Trời đang nắng ấm bỗng nhiên tối sầm xịu mặt ủ rũ và mưa, gió đổi chiều chuyển qua lạnh. Bây giờ là những ngày cuối tháng ba. Ha ! tôi nhớ ra rồi, năm nào cũng có đợt mưa lạnh vào độ này, mọi người vẫn gọi là rét nàng Bân. Rét nàng Bân là cái chi. Nàng đây là một đại từ chỉ người ? Nàng Bân hay nàng nào đi nữa nhưng trong ký ức tôi vẫn không quên cách đây 46 năm, cũng vào dịp này, cũng thời tiết thế này, cũng mưa lâm râm, lạnh, đường sá ướt sũng và mọi người ai nấy buồn xo vì đang sống trong không khí của sự sợ hãi lo âu. Đó là những ngày sau 29 tháng 3 và ... Thôi không nhắc tới nữa ... Vậy mà đã 46 năm rồi ! Khiếp !
Không nhắc những chuyện bi thương nhưng có một chuyện làm tôi ghi nhớ mãi trong ký ức hình ảnh một em học sinh, học trò của tôi đã làm tôi cảm động và cứ áy náy mãi.
Sau tháng 3 năm 1975, Uỷ ban Quân quản vào điều hành thành phố, tôi nhớ hồi ấy có thông báo: Tất cả các xe động cơ: mô tô, Hon đa, xe hơi, ... đều phải có giấy chủ quyền sở hữu xe mình đang xử dụng, ai không có phải đến trình báo và phải có người chứng nhận là xe đó là của mình trước đây (nghĩa là trước 29 tháng 3 năm 75). Dạo ấy tôi mua chiếc Honda dame tại Huế của một ông làm ở đài phát thanh Tự Do Huế, do ông anh của tôi giới thiệu, tôi còn nhớ tên của ông đó là Đỗ Văn Vân, vì quá quen và chưa có thời gian làm giấy sang tên, tôi lấy thẻ chủ quyền mang tên ông và dùng xe đi dạy tại Đà Nẵng vô tư. Sau khi nghe thông báo của Uỷ ban Quân quản, tôi vội mang giấy tờ xe và đến trình diện tại Uỷ ban, tôi nhớ Uỷ ban này nằm đâu ở đường Trần Quý Cáp hay Phan Bội Châu, gần nhà. Tôi bước vào đến gặp người mình trình báo. Thật bất ngờ, người đó thì ra lại là một em học sinh của tôi học lớp 12 C trường Trung học Hoà Vang. Tôi thật lúng túng và hơi lo vì em này trước đây đã bị tôi cho lên nằm trên bục giảng đánh 3 roi mây (roi mây của thầy Phạm Vinh) vì lý do đơn giản là tờ báo đặc san phát hành dịp tết đã cho đăng quá nhiều những bài thơ tình nhãm nhí mà trước đây khi họp Ban Báo chí tôi đã lưu ý với các em là nội dung của đặc san nói lên hiện tình đất nước với cuộc chiến càng ngày khốc liệt do đó các em không được đăng nhiều những bài thơ tình thuộc loại nhãm nhí không nói lên thực trạng của quê hương. Tờ đặc san được in ra với hình bìa do hoạ sĩ Đoàn Văn Toàn thực hiện và sẽ được mang đi bán cho HS các trường . Trước khi đánh roi, tôi họp lại ban báo chí và nói rõ, phân tích lỗi của các em, sau đó tôi hỏi lỗi như vậy bây giờ các em đã nhận ra chưa ? Các em trả lời là đã nhận rõ. Tôi nói vậy thì có lỗi tôi phải phạt để cho nhớ. Vậy các em trong ban báo chí mỗi em sẽ lên nằm trên bục giảng và lãnh 3 rôi mây. Các em có đồng ý không ? Tất cả đều đồng ý. Vậy là OK, tôi cho một em HS xuống mượn cây roi mây của thầy Phạm Vinh và cứ thế mỗi em lãnh 3 roi.
Bây giờ đây, chính người mà tôi trình báo lại là em Trưởng ban báo chí lớp 12C Nguyễn Văn Ý.
Em Nguyễn Văn Ý thấy tôi vội vã đứng dậy chào:
- Thưa thầy ! Chẳng hay thầy đến đây có việc chi ?
Tôi nhìn em thoáng chút bối rối. Tôi chưa trả lời ngay mà hỏi em:
- Vậy hôm trước tôi đã phạt em 3 roi em có giận không ?
Em Ý trả lời không chút lưỡng lự:
- Thưa thầy thầy phạt em rất đúng,sao lại giận thầy. Chắc thầy đến đây là có việc chi rồi, thầy hãy nói để em giải quyết cho thầy.
Lúc này tôi mới thấy nhẹ lòng và nói:
- Ừ thầy có chiếc Honda dame dùng đi dạy chắc em cũng biết rồi. Thầy mua của người ta tận ngoài Huế mà không làm thủ tục sang tên cứ cầm giấy xe mang tên họ để xử dụng. Chừ có thông báo, thầy ra đây may lại gặp em. Em giúp thầy chứng nhận cho thầy.
- Không sao để em ký chứng nhận cho thầy.
Thế là xong việc. Tôi ra về cứ loay hoay mãi chuyện em Nguyễn Văn Ý. Trong hoàn cảnh tranh tối tranh sáng như thế, sau ngày 29 tháng 3 nếu em Ý có suy nghĩ nông nổi thì chắc tôi cũng lãnh đủ theo em rồi !
Sau này tôi có gặp lại các em HS học 12C và hỏi thăm về em Ý thì được biết em đã vượt biên rồi !
U chao, chẳng biết ra sao nữa, cầu mong em trót lọt và bình yên !
]"]Log into Facebook