• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Đường xưa áo bay

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Đường xưa áo bay




    Tiệc cưới được tổ chức ở Tửu lầu Văn Cảnh, tọa lạc ở tầng chót một cao ốc góc đại lộ Trần Hưng Đạo - Ký Con. Đám cưới lớn, được chuẩn bị cả năm. Chú rể là Chương, trưởng nam của ông Vạn, cậu chàng, chủ nhân một garage chuyên buôn bán phụ tùng và sửa chữa xe hơi. Cô dâu là trưởng nữ của một ông chủ hãng xe đò chạy đường Miền Trung. Cả hai gia đình đều khá giả, môn đăng hộ đối!
    Chàng, bác sĩ y khoa vừa tốt nghiệp, độc thân, đang hăm hở tìm kiếm ý trung nhân, nên khi nghe Chương và cậu Vạn muốn giới thiệu cho chàng một người đẹp nhân dịp đám cưới, chàng nhận lời ngay! Chương và chàng thân nhau từ nhỏ. Mẹ chàng và cậu Vạn, một chị một em, cha mẹ lại mất sớm, nên đùm bọc nhau từ thủơ hàn vi. Chàng và Chương qua lại học hành với nhau, cho đến khi lên đại học, chàng đậu được vào y khoa, còn Chương nối nghiệp cha, quản lý cái garage. Để khỏi bị đưa ra mặt trận làm bia đỡ đạn, cậu Vạn chạy cho Chương một chân "lính kiểng", nhờ có đồng tiền biết lo lót đúng chỗ!
    Chàng vừa bước ra khỏi thang máy, đã thấy Chương đứng sẵn chờ:
    "Anh Long! Theo em."
    Chương dẫn chàng đến một bàn ở góc, sát sân khấu. Một người con gái tóc dài, da trắng đang ngồi. Chương ân cần giới thiệu:
    - Anh Long, đây là Vành Khuyên.
    Quay sang thiếu nữ, Chương mỉm cười:
    - Xin giới thiệu với người đẹp, đây là anh Long. Anh Long sẽ thay chúng tôi tiếp đón cô trong buổi tiệc cưới hôm nay.
    Giới thiệu xong, Chương lỉnh đi chỗ khác.
    Chàng ngồi giữa hai người đẹp. Một bên là Vành Khuyên, một bên là Hoàng Oanh. Họ là hai chị em ruột. Hoàng Oanh vừa đậu Tú Tài Tây, đang sửa soạn đi Pháp du học. Còn Vành Khuyên đang học Đại Học Khoa Học, chứng chỉ SPCN (Lý Hoá Vạn Vật).
    Vành Khuyên! Nội cái tên của loài chim quí hót hay này cũng đủ cho chàng tò mò phải gặp cho bằng được người ngọc! Chàng đã không uổng công! Nàng đẹp như tên loài quý điểu! Nước da trắng và chiếc mũi thẳng thanh tú đã bắt chàng yêu ngay từ phút đầu gặp gỡ! Chàng vốn rất nhút nhát. Chả thế mà suốt 7 năm trời học y khoa, chàng có quen người bạn gái nào đâu! Thế mà, như có phép lạ, vừa gặp Vành Khuyên, chàng bỗng thấy mình bạo dạn hẳn lên! Vừa ngồi vào chỗ, chàng đã mở lời ngay:
    - Vành Khuyên đến lâu chưa?
    Cô bé chớp mắt. Chàng bạo dạn nhìn thẳng vào mắt nàng chờ câu trả lời. Đôi hàng mi dài cong vút. Chưa có đôi mắt nào đẹp đến như thế:
    - Dạ! Em cũng vừa mới đến! Đường xá hôm nay sao kẹt xe quá!
    Phải rồi! Nàng có nhắc chàng mới nhớ! Đường xá hôm nay đông đúc lạ thường. Thành phố Sài-gòn như chật chội hẳn đi! Dân tị nạn từ khắp nơi đều đổ dồn về thủ đô.
    Mới vừa hôm qua, chàng theo đoàn y tế đi Hố Nai, Biên Hòa khám bệnh cho đồng bào tị nạn. Cộng quân đang tấn công Phước Long. Phước Long ở vùng biên giới Việt Miên, mạn đông bắc Sài-gòn. Một người bạn đi cùng đoàn y tế cho tin: Phán, người bạn cùng lớp chàng, vừa tử trận trong đợt tấn công đầu tiên của Cộng quân ào Phước Long. Chàng bàng hoàng, lặng người đi một hồi lâu mới hoàn hồn, để tiếp tục câu chuyện với người bạn. Phán, Lê Công Phán, người bạn bất hạnh đã học chung với chàng ngay từ lớp đệ tam ở trường trung học Chu Văn An. Chàng nhớ rõ lắm, rõ từng chi tiết một như câu chuyện vừa mới xảy ra ngày hôm qua!
    Sau khi đậu Trung học đệ nhất cấp, chàng lên học lớp đệ tam A, ban vạn vật, vì chàng đã có chủ tâm sẽ theo học ngành y khoa sau này. Trường Chu Văn An vừa đổi trường sở từ đường Trần bình Trọng về góc đường Trần hoàng Quân - Phù Đổng, ngã sáu Chợ Lớn. Trường sở vừa mới xây cất xong, khang trang, sạch sẽ hơn trường sở cũ ăn nhờ ở đậu trường Petrus Ký nhiều. Trường mới gồm ba dãy nhà ba tầng, cửa sổ gắn kiếng, tường sơn màu xanh dương rất sáng sủa, đẹp mắt. Nhưng lớp chàng lại không được ở đó, mà lại nằm trong góc kẹt ở dãy nhà trệt gồm hai phòng ngay sát cổng vào đường Trần hoàng Quân. Lớp bên cạnh là lớp đệ nhất C. Thỉnh thoảng chàng thấy các thầy Vũ hoàng chương, Vũ khắc Khoan, là những thi, văn sĩ mà chàng rất ngưỡng mộ, vào dậy lớp này. Lớp đệ tam A gồm đa số là học sinh từ đệ tứ Chu văn An lên, ngoài ra lớp cũng nhận thêm một số học sinh từ trường Cần Giuộc chuyển sang và một số học sinh trường tư đậu trung học đệ nhất cấp xuất sắc hạng cao. Chàng là học sinh Chu văn An cũ lên lớp, còn Phán từ trường tư được nhận vào. Ngay ngày đầu nhập học, chàng nhận ra ngay ai là học sinh Chu văn An cũ, ai từ Cần Giuộc qua, và ai từ trường tư mới được nhận vào! Mấy anh chàng Cần Giuộc ăn mặc giản dị và nhất là giọng nói miền Nam rất dể phân biệt. Còn mấy anh chàng trường tư thì ăn mặc chải chuốt, mặt mũi sáng sủa, lém lỉnh. Nhưng Phán thì khác hẳn các anh em khác. Tuy là gốc trường tư nhưng khuôn mặt lúc nào cũng buồn rười rượi, áo trắng màu cháo lòng và quần kaki xanh đồng phục nhưng ngắn cũn cỡn! Đặc biệt nhất là hàm răng vàng khè, cáu bẩn vì lười đánh răng! Giáo sư hướng dẫn là thầy Đằng đã mấy lần cảnh cáo Phán vì hàm răng bất hủ này! Phán nổi tiếng vì hay đi học trễ giờ và ngủ gật trong lớp! Thầy Đằng bảo anh Huỳnh Tâm, trưởng ban xã hội, điều tra thì khám phá ra rằng vì nhà Phán nghèo quá mà ra nông nỗi. Bố Phán làm nghề thợ mộc, vợ mất sớm sau khi sanh đứa con út, nên dù làm quần quật cả ngày, vẫn không đủ sức nuôi nổi năm con dại, mà Phán là con đầu lòng. Sáng sớm, trước khi đến trường, Phán phải đi bỏ báo kiếm thêm tiền phụ cha, nên đến trường bao giờ cũng trễ và buồn ngủ! Quần áo chỉ có hai bộ: bộ đang mặc trên người và bộ đang phơi! Trong nhà không dùng kem và bàn chải đánh răng. Sáng ngủ dậy, ai nấy súc miệng qua loa bằng nước muối và lau mặt rồi đi làm ngay công việc của mình. Thấy tình cảnh gia đình Phán tội quá, thầy Đằng đề nghị anh Tâm quyên góp tiền bạc, quần áo cũ trong lớp giúp đỡ Phán. Tuy sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, cựkhổ như vậy, nhưng được trời phú cho một bộ óc thông minh, trí nhớ tốt, nên Phán học rất giỏi. Trong lớp bao giờ cũng đứng trong 10 hạng đầu. Năm đệ nhị và đệ nhất, lớp chàng được chuyển sang học ở dãy lầu ba tầng ngoài cùng. Lớp học sáng sủa và ít ồn hơn vì xa đường lộ. Cuối năm đệ nhị Long đậu tú tài một hạng bình, Phán đậu bình thứ. Cuối năm đệ nhất, chàng đậu tú tài hai hạng bình thứ vì làm sai một đáp số trong bài toán. Phán đậu hạng thứ. Do định mệnh sui khiến, cả lớp ban A của chàng chỉ có chàng và Phán thi tuyển đậu vào lớp dự bị y khoa mặc dù số anh em cùng thi rất đông và có nhiều người cũng giỏi không kém. Riêng Long, dù chàng làm bài vở không thấy có gì trục trặc, nhưng cho đến lúc có kết quả, chàng mới tin chắc rằng mình đậu! Số thí sinh là hàng ngàn người, chỉ lấy có hai trăm. Tỉ số đậu là con số rất nhỏ nhoi. Ai dám chắc mình trúng tuyển? Trừ khi có tay trong! Tin Phán đậu vào y khoa làm ông Đích, bố Phán, vui mừng khôn xiết. Trời Phật đã ngoảnh lại ông. Vợ ông đã sống khôn thác thiêng phù hộ cho ông và các con. Từ nay gia đình ông sẽ thoát cơn bĩ cực, đến hồi thái lai! Cả một đời cơ cực, nhục nhằn vất vả, gà trống nuôi con, thế mà nay con được vào học trường thuốc. Thật quá sức tưởng tượng của ông. Không có cái vui nào bằng cái vui hôm nay!
    Việc đầu tiên là ông phải làm một bữa cỗ để lễ tạ Trời Phật, Tổ Tiên, sau là cúng vợ ông đã phù hộ độ trì cho ông và các con. Học thuốc rất tốn kém. Nào tiền sách vở y khoa là sách ngoại ngữ nhập cảng rất mắc, rồi áo choàng trắng, dụng cụ y khoa, toàn là những thứ xa xỉ đắt tiền. Làm sao ông đủ sức mua sắm cho con? Thế là không còn do dự gì nữa, sau năm dự bị, Phán xin ngay vào trường quân y, vừa có tiền giúp bố, vừa được học ngành bác sĩ. Quả trường quân y quân lực Việt Nam Cộng Hoà đã giúp đỡ được nhiều thanh niên con nhà nghèo, hiếu học con đường tiến thân kỳ diệu. Từ đây, ông Đích mới thấy cuộc đời có ý nghĩa, và nụ cười bắt đầu luôn nở trên môi ông. Hàng xóm bây giờ nhìn ông với vẻ cung kính, không còn rẻ rúng coi thường ông như những ngày xưa cũ nữa! Từ ngày Phán vào quân y, mấy đứa em anh được ăn mặc tươm tất, no đủ, và nhất là được đi học đều đặn. Vì trước đó, để hy sinh giúp Phán học hành đến nơi đến chốn, ông Đích phải sắp đặt các em thay phiên nhau đứa phải theo cha phụ việc, đứa phải ở nhà lo việc giặt dũ, cơm nước, nên đứa nào cũng đi học thất thường bữa đực bữa cái! Ông xếp đặt như vậy vì đứa con đầu của ông thông minh, chăm học, còn các đứa khác không đứa nào bằng. Ông quyết định cả nhà hy sinh cho một đứa con thì còn có cơ may thay đổi được cuộc sống của gia đình ông. Chứ nếu để tất cả các con cùng đi học hết, thì ông không đủ sức kham nổi. Mà cùng nghỉ học hết để phụ giúp ông kiếm sống thì ở xã hội này nếu không học hành khó mà làm nên được việc gì lớn lao cả! Cái suy nghĩ và quyết định của ông đã đúng và ngày nay ông đã được hưởng sự thành công của nó. Đây mới chỉ là Phán được vào trường quân y thôi mà còn thay đổi được cuộc sống kham khổ thường ngày của ông rồi. Nói chi đến ngày Phán ra trường thành bác sĩ y khoa thực thụ, cuộc đời ấy sẽ vinh hiển vô cùng! Nghĩ đến đấy, ông thấy trong người khỏe khoắn như vừa uống một thang thuốc bổ đắt tiền!
    Từ ngày vào quân y, Phán mới biết thụ hưởng cuộc sống thực thụ của con người! Trước đó, vì thiếu thốn đủhứ nên cái gì anh cũng ao ước cũng muốn thử, nhưng với hoàn cảnh gia đình mình, anh biết mình không thực hiện nổi. Anh thèm mặc quần áo lành lặn, tươm tất, sạch sẽ. Anh thèm chai dầu eau de cologne bôi lên da mặt cay sè sau khi cạo râu. Anh thèm đi xem xi-nê ở rạp Đại Nam, nằm duỗi người trên ghế nệm êm ái để thưởng thức cái mát lạnh của máy điều hòa không khí. Anh thèm tô phở Tàu Bay, hút điếu thuốc lá Capstan và uống chai bia 33 thật lạnh. Anh thèm đọc tờ báo Time, tờ Newsweek, hoặc đọc cuốn tiểu thuyết vừa mới xuất bản tự mình ra hiệu sách mua lấy. Anh thèm chiếc xe Honda 50 đàn ông vè mạ kền sáng loáng. Ôi! Anh thèm trăm thứ thật tầm thường mà người thanh niên bình thường nào cũng có thể có được. Thế mà nhà anh nghèo quá, nên mọi thứ tầm thường đó đều ở ngoài tầm tay với của anh! Nhiều lúc tủi thân quá, anh ngồi ôm mặt khóc một mình, và tự nhủ: " Để có những thứ đó, ta phải học! Chỉ có học hành đậu đạt, ta sẽ có tất cả!". Và giờ đây, anh có tất cả.
    Sau khi vào quân y, Phán cỡi chiếc Honda 50 đàn ông mới toanh, tay đeo đồng hồ Seiko mạ vàng, miệng lúc nào cũng phì phèo điếu thuốc lá. Anh hút thuốc lá liên miên, hết điếu này đến điếu khác. Có lúc, Long phải khuyên bạn:
    - Hút bớt thôi bạn! Hút nhiều vừa tốn tiền lại hại phổi đó!
    Phẫn cười hềnh hệch:
    - Mày biết tao mà Long! Thuốc lá ngon quá, tao hút bù! Mày nhớ lúc tụi mình học Chu Văn An không, thấy mấy ông thi văn sĩ mầm non làm báo Tết cho trường ngồi hút thuốc lá tán gẫu ở quán bác Ba Bí Tất, tao thèm được như họ! Nay thì mộng đã thành thực, mày đừng cản tao chứ!
    Long cố nài nỉ:
    - Tao không ngăn mày hút thuốc lá! Nhưng hút in ít thôi!
    - Mày chưa mê món "tương tư thảo" này thì nói nghe dễ lắm. Một khi đã thích rồi, hút ít thì thiệt!
    Long chán nản, lắc đầu:
    - Chịu thua mày!
    Thế rồi bọn chàng ra trường. Trong khi chàng còn quanh quẩn ở Sài-gòn chờ ngày trưng tập thì Phán đã phải ra chiến trường ngay sau khi kết thúc thi cử. Không thân thế, lại chọn binh chủng bộ binh, Phẫn bị đưa ra Phước long, là vùng tuyến đầu sôi bỏng lửa đạn. Chỉ có mấy tháng sau, anh bị tử thương ngay trong đợt tấn công biển người của Cộng quân. Phán là người đầu tiên trong lớp chàng hy sinh cho cuộc chiến tranh Quốc-Cộng tương tàn dai dẳng này!
    Thấy chàng đang vui, chợt đượm vẻ buồn, Vành Khuyên tinh ý, vội hỏi ngay:
    - Chắc em vừa nói câu gì chạm tâm sự của anh phải không?
    Chàng thoáng kinh ngạc:
    - Sao em biết?
    - Mắt anh thoáng vẻ buồn nên em đoán.
    Chàng vui trở lại:
    - Em có óc nhân xét khá lắm! Bây giờ đang là tiệc cưới của Chương, anh không tiện nói ra. Để rồi anh sẽ đến thăm em và kể cho em nghe! Tính anh hay liên tưởng chuyện nọ xọ qua chuyện kia nên nghe em nói chuyện kẹt xe, anh lại nghĩ đến Sài-gòn dạo này đông người quá là do đồng bào tị nạn chiến tranh đổ dồn về và từ đó suy diễn ra câu chuyện chiến tranh mất mát! Đầu óc anh cứ hay nhậy cảm lung tung như vậy!
    - Anh là bác sĩ mà cứ như là nhà văn!
    Chàng lại giật nẩy mình:
    - Em tài thật! Tinh ý lắm! Quả tình anh cũng có viết lách chút đỉnh.
    Nói chuyện với Vành Khuyên mới năm ba câu mà chàng đã thấy thích ngay cô bé này. Người đâu đã đẹp lại thông minh thế kia thì ai mà không yêu cho được! Đây đúng là mẫu người tri kỷ của chàng! Chưa từng yêu ai, mới gặp người đầu tiên đã yêu!
    Chàng liên miên nói chuyện với Vành Khuyên từ chuyện văn chương qua chuyện âm nhạc, điện ảnh. Vừa nói chàng vừa tiếp thức ăn cho nàng. Nhưng hai người nói với nhau thì nhiều, ăn chẳng được bao nhiêu. Đám cưới cứ tiếp tục cử hành, hết giới thiệu cô dâu, chú rể, họ hàng hai họ, rồi văn nghệ giúp vui ca hát, kể chuyện tiếu lâm. Ai nói gì, làm gì, chàng và nàng không để ý tới cứ tiếp tục câu chuyện của riêng mình. Tới lúc tiệc tàn, chàng và nàng mới tạm chia tay và hẹn gặp lại!





    2

    Sáng chủ nhật, sau khi vào nhà thương thăm các bệnh nhân nặng, thêm bớt, sửa đổi một vài thứ thuốc cần thiết, chàng ghé thăm Vành Khuyên. Đây là lần đầu tiên trong đời chàng có bạn gái để thăm! Nhà nàng nằm trên đường Phan đình Phùng, khúc gần đường Trương minh Giản. Nhà cổng sắt sơn xanh, có giàn hoa giấy màu tím. Sau tiếng chuông reo, chàng thấy có bóng người đi ra. Cánh cửa nhỏ trên liếp cửa chính bật mở:
    - Chú hỏi ai?
    - Cho tôi gặp cô Vành Khuyên.
    Cánh cửa chính mở rộng:
    - Mời chú vào!
    Con đường vào nhà có trải sỏi trắng, hai bên trồng hoa dâm bụt màu cánh sen. Góc vườn có cây ngọc lan đang độ nở hoa, hương thơm ngào ngạt. Người đàn bà chỉ chiếc ghế bành da mời chàng:
    - Chú ngồi đây, tôi đi mời cô hai.
    Phòng khách khang trang. Bộ salon da màu ngà hòa hợp với màu nâu gỗ của cái bàn trà, cái tủ buffet và cái đàn dương cầm kê sát tường. Một chậu sứ trồng cây hoa đào nhân tạo làm bằng lụa. Trên tuờng treo tranh sơn mài vẽ công vẽ phượng sắc sảo nghệ thuật. Bất chợt chàng nghe có tiếng xô xát, lẻng kẻng ở phía trong nhà vọng ra. Rồi tất cả lại im lặng. Không lâu sau đó, Vành Khuyên hiện ra trong bộ quần áo lụa màu xanh dương nhạt. Trông nàng tươi mát như nụ hoa buổi sáng. Nàng cười, ánh mắt như reo vui:
    - Mừng anh đến thăm! Anh chờ Khuyên lâu không?
    - Không! Chưa đến nửa phút! Phòng khách nhà em bầy biện khéo lắm, anh chưa kịp ngắm hết!
    - Anh dùng gì, để em đi lấy: Cà-phê? Trà? Nước ngọt? Hay bia?
    - Đừng bày vẽ! Cứ ngồi đây với anh là được rồi!
    - Ấy chết! Ai lại thế! Để em mời anh ly cam vắt nghe?
    Không đợi chàng từ chối, nàng vào nhà sau và thoắt một cái, ly cam vắt đã sẵn sàng trên bàn. Chàng húp một ngụm, khen:
    - Cam vắt ngon lắm, em pha?
    - Bà vú đấy!
    Chàng không nói gì, nuốt nước bọt, lấy giọng:
    - Hôm đám cưới anh hứa kể em nghe câu chuyện anh không tiện nói ra lúc đó. Bây giờ thì anh xin nói. Câu chuyện như thế này: Trước hôm đám cưới Chương một hôm, anh được tin Phán, bạn cùng lớp, vừa tử thương trong trận Phước Long.
    Chàng kể đầu đuôi hoàn cảnh gia đình Phán cho nàng nghe. Nghe chuyện xong, nàng thở dài:
    - Cuộc chiến ở xứ mình làm bao gia đình đau khổ, mất hết tương lai. Em hiểu lắm! Ngay anh, dù một mẹ một con, anh cũng sẽ bị trưng tập. Em nghĩ bác ở nhà chắc lo lắm, nhưng không nói ra đấy thôi!
    Chàng sững người! Cô bé này tâm lý giỏi quá, hầu như nắm trọn tim gan chàng! Ở nhà mẹ chàng vẫn buồn phiền về chuyện này. Chàng thường trấn an mẹ: "Mẹ đừng lo! Bác sĩ có trực tiếp ra trận đánh nhau đâu. Con ở trong bệnh viện săn sóc thương bệnh binh mà. Nếu có theo hành quân, cũng là ở hậu cứ cứu chữa thương binh mang từ mặt trận về thôi!" Mẹ chàng lặng yên không nói gì, nửa tin nửa ngờ.
    Chàng nhìn vào mắt nàng, ra vẻ không lo lắng lắm:
    - Đời người ta có số cả! Thôi đàn cho anh nghe đi! Bản nhạc nào em thích nhất?
    Nàng đứng dậy:
    - Để em đàn bản "Hạ trắng" của Trịnh công Sơn. Bản này em hòa âm lấy, đừng cười nghe!
    Mười ngón tay búp măng dạo thoăn thoắt trên phím ngà. Giòng nhạc réo rắt nhảy múa trong không gian đưa hồn chàng vào cõi mộng mơ với nắng lụa vàng, với những bước chân âm thầm của người con gái tóc xõa dài bay trong gió lộng, trên con đường với hai hàng me giao nhau. Những giọt nước mắt long lanh tủi hờn khóc cho cuộc tình dang dở. Chàng lịm người trong khoảng khắc và thấy hồn mình bay bổng, trôi theo giòng âm thanh cuồn cuộn. Chợt có giọng nói bên tai đưa chàng trở về thực tại:
    - Anh Long! Anh nghe được không?
    Chàng trả lời như người vừa tỉnh cơn mê:
    - Tuyệt! Âm nhạc kỳ diệu!
    Nàng mỉm cười khiêm tốn:
    - Anh nịnh em!
    Tuần sau, chàng trở lại mời nàng ra phố:
    - Cho anh xin phép hai bác, mời em xuống Sài-gòn ăn sáng.
    Nàng chạy vào trong nhà. Một lát sau, ông bà Hùng, ba mẹ Vành Khuyên đi ra. Ông Hùng trạc 60, tóc hoa râm, dong dỏng cao, dáng người từng trải, lịch duyệt. Bà Hùng trông trẻ hơn, nhưng nước da xanh, gầy, vẻ mệt nhọc kinh niên. Ông Hùng vui vẻ tiếp đón chàng:
    - Cháu muốn dẫn em ra phố? Được cứ đi, nhưng đừng la cà lâu nhé. Lúc nào thuận tiện, mời cháu ghé dùng cơm với chúng tôi.
    Sài-gòn dù trong chiến tranh đang hồi khốc liệt, vẫn sinh hoạt nhộn nhịp bình thường. Xe cộ tấp nập, cửa hàng cửa hiệu vẫn đông đúc kẻ mua người bán, nhưng nếu tinh ý một chút sẽ nhận ra ngay vẻ mặt người nào người nấy đều nhuốm vẻ lo âu, phiền muộn, lòng ngổn ngang trăm mối! Long dẫn Vành Khuyên vào nhà hàng Mini Rex, góc đường Lê Lợi-Nguyễn Huệ. Quán đã đầy người, đa số là giới trẻ. Nhạc, khói thuốc, tiếng người cười nói râm ran. Có một bàn trống ở góc, nhìn thẳng ra phố, khách vừa bỏ đi. Long chạy nhanh lại, kéo ghế mời nàng ngồi. Chàng ân cần:
    - Em dùng gì?
    Vành Khuyên cười, khép nép:
    - Anh gọi cho em đi, món gì cũng được!
    - Trứng bác jambon ăn với bánh mì và cà phê sữa nghe? Món này ở đây làm ăn được!
    Chàng gọi hai phần ăn. Vành Khuyên ngập ngừng nói:
    - Em có chuyện này muốn bàn với anh%85Nếu anh không đồng ý, đừng cho em là%85 tành hanh nghe!
    Chàng ngạc nhiên, tò mò muốn biết thêm:
    - Em cứ nói đi, đừng khách sáo!
    Nàng hắng giọng:
    - Thú thật với anh, chuyện anh ra trường bị trưng tập làm em quan tâm lắm. Dù biết làm bác sĩ đi lính không gặp nhiều nguy hiểm, nhưng nghe anh kể chuyện anh Phán, bạn anh, làm em lo! Gia đình em đã quen việc chạy chuyện lính tráng cho mấy người anh của em rồi, nên nếu anh tin tưởng ở em, để em lo cho anh!
    Chàng ngạc nhiên:
    - Em nói rõ hơn, anh chưa hiểu?
    Nàng từ tốn:
    - Mấy người anh của em bị một chứng bệnh kỳ lạ lắm, cứ đến tuổi trưởng thành thì tự nhiên, hai tay cứ múa may từng cơn, không cách nào kiểm soát được, trí óc thì trì độn dần, cho đến lúc lú lẫn không còn biết gì nữa cả. Cha mẹ em chạy thầy ta, thầy tây mãi cũng không thuyên giảm. Bị gọi đi lính, lúc ra hội đồng giám định y khoa, nhờ có mấy bác sĩ giúp đỡ nên được miễn dịch vĩnh viễn. Nhờ cơ hội này, gia đình em quen biết được một chỗ rất đáng tinh cậy. Nếu anh bằng lòng, em sẽ lo vấn đề này để anh không phải bị trưng tập!
    Chàng cảm động:
    - Cám ơn em đã quan tâm và lo lắng cho anh. Nhưng đừng lo cho anh thái quá như vậy, anh cảm thấy không an lòng. Con người ta sống chết là do số mệnh cả. Anh không nghĩ số phần anh hẩm hiu như Phán đâu. Thôi, bỏ qua chuyện đó đi! Bây giờ hãy nói cho anh biết, các anh của em bị bệnh từ bao lâu rồi? Tình trạng của từng người ra sao? Để anh lãnh trách nhiệm săn sóc gia đình em.
    Nàng không dằn được nước mắt, nói giọng nghẹn ngào:
    - Em vì thương anh nên mới muốn lo cho anh mà anh không thèm, chứng tỏ anh không màng gì đến em! Còn chuyện các anh của em, mặc kệ em, đâu cần anh lo!
    Chàng cuống quýt xuýt xoa:
    - Xin lỗi em, anh không có ý nói như thế! Thôi được rồi, em muốn lo cho anh, anh không dám cản nữa! Nhưng chuyện các anh của em, anh là thầy thuốc, để anh lãnh trách nhiệm. May ra anh có thể giúp được!
    Nàng vui ngay:
    - Có thế chứ! Mình trao đổi, em lo cho anh, anh lo cho gia đình em!
    Thấy nàng vui trở lại, chàng cười:
    - Ăn xong, mình trở về lại nhà em, cho anh thăm bệnh mấy người anh của em nhé?
    - Không! Mình đến nhà ông bác sĩ Đặng Thời, là người có thể giúp cho anh được, trước cơ!
    Thấy Long có vẻ chần chừ, nàng lên giọng:
    - Anh đã thỏa thuận rồi cơ mà!
    Chàng riu ríu chiều theo nàng:
    - Ừ thì đi!
    Nhà ông bác sĩ Thời ở ngoại ô Sài-gòn, gần phi trường Tân Sơn Nhất. Vừa thấy vành Khuyên, bác sĩ Thời ân cần vồn vã:
    - May quá cô đến kịp lúc, em Hoài Hương đang bực tức với bản tấu khúc số 5 của Beethoven đấy! Sao bịnh tình của Trọng có khá hơn tí nào không?
    Đang hớn hở, khuôn mặt đẹp chợt sa xầm:
    - Dạ! Bệnh anh ấy có vẻ nặng thêm. Cơn múa vờn đến thường xuyên hơn, khiến đồ đạc trong nhà khó có cái nào còn nguyên lành. Đành phải cô lập anh ấy trong một phòng riêng! Hôm nay em muốn nhờ bác sĩ một việc. Em xin giới thiệu với bác sĩ đây là anh Long, bạn em. Anh là bác sĩ mới ra trường đang chờ gọi đi trưng tập. Vì tình gia đình em, bác sĩ có thể giúp anh Long được không?
    Bác sĩ Thời rất nhã nhặn:
    - Dĩ nhiên là tôi sẵn lòng, nhưng giúp bằng cách nào cơ? Cô cứ nói rõ đi!
    Vành Khuyên ngập ngừng:
    - Da!%85Dạ!%85 Giúp anh Long được làm việc ở bệnh viện, khỏi phải ra mặt trận!
    Ông bác sĩ này trông quen quen, hình như chàng có gặp ở đâu đây. Có thể là đàn anh, lúc chàng mới vào y khoa thì ông ấy đang là nội trú hoặc năm thứ sáu gì đó cũng nên! Nghe Vành Khuyên nói xong, bác sĩ Thời mỉm cười:
    - Chuyện này tính sau, tôi sẽ lo nếu không ngoài tầm tay của tôi.
    Hoài Hương, cô bé khoảng 13, 14 tuổi rất xinh chạy ra níu tay Vành Khuyên kéo nàng vào nhà trong:
    - Chị Khuyên! Bài tấu khúc số 5 của Bethoven khó quá, em mới dượt thử mà thấy không có chị thì không xong rồi, chị dạy lại cho em lần nữa đi chị!
    Đợi Vành Khuyên đi hẳn vào trong, Long mới nói nhỏ với bác sĩ Thời:
    - Vì nể Vành Khuyên quá, nên em mới đến đây làm phiền anh. Anh cũng hiểu cho, cô ấy là người yêu của em. Tự cô ta muốn, chứ em không có ý định đó đâu. Xin anh bỏ ngoài tai, đừng để ý những gì Vành Khuyên vừa nói !
    Bác sĩ Thời nhìn Long tò mò:
    - Gia đình cậu có đông anh em không?
    - Dạ không! Mẹ em chỉ có mình em là trai, bố em mất từ hồi em còn nhỏ.
    Bác sĩ Thời chép miệng:
    - Cô Khuyên lo cho cậu là phải! Cậu là người nối giõi của giòng họ gia đình cậu, cậu biết chưa? Viên đạn nó đâu có biết phân biệt ai là bác sĩ, ai là anh binh nhì?
    - Nhưng em muốn có sự công bình!
    Bác sĩ Thời cười khẩy:
    - Cậu thật thà quá! Chỉ chuốc lấy thiệt thòi mà thôi! Cậu không thấy cuộc chiến tranh này phi lý à?
    Từ nhà trong nhạc bỗng cuồn cuộn tuôn ra réo rắt, dồn dập, bác sĩ Thời và Long không thể không dừng câu chuyện để lắng hồn vào giòng âm thanh cuốn hút tuyệt vời đó.


    3

    Đang săn sóc người bệnh bị sốt rét cấp tính ở phòng cấp cứu, Long được y tá báo có người nhà cần gặp gấp. Sau khi ghi xong y lệnh và giao cho y tá thi hành, Long chạy ra phòng đợi thì thấy Vành Khuyên đang đứng với vẻ mặt bồn chồn lo lắng. Thấy chàng, nàng nói ngay:
    - Anh có thể về nhà em ngay được không? Mẹ em đang bị lên cơn khó thở!
    - Đợi anh vào dặn y tá trưởng mấy việc cần thiết và lấy túi đồ nghề, rồi ta đi ngay!
    Chàng leo lên chiếc Toyota Corona màu trắng do nàng cầm tay lái. Từ nhà thương đến nhà nàng không xa lắm, chỉ mười lăm phút lái xe. Bà Hùng mặt xanh mét như tàu lá, thở hồn hển như người hụt hơi. Vành Khuyên nhìn mẹ, lo lắng hỏi chàng:
    - Có sao không anh? Mẹ em bị chứng bệnh này đã lâu, nhưng cơn hôm nay dữ dội quá, làm em sợ!
    Chàng nhìn nàng ân cần:
    - Cho anh xem mấy thứ thuốc bác vẫn thường dùng.
    Nàng mở tủ lấy ra mấy hộp thuốc. Chàng nhìn qua, đoạn quay sang bà Hùng từ tốn nói:
    - Cháu chích cho bác một mũi thuốc và sửa đổi mấy thứ thuốc bác đang dùng nhé?
    Vành Khuyên mau mắn đáp thay mẹ:
    - Anh cứ tùy tiện! Cần gì cứ bảo em!
    Chàng tiêm cho bà Hùng một mũi thuốc. Ít phút sau thì bà thở đều, mặt từ từ tươi tắn trở lại. Vành Khuyên nhìn chàng cảm phục, trong lòng tràn ngập yêu thương. Nàng liếc qua mẹ với ánh mắt mang chút kiêu hãnh. Long chợt nhớ ra:
    - Nhân thể anh có đồ nghề, cho phép anh khám bệnh cho anh Trọng luôn thể!
    Vành Khuyên thừ người ra, nhìn chàng giọng trầm xuống:
    - Để em nói qua bệnh sử cho anh biết trước để anh rõ hơn bệnh tình của anh Trọng. Anh Trọng có hai người anh lớn hơn là anh Trường và anh Thọ cũng có cùng triệu chứng y hệt như vậy và đã lần lượt qua đời cách đây ít năm. Cả ba anh hồi bé đều sống khỏe mạnh bình thường, nhưng cứ đến tuổi trưởng thành thì một hôm bỗng nhiên nổi cơn: đầu nghẹo qua một bên, một tay đưa lên trời, một tay đưa xuống đất xoay qua xoay lại như người đang múa. Đầu óc thì u mê, lú lẫn, nói năng ú ớ, không còn biết phân biệt nhận biết rỏ ràng, ngay cả người thân trong nhà! Tay chân hoàn toàn không còn tự chủ được, đi đứng khó khăn nên dễ đụng chạm các đồ vật chung quanh, gây đổ vỡ tùm lum. Anh Trọng năm nay 25 tuổi, bệnh mới phát chừng hai năm nay. Bệnh tình càng ngày càng tệ dần.
    Long xực nhớ ra:
    - Anh nhớ hôm đầu tiên đến thăm em, nghe có tiếng loảng xoảng ở nhà trong, có phải do anh Trọng đang lên cơn phải không?
    Vành Khuyên mắt đã ướt, gật đầu. Long hỏi thêm;
    - Như vậy gia đình em có ba trai và hai gái. Chỉ có hai gái khỏe mạnh. Còn ba mẹ em, chỉ có bác gái hay đau yếu, bác trai thì vẫn bình thường?
    - Bố em ít khi ở nhà. Gia đình em sống về nghề xuất nhập cảng, nên bố hay đi giao dịch đây đó luôn. Nói chung thì bố rất khỏe!
    - Nhứ thế cũng tạm đủ. Bây giờ anh khám bệnh anh Trọng nhé?
    Trọng khám tỉ mỉ từ đầu đến chân, chú ý đặc biệt vào hệ thống thần kinh. Sau khi ghi tất cả các dữ kiện vào giấy, chàng giải bày cùng nàng:
    - Bệnh này rất hiếm ở xứ ta. Anh chỉ biết qua sách vở thôi! Anh sẽ cho người đến lấy máu anh Trọng để làm một số thử nghiệm cần thiết. Không chắc phòng thí nghiệm ở xứ mình có đủ phương tiện để làm các thử nghiệm đặc biệt này được. Anh sẽ cố gắng hết sức để làm công việc định bệnh thật chính xác.
    Trên đường trở lại nhà thương, chàng giành lái xe. Nàng gục đầu vào vai chàng, thổn thức nói qua làn nước mắt:
    - Anh không khinh em đấy chứ?
    - Sao em lại nói thế?
    - Làm phiền anh nhiều quá!
    - Em nghĩ quẩn rồi! Đó là bổn phận của anh. Bổn phận của người thầy thuốc: thấy bệnh phải cứu! Huống chi, đó lại là thân nhân của người mình yêu!
    - Anh tốt với em quá!
    Chàng không nói, xiết nhẹ tay nàng.


    4

    Chàng lấy mẫu máu Trọng gởi cho một vị thầy, bác sĩ giáo sư Bùi Công, chuyên về Di truyền học tốt nghiệp ở Mỹ về, định bệnh giúp. Phòng thí nghiệm của giáo sư Công không được trang bị đầy đủ cho lắm, nên giáo sư phải gửi mẫu máu qua trường đại học bên Mỹ nhờ định bệnh. Chàng chưa thể có kết quả ngay được. Trong thời gian chờ đợi, theo lời khuyên của giáo sư Công, chàng cho Trọng dùng thuốc Haldol để triệu chứng bệnh dằn xuống, bớt gây phiền hà cho gia đình.
    Một hôm, mẹ chàng bảo dẫn nàng về nhà cho bàặp mặt. Chàng mừng rỡ như bắt được của, vì đây là cơ hội tốt cho nàng mua chuộc cảm tình của mẹ.
    Vừa thấy Vành Khuyên, Bà Văn, mẹ chàng không dấu được thiện cảm:
    - Vành Khuyên đây phải không? Cháu đẹp quá! Chẳng trách Long mới gặp cháu là mê ngay!
    Nàng ấp úng, thẹn thùng:
    - Dạ bác thương nói thế chứ, cháu chả dám nhận đâu!
    Mẹ chàng cười cởi mở:
    - Bác khen thực lòng đấy mà! Thôi được! Vào đây với bác. Bác đang làm dở mấy món ăn để đãi cháu đây! Cứ tự nhiên ngồi chơi nghe cháu. Mười lăm phút nữa là xong.
    Vành Khuyên nhanh nhẩu:
    - Ấy chết! Cháu đâu dám! Bác để cháu phụ bác một tay.
    Long như mở cờ trong bụng:
    - Phải đấy! Mẹ để Vành Khuyên làm giúp với. Em khéo tay lắm!
    Bà Văn cười hài lòng:
    - Ừ! Giúp bác thì giúp!
    Không đợi bà Văn nói thêm lời nào nữa, Vành Khuyên sắn tay áo lên lăn xả vào bếp. Mười ngón tay búp măng đàn dương cầm tuyệt vời thế kia mà cuốn chả giò cũng tài tình chẳng kém. Những cuốn chả giò nhỏ, gọn và đều đặn, chiên lên vàng lườm, dòn xụm. Bà Văn vừa ăn vừa khen:
    - Khéo lắm! Bác có làm chả giò cũng chỉ đến thế là cùng!
    Để làm mẹ vui, chàng tán thêm:
    - Em không những bếp núc giỏi, đàn dương cầm hay, mà lạị còn quán xuyến công việc nhà nữa cơ đấy! Chả là mẹ Khuyên đau yếu luôn, mấy người anh thì mắc chứng bệnh về thần kinh.
    Bà Văn không nói gì, mặt đang tươi chợt nghiêm lại ra dáng nghĩ ngợi. Long chột dạ, lòng cảm thấy áy náy.
    Quả nhiên sau khi đưa nàng về,𠶦#7915a bước trở lại vào nhà, chàng đã thấy mẹ ngồi chờ sẵn! Bà chỉ tay vào ghế ra dấu bảo chàng ngồi:
    - Mẹ muốn hỏi con cho rõ ràng. Có Vành Khuyên ở đây mẹ không tiện hỏí. Con bảo mấy người anh của cô ta mắc chứng bệnh về thần kinh có nghĩa là điên khùng phải không?
    Chàng bình tĩnh giải thích cho mẹ nghe:
    - Không phải mẹ ạ! Con nói bệnh về thần kinh là bệnh của hệ thống giây thần kinh chứ không phải bệnh tâm thần. Bệnh tâm thần như bệnh "tâm thần phân liệt" (schizophrenia) mới là𠢦#7879nh điên tức là nói chuyện một mình để đối thoại với tiếng nói trong lỗ tai, thấy ảo giác, lo sợ có người ám hại%85Anh của Khuyên thì khác trí óc lú lẫn, không tự điều khiển được chân tay%85như người bị động kinh vậy mà!
    Mẹ chàng nhăn mặt:
    - Vậy thì có khác gì người điên khùng? Bệnh điên là bệnh di truyền. Còn bệnh của mấy người anh Vành Khuyên có di truyền không?
    Chàng ngập ngừng:
    - Con%85Con%85 chưa chắc chắn bệnh đó là bệnh gì, còn phải chờ thử nghiệm xác nhận mới biết được. Vì thế, con không thể quả quyết là bịnh có di truyền hay không! Mẹ cho con thời gian%85
    Long nhận được giấy gọi trưng tập. Chàng chỉ có hai tuần. Công việc bàn giao ở nhà thương chiếm hết hai ngày, còn lại bao nhiêu chàng dành hết cho Vành Khuyên. Nhưng Vành Khuyên không để thì giờ riêng tư cho hai người. Nàng bắt chàng đến nhà ông bác sĩ Đặng Thời để hỏi tội ông:
    - Sao bác sĩ hứa cho anh Long được ở lại Sài-gòn mà lại để anh phải đi lính?
    Nàng vừa nói vừa khóc. Ông bác sĩ ái ngại nhìn nàng:
    - Cô có nói giúp anh Long khỏi phải đi lính đâu, mà chỉ nói là giúp anh ấy ở lại làm việc trong bệnh viện, khỏi phải ra mặt trận kia mà! Chỉ có việc đó là ở trong tầm tay của tôi mà thôi!
    Nàng giận dữ, hai mắt đỏ ké:
    - Bác sĩ nói vậy không phải! Em nói ở lại làm việc ở bệnh viện là bệnh viện dân sự ở Sài-gòn cơ mà!
    Long nắm tay nàng, ồn tồn:
    - Em đừng nói vậy, bác sĩ Thời là người tử tế, có lòng. Giúp được như vậy là tốt lắm rồi!
    Chàng quay qua bác sĩ Thời:
    - Em xin lỗi anh, Khuyên vì lo cho em thái quá nên có hơi nóng nẩy, xin anh bỏ qua cho!
    - Đâu có giận hờn gì đâu! Tôi thông cảm mà!
    Ở nhà ông bác sĩ Thời ra, chàng đưa nàng đi Thủ Đức cho khuây khỏa. Chàng ôm nàng thủ thỉ:
    - Anh biết em yêu anh, muốn anh khỏi cực khổ. Nhưng nếu ai cũng chạy chọt khỏi đi lính, thì cuộc chiến này, ta sẽ thua mất! Mà em nên nhớ, sống với Cộng Sản không sung sướng gì đâu. Gia đình bên mẹ anh di cư từ Bắc vào năm 54 đã kể cho anh nghe những kinh nghiệm sống với Cộng Sản: hãi hùng lắm!
    - Anh đừng lý tưởng quá như vậy! Nếu anh có mệnh hệ nào, ai khổ? Trước hết là mẹ anh, rồi đến em! Sống ở xã hội này, mình phải thực tế nhìn thẳng vào sự việc! Mấy người anh của em bệnh tật rõ ràng như thế, mà khi đưa ra hội đồng miễn dịch, họ cũng làm khó làm khăn đủ điều. Phải chạy chọt qua ông bác sĩ Thời, mới xong mọi chuyện đó anh!
    Chàng thở dài:
    - Chịu em! Em hiểu đời thế mà nhiều hơn anh! Nhưng cứ để anh hưởng cái dư vị của chiến tranh một thời gian cho anh chính chắn ra đi, em!
    Nàng ôm chàng khóc nức nở:
    - Em không muốn xa anh!
    Thế rồi cái ngày phải đến, cũng đến. Chàng sách hành lý vào Trung Tâm Nhập Ngũ số 3 ở Quang Trung, Hóc Môn. Hôm chàng đến, trời mưa như thác lũ. Tất cả phải đứng ngoài trời mưa để nghe gọi tên từng người, đứng tập họp vào hàng ngũ trước khi vào trại. Mới buổi đầu tiên, chàng đã nhìn thấy cái bất tiện của cuộc sống tập thể. Buổi kiểm tra danh tính và sắp xếp vào hàng ngũ cũng mất cả mấy tiếng đồng hồ mới xong! Sáng mới 5 giờ, đã bị đánh thức dậy tập họp điểm danh trước khi đi làm vệ sinh cá nhân. Rồi lại tập họp đi làm giấy tờ lý lịch, chụp hình, lăn tay. Xong công việc hành chánh cũng mất một ngày. Khâu cuối cùng, trước khi lãnh quân trang để lên xe đi Thủ Đức tập quân sự là khám sức khỏe. Chính cái khâu này đã thay đổi cuộc đời chàng! Lúc khám sức khỏe tổng quát, bác sĩ Thế nhìn thấy cặp mắt kính dày cộm của chàng, anh nghiêm giọng:
    - Cặp mắt kính dày thế kia, cậu cận nặng lắm! Để tôi cho đi khám mắt. Đi hành quân mà mất cặp kính là đời cậu tàn!
    Thế là Long được cho đi khám mắt. Anh bác sĩ Mạnh sau khi xem đáy mắt chàng (đã được nhỏ thuốc cho con ngươi nở to) bảo:
    - Võng mô cậu bị biến chứng cận thị nặng. Cậu có nhìn có thấy gì bất thường không?
    - Thỉnh thoảng mắt lóa một chút thấy một hình thành hai, nhưng sau đó lại thấy rõ ngay!
    - Tôi thấy có mạch máu bị "dò huyết thanh". Tôi cho cậu lên Tổng Y Viện Cộng Hòa khám lại!
    Trong thời gian chờ đợi chuyển lên Tổng Y Viện Cộng Hòa, chàng được chuyển qua trại khác. Bạn bè chàng, người nào đầy đủ sức khỏe đều đã được lên xe GMC chở đi Thủ Đức để kịp khóa học quân sự. Ở trạm chuyển tiếp, Long đã chứng kiến thế nào là kỷ luật quân đội! Mấy thanh niên chờ ra hội đồng giám định y khoa không tôn trọng kỷ luật của trại bị hạ sĩ quan phụ trách trật tự đánh đập cho nhừ tử. Là thư sinh quen sống trong không khí tự do, giữa những người trí thức, biết tôn trọng nhân phẩm, những cảnh đánh đập, hiếp đáp trắng trợn làm tâm hồn chàng nhức nhối, đau đớn. Thấy chàng nhăn mặt quay đi, không dám nhìn cảnh người đánh người đó, viên thượng sĩ già nhìn chàng cười chế ngạo:
    - Bác sĩ có khác! Đây mới chỉ là đòn gió thôi, ăn nhằm gì mà cậu nhăn mặt! Ngoài mặt trận còn hơn thế nhiều! Nếu không dùng kỷ luật sắt, thì bọn tân binh nó đào ngũ hết, còn đánh đấm mẹ gì!
    Lên đến Tổng Y Viện Cộng Hòa, Long được bố trí nằm ở phòng chờ tái khám. Phòng lớn, chứa nhiều giường cá nhân. Trong phòng có đủ mọi loại bệnh. Từ người bị cưa chân, cưa tay, tới người bị thương mất một mắt, người bị mổ bụng vì trúng đạn lòi ruột%85Trong khi chàng đang chờ tái khám thì tin chiến sự bỗng sôi sục. Ban Mê Thuột mất. Rồi Huế mất. Quân đội rút về phòng thủ Đà Nẵng. Chàng được gọi lên Khu Nhãn Khoa khám mắt lại với đồng tử nở rộng bằng thuốc nhỏ mắt Atropine. Người khám chàng là bác sĩ Hạnh. Vị bác sĩ này chàng quen. Lúc chàng mới vào học năm thứ nhất y khoa, anh học năm thứ sáu. Anh lại cùng học Anh văn với chàng ở Hội Việt Mỹ đường Phùng Khắc Khoan. Bác sĩ Hạnh nhận ra chàng ngay nên đối đãi có phần thân mật:
    - Mắt Long bị cận hơi nặng đó!Anh Mạnh ở Trung Tâm 3 ghi đầy đủ biến chứng đây nầy. Mình khám cũng thấy đúng như vậy! Nhưng để anh Cảnh ảnh khám lại một lần nữa cho chắc ăn, rồi mới đưa ra Hội Đồng nghe. Hoãn dịch cho bác sĩ có phần khe khắt hơn người thường, đừng nản lòng!
    Long thở dài:
    - Em ở đây cũng gần một tháng rồi!
    Bác sĩ Hạnh cười an ủi:
    - Có mất hai tháng cũng còn hơn đi lính! Về nhà cậu hốt bạc lại mấy hồi!
    Long cười buồn, không nói gì.
    Tình hình chiến sự diễn tiến nhanh quá ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Cộng quân đã chiếm được Nha Trang. Sài-gòn đang bị bao vây. Sinh hoạt của dân thủ đô bắt đầu hỗn loạn. Có người đã bỏ chạy ra nước ngoài. Những chuyến xe buýt sơn màu vàng đang hối hả chở nhân viên làm sở Mỹ và thân nhân ra phi trường Tân Sơn Nhất để lên máy bay di tản ra đảo Guam. Sáng nay chàng được đi tái khám mắt ở Khu Nhãn Khoa. Trong khi ngồi chờ tới lượt mình, chàng biết được một số tin tức hành lang: có một số bác sĩ ỡ Tổng Y Viện cũng đã chuồn êm, các cuộc tái khám có thể hoãn lại vì thiếu bác sĩ! May cho chàng là bác sĩ Cảnh, trường Khu Nhãn Khoa, người khám mắt chàng vẫn còn ở lại. Sau khi khám, Bác sĩ Cảnh nhìn chàng cười:
    - Cậu may rồi! Mắt cậu bị biến chứng ở võng mạc, tôi đề nghị cậu hoãn dịch một năm!
    Nhưng nụ cười không giữ lâu trên môi ông, Mặt ông chợt buồn, giọng trầm xuống, khác hẳn giọng tươi vui chỉ cách đây có mấy giây:
    - Nhưng với tình hình này, không biết cậu có còn trở lại đây để tái khám nữa không!
    Long chợt kinh hãi:
    - Anh nói thế là sao?
    Mắt bác sĩ Cảnh xa vắng:
    - Sài-gòn đang trong tầm pháo của Việt Cộng, chúng ta bị bao vây rồi!
    Ở Khu Nhãn Khoa về, mặc dù biết chắc mình sẽ được hoãn dịch, chàng không thấy vui, lòng hoang mang dữ dội. Về đến phòng, sửa soạn đi lĩnh cơm thì có người lính đi vào gọi lớn:
    - Có ai tên Lê đăng Long ở đây không, có người nhà cần gặp.
    Long mừng rỡ, lên tiếng:
    - Long là tôi đây!
    Người lính lại gần chàng:
    - Bác sĩ theo tôi. Có bác sĩ Bửu đang chờ!
    Chàng phân vân không biết chuyện gì xảy ra. Nhưng khi nhìn thấy "bác sĩ Bửu", chàng vỡ lẽ ra ngay: "bác sĩ Bữu" là hàng xóm chàng. Vừa thấy chàng, anh bác sĩ Bửu, cũng là bác sĩ Tổng Y Viện, nói ngay:
    - Bà cụ mẹ em nhờ anh đón em về nhà ngay. Tình hình hiện nay không ổn rồi. Gia đình anh sửa soạn theo gia đình ông tướng. Mẹ con em có muốn theo anh, anh sẽ giúp. Nhưng chuyện trước hết là em phải thoát khỏi nơi này ngay!
    Chàng chưng hửng:
    - Nhưng em được anh Cảnh cho hoãn dịch một năm. Chờ ra Hội Đồng Miễn Dịch lấy giấy tờ đã chứ?
    Bác sĩ Bửu bật cười:
    - Chú ngây thơ quá! Đến phút này, mấy "thầy" chạy gần hết rồi, ngồi đó mà chờ ra Hội Đồng!
    Về đến nhà chàng ôm chầm lấy mẹ. Mẹ chàng khóc nức nở:
    - Ôi! Con của mẹ đã về! Cám ơn bác sĩ Bửu! Mẹ sợ quá, cứ nghĩ quẩn là con không còn bao giờ về với mẹ nữa! May nhờ trời thương mẹ con ta lại đoàn tụ! Con có muốn đi với Bác sĩ Bửu không?
    Chàng dẫy nẩy:
    - Khoan đã mẹ! Để con gặp em Khuyên cái đã!
    Bà Văn chợt nghiêm mặt:
    - Con khỏi phải tìm kiếm chi, vô ích! Khuyên đã cùng gia đình di tản qua đảo Guam rồi!
    Chàng nghi ngờ:
    - Sao lại có chuyện đó được hở Mẹ? Nàng yêu con lắm mà!
    Mẹ chàng ngậm ngùi:
    - Để mẹ kể đầu đuôi cho con nghe. Vành Khuyên nó yêu con thật tình, Mẹ không chối cãi điều đó. Chính vì thế, Khuyên đã tuyệt tình với con!
    Chàng tròn xoe mắt nhìn sững mẹ:
    - Mẹ nói con không hiểu!
    - Thế này nhé, con còn nhớ thử nghiệm máu của Trọng, anh Vành Khuyên, con nhờ giáo sư Bùi Công gởi đi Hoa Kỳ xem giúp không?
    - Vâng! Có kết quả rồi hả Mẹ?
    - Lúc kết quả về. Con còn ở trong Tổng Y Viện Cộng Hòa. Giáo sư Công gọi về nhà bảo con đến gặp ông. Mẹ nhờ Khuyên đi thay con. Ở phòng thí nghiệm giáo sư Công về, Khuyên đưa cho mẹ tờ kết quả và khóc nức nở. Mẹ hỏi duyên cớ. Em đáp "Giáo sư Công bảo anh Trọng mắc bệnh Huntington, là bệnh di truyền, do di thể tính ưu. Trai gái gì cũng bị hết. Mẹ cháu hay đau ốm như vậy, vì chính là mẹ cháu mang mầm bệnh và truyền bệnh lại cho chúng cháu. Nếu anh Long lấy cháu, các con của chúng con cũng sẽ bị bệnh hết!". Mẹ giật mình hỏi tiếp: "Thế cháu quyết định thế nào?". Khuyên thẳng thắn trả lời mẹ: "Con đã quyết định sẽ xa anh Long! Anh Long là con trai duy nhất của bác để nối giõi tông đường. Con không thể làm hại anh!"
    Mẹ cám ơn Khuyên đã có quyết định cao thượng đó. Trước khi cùng cả gia đình di tản qua đảo Guam, em có đến từ giã mẹ và chúc phúc cho con sẽ lấy được người vợ hiền và sinh con đẻ cái khỏe mạnh đầy đàn!
    Chàng nói giọng nghẹn ngào:
    - Tại sao giáo sư Công lại nói chuyện ấy ra cho Khuyên biết làm gì? Nhưng giáo sư không nói hết tất cả sự thật! Vì vẫn còn một số con cái có cơ hội thoát khỏi bệnh di truyền và sống mạnh khỏe cơ mà? Giáo sư Công ác quá! Con dễ gì tìm được người vợ như Khuyên hở mẹ?


    5 Năm năm sau ngày Cộng quân chiếm Sài-gòn, Long vượt biên được qua Mỹ. Một hôm trong khi đi nghỉ hè ở Toronto, trong khu chợ Tàu, tình cờ chàng bắt gặp lại Vành Khuyên. Vừa thoáng thấy chàng, nàng toan lánh mặt. Chàng không bỏ lỡ cơ hội, chạy ra chận trước mặt nàng:
    - Đừng Khuyên! Anh tìm em cả hai năm trời nay, từ ngày anh qua Mỹ đến giờ!
    Nàng nói giọng đầy nước mắt:
    - Anh còn làm khổ em làm gì nữa! Em yêu anh hơn hết tất cả mọi thứ trên đời này, vì thế em đành hy sinh để anh có con khỏe mạnh nối dõi. Em vẫn ở vậy, đâu có lấy ai! Đời em chỉ có mình anh là em yêu thôi!
    - Những điều giáo sư Công nói với em không hoàn toàn đúng hết đâu. Hồi đó anh có đọc sách và biết bệnh đó vẫn còn có cơ hội thoát hiểm mà. Chứng cớ là đến bây giờ em còn khỏe mạnh đây này!
    - Em mới có 27 tuổi, bệnh còn đang chờ em mà! Anh Trọng mất rồi, lúc mới qua đây chưa đầy một năm. Mẹ em sau đó mấy tháng cũng đi theo luôn. Phẫu nghiệm tử thi xác nhận anh Trọng và mẹ đều bị bệnh Huntington!
    Mắt chàng chợt sáng lên:
    - Còn em? Họ có thử tìm bệnh trên di thể của em chưa?
    Mắt nàng nhìn xuống đất, tránh né:
    - Để làm gì hở anh? Không có anh ở đây, có hay không có bệnh cũng không cần thiết nữa!
    Chàng ôm chầm lấy nàng, hôn lấy hôn để, mặc cho khách đi đường nhìn đôi tình nhân mỉm cười thông cảm, bước nhanh. Vừa hôn nàng, chàng vừa nói:
    - Cho anh một cơ hội! Đi với anh đến phòng mạch của một người bạn gần đây. Lấy máu em để thử nghiệm xem sao nhé?
    Nàng không nói, ôm chặt lấy chàng, nước mắt lại tràn ra.
    *


    Lời tác giả: Truyện ngắn trên chỉ là sản phẩm hư cấu. Bối cảnh và sự kiện có thể dựa vào sự thật. Nhưng các nhân vật hoàn toàn là do trí tưởng tượng. Nếu trong muôn một, có sự trùng hợp với nhân vật ngoài đời. Đó chỉ là sự ngẫu nhiên, ngoài chủ ý của tác giả. Trân trọng kính cáo.

    3/10/2000
    MINH TƯỜNG

    Similar Threads
Working...
X
Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom