Ngụ ngôn của lá
Năm nào cũng vậy, song hành cùng không khí mùa xuân nô nức tràn về, là tiết trời se lạnh được mang theo từ chuyến gió bấc và cơn mưa phùn. Trên mọi nẻo đường, những bước chân rộn ràng vang lên trong cuộc quy cố hương của những người con xa quê nhà. Lòng người rộn ràng, gương mặt thành phố tươi vui như được thay áo mới. Trên các ngả đường những tấm thảm hoa toả ngát hương với đủ các màu sắc. Màu vàng tươi của các loài hoa cúc, màu hồng thắm của rừng đào giữa phố, màu đỏ nồng nàn của ngàn cánh hồng, màu trắng tinh khôi của hoa huệ, màu tím mặn mà của những cánh hoa tulip, cùng những sắc màu gợi cảm của những cánh hoa phong lan và không thể nào thiếu sắc vàng trang nhã của hoàng mai…
Ẩn sâu trong những gam màu rực rỡ đó, là màu xanh non hư ảo của các chồi cây như đang thắp lên những ngọn thanh lạp. Ai bảo phép lạ là đi qua sông trên một bè lau, đi chân trần trên lửa than hồng,… Chính những phép lạ đó đã làm mịt mờ nhãn tâm của con người, khiến họ quên mất rằng phép lạ của tạo hoá đang diễn trình, từ những bộ xương cây chơ vơ giữa mùa đông giá rét, bỗng nhiên bừng dậy vô vàn những ngọn nến thắp xanh màu mạ non giữa trần gian phiền luỵ. Những chiếc lá xanh non đầu xuân như ánh mắt thơ trẻ trong veo giữa giếng đời. Theo tháng ngày, lá lớn dần và chuyển sang màu xanh lục đậm đà, để qua mùa hạ những chiếc lá trưởng thành dưới ánh nắng chói chang và sang mùa thu lá chuyển màu vàng úa, chuẩn bị cho cuộc chia ly, lìa cành cuốn theo chàng gió lãng tử, rồi khi mùa đông đến lá hoá thân vào lòng đất để hoàn thành một kiếp lá. Một kiếp lá đã xuất hiện để giúp ích, làm đẹp cho cuộc đời.
Sự xuất hiện của lá đã khiến bao tâm hồn thi nhân chao động, trong bài thơ “Lá đỏ” của Nguyễn Đình Thi, vào những thời khắc chiến tranh đầy hiểm nguy, giữa mưa bom bão đạn, tác giả đã có những phút giây xuất thần, cảm nhận được cái đẹp của núi rừng Trường Sơn, và hình ảnh người thiếu phụ lao ra giữa chiến trường đã được nhà thơ vẻ bằng một thi pháp tả thực rất hào hùng:
Gặp em trên cao lộng gió Rừng lạ ào ào lá đỏ Em đứng bên đường, như quê hương Vai áo bạc quàng súng trường Đoàn quân vẫn đi vội vã Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa
Với chiếc “Lá diêu bông” như một biểu tượng của trái tim, thi sĩ Hoàng Cầm đã nuôi dưỡng một tình yêu trong vắt, nồng cháy trong tâm hồn người nghệ sĩ, một cuộc kiếm tìm “Lá diêu bông” hư ảo cho đến cuối đời người:
Hai ngày Em tìm thấy Lá
Chị chau mày
Đâu phải Lá Diêu bông
Mùa đông sau
Em tìm thấy Lá
Chị lắc đầu trông nắng vãn bên sông
Ngày cưới Chị
Em tìm thấy Lá
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim
Chị ba con
Em tìm thấy Lá
Xòe tay phủ mặt Chị không nhìn
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc Lá
đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
Diêu bông hời...
...ới Diêu bông...!
Và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì lại có những câu ẩn dụ đầy ngụ nghĩa trong nhạc phẩm “Góp lá mùa xuân”:
Mùa xuân lót lá em nằm
lót đầy hố hầm lót lời đạn bom...
Chỉ có lá, biểu tượng của sức sống, niềm hy vọng mới làm được công việc lấp đầy hố hầm và lót lời đạn bom, lá có thể hàng gắn, xoa dịu cơn đau của vết thương chiến tranh và hình ảnh chiếc lá cuối cùng trong câu chuyện cảm động “The last leaf” (Chiếc lá cuối cùng) của nhà văn O’Henry đã đưa người đọc từ trạng thái tuyệt vọng sang hy vọng. Đúng vậy, chỉ một chiếc lá mà chứa đựng tất cả, hiểu được hành trình của chiếc lá chính là hiểu được hành trình của một đời người. Một thi nhân đời Đường khi nhìn thấy chiếc lá rơi đã cảm nhận đất trời:
“Ngô đồng nhất diệp lạc / Thiên hạ cọng tri thu” tạm dịch:
Một chiếc ngô đồng rơi / Màu thu nhuộm đất trời.
Người ta thường nói “Lá rụng về cội” và cội nguồn của lá chính là sự sống, là mặt đất. Nghĩ về phép lạ của lá, tôi chợt nhớ đến câu chuyện giữa hai cụ già trong một khu vườn tạp ở Huế. Một ngày đầu xuân, tôi ghé thăm khu vườn xưa cũ, người chủ mảnh vườn chỉ vào một thân cây, trên thân cây có gần 10 loại lá xanh tươi, ông trầm ngâm một lúc rồi nói: “thế giới của cây cỏ thật yên bình, sống chung với nhau trên một thân cây mà vẫn lên tươi tốt…”. Nghe cụ già nói tôi chợt liên tưởng đến một thế giới cọng sinh và nghĩ về đức hiếu sinh của vạn vật mà cổ nhân đã nói đến. Đang mãi mê theo dòng suy tưởng, bỗng vang lên giọng nói của vị khách già: “thực vật sống được như vậy là nhờ chúng không tư hữu, không tranh giành…”. Ôi, đầu xuân chỉ nhìn vào một gốc cây, trên đó có nhiều loài cây ký sinh đang phát triển, mà hai cụ đã nói chuyện của cả thế gian. Như vậy đó, chúng ta cùng một mái nhà, cùng một tiếng nói, cùng một màu da, cùng những nỗi đau và rộng hơn nữa là loài người sống cùng một trái đất, một quả địa cầu rất bé nhỏ so với vũ trụ. Vậy mà con người cứ mãi gây nên chiến tranh, tàn sát lẫn nhau bằng những công cụ của nền văn minh, ám hại nhau vì tư lợi,… chúng ta đang đi ngược với đức hiếu sinh. Thế giới này sẽ tiếp tục khốn đốn vì một chữ “tư”; tư lợi, tư hữu, tư tình, tư thù,… ngày xưa tôi có làm câu thơ: “đời tôi chiếc lá lặng lẽ rơi”, nhìn lại cũng nằm trong chữ tư. Vậy là lặng lẽ không được rồi. Có lẽ chúng ta nên học đời sống cọng sinh của cây cỏ.
Chu trình của lá là một vòng quay hoàn hảo. Mùa xuân lá thắp lên bạt ngàn ngọn lửa mang màu hy vọng khắp quê hương, mùa hạ lá như người từng trải, tạo nên từng tán rộng vươn xa để che nắng mưa cho người, cho đời. Vào mùa thu, từng đám lá lãng du cùng gió gợi nên cảm giác phiêu bạt, lãng mạn và kỳ ảo như tác phẩm “vàng bướm chiêm bao” đang nô đùa trong ký ức tuổi thơ, mà nghệ sĩ Đinh Khắc Thịnh đã tái hiện, khiến tôi nhớ đến những câu thơ của Hoàng Nguyệt Xứ, tên thật là Hoàng Trọng Định, một thời từng là kỳ vương ở đất Cố đô, nhưng lại rất lãng đãng trong xứ mộng hoang liêu:
Trang Tử là con bướm
Đậu phải cành chiêm bao
Áo xanh và ngựa trắng
Như hình bóng qua đường
Đến mùa đông giá rét lá lặng lẽ thu mình trở về dưới cội đất bao dung mà rất nghìn trùng. Những chiếc lá cũng trải qua chu trình sinh, thành, hoại, diệt rồi lại sinh đã tuần hành theo bốn mùa xuân, hạ, thu, đông rồi lại xuân. Như ngụ ngôn về một cõi hằng sống được nói đến trong các cố thư, mà những thánh nhân đã ký thác bằng chính đời sống của mình để trao thêm niềm tin cho con người.
Lê Huỳnh Lâm
Năm nào cũng vậy, song hành cùng không khí mùa xuân nô nức tràn về, là tiết trời se lạnh được mang theo từ chuyến gió bấc và cơn mưa phùn. Trên mọi nẻo đường, những bước chân rộn ràng vang lên trong cuộc quy cố hương của những người con xa quê nhà. Lòng người rộn ràng, gương mặt thành phố tươi vui như được thay áo mới. Trên các ngả đường những tấm thảm hoa toả ngát hương với đủ các màu sắc. Màu vàng tươi của các loài hoa cúc, màu hồng thắm của rừng đào giữa phố, màu đỏ nồng nàn của ngàn cánh hồng, màu trắng tinh khôi của hoa huệ, màu tím mặn mà của những cánh hoa tulip, cùng những sắc màu gợi cảm của những cánh hoa phong lan và không thể nào thiếu sắc vàng trang nhã của hoàng mai…
Ẩn sâu trong những gam màu rực rỡ đó, là màu xanh non hư ảo của các chồi cây như đang thắp lên những ngọn thanh lạp. Ai bảo phép lạ là đi qua sông trên một bè lau, đi chân trần trên lửa than hồng,… Chính những phép lạ đó đã làm mịt mờ nhãn tâm của con người, khiến họ quên mất rằng phép lạ của tạo hoá đang diễn trình, từ những bộ xương cây chơ vơ giữa mùa đông giá rét, bỗng nhiên bừng dậy vô vàn những ngọn nến thắp xanh màu mạ non giữa trần gian phiền luỵ. Những chiếc lá xanh non đầu xuân như ánh mắt thơ trẻ trong veo giữa giếng đời. Theo tháng ngày, lá lớn dần và chuyển sang màu xanh lục đậm đà, để qua mùa hạ những chiếc lá trưởng thành dưới ánh nắng chói chang và sang mùa thu lá chuyển màu vàng úa, chuẩn bị cho cuộc chia ly, lìa cành cuốn theo chàng gió lãng tử, rồi khi mùa đông đến lá hoá thân vào lòng đất để hoàn thành một kiếp lá. Một kiếp lá đã xuất hiện để giúp ích, làm đẹp cho cuộc đời.
Sự xuất hiện của lá đã khiến bao tâm hồn thi nhân chao động, trong bài thơ “Lá đỏ” của Nguyễn Đình Thi, vào những thời khắc chiến tranh đầy hiểm nguy, giữa mưa bom bão đạn, tác giả đã có những phút giây xuất thần, cảm nhận được cái đẹp của núi rừng Trường Sơn, và hình ảnh người thiếu phụ lao ra giữa chiến trường đã được nhà thơ vẻ bằng một thi pháp tả thực rất hào hùng:
Gặp em trên cao lộng gió Rừng lạ ào ào lá đỏ Em đứng bên đường, như quê hương Vai áo bạc quàng súng trường Đoàn quân vẫn đi vội vã Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa
Với chiếc “Lá diêu bông” như một biểu tượng của trái tim, thi sĩ Hoàng Cầm đã nuôi dưỡng một tình yêu trong vắt, nồng cháy trong tâm hồn người nghệ sĩ, một cuộc kiếm tìm “Lá diêu bông” hư ảo cho đến cuối đời người:
Hai ngày Em tìm thấy Lá
Chị chau mày
Đâu phải Lá Diêu bông
Mùa đông sau
Em tìm thấy Lá
Chị lắc đầu trông nắng vãn bên sông
Ngày cưới Chị
Em tìm thấy Lá
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim
Chị ba con
Em tìm thấy Lá
Xòe tay phủ mặt Chị không nhìn
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc Lá
đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
Diêu bông hời...
...ới Diêu bông...!
Và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì lại có những câu ẩn dụ đầy ngụ nghĩa trong nhạc phẩm “Góp lá mùa xuân”:
Mùa xuân lót lá em nằm
lót đầy hố hầm lót lời đạn bom...
Chỉ có lá, biểu tượng của sức sống, niềm hy vọng mới làm được công việc lấp đầy hố hầm và lót lời đạn bom, lá có thể hàng gắn, xoa dịu cơn đau của vết thương chiến tranh và hình ảnh chiếc lá cuối cùng trong câu chuyện cảm động “The last leaf” (Chiếc lá cuối cùng) của nhà văn O’Henry đã đưa người đọc từ trạng thái tuyệt vọng sang hy vọng. Đúng vậy, chỉ một chiếc lá mà chứa đựng tất cả, hiểu được hành trình của chiếc lá chính là hiểu được hành trình của một đời người. Một thi nhân đời Đường khi nhìn thấy chiếc lá rơi đã cảm nhận đất trời:
“Ngô đồng nhất diệp lạc / Thiên hạ cọng tri thu” tạm dịch:
Một chiếc ngô đồng rơi / Màu thu nhuộm đất trời.
Người ta thường nói “Lá rụng về cội” và cội nguồn của lá chính là sự sống, là mặt đất. Nghĩ về phép lạ của lá, tôi chợt nhớ đến câu chuyện giữa hai cụ già trong một khu vườn tạp ở Huế. Một ngày đầu xuân, tôi ghé thăm khu vườn xưa cũ, người chủ mảnh vườn chỉ vào một thân cây, trên thân cây có gần 10 loại lá xanh tươi, ông trầm ngâm một lúc rồi nói: “thế giới của cây cỏ thật yên bình, sống chung với nhau trên một thân cây mà vẫn lên tươi tốt…”. Nghe cụ già nói tôi chợt liên tưởng đến một thế giới cọng sinh và nghĩ về đức hiếu sinh của vạn vật mà cổ nhân đã nói đến. Đang mãi mê theo dòng suy tưởng, bỗng vang lên giọng nói của vị khách già: “thực vật sống được như vậy là nhờ chúng không tư hữu, không tranh giành…”. Ôi, đầu xuân chỉ nhìn vào một gốc cây, trên đó có nhiều loài cây ký sinh đang phát triển, mà hai cụ đã nói chuyện của cả thế gian. Như vậy đó, chúng ta cùng một mái nhà, cùng một tiếng nói, cùng một màu da, cùng những nỗi đau và rộng hơn nữa là loài người sống cùng một trái đất, một quả địa cầu rất bé nhỏ so với vũ trụ. Vậy mà con người cứ mãi gây nên chiến tranh, tàn sát lẫn nhau bằng những công cụ của nền văn minh, ám hại nhau vì tư lợi,… chúng ta đang đi ngược với đức hiếu sinh. Thế giới này sẽ tiếp tục khốn đốn vì một chữ “tư”; tư lợi, tư hữu, tư tình, tư thù,… ngày xưa tôi có làm câu thơ: “đời tôi chiếc lá lặng lẽ rơi”, nhìn lại cũng nằm trong chữ tư. Vậy là lặng lẽ không được rồi. Có lẽ chúng ta nên học đời sống cọng sinh của cây cỏ.
Chu trình của lá là một vòng quay hoàn hảo. Mùa xuân lá thắp lên bạt ngàn ngọn lửa mang màu hy vọng khắp quê hương, mùa hạ lá như người từng trải, tạo nên từng tán rộng vươn xa để che nắng mưa cho người, cho đời. Vào mùa thu, từng đám lá lãng du cùng gió gợi nên cảm giác phiêu bạt, lãng mạn và kỳ ảo như tác phẩm “vàng bướm chiêm bao” đang nô đùa trong ký ức tuổi thơ, mà nghệ sĩ Đinh Khắc Thịnh đã tái hiện, khiến tôi nhớ đến những câu thơ của Hoàng Nguyệt Xứ, tên thật là Hoàng Trọng Định, một thời từng là kỳ vương ở đất Cố đô, nhưng lại rất lãng đãng trong xứ mộng hoang liêu:
Trang Tử là con bướm
Đậu phải cành chiêm bao
Áo xanh và ngựa trắng
Như hình bóng qua đường
Đến mùa đông giá rét lá lặng lẽ thu mình trở về dưới cội đất bao dung mà rất nghìn trùng. Những chiếc lá cũng trải qua chu trình sinh, thành, hoại, diệt rồi lại sinh đã tuần hành theo bốn mùa xuân, hạ, thu, đông rồi lại xuân. Như ngụ ngôn về một cõi hằng sống được nói đến trong các cố thư, mà những thánh nhân đã ký thác bằng chính đời sống của mình để trao thêm niềm tin cho con người.
Lê Huỳnh Lâm