• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Đại lễ Vu Lan - Bài viết về mẹ

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Đại lễ Vu Lan - Bài viết về mẹ

    Sự tích ngày rằm tháng Bảy


    Tháng 7 còn là tháng mưa Ngâu – gắn với sự tích ông Ngâu bà Ngâu hay còn gọi là tích Ngưu Lang - Chức Nữ.
    Chúng ta cùng tìm hiểu về những sự tích, tập tục đầy tính nhân văn này nhé!



    Xuất xứ lễ Vu Lan

    Xuất phát từ sự tích về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) - cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước.
    Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẫu thân ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi tranh không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng thức ăn đã hóa thành lửa đỏ.
    Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó".



    Thành tâm trước cửa bồ đề

    Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp). Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời.

    Sự tích ngày xá tội vong nhân:
    Sự tích lễ cúng cô hồn như sau: Cứ theo "Phật Thuyết Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni Kinh" mà suy thì việc cúng cô hồn có liên quan đến câu chuyện giữa ông A Nan Ðà, thường gọi tắt là A Nan, với một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu) cũng gọi là quỷ mặt cháy (diệm nhiên). Có một buổi tối, A Nan đang ngồi trong tịnh thất thì thấy một con ngạ quỷ thân thể khô gầy, cổ nhỏ mà dài, miệng nhả ra lửa bước vào. Quỷ cho biết rằng ba ngày sau A Nan sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ miệng lửa mặt cháy như nó. A Nan sợ quá, bèn nhờ quỷ bày cho phương cách tránh khỏi khổ đồ. Quỷ đói nói: "Ngày mai ông phải thí cho bọn ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn, lại vì tôi mà cúng dường Tam Bảo thì ông sẽ được tăng thọ mà tôi đây cũng sẽ được sanh về cõi trên".




    Mâm cúng chúng sinh


    A Nan đem chuyện bạch với Ðức Phật. Phật bèn đặt cho bài chú gọi Là "Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni", đem tụng trong lễ cúng để được thêm phước. Phật tử Trung Hoa gọi lễ cúng này là Phóng diệm khẩu, tức là cúng để bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa, nhưng dân gian thì hiểu rộng ra và trại đi thành cúng cô hồn, tức là cúng thí cho những vong hồn vật vờ không nơi nương tựa vì không có ai là thân nhân trên trần gian cúng bái. Vì tục cúng cô hồn bắt nguồn từ sự tích này, cho nên ngày nay người ta vẫn còn nói cúng cô hồn là Phóng diệm khẩu. Có khi còn nói tắt thành Diệm khẩu nữa. Diệm khẩu, từ cái nghĩa gốc là (quỷ) miệng lửa, nay lại có nghĩa là cúng cô hồn. Ðiều này góp phần xác nhận nguồn gốc của lễ cúng cô hồn mà chúng tôi đã trình bày trên đây. Phóng diệm khẩu mà nghĩa gốc là "thả quỷ miệng lửa", về sau lại được hiểu rộng thêm một lần nữa thành "tha tội cho tất cả những người chết". Vì vậy, ngày nay mới có câu : "Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân".



    Nhưng lễ cúng cô hồn khác với lễ Vu Lan dù được cử hành trong cùng Ngày Rằm. Một đằng là để cầu siêu cho cha mẹ nhiều đời được siêu thoát, một đằng là để bố thí thức ăn cho những vong hồn chưa được siêu thoát, những vong hồn không nơi nương tựa, không người cúng kiếng.

    Sự tích Ngưu Lang – Chức Nữ
    Thuở xưa, có vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng tên là Ngưu Lang, vì say mê nhan sắc của một tiên nữ phụ trách việc dệt vải tên là Chức Nữ nên bỏ bễ việc chăn trâu, để trâu đi nghênh ngang vào điện Ngọc Hư. Chức Nữ cũng vì mê tiếng tiêu của Ngưu Lang nên trễ nải việc dệt vải. Ngọc Hoàng thượng đế giận giữ, bắt cả hai phải ở cách xa nhau, người đầu sông Ngân, kẻ cuối sông.
    Nhưng về sau, Ngọc Hoàng nghĩ lại, thương tình nên ra ơn cho Ngưu Lang và Chức Nữ mỗi năm được gặp nhau một lần vào đêm mùng 7 tháng Bảy âm lịch. Khi tiễn biệt nhau, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt. Nước mắt của họ rơi xuống trần hoá thành cơn mưa và được người dưới trần gian đặt tên là mưa ngâu(thông thường vào tháng Bảy âm lịch) và gọi họ là ông Ngâu bà Ngâu.



    Thời bấy giờ sông Ngân trên thiên đình không có một cây cầu nào cả nên Ngọc Hoàng mới ra lệnh cho làm cầu để Ngưu Lang và Chức Nữ được gặp nhau. Các phường thợ mộc ở trần thế được vời lên trời để xây cầu. Các phường thợ mộc mạnh ai nấy làm, không ai nghe ai. Kẻ muốn làm kiểu này, người muốn làm kiểu kia, cãi nhau chí chóe. Đến kỳ hạn mà cầu vẫn không xong. Ngọc Hoàng bực tức, bắt tội các phường thợ mộc hóa kiếp làm quạ lấy đầu sắp lại làm cầu cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau.
    Bị hoá làm quạ, các phường thợ mộc lại càng giận nhau hơn. Vì thế cứ tới tháng bảy là loài quạ phải họp nhau lại để chuẩn bị lên trời bắc Ô kiều. Khi gặp nhau, nhớ lại chuyện xưa nên chúng lại lao vào cắn mổ nhau đến xác xơ lông cánh.
    Ngưu Lang và Chức Nữ lên cầu, nhìn xuống thấy một đám đen lúc nhúc ở dưới chân thì lấy làm gớm ghiếc, mới ra lệnh cho đàn chim ô thước mỗi khi lên trời làm cầu thì phải nhổ sạch lông đầu. Từ đó, cứ tới tháng bảy thì loài quạ lông thì xơ xác, đầu thì rụng hết lông.
    Có dị bản khác cho rằng tên gọi của Ô kiều là cầu Ô Thước do chim Ô (quạ) và chim Thước (chim Khách) kết cánh tạo ra.

    Nghe nhạc: Bông hồng cài áo



    Ý nghĩa lễ Bông hồng cài áo

    "Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng.Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa".


    (Theo tản văn Bông hồng cài áo của Thiền sư Thích Nhất Hạnh)
    Em ơi lửa tắt bình khô rượu
    Đời vắng em rồi say với ai.
    Similar Threads
  • #2

    Cứ mỗi mùa hè, cháu lại nhớ bà nhiều lắm. Cháu nhớ những ngày nghỉ về quê được bà đun nước lá hương nhu, lá sả với cỏ mần trầu để gội đầu. Bà bảo con gái quý nhất là mái tóc đen và dài, chỉ có gội nước lá mới giữ được mái tóc mượt mà và lại thơm tự nhiên.

    Năm cháu 3 tuổi, mẹ sinh em, bố lại đi làm cả ngày. Bà lặn lội đi hơn 100km lên đón cháu về ở với bà. Bà vất vả, ngày ngày đi chợ rồi lại cặm cụi việc đồng áng, cháu theo sau bà, ai cũng bảo nhìn tội lắm.



    Nhưng chỉ có cháu mới biết, được đi theo bà thật vui biết bao! Mỗi ngày đi chợ về bà đều mua quà cho cháu, khi thì cái kẹo bông, khi thì gói bỏng, lúc thì mấy thứ quả nhà quê… Bà nhìn cháu ăn ngon lành mà cười hạnh phúc.

    Cháu nhớ khu vườn nhà mình với những cây quất xanh màu lá, với những bông hoa chanh nhỏ li ti và cả cây trứng gà to che bóng mát cho mái nhà cổ kính. Những chùm tim tím lục bình nở lặng lẽ trên mặt ao, bóng cây trứng cá cũng la đà thỉnh thoảng lại rụng một trái chín đỏ mọng xuống nước…

    Cháu nhớ bà, nhớ hình ảnh của bà mỗi trưa đi cào thóc giữa sân nắng vàng, nhớ dáng bà cặm cụi lượm lặt từng ngọn rau dền, rau rệu nấu canh cho cháu vì đấy là thứ rau mà cháu thích ăn nhất. Những ngày mưa, bà nấu cơm trong cái khói của rơm ẩm, đôi mắt bà cay cay vì khói bếp, cháu cứ chạy vào bà lại đẩy cháu ra…

    Những ngày hoa trứng gà nở và rụng trắng gốc, cháu chỉ chơi loanh quanh ở đó, nhặt những bông hoa nhỏ xíu tròn trịa kết thành vòng cổ. Bà ngồi trên hiên nhà lặng lẽ nhìn cháu với đôi mắt như mỉm cười… Cháu đã quàng chiếc vòng cổ tự kết và tưởng tượng mình là nàng công chúa xinh đẹp trong chuyện cổ tích mà mỗi tối đi ngủ bà kể cháu nghe. Tuổi thơ của cháu được lấp đầy bằng thế giới yên bình của bà.

    Nhưng mỗi ngày cháu lớn lên, tóc bà lại thêm sợi bạc. Cháu trở về thành phố, bận rộn với học hành, chỉ được về thăm bà vào dịp nghỉ Tết và những ngày hè ngắn ngủi. Các cô các chú cũng ra ở riêng, mỗi người đều lo toan cho cuộc sống của mình.

    Chỉ còn bà sống lặng lẽ trong ngôi nhà với vườn cây xanh mướt. Lần nào về, cháu cũng thấy ánh mắt bà rạng ngời niềm vui hạnh phúc. Bà đã mong ngóng biết bao sự trở về của những đứa cháu thân yêu.

    Từ ngày bố cháu mất, bà sống lặng lẽ và dường như thương cháu hơn các anh chị khác. Năm nào về với bà cháu cũng đi dọc ven tường nhà tìm hái những bông hoa trên dàn hoa đậu biếc và đặt lên bàn thờ của bố. Bà giữ lại chiếc cối xay mà ngày xưa bố cháu hay xay đỗ cho bà nấu chè mỗi trưa hè oi ả. Nó nằm ở một góc cạnh bếp, cũng lặng lẽ như chính cuộc đời bà.

    Bà khóc, bà ôm cháu vào lòng và vuốt mái tóc bắt đầu xơ vì các loại hóa mĩ phẩm hiện đại. Cháu muốn bà lên ở nhà cháu, nhưng bà không muốn xa ngôi nhà đã gắn bó với mình biết bao năm ấy. Bà sống trong những tháng ngày dài, buồn bã và trống vắng. Chiếc gậy của bà gõ lạch cạch xuông nền sân gạch gợi lại trong cháu những tháng ngày tuổi thơ êm đềm, kỳ diệu đã như là xa lắm…

    Cháu thi đại học. Ngày nhận giấy báo trúng tuyển cũng là ngày cháu nhận được điện thoại của cô báo tin bà ốm. Cháu đã khóc suốt chặng đường về. Cháu chỉ cầu mong sao bà nhanh khỏe để lại có thể đun nước lá cho cháu gội đầu.

    Từ bến xe về nhà, trời bỗng đổ mưa rào rào. Từng giọt nước rơi trên chiếc ô mỏng manh. Khu vườn khẽ lay động dưới mưa. Buồn bã. Có chiếc lá vàng rơi trên làn nước đọng dưới sân, nằm xuống im lìm.
    Bà đã không đợi được ngày cháu về khoe với bà giấy báo trúng tuyển đại học. Bà đã đi với bố về một nơi nào đó thật xa, mãi mãi không bao giờ còn có thể ôm cháu vào lòng nữa.


    Mùa hè năm nay cháu lại về thăm bà với khu vườn. Cháu lặng lẽ đứng trước hàng quất xanh và dưới gốc cây trứng gà đổ bóng dài theo chiều nắng. Từng cơn gió khẽ thổi xao xác trên những cánh đồng phía xa xa.

    Khu vườn không có bàn tay bà chăm sóc trở nên um tùm rậm rạp hơn, mái nhà cổ kính cũng không còn thơm mùi khói rơm cay cay sống mũi như ngày xưa nữa. Bà đã để lại cho tuổi thơ của cháu một thế giới thật hạnh phúc với tình yêu thương vô bờ bến. Và giờ đây bà cũng đã được yên bình.

    Mùa hè năm nay, cháu lại về thăm bà. Thắp một nén nhang, cháu ngồi kể cho bà chuyện ở trường ở lớp. Mùi hương trầm thơm và làn khói khẽ cay cay hai bên khóe mắt. Cháu lại như thấy hình bóng của bà, giống như chiếc lá vàng gầy guộc rụng xuống, nằm im lìm như vẫn hoài nhớ về màu xanh viên mãn của cuộc đời đã qua.


    Hoàng Anh
    Em ơi lửa tắt bình khô rượu
    Đời vắng em rồi say với ai.

    Comment

    Working...
    X
    Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom