Ngoài những lợi ích về mặt thể chất khi ta có đủ nước, nước còn có tác dụng về mặt tinh thần. Bộ não chứa 75% nước và một số nghiên cứu cho thấy uống đủ nước thậm chí có thể cải thiện trí nhớ.

Nước bao phủ khoảng 70% bề mặt địa cầu. Isak Dinesen, tác giả cuốn sách “Out of Africa” đã từng nói, “phương pháp chữa trị mọi thức là nước chứa muối: mồ hôi, nước mắt và biển cả”.
Nước ngọt hay nước mặn đều có thể có ích cho cả tinh thần và thể chất của chúng ta. Ngoài những lợi ích thể chất quen thuộc khi cung cấp đủ nước như làn da tươi sáng, hệ thống miễn dịch khỏe khoắn, sức khỏe đường ruột được cải thiện, việc đi tiêu đều đặn và tăng cường năng lượng — còn có những lợi ích về tinh thần bao gồm tăng cường khả năng suy nghĩ, tập trung tốt hơn, trải nghiệm rõ ràng và sáng tạo hơn.
Liệu pháp chìm đắm trong nước
Trên thực tế, tiếp xúc với nguồn nước hoặc ở gần các nơi có nước có thể hữu ích cho cơ thể và tâm trí của chúng ta. So với đi bộ và tập thể dục dưới nước, bơi lội giúp đốt cháy nhiều calo hơn và được coi như là một liệu pháp chăm sóc sức khỏe tinh thần và điều trị trầm cảm. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng ở gần, trong, trên hoặc dưới nước đều có thể mang lại những lợi ích như giảm căng thẳng, lo lắng, tăng cảm xúc khỏe mạnh và hạnh phúc, đồng thời làm chậm nhịp tim và nhịp thở. Một số người có thể tập luyện lâu hơn trong nước, vì nước giúp làm giảm đau nhức xương khớp và mang lại sự mát mẻ.
Liệu pháp thủy sinh đang được sử dụng như một phần của kế hoạch điều trị chứng trầm cảm, nghiện thuốc và rối loạn lo âu. Một số người nói rằng tiếp xúc với nước thúc đẩy khả năng sáng tạo và có thể nâng cao chất lượng giao tiếp. Một nghiên cứu gần đây sử dụng dữ liệu điều tra dân số ở Vương quốc Anh cho thấy những người sống gần biển cho biết họ cảm thấy ít căng thẳng hơn và sức khỏe tốt hơn những người không sống gần nguồn nước.
Nghiên cứu đã tính đến các yếu tố khác bao gồm tuổi tác, giới tính, sự thiếu hụt kinh tế xã hội và không gian xanh.
Trải nghiệm về sự yên tĩnh

Tất cả chúng ta đều biết cảm giác khi tiếp xúc với nước. Đó có thể là lý do tại sao các tờ rơi quảng cáo du lịch hầu như luôn có cảnh các bãi biển, sông, hồ hoặc hồ bơi. Mathew White, nhà tâm lý học môi trường tại Đại học Exeter, nói rằng nguyên nhân chúng ta cảm thấy dễ chịu hơn khi ở gần nơi có nước vẫn còn là bí ẩn. White và các cộng sự đã tiến hành nghiên cứu sâu rộng về mối liên hệ giữa nước và trạng thái tinh thần của chúng ta. White và nhà sinh vật học biển Wallace J. Nichols, đưa ra một giả thuyết về lý do tại sao nước có tính êm dịu đối với con người và một số loài động vật.
Nichols viết trong cuốn sách tựa đề “Blue Mind” rằng nước có thể đưa con người đến trạng thái bình tĩnh hơn, tĩnh tâm hơn, tạm rời xa nhịp sống công nghệ đầy bận rộn của cuộc sống hiện đại. Nhà nghiên cứu White đồng ý: Con người trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khi ở biển, với nhiều bằng chứng rằng nước, thời tiết và âm thanh của biển tất cả đã tương tác lẫn nhau tạo ra cảm giác yên bình bao trùm.
Những người dành thời gian để “thả nổi”, thư giãn trong hồ nước yên tĩnh, thường xuất hiện sự thay đổi sóng điện não từ sóng hoạt động sang sóng não theta. Ngoài sự thư giãn, sóng điện não chậm hơn này được ghi nhận như khi người ta tăng cường ý tưởng sáng tạo. Ngồi thiền khi ở gần nước tạo nên sự kết nối mạng lưới các tế bào não, sẽ khiến bạn sớm tập trung hơn.
Não bộ của bạn được giải phóng, không bị kích thích là cách để nó tăng cường khả năng giải quyết vấn đề. Và giải quyết vấn đề khi ở trong trạng thái thoải mái có thể là cách đạt được “thanh tĩnh”.
Âm thanh của nước

Nếu chúng ta không có cơ hội ở gần nơi có nước, nghiên cứu cho thấy rằng âm thanh của nước cũng có thể có tác dụng xoa dịu. Những nghiên cứu kết luận rằng đó là nhờ vào cách bộ não của chúng ta phân tích tiếng ồn và cách chúng ta kết nối âm thanh với hình ảnh có trong não. Bộ não của chúng ta phân loại tiếng ồn dưới dạng đe dọa hoặc không đe dọa. Nước thuộc loại tiếng ồn không đe dọa, theo giả thuyết này. Bộ não của chúng ta cũng kết nối âm thanh của nước với những hình ảnh êm dịu được lưu trữ trong ký ức của chúng ta, từ những trải nghiệm cá nhân hoặc hình ảnh mà chúng ta thấy trên báo hoặc phương tiện truyền thông.
Tiếng nước chảy có thể giúp chúng ta dễ ngủ. Những tiếng ồn không đe dọa, đặc biệt là khi tương đối lớn, có thể át đi những âm thanh có thể làm dấy lên cảnh báo trong hệ thống kích hoạt các mối đe dọa của não.
“Có một hình thức giúp ngăn chặn những âm thanh khác mà bạn không kiểm soát được, chẳng hạn như tiếng nhạc lớn hoặc tiếng giao thông. Tiếng nước chảy chậm là âm thanh không đe dọa, đó là lý do tại sao nó có tác dụng trấn an mọi người”. Orfeu Buxton, phó giáo sư về sức khỏe hành vi sinh học tại Đại học bang Pennsylvania, nói với Live Science rằng “Như thể người khác đang nói “ đừng lo lắng, đừng lo lắng, đừng lo lắng.” Tôi nghĩ rằng các ứng dụng có ghi âm tiếng nước chảy thật tuyệt vời và chúng có thể giúp mọi người ngủ”, Buxton nói.
Điều quan trọng là nước có các tác dụng làm dịu cả với tinh thần lẫn thể chất. Nếu chúng ta không ở gần biển hoặc nước thì vòi sen cũng có thể hữu ích. Chúng ta có thể không bao giờ biết tại sao nước có tác dụng như vậy, nhưng thật sự là vậy.
Như nhà hải dương học Jacques Cousteau đã từng nhận xét, “Nước tạo ra phép màu, giữ những điều kỳ diệu mãi mãi.”
Tác giả, Tiến sĩ Nancy Berkoff là một chuyên gia dinh dưỡng, nhà công nghệ thực phẩm và chuyên gia ẩm thực. Cô phân chia thời gian của mình giữa việc tư vấn chăm sóc sức khỏe và ẩm thực, viết về món ăn và lối sống lành mạnh.
Nancy Berkoff
Thu Ngân biên dịch