Sau khi người sinh viên cuối cùng ở trọ nhà chú thím tôi bị gọi nhập ngũ, căn phòng nhỏ trên lầu để trống. Có một vài người tìm đến hỏi mướn nhưng họ có gia đình, thím tôi không chiụ. Thời gian này, căn phòng biến thành chỗ ngủ của tôi và chị vú Ba. Khoảng hai tháng sau, một người đàn ông độc thân đến hỏi mướn. Thím tôi ra điều kiện thật khắt khe nhưng ông khách vẫn đồng ý hết. Ngày hôm sau, ông khách dọn đồ tới ở. Đồ đạc của ông chỉ có mỗi một chiếc va-li cũ kỹ, nghèo nàn. Tôi giúp ông khách mang chiếc va-li lên phòng và luôn tiện dọn những mùng mền của tôi xuống nhà dưới.
Căn phòng trên lầu đã có khách mướn, tôi lại phải xuống dưới bếp ngủ chung với chị vú Ba trên bộ ván chật chội. Cũng may là chỉ hai ngày sau, chị vú Ba làm reo không chịu ngủ dưới bếp, thím tôi sợ chị nghỉ việc không mướn được người khác nên đành phải nhượng bộ mua cho chị một chiếc ghế bố để chị ra nằm ngoài phòng khách. Nhờ vậy, tôi được độc quyền bộ ván dưới bếp, thoát được cái cảnh ngủ chung chật chội, khó chịu và nhất là khỏi phải nghe những chuyện nhảm nhí, tục tĩu mà trước đây gần như đêm nào chị vú Ba cũng bắt tôi phải nghe. Tôi không hiểu tại sao chị vú Ba lại thù ghét thím tôi sâu xa như vậy. Không lúc nào chị không xui tôi trốn khỏi gia đình nầy để đi kiếm một việc làm vừa có tiền mà lại vừa nhàn hạ hơn.
“Cô tin tôi đi. Như cô mà đi bán Bar thì chỉ chừng một năm là có xe hơi nhà lầu liền.” Chị bảo với tôi như vậy và sẵn sàng giới thiệu tôi đi làm nếu tôi muốn. Trước những lời lẽ bậy bạ đó, tôi chỉ lắc đầu trả lời cho chị biết là tôi không muốn rời khỏi gia đình chú thím tôi mặc dầu tôi ở đây có bị đối xử khổ hơn một con vật. Chị vú Ba bĩu môi chê tôi là một con bé vừa ngu vừa gàn.
“Cô tưởng cô ở đây làm ăn chăm chỉ ngoan ngoãn rồi ông bà ấy kiếm chồng cho cô chắc?”
Tôi nói tôi không nghĩ đến chuyện ấy.
“Như vậy cô ở lại đây làm gì? Cô là cháu ruột mà ông bà ấy đâu có coi cô là cháu lúc nào đâu? Người ta chỉ lợi dụng cô để làm một thứ ở đợ không công mà thôi! Thiệt, tôi chưa thấy có người nào tàn tệ như bà thím cô đó!”.
Tôi thở dài cắt nghĩa cho chị vú Ba biết rằng tôi đã chịu ơn chú thím tôi từ nhỏ. Nếu không nhờ được ông bà đem về nuôi thì chưa chắc gì tôi còn sống được đến ngày hôm nay. Vì vậy, tôi có bổn phận phải ở đây để trả cái ơn đó cho chú thím tôi.
“Nhưng cô đã ở đây bao nhiêu năm rồi, còn gì nữa? Cô không nghĩ đến tương lai sao? Năm nay, cô cũng đã mười bảy tuổi rồi chớ đâu còn bé bỏng gì nữa?”
Tương lại của tôi? Tôi cố ngăn một tiếng thở dài khi nghĩ tới điều đó. Câu nói của chị vú Ba nhắc tôi nhớ đến thân phận hẩm hiu của tôi với mười bảy năm sống kiếp ăn nhờ ở đậu. Từ lúc hiểu biết tới giờ, tôi chưa hề được gặp cha mẹ tôi lần nào. Nghe thím tôi kể lại thì tôi là đứa con riêng của cha tôi. Mẹ tôi là một vũ nữ nổi tiếng một thời của Sàigòn mười tám năm trước. Chính vào thời kỳ rực rỡ nhất trong đời vũ nữ, mẹ tôi đã gặp cha tôi. Bà từ giã vũ trường, về làm vợ cha tôi, không hôn thú, không một nghi lễ nào hết vì bên gia đình cha tôi không đồng ý cuộc hôn nhân này. Tôi ra đời trong sự lạnh lẽo của mọi người thân yêu bên nội cũng như bên ngoại. Ít lâu sau, không hiểu vì chuyện gì – có lẽ vì cuộc sống vất vả, túng thiếu của cha mẹ tôi từ khi có thêm tôi ra đời, đó là theo lời kể lại của thím tôi – mẹ tôi để tôi lại cho cha tôi rồi trở lại vũ trường. Cha tôi đành mang tôi lại gửi chú thím tôi nhờ hai người nuôi giùm. Bấy giờ, chú thím tôi chưa có con nên vui vẻ nhận ngay.
Sau khi gửi tôi cho chú thím tôi rồi, cha tôi bỏ sang Cam Bốt làm ăn, từ đó bặt in. Người thì nói là cha tôi theo một đoàn buôn lậu và đã bị lính bắn chết khi đi ngang biên giới. Người thì lại kể với chú thím tôi là hiện giờ cha tôi đang ở bên Thái Lan, lấy vợ người Thái và đang sống tại một tỉnh miền Đông Bắc Thái Lan. Tôi nghe những chuyện đó thật dửng dưng xa lạ như nghe chuyện một người khác, không có liên quan gì tới mình. Mà thật vậy, từ hồi nào tới giờ tôi sống trong nỗi cam phận buồn rầu đã quen mất rồi, chẳng một chuyện gì có thể làm cho tôi băn khoăn, thắc mắc.
Cha tôi hiện ở đâu, mẹ tôi hiện là ai, còn sống hay đã chết, tất cả những vấn đề đó không ở lâu trong đầu tôi quá năm phút. Chỉ đến khi chị vú Ba tới ở nhà này và gợi ra những chuyện đó, tôi mới bắt đầu băn khoăn tìm hiểu về hai người đã sinh ra tôi. Tôi bắt đầu hình dung ra trong trí tưởng khuôn mặt của cha tôi. Tôi đứng lại lâu hơn trước tấm gương soi trong phòng tắm để ngắm nhìn khuôn mặt của mình – vì theo lời thím tôi nói thì tôi rất giống mẹ tôi.
Những ưu tư bắt đầu đến với tôi trong giấc ngủ mỗi đêm.
Ông Cầm – tên ông khách mướn căn phòng trên lầu – dọn tới ở vậy mà đã được một tháng. Tôi chưa thấy một người khách mướn nhà nào kỳ cục như ông Cầm. Mấy người ở trước, kể cả ba cậu sinh viên, họ ồn ào bao nhiêu thì ông Cầm trái lại trầm lặng bấy nhiêu. Đến nỗi, tôi có cảm tưởng là ông ta chỉ là một cái bóng ở trong nhà này. Buổi sáng, ông đi thật sớm – không biết đi những đâu – Chiều tối mới về. Ông đi ngang qua nhà dưới nhẹ nhàng đến nỗi một tiếng động nhỏ cũng không hề có. Khi lên tới phòng rồi, ông khoá ngay cửa lại và ở lỳ trong đó suốt thời gian có mặt tại nhà. Một tháng trời ông đến ở đây, tôi không nghe thấy một tiếng động lớn nào trong phòng. Cũng không có một người khách nào tới kiếm ông nữa. Như vậy thành ra những điều kiện mà thím tôi buộc ông phải theo lúc đầu là thừa. Ông còn khép mình nhiều hơn cả sự đòi hỏi của thím tôi nữa. Tôi thấy thím tôi tỏ ý hài lòng về người khách này lắm. Khi bà bảo tôi mang biên lai lên thu tiền nhà, bà dặn đi dặn lại là tôi phải hết sức lễ phép với ông. Tôi mang tấm biên lai thu tiền nhà lên gặp ông Cầm vào buổi tối, sau bữa cơm.
Như thường lệ, cửa phòng ông Cầm đóng kín mít. Tôi đưa ta lên gõ nhè nhẹ.
“Chờ tôi một chút”. Tiếng ông Cầm nói vọng ra rồi có tiếng dép nhè nhẹ bước trong phòng. Ông Cầm mở cửa và hơi ngạc nhiên khi thấy tôi. Tuy vậy, ông vẫn mở rộng cánh cửa phòng và mời tôi vào.
Không hiểu sao, tôi thấy hồi hộp lạ thường. Tôi đi theo ông Cầm đến ghế ngồi và ấp úng nói cho ông biết lý do tôi lên kiếm ông. Hình như lúc đó, tôi không được bình tĩnh nên tôi đã phải cố gắng hết sức mới nói được dứt câu. Và câu nói của tôi chắc là lộn xộn lắm, tôi đoán vậy. Ông Cầm mỉm cười, vui vẻ:
– Tôi định sáng mai mang xuống gửi bà chủ. Tiện có cô lên đây, tôi gửi luôn.
Và ông đứng dậy, đi lại bàn viết lấy tiền ra trao cho tôi. Đây là lần thứ nhất, tôi có dịp ngồi lâu với ông Cầm như vậy. Và cũng là lần thứ nhất, tôi được nhìn rõ khuôn mặt của người khách mướn nhà kỳ cục này. Ông đã lớn tuổi rồi chớ không phải còn trẻ như lần đầu tôi nhìn lầm, khi ông mới đến mướn phòng. Có lẽ, ông còn già hơn cả chú tôi nữa. “Vậy mà ông vẫn sống độc thân?”. Ý nghĩ đó khiến tôi chợt thấy tội nghiệp cho ông khách, đồng thời tự thâm tâm, tôi thấy phát sinh một mối cảm tình đặc biệt với ông ta. Tôi hỏi ông Cầm có cần nói gì với thím tôi hay không vì tôi biết là căn phòng này trong mấy tháng mưa có nhiều chỗ bị dột. Nếu cần, tôi sẽ chuyển lời của ông xuống thím tôi để yêu cầu bà cho thợ lên sửa. Nhưng ông Cầm lắc đầu nói không cần. Tôi cầm tiền, đứng lên từ biệt ông. Trước khi ra khỏi phòng ông, tôi có nói với ông là từ này nếu ông có chuyện gì cần, cứ việc xuống kêu tôi. Như là khi ông có việc phải đi khuya chẳng hạn, ông cứ dặn trước, tôi sẽ để cửa chờ. Nhưng ông Cầm như không mấy chú ý tới những chuyện đó. Ông chỉ vắn tắt nói hai tiếng cảm ơn lạt lẽo rồi đứng sẵn một bên cửa để đợi tôi ra. Thái độ hờ hững của ông Cầm làm tôi buồn không ít. Buồn thôi, chớ không hề giận ông chút nào. Tôi cho là ông sống một mình quen rồi nên không muốn bị ai làm rộn và cũng không thích làm rộn ai. Tôi nghiệp cho tôi, ông Cầm đâu hiểu là đối với những người khách mướn phòng trước đây, họ phải năn nỉ tôi hết lời tôi mới chịu giúp họ những chuyện đó. Vậy mà gần như ông đã từ chối sự giúp đỡ tự nguyện của tôi. Nhưng cũng vì vậy mà từ bữa đó, tôi càng để ý tới ông Cầm hơn. Tôi biết được ngày nào ông đi làm và ngày nào trong tuần, ông nghỉ ở nhà. Tôi lại còn tình cờ biết được cả nghề nghiệp của ông nữa. (Ông làm thư ký kế toán cho một hãng buôn ngoại quốc với một số lương hàng tháng khá lớn. Một người bạn của chú tôi đã nói cho chú tôi biết chuyện này). Biết được chuyện đó, tôi không khỏi ngạc nhiên về cái nếp sống đạm bạc, giản dị đến gần như nghèo nàn của ông Cầm. Như vậy, tiền bạc mà ông kiếm được ông đã dùng vào việc gì? Ông dùng vào việc gì mà quần áo của ông, tôi chỉ thấy vỏn vẹn có hai bộ đổi thay; đồ đạc trong phòng ông ngoài những món đồ cần thiết mà thím tôi cho mượn, ông không sắm thêm một món gì hết. Mỗi tháng, tôi lại có dịp lên phòng ông một lần để lấy tiền nhà và lần nào tôi cũng chỉ nhìn thấy chiếc va-li cũ kỹ của ông kê ở góc nhà, món đồ duy nhất của ông mang theo hôm dọn tới đây.
Chị vú Ba thì luôn luôn nhìn ông bằng con mắt ngờ vực. Chị bảo tôi rằng ông Cầm là một thứ người nguy hiểm cần phải đề phòng.
“Cô không nên lên đó nhiều, nguy hiểm lắm”. Chị bảo tôi như vậy mỗi khi thấy tôi từ trên phòng ông Cầm đi xuống. Tôi biết là chị vú Ba vốn không ưa ông khách này. (Từ ngày ông Cầm đến ở, chị không được một đồng nào. Khác hẳn với mấy cậu sinh viên trước kia thường vẫn nhờ chị làm giúp việc này việc nó rồi thưởng tiền cho chị).
Tuy hiểu rõ lý do tại sao chị ghét ông khách nhưng tôi không nói ra. Đối với chị vú Ba, tôi đã có được một kinh nghiệm khôn ngoan này: Đó là sự im lặng. Cho chị muốn hiểu tôi ra sao cũng được. Một con bé ngu, một con bé gàn hay là gì gì đi nữa thì cũng chẳng thiệt hại gì cho tôi hơn.
Những tháng gần Tết, tôi để ý nhận thấy ông Cầm thường về nhà rất muộn. Nhiều buổi gần hết chương trình Ti Vi, tôi mới thấy ông từ ngoài cửa đi vào dáng điệu mệt nhọc, chậm chạp mặc dầu trên môi ông luôn luôn có sẵn nụ cười để chào mọi người trong nhà. Ông lên lầu và còn thức khuya thêm nữa. Nhiều đêm, tôi đã ngủ được một giấc khá dài rồi mà khi tỉnh dậy nhìn lên cửa sổ phòng ông, tôi vẫn thấy đèn còn sáng. Tôi đoán chắc là công việc ở hãng trong những ngày cuối năm quá nhiều ông làm không hết phải mang về nhà để đêm làm thêm. Người ông sút hẳn đi và sự hốc hác làm cho nét mặt của ông càng già thêm. Có những buổi sáng, tôi đang ngủ ngon giấc, phải giật mình tỉnh dậy vì tiếng ho rũ rượi của ông. Cơn ho khốc liệt cho người nghe cái cảm giác xé tim xé phổi của ông đôi khi kéo dài cả giờ đồng hồ. Dầu vậy, sáng sớm tôi vẫn thấy ông xách cặp đi làm như thường lệ. Tôi đau khổ vì thấy mình không thể nào săn sóc ông được đành chỉ ngấm ngầm thương xót ông.
Nhưng nếu tôi băn khoăn lo lắng trước vẻ tiều tụy bệnh hoạn của ông Cầm bao nhiêu thì thím tôi, trái lại, bà đã tỏ vẻ không bằng lòng vì sự thức khuya của ông. Chẳng phải là vì bà lo ngại cho sức khoẻ của ông mà là vì bà nghĩ đến chuyện ông đã xài điện quá nhiều. Đó là một việc vi phạm những điều kiện thuê phòng mà đã giao ước với ông lúc đầu. Bà viết một lá thư sai tôi mang lên cho ông Cầm, nghiêm chỉnh nhắc ông là không nên để đèn sau mười hai giờ khuya. Tuy có cảm tình với ông, nhưng tôi vẫn phải chuyển lá thư đó lên. Tôi đợi lúc ông đi khỏi, nhét lá thư qua khe cửa. Tối hôm đó, tôi thấy ông đi ngủ sớm. Có lẽ là vì lá thư độc địa kia. Dầu không phải là tác giả lá thư đó nhưng tôi cũng vẫn thấy khổ tâm như là chính mình đã gây ra chuyện đó.
Ngày hôm sau tôi thấy ông đem về một cây đèn dầu nhỏ.
Và cũng từ hôm đó, những cơn ho của ông nghe càng dữ dội hơn, dai dẳng hơn. Trước kia, ông chỉ ho vào khoảng gần sáng, giờ ông ho cả đêm. Ông đi làm bắt đầu thất thường chớ không đều đặn như xưa nữa. Có buổi sáng, tôi thấy mười giờ ông mới ra đường. Tôi ái ngại nhìn theo cái bóng dáng xiêu vẹo gần như chỉ chực ngã của ông và nghĩ đến một ngày nào đó, ông sẽ gục ngã luôn không gượng dậy nổi nữa. Trong trường hợp đó thì sẽ ra sao? Tôi tự hỏi như vậy. Ai sẽ săn sóc trông nom cho ông trên giường bệnh? Tôi đem chuyện đó hỏi chị vú Ba.
“Nguy lắm. Như vậy thì nguy lắm!” Chị vú nói, hai con mắt trợn trừng một cách đáng ghét nhìn lên căn lầu. Sau đó, chị thấp giọng làm mặt quan trọng nói tiếp :
– Cô biết không? Ông ta ho lao đó. Ho lao đến thời kỳ thứ ba rồi đó! Coi chừng mà cả nhà này rồi bị lây bênh hết cho mà coi!
Tôi cãi:
– Không phải đâu. Ho này là ho thường. Ho lao khác. Tôi có coi sách rồi, tôi biết.
Chị vú bĩu môi:
– Cô biết cái gì? Tôi có một ông anh bà con cũng ho như kiểu đó, ba tháng sau chở đến bệnh viện rồi đem chôn luôn.
Tôi lắc đầu:
– Tôi không sợ ông ta bị lao. Tôi chỉ tội nghiệp cho ông gần Tết rồi mà đau ốm thì biết trông cậy vào ai?
Chị vú không chú ý tới câu nói của tôi. Chị vẫn quả quyết là ông Cầm bị lao và vấn đề nầy đối với chị quan trong lắm. Chị ngồi im, nghĩ nghợi những gì không biết rồi sau đó bỏ đi. Tôi cũng không để ý tới chị nữa vì thấy chị có ác cảm rõ rệt với ông Cầm, chị đã gán cho ông ta một cái bệnh thật đáng sợ, một cái bệnh sẽ làm cho mọi người phải xa lánh ông. Riêng tôi thì tôi vẫn tin rằng ông Cầm không thể bị bệnh đó được và nếu trong trường hợp được thím tôi cho phép, tôi sẽ sẵn lòng săn sóc cho ông.
Trong bữa cơm tối hôm đó, tôi nghe thím tôi nói với chú tôi về tình trạng sức khoẻ của ông Cầm. Những điều thím tôi nói đều giống hệt như những lời chị vú Ba nói. “Ông ta mắc bệnh lao đến thời kỳ thứ ba rồi đó. Nguy lắm. Nhà mình có con nhỏ. Bệnh ấy lại hay lây. Ông tính sao? Nói khéo để ông ấy dọn đi chỗ khác hay là nhắn người nhà ông ấy tới đưa đi nhà thương?”
Chú tôi là người ba phải. Thím tôi tuy nói là hỏi ý kiến của ông nhưng thật ra bà đã có quyết định rồi. Tôi biết đó là do ảnh hưởng những lời nói độc ác của chị vú Ba.
“Để tôi nói với lão Tâm nhắn người em trai của ông ta tới đây.” Chú tôi nói.
“Thế vợ con ông ta đâu?” Thím tôi hỏi tỏ vẻ hơi ngạc nhiên. Có lẽ đây là lần đầu tiên bà thắc mắc đến một chuyện không có liên quan gì đến vấn đề quyền lợi, tiền bạc. Chú tôi im lặng, nhồi xong píp thuốc rồi mới cho thím tôi biết là vợ ông Cầm chết đã lâu. Ông ta có hai đứa con, gửi cả cho vợ chồng người em nuôi giùm.
“Sao từ ngày ông ta dọn đến ở đây, tôi không thấy con cái ông ta đến thăm lần nào hết?” Thím tôi hỏi tiếp.
“Nghe lão Tâm nói thì hình như ông ta không muốn cho người em dẫn con tới đây. Sợ chúng tới rồi không chịu về nữa. Vả lại, ông ta biết bệnh của mình đã ở thời kỳ nặng. Gần gũi con nhỏ không tốt.”
Nghe chú tôi nói vậy, tôi lặng người đi. Thì ra chị vú Ba nói đúng? Ông Cầm mắc bệnh lao thật? Mà lại ở vào thời kỳ nặng nhất? Tôi nghe chú tôi nói tiếp với thím tôi về cảnh khổ của ông Cầm. Tiền bạc làm được bao nhiêu ông chỉ giữ lại đủ để trả tiền phòng, tiền cơm và tiền thuốc, còn bao nhiêu gởi về cho em để nuôi hai đứa con hết. Buổi sáng nhịn đói đi làm. Từ nhà tới sở xa có tới ba bốn cây số mà ông ta vẫn chịu khó đi bộ. Hồi này ông ta thức khuya như vậy là vì nhận thêm sổ sách của mấy nhà buôn nhỏ về làm để kiếm thêm tiền trong dịp Tết sắp tới. Nước mắt tôi tự nhiên ứa ra. Tôi hiểu tại sao mỗi lần vào phòng ông, tôi đã gặp sự tiếp đón lạnh nhạt của ông! Thì ra ông không muốn cho tôi ở lâu trong phòng vì muốn giữ cho tôi khỏi bị lây bệnh chớ không phải là ông có ý hắt hủi gì tôi. Nếu ông không bị cái bệnh ác độc kia thì có lẽ ông tiếp đón tôi tử tế lắm. Tội nghiệp ông! Tôi bỏ dở câu chuyện của chú thím tôi, không muốn nghe tiếp nữa, lẳng lặng xuống bếp, dấu mặt vào trong tay áo, không cho ai biết mình đang khóc.
Ba ngày sau, người em của ông Cầm được chú tôi nhờ người nhắn tin, đã dẫn hai con đến thăm ông. Không rõ chú tôi nói những gì mà khi người em vừa gặp ông Cầm, anh đã oà lên khóc. Cả hai đứa con ông cũng khóc theo. Chúng ôm lấy cha tưởng như không thể nào gỡ ra nổi nữa. Còn ông Cầm thì nét mặt cố làm ra vẻ lạnh lùng, cằn nhằn người em trai. (Tôi không nghe rõ ông nói gì với người em nhưng tôi đoán có lẽ ông trách anh này tại sao lại đưa hai đứa nhỏ tới đây.) Khi nhận thấy tôi đứng gần đó, ông có ý ngượng ngập kéo hai đứa nhỏ vào trong phòng. Tôi vội bỏ xuống nhà dưới. Một lát sau, tôi thấy ông Cầm dẫn em trai và hai đứa con đi ra phố. Ông sợ, không dám để cho hai đứa nhỏ ở lâu trong phòng mình. *
Ông Cầm trả lại phòng cho thím tôi ngay cuối tháng đó. Bữa đó, tôi phải đi thu tiền hụi cho thím tôi, khi về thì ông Cầm đã đi rồi. Chị vú Ba hoan hỉ ra mặt khi báo cho tôi biết cái tin đó. Tôi vội vã chạy ngay lên lầu. Căn phòng mở rộng, trống trải. Tất cả đồ đạc còn y nguyên, gọn gàng và sạch sẽ. Có lẽ tự tay ông ta đã lau dọn cẩn thận để trả lại cho chủ nhà trước khi đi. Tôi bước vào trong phòng. Lần đầu tiên bắt gặp một cảm giác hoang vu, lạnh lẽo đến muốn khóc. Hình ảnh ông Cầm hiện ra rõ rệt hơn lúc nào hết trong trí nhớ của tôi. Tôi ngồi xuống chiếc ghế mà những lần lên lấy tiền nhà, ông Cầm vẫn mời tôi ngồi. Trong yên lặng, tôi chợt rùng mình nghe nổi dậy những cơn ho rũ rượi của ông…
Khi xuống nhà dưới, tôi nghe thím tôi vừa cười vừa nói với chị vú Ba:
– Tối nay, con Hạnh lại được lên ngủ trên lầu rồi.
Chị vú Ba nói ngay:
– Cô Hạnh có ngủ thì ngủ chớ tôi thì cho vàng tôi cũng xin chịu. Cái bệnh đó nguy hiểm lắm. Nói thật với bà chủ chứ nếu ông ta còn ở đây nữa thì tôi cũng xin nghỉ việc…
Thím tôi át đi:
– Con Hạnh nó khoẻ, đâu có ngại. Chị thì cần phải giữ gìn vì còn em nhỏ nữa. Nếu chị lây bệnh đó thì con tôi làm sao mà tránh khỏi. Chị khỏi cần nói, tôi cũng không đời nào dám cho chị lên đó ngủ đâu.
Chị vú Ba cười:
– Lúc ông ta xách chiếc va-li xuống thang, bà có nhìn thấy không? Trông thật là thảm hại. Như là một bộ xương vậy. Ông ta đi như không muốn nói nữa, lết từng bước một.
Cái cầu thang ngắn như thế mà ông ì ạch có đến nửa tiếng đồng hồ mới xuống được hết! Cái điệu đó chắc ông ta khó lòng mà qua cái Tết này. Bà chủ đuổi được ông ta đi khỏi nhà này là may lắm. Tôi chỉ lo ông ở đây, nói dại có chuyện gì thì phiền lắm…
Thím tôi cười, đắc ý:
– Có tôi thì tôi mới đuổi được ông ta chớ như nhà tôi thì còn lâu…
Cả hai người đàn bà cùng cất tiếng cười, như là vừa gặp một chuyện vui nhất trong đời. Chưa bao giờ tôi được nghe những tiếng cười độc ác, khốn nạn đến thế. Và tôi chạy vụt lên lầu trở lại. Tôi trốn ở trên đó cho tới giờ sửa soạn cơm chiều mới trở xuống nhà dưới.
Đêm đó, tôi mang mùng mền lên ngủ trên căn phòng trống trải đầy hình bóng người đàn ông vừa bỏ đi, người đàn ông đầu tiên đã để lại trong trí nhớ của tôi những ấn tượng đằm thắm nhất. Và cũng là lần đầu tiên, tôi nghĩ đến cha tôi qua hình ảnh người đàn ông đó.
Trong giấc chiêm bao ngắn ngủi gần sáng, tôi bỗng gặp cha tôi, tôi nhìn rõ được mặt ông, thật là kỳ dị, điều mà từ bao năm nay tôi đã kiếm hoài không bao giờ gặp…
Thanh Nam