt được những con lươn, những con cá lóc lớn mà chủ nhà bỏ sót.
Nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ :
- Trường hợp chú Năm thì khác, chú thấy lọp nhà tôi có cua có ốc chú cứ thoải mái đổ lọp bắt chơi, cá tôm thì chú chừa lại cho nhà tôi. Nếu chú gặp anh em tụi tui thì chú cho hay. Nếu không gặp thì thôi, mai mốt gặp sẽ nói sau. Hình như có lần chú hỏi ba tôi có bắt cua không, nếu không thì cho chú. Ba tôi dặn chú gặp cua ốc cứ lấy đi. Từ đó chú có thói quen như vậy.
- Gia đình tôi có 1 nhà nhỏ, chứa cái bồ lúa ngoài vườn là kho lúa của gia đình. Có lần nhà tôi bị mất trộm lúa vì bồ lúa bị khuyết một lõm. Thấy dấu chân đi về phía xóm dưới, nhưng không dám cả quyết là ai. Năm sau vợ chồng ông cậu lối xóm đội 2 thúng lúa lên nói với ba tôi: “ Năm ngoái túng quá, tụi tui có xúc của anh 2 thúng luá. Năm nay gặt lúa xong, tụi tui đem trả anh”. Ba tôi vẫn thản nhiên :” Vậy cậu mợ đem đổ ngoài bồ lại cho tui đi”. Trả lúa xong, cậu mợ đi về, và chúng tôi vẫn vui vẻ với cậu mợ như không có việc gì xảy ra.
Trở lại việc đặt trúm bắt lươn. Ống trúm làm bằng thân cây tre lồ ồ lớn. Tre lồ ồ là lọai tre ống dài, vỏ mõng, đường kính gần một tấc rưỡi. Ống trúm dài khoảng 1 mét rưởi, một đầu bít bởi một mắt tre. Ðầu kia là miệng trúm cho lươn chui vào. Ngay miệng là 1 cái hom đan bằng cọng tre chuốc nhọn sao cho lươn chui vào được nhưng không ra được. Mổi ống trúm dài chừng 3 lóng tre, vì thế cần có dụng cụ đục bỏ những mắt tre bên trong, cho rổng ruột. Trên thân trúm có đục 1 khe nhỏ để khi đặt trúm người ta ghim xuyên qua đó một thanh tre dẹp, giử thân trúm xuống đáy mương, không bị nước cuốn trôi.
Bên trong ống trúm, người ta bỏ và vài con cua, con ốc đã đập chết cho dậy mùi. Con lươn thích ăn cua ốc chết, đánh hơi, sẽ chui vào qua cái hom rồi kẹt trong đó. Sau vài giờ chủ trúm đi ra ruộng vác trúm về gỡ cái hom rồi đổ ra. Gặp lúc trúng mùa, một ống trúm có thể có 5-7 con lươn, đặc cả ruột trúm. Ăn không hết chủ trúm phải đem lươn ra chợ bán.
Lươn bán ngoài chợ
Con lươn miền Tây khi phát triển đầy đủ, to gần bằng cổ tay, dài khoảng 1 mét.Thịt lươn làm được nhiều món, món nào ăn cũng ngon. Món mặn thì có lươn xào xả ớt ăn với cơm. Món canh thì có lẩu canh chua, ăn với bún. Một con lươn to khoanh tròn trong cái lẩu. Nước lẩu nên cho chua ngọt, nấu sôi lên. Nhúng rau canh chua vào như bắp chuối, rau muống, rau ngổ, bông súng, chuối cây ... Nhớ bỏ nhiều rau mùi cho canh chua như hành, ngò gai, rau om, rau quế ... Lẩu chua được ăn với nước mắm ớt.
Lươn còn được rút xương, dồn thịt trộn với bún, nấm, củ hành đem hấp chín, rồi chiên sơ cho thơm. Còn một món ngon, khá cầu kỳ là lươn um. Lươn làm sạch để nguyên con khoanh trong nồi. Người ta vắt vào nước cốt một trái dừa khô. Rồi để vô nồi môn ngọt, lá cách, củ hành, đậu nành rang đâm bể là tư. Nấu lửa riu riu, khi chín, nồi lươn um thơm bể mũi. Nước chấm của lươn um là nước tương trộn với tỏi, ớt, đậu nành rang giả nhỏ. Vắt thêm nước cốt dừa vào cho béo. Ăn món lươn um một lần, bạn sẽ nhớ cả một đời. Bạn sẽ tự hỏi rằng sao trên đời có những món ăn ngon đến như vậy.
Một người đang bắt hến dưới sông, phía sau là một cái dón cá
Giăng Câu
Câu giăng có thể là giăng trên ruộng hoăc giăng dưới sông:
“Em hỏi anh đêm nay đi đâu ?
Anh nói rằng anh đi giăng câu..."
Lúc nhỏ, anh em tôi thích giăng câu trên ruộng vào mùa nước nổi. Chiều chiều khi nước còn cạn, chúng tôi đi đốn một mớ cây sậy, gọi là cây đài, chuẩn bị những đường câu giăng. Ra những thửa ruộng vừa cấy xong, lúa còn lưa thưa, cắm hai cây đài cách nhau chừng 3 mét. Ở giữa cột một đường câu có 3 lưỡi cách đều nhau rồi móc mồi trùng hoặc mồi cá lòng tong cắt ra từng khoanh gọi là mồi cắt, xong trở về nhà. Ngủ vài tiếng đồng hồ, nước lớn ngập ruộng, các loại cá đồng là cá lóc, cá trê, cá rô từ dưới sông hay trong mương vườn sẽ theo con nước tràn lên ruộng kiếm ăn. Giữa khuya anh em tôi thức dậy bơi xuồng ra ruộng thăm câu. Những miếng ruộng hồi chiều còn khô giờ nước ngập linh láng. Tôi chống xuồng sau lái, em gái tôi ngồi trước rọi đèn, thằng em trai đang ngồi giữa xuồng. Anh em chúng tôi còn say ngủ, mắt nhắm mắt mở. Bỗng em gái tôi la lên:
- Coi kìa, coi kìa... anh hai.
Giọng nó líu lại. Tôi và thằng em bỗng nhiên tỉnh hẳn khi nhìn thấy cây đài giật lia lịa trong anh đèn mờ mờ, tim chúng tôi đập như tiếng trống làng. Dở đường câu lên, một con cá trê vàng lườm đang giẫy giụa. Cẩn thận lấy cái rổ hứng, tôi lôi nó bỏ vô xuồng. Chúng tôi hì hục chống xuồng qua đường câu khác. Có tiếng quậy bì bõm từ xa. Chà chà, con gì đây? Một con lươn đang tìm cách thoát thân, tôi mang lẹ nó lên xuồng. Ngày mai chúng tôi sẽ ăn cá trê vàng nướng và lươn kho xả. Qua đường câu thứ ba, cũng là đường câu chót, cây đài đứng lặng yên, tôi hờ hững dở đường câu lên thăm. Ối chà, một con rô đồng lớn đang ngoe nguẩy. Vậy là có thêm món cá rô kho tiêu. Chúng tôi cẩn thận móc mồi lại và sẽ trở ra thăm một lần nữa trước khi trời sáng. Những mùa câu đêm như vậy anh em tôi thường hay ngủ gục trong lớp. Cá đồng của miền Tây ngon lắm. Những con cá trê vàng nướng ăn với nước mắm gừng, cá lóc nướng trui cuốn bánh tráng, cá rô kho tiêu, lươn kho xả ngon không có gì sánh bằng!
Giăng câu dưới sông thì tôi chưa làm nhiều, nhưng thằng em trai thứ 5 của tôi có nhiều kinh nghiệm. Phải dùng một cây đài bằng tre thật chắc, dùng một đường câu dài cả trăm mét và hàng trăm lưỡi câu. Cũng dùng mồi trùng hay mồi cắt, những chỉ bắt những loại cá sông như cá bống, cá lăng, cá trèn, cá leo, cá sửu, cá phèn. Cũng nên biết thêm là những loại cá sông kể trên chỉ ở dưới sông ít khi lên ruộng đồng, trong khi những loại cá đồng như cá lóc, cá trê, cá rô thì sống trên ruộng đồng hay ở mương vườn chớ ít khi xuống sông. Giăng câu sông phải dùng xuồng, khi thả câu hay cuốn câu phải khéo léo, nếu để rối thì lưỡi câu dính lại với nhau rất khó gỡ .
Một thau cá rô đồng đang bày bán
Hồi tôi còn nhỏ khoảng 4-5 tuổi, gia đình tôi còn sống với Nội tôi. Tôi còn nhớ có một ông câu, sống cuộc đời tương đối bí ẩn đối với tôi, mà tôi hay tò mò theo dõi. Ông Cậy sống trên một chiếc xuồng nhỏ, mui làm bằng hai tấm lá chầm hình chử nhật ghép lại như hai cái mái nhà lá dưới quê. Tất cả giang sơn của ông là trên chiếc xuồng. Khoảng giửa là nơi ông ngủ, phía sau là một cái bếp nho nhỏ nấu ăn. Có lu nước uống, có mấy cây tầm vông gác dọc theo hông xuồng. Ban ngày ít ai thấy ông Cậy làm gì, thường thì ông cắm ghe cạnh một bóng cây gừa cho mát, rồi nằm ngủ hay nhậu lai rai vài ly rượu đế. Khi thì tôi thấy ông đậu ghe gần dưới bến nhà Nội tôi, khi thì tôi thấy ông đậu ghe tận ngoài vàm. Ban đêm, đúng con nước ông mới ra tay. Ông giăng câu cá cóc, cá sửu.
Cá cóc là một loại cá quý, thịt ngon, hơi nhiều xương. Cá hình thoi dài, vảy mềm nên khi kho người ta để vảy ăn luôn, không đánh vảy như những con cá khác. Cá sửu cũng là một loại cá quý, vảy bạc hình dáng giống như con cá lù đù nhưng lớn hơn, hai bên hông có hay lằn chỉ dài. Cá sửu thịt ngon, ít xương. Cả hai loại cá trên ít xuất hiện, người chài lưới thường chỉ bắt được những con cá nhỏ. Chỉ có những tay câu đặc biệt như ông Cậy mới bắt được những con cá lớn 5-3 kí lô. Người ta chỉ biết ông giăng câu, vì ông có đường câu treo lủng lẳng trên mui ghe. Còn chi tiết giăng như thế nào thì ông kín đáo lắm và chỉ làm vào ban đêm thanh vắng, không ai biết.
Ba con cá cóc, một con cá lăng và một chùm ếch bày bán ngoài chợ quê
Chỉ biết thỉnh thoảng một hai lần trong tháng, người ta thấy bên hông chiếc xuồng nhỏ của ông có cột theo vài ba con cá cóc, cá sửu thật bự. Ông hay bơi lại bến nhà Nội tôi rồi kêu: “Bà Năm ơi, ăn cá cóc không ? Có cá ngon nè “. Thừơng thì Nội tôi đi xuống bến lựa mua một con. Tôi lóc nhóc chạy theo, nhìn mấy con cá đang lượn lờ bên cạnh ông một cách kính nể. Loại cá nầy mắc tiền nên ông chỉ mời vài nhà khá giả trong làng.
Vài năm sau, gia đình tôi ra riêng, ba má tôi dời đi cách nhà Nội tôi chừng 5 cây số, cũng sống gần bờ sông. Tôi lại gặp một ông câu khác mà tôi ba má tôi gọi là ông Năm Râu, cũng sống lênh đênh trên chiếc xuồng con tương tự như ông Cậy. Ông Năm cũng sống âm thầm một mình, cũng tự nấu cơm ăn, cũng khề khà ly rượu đế. Ðặc biệt thỉnh thoảng cũng cột kè kè bên hông xuồng mấy con cá cóc, cá sửu mấy kí lô.
Hai ông câu trên tạo cho đầu óc bé nhỏ của tôi những ấn tượng rất là thâm trầm, bí ẩn. Nhưng sau nầy lớn lên đi câu nhiều tôi mới hiểu là mổi loại cá có cách ăn mồi riêng vào những con nước thủy triều riêng. Có loại săn mồi ban ngày, có loại săn mồi ban đêm yên tịnh. Có loại ăn lúc trăng tỏ, có loại ăn lúc tối trời. Hai ông câu kia hiểu được đặc tính của các con cá cóc, cá sửu nên âm thầm câu bắt mà không để cho người khác biết cách của mình.
Hai vợ chồng sống bằng nghề chài lưới dưới sông
..
Không có Bài Mới
Bắt cá tôm ở đồng bằng sông Cửu Long
Phần 4
Chài cá trên sông
Chài cá trên sông
- Thằng cu đâu, về bơi chài.
Tôi đang chơi u với các bạn lối xóm thì ba tôi kêu về.
- Con đi móc đất sét nắn mồi cho ba.
Cha tôi ít khi đi câu nhưng thường hay chài. Ba tôi ở trần, bắp thịt cuồn cuộn quăng chài bắt cá. Chài là một miếng lưới hình tròn như một cái nón lá khổng lồ. Phía dưới là những túi nhỏ có cột dây chì cho nặng, phía chóp nhọn là một sợi dây dài mà người đi chài cột dính vào cườm tay. Người chài đứng trước mũi xuồng, dùng tay và đầu gối, sắp xếp cái chài trong tay theo một cách thức nhất định gọi là bắt chài. Bắt chài đúng, khi vãi ra nó phải xòe như một cái nón lá to chụp xuống nước, bắt không đúng vãi ra nó không bung cũng tương tự như dù không bọc vậy. Những cộng dây chì, dây lòi tói ở đáy chài làm cho chài chìm xuống nước bao phủ một vòng tròn đường kính chừng 5 mét. Những con cá hay tôm trong khu vực đó sẽ bị dính trong chài.
Đi chài cần một chiếc xuồng nhỏ và một người ngồi phía sau để bơi chài. Người ngồi sau phải bơi khéo léo, không khua dầm lộp cộp làm cá sợ chạy đi, nhất là phải ăn ý với người chài đứng ở phía trước. Khi người chài quăng chài ra, vì đứng trên một chiếc xuồng nhỏ mũi xuồng sẽ lệch ngang làm người chài dễ mất thăng bằng té xuống nước. Người bơi ngay lúc đó phải nại lái xuồng một cái nhẹ để xuồng lấy lại thăng bằng. Ba tôi và mấy đứa em trai tôi quăng chài rất giỏi. Tôi thử vài lần nhưng lần nào cũng bị té xuống nước, còn chài thì vãi không bung, chẳng bắt được gì. Mổi lần thấy tôi đi chài mấy cô gái lối xóm gọi nhau:
- Tụi bây ơi, ra coi anh hai vãi chài. Chuẩn bị vỗ tay nghe.
Họ đứng sẳn ở bờ sông, đợi tôi té một cái đùng xuống nước vỗ tay cười chơi. Từ đó tôi mắc cở, không tập nữa, chỉ làm người bơi chài thôi!
Chài cá đối biển
Chài thường có hai loại: “chài mồi” và “chài không”. Chài không là đợi khi nước cạn, chảy xiết, những con cá nhỏ tập trung theo những đuôi đóng chà để tránh dòng nước. Chài đã bắt xong, xuồng chài bơi nhẹ nhàng đến vãi chụp những điểm tụ đó để bắt cá.
Chài mồi là chài khi nước lớn. Chúng tôi dùng cám rang cho thơm nắn vào những cục đất sét như vắt xôi, quăng xuống những địa điểm có cá tập họp. Một lúc sau trở lại vãi chài. Trong khi “chài không” thường chỉ bắt được cá nhỏ như cá linh, cá lòng tong, cá he, “chài mồi” thường bắt được tôm càng xanh và các loại cá lớn như cá mè vinh, cá he vàng, cá lăng, cá ét...
Chài cá đối biển
Chài Nòng
- Cu Tèo, cá ăn nhiều lắm, kêu ba mày đi chài nòng đi.
Cậu Năm xóm dưới kêu tôi. Tôi đi chặt và lột cho ba tôi một mớ bẹ chuối từ những cây chuối đã đốn lấy buờng xong. Bẹ chuối hình như một cái máng xối hứng nước mưa, dài hơn xải tay . Ba tôi róc bẹ chuối thành 3 mảnh, mỗi mảnh bề ngang độ 6 cm, dài hơn xải tay, cột lại thành một cái phao tròn đừng kính độ 1,5m gọi là cái nòng. Cắm một cây đài sậy giữ cái nòng không trôi, ba tôi thả vào đó một nắm cám rang. Cái nòng bằng bẹ chuối làm bằng vật liệu có sẵn, không tốn kém gì, chỉ dùng để giữ cám bên trong không trôi.
Cám thơm nổi trong nòng quyến rũ một bầy cá lòng tong, cá he, cá mại đến ăn và vài ba con cá ngựa bơi lảng vảng (loại cá lớn thích theo táp cá nhỏ). Cha con tôi đợi cá đến nhiều, bơi xuồng nhẹ nhàng đến vãi chài. Phải khéo léo không gây tiếng động làm cá sợ chạy mất . Có khi cá nhiều vô kể, dính trắng xóa cả chài, gỡ không kip. Khi đó chỉ 2 chài là đủ ăn cho cả nhà . Cá lòng tong đem về kho tiêu, nấu canh chua, nhúng dấm cuộn rau thơm và rau cải trời, món nào cũng ngon cả !
Bủa lưới trên sông
Giăng lưới cá
Năm 1970, tôi ra tỉnh Sa Đéc học, sự nghiệp cá mắm của tôi bị dở dang. Một hôm về thăm nhà, thằng em trai chạy ra mừng tôi:
- Đi thăm lưới chơi anh hai. Tui đương giăng lưới cá rô đó.
Tôi ngạc nhiên đi theo thằng em 9 tuổi, học lớp 4 tay đang xách cái thùng, vì chưa nghe nói lưới cá rô bao giờ. Ra miếng ruộng sau nhà, nước ngập mênh mông, gió mát rười rượi, từng đàn cò trắng phau bay lượn đó đây. Hai anh em lội xuống ruộng, một đường lưới gân ngắn dạo giăng thẳng tắp giữa hai cây đài bằng sậy, vài con rô đồng dính lưới đang giẫy giụa. Anh em tôi vui mừng gỡ cá bỏ vào thùng. Thì ra năm ấy cá rô từ đâu lên ruộng rất nhiều. Ba tôi mua một tay lưới cá rô dài chừng 50 mét cho anh em tôi giăng cá. Chiều hôm đó chúng tôi ăn cá rô chiên tươi dầm nước mắm với cá rô nấu canh chua thơm đậm mùi ngò om, ngò gai.
Mấy hôm sau đi học, tôi xin ba tôi một khúc lưới chừng 3 mét đem theo. Tôi đang ở trọ học, giữ một miếng vườn nhỏ cho thầy tôi. Trước khi đi học tôi thả lưới ngang mương vườn, chiều về dở lên bắt được vài con cá rô, cá sặt, chiên hay kho ăn ngon lắm. Học trò nghèo thường chỉ ăn rau luộc chấm nước tương, nay có được cá ăn, thì tuyệt, không gì bằng !
Lưới giăng sông cũng dùng hai cây đài bằng tre cột lưới vào giữa, giăng ngang hay dọc bờ sông. Cá lội qua lại vướng vào lưới. Người giăng lưới chỉ ngồi trên xuồng, ca nghêu ngao vài câu vọng cổ đợi gỡ cá. Tuy nhiên, lưới sông thì dùng lưới cao dạo, mắt to để bắt cá mè vinh, cá he, cá ngựa, cá ét, cá đỏ mang là những con cá sông khá lớn. Trên ruộng dùng lưới ngắn dạo và mắt lưới nhỏ hơn để bắt cá rô, cá sặt, cá lóc, cá trê…những loại cá nhỏ hơn.
Bủa lưới trên sông
Thả lưới trên sông
Sông Hậu Giang là nhánh lớn của sông Cửu Long có rất nhiều cá tôm:
“Chiều chiều quạ nói với diều,
Ngã ba sông Hậu có nhiều cá tôm.”
Trong thời gian sống ở Cần thơ, tôi đã được chứng kiến cảnh thả lưới trên sông Hậu giang trong mùa cá. Từng đoàn thuyền nhỏ khởi hành từ miệt Ô Môn, Săng Trắng, Thơm Rơm cách Cần Thơ khoảng 15 cây số, thả những đường lưới ny lông dài độ 30 mét với những chiếc thuyền nhỏ trôi theo dòng nước về phía thị xã Cần Thơ. Lưới ni lông nhẹ, mắt thưa khoảng 3 ngón tay, giăng theo bề ngang sông. Những phao nhỏ giữ một cạnh lưới nổi trên mặt nước, phía dưới gắn chì giữ đáy lưới chìm thẳng đứng. Cá mè vinh, cá đỏ mang lội tung tăng kiếm ăn, dính vào lưới.
Khi gần tới ngã ba Trà Nóc, họ kéo lưới lên gỡ độ vài ba ký cá mè vinh ghé chợ Trà Nóc bán. Bán xong, họ tiếp tục thả lưới theo dòng nước. Khi đến chợ Bình Thủy cách đó chừng 5 cây số họ lại thâu hoạch một mẻ lưới khác rồi lên bán ở chợ Bình Thủy. Xong lại thả tiếp xuống bán ở chợ Cần Thơ. Cứ thả được một bận như vậy người chài lưới có tiền rủng rỉnh về nhà nghỉ ngơi . Tôi cũng đã may mắn được thưởng thức những con cá mè vinh thơm ngon trong mùa cá đó. Cá mè vinh là một loại cá ngọt thịt, béo và hơi nhiều xương. Cá chiên tươi dầm nước mắm chanh tỏi, hay kho lạt với hành, thôi thì ngon không kể hết !
Còn một loại lưới mà anh em tôi hay xử dụng là “lưới mé”. Chúng tôi lựa một bãi sông hứa hẹn có nhiều cá, cắm nhiều cây đài tre dọc bờ sông, móc sẳn lưới trên cao, đợi chờ. Khi nước cạn chúng tôi thẩy nhiều mồi cám nắn trong đất sét như những nắm xôi để nhử cá vào trong khu vực thả lưới . Đợi khi nước lớn lên cao, cá tôm vào nhiều chúng tôi hạ lưới chặn đường rút lui.
Xong chúng tôi đi ngủ, đợi khi nước rút cạn, đi dọc theo đường lưới là bắt nhiều cá tôm. Các loại thu hoạch được thường là cá lòng tong, cá he, cá ét, cá mè vinh, cá lăng, cá trê, cá vảnh, cá rằm, cá ngựa, cá trèn, cá lưỡi trâu, tôm, tép.
Bủa lưới trên sông
Không có Bài Mới
Bắt cá tôm ở đồng bằng sông Cửu Long
Phần 5
Sông rạch miền Tây
Kéo Lưới
“Kéo lưới” là dùng một tay lưới dài chừng 10 mét, bề dạo độ 2 mét, hai đầu cột vào hai khúc tre. Hai người cầm hai đầu kéo dọc theo bờ sông, một người đi trong bờ, một người lội phía ngoài. Khi đi kéo lưới, người nào nhỏ, yếu hơn đi phía trong bờ, người khỏe mạnh bơi lội giỏi lội phía ngòai . Lâu lâu người lội phía ngoài tấp vào bờ, hai người cùng dở lưới lên bắt cá. Thỉnh thoảng cũng bắt được tôm tép hoăc cá lớn như cá lóc, cá ngựa, cá leo. Phần lớn kéo lưới bắt được cá nhỏ như cá cơm, cá lòng tong, cá linh, cá rằm, cá he, cá chốt, cá trèn cơm, cá trèn bầu, cá lưỡi trâu ...
“Cá lưỡi trâu sầu ai méo miệng,
Cá trèn bầu nhiều chuyện sứt môi”
Câu hát trên để diễn tả con cá lưỡi trâu là loại cá mình dẹp, sống sát đáy sông. Thân mình có 2 màu khác nhau, bên trên có màu bùn. Từ trên nhìn xuống rất khó thấy con cá vì tiệp màu với đáy sông, bên dưới màu trắng. Trải qua bao nhiêu ngàn năm không biết, con cá từ trên xuống sống sát đáy sông nên phải thích nghi, hai con mắt nó di chuyển từ hai bên sang nằm cùng một bên phía trên vì con mắt bên dưới sình không còn hữu dụng nữa, và cái miệng nó cũng méo đi không như miệng cá thường .
Còn con cá trèn bầu miệng rộng và có nhiều răng chơm chởm, chớ tui không thấy nó “sứt môi” chỗ nào ! Câu hát ru con miền Nam trên, tui thấy câu trên thì đúng, nhưng câu dưới thì tui không hiểu ý của nó, có thể vì sứt môi mà miệng cá trèn bầu rộng chăng ?
Tôi chỉ có kinh nghiệm kéo những tay lưới nhỏ, bắt cá nhỏ như vừa kể trên. Một thằng bạn thân của tôi kể rằng nhà chú nó có một tay lưới rùng rất lớn, dài tới 30 mét cần nhiều người phụ mới kéo nổi. Bạn tôi thỉnh thoảng có dịp đi theo chú nó phụ lưới. Loại lưới nầy không kéo trong sông nhỏ chỉ kéo dọc theo sông cái lớn để bắt cá to. Phần lớn kéo được cá lăng, cá leo, cá cóc, cá he vàng … Nhưng hấp dẫn nhất là mùa gần Tết, khi người ta xả những ruộng ấu, thu hoạch trái. Những con cá rô, cá lóc lớn, mập mạp từ trong ruộng ấu đang còn lơ lững dọc theo sông cái, bắt được con nào là đáng con đó.
Người bán cá lóc và cá rô Phi
Có lần bạn tôi theo chú nó kéo lưới bắt cá, một con cá lóc bự cỡ một kí lô bị kẹt trong lưới, phóng vô mình nó tìm đường tẩu thoát, vô tình tông vô ngực nó làm nó mất thở, mặt mày tái mét. Phải một hồi mới hồi phục... Một cái ruộng thả ấu có khi lớn đến 5-3 công đất. Lá ấu nhỏ hơn bàn tay, dầy và bóng, màu xanh đậm, nằm sát trên mặt nước.
Trái ấu hình dạng như cái sừng trâu mập ghép lai mọc thành từng chùm dưới nước. Người ta bẻ trái ấu, nấu một lần vài giạ đem ra chợ bán lẻ, đong bằng lít. Cắn bể cái vỏ cứng bên ngoài rà ruột ấu bằng chất bột, ăn bùi bùi, thơm thơm, ngọt ngọt. Lá ấu dầy và mềm là nguồn thức ăn ngon cho cào cào, châu chấu. Cào cào châu chấu lại là thức ăn ngon cho nhái bén, chàng hiu. Nhái bén chàng hiu lại là thức ăn ngon cho cá lóc. Vì thế cá lóc ruộng ấu con nào cũng mập mạp, bụng trắng phau, thiệt là hấp dẫn dân bắt cá !
Hai vợ chồng người lưới cá đang cùng nhau kéo chài rê
Đóng đáy
Tu.. tu.. tu.. tù...
Tiếng tù và rúc lên vang vọng từ xóm dưới như tiếng còi thu quân của mấy ngàn năm trước làm nôn nao lòng người. Tiếng tù và gợi trong tui cái thời “Lệnh vua hành quân trống vang rền” . Tôi mơ màng mường tượng đây là tiếng tù và gọi binh khi vua Quang Trung đại phá quân Thanh, hay thi quân ta thủy chiến với quân Xiêm qua mấy bài lịch sử mà tôi vừa học. Bỗng tôi bừng tỉnh khi nghe mẹ tôi kêu:
- Thằng cu đâu, đi mua 2 đồng cá đáy coi con.
Tôi dạ lớn, lấy cái rổ với 2 đồng rồi rủ thằng em cùng đi. Hai anh em bơi xuồng ra rượng đáy giữa dòng sông ngang mấy bụi gừa xanh lá.
Ông chủ đáy ở trần mình đen bóng màu đồng, bắp thịt nổi lên cuồn cuộn, đang đứng ở mũi ghe hùng dũng thổi tù và như một ông tướng điểm binh. Thân mình của ông chắc cũ oai vệ như anh chàng Vọi trong “Trống Mái” của Khái Hưng . Ông quay tù và về xóm trên: tu.. tu.. tu... Ông quay qua xóm trong: tu.. tu.. tu... Ông quay xuống xóm dưới: tu.. tu.. tu.... Ông đang dùng một phương tiện cổ xưa là chiếc tù và làm bằng sừng trâu để thông báo cho bà con đầu trên xóm dưới biết rằng đáy ông đang có cá, ai muốn mua thì đến mua.
Đáy cá là một cái túi bằng lưới thật to đường kính miệng độ 30 mét chiều dài có đến 40 mét. Ở cuối cái túi tóp nhỏ lại là một thùng chứa cá đan bằng tre gọi là cái “đục” có dung tích chừng hai trăm lít. Đáy được giăng giữa 2 cây đài thật to cắm sâu giữa dòng sông. Khi nước đổ ra biển, những con cá linh, cá trèn, cá chốt, tép bạc sanh sôi từ phía thượng nguồn sông Cửu Long bơi theo dòng nước kiếm ăn sẽ chui vào miệng đáy rồi chui vào đục. Lâu lâu, người chủ đáy kéo ghe từ trong bờ theo đường dây giữa 2 cây đài ra kéo đục lên đổ cá vào ghe. Vì làm việc với một cái đáy quá to, giữa nơi nước đang chảy xiết, nên đáy là một việc làm nặng nhọc cần những người khỏe mạnh, tháo vát. Khi có cá người chủ ghe rút một cây tù và làm bằng sừng trâu thổi lên: tu .. tu .. tu...
Dân trong làng nghe tiếng tù và bơi xuồng ra mua cá. Những ngày trúng mùa, cá đầy tràn ra khỏi đục, gọi là “bứa đục”, bán không hết, người ta chỉ lựa những con cá ngon để riêng ra bán như cá trèn, cá lăng, cá phèn, cá bống, tôm tép. Số cá dư phần lớn là cá linh, được đổ vào một chiếc ghe khác dùng để ủ nước mắm, nước mắm cá linh. Ai cũng vui mừng khi thấy ghe cá linh đang đầy vì biết là năm đó đồng bằng sông Cửu Long có nhiều cá .
Khi tôi còn nhỏ, được sai đi mua cá đáy là một điều vui thú. Tôi thường hay bơi xuồng ra đậu sẵn nơi đây, ngồi nghe ông chủ đáy cùng vài ông nông dân khác trong làng, ngồi trên một chiếc ghe lớn của ông chủ đáy, uống nước trà hay nhâm nhi chung rượu nói chuyện đời xưa, chuyện đời nay, chuyện làng, chuyện tỉnh, chuyện miệt trên, miệt dưới... Ðợi khi đổ đục, tôi mua một mớ cá tươi ngon bơi lẹ về nhà cho mẹ tôi.
Dở chà, người ta bao lưới và quăng chà ra ngoài
Dở Chà Cá He
Tôi vừa bước lên con đò ngang Rạch Mít là đã nghe tiếng ồn ào vọng lại từ nhà ông sáu Bún. Sau mấy tháng đi học ở tỉnh về thăm nhà, sao hôm nay nhà ông sáu đông người như thế nầy. Tôi tò mò đi chậm lại quan sát. Nhà ông sáu Bún sát đường đi, có hai mái rộng nhưng chỉ có phía đông là có vách, còn 3 phía kia để trống. Trong nhà không có chia phòng, chỉ kê ba bộ ván và 2 cái chõng. Phía ngoài đường đi là cái cối quết bột và cái lò trấu nấu bún. Tôi thấy trên bộ ván lớn giữa nhà khoảng 15 người đang ngồi lố nhố ăn uống với nhau.
Giữa bộ ván là mấy dĩa bàn lớn cá tôm chất cao nghệu với mấy dĩa rau sống, chuối, khế, cùng mấy chén nước mắm ớt đỏ ối. Ba bốn chai rượu đế to tướng được chuyền tới chuyền lui. Chỉ có ông sáu Bún và vài ông lối xóm là tôi biết mặt, còn lại là người lạ. Người nói người cười ồn ào như đang nhóm chợ :
- Vô một ly nữa đi anh Tư, sao bữa nay uống yếu vậy ?
- Nè, làm cái đầu cá nầy đi chú Hai, béo lắm đó nghe !
- Chú Sáu nè, tổng cộng được năm chục kí tôm không ?
- Vô đi anh, bữa đó ở nhà thằng Sáu Lác tui không uống nhiều với anh vì tui đang bực nó nói móc tui hòai !
À, thì ra hôm nay ông sáu Bún dở “Chà Cá He”. Ông có đống chà lớn nhất xóm. “Chà” là một đống nhánh cây khô xếp đặt có thứ tự dưới sông . Hằng ngày ông thẩy mồi cho cá ăn. Mồi là cám hay gạo, lúa, cơm nguội. Cá tôm vào đó làm chỗ trú ngụ, lại có mồi ăn. Chà Cá He là một loại chà chất ở nước có độ sâu, nhánh cây nhiều và lớn hơn các loại chà gia đình, nhỏ hơn, chất trong chỗ cạn hơn . Độ hai tháng ông Sáu kêu thợ lưới chuyên nghiệp lại dở chà một lần.
Thợ lưới là một tổ hợp, có một tay lưới rất lớn với năm bảy người thợ lặn. Họ bao lưới, dở chà ăn công. Sau đó chủ chà bao họ một bữa ăn nhậu phủ phê bằng cá tôm bắt được. Nếu trúng mùa, ông sáu kiếm được trăm kí cá ngon và vài chục kí tôm càng. Loại tôm càng xanh ở miền Tây ngon hảo hạng. Sau khi ăn nhậu no say, số còn lại vợ con ông sẽ đem đi chợ bán sáng sớm ngày mai. Bà sáu Bún đang ngồi nhồi bột hỏi tôi:
- Mầy đi học mới dìa hả cu Tèo ?
Một đống chà cá he giửa sông lớn, nơi tụ tập nhiều cá tôm.
Tôi dạ, rồi tấp vô vắt một cục bột bằng trái cam, bóp dẹp lại rồi lụi vô lò trấu nướng. Xong tôi đeo tòng ten lên cái cần ép bột với con bà sáu. Tôi tiếc là không về sớm hơn để được coi dở chà cá he, hồi hộp nhất là lúc coi cá nhảy, dù là tôi đã được coi dỡ chà cá he nhiều lần. Sau khi bao lưới xong, người ta bắt đầu kéo từng nhánh chà lên, cá thấy động tìm cách thoát thân. Lội vòng vòng không thoát được, chúng bắt đầu nhảy.
Lúc đầu chúng nhảy thấp để quan sát lưới gọi là nhảy “đo lưới”, sau đó chúng nhảy thật cao để thoátt thân. Lưới cách mặt nước chừng 2.5 mét mà một số vẫn nhảy qua được. Tài nhất là cá ngựa, kế đến là cá mè vinh, cá đỏ mang. Nếu con người mà nhảy tài như con cá ngựa, chúng ta có thể nhảy cao chừng 30 mét chở chẳng chơi . Nhảy qua lưới cá gặp phải một số người trên năm bảy chiếc xuồng nhỏ cầm vợt đứng chờ. Đây là những người lối xóm chỉ đến bắt hôi cá nhảy, có nghĩa là không bắt cá trong chà vì vi phạm chủ quyền của ông Sáu Bún, nhưng họ có quyền bắt những con cá coi như đã thóat khỏi đống chà.
Dở chà, người ta bao lưới cao vì một số cá nhảy rất cao thoát thân
Tôi đã thấy có người may mắn vợt được liên tiếp hai con cá ngựa mỗi con chừng năm kilô. Đàn ông thì đứng dưới xuồng cầm vợt. Đàn bà con nít thì đứng dàn trên bờ như đang coi trận đá banh. Mỗi lần cá lớn nhảy, người ta la hét náo động cả một khúc sông.
Gia đình ông bà Sáu làm bún bán ở chợ làng. Làm bún phải xay gạo thành bột, ủ bột, xong quết bột cho dai rồi để vô khuôn ép thành những cọng bún rớt xuống một nồi nước đang sôi. Công việc tương đối nặng nhọc và qua nhiều giai đọan. Bọn trẻ chúng tôi hay tụ tập trước cửa nhà bà sáu chơi bắn cu li, thẩy đáo. Chơi chán chúng tôi chạy vô xay bột, quết bột hay ép bún dùm bà Sáu. Bù lại, lúc nào chúng tôi thích ăn bánh nướng cứ tới lấy bột làm bánh nướng mà ăn. Nó giống như ăn bánh pizza ở Mỹ nhưng không có nhưn.
Bán cá rô Phi và cá mè vinh
Bắt cá tôm ở đồng bằng sông Cửu Long
Phần 6
Chuốt tre đan lờ, bện đăng
Đăng Rạch
- Cá nhảy, cá nhảy rồi anh hai ơi!
Thằng em tôi có nhiệm vụ canh đăng kêu vang dưới bến. Tôi vội xuống xuồng đi với nó. Bơi xéo qua Rạch Dừa nơi chúng tôi đang có giàn đăng, tôi cẩn thận cột xuồng nằm ngang chỗ nước sâu giữa rạch, bên ngoài cái “ÐÓ”, xong anh em tôi ngồi chờ. Nước bắt đầu từ Rạch Dừa chảy ra. Một con cá ngựa nhảy đo đăng.
Sọat... Sọat... Bộp... bộp... bộp...
Hai con cá ngựa cùng nhảy qua đăng một lượt và rớt lên xuồng chúng tôi. Tôi và em tôi nhanh nhẹn tóm chúng bỏ vào khoang.
Soạt... Tỏm.
Một con cá mè vinh lao ra trúng vai tôi và rớt xuống sông bơi mất, làm anh em tui tiếc hùi hụi.
Chúng tôi đang đăng rạch. Dùng những tấm đăng bện bằng tre cao khoãng 2 mét chúng tôi chận ngang Rạch Dừa lúc nước lên cao. Người làm đăng chẻ tre ra chuốt từng cọng lớn hơn chiếc đủa, dài khoãng 2 mét. Xong dùng dây trại bện lại thành tấm lưới thưa có kẽ khoãng 1 cm, sao cho nước chảy qua được nhưng cá tôm bị giử lại. Cá từ sông lớn vào Rạch Dừa lên ruộng kiếm ăn. Giờ nước bắt đầu rút, cá trở ra sông lớn bị đăng chận lại. Những con cá Ngựa, cá Mè vinh bắt đầu nhảy qua đăng thóat thân. Chúng tôi đậu xuồng ở đây đón chúng. Nhưng phần lớn cá tôm sẽ chui vào trong cái đó ngay bên cạnh chúng tôi.
ĐÓ là một cái thùng chứa hình trụ cũng đan bằng tre. Dọc theo hông đó có xẻ một cửa dài với nhiều hom nhọn quay vô trong đó. Cá lội ra sông lớn, bị đăng chận lại sẽ bơi dọc theo đăng và chui vào trong cái đó. Chúng chui vào rất dễ nhưng không trở ra được vì những hom nhọn cản lại. Lát nữa đây khi nước cạn anh em tôi sẽ kéo đó lên đổ cá tôm vào khoang xuồng. Thường thì chúng tôi bắt được cá lòng tong, cá he, cá trèn, cá linh, cá rô, cá đỏ mang, tôm lớn, tép nhỏ ... Bắt cá xong, chúng tôi sẽ giặt đăng cho sạch bùn sình, cỏ rác đem về phơi khô, cuộn lại để dành cho kỳ tới .
Có câu ca dao nói về cái đăng, cái đó như sau:
Xin đừng tham đó bỏ đăng
Có lê quên lựu có trăng quên đèn
Càng ngày người ta càng dùng lưới thay thế cho đăng tre để dở chà, đăng mé
Ðăng Mé
Ðăng mé tức là đăng dọc theo mé sông bắt cá . Người ta lựa một khúc bờ sông phẳng phiu, nước lớn lên ngập mé, nước ròng rút ra khỏi mé lòi bãi sình để có thể bắt cá được. Trước khi đăng độ một tuần người ta thảy lúa, cám dọc theo mé làm mồi, để cho cá tôm có thói quen vào khu vực đó kiếm ăn.
Ðăng mé có hai cách: một là dùng những tay đăng bằng tre, hai là dùng lưới cá. Ðăng tre là dùng những thanh tre lớn hơn chiếc đũa ăn cơm một chút, dài độ 2 mét, dùng dây bện lai với nhau như một chiếc chiếu thưa, có khe hở độ 1 cm giữa 2 thanh tre. Còn lưới là loại lưới dầy, mắt lưới vuông độ 1 phân. Ðăng tre chỉ thịnh hành vào thời trước 1968. Sau các năm 1967-1968 tôi thấy lưới ny lông bắt đầu rẻ và thịnh hành. Gia đình tôi có một tay lưới cao khoảng 2 mét, dài khoảng 50 mét dùng để đăng mé hay dở chà gọn và nhẹ hơn xài đăng tre.
Tới ngày đăng mé, anh em tôi đi cắm sẵn độ 30 cây đài tre dọc theo mé sông. Treo lưới lên các cây đài sẵn sàng hạ lưới khi cần thiết. Chúng tôi thảy cám, thảy lúa nhử cá. Khi nước lớn đầy, cá tôm vào trong mé sông ăn mồi, chúng tôi cẩn thận dùng xuồng bơi tới, tuyệt đối không gây tiếng động, nhẹ nhàng hạ lưới xuống dọc theo mé sông. Phía dưới dạo lưới thì nằm dưới bãi, nhưng phía trên của lưới thì vẫn còn treo trên mấy cây đài. Một đứa trong chúng tôi cởi trần nhẹ nhàng lội xuống nước dùng chân đạp nhẹ đường viền đáy cho lưới lún xuống sình chừng 5 phân giữ cá tôm trong lưới, không chui ra được.
Thường thì chúng tôi chọn con nước tối, hạ lưới khoảng 12 giờ khuya, lúc đó yên tĩnh, cá lớn dạn dĩ vào bờ. Xong, chúng tôi leo lên ghe nằm ngủ đợi nước cạn. Trời hừng sáng, nước cạn, anh em chúng tôi đốt đèn lên đi bắt cá. Không nên để nước cạn sát quá, những con chồn, mèo, chuột có thể lội xuống ăn cá, cắn rách lưới. Những cá lòng tong đâm đầu vào lưới trắng xoá phải gỡ ra. Những con cá he, cá mè vinh, cá trèn, cá cóc, cá lưỡi trâu, tôm tép… thì nằm dọc theo các vũng nước còn đọng lại.
Phải nhanh chóng bắt cá chuyển về nhà . Nếu cá ít, độ 1-2 kí lô thì đủ gia đình chúng tôi ăn một ngày. Nếu cá tôm nhiều, có khi phải đi chợ bán bớt, kiếm tiền chi dụng chuyện khác. Ðợi nước lớn lên, anh em chúng tôi giặt lưới cho sạch sình bùn, cỏ rác, phơi lưới khô rồi thu dọn về nhà, ra ruộng, ra đồng tiếp tay với Ba tôi.
Chợ cá. Từ trái qua phải: cá Chạch, cá Mè vinh và các loại cá khác
Mò Tép, Quậy Hầm
- Dính nữa nè cu.
Chú tôi đưa cho tôi một con tép trứng nhỏ bằng ngón tay. Tôi xỏ con tép vào cọng dây lạt dừa đang ngậm trong miệng rồi mò tiếp. Chú tôi xuống chơi. Nước sông ấm nồng, tôi và chú rủ nhau đi mò tép. Chúng tôi mò dọc theo những nọc cầu, những cọng rễ bần, những cây trụ chà và đã bắt được chừng hai mươi con tép lớn bằng ngón tay cái, hứa hẹn một bữa cơm chiều.
Bổng em tôi chạy đến kêu:
- Ba kêu chú với anh hai về lẹ, ba đương quậy hầm.
Quậy hầm. Hà hà, quậy hầm bắt tôm ! Tôi và chú tôi lội dọc theo bờ sông về nhà, theo đứa em tôi ra sau vườn. Ba tôi đang móc đất be bờ, thấy chúng tôi, ba nói:
- Tụi bây xuống quậy đi, tao mới đụng tôm.
Chà, nghe ba nói chúng tôi hăng lên, vội xuống nước và bắt đầu... quậy. Nước sâu tới bụng, chúng tôi dở những cây chà liệng lên rồi đi dọc theo cái hầm dài hai mươi thước, rộng hai thước, dùng tay chân quậy sình cho nước đục lên. Ngày thường đứa nào "quậy" thì bị đòn, nhưng lúc nầy mới đúng là QUẬY, quậy càng nhiều càng tốt, được khen !
Cái hầm nay ba tôi đã chuẩn bị mấy tháng trước vào mùa nước nổi, ba bỏ chà xuống làm chỗ trú ngụ cho tôm. Mùa nước nổi, tôm nhỏ từ dưới sông tràn vào ruộng kiếm ăn. Mùa nước rút, tôm từ ruộng theo nước ra sông. Đi ngang qua cái hầm nầy, thấy có chà chôm, là chỗ trú ngụ lý tưởng, một số ở lại. Sau mấy tháng chúng đã lớn gần bằng cườm tay, mổi con nặng tới 100-200 cà ram.
Con tôm thích nước trong. Chúng thở bằng mang và hệ thống thở của chúng không chịu được nước đục. Chúng tôi quậy được một lúc nước đục xình, tôm không thở được bắt đầu nổi lên. Râu tôm lác đác nổi lên trước dọc hai bên bờ. Những sợi râu đỏ, ngo ngoe, là những cần ăng-ten thăm dò. Từ từ chúng sẽ lộ cả hai mắt đỏ lên và thở trên mặt nước. Khi phản ứng thoát thân, con tôm búng mạnh thân mình giật lùi rất nhanh. Chúng tôi chỉ việc đi dọc theo bờ, chụp nhanh phía sau đuôi chúng rồi bỏ vào một cái rộng tre để phía nước trong cho chúng khỏi chết.
Những con tôm càng xanh, nặng độ hai trăm cà ram to gần bằng cườm tay tôi, đuôi nhọn, càng cứng, búng vào tay đau điếng. Nhưng khi nướng lên thì tuyệt vời. Hôm đó chúng tôi bắt được hơn hai chục kí tôm. Cơm chiều, mẹ tôi nướng tôm dọn ra hai dĩa bàn đầy ăn không hết. Số còn lại trong rộng để dành cho ngày mai. Sáng sớm mai, mẹ tôi sẽ đem tôm ra chợ bán. Tôm càng xanh bán rất có giá vì thịt tôm ngon, các nhà hàng cơm ngoài chợ mua với giá cao.
Đặt lọp tép ven sông. Chàng nầy công tử hơn chúng tôi hồi nhỏ.
Khi tép thấy mồi đặt trong lọp, tìm cách chui vào . Chui vào khá dễ, chui ra thì lại chẳng dễ tí nào. Phía đuôi lọp có một cửa nhỏ để trút tép ra khi thu hoạch. Mồi là một con cua đồng hay một con ốc bưu, ốc lác, đập bể dập, để cho dậy mùi quyến rũ tép. Khi nước bắt đầu lớn, ba tôi đem chừng 20 cái lọp đặt dọc mé sông. Dùng một cây ghim dẹp bằng tre, dài chừng 5 tấc, ghim cái lọp xuống sình, cạnh một cây bần hay bụi cỏ. Nước lớn cao, tép từ dưới sông bơi vào bờ kiếm ăn, sẽ chui vào trong lọp và kẹt trong đó .
Khi nước ròng, ba tôi bơi xuồng đi thu hồi lọp. Ba tôi dạo rửa vài cái cho sạch bùn sình rồi chất lên xuồng. Lọp đem về, anh em tôi xúm lại, trút ra bắt tép. Phần lớn chỉ bắt được tép thợ rèn và tép trứng. Thỉnh thoảng, chúng tôi cũng bắt được cá bống đen, cá bống cát, cá chốt. Những lúc trúng mùa, với 20 cái lọp, mổi ngày gia đình tôi kiếm được hai ba kí lô tép, lớp nấu canh, lớp kho mặn kho lạt, ăn không hết.
Vì làm bằng những cọng trúc chuốt nhỏ, mỏng manh, lọp tép xài chỉ một mùa rồi bỏ, sang năm phải đan lọp mới. Ðặt lọp tương đối nhẹ nhàng, nhưng cũng có nỗi cực riêng. Phải chịu khó đi thụt cua hay bắt ốc làm mồi. Một nỗi phiền nữa là đặt lọp vào con nước tối và dỡ lọp vào con nước sáng sớm mới được nhiều tép. Nhưng buổi sáng sớm dưới quê, con mùi mắt nhiều lắm. Khi mình ngồi đổ lọp hay ngồi làm tép, nó nghe mùi thúi của cua ốc chết, nó bu lại cắn mình, rất ngứa.
Con mùi mắt nhỏ như đầu cây kim, tỏ mắt mới thấy được. Nhưng khi nó bu lại cắn mình hút máu, ngứa như muỗi cắn. Nếu mình gãi trầy da có mùi máu, nó càng bu lại chỗ trầy, cắn dữ dội hơn. Ai có kinh nhiệm thì chỉ xoa xoa cho nó chết. Nếu bị cắn dữ quá thì phải đốt một ít vỏ dừa khô, hun khói thì con mùi mắt sẽ bay đi . Có người bạn còn dạy tôi lấy một chùm lá cách bóp dập ra, xoa khắp chân tay, những chỗ mùi mắt hay cắn. Mùi lá cách có lẽ là thứ mà con mùi mắt không ưa, nên tôi cũng đỡ bị cắn rất nhiều.
Một tấm đăng tre ven sông, có lẽ để chận lọp ven.
Ðặt lọp ven
Khác với lọp tép hình dáng nhỏ đan bằng cây trúc, lọp ven đan bằng cọng tre lớn, chắc chắn. Lọp ven là một cái lồng hình trụ, đan bằng những cọng tre to bằng ngón tay út, bề dài khoảng 2 mét. Ðường kính của lọp khoảng 1 mét. Lọp cũng có 2 cửa hom hình nón, đan bằng tre chuốt nhọn, đặt sao cho tôm cá chui vào dễ dàng, nhưng chui ra rất khó. Sau nầy người ta còn làm lọp ven bằng lưới kẽm khung tre nhưng hình dáng cũng tương tự như trên.
Khi nước lớn, những con tôm con cá lội dọc theo bờ sông kiếm ăn. Lợi dụng đặc tính đó, người ta dùng những tay đăng bện bằng tre, cao khoảng 1 mét rưỡi, bền dài khoảng 2-3 mét chận ngang đường di chuyển của tôm cá . Phía cạnh dưới của đăng người ta khoét một cửa vuông mỗi cạnh chừng 3 tấc rồi đặt cái lọp ven quay miệng vào cái cửa vuông đó . Lọp ven được giữ ở vị trí cố định bằng 3 cây tre dài khoảng 2 mét rưỡi cắm chéo vào nhau có cột dây chỗ chéo. Hai cây cặp hai bên hông, một cây chận phía đuôi lọp, phía đầu lọp đã bị tấm đăng chận lại. Như vậy nước chảy cái lọp không trôi được.
Cá tôm lội dọc theo bờ sông kiếm mồi. Khi đi tới tấm đăng tre, nó không đi được nữa, có khuynh hướng lủi xuống đáy sông, đi dọc theo tấm đăng. Khi tới cửa vuông 3 tấc chừa sẵn, cá tôm chui vào đi tiếp. Như vậy nó đã chui vào cửa lọp.
Một cái lọp ven thật lớn, đan bằng lưới kẽm. Có đăng tre chận cho tôm cá chui vào
Chui qua 2 lần hom, cá tôm không còn thoát ra được nữa. Một chủ lọp có thể có từ 1 đến 5 cái lọp ven. mỗi ngày chủ lọp bơi xuồng thăm lọp một hoặc hai lần. Lọp ven rất thưa nên không bắt cá nhỏ, chỉ bắt cá tôm khá lớn từ 100 gram trở lên. Ngày xưa, Ba tôi chỉ đặt một cái lọp ven lớn dưới bến sông. Vậy mà chúng tôi thường xuyên bắt được cá bống Tượng, Tôm càng, cá Ngác, cá Trê... cũng đủ ăn. Có khi Ba tôi bắt được con cá bống Tượng cả kilô. Thịt cá bống Tượng ngon và mắc tiền, chưng với tương, gừng, bún, nấm mèo, củ hành ăn thiệt là ngon.
Có lần anh em chúng tôi đi vào Rạch Tre thăm dì tôi. Ðứa em con dì rủ chúng tôi đi dở lọp ven của nó . Ðó là một cái lọp bằng lưới kẽm thật lớn, nhưng nhẹ hơn lọp tre. Em tôi đứng trên xuồng kéo lọp lên. Lọp mới kéo lên được phân nửa đã nghe tiếng quậy trong đó thật là hồi hộp. Tiếp tục nâng cái lọp lên, em tôi bắt được 5-6 con cá Dồ đém, mỗi con nặng đến nửa kílô. Thiệt là vui. Bữa đó anh em tôi ăn một bữa canh chua cá Dồ, mà kỷ niệm đó suốt đời không bao giờ quên được.
Hai chị bán cá bống Tượng. Cá bên trái còn nhỏ quá. Cá bống Tượng có thể lớn đến 2kg.
Câu tép
Anh em tôi còn một thú vui nữa là câu tép. Ðầu mùa nước nổi khi nước bắt đầu ngập sát mé bờ sông, anh em tôi chuẩn bị đi câu tép. Cần câu chỉ là một cọng lá dừa chuốt nhỏ, lớn bằng cọng chân nhang, dài chừng 4 tấc. Ðầu nhỏ của cọng lá dừa quấn lại thành một vòng tròn bằng chiếc nhẫn đeo tay. Cột vào đầu “cần câu” là một sợi chỉ dài chừng 3 tấc. Không có lưỡi câu, nhưng thay vào đó là một vòng tròn dây kẽm nhỏ, luồn dọc thân một con trùng làm mồi .
Chúng tôi tự chế tạo 5-6 cái cần câu … nội hoá như vậy và bắt đầu đi câu . Cần câu được cắm dọc theo bờ sông, cách nhau chừng vài thước. mỗi khi cắm một cần câu, chúng tôi búng xuống mặt nước kêu “chụt, chụt” vài cái. Phải búng đúng cách, chỉ tạo tiếng kêu mà không làm nước văng tung tóe. Búng nghe “chụt” chúng tôi gọi là búng tôm, còn búng làm nước văng tung tóe chúng tôi gọi là búng cá, chỉ thu hút được mấy con cá mà thôi.
Con tép nghe tiếng búng sẽ tìm đến ăn mồi. Khi đeo được vào vòng mồi trùng, con tép rất say mồi. Nó đeo dính vào cục mồi và lội vòng vòng. Nó chỉ buông mồi khi mình kéo nó lên mặt nước. Ðầu cần câu nhỏ bé sẽ gục xuống hẳn, và cọng chỉ nhợ câu sẽ quay vòng vòng, vẽ trên mặt nước một cái vòng tròn đường kính độ một tấc. Mặt nước sông rộng mênh mông, lên tới mé bờ, loang loáng sáng. Gió thổi bông mận, bông bần rơi lả tả.
Ði tới đi lui thăm câu, thấy một cần gục xuống, cọng nhợ chỉ quay vòng, anh em chúng tôi mừng quá đỗi mà không dám la lớn, sợ tép bỏ mồi . Chúng tôi sẽ dùng tay trái nhẹ nhàng nâng cần câu lên cho con tép lên gần tới mặt nước. Tay phải chúng tôi cầm một cái rổ nhỏ, nhẹ nhàng xúc từ phía ngoài sông vào bờ. Khi con tép được nâng lên tới mặt nước nó sẽ buông mồi, búng mạnh một cái thoát thân ra phía ngoài sông và sẽ lọt vào trong rổ . Dỡ rổ lên, một con tép đang búng chành chạnh liên hồi và những trái tim nho nhỏ của anh em chúng tôi cũng đập thình thịch, thiệt là hào hứng !
Có khi cá cũng lại ăn mồi trùng của chúng tôi. Nhưng nhìn cách ăn câu chúng tôi biết được đó là con cá hay con tép. Con cá ăn câu thì cần câu sẽ giựt xuống rồi bật lên liên hồi. Con tép ăn câu thì cần câu gục xuống rồi giữ ở đó, còn cọng chỉ nhợ câu quây vòng vòng vẽ theo một cái hình nón. Khi mình lại dùng rổ hớt, con cá thường chạy đi, con tép thì vẫn đeo mồi.
Câu tép như vậy không nhiều, bữa nào trúng mùa lắm cũng chỉ được 10-20 con tép, mỗi con to bằng ngón tay. Nhưng chúng tôi sẽ xách rổ ra vườn hái thêm một rổ rau, nào là rau má, rau ngót, rau muống, rau lang, rau cải trời, rau dịu… Thôi thì hầm bà lằng, gặp rau gì ăn được là hái đem về cho mẹ tôi nấu một nồi canh tép, cả nhà cùng ăn. Hí ha, hí hố thiệt là vui vẻ.
Một em nhỏ đang câu tép. Cần câu chỉ là cọng lá dừa nhỏ xíu
Nguồn : hxxp://dactrung.net/phorum/tm.aspx?m=491865
Thông báo Quan trọng
Collapse
No announcement yet.
Chuyện Đồng Quê Tác giả : Hai Rạch Dừa
Collapse