• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Bắc Hành Tạp Lục Nguyễn Du

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Bắc Hành Tạp Lục Nguyễn Du



    Bắc Hành Tạp Lục (BHTL) gồm 132 bài thơ chữ Háncủa Nguyễn Du sáng tác trong vòng 1 năm, từ tháng hai đến tháng chạp năm Quý Dậu (1813) khi ông cầm đầu một phái đoàn sang sứ Trung Quốc. Mở đầu quyển là bài cảm tác khi trở ra Thăng Long để lên đường sang Trung Quốc. Bài cuối làm khi trở về đến Võ Xương (Hồ Bắc), từ đó lên thuyền trở về, nên không có đề tài ngâm vịnh nữa. Thơ ghi chép những điều trông thấy, những cảm nghĩ dọc đường.

    Đường đến Yên Kinh đã dài, khi về phải tránh giặc giã mà đi vòng sang phía đông, rồi trở lại Vũ Hán, nên nhà thơ đã đi qua nhiều tỉnh: Quảng Tây, Quảng Đông, Hồ Nam, Hồ Bắc, Hà Nam, Hà Bắc, Sơn Tây, Sơn Đông, Giang Tô, An Huy và trở lại con đường cũ.

    Nguyễn Du
    昇龍第一首

    傘嶺瀘江歲歲同
    白頭猶得見昇龍
    千年巨室成官道
    一片新城沒故宮
    相識美人看抱子
    同遊俠少盡成翁
    關心一夜苦無睡
    短笛聲聲明月中
    BHTL001 Thăng Long đệ nhất thủ

    I

    Tản Lĩnh Lô Giang tuế tuế đồng
    Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long
    Thiên niên cự thất thành quan đạo
    Nhất phiến tân thành một cố cung
    Tương thức mỹ nhân khan bão tử
    Ðồng du hiệp thiếu tẫn thành ông
    Quan tâm nhất dạ khổ vô thụy
    Ðoản địch thanh thanh minh nguyệt trung


    Nguyễn Du

    Dịch Nghĩa
    Núi Tản sông Lô bao nhiêu năm vẫn thế
    Đầu đã bạc (1) rồi mà lại thấy Thăng Long
    Những ngôi nhà đồ sộ ngày xưa nay đã thành đường cái quan.
    Dãi thành mới làm mất cung điện xưa
    Các mỹ nhân ngày trước giờ đã có con bồng
    Các bạn hào hiệp thuở xưa giờ đã thành ông
    Suốt đêm nghĩ ngơi, thao thức không ngủ
    Văng vẳng nghe tiếng sáo trong ánh trăng

    ----------------------------------------------------
    (1) Bạch đầu : Chữ bạch đầu này dùng để nói tuổi già. Bởi Nguyễn Du rời Thăng Long lúc nhà Lê mất (1789). Lúc ấy Nguyễn Du mới 25 tuổi. Ðến khi Gia Long lên ngôi (1802) Nguyễn Du từ Hà Tĩnh ra Thăng Long làm quan. Lúc ấy Nguyễn Du 37 tuổi. Ðến khi vâng mệnh đi sứ Trung Hoa (1813), Nguyễn Du đến Thăng Long một lần nữa. Bài thơ này làm lúc ra Thăng Long để sang Trung Quốc. Lúc đó Nguyễn Du đã gần ngũ tuần. Cho lên mới nói Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long.


    Dịch Thơ
    Thăng Long bài I

    Núi Tản sông Lô vẫn núi sông
    Bạc đầu còn được thấy Thăng Long
    Nghìn năm cự thất thành quan lộ
    Một giải tân thành lấp cố cung
    Người đẹp buổi xưa đều bế trẻ
    Bạn chơi thưở nhỏ thảy thành ông
    Thâu đêm chẳng ngủ lòng thêm bận
    Ðịch thổi trăng trong tiếng não nùng

    Bản dịch: Quách Tấn
    Nguồn: Chu Thong
    Mộng không thật nên đời là Ảo ảnh...

    Ngôi_Sao_Nhỏ
    Similar Threads
  • #2

    BHTL002 Thăng Long đệ nhị thủ

    II

    Cổ thời minh nguyệt chiếu tân thành
    Do thị Thăng Long cựu đế kinh
    Cù hạng tứ khai mê cựu tích
    Quản huyền nhất biến tạp tân thanh
    Thiên niên phú quí cung tranh đoạt
    Tảo tuế thân bằng bán tử sinh
    Thế sự phù trầm hưu thán tức
    Tự gia đầu bạch diệc tinh tinh


    Nguyễn Du

    Dịch Nghĩa
    Mảnh trăng ngày trước soi xuống ngôi thành mới (thàng Thăng Long vừa được xây lại năm 1805).
    Đây vẫn là Thăng Long, đế kinh của các triều vua xưa.
    Đường xá dọc ngang, xóa mất dấu vết cũ.
    Tiếng đàn sáo cũng đổi khác, lẫn nhiều âm thanh mới.
    Nghìn năm phú quý vẫn làm mồi cho sự tranh đoạt.
    Bạn bè lúc nhỏ, kẻ còn người mất.
    Thôi, đừng than thở cho cảnh đời chìm nổi.
    Mái tóc ta đây cũng bạc rồi.
    [/i]
    Dịch Thơ
    Thăng Long bài II

    Thành mới trăng xưa bóng tỏ mờ
    Thăng Long nghìn trước chốn kinh đô
    Dấu xưa khuất lấp đường xe ngựa
    Ðiệu mới xô bồ nhịp trúc tơ
    Danh lợi mồi ngon đua cướp giựt
    Bạn bằng lớp trước sống lơ thơ
    Nổi chìm thế sự đừng than nữa
    Mái tóc mình đây cũng bạc phơ

    Bản dịch: Quách Tấn
    Nguồn Chu Thong
    Edited by: Ngoi_Sao_Nho
    Mộng không thật nên đời là Ảo ảnh...

    Ngôi_Sao_Nhỏ

    Comment

    • #3

      BHTL003 Ngộ gia đệ cựu ca cơ

      Phồn hoa nhân vật loạn lai phi
      Huyền hạc qui lai kỷ cá tri
      Hồng tụ tằng văn ca uyển chuyển
      Bạch đầu tương kiến khốc lưu ly
      Phúc bồn dĩ hỉ nan thu thủy
      Ðoạn ngẫu thương tai vị tuyệt ti
      Kiến thuyết giá nhân dĩ tam tử
      Khả liên do trước khứ thời y


      Nguyễn Du

      Dịch Nghĩa
      Sau buổi loạn lạc, nhân vật nơi chốn phồn hoa đã khác xưa.
      Con chim hạc đen bay trở lại, nào mấy ai biết? (1)
      Ta từng nghe giọng ca uyển chuyển của nàng lúc xưa mặc áo hồng. (2)
      Nay đầu đã bạc, mới gặp lại nhau, nghe nàng than thở nỗi lưu ly.
      Chậu nước đã đổ rồi, khó lòng vét lại. (3)
      Thương cho ngó sen đã đứt mà tơ vẫn còn vương.
      Nghe nói nàng đã có chồng và đã có ba con.
      Ái ngại thay nàng vẫn phải mặc cái áo xưa (vẫn làm ca cơ).

      ------------------------------------------

      Gia đệ : Em, có thể là em cùng mẹ, mà cũng có thể là em khác me. Ðây có thể chỉ người em cùng mẹ là Nguyễn Úc được tập ấm là Hoàng Tín đại phu Trung Thành Môn Vệ Úy. Năm Kỷ Dậu (1789) vua Chiêu Thống chạy sang Tàu, Nguyễn Úc chạy theo không kịp, về ngụ nơi quê vợ, làng Phù Ðổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Năm Tân Vị (1811), Gia Long nghe ông có tài khéo, xuống chiếu triệu vào kinh, bổ làm Thiêm Sự bộ Công, tước Hầu. Những miếu điện ở kinh thành đều do ông sáng chế kiểu thức.

      (1) Chim hạc đen: Truyền rằng hạc vốn sắc trắng, tu nghìn năm thành sắc vàng, tu nghìn năm nữa ra sắc đen. Câu này ý nói, xa Thăng Long lâu này nay mới trở lại.

      (2) Hồng tụ: Tay áo hồng, chỉ áo đào hát thường mặc.

      (3) Phúc bồn : Chậu nước đổ. Tục có câu : "Phúc thủy nan thâu" nghĩa là nước đổ rồi khó hốt lên được. Ý nói là người ca cơ đã xa em mình rồi không sao tụ hợp đuợc nữa.
      [/I]
      Dịch Thơ
      Gặp lại người ca cơ cũ của em

      Loạn rồi nhân vật đổi thay,
      Phồn hoa chốn cũ ai hay hạc về.
      Áo hường tưởng dạng cung Nghê,
      Tiếng ca uyển chuyển từng nghe những ngày.
      Tuổi già gặp lại nhau đây,
      Bước đường lưu lạc lệ đầy thương đau.
      Ðã đành nước đổ khôn thâu,
      Than ôi ! Ngó đứt dễ dầu dứt tơ!
      Có chồng đã mấy con thơ,
      Áo hường ngày cũ bây giờ còn mang!

      Bản dịch: Quách Tấn
      Nguồn : Chu Thong Edited by: Ngoi_Sao_Nho
      Mộng không thật nên đời là Ảo ảnh...

      Ngôi_Sao_Nhỏ

      Comment

      • #4



        BHTL004 Long Thành cầm giả dẫn

        Long thành giai nhơn
        Bất ký danh tự
        Ðộc thiện huyền cầm
        Cử thành chi nhơn dĩ Cầm danh
        Học đắc tiên triều cung trung Cung Phụng khúc
        Tự thị thiên thượng nhơn gian đệ nhất thanh
        Dư tại thiếu niên tằng nhứt kiến
        Giám Hồ hồ biên dạ khai yến
        Thử thời tam thất chánh phương niên
        Xuân phong yểm ánh đào hoa diện
        Ðà nhan hám thái tối nghi nhơn
        Lịch loạn ngũ thanh tùy thủ biến
        Hoãn như luơng phong độ tùng lâm
        Thanh như chích hạc minh tại âm
        Liệt như Tiến Phúc bi đầu toái phích lịch
        Ai như Trang Tích bịnh trung vi Việt ngâm
        Thính giả mỹ mỹ bất tri quyện
        Tận thị Trung Hòa Ðại Nội âm
        Tây Sơn chư thần mãn tọa tận khuynh đảo
        Triệt dạ truy hoan bất tri hiểu
        Tả phao hữu trịch tranh triền đầu
        Nê thổ kim tiền thù thảo thảo
        Hào hoa ý khí lăng công hầu
        Ngũ lăng niên thiếu bất túc đạo
        Tính tương tam thập lục cung xuân
        Hoán thủ Trường an vô giá bảo
        Thử tịch hồi đầu nhị thập niên
        Tây Sơn bại hậu dư Nam thiên
        Chỉ xích Long Thành bất phục kiên (kiến)
        Hà huống thành trung ca vũ diên
        Tuyên phủ sứ quân vị dư trùng mãi tiếu
        Tịch trung ca kỹ giai niên thiếu
        Tịch mạt nhứt nhơn phát bán hoa
        Nhan xú thần khô hình lược tiểu
        Lang tạ tàn my bất sức trang
        Thùy tri tiện thị đương niên thành trung đệ nhứt điệu
        Cựu khúc tân thanh ám lệ thùy
        Nhĩ trung tĩnh thính tâm trung bi
        Mãnh nhiên ức khởi nhị thập niên tiền sự
        Giám Hồ hồ biên tằng kiến chi
        Thành quách suy di nhơn sự cải
        Kỷ độ tang điền biến thương hải
        Tây Sơn cơ nghiệp nhứt đán tận tiêu vong
        Ca vũ không lưu nhứt nhơn tại
        Thuấn tức bách niên tằng kỷ thì
        Thương tâm vãng sự lệ triêm y
        Nam hà quy lai đầu tận bạch
        Quái để giai nhơn nhan sắc suy
        Song nhãn trừng trừng không tưởng tượng
        Khả liên đối diện bất tương tri


        Nguyễn Du

        Dịch Thơ
        Chuyện người gảy đàn ở Thăng Long

        Thành Thăng Long nhớ từ thửa nọ
        Bậc giai nhân tên họ ai hay
        Ðàn cầm thánh thoát mấy dây
        Khắp thành quen miệng gọi ngay Nàng Cầm
        “Cung Phụng khúc” xưa ngâm trong Nội
        Phổ nên chương tiếng nổi một thời
        Nhớ ngày đương độ vui chơi
        Giám hồ yến tiệc gặp người tài hoa
        Tuổi hăm mốt nõn nà lộng lẫy
        Gió xuân êm hây hẩy bông đào
        Men tô duyên não nùng sao
        Nỉ non năm tiếng thấp cao tuyệt vời
        Theo tay ngọc lòng người ủ rũ
        Tiếng bổng trầm to nhỏ miên man
        Khoan như gió lướt thông ngàn
        Trong như tiếng hạc lạc đàn kêu sương
        Mạnh như sấm phũ phàng xé đá
        Tiến Phúc bia nổ phá ầm ầm
        Buồn như khúc Việt ai ngâm
        Nỗi lòng Trang Tích âm thầm mà đau
        Ðiệu êm ấm nghe lâu chẳng mỏi
        Chính khúc này đại nội triều xưa
        Tây Sơn quân tướng thẫn thờ
        Ngả nghiêng đến sáng còn chưa thỏa lòng
        Quăng lụa thưởng tây đông tíu tít
        Vàng tựa bùn cứ việc vung tay
        Công hầu hào khí đua say
        Ngũ lăng niên thiếu một bày sá chi
        Dạo khúc xuân diễm kỳ lả lướt
        Băm sáu cung thánh thót xinh xinh
        Tràng An treo ngọc liên thành
        Phẩm cao vô giá, tài tình riêng ai
        Thoảng hai chục năm trời từ đấy
        Tây Sơn thua, ta trẩy Nam Hà
        Long Thành gang tấc còn xa
        Ðiệu xưa nhớ mấy cũng là đành thôi
        Tuyên phủ sứ lại mời dự tiệc
        Thiếu chi người mày biếc má hồng
        Cuối bàn phảng phất não nùng
        Một nàng đầu tóc hình dung bơ phờ
        Mình gầy võ mày thưa duyên nhạt
        Ai biết nàng oanh liệt xưa kia
        Khúc đâu lệ chảy đầm đìa
        Khiến người nghe những đê mê xót thầm
        Chợt nhớ lại bao năm chuyện cũ
        Từng bên ai vui thú hồ xưa
        Thành tàn duyên cũng xác xơ
        Ngậm ngùi mấy cuộc biển mờ dâu xanh
        Rồi một sớm bại thành là thế
        Cảm khúc ca trời để một người
        Trăm năm một thoáng bao dài
        Ngậm ngùi chuyện cũ cho đời buồn đau
        Ở Nam về, mái đầu đã bạc
        Người đẹp xưa cũng khác hình xưa
        Giương đôi mắt ngó mà mơ
        Thảm thay ai biết bây giờ là ai

        bản dịch: Học Canh


        Nguồn: Chu ThongEdited by: Ngoi_Sao_Nho
        Mộng không thật nên đời là Ảo ảnh...

        Ngôi_Sao_Nhỏ

        Comment

        • #5

          BHTL005 Quỷ Môn quan

          Liên phong cao sáp nhập thanh vân
          Nam bắc quan đầu tựu thử phân
          Như thử hữu danh sinh tử địa
          Khả liên vô số khứ lai nhân
          Tắc đồ tùng mãng tàng xà hổ
          Bố dã yên lam tụ quỉ thần
          Chung cổ hàn phong xuy bạch cốt
          Kỳ công hà thủ Hán Tướng quân

          Nguyễn Du

          Dịch Nghĩa
          Núi liên tiếp, cao vút tận mây xanh.
          Nam bắc chia ranh giới ở chỗ này
          Là nơi nổi tiếng nguy hiểm đến tính mạng.
          Thương thay, bao nhiêu ngươì vẫn phải đi về qua đây.
          Bụi gai lấp đường, mãng xà, hổ tha hồ ẩn nấp.
          Khí độc đầy đồng, quỷ thần mặc sức tụ họp.
          Từ thuở xa xưa, gió lạnh đã thổi bao đống xương trắng.
          Chiến công của tướng nhà Hán (1) có gì đáng khen!

          --------------------------------------
          Quỉ Môn quan : Ở phía Nam xã Chi Lăng tỉnh Lạng Sơn. Ðịa thế hiểm trở. Có núi hình như đầu quỉ. Do đó mà mệnh danh là Quỉ Môn quan. Cổ thi có câu :

          Quỉ Môn quan ! Quỉ Môn quan !
          Thập nhân khứ, nhất nhân hoàn

          Người Việt đi sứ Trung Quốc có câu :

          Rạng ngày đến Quỉ Môn quan
          Tiếng xưa "thập khứ nhất hoàn' là đây

          (1) Hán Tướng quân : Chỉ Mã Viện. Mã Viện đem quân đánh hai bà Trưng, tuy đắc thắng nhưng quân lính chết dọc đường không biết bao nhiêu. Như thế có gì là chiến công đắng khen ngợi. Cũng có ý nói : Kỳ công của tướng quân nhà Hán không có chi hơn là "đống xương trong gió lạnh bên đường. "

          [/i]
          Dịch Thơ
          Ải Quỷ Môn

          Núi trập trùng giăng đỉnh vút mây,
          Ải chia Nam Bắc chính là đây.
          Tử sanh tiếng đã vang đồng chợ,
          Qua lại người không ngớt tháng ngày.
          Thấp thoáng quỉ đầu nương bóng khói,
          Rập rình cọp rắn núp rừng cây.
          Bên đường gió lạnh luồng xương trắng,
          Hán tướng công gì kể bấy nay?

          Bản dịch: Quách Tấn
          Nguồn: Chu Thong
          Mộng không thật nên đời là Ảo ảnh...

          Ngôi_Sao_Nhỏ

          Comment

          • #6

            BHTL006 Lạng thành đạo trung

            Quần phong dũng lãng thạch minh đào
            Giao hữu u cung, quyên hữu sào
            Tuyền thủy hợp lưu giang thủy khoát
            Tử sơn bất cập mẫu sơn cao
            Ðoàn thành vân thạch tịch tương hậu
            Hồng lĩnh thân bằng nhật tiệm dao
            Quái đắc nhu tình khinh cát đoạn
            Khuông trung huề hữu bút như đao


            Nguyễn Du

            Dịch Nghĩa
            Núi non trập trùng, gió thổi vào đá, nghe như sóng vỗ.
            Ở đây, thuồng luồng có hang kín, đỗ quyên cũng có tổ.
            Nước suối ở đây hợp lại thành sông rộng.
            Núi con không cao bằng núi mẹ.
            Mây đá Đoàn thành chiều hôm nay như có ý đợi ta.
            Thân bằng cố hữu ở núi Hồng Lĩnh càng ngày càng xa cách.
            Quái lạ, nỗi nhớ nhung lại dễ cắt đứt.
            Khi tráp có ngọn bút thay đao (để khuây khỏa).

            ------------------------------------------
            Lạng thành: Lạng sơn.

            Dịch Thơ
            Trên đường đi Lạng thành

            Núi trập trùng, sóng kêu trên đá
            Tổ nương chim, hang đã có rồng
            Suối gom dòng nhỏ thành sông
            Núi con đọ núi Mẹ không cao bằng
            Chiều Lạng Sơn, mây giăng đá ngóng
            Hồng Lĩnh thân sao chóng cách xa
            Lạ chưa, dứt nhẹ tình nhà
            Ðoạn sầu ngọn bút theo ta bạn đường ...

            Bản dịch: Đặng Thế Kiệt
            Mộng không thật nên đời là Ảo ảnh...

            Ngôi_Sao_Nhỏ

            Comment

            • #7

              Nguyễn Du và Long Thành Cầm Giả Ca

              Nguyễn Du và Long Thành Cầm Giả Ca

              Tô Thẩm Huy







              Không rõ Nguyễn Du có sinh ra (1765) ở đấy không, nhưng chắc chắn ông đã lớn lên ở Hà Nội, hay đúng ra phải gọi là Thăng Long, vì cái tên Hà Nội ngày ấy chưa có. Ông hẳn rất mực yêu mến cái kinh đô cổ kính không rõ lúc bấy giờ đã mấy phố, bao phường. Cậu ấm chiêu, con quan Tể Tướng Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm, em quan Tham Tụng Toản Quận Công Nguyễn Khản, lớn lên giữa lòng đô hội, lòng tràn đầy bao mộng đẹp, tâm tư nuôi bao hoài bão vung kiếm giúp đời.

              Rồi đất nước ly loạn, hết nổi trôi nơi Quỳnh Côi, Thái Bình quê vợ, lại ẩn thân về nguyên quán ở Tiên Điền, Hà Tĩnh, ông ngày ngày ngao du trên rặng Hồng Lĩnh, nhìn tóc mình ngày mỗi bạc mà ngậm ngùi thế sự. Khi Gia Long lên ngôi, ông được vời ra Phú Xuân làm quan, nhưng lòng những chán chường, chỉ muốn lui về ẩn dật.

              Năm 1813, Gia Long cử ông làm chánh sứ, đại diện nước Nam sang Trung Hoa. Trên đường từ Huế sang Bắc Kinh, lần đầu tiên sau mấy mươi năm xa cách mới có dịp về lại Thăng Long, lòng ông hẳn dạt dào bao nỗi niềm xao xuyến. Từ xa, ta đã nghe tiếng ông reo mừng: Kìa là rặng Tản Viên, nọ là giòng Lô Giang, ta sắp gặp lại Thăng Long rồi. Nhưng bước chân vào đến năm cửa ô thì than ôi, cảnh đấy người đây luống đoạn trường. Đọc lại hai bài Thăng Long ông viết vào thời kỳ này lại càng thấy nỗi lòng chua xót của ông:

              Tản Lĩnh Lô Giang tuế tuế đồng
              Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long
              Thiên niên cự thất thành quan đạo
              Nhất phiến tân thành một cố cung
              Tương thức mỹ nhân khan bão tử
              Đồng du hiệp thiếu tẫn thành ông
              Quan tâm nhất dạ khổ vô thuỵ
              Đoản địch thanh thanh minh nguyệt trung


              Cổ thời minh nguyệt chiếu tân thành
              Do thị Thăng Long cựu đế kinh
              Cù hạng tứ khai mê cựu tích
              Quản huyền nhất biến tạp tân thanh
              Thiên niên phú quý cung tranh đoạt
              Tảo tuế thân bằng bán tử sinh
              Thế sự phù trầm hưu than tức
              Tư gia đầu bạch diệc tinh tinh


              Vị vua Thế Tổ triều Nguyễn muốn xoá hết dấu tích nhà Lê, đã san bằng thành xưa quách cũ.

              Đâu là điện Trung Hoà Đại Nội ?

              Đâu là ngõ cũ nơi ông vẫn chơi đùa cùng bè bạn hiệp thiếu, mỹ nhân ?

              Đâu là dinh cơ, nhà cửa xây từ nghìn năm trước?

              Những thiên niên cự thất nay đãthành quan đạo, những cố cung, cựu tích nay đã bị vùi mất dưới bức tân thành.

              Cả âm nhạc ngày xưa nay cũng biến đâu mất. Nằm thao thức giữa lòng kinh đô cũ, ông trằn trọc không sao ngủ, đã khổ vô thuỵ, lại nghe tiếng sáo, nhạc điệu gì xa lạ, trối cả tai.

              Quản huyền nhất biến tạp tân thanh.
              Sáo đâu, giây đâu mà tiếng nghe nhốn nháo thế này ?

              Chả trách sao lúc ngồi trên chiếu tiệc giữa Thăng Long, nghe lại tiếng đàn người ca kỹ năm xưa, nghe lại giòng nhạc vàng của cung điện Đại Nội Nhà Lê, ông đã xúc động viết “Long Thành Cầm Giả Ca”, Bài Cho Người Gẩy Đàn Thành Thăng Long, mà ngậm ngùi thương xót cho thân phận người ca kỹ lạc loài giữa ba đào, dâu bể. Hay thật ra ông chỉ mượn hình ảnh người gảy đàn để khóc thương cho bóng ma của một trời hội cũ ?

              Nhiều người đã thêu dệt nên mối tình lãng mạn thời trai trẻ giữa Nguyễn Du và người cầm giả ấy. Thậm chí lại còn trách ông sao lại vì muốn giữ thể diện chánh sứ mà tránh không nhìn mặt người xưa. Song nhãn trừng trừng không tưởng tượng, Khả liên đối diện bất tương tri. Tôi không tin là thế. Tôi không tin là đã có gì giữa họ. Ai đời nào lại nói về người tình xưa của mình là trán dô, mặt gẫy. Nàng không phải là người tình cũ, cũng không phải chỉ là một người cầm giả đơn thuần, mà chính là biểu tượng của Hà Thành đài các, của mày thanh má thắm, lụa biếc xiêm hồng, của cả một nếp sống thanh lịch ngàn năm xưa nay đã bị dập vùi, tan biến.

              Tâm sự Nguyễn Du lúc bấy giờ ngổn ngang trăm mối, đâu riêng gì chỉ một hồng nhan, mà là cả mùa hội cũ của một thời hùng tâm tráng chí nay đã tàn lụn: Tằng Lăng trường kiếm ỷ thiên thanh tự bao giờ đã thành Liêu lạc tráng tâm hư đoản kiếm. Cây kiếm dài ngày xưa ngạo nghễ tựa lưng vào trời xanh, tự bao giờ đã biến thành cây kiếm cụt vô tích sự ?

              Văn tự hà tằng vi ngã dụng? Chữ nghĩa ích gì cho buổi ấy, hay càng làm mộng thêm đau xót, làm bể dâu thêm thắt ruột chia bào ?

              Song nhãn trừng trừng không tưởng tượng, Khả liên đối diện bất tương tri. Mở trừng hai mắt mà chỉ thấy trống không những mông lung mộng tưởng.

              Ngồi đây giữa Thăng Long mà nào có thấy Thăng Long ! Ngồi đây giữa Thăng Long mà nào Thăng Long có thấu cho lòng ta !

              Chao ôi, làm người thật chẳng khó lắm sao !

              Houston, tháng 2, 2009
              Tô Thẩm Huy


              ***

              Thăng Long đệ nhất thủ

              I


              Tản Lĩnh Lô Giang tuế tuế đồng
              Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long
              Thiên niên cự thất thành quan đạo
              Nhất phiến tân thành một cố cung
              Tương thức mỹ nhân khan bão tử
              Ðồng du hiệp thiếu tẫn thành ông
              Quan tâm nhất dạ khổ vô thụy
              Ðoản địch thanh thanh minh nguyệt trung

              Nguyễn Du

              Dịch Nghĩa

              Núi Tản sông Lô bao nhiêu năm vẫn thế
              Đầu đã bạc (1) rồi mà lại thấy Thăng Long
              Những ngôi nhà đồ sộ ngày xưa nay đã thành đường cái quan.
              Dãi thành mới làm mất cung điện xưa
              Các mỹ nhân ngày trước giờ đã có con bồng
              Các bạn hào hiệp thuở xưa giờ đã thành ông
              Suốt đêm nghĩ ngơi, thao thức không ngủ
              Văng vẳng nghe tiếng sáo trong ánh trăng



              ----------------------------------------------------

              (1) Bạch đầu : Chữ bạch đầu này dùng để nói tuổi già. Bởi Nguyễn Du rời Thăng Long lúc nhà Lê mất (1789). Lúc ấy Nguyễn Du mới 25 tuổi. Ðến khi Gia Long lên ngôi (1802) Nguyễn Du từ Hà Tĩnh ra Thăng Long làm quan. Lúc ấy Nguyễn Du 37 tuổi. Ðến khi vâng mệnh đi sứ Trung Hoa (1813), Nguyễn Du đến Thăng Long một lần nữa. Bài thơ này làm lúc ra Thăng Long để sang Trung Quốc. Lúc đó Nguyễn Du đã gần ngũ tuần. Cho lên mới nói Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long.


              </I>
              Dịch Thơ

              Thăng Long bài I



              Núi Tản sông Lô vẫn núi sông

              Bạc đầu còn được thấy Thăng Long

              Nghìn năm cự thất thành quan lộ

              Một giải tân thành lấp cố cung

              Người đẹp buổi xưa đều bế trẻ

              Bạn chơi thưở nhỏ thảy thành ông

              Thâu đêm chẳng ngủ lòng thêm bận

              Ðịch thổi trăng trong tiếng não nùng



              Bản dịch: Quách Tấn


              ***

              Thăng Long đệ nhị thủ

              II

              Cổ thời minh nguyệt chiếu tân thành
              Do thị Thăng Long cựu đế kinh
              Cù hạng tứ khai mê cựu tích
              Quản huyền nhất biến tạp tân thanh
              Thiên niên phú quí cung tranh đoạt
              Tảo tuế thân bằng bán tử sinh
              Thế sự phù trầm hưu thán tức
              Tự gia đầu bạch diệc tinh tinh


              Nguyễn Du

              Dịch Nghĩa

              Mảnh trăng ngày trước soi xuống ngôi thành mới (thành Thăng Long vừa được xây lại năm 1805).
              Đây vẫn là Thăng Long, đế kinh của các triều vua xưa.
              Đường xá dọc ngang, xóa mất dấu vết cũ.
              Tiếng đàn sáo cũng đổi khác, lẫn nhiều âm thanh mới.
              Nghìn năm phú quý vẫn làm mồi cho sự tranh đoạt.
              Bạn bè lúc nhỏ, kẻ còn người mất.
              Thôi, đừng than thở cho cảnh đời chìm nổi.
              Mái tóc ta đây cũng bạc rồi.


              Dịch Thơ

              Thăng Long bài II

              Thành mới trăng xưa bóng tỏ mờ

              Thăng Long nghìn trước chốn kinh đô

              Dấu xưa khuất lấp đường xe ngựa

              Điệu mới xô bồ nhịp trúc tơ

              Danh lợi mồi ngon đua cướp giựt

              Bạn bằng lớp trước sống lơ thơ

              Nổi chìm thế sự đừng than nữa

              Mái tóc mình đây cũng bạc phơ

              Bản dịch: Quách Tấn


              .
              Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 09-05-2010, 08:50 AM.
              ----------------------------

              Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

              Comment

              Working...
              X
              Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom