Dương huy Hoàng
Chuyện bèo mây
Trong số những con vật được người ta tín ngưỡng thờ phụng có con Thiềm Thừ.
Đó thường là tượng nhỏ bằng ngọc, tạc hình một con cóc chỉ có hai chân trước và một chân sau, miệng ngậm đồng tiền, tượng trưng cho tài lộc, được xem là biểu tượng thần tài mà nhiều người rất tin tưởng. Cóc ba chân được đặt ở góc nhà một cách trân trọng chỉ hơi kém tỳ hưu, cũng là vật trấn phong thủy và thu giữ tài lợi chỉ có ăn vào mà không thải ra.
Còn đây là con mèo ba chân.
Người ta nói cọp ba chân rất tinh khôn và hung ác vì trong lòng nó chứa đầy thù hận, còn con mèo này thì lại rất hiền lành và…ngu, cho dù mèo và cọp là những con tương cận. Đó là một con mèo đang tuổi lớn. Không biết nó bị cụt chân sau vì lý do gì , có lẽ do con người gây ra, vì cứ thoáng thấy bóng người là nó sợ hãi lũi mất . Tôi không hình dung được lý do gì khiến chân nó bị cụt . Với mèo hoang thì những hiểm nguy rình rập rất nhiều, có thể do bị bẫy kẹp , xe càn, hoặc chó cắn, thậm chí do...làm tình. Cái giống mèo khi đang lên đỉnh vu sơn thì rên rĩ nghe cứ rợn người . Nỗi khoái lạc không cần che dấu đó làm cho những người bị bệnh mất ngủ như tôi cực kỳ khó chịu. Thử hình dung đang nữa đêm nữa hôm mà tiếng rên gào lúc nhỏ lúc to, trầm bỗng, nhặt khoan kéo dài đến hàng giờ, nghe như ma rên quỷ hờn. Tiếng rên ấy có khi vọng xuống từ máng xối mái nhà hay từ lùm cây bụi cỏ...Nóng tính như tôi thì vớ được cái gì cứ thẳng tay vụt về hướng ấy ,tiếng động lớn có thể cắt đứt cơn mê tình ái trong thoáng chốc, nhưng có khi cũng hoài công. Có lần người hàng xóm của tôi đã dùng một giàn thun tự chế, nhằm vào bóng tối, theo hướng phát ra âm thanh của cặp đôi đang run rẩy trước tình yêu đó mà nã. Kết quả là mấy bửa sau tôi thấy con mèo của ai đó ngang qua sân với cái chân cà thọt.
Mèo ngày ấy dù bị què vẫn còn đủ bốn chân, còn con mèo này, không biết cái gì đã tiện ngọt cẳng sau của nó. Cứ mỗi lần nhìn nó dùng chân cụt để gải gải khi bị ngứa nơi cổ trông thật tức cười và tội nghiệp. Cái chân ấy cứ quơ quơ vào không khí không đụng vào đâu , giống như để “quạt” thì đúng hơn, ấy vậy mà nó cứ thường xuyên quạt như thế. Chổ ngứa nơi cổ họng không đụng đến lâu ngày thành nơi tụ hội an toàn và là nơi bất khả xâm phạm của lũ bọ chét. Chúng cứ tập trung vào đó để kiếm ăn, tạo thành ghẻ lỡ với đốm lông tả tơi dơ bẩn. Tôi rất muốn giúp nó diệt đám ký sinh và xức thuốc vào chổ ấy nhưng vô hiệu ,vì không làm sao tiếp cận được dù nó đã cùng chung hộ khẩu với tôi hơn ba tháng.
Chưa bao giờ tôi đến gần nó được, nói chi rờ rẩm vuốt ve dù đó là con mèo xấu xí.
Tôi một mình ở đây- dãy nhà liên kế sáu mươi căn, đã xong phần thô và phần ngoài mà tôi là thủ kho kiêm bảo vệ cho thầu thi công. Nói là kho cho oai chứ thực chất đồ đạc đã được di dời đi từ lâu chỉ còn lại căn nhà trống huơ với đống tôn, panen cũ nát và những chiếc thùng sơn còn dang dỡ trên nền đất lổn nhổn cát gạch đá gỗ. Khu vực này có đến sáu mươi căn nhà ba tầng giống nhau như hệt. Người ta xây rồi để đó, giống như xí phần để chờ thời, mấy năm nay chẳng thấy ai mua và hình như chủ đầu tư cũng không cần bán và tôi vẫn còn tồn tại. Chưa hết, Nghe nói chủ đầu tư này còn có cả trăm ngôi nhà khác ở lân cận còn đang bỏ trống cả chục năm nay. Hàng trăm căn nhà lầu ba tầng bỏ không giữa đất địa thành phố tấc đất tấc vàng năm này qua tháng khác thật hoang phí. Không biết họ đầu cơ hay chỉ để rửa tiền. Sau này mới biết là do khủng hoảng bất động sản . Công việc của nhà thầu đã xong. Lẽ ra tôi cũng được điều đi nơi khác, nhưng cho đến giờ này tôi vẫn ở đây vì dù sao có người ở vẫn hơn, bọn trộm sẽ không ngần ngại tháo dỡ tất cả những gì có thể bán được kể cả những cánh cửa sắt to đùng. Tôi giữ chúng và cũng tự bảo vệ tài sản của mình gồm nồi niêu soong chảo và những thứ thổ tả chỉ có thể đem bán ve chai. Mỗi tháng vẫn ăn lương, dù ít ỏi nhưng sống được. Buồn nhưng nhàn, biết làm sao?…không va chạm với ai là cuộc sống mà tôi luôn ước mơ, nên cho dù thui thủi và túng thiếu, tôi vẫn thấy mình đang “ tri túc hà thời túc” dù rất cô đơn.
Nó vào đây lúc nào không rõ, tôi phát hiện khi thấy nó đang ngồi liếm láp cái cẳng chân sau rướm máu, cụt lên tới khuỷu . Cái thân hình gầy đét ấy lấm lét nhìn tôi, sợ sệt cà thọt vào hóc kẹt lộn xộn những tấm tôn cũ nát cao đến hơn hai mét, chui sâu vào trong ấy, nơi có một không gian nhỏ từng là chổ chứa những bao vôi bột và là nơi lũ chuột vẫn thường cắn nhau chí chóe .
Chẳng có gì cho nó ăn, ngoài một ít cơm nguội và cá kho mặn như muối lồi vì kho đi kho lại năm bảy lần, tôi nhìn còn thấy ngán, vậy mà nó cũng rón rén mò tới ăn ngon lành.
Những tấm panen kê trên giàn giáo dựa vào tường cao ngang đầu người đủ dài để tôi vừa dùng làm bếp nấu ăn, vừa là bàn ăn và…giường ngủ. Lâu cũng dần quen, khi tôi ngồi ăn trên cao thì nó cũng cà thọt tới ngồi dưới đất để chực xương, tôi bước xuống thì nó biến. Khi tôi làm việc gì thì nó quanh quẩn gần đâu đó giống như để bảo vệ tôi khỏi bị bọn chuột phá phách.
Mỗi lần tôi đi đâu về thì từ trong đám tôn nó vừa kêu meo meo, vừa thọt thọt chạy ra mừng rở, nhưng đừng hòng lại gần nó được ,cứ đến gần là nó lũi vào đống tôn ngay. Con mèo khùng ấy không biết nghĩ gì mà mừng thì cứ mừng, sợ thì vẫn cứ sợ, dù đã chung sống với tôi hơn ba tháng và ăn cơm của tôi hàng ngày.
Thôi kệ. Chí ít mèo ba chân cũng “trấn” được lũ chuột từng hoành hành ở đây, và tôi cũng đỡ cô đơn. Đồng bệnh tương lân. Nó bị thương bên ngoài, tôi bị thương trong lòng cùng chọn nơi này để an dưỡng.
Tôi sống độc thân đã mười mấy năm kể từ khi vợ ẳm con về ngoại trốn nợ. Những mong có ngày đoàn tụ thế mà lần lữa đến hơn mười năm. Cho đến khi bà xã cho hay… đã có bầu với người nào đó thì chấm hết.
Đi theo những công trình đã nhiều năm, tôi từng chứng kiến cảnh bèo mây tan hợp của thiên hạ. Những cặp vợ chồng từ quê dắt díu nhau lên thành phố kiếm sống rồi chia tay nhau vì nhiều lẽ cũng có khi đã chán chê rồi thì…quay trở lại, cùng tiếp tục sống chung nhau và cùng nuôi con, nghĩa nhân mõng dánh là vậy mà vẫn có thể chung sống tới già. Đất địa sài gòn này đã chứng kiến biết bao cảnh tan đàn sẻ nghé và không có chuyện gì là không thể xảy ra. Thật lòng mà nói thì lỗi không hoàn toàn do người phụ nữ, ấy là tôi chỉ nói đại như…chuyện của thằng em tôi vậy thôi, chứ thực ra mỗi nhà mỗi cảnh không ai giống ai. Nói chung chuyện bèo mây tan hợp ở cái đất này không ngày nào là không có. Họ tan chưa hẳn do ghét nhau và họ “hợp” chưa hẳn là thương nhau. Giống như bên có đậu bên có đường hùn lại nấu chè, Sự cộng sinh như vầy đi đâu cũng gặp.
Tôi và con mèo này cũng thế! Chí ít thì tôi cũng cảm thấy đở cô đơn . Còn nó thì chắc cũng có cảm giác bình yên có nơi nương tựa.
Mỗi ngày nó đến gần tôi thêm một chút, tưởng chừng có thể với tay ra là chạm được. Vậy mà không.
Đi đâu đó vài ngày, khi trở về, việc đầu tiên là tôi lia mắt tìm kiếm nó và khi đã thấy hắn cà thọt từ đống tôn ra mừng rở là tôi thở phào nhẹ nhõm. Có nghĩa là nó chưa bị ai đó bắt ăn thịt.
Nó là con mèo thứ tư đến ở đây,những con mèo trước thường nằm trong lòng cho tôi vuốt ve chăm sóc thậm chí còn ngủ chung nhưng rồi lần lượt biến mất, có lẽ do cái bọn bắt chó “ kiêm“ luôn. Hay do mấy trự phụ hồ đang nằm chờ việc, bắt làm mồi nhậu. Chuột cống mà mấy chả còn không tha nói chi là “ tiểu hổ”.
Tôi lượm mèo con từ những căn nhà hoang bên cạnh khi nghe chúng kêu khóc do bị mẹ bỏ, nuôi lớn đến khi chúng…biến. Mỗi lần như thế tôi hụt hẩng và buồn rầu chỉ mong sao cho nó đừng bị ăn thịt, gặp được người chủ tốt biết thương yêu…Gần bốn năm, ba con mèo cực kỳ dễ thương của tôi lần lượt biến mất. Chúng đến với tôi nhờ có nguồn nước uống mà những ngôi “nhà hoang” kia không có . Con mèo này cũng vậy.
Một hôm, sau khi đi ăn sáng về, vừa mở cửa bước vào nhà tôi giật mình phát hiện dưới chân giường mình, một con rắn lục lớn đang ưởn ẹo chết, đầu bị giập nát, cạnh đó là con mèo cụt đang dùng chân trước lau lau bộ ria, nhìn tôi kêu meo meo ra cái điều :“không nhờ tui thì anh “chít” với con rắn này rồi đó nhe!” Hú hồn. Nhìn ánh mắt nó tôi nhận ra sự thân thiện tràn đầy. Hy vọng nó sẽ không bỏ tôi mà đi mất như những con mèo trước.
Nhưng giờ đây nó cũng không còn ở với tôi.
Là do tôi bỏ nó.
Tôi bị điều đi làm thủ kho ở công trình khác một cách đột ngột, chỉ kịp mang theo những thứ của mình. Nó không thuộc về tôi vì cho dù cố gắng cách mấy tôi cũng không thể đến gần nó được dù rất muốn mang nó theo.
Sau này, mỗi khi có dịp ngang qua nơi ấy tôi thường dừng lại nhìn dãy nhà vẫn không có gì thay đổi ngoài sự cũ kỹ, lia mắt kiếm tìm người bạn nhỏ tật nguyền với chút hy vọng mong manh được gặp lại.
Sẽ không bao giờ tôi còn gặp lại nó nữa. Đời mà !
Trại sáng tác Đại Lải ngày 29/5/2013
Thực tế sáng tác ở Mỹ Hòa Hưng.
Đoản văn
Dương huy HoàngĐịa linh hay nhân kiệt ?
Tôi năm nay đã quá tuổi tri Thiên mạng , sinh ra và lớn lên ở thị trấn Chợ Mới –An Giang, cách cù lao ông Hổ chưa đầy 30km vậy mà hôm nay đến chốn này là lần đầu tiên. Phần vì đò giang cách trở, phần vì không có việc gì phải đến, vã lại cũng không quen biết ai ở nơi này…và sẽ không biết bao giờ mới có dịp đến nếu như nơi đây không trở thành khu du lịch với di tích đền thờ hoành tráng – Và cũng là nơi có thêm tên mới song hành : Cù lao Bác Tôn.
Dọc dài theo sông Tiền sông Hậu có hàng trăm cù lao lớn nhỏ với hàng trăm cái tên và dĩ nhiên những cái tên ấy không phải ai cũng hiểu rõ ngọn ngành gốc tích.
Rất nhiều đình miếu có thờ “Cọp” ở nam bộ và điển tích thì cũng na ná như nhau –Thờ nghĩa hổ.
Với những người đi khai phá sơn lâm, có gì bí ẩn và đáng sợ hơn chốn rừng thiêng nước độc ? Nó gợi lên hình ảnh buổi khai hoang mở đất của ông cha ta chống chọi với thiên nhiên rắn rít muỗi mòng và vô vàn thú dữ. Với thiên nhiên con người thật nhỏ bé và những gì gắn với tai họa hoặc đem lại lợi ích đều có thể trở thành thần thánh để thờ phụng. Điều này lý giải tại sao có đa thần giáo.
Ông Hổ nơi đây được thờ có “nội dung” khác. Là hổ mà biết cư xử như người – ân đền oán trả, minh họa câu thành ngữ: cứu vật vật trả ơn…loài vật còn có nghĩa như vậy thì làm người phải sống sao cho bằng hoặc tốt hơn…cũng là cách để răn dạy đạo lý cho con cháu
Theo người giữ miếu thờ ông Hổ kể lại thì cái tên cù lao này đã có cách đây gần bốn trăm năm. Có nghĩa là vào thời chúa Sải và cũng có nghĩa nơi này còn là đất Tầm Phong Long của Thủy Chân Lạp ( nơi đây được Nguyễn Cư Trinh tiếp nhận năm 1757 vậy đích thị là …Hổ Miên).
Trước khi bác Tôn sinh ra , chốn này còn rất hoang vu. Những cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình và thực dân Pháp diễn ra đó đây trên đất nước , nỗi nhục bị đô hộ tiềm ẩn trong mỗi người dân Việt và chàng trai Tôn Đức Thắng chắc cũng không ngoại lệ.
Hãy khoan nói tới chuyện Bác đình công ở xưởng Ba Son hay chuyện giương cờ ở biển Hắc Hải .Chỉ cái chuyện làm “cặp rằng” ở hầm xay lúa của ngục tù Côn Đảo sau khi đã trấn áp bọn đầu trâu mặt ngựa , lập lại trật tự, bênh vực kẻ yếu là đã thấy khoái rồi.
Bản chất anh hùng bao giờ cũng là bênh vực kẻ yếu chống lại cường quyền. Những cuộc khởi nghĩa từ xưa đến nay nếu không bắt đầu từ trí sĩ yêu nước thì cũng xuất thân từ người biết chiêu hiền đãi sĩ hoặc anh hùng hão hán kiểu “ kiến nghĩa bất vi vô dõng dã… “ trọng nghĩa khinh tài, bênh vực người cô thế, chống kẻ bất nhân, xem trọng chữ tín…Là hành động rất giống nhau của các anh hùng hão hán.
Vào thời ấy đất phương nam anh hùng nhiều lắm. Giang hồ có, kháng Pháp có, hay chỉ đơn thuần thấy chướng tai gai mắt thì xã thân chứ không nhất thiết theo một băng đảng nào.
Người xưa không lấy việc thành bại để luận anh hùng mà xét ở hành động, mục đích và phẩm chất. Thời đó, người ta xem việc làm tay sai cho thực dân là điều ô nhục nên đã là
anh hùng thì dĩ nhiên không ai làm việc cho Pháp.
Cũng giống như đề tài dễ gây tranh cải :“anh hùng tạo thời thế hay thời thế tạo anh hùng?” có khi…cả hai đều đúng tùy theo điều kiện thiên thời địa lợi nhân hòa. Thời thế khiến anh hùng có khi thành, khi bại , nhưng khí chất thì vĩnh viễn trường tồn. Việc làm của bác Tôn mang đậm chất anh hùng nam bộ.
Những tên đất tên người phương nam đa phần do …người từ xa mang đến. Hoặc là những tiền hiền đi khai hoang mở cỏi hay những tướng sĩ có công giữ gìn cương thổ …Người nào khi sống hy sinh lợi ích của bản thân, xã thân cho cộng đồng của mình ắt sẽ được mọi người trong cộng đồng ấy nhớ ơn. Tất cả đều được lưu danh và được phụng thờ ngưỡng vọng.
Có rất nhiều tên người gắn với tên đất tên sông ở khắp các địa phương nam bộ, tồn tại hàng trăm năm vì lẽ đó.
Thời gian đã và sẽ làm nhiệm vụ xóa nhòa những giá trị ảo nhưng cũng trả lại những chân giá trị cho dù đã bị dập vùi.
Có một điều tôi và mọi người đều biết rất rõ: bác Tôn là người sống thật giãn dị.
Người ta thường nói “ Một người làm quan cả họ được nhờ ”.Tôi thử hỏi chuyện cô gái hướng dẫn viên xem con cháu của nguyên chủ tịch nước có ai làm việc ở Trung ương hay chí ít là tỉnh ủy viên hay gì gì đó tương tự ? Cô ta cười lắc đầu nói :“ chỉ có một cô cháu chắt đang làm…bác sĩ ở thành phố” còn tất cả đều bình thường. Tôi định hỏi thêm “bình thường” là sao ? thì cô ta đã quay sang trả lời câu hỏi của người khác nên đành thôi. Rồi thì cũng hiểu ra rằng đền thờ bác lớn vì khi sống bác chỉ cần ở trong ngôi nhà nhỏ.
Chỉ một chuyện không tư lợi dù đứng đầu quốc gia đã đủ làm cho ta tâm phục khẩu phục.
Cuộc sống giãn dị không chút riêng tư của bác Tôn khiến ai đến nơi này cũng không khỏi ngậm ngùi suy tư so đo với hiện thực mà chạnh lòng.
Anh bạn cùng đi chung, đứng cạnh tôi lầm bầm pha trò :
- Bác có linh thiêng hãy về…vặn họng hết mấy thằng tham quan ô lại xa hoa lãng phí làm nghèo đất nước…-Tôi phì cười - Nếu bác linh thiêng thật, không biết có… “vặn’ nổi không, vì nếu thành” Thần” thì…sức cũng có hạn.
Báo đài ngày nào cũng đưa tin một bộ phận không nhỏ đảng viên tha hóa , mất phẩm chất đang làm băng hoại đất nước, làm mất niềm tin của nhân dân…
Chống lại “bộ phận không nhỏ đó” trong “chưởng” gọi là…bốn lạng chống nghìn cân.
Thầm ước trong nước có người đủ tư cách mang ´thượng phương bảo kiếm” trảm vài tên tham quan để làm gương trăm họ giống như bác Hồ đã từng “trảm” đại tá cục trưởng quân nhu Trần Dụ Châu , tịch thu ba phần tư tài sản sung vào công quỹ vì tội ăn chận ăn bớt tiêu chuẩn của anh em binh sĩ .
Hay cùng lắm “trảm” mấy thằng “nhỏ nhỏ” cũng được.
Vì ít ra giết gà cũng dọa được khỉ để trấn an lòng dân - Có còn hơn không.
Nhưng nghĩ lại cũng không ổn.
Một thế lực đủ mạnh để kiểm soát và chế ngự một thế lực đang là “một bộ phận không nhỏ” thì dù có đứng chung một ngọn cờ, đó cũng là “na ná “… đa nguyên.( mạnh được yếu thua – Hóa ra cũng lại là chuyện hên xui).
Trùng hợp làm sao, lần đầu tiên viếng thăm đền bác Tôn cũng là ngày huyện Tiên Lãng – Hải Phòng đang xét xử vụ án “hủy hoại tài sản công dân” của các quan lại địa phương ( ngày 10/4/2013 ). Hóa ra nhà nước đâu chấp nhận cường quyền ỷ thế hiếp người ?!. (*)
Anh bạn tôi phải chăng đang mơ ước hão huyền ? Sao không mơ những điều dễ thực hiện hơn như làm sao cho anh em miền núi đừng bị đói đến phải ăn củ mài để sống trong khi lúa gạo nước mình dư thừa. Làm sao cho con cái người nghèo vẫn được đi học ? Làm sao xây thêm vài chục bệnh viện và trường học trong khi hàng trăm ngàn ngôi nhà lầu đang bỏ hoang đóng băng. Làm sao không tiền vẫn được điều trị ở bệnh viện…làm sao….làm sao…chớ còn “vặn họng” thì…đừng hòng. Hay là bắt chước tổng thống Nga cấm quan chức mở tài khoản ở nước ngoài ? Nước mắt những ngưới khốn khổ có khi làm bọn tham quan vì “ tình thương mến thương” mà…nương tay chút ít chăng ?
sự phân hóa giàu nghèo quá lớn, sự hưởng thụ của “ bộ phận không nhỏ” như nhổ thẳng vào những tấm bằng liệt sĩ, những cán bộ lão thành, những người mẹ, người vợ đã hy sinh trong cuộc đấu tranh giành lấy sự bình đẳng cho những người cùng khổ…Cứ nhìn vào cung cách xa hoa của họ mà xem họ đã sống như thế nào ? Xin để lại cho các nhà “vĩ mô” nhìn, nghe… và thấu hiểu.
Khoảng cách quá lớn chính là mầm mống của mọi tai họa.
Chưa bao giờ con người lại vô cảm như lúc này. Kiểu “ sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi” đi đâu cũng gặp , những xấu xa diễn ra hàng ngày như là sự hiển nhiên đã được chấp nhận bằng sự thờ ơ cam chịu. Cái ác và sự trâng tráo đang có mặt khắp nơi . “Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã…”ngày càng hiếm hoi.
Ước gì họ để dân “phê” chớ cái kiểu “tự phê” như mấy chục năm qua vẫn làm thì khó mà loại được sâu mọt.
Nhìn những người trong đoàn vái lạy trước tượng đài bác Tôn, tôi chợt “ngộ” ra rằng : có khi anh đang khấu đầu trước một người thì cũng là lúc anh đang quay lưng lại với nhiều người khác.
Hòa cùng đoàn người, tôi nghiêng mình trước Bác Tôn - Một nhân cách lớn.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
*/-Sau lần xử vụ án "hủy hoại tài sản" gây bức rức dư luận ở Tiên Lãng, tòa bèn xử lại và cho "treo" tất cả. Riêng các nạn nhân thì... (Cười trừ).
...
HĐXX cũng bác bỏ toàn bộ kháng cáo của bị hại. Cụ thể, HĐXX đánh giá không có căn cứ truy tố thêm các bị cáo về tội danh cướp tài sản, không chấp nhận kháng cáo đề nghị hủy bỏ bản án sơ thẩm.
Về nội dung kháng cáo đề nghị làm rõ động cơ của điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán xét xử phiên tòa sơ thẩm, HĐXX nhận thấy những yêu cầu của bị hại và ý kiến của luật sư đưa ra là suy diễn, thiếu căn cứ và không thuộc thẩm quyền của HĐXX phúc thẩm.
(trích báo Tuổi Trẻ).
Tượng đá cũng buồn.