Hút mật họng nâu.
Tên em đúng là vậy. Nhưng có người thêm trong ngoặc là (Đỗ Quyên), đôi lúc gọi em là Đỗ Quyên như tên một loài chim riêng rẽ hay “hút mật đỗ quyên”. Nhưng chim Đỗ Quyên là chim nào, hình dạng nó ra sao ? Có phải em này không? Hỏi tới đây thì không biết đường trả lời!
Thật ra, trong ca dao Việt Nam, Chim Quyên xuất hiện nhiều nhưng ít thấy hình:
Chim quyên ăn trái nhãn lồng/ Thia lia quen chậu, vợ chồng quen hơi
Chim quyên đậu miếu thổ thần/ Ở xa thấy một cặp, nhưng lại gần chỉ một con
Chim quyên hút mật bông quỳ/Nam Kỳ lục tỉnh thếu gì gái khôn…
Đến khi Nguyễn Du nhắc đến “quyên” trong Kiều mới là đề tài cho nhiều nhà nghiên cứu xác định quyên là ai:
… Đầu cành “quyên” nhặt, cuối trời nhạn thưa (câu 556)
…Dưới trăng “quyên” đã gọi hè.. (câu 1307).
Từ hai lần xuất hiện trong Kiều, “quyên” dần dần trở thành loài chim với nhiều tên khác do tầm hiểu biết thông thái và suy luận rất lôgic của những nhà Kiều học nổi tiếng, và cả những nhà nghiên cứu từ điển cũng phán đoán về “quyên”.
]"]Link
Có hai hướng phán đoán, một “quyên” là chim tu hú (Đào Duy Anh, An Chi…), hai “quyên” là chim cuốc (Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim, Trúc Viên Lê Mạnh Liêu, Nguyễn Thạch Giang…), còn có hướng đặt tên quyên thành Đỗ Quyên từ tích xưa có nhà vua bên Tàu thời chiến quốc tên Đỗ Vũ, khi chết hoá thành chim quyên. Do ông họ Đỗ nên gọi là Đỗ Quyên, nhiều khi kêu tên chim là Đỗ Vũ để nhớ ông cho trọn…..
Cũng có người dẫn chứng Kiều của Nguyễn Du đã ghi rõ “Khúc đâu êm ái xuân tình (câu 2361)/ Ấy hồn Thục Đế hay mình Đỗ Quyên (câu 2362)” để xác nhận có chim Đỗ Quyên.
Riêng nhà nghiên cứu nổi tiếng Nguyễn Quảng Tuân lại cho rằng:”…Sự thực thì chim quyên là một giống chim khác hẳn với chim cuốc và chim tu hú. “Chim quyên 鶰 có tên khoa học là Acredula trivirgata, là một loài chim hay hót, có đuôi dài, đầu lông sắc trắng, trên lưng lông màu đen, dưới bụng lông màu trắng, hai cánh lông màu trắng hoặc lốm đốm trắng, mùa hè ở trên núi rừng, mùa thu bay thành đàn xuống đồng bằng, thích ăn sâu bọ và hay hót…” Tuy vậy, năm 1995, khi khảo đính và chú giải quyển Truyện Kiều (Nxb KHXH), Nguyễn Quảng Tuân đã không còn nhắc đến con Acredula trivirgata nữa. Và ông đã nhận rằng “chim quyên tức đỗ quyên” (tr 103). Nguồn Kiến Thức Ngày Nay số 203, ngày 20-3-1996, Face An Chi đăng lại ngày 21/7/2011
Chim Quyên hay Đỗ Quyên thực ra là chim gì? nơi xuất phát là truyện Kiều không mô tả rõ. Nhưng những nhà thơ văn và từ điển sau này mới gợi ý là tu hú hay chim quốc…và Đỗ Quyên…
Trao đổi trên cho thấy, riêng “quyên” thôi đã là điều rất thú vị cho nền thơ văn Việt Nam vốn chịu nhiều ành hưởng từ đủ mọi trường phái! Đúng sai không dám bàn, vì mình chỉ chụp chim chứ không nghiên cứu thơ văn.
]"]Link
Với các nhà phân loại chim học, không thấy nói về Quyên hay Đỗ Quyên. Hình trên chính là Hút mật họng nâu, tên khoa học của nó là Anthreptes malacensis (Scopoli, 1786). Nhưng nhiều người vẫn ghi chú là chim Đỗ Quyên theo dân gian, nên tạo ra lầm lẫn..