• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

ĐƯỜNG THÀNH NỘI - KỶ NIỆM TRONG SUỐT

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • ĐƯỜNG THÀNH NỘI - KỶ NIỆM TRONG SUỐT


    Huế - buổi sáng vào Thành Nội thăm thầy cũ.
    Những con đường Thành Nội vẫn đẹp trầm lặng, u tịch. Đường Đoàn Thị Điểm đến nhà thầy được gọi là đường phượng bay. Tôi không thấy phượng bay chỉ thấy màu xanh của hàng cây rợp bóng dịu êm và thỉnh thoảng những chiếc lá lìa cành, sà xuống rơi trên mặt đường. Đinh Công Tráng - đường đến nhà thầy thật dễ thương. Trước mặt có một quán cà phê – u tịch trầm lặng.
    Thành nội cố hữu vẫn vậy, không cơi nới, và trong vẻ u tịch của đường sá, hàng cây, mái ngói tôi tìm thấy sự trầm lắng thanh tịnh như một thái độ chấp nhận với sự kiêu hãnh của nó. Vào nhà thầy, chờ một lúc mới gặp được thầy vì thầy bận đi đâu đó chưa về. Hai thầy trò nói chuyện, vẫn là những mãng cây nhà lá vườn - văn chương triết lý, nhắc lại một thời kỳ dạy triết học tại nhà trường. Ngậm ngùi nhớ lại thời đại học, được học với các giáo sư giảng dạy Lê Tôn Nghiêm, Nguyễn Đăng Thục, Trần Văn Toàn, Nguyễn Văn Trung, Lâm Ngọc Huỳnh, Linh mục Nguyễn Ngọc Lan, Thượng toạ Thích Mãn Giác, cụ Giản Chi Nguyễn Hữu Văn, Linh mục Nguyễn Tiến Huynh, Thầy Nguyễn Đình Hoan, cô Trần Thị Như Quê, …
    Nói chuyện với thầy hồi lâu, rất vui thầy nhắc tới anh Hiền với thái độ ngưỡng mộ vì tính cách và sự dứt khoát trong mỗi lần đi chấm thi tú tài 2 bộ môn triết, khi họp để thống nhất ba rem bảng điểm.
    Còn tôi lại nhớ thầy với hình ảnh ngày xưa cách đây 54 năm, thầy trẻ trung, là thanh niên 26, 27 tuổi, trong lớp học, thầy tựa góc bàn học sinh, nói chuyện về triết học - phân tích khái niệm hiện hữu, vấn đề sinh mệnh con người với câu nói dứt khoát: “sống là thỏa hiệp với cái chết”, cứ mỗi ngày qua là ta bước lần tới cái huyệt chôn mình !
    54, 55 năm trôi qua, giờ đây thầy 82, trò đã 72 tuổi. Một thầy, một trò ngồi trao đổi vài mẫu chuyện, vài kỷ niệm. Hai thầy trò nói về truyền thống của Socrate, người thầy đồng thời cũng là người bạn. Trong tương quan đó, vai trò của ông thầy là giúp đỡ tha nhân, giúp đỡ học trò tìm lại chân lý đã bị lãng quên. Thầy nhắc lại một câu nói: Tôi chỉ biết một điều, ấy là tôi không biết gì cả ! đó cũng là thái độ của nhà hiền triết. Một thái độ khiêm tốn và là động cơ cho sự tìm hiểu tiếp theo. Bởi vì bản chất của triết học là hành trình, tìm kiếm trong vô tận. Triết học đặt vấn đề, khoa học trả lời nhưng trong mỗi câu trả lời lại phát sinh ra câu hỏi mới, cứ thế câu hỏi mãi mãi phát sinh !
    Mời thầy đi uống cà phê, thầy nói mình không có thói quen cà phê nữa, bỏ lâu rồi. Thú vui của thầy bây giờ là săn sóc vườn cây vừa giải khuây vừa kiếm thêm tiền !
    Từ giả thầy ra về với một niềm vui. Thầy khỏe mạnh và tự tin.
    Ng. M gọi điện, tôi nói tui đang đến nhà ông TTQB đây, đến đó ra quán cà phê sẽ gọi M nghe ! Ng.M đồng ý.
    Đường Lê Huân hiện ra với kỷ niệm còn nóng hổi, mới ngày nào cha vẫn hay chở tôi vô ngoại, đi trên đương này, những bức tường của hoàng thành vẫn theo dõi hai cha con ! Những thảm cỏ xanh ngày xưa bây giờ cũng thế, không thay đổi – xanh mướt, dịu dàng. Tính ra đã trên 60 năm rồi. Nhớ ngôi nhà của dì Sâm ở đường Nguyễn Trãi, gần Cửa Sập. Nhớ hai cây khế ngọt mà mỗi lần vô kỵ ôn ngoại ở đường Yết Kiêu là thế nào cũng men theo bờ hồ bên trái dọc theo Nguyễn Trãi đi bộ lên nhà dì để hái cho bằng được. Ôi kinh khủng thời gian. Những người thân yêu của tôi bây giờ còn ai ?
    Đường Nguyễn Thiện Thuật - nhà TTQB đã hiện ra. Tôi quẹo trái và thẳng đến số nhà đã cho. Hai bên đường, những ngôi nhà cổ, 3 căn, mái ngói sà xuống thấp với sân vườn rộng, những cây trồng thẳng lối, sắc màu của hoa lá nhìn đẹp, lãng mạn như tranh vẽ. Đến đúng nhà, đã thấy TTQB chờ trước cổng. Cả hai nở nụ cười chào vui.
    U chao nơi chốn của B thơ mộng với vẻ trầm lắng yên tỉnh. Ngôi nhà chính 3 căn, mái hiên đưa ra thấp, chung quanh bao quát vẻ bạt ngàn của cây lá. Tôi nói: Cậu ở đây một mình ? Bà xã, con cái đâu? Con ở Sài Gòn hết. Mình với bà xã thôi. Tôi nói, yên tỉnh nhưng mà buồn. Ừ mà có khi nào yên tỉnh lại vui. Cả hai kéo nhau ra góc đường Nguyễn Thiện Thuật uống cà phê. Tôi gọi điện thoại cho Ng. M chỉ chỗ. Chốc sau M đến. 3 đứa ngồi nói chuyện ngày xưa. B kể chuyện ngày tháng học Luật, không khí sôi nổi của những lần sinh viên chơi trò dân chủ, ra ứng cử ban đại diện, rồi có màn tố cáo gian lận, vui thiệt, bầu lại. Nhân chuyện nầy, B nhắc lại những nhân vật làm mình chợt nhớ: Nguyễn An Chuyên, Nguyễn Duy Cân, Vọng, …một thời tranh đấu trâu đánh !
    Đã gần 11 giờ mà tưởng như còn sớm bởi Thành nội cây xanh nhiều, những tàng cây cao che bóng mát như mái nhà, ngỡ như chưa trưa, trời mát dịu …
    M và tôi từ giã B ra về, M tiễn tôi một đoạn đường đến Mai Thúc Loan. M nhắc tôi sửa lại một vài chỗ bị nhầm trong bài viết của tôi: Nguyễn Bỉnh Khiêm lại nhầm là Ông Ích Khiêm, Hoàng thành lại ghi là Tử Cấm Thành. Ừ để tau sửa. Đó là triệu chứng của tuổi già rồi mi hí !
    Tôi đi theo đường Mai Thúc Loan ra cửa Đông Ba quẹo phải ra Ngã Giữa về cầu Gia Hội đến Phương Lan.
    Những con đường của Huế ...
    Kỷ niệm trong suốt đến ngậm ngùi.
Working...
X
Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom