VÀI CÁCH BẮT CÁ Ở MIỀN HẬU GIANG
Bs. Huỳnh Hữu Cửu
Ở miền Hậu Giang, đồng ruộng rộng, sông rạch nhiều, cá tôm có đủ loại, nên người dân cũng nghĩ ra được nhiều cách bắt cá, bắt tôm khác nhau, trong đó đôi khi có những cách rất độc đáo. Sau đây tôi xin kể một vài cách hầu quý vị, đồng thời xin nhắc lại một vài kỷ niệm xưa ở quê nhà.
GIẬM DẤU
Trước hết xin kể một cách bắt cá chỉ với hai bàn tay thôi, tuyệt đối không cần đến một thứ dụng cụ gì khác, đó là giậm dấu.
Giậm dấu dễ lắm, con nít nhỏ cỡ 10, 12 tuổi như tôi thuở đó có thể đi giậm dấu bắt cá dễ dàng. Muốn giậm dấu thì xuống sông đi dọc theo bãi đất bùn, nước lên đến ngực hay sâu hơn, vừa đi vừa nhún nhún bàn chân cho lún xuống tới khỏi mắt cá một chút. Như vậy mỗi dấu chân thành một cái lỗ trũng, cá sẽ vào ẩn trốn trong đó. Khi đi hết một khúc sông, giậm được khoảng 50 hay 60 dấu chân như vậy, thì quay đầu đi ngược lại, lặn xuống nước, lấy hai bàn tay mò xuống các dấu chân khi nãy để bắt cá. Cứ mò bắt vài dấu thì quậy nước làm ào ào trên mặt sông, hay móc sình từng cục lớn liệng vãi ra phía trước, mục đích là làm cho cá hoảng sợ tìm trốn xuống các lỗ dấu.
Đứng bên bờ nhìn một người đang giậm dấu, thoạt tiên người ta tự hỏi không biết người đó đang làm gì. Tại sao không đi trên bộ lại đi dưới nước, vừa đi vừa nhún, rồi lại đập nước vãi sình tung tóe, lặn lặn hụp hụp ? Mặt mày người đó coi cũng rất dị kỳ, sình trong nước quậy đục, sình đóng lên râu, lên lông măng, làm cho mặt mày mọc rong, mọc rêu xanh lét ! Ấy vậy mà cá bắt được cũng khá bộn, bắt được con nào thì bỏ vô một cái nồi đất cột dây chuối thả trôi phía sau lưng. Cá bắt được gồm có cá he, cá chốt, cá rô biển, v.v... Cá rô biển giống như cá rô đồng, màu xanh chàm hơi lợt hơn, kỳ và vi dài và nhọn hơn, tuy sống ở sông nhưng lại kêu là cá rô biển. Cá rô biển muối sả, chiên ăn rất ngon, ăn rất được cơm. Có thể nướng giằm nước mắm tỏi ớt, ăn cũng được. Một buổi trưa đi giậm dấu, nếu gặp mùa gặp tháng, có thể bắt được mười mấy con cá rô biển cùng vài thứ cá khác, dư dả cho một gia đình hai vợ chồng với ba bốn đứa con nhỏ, ăn một bữa cơm chiều ngon lành, no đủ.
CHẬN Ụ
Ụ là một cái ao nhỏ nằm sát bờ sông, có một cái rãnh nước rộng độ hơn 2 thước tây ăn thông ra sông, phía bên rãnh treo một cánh cửa như một tấm phên bằng lá dừa, có thể sập xuống để chận không cho cá trong ụ ra sông. Muốn chận ụ bắt cá thì đợi nước lớn, lấy cám rắc lên mặt nước trong ụ để nhử cá vô ăn, đoạn đứng từ đàng xa, cầm dây kéo cho cánh cửa ụ sập xuống. Phải đứng từ đàng xa, vì nếu đi lại gần, có bóng người rọi xuống nước, cá sẽ hoảng sợ lội trở ra sông mất hết. Sập xong cánh cửa ụ, là chỉ chờ nước ròng. Mực nước trong ụ hạ thấp, lúc đó mới xuống ụ quậy nước lên cho đục, rồi dùng rổ xúc cá. Những con cá he, cá lòng tong, cá lìm kìm, tôm tép bị nước sình làm ngộp, nổi lờ đờ trên mặt nước, xúc rất dễ. Thường thì chỉ bắt được loại cá nhỏ như vậy thôi, nhưng thỉnh thoảng cũng có vài con cá lớn hơn, như cá trê trắng, cá úc, cá chà vinh.
Cá trê trắng là loại cá trê bụng màu trắng thường sống ở sông, khác với loại cá trê vàng bụng màu vàng sống ở ruộng. Cá trê trắng nấu canh chua bạc hà ăn rất ngon, còn cá trê vàng thì thường dùng kho tiêu để tóp mỡ, hoặc kẹp tre nướng trên lửa than, ăn với nước mắm gừng.
Ở làng tôi, nhiều nhà có ụ cá dưới mé sông lắm, đi chơi dài theo sông, cứ cách vài nhà là thấy có một cái ụ. Nhà tôi có đến hai cái ụ, nhưng một cái thì dùng làm chỗ đậu cho một chiếc ghe tam bản, còn ụ kia thì có cửa sập đàng hoàng, nhưng vì trong nhà ít người, nên một năm chỉ chận ụ bắt cá có vài lần. Thành ra thường thường tôi phải đi coi chận ụ bắt cá nơi những nhà khác trong xóm, thỉnh thoảng xuống "bắt hôi" nữa. "Bắt hôi" là sau khi chủ nhà bắt cá xong xuôi, thì cho mình xuống bắt mót những con cá còn sót lại.
Bs. Huỳnh Hữu Cửu
Ở miền Hậu Giang, đồng ruộng rộng, sông rạch nhiều, cá tôm có đủ loại, nên người dân cũng nghĩ ra được nhiều cách bắt cá, bắt tôm khác nhau, trong đó đôi khi có những cách rất độc đáo. Sau đây tôi xin kể một vài cách hầu quý vị, đồng thời xin nhắc lại một vài kỷ niệm xưa ở quê nhà.
GIẬM DẤU
Trước hết xin kể một cách bắt cá chỉ với hai bàn tay thôi, tuyệt đối không cần đến một thứ dụng cụ gì khác, đó là giậm dấu.
Giậm dấu dễ lắm, con nít nhỏ cỡ 10, 12 tuổi như tôi thuở đó có thể đi giậm dấu bắt cá dễ dàng. Muốn giậm dấu thì xuống sông đi dọc theo bãi đất bùn, nước lên đến ngực hay sâu hơn, vừa đi vừa nhún nhún bàn chân cho lún xuống tới khỏi mắt cá một chút. Như vậy mỗi dấu chân thành một cái lỗ trũng, cá sẽ vào ẩn trốn trong đó. Khi đi hết một khúc sông, giậm được khoảng 50 hay 60 dấu chân như vậy, thì quay đầu đi ngược lại, lặn xuống nước, lấy hai bàn tay mò xuống các dấu chân khi nãy để bắt cá. Cứ mò bắt vài dấu thì quậy nước làm ào ào trên mặt sông, hay móc sình từng cục lớn liệng vãi ra phía trước, mục đích là làm cho cá hoảng sợ tìm trốn xuống các lỗ dấu.
Đứng bên bờ nhìn một người đang giậm dấu, thoạt tiên người ta tự hỏi không biết người đó đang làm gì. Tại sao không đi trên bộ lại đi dưới nước, vừa đi vừa nhún, rồi lại đập nước vãi sình tung tóe, lặn lặn hụp hụp ? Mặt mày người đó coi cũng rất dị kỳ, sình trong nước quậy đục, sình đóng lên râu, lên lông măng, làm cho mặt mày mọc rong, mọc rêu xanh lét ! Ấy vậy mà cá bắt được cũng khá bộn, bắt được con nào thì bỏ vô một cái nồi đất cột dây chuối thả trôi phía sau lưng. Cá bắt được gồm có cá he, cá chốt, cá rô biển, v.v... Cá rô biển giống như cá rô đồng, màu xanh chàm hơi lợt hơn, kỳ và vi dài và nhọn hơn, tuy sống ở sông nhưng lại kêu là cá rô biển. Cá rô biển muối sả, chiên ăn rất ngon, ăn rất được cơm. Có thể nướng giằm nước mắm tỏi ớt, ăn cũng được. Một buổi trưa đi giậm dấu, nếu gặp mùa gặp tháng, có thể bắt được mười mấy con cá rô biển cùng vài thứ cá khác, dư dả cho một gia đình hai vợ chồng với ba bốn đứa con nhỏ, ăn một bữa cơm chiều ngon lành, no đủ.
CHẬN Ụ
Ụ là một cái ao nhỏ nằm sát bờ sông, có một cái rãnh nước rộng độ hơn 2 thước tây ăn thông ra sông, phía bên rãnh treo một cánh cửa như một tấm phên bằng lá dừa, có thể sập xuống để chận không cho cá trong ụ ra sông. Muốn chận ụ bắt cá thì đợi nước lớn, lấy cám rắc lên mặt nước trong ụ để nhử cá vô ăn, đoạn đứng từ đàng xa, cầm dây kéo cho cánh cửa ụ sập xuống. Phải đứng từ đàng xa, vì nếu đi lại gần, có bóng người rọi xuống nước, cá sẽ hoảng sợ lội trở ra sông mất hết. Sập xong cánh cửa ụ, là chỉ chờ nước ròng. Mực nước trong ụ hạ thấp, lúc đó mới xuống ụ quậy nước lên cho đục, rồi dùng rổ xúc cá. Những con cá he, cá lòng tong, cá lìm kìm, tôm tép bị nước sình làm ngộp, nổi lờ đờ trên mặt nước, xúc rất dễ. Thường thì chỉ bắt được loại cá nhỏ như vậy thôi, nhưng thỉnh thoảng cũng có vài con cá lớn hơn, như cá trê trắng, cá úc, cá chà vinh.
Cá trê trắng là loại cá trê bụng màu trắng thường sống ở sông, khác với loại cá trê vàng bụng màu vàng sống ở ruộng. Cá trê trắng nấu canh chua bạc hà ăn rất ngon, còn cá trê vàng thì thường dùng kho tiêu để tóp mỡ, hoặc kẹp tre nướng trên lửa than, ăn với nước mắm gừng.
Ở làng tôi, nhiều nhà có ụ cá dưới mé sông lắm, đi chơi dài theo sông, cứ cách vài nhà là thấy có một cái ụ. Nhà tôi có đến hai cái ụ, nhưng một cái thì dùng làm chỗ đậu cho một chiếc ghe tam bản, còn ụ kia thì có cửa sập đàng hoàng, nhưng vì trong nhà ít người, nên một năm chỉ chận ụ bắt cá có vài lần. Thành ra thường thường tôi phải đi coi chận ụ bắt cá nơi những nhà khác trong xóm, thỉnh thoảng xuống "bắt hôi" nữa. "Bắt hôi" là sau khi chủ nhà bắt cá xong xuôi, thì cho mình xuống bắt mót những con cá còn sót lại.
******
Comment