• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Thương một người, hạnh phúc vô thường

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Thương một người, hạnh phúc vô thường



    Khanh đến California chuyến bay đêm của Southwest Airlines. Chiếc phi cơ lượn vòng ra biển trước khi hạ dần về hướng phi trường John Wayne. Tháng Giêng vẫn còn của mùa đông, buổi tối trời đen mịt, nhưng thành phố biển bên dưới về đêm rực rở những ánh đèn màu sắc, lấp lánh như những hạt ngọc muôn màu. Khanh nhìn qua khung cửa nhỏ. Nàng thấy có những con tàu đang lửng thửng ngoài khơi, vùng biển lớn. Nàng mím môi, nuốt trong lòng một chút đớn đau vừa nhói dậy trong tim. Biển lớn, và những con tàu chơi vơi ngoài biển cả, vừa khơi dậy trong Khanh những hình ảnh của một ký ức, một thời đã qua lâu lắm rồi.
    Nhưng tiếng của người phi công trưởng vang lên trong máy loa, báo tin phi cơ đang hạ cánh, và lời cám ơn hành khách chúc lành một chuyến đi hay chuyến về. Với Khanh, đây là chuyến đi mà cũng là chuyến về. Nàng đến quận Cam của California này từ nơi chốn đang ở Houston của Texas. Thành phố bên dưới không phải là nơi chốn lạ, Khanh đã nhiều lần đến nhiều lần đi. Nơi chốn này, như là một quê nhà thứ hai vì Khanh đã có những kỹ niệm, những ngày rất đẹp rất hạnh phúc của một đời đã qua.


    Nhưng lần này, Khanh trở lại quận Cam, để thăm một người bạn, tham dự đám cưới đứa con gái của bạn mình. Người bạn của một thời còn là học trò áo trắng Gia Long những ngày trước biến cố 30 tháng 04 năm 1975. Người bạn từ thưở mới bước vào trung học, cho đến ngày chạy nạn cộng sản, qua Mỹ gặp nhau ở trại tỵ nạn Pendleton, đến hôm nay ở tuổi ngoài 40, vẫn còn là người bạn thân nhất thương nhất. Khanh trở lại nơi này, lần này cũng đã lâu rồi kể từ lần cuối đã hai mươi năm về trước. Khanh trở lại nơi đây, hình như để cố tình tìm lại những điều hạnh phúc đã có mà bao nhiêu năm đời sống đã chôn vùi nó trong ký ức.
    Bước ra khỏi phi cơ, đồng hồ đúng 10 giờ khuya. Đêm nay thứ Sáu. Nàng bước xuống khu hành lý, dõi mắt vào đám đông đang đứng đón người bên dưới. Khanh, Khanh. Có tiếng gọi quen thuộc. Trang kìa. Nàng nhìn bạn mừng rở. Trang mở vòng tay ôm người bạn cũ reo vui tiếng gọi của một tình thân thắm thiết lắm. Hai người ôm choàng nhau. Trang, người bạn học của hơn 30 năm về trước, vẫn chẳng khác bao nhiêu so với lần cuối hai người gặp nhau. Khanh nghĩ thế, con nhỏ này sao cứ còn trẻ mãi. Trang cũng bật kêu:
    - Chà, trông mày cũng vẫn còn "mi-nhon" quá chứ... sao hay vậy?
    Khanh cười:
    - Thì mày cũng hơn tao, sao trông trẻ vậy....
    Rồi Khanh nói tiếp:
    - Mày vẫn còn đẹp lắm Trang ạ... không phải đẹp lão đâu, cứ như thiếu nữ thời nào....
    Trang cười đón nhận lời khen của bạn, không chút khách sáo:
    - Nhưng không còn ai mê nỗi nữa, chồng còn muốn chán muốn bỏ đi đấy...
    Trang nhìn Khanh:
    - Mày cũng vậy đó Khanh, còn mướt lắm nghe... tao nói thật, không phải tán tụng nhau đâu....
    Khanh nắm tay bạn đi vào khu vực lấy hành lý:
    - Cũng hơn 20 năm mới gặp lại mày... thấm thoát mà đã gần 40 năm bạn bè rồi hả Trang,....
    Khanh ngừng lại. Nàng vừa tự nhắc lại thời gian của một kỹ niệm, mà đối với Khanh là những ngày hạnh phúc nhất. Những ngày của hơn hai mươi năm về trước, khi Khanh lần đầu từ Houston bay sang vùng Nam Cali này. Những ngày của một quãng thời gian rất dài, gần mười năm kéo dài một cuộc tình với một người ở nơi đây. Ngày đó, tình yêu với Thi.


    Lên xe, Trang lái mà miệng huyên thuyên không dứt. Nàng thương Khanh lắm, đứa bạn từ thuở nhỏ mãi đến hôm nay. Ở nước Mỹ này, tính đến nay đã hơn 30 năm, nhưng đời sống ở đây sao vẫn khô héo tình cảm con người quá. Trang có đông bạn bè mới, nhưng vẫn không có được một người bạn mà chung nhiều kỹ niệm, thâm tình đáy sâu trong tim như với Khanh. Hai người năm nay tuổi đã ngoài 40 chứ nhỏ đâu. Tuy chưa ai có cháu ngoại cháu nội, nhưng con cái cũng đã lớn. Ngày mai là đám cưới con gái lớn của Trang. Nàng mời Khanh về tham dự. Nhất định phải sang đây dự đám cưới con gái tao cho được đó nghe Khanh. Trang đã nói thế. Ngày mai cũng là cơ hội cho nhiều bạn bè cùng lớp cùng trường ngày xưa hội ngộ nhau. Trang vui lắm. Hai người nói chuyện quên miết đường đi, nhắc nhau nghe về những kỹ niệm của ngôi trường, nơi con đường Bà Huyện Thanh Quan, nơi có những ly đậu đỏ nhưng cuốn bò bía thu hút học trò áo trắng. Không phải chỉ có con gái nữ sinh Gia Long nơi đó, mà thuở đó còn đầy ắp nhiều chàng sinh viên học sinh từ các trường, đến đó đón người yêu hay cố tình tìm một bạn gái làm quen.
    Thưở đó, làm con gái học sinh trường Gia Long có những kiêu hãnh dễ thương. Những ngày đó, từ lớp học đến bên ngoài sân trường, vẫn còn đong đầy quá trong tâm tưởng, mà hôm nay ở tuổi này vẫn còn vương vấn chút mộng mơ về ngày cũ. Làm sao có được những ngày đẹp như thế ở nước Mỹ này, thời học sinh ở Mỹ hay làm sinh viên đại học ở Houston, ở Irvine, cả Trang hay Khanh đều không thể có được những kỹ niệm trong trắng tình cảm nhưng ngập tràn màu tím cuộc đời như cái thời làm con gái Gia Long.
    Trang tách xe khỏi xa lộ 405, hướng vào khu vực Little Sài Gòn. Nàng đưa Khanh xuống phố Bolsa ăn khuya. Khu phố người Việt đang đón Tết, con đường chính Bolsa có chợ hoa, vui lắm. Trang nói như thế với bạn. Nhưng mình đi tìm cái gì ăn đã, nghe Khanh. Khanh đồng ý với Trang. Chỉ có Bolsa, chỉ có khu vực Little Sài Gòn này mới có nhiều quán ăn về khuya, mở cửa thật trễ như thế. Ngay cả Houston cũng không có. Khanh nói như vậy với Trang.
    Khanh vẫn còn nhớ những đường phố trong khu vực thương mại của người Việt Cali. Những đường phố mà Thi đã nhiều lần đưa nàng đến cho những buổi ăn trưa, ăn tối ở những lần Khanh đã đến Cali với chàng trước đây.
    Trong quán ăn, Trang bất ngờ hỏi Khanh:
    - Mày vẫn còn nhớ Thi?
    Khanh cúi mặt, lắc đầu nhẹ, nói dối một điều trong lòng:
    - Không, tình cảm đó đã chết từ lâu rồi...
    Trang cười, cảm thông với đôi mắt vừa thoáng buồn của bạn mình:
    - Đừng dối lòng với tao, tao vẫn biết mày còn thương Thi lắm...
    Rồi nàng tiếp:
    - Cũng không trách mày, mày đã có một mối tình đẹp quá. Thi đã cho mày một tình yêu rất đẹp. Làm phụ nữ như tụi mình, không thể nào giết chết được những kỹ niệm đó bằng thời gian....
    Khanh im lặng. Dòng thời gian quay ngược về một quá khư, từ một lối xưa....


    .................................................. .................................................. .....................
    Đó là một ngày trước khi mùa xuân năm 1975 bắt đầu.
    Tường Khanh bước xuống xe buýt, đi chậm về lối cổng phi trường Tân Sơn Nhất. Đây là khu cư xá cho các gia đình người lính Không Quân. Bố nàng đã là một sĩ quan phi công còn rất trẻ, nhưng chưa đến 30 đã anh dũng hy sinh đền nợ nước trong một chuyến bay đêm phi vụ phạt Bắc hồi thập niên 60. Lúc đó Khanh còn nhỏ lắm, còn được Mẹ bồng tay. Ngày tang của Bố, nàng có hiểu biết gì đâu. Chỉ nhớ lúc đó Mẹ khóc ngất như một người điên. Vầng khăn tang trắng trên đầu, Mẹ đã ôm ảnh Bố gào thét trong nước mắt, Khanh ôm Mẹ sợ hãi. Người ta không tìm được xác Bố thời đó, vì phi cơ rơi trên đất Bắc. Điều đó đã làm Mẹ và Khanh vẫn nuôi một hy vọng Bố còn sống nơi nào trên đất Bắc. Nhưng mãi đến ngày Mẹ lâm bệnh ra đi trên đất Mỹ này, vẫn chưa có tin ai nói rằng Bố còn sống. Bố đã mất và mất xác trong cuộc chiến Nam Bắc thời đó. Mẹ vẫn ở vậy nuôi Khanh đến ngày khôn lớn, không hề tái giá hay có mối tình nào khác hơn. Bà chung thủy với Bố Khanh như thế đó, mẫu mực của một người phụ nữ Việt Nam thời chinh chiến. Đến ngày rời quê hương, trên một chuyến bay đêm từ phi trường Tân Sơn Nhất ra đến hải đảo Côn Sơn trước ngày 30 tháng 04 năm 1975, thì Mẹ vẫn mang theo hình của Bố từ trên bàn thờ còn phủ tấm kỳ vàng ba sọc đỏ, mang hình Bố nàng theo sang đến nước Mỹ.
    Gia đình Khanh dù Bố đã mất, nhưng vẫn sống trong một ngôi nhà khu cư xá sĩ quan không quân, bên trong phi trường Tân Sơn Nhất những năm trước 1975. Sau này thời Tết năm Mậu Thân, ở trong khu phi trường mà vẫn có những cảm giác chiến tranh khi súng nổ và đạn pháo vào bên trong khu vực. Rồi bên cạnh nhà hàng xóm có đám tang của ông đại tá bạn cùng khóa sĩ quan với Bố nàng ngày xưa, vừa tử trận trong cuộc chiến ngày Tết Mậu Thân, sau này thì Khanh biết ông hàng xóm tên Lưu Kim Cương rất nổi danh, cái chết của ông đã được một nhạc sĩ họ Trịnh viết thành bài hát. Ông là bạn cùng khóa với Bố nàng khi nhập ngũ nên hai mẹ con Khanh đã dự đám tang. Chứng kiến tang lễ, Khanh mới thấm thía sự mất mác của một người chồng người cha trong gia đình. Đám tang những người lính tuy buồn bả đớn đau, nhưng sự ra đi của những người vừa nằm xuống này thật oai hùng. Khanh mới nhận thức Bố nàng cũng đã một thời oai hùng trước khi nằm xuống cho lá cờ quê hương.
    Tuy chỉ có hai mẹ con, nhưng nàng sống chung ngôi nhà trong gia đình có cậu cũng là lính không quân, có những người dì, có đứa em họ còn bé lắm. Khanh vào trung học trường Gia Long, mỗi buổi trưa đi học trên chuyến xe buýt từ Lăng Cha Cả đổ về Bà Huyện Thanh Quan rồi buổi chiều chuyến xe ngược lại. Xuống bến xe Lăng Cha Cả, nàng đi bộ vào bên trong cổng phi trường, rồi lên xe lam về đến trước cửa nhà.
    Bất ngờ, một buổi chiều khi vừa băng qua đường vào cổng sân bay, thì có một thanh niên áo trắng quần xanh học sinh, chắc tuổi lớn hơn Khanh chừng vài lớp, bước theo chân nàng, hỏi vội:
    - Cô ơi, có phải cô là Tường Khanh con cô giáo Bổng??
    Trời ơi, lúc đó Khanh quíu cả đôi chân, run người lên. Lần đầu tiên có người con trai đến hỏi chuyện mình giữa đám đông người. Khanh run lên chỉ biết gật đầu rồi cố bước thật nhanh. Người thanh niên đó cứ bước theo, cứ nói chuyện tỏ lời làm quen. Khanh chỉ bối rối, dạ dạ, không dám và không biết nói gì hơn trước những câu nói của người con trai đó. Khanh vào bên trong cổng phi trường, người đó cũng bước vào theo, khi người lính quân cảnh hỏi giấy ra vào, thì Khanh mới biết anh chàng này cũng cư ngụ bên trong khu cư xá Tân Sơn Nhất.
    Khanh bước lên xe lam, người con trai cũng bước lên xe lam. Hắn nói, hồi nhỏ năm lớp ba, hắn là học trò của Mẹ Khanh. Khanh lắng nghe, mắc cở với những người trên chuyến xe, bối rối im lặng suốt buổi, nhưng không tỏ thái độ nào bất bình với người con trai. Khi bước xuống xe, nàng đã nhìn người con trai. Hắn dễ thương đó.
    Rồi họ đã quen nhau. Thi là tên chàng trai trẻ. Tuổi hơn Khanh vài năm thôi. Có nhiều buổi chiều, Thi lên đến tận cổng trường Gia Long đứng giữa một bày con gái áo dài trắng, đợi tìm Khanh. Khi nàng bước ra, thấy Thi thì vội vàng lẫn tránh, mắc cở với bạn bè quá. Nàng lên xe buýt, chàng bước lên theo. Khanh kéo cô bạn cùng trường cùng chuyến xe ngồi sát bên cạnh, sợ chàng trai trẻ này đến ngồi kế bên thì chết. Chàng chỉ theo nàng như thế, từng buổi chiều và từng buổi chiều từ trường Gia Long về đến nhà, trên những chuyến xe buýt chiều, rồi đi bộ bên nàng vào bên trong khu cư xá. Rồi nàng đã nói chuyện với chàng, họ đã thành một đôi bạn nếu chưa phải là một tình cảm nào đậm hơn lúc đó.
    Thi thích viết văn, làm thơ. Chàng khoe chàng hay viết truyện ngắn trên báo Chính Luận thời đó, trang Mai Bê Bi. Một ngày, Thi đưa cho Khanh xem tờ báo, trong đó có truyện ngắn chàng viết. Trời ơi, chàng viết tên Khanh, viết về câu chuyện làm quen ban đầu của hai đứa. Khanh mắc cở quá đi, bạn bè trong lớp hay đọc trang báo này lắm, chúng xem thì chết Khanh mất. Rồi gần đến ngày Tết năm 1975, Thi lên xe lam, cầm tay đưa Khanh một cuốn báo. Báo Xuân của trường anh đó. Gửi Khanh nghe. Có chữ ký chàng ở trang đầu. Khanh thấy tên Thi là người trưởng ban báo chí thực hiện tờ giai phẩm xuân của trường chàng. Ngôi trường của Thi ở gần sân bay Tân Sơn Nhất này. Nhiều người trong khu cư xá nàng là học sinh của trường này. Khanh cũng vui vui khi cầm tờ báo, có một truyện ngắn chàng trai trẻ này viết, dám đề những chử ...Viết Cho Tường Khanh... ngay trên bài viết. Nàng mắc cở, mĩm cười thầm, hơi cải lương đó nhưng dễ thương học trò ở lứa tuổi của nàng thời đó.
    Thi làm cho nàng một tâp thơ giấy ca rô viết mức tím những bài thơ chàng sáng tác. Có những chiếc lá ép vào từng trang. Chàng làm thơ tình dễ thương quá, cho dù Khanh không hiểu nhiều về những chử nghĩa giòng thơ hơi khó hiểu của Thi. Khanh thời đó, tuổi vẫn còn nhỏ, nhưng đã là tuổi con gái dậy thì, bắt đầu lớn, nên tình cảm có chút nẩy mầm trong lòng khi nghĩ đến Thi. Nàng thấy vui mỗi khi gặp Thi, không còn nhiều mắc cở nữa, nói chuyện với chàng thấy lòng như trong ngày hội hoa đăng. Khanh không dấu Mẹ về Thi. Mẹ cho phép Thi đến nhà thăm, hai đứa nói chuyện trong nhà. Khanh cũng đã đến nhà Thi. Nhà chàng cách nhà nàng không xa, cách nhau vài phút xe đạp. Có những buổi chiều cuối tuần, hai đứa đạp xe song song thả dài những con đường khu phi trường, nói chuyện với nhau. Khanh có đạo Công Giáo, nhưng Thi thì không đạo. Vậy chứ mỗi chiều thứ Bảy hay sáng Chúa Nhật, chàng theo nàng đến trước cửa nhà thờ. Nàng quỳ gối bên trong đọc kinh, chàng đứng trước cửa kính cẩn nhưng dõi mắt theo nàng.


    Những ngày đó, hai đứa vẫn vui vẻ trong tình bạn, chưa có lời nói tỏ tình một tình yêu. Khanh chỉ biết nàng đã rất mến Thi, và chàng thì rất luôn săn đón nàng. Thỉnh thoảng có món quà nhỏ, Thi gửi nàng. Đơn giản học trò thôi. Mỗi lần nhận quà của Thi, nàng cảm thấy lòng có nhiều xao xuyến.
    Ngày gần cuối tháng 04 năm 1975, một buổi sáng có ông Tướng Không Quân là bạn thân cùng khóa đơn vị với Bố Khanh thời còn sống, đến nhà nói với Mẹ Khanh. Chị với cháu và cả nhà chuẩn bị, tôi đã ký giấy lệnh cho cả nhà tối nay lên máy bay, phải đi ngay, không còn thời gian nữa. Tối nay 8 giờ tôi cho lính đến đưa cả nhà qua sân bay. Đêm đó, Khanh và cả nhà lên chuyến phi cơ C-130 rời khỏi Việt Nam, cùng với nhiều người đều là gia đình của những sĩ quan không quân. Khanh hỏi Mẹ, mình đi đâu hở Mẹ. Mẹ nói mình chắc sẽ đi Mỹ, ra khỏi nước trước, mai mốt cộng sản vào đến thành phố rồi. Khanh chới với, tự nhiên nghĩ mình sẽ xa Thi bất ngờ thế này. Nàng hồn nhiên không nghĩ đến chuyện chiến tranh sắp kéo vào đến thành phố này, không nghĩ đến vận nước ngày mai sẽ ra sao, không nghĩ đến chuyện xa quê hương là đau đớn vào xương thịt. Nàng chỉ đơn giản nghĩ đến Thi có biết nàng đang ra đi hay không, hay nàng sẽ có bao giờ gặp lại Thi chăng. Trên chuyến bay, Khanh chỉ miên man nghĩ đến người bạn trai của nàng.
    Chuyến phi cơ của quân đội đưa mọi người ra đến đảo Côn Sơn. Khi mọi người đứng dậy để bước ra cửa, thì Khanh rú lên. Thi ơi. Nàng gọi tên chàng. Thi kìa Mẹ ơi. Khanh mừng quá. Thì ra chàng cũng được đi, gia đình chàng cũng trên chuyến bay này. Chàng từ trong góc vẫy tay, nét mặt vui mừng không kém. Rồi đêm đó, hai đứa nắm tay nhau ra biển. Biển vỗ sóng lớn. Lần đầu Khanh được ngồi riêng bên người bạn trai, ở biển, trong lòng đêm. Thi nói với Khanh rằng chàng cũng đã tưởng phải xa Khanh rồi khi Ba chàng về đón cả nhà ra sân bay. Chàng đã buồn lắm trên chuyến bay, cứ ước gì được ở lại, chàng sẽ đi tìm nàng....
    Lần đó, trong bóng đêm của biển ở hải đảo Côn Sơn, Thi đã bạo dạn nắm tay nàng. Khanh đã để yên bàn tay mình trong bàn tay chàng, lòng thấy xao xuyến nhiều hơn...


    .................................................. .................................................. ....................
    Tiếng nói của Trang đánh bật Khanh về hiện tại:
    - Buồn ngủ à? Giờ này cũng 1 giờ sáng bên Houston mày....
    Khanh lắc đầu:
    - Không, có mệt chút từ chuyến bay, nhưng không ngủ.
    Khanh hỏi Trang:
    - Mày có gặp Thi sau này không?
    Trang gật đầu:
    - Thỉnh thoảng, ở những lần đi xem văn nghệ hay tình cờ dưới phố Bolsa, nhưng cũng gần hai năm nay chưa gặp anh chàng. Nhưng thấy tên anh chàng trên báo hoài... hoạt động nhiều quá, lại viết báo viết bài nữa.
    Trang quay sang hỏi lại Khanh:
    - Mày có liên lạc với Thi?
    Khanh lắc đầu, giọng nghe thoáng buồn:
    - Không, đã hai mươi năm nay rồi... tao đã từng nói với mày mà... à, không đúng... tao có gặp Thi hồi đám tang của Mẹ tao...
    Trang gật đầu:
    - Có, Hoài có kể tao nghe, anh chàng nghe tin tang Mẹ Khanh, nên vội vả lấy vé bay chuyến đêm "red eye" về Houston, kịp buổi sáng đến dự lễ tang ở nhà thờ...
    Khanh nói giọng xúc động nhiều:
    - Ừ, lần đó tao đang tang gia bối rối, càng bối rối hơn khi thấy Thi... nhưng không có nói với nhau câu nào... anh lại nói chia buồn với tao, có theo ra tận nghĩa trang rồi đi... tao tránh không nói chuyện với Thi lần đó....nhưng Thi đến, đã làm tao xúc động nhiều. Bây giờ, nhiều lúc có xem lại video đám tang, thấy chàng đó....
    Trang hỏi sang điều khác:
    - Còn ông Cường lúc này thì sao?
    Khanh buồn buồn:
    - Đừng nói đến ông ấy những ngày tao ở đây với mày. Tao muốn có niềm vui trọn vài ngày ở đây.
    Trang im lặng. Nàng hiểu chuyện. Cường là chồng của Khanh. Cuộc hôn nhân mà Khanh không bao giờ có hạnh phúc. Nàng chưa một lần nói với bạn rằng đó là một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Chỉ có một lần qua điện thoại, Khanh đã bật thốt với Trang rằng cuộc hôn nhân của tao đã sai lầm, một quyết định vô cùng sai lầm, nhưng muộn rồi Trang ơi. Đành chấp nhận thế thôi.
    Đành chấp nhận thế thôi, bởi vì Khanh đã có hai đứa con với Cường. Nàng không thể là một người vợ có hạnh phúc hôn nhân, nhưng Khanh nhất định phải cho con nàng cuộc sống gia đình không có chia tay giữa bố mẹ. Tình yêu Khanh đã dành cho Thi, tất cả. Suốt đời này vẫn một tình yêu cho chàng. Nhưng Khanh sẽ là một người mẹ tốt của các con, nàng sẽ không chia tay với Cường để các con nàng phải thiếu cha hay thiếu mẹ. Chúng còn nhỏ. Cuộc sống hôn nhân đối với Khanh là những ngày trái tim không còn cảm giác. Những ái ân bên chồng cũng lạt lẽo như một lời thơ nào đó nàng đã đọc. Chồng nàng cũng vậy, kéo dài cuộc sống như để trả nợ một kiếp người. Họ đồng ý cùng nhau tiếp tục đời chồng vợ đến ngày các con học xong đại học.
    Tiếng của Trang ngần ngừ với Khanh:
    - Khanh nè, tao phải nói một điều mà lẽ ra tao định dấu mày cho đến tối mai đám cưới....
    - Chuyện gì hả Trang?
    - Tiệc cưới ngày mai, tao có mời Thi đó.
    Khanh chới với. Nàng không định sang Cali chuyến này để gặp lại Thi. Suốt gần 20 năm nàng đã trốn chạy chàng, né tránh những cơ hội để gặp chàng, dù Thi đã bỏ công tìm kiếm nàng. Thi đã đến Houston, đã tìm đến nhiều nơi hy vọng tìm thấy nàng, nhưng Khanh đã né tránh. Có những lần bạn bè nói lại với Khanh, họ nghe lời chúc sinh nhật trên đài phát thanh những lần dịp sinh nhật của Khanh, từ một người tên Thi ở California. Khanh đã xúc động, nhưng nàng vẫn cố tình biền biệt. Lần này sang Cali, Khanh không nghĩ Trang sẽ mời Thi, vì cũng đã lâu không liên lạc nhau, không biết số điện thoại hay địa chỉ gì cả, Trang đã nói thế với nàng. Ngay cả lần nhận thiệp và xác nhận với bạn, rằng nàng sẽ sang Cali tham dự, thì Trang vẫn nói là nàng đã không có mời Thi dịp này.
    - Mày làm tao ngạc nhiên, muốn điên.... giờ làm sao đây? mày biết, tao không không muốn gặp Thi nữa mà...
    - Khanh nè, là tao cố ý sắp đặt đó... tao đọc những bài viết của Thi, viết cho mày, hắn thương mày nhiều quá, tội hắn quá.
    - Ở tuổi này, còn yêu nỗi sao Trang?
    - Có những mối tình suốt đời vẫn không phai, suốt đời người vẫn còn yêu người, đó là mối tình của Thi với mày đó.
    Khanh ngạc nhiên:
    - Mày nghĩ thế à?
    Trang nhìn bạn:
    - Thi đã nói chuyện với tao một lần rất lâu, rất nhiều về mày. Anh chàng còn thương mày như mấy chục năm về trước. Thi nói anh ao ước chỉ cần gặp lại Khanh dù chỉ một lần cuối nữa thôi... Bởi vậy.... thôi... cho Thi gặp mày một lần nữa đi.
    Khanh im lặng. Nàng thực sự cũng không thể dối lòng rằng chính nàng tuy né tránh nhưng vẫn mong đợi có một lần tình cờ gặp lại Thi. Chỉ là tình cờ thôi. Khanh không muốn Thi hay nàng sẽ chủ động tìm nhau rồi gặp nhau. Tình cờ sẽ là một điều hay. Tình cờ sẽ thỏa niềm mong nhớ mà không gây cho nàng mặc cảm tội lỗi với chồng với con.
    Bây giờ nghe Trang nói, thì lòng Khanh tự nhiên hồi hộp bất thường. Tự nhiên Khanh muốn vội vả xem lại nhan sắc mình đêm nay. Nàng cảm thấy mất tự tin về nhan sắc của mình, dù rất nhiều người, kể cả Cường đã vẫn phải khen sao Khanh cứ trông trẻ mãi không bị tàn phai nhan sắc vì thời gian như những phụ nữ đồng lứa tuổi. Người con gái Thi đã yêu ngày xưa giờ đã thành một người đàn bà có tuổi, và là tuổi già. Nhan sắc dù có chống giữ cách nào cũng không thể đối chọi nổi với thời gian. Liệu chàng sẽ nghĩ gì khi nhìn thấy Khanh ngày mai?
    - Trời ơi Trang, mày sẽ làm tao mất ngủ đêm nay.... không chừng ngày mai sáng sớm tao bay về Houston đó.
    Trang la lên:
    - Con khỉ, làm gì phải sợ thế....


    .................................................. .................................................. ....................
    Khanh đã không sợ. Nàng chuẩn bị gặp Thi. Họ đã gặp nhau trong tiệc cưới. Trang cố tình sắp xếp cho Thi ngồi chung bàn, cạnh nàng. Khanh ít nói. Thi cũng ít nói. Nhưng đôi mắt Thi cứ tha thiết nhìn nàng. Chàng đã gắp cho nàng từng món thức ăn. Chàng đã ân cần thăm hỏi như một người thân quen lâu ngày gặp lại, tuyệt đối ý tứ không nói điều gì khiến Khanh phải bối rối. Khanh sợ Thi nói điều nàng sợ nghe. Những người trong bàn đều là những bạn học đồng lớp Gia Long xưa củ. Chúng không biết nhiều về Thi, không biết về mối tình đầu của Khanh. Họ cứ huyên thuyên với nhau chuyện hôm qua, chuyện hôm nay. Bạn bè gặp nhau mừng vui lắm, nhưng lòng Khanh thì ngỗn ngang bởi sự hiện diện của Thi.
    Trong lúc khiêu vũ, Thi mời Khanh bước ra. Một điệu chậm, vòng tay chàng nhẹ nhàng dìu nàng từng bước chậm. Khanh xốn xang trong lòng. Tự nhiên, Khanh bật khóc trong vòng tay chàng. Khanh vội vàng nói với Thi. Xin lỗi anh, Khanh phải phải vào phòng vệ sinh chút. Nàng bước vội, cúi xuống. Nhưng Thi đã nhìn thấy những giọt nước mắt trong đôi mắt Khanh.
    Bao nhiêu năm đã rất lâu rồi, ngoại trừ một lần trông thấy nhau ở ngày tang của mẹ Khanh, thì hôm nay chàng mới gặp lại nàng, tay trong tay. Khanh vẫn nét đẹp ngày xưa. Vẫn dáng dấp thanh cao, khuôn mặt đẹp, đôi mắt đẹp, nụ cười đẹp. Ngày xưa, rất nhiều người nói rằng Khanh có dáng nét rất giống một nữ tài tử đài loan tên Lưu Tuyết Hoa thời đó. Thi cũng đồng ý như thế. Bây giờ, ở tuổi này, tóc Thi đã bạc rồi, nhưng Khanh như vẫn không khác thời trẻ bao nhiêu. Nếu chưa biết, có lẽ sẽ đoán lầm Khanh ở tuổi chừng ngoài ba mươi thôi. Trong bàn tiệc, khi bạn bè hỏi sao mày hay thế còn trẻ thế, Khanh đã nói với bạn bè rằng nàng chịu khó thể dục mỗi ngày, bơi lội mỗi ngày, mà cũng điệu đàng đi đến các spa săn sóc da mỗi tuần thường xuyên.
    Rời buổi tiệc, Khanh đã bằng lòng cho phép Thi lái xe đưa nàng về nhà. Vì Trang còn bận rộn với gia đình, với các con cho đến phút cuối của tiệc cưới. Trang nhờ Thi đưa Khanh về trước. Nhưng Thi lái xe đưa nàng lên một nhà hàng ở đỉnh đồi thành phố Orange. Nhà hàng này, Orange Hills, đã từng có những kỹ niệm giữa chàng và nàng mấy mươi năm trước, khi những lần Khanh bay sang Cali với chàng. Ngồi một chổ có lửa hồng, trên cao nhìn xuống cả vùng quận Cam này. Đẹp lắm. Khanh vẫn thích ngồi ở đây nhiều lần uống nước với Thi. Hay khi xưa chàng vẫn thường đưa nàng ra biển Laguna, biển La Jolla, ngồi bên nhau trên cát nhắc nhau nhớ những ngày đi trên cùng chuyến tàu biển từ Côn Sơn đến vịnh Subic Phi Luật Tân. Lúc trên biển, khi mọi người lớn còn đang lo lắng về tương lai sắp tới, thì hai đứa vui vẻ bên nhau cho một hạnh phúc cảm giác vừa biết yêu lần đầu. Thi đã chỉ xuống biển, rồi đã đọc cho nàng nghe một bài thơ nào đó về biển mà chàng thuộc. Bài thơ có những chử yêu nhau, mà Thi lại nói là anh thích bài thơ này cho Khanh.
    Đêm nay, cả hai ngồi bên nhau. Khanh co chân trên lò sưởi, trong ánh lửa hồng Thi nhìn thấy Khanh xinh đẹp như ngày nào thời gian cũ. Chàng thấy hình ảnh nàng ngày xưa như rỏ ràng lắm hôm nay. Họ lại nói về kỹ niệm, không nói về hôm nay. Hình như không điều kiện với nhau, mà cả hai ngầm hiểu đồng ý đừng nói chuyện hôm nay. Khanh không muốn Thi hỏi về cuộc đời nàng hôm nay với chồng con thế nào. Thi cũng chỉ muốn nói về ngày xưa, để tìm lại một mối tình đẹp, tình ban đầu của chàng.
    Khanh đã thấy mình tự nhiên vui vẻ một cách hồn nhiên bên cạnh Thi. Nàng cười đùa trò chuyện về những kỹ niệm hai người. Những ngày còn ở quê nhà, còn ở chung khu cư xá Tân Sơn Nhất. Những ngày trên cùng chuyến tàu rời quê hương, rồi lạc nhau giữa giòng người tỵ nạn xứ người. Những ngày tình cờ hai đứa gặp lại nhau khi cùng đến một nơi ở trại tỵ nạn Pendleton. Nhưng ngày Khanh đã sang Cali thăm chàng. Những ngày Thi đã sang Houston thăm nàng. Những chuyến đi chơi với nhau ở Vegas, ở San Francisco, ở San Diego. Những ngày yêu thương nồng nàn trong vòng tay quấn lấy da thịt nóng bỏng. Những ái ân đời con gái mà Khanh đã dành cho Thi lần đầu, tất cả.


    Tình yêu đã đẹp quá, vậy mà đã mất đi. Không ai hiểu. Cả hai vẫn không hiểu tại sao họ đã mất nhau. Những nông nổi thời tuổi trẻ nóng tính, hờn giận ghen tuông. Những ngạo mạn đàn ông hay những cao kỳ con gái, mà họ đã thách thức nhau, rồi mất nhau nhiều năm. Cả hai nhất định không ai tìm nhau để có lời phân trần giải thích hay lời xin lỗi cho nhau. Họ đã có lần quá ngu dại khi yêu nhau.
    Đến một ngày Khanh thản nhiên nhận lời cầu hôn của một người đàn ông khác đã quen biết từ những ngày ở giãng đường đại học Houston, là Cường. Ngày cưới, Khanh cố tình tìm thông báo cho Thi biết, em đã lấy chồng vì em đã ghét anh. Còn Thi đớn đau đem trái tim mình rướm máu trên những vần thơ đăng báo. Rồi chàng bỏ đi xa, bỏ Cali, bỏ hết bạn bè đến một nơi không có một người quen. Sống ở đó mười năm, thành phố rét buốt tuyết lạnh mùa đông, nóng oi ải những ngày hè. Một ngày Thi trở về Cali, tự nhiên chàng đã muốn tìm lại Khanh. Chàng đã đi tìm, nàng đã cứ trốn tránh.
    Còn Khanh suốt một đời, nhiều năm dù đã có con, mới biết cuộc hôn nhân đó là một sai lầm. Khanh đã không thể xua đuổi kỹ niệm với Thi ra khỏi óc hay giết chết tình yêu cũ trong tim. Bao nhiêu năm, khi biết Thi tìm kiếm nàng, Khanh đã trốn tránh. Em không còn gì để cho anh tìm lại Thi ơi. Khanh nhiều lần khóc lòng như thế, khi biết những tin tức về Thi tìm kiếm nàng.


    Đêm nay, cả hai ngồi nói với nhau. Tự nhiên lời yêu thương lại trở về trên môi miệng. Khanh thầm cảm ơn Chúa đã cho nàng một lần gặp lại Thi, để hạnh phúc vô thường khi biết Thi còn yêu nàng nhiều lắm, yêu như ngày ban đầu hai đứa đã yêu nhau. Thi vẻ vời trong óc những giòng thơ tinh khiết một hạnh phúc vô thường, ngày mai chàng sẽ gửi tòa báo.
    Khanh nhìn Thi:
    - Anh ơi, thôi đừng nhắc hoài những kỹ niệm đó. Thời đã qua rồi. Khanh không dối lòng, rằng Khanh còn yêu anh lắm. Khanh đã sai lầm với cuộc hôn nhân. Nhưng thôi, lỡ rồi Thi ơi. Đã gần hết cuộc đời rồi mà. Anh đừng nhớ đừng nghĩ về Khanh nữa. Anh hãy sống cho anh, cho cuộc đời những ngày còn lại. Anh cứ biết, mỗi ngày Khanh vẫn nghĩ đến anh nhiều lắm đó. Nhiều lắm...
    Khanh lại bật khóc. Thi mềm lòng, nước mắt đàn ông bất ngờ. Chàng ôm lấy bờ vai Khanh. Khanh ngồi im thu người trong vòng tay người tình xưa. Hơi thở đàn ông của chàng năm xưa, Khanh vẫn không quên, nay tìm lại giữa đêm lạnh tháng Giêng trên ngọn đồi Orange này. Một chút lâu, Khanh rút người khỏi tay Thi. Mình về anh nhé.
    Thi lái xe đưa nàng về nhà, tôn trọng ý người yêu xưa. Chàng nắm lấy bàn tay nàng. Khanh không rút lại. Họ im lặng, mỗi người một tư tưởng riêng nhau, cho chung một cuộc tình.
    Thi nói:
    - Khanh đến nhà anh nhé...
    Khanh lắc đầu:
    - Đừng anh, đừng Thi. Đừng nói vậy. Đừng làm vậy. Hãy tôn trọng Khanh. Hãy tôn trọng tình yêu của chúng ta. Khanh sẽ suốt đời thần thánh tình yêu tụi mình, nhưng đừng biến Khanh thành một con người Khanh không muốn. Anh bao giờ cũng có trái tim của Khanh, chỉ cần biết thế thôi nghe anh. Hiểu cho Khanh.
    Thi đưa Khanh về đến trước cửa nhà Trang. Căn nhà đã sáng đèn, mọi người chắc đã về từ tiệc cưới. Khanh cười đùa:
    - Mình về trước rồi thành về sau. Con nhỏ Trang này lại dám nghĩ bậy cho Khanh đó nghe.
    Thi cười:
    - Kệ, tốt thôi.
    Khanh liếc lườm chàng. Thi kéo vội đầu nàng, định một nụ hôn, nhưng Khanh xoay đầu né tránh. Nàng nhìn chàng nghiêm nghị:
    - Khanh đã nói rồi, anh hiểu chưa vậy. Anh có trái tim của em, sao còn muốn em khổ nữa hay sao?
    Thi hối hận về cử chỉ của mình:
    - Khanh ơi, anh xin lỗi Khanh. Em ngủ ngon. Ngày mai anh đến đón em đi ăn trưa nhé.
    Khanh im lặng bước vào nhà. Vào bên trong, nàng hé cửa nhìn ra bên ngoài. Thi vẫn còn ngồi đó, trong xe. Khanh lại khóc. Thi ơi, tình em cho anh sâu lắm. Anh không có em, nhưng anh không bao giờ mất em đâu, anh nhé. Anh hãy về đi. Đêm nay em đã hạnh phúc lắm những giờ phút ngồi bên anh. Hạnh phúc thật vô thường anh ơi. Em sẽ trân quý thời gian đêm nay trong suốt cuộc đời còn lại, cũng như đã trân quý từng giây phút mình đã có bên nhau bao nhiêu năm ngày xưa đó. Khanh quỵ xuống, ngồi tựa cửa nhà, nàng vẫn không ngưng được những giọt nước mắt. Trang từ lầu bước xuống, ôm bạn. Trang hiểu.
    Thi lái xe về, cảm giác hổn loạn trong tim mà hạnh phúc vô thường. Chỉ chừng những giờ phút thế thôi, mà như đã đủ đền bù cho hơn mấy mươi năm qua không gặp nhau. Chỉ cần biết trong tim em, vẫn còn đó một tình yêu dành cho anh, là đủ. Thi mĩm cười, hạnh phúc vô thường.
    Chàng không ngủ suốt đêm, sáng hôm sau Thi gọi điện thoại cho Trang để hẹn đón Khanh đi ăn trưa như đã hẹn. Trang nói, Thi ơi, đêm qua Khanh đã quyết định đổi vé bay về từ chuyến sáng sớm nay rồi, sáu giờ sáng đã bay về Houston rồi....
    Thi bước ra bên ngoài hành lang căn phòng mình. Bên kia đường khu chung cư của chàng là biển. Đã biết bao nhiêu đêm bao nhiêu ngày, chàng một mình ra biển, ngồi nhớ người xa xưa. Nhớ Tường Khanh đó.
    Chàng băng qua con đường, bước chân xuống cát, nhìn từng cơn sóng biển đang vỗ lớn. Nhớ đêm qua. Hạnh phúc vẫn trong lòng, dù buồn bã. Khanh ơi, Tường Khanh ơi, vẫn mãi là một hạnh phúc. Bất chợt chàng mĩm cười, một hạnh phúc vô thường tràn ngập.


    Hồ Văn Xuân Nhi

    Similar Threads
Working...
X
Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom