<BIG>VIẾT VÀ NÓI ...... THỪA?</BIG>
<BIG></BIG>
<BIG></BIG>
<BIG></BIG>
<BIG></BIG>
<BIG>Câu chuyện dòng sông</BIG>
<BIG></BIG>
Xin bắt đầu vấn đề "rắc rối và phức tạp" bằng chuyện sông nước cho có vẻ... thơ mộng. Vả lại, sông là một thực thể vốn quen thuộc, gắn bó với đời sống của tất cả chúng ta... Nhưng bạn có biết từ sông hiện hữu trong tiếng Việt có từ bao giờ không?<BIG></BIG>
Bằng công trình Nghiên cứu chữ Nôm (NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 1981), tác giả Lê Văn Quán nêu nhiều chứng cớ và đi đến kết luận: Từ sông từng được dân ta sử dụng chậm nhất là vào thời nhà Lý (thế kỷ 11). Rất có thể từ này đã xuất hiện sớm hơn nhiều nữa. Biến thể ngữ âm của nó là song, sung, suông, thông, thỏỏng. Thí dụ: nậm Song và nậm Suông (phụ lưu của sông Chảy phía thượng nguồn), khe Sung (phụ lưu của sông Cả), nậm Thỏỏng tức Thông Lênh (thuộc tỉnh Lạng Sơn), An Thông (một tên cũ của sông Sài Gòn bây giờ)...
Tác giả Nguyễn Văn Âu, qua sách Địa danh Việt Nam (NXB Giáo dục 1993), còn chỉ thêm: liên quan tới từ sông là từ krông rất phổ biến, chủ yếu trong cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Chẳng hạn Krông Knô và Krông Ana ở Đác Lắc, Krông Pôkô ở Gia Lai, Kon Tum... Biến âm của nó chính là kôn/côn. Sông Côn ở Bình Định là thí dụ. Ca dao:
Côn giang cá chép mép son
Lại Giang cá bống trắng non vóc ngà
Lại Giang cá bống trắng non vóc ngà
Mở rộng biên giới khảo sát, chúng ta còn ngạc nhiên khi thấy sự tương đồng ngữ âm của từ đang đề cập. Với người Lào thì sông là kông/công: Mê Công. Các dân tộc cư ngụ phía nam Trung Quốc lại đọc là kôông, và viết bằng chữ "công" kèm theo bộ "thủy". Đó chính là chữ giang (theo âm Hán - Việt).
Từ ấy, hàng loạt con sông được định danh trên văn bản bằng chữ giang: Trường Giang, Tây Giang, Hắc Long Giang, Bắc Giang, Bằng Giang, Lô Giang, Đà Giang, Nhuệ Giang, Hương Giang, Lại Giang... Xét về ngữ âm học lịch sử, phải chăng giang trong tiếng Hán khởi nguồn từ sông trong tiếng Việt cổ hoặc các từ tương đương trong ngữ hệ Nam Á xa xưa?
Những biến thể ngữ âm của sông trong tiếng Việt cổ như đã nêu, theo Nguyễn Văn Âu, còn chuyển thành slong. Phụ âm đầu "s" rơi rụng khi đã Hán hóa ra long. Và tùy cách hiểu khá chủ quan mà âm long được ghi bằng các dạng Hán tự khác nhau: hoặc chữ "long" có nghĩa là rồng, hoặc chữ "long" mang nghĩa phát đạt. Cứ liệu ngôn ngữ học này chính là lời giải thích đầy sức thuyết phục trước câu hỏi oái ăm: Tại sao trên đất nước ta có quá nhiều dòng sông mang tên Long? Nào là sông Long Đầu (Lạng Sơn), Long Hầu (Thái Bình), Long Môn (một đoạn sông Đà), Hoàng Long (Ninh Bình), Thị Long (tức sông Cang ở Thanh Hóa), Kim Long (Huế), Minh Long (Quảng Ngãi), Dương Long (Bình Định), Xuân Long (Phú Yên), Phước Long (tức sông Đồng Nai)... Nào là sông Long Ẩn, Long Phương, An Long, Vĩnh Long, Long Mỹ, Long Xuyên, Long Hổ, Long Phú... là các chi lưu, phụ lưu của sông Tiền và sông Hậu chằng chịt khắp đồng bằng sông Cửu Long.
Vâng, thì long chính là sông đấy thôi. Một số trường hợp, âm này còn biến thành lòng: sông Ba Lòng (Quảng Trị), sông Lòng Sông (Ninh Thuận - Bình Thuận), kinh/kênh Lòng Tàu (tên chữ là Long Tào, ở TP Hồ Chí Minh)...
Như thế, rõ ràng krông, kôn, khôông, krôn, khung... hoặc giang, long, lòng... gì cũng mang nghĩa "sông" cả. Vậy hóa ra chúng ta dùng từ "hơi bị" thừa khi gọi con sông ở Thái Nguyên là sông Công (sông Sông ư?), sông ở Quảng Trị là sông Ba Lòng (sông Ba Sông?), sông ở Bình Định là sông Côn (sông Sông?), sông ở Đác Lắc là sông Krông Knô (sông Sông Chồng?) và sông Krông Ana (sông Sông Vợ?)... Lâu nay, mọi người cứ quen gọi sông Mê Công (sông Sông Mẹ) mà chẳng hề thắc mắc. Hỡi ôi!
Cần nói thêm rằng, cũng tương tự ngôn ngữ của nhiều dân tộc trên thế giới, từ chỉ sông của cộng đồng dân tộc Việt Nam - bao gồm người Kinh và các dân tộc thiểu số anh em - thường xuất phát từ một từ chỉ nước. Trong tư duy người cổ, sông nước là khái niệm không tách bạch. Với người Thái, đó là nậm: nậm Nu, nậm Na... Tiếng Chăm là êa: êa Yeng, êa Gip... Tiếng Ê Đê và Gia Rai là ia/ya: ya Dran, ya Lap... Tiếng Mạ và Lạch là đa: Đa Nhim, Đa Lát, (biến âm thành Đà Lạt)... tiếng Mơ Nông là đạ Đạ Tẻh, Đạ Đờng (tức Đồng Nai)... Tiếng Ba Na là đăk: Đăk Tô, Đăk Sut, Đăk Lăk... Tiếng Mường là đác, được người Kinh gọi trại ra đức: Thiên Đức (sông Đuống), Chiêm Đức (sông Đáy), Nhật Đức (sông Thương), Nguyệt Đức (sông Cầu)... Tiếng Hoa là sui, ghi chữ Hán thành thủy: Hồng Thủy (sông Hồng), Thanh Thủy (sông Lô)... Chừng ấy đủ thấy bao từ ngữ liên quan từng giao thoa, tiếp biến trên cả địa bàn rộng lớn suốt thời gian dài dằng dặc.
Đến đây, chắc bạn đủ giật mình nhận ra rằng tất cả chúng ta, chẳng từ một ai, thảy đều... nói lắp, còn viết thì theo kiểu... cà lăm! Ở Tây Bắc, ta gọi sông Nậm Thỏỏng (sông Sông Sông?) và sông Khung Giang (sông Sông Sông?). Ở Quảng Trị có sông Đakrông (lại sông Sông Sông?)... Lật bản đồ du lịch Việt Nam do Saigontourist in năm 1998, bạn sẽ thấy biết bao thủy danh bị ghi trùng lặp: Ia Krông Pôkô river (sông Sông Pôkô?), Ea Krông Ana river (sông Sông Sông Vợ), Đa Nhim river (sông Sông Nhim?)...
Xin lưu ý rằng hiện nay nhiều ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số đang tồn tại và phát triển, một số còn được dùng để giảng dạy chính thức trong nhà trường, thì cách gọi địa danh trùng lặp như trên liệu có nên chăng? Nhằm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, bao phen chúng ta phản đối cách nói và viết thừa như "sông Hồng Hà", "sông Hương Giang" hoặc "núi Cấm Sơn", "chùa Thiếu Lâm Tự"... Vậy chúng ta sẽ xử lý sao đây trước vô số tên sông bấy nay cứ bị nói lắp và viết theo lối... cà lăm như tôi đã trình bày?
<BIG>Các từ tố ngỡ vô nghĩa</BIG>
Một giáo viên môn văn ở trường phổ thông nọ, nhiều năm liền nổi tiếng dạy giỏi, song lần ấy thực sự lúng túng khi học trò tò mò hỏi nghĩa một loạt từ quá ư quen thuộc:- Thưa, tăm trong tối tăm, nghĩa là gì? Bầu bạn, gìn giữ, thì bầu và gìn nghĩa là gì? Chợ búa, chùa chiền, đất đai, ít ỏi, thì búa, chiền, đai, ỏi, nghĩa là gì?
Quả thật, trong hệ thống từ ghép của tiếng Việt hiện đại, nhất là những từ ghép song tiết, bên cạnh các từ mà mỗi yếu tố đều có nghĩa rõ rệt, lại tồn tại khá nhiều từ chứa một yếu tố rất khó cắt nghĩa tỏ tường. Yếu tố không mang ý nghĩa từ vựng cụ thể đó thường được các nhà ngôn ngữ học gọi là "từ tố vô nghĩa".
Thực ra, gọi "từ tố vô nghĩa" là với cách nhìn hiện thời ở dạng tĩnh tại. Nếu truy cứu từ nguyên, sẽ thấy rằng chúng là những "từ tố có nghĩa". Xét theo trục lịch đại, như thế chúng chính là "từ tố mất nghĩa". Bàn vấn đề này, tác giả Nguyễn Ngọc San đã viết trong sách Tìm hiểu về tiếng Việt lịch sử (NXB Giáo dục 1993): "Hiện tượng mất nghĩa đồng thời cũng là hiện tượng xuống giá của một số từ bị loại ra hoặc bị hạn chế ở phạm vi sử dụng của một ngôn ngữ. Việc tìm hiểu giá trị ngữ nghĩa của những yếu tố mất nghĩa này là một bộ phận của việc nghiên cứu từ vựng lịch sử. Nó giúp ích nhiều cho việc định vị các lớp từ cũng như việc giải thích các văn bản lịch sử".
Tìm hiểu ý nghĩa những từ tố vô nghĩa là việc làm khá thú vị và tốn lắm công phu. Tại hội nghị Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ tổ chức ở Hà Nội vào tháng 10-1979, Phạm Hùng Việt (Viện Ngôn ngữ học) đã nêu con số thống kê: trong tổng số khoảng 24.500 từ đa âm của tiếng Việt, có khoảng 2.800 đơn vị mang yếu tố vô nghĩa. Giải quyết đầy đủ chừng ấy khối lượng, nào phải chuyện dễ dàng. Lại thêm phải tham khảo biết bao tài liệu về tiếng Việt cổ và nhiều thứ tiếng của các dân tộc có quan hệ với tiếng Việt, về tiếng địa phương các vùng miền trên toàn quốc, về thuật ngữ của một số nghề truyền thống, về những tác phẩm folklore cũng như văn thơ từ thế kỷ 19 trở về trước, v.v... Nghĩa là phải vận dụng kiến thức đa ngành, liên ngành và xuyên ngành - chuyện cũng chẳng dễ dàng chi.
Trên tạp chí Ngôn Ngữ số 2 năm 1970, tác giả Vương Lộc bước đầu tìm được ý nghĩa của 34 yếu tố. Năm 1979, Phạm Hùng Việt công bố thêm 22 yếu tố khác vừa được khôi phục nghĩa. Đến nay, tổng số từ tố vô nghĩa đã tìm lại ý nghĩa chỉ xấp xỉ con số 100. Nói chung là công việc tiến triển rất chậm. Tuy nhiên, với những kết quả đã đạt được, bạn có thể phần nào "vén màn bí mật" hiện hữu ngay trong "kho tàng của chúng ta": tiếng mẹ đẻ.
<BIG>Từ tố vô nghĩa thật sự</BIG>
Ở đây, chúng ta sẽ không xét đến trường hợp từ ghép theo kiểu chính phụ mà trong đó một yếu tố tuy mang nghĩa rõ ràng, ai cũng biết, song đóng vai trò "hờ hững cũng như không". Chẳng hạn như cửa trong nhà cửa, hoặc ăn trong ăn nói, ăn mặc...
Các yếu tố trong hàng loạt từ phiên âm đích thị là vô nghĩa nếu tách rời. Thí dụ: xà bông / xà phòng (do tiếng Bồ Đào Nha sa bão và tiếng Pháp savon), hủ tíu / hủ tiếu (do tiếng Triều Châu cổ chéo mà âm Hán Việt là quả điều), phô mai / phó mát (do tiếng Pháp formage), mít tinh (do tiếng Anh meeting ), lô cốt (do tiếng Đức blockhaus), ghi ta (do tiếng Ý gitarre và tiếng Pháp guitare, tiếng Anh guitar), sát na (do tiếng Sanskrit ksana, phiên âm qua tiếng Hán), lì xì (do tiếng Quảng Đông mà âm Hán - Việt là lợi thị)... Có thể nói trừ một ít trường hợp ngoại lệ, thì đại đa số từ tố phiên âm tiếng nước ngoài đều không mang nghĩa và chúng chỉ có nghĩa khi tập hợp đủ yếu tố cần thiết.
Tương tự như thế, các yếu tố trong những tổ hợp song tiết hoặc đa tiết sau đây thực sự vô nghĩa: tùm lum, thè lè, lớ ngớ, ba lăng nhăng... Nhiều người xác định đây là những từ láy thuần Việt. Đúng ra, chúng là từ gốc Môn - Khmer đã được du nhập vào tiếng Việt. Tlum, tiếng Cam-pu-chia, có nghĩa là rộng, ta phiên âm và phát triển nghĩa thành tùm lum. Còn thè lè thì phiên từ thle (nghĩa gốc là giơ ra, thòi ra), lớ ngớ vốn từ lngơ (nghĩa gốc: lạ lẫm), ba lăng nhăng xuất phát bởi blanhang (nghĩa gốc: vớ vẩn)... Tiêng Malaysia cũng góp nhiều từ vào kho tàng tiếng Việt qua con đường phiên âm: xà ích (do chữ saìs), mã tà (do chữ mata-mata)... Thí dụ một câu trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của cụ Đồ Chiểu: Kẻ đâm ngang, người chém dọc làm cho mã tà ma ní hồn kinh.
<BIG>Từ tố mất nghĩa</BIG>
Theo các nhà nghiên cứu tiếng Việt, thuở xa xưa về cơ bản sử dụng toàn từ đơn: mỗi tiếng là một từ mang nghĩa độc lập. Trong quá trình phát triển, từ kép hình thành do ghép các từ đơn lại, biến từ đơn thành những yếu tố tạo từ và qua thời gian, với nhiều biến động, không ít từ đơn bị lãng quên ý nghĩa.
Tuy nhiên, hiện nay còn lắm từ đối với tiếng Việt phổ thông có thể vô nghĩa, song ở một số địa phương thì vẫn bảo lưu trong lời ăn tiếng nói hằng ngày. Nếu đi dọc dải đất duyên hải bắc Trung Bộ, bạn sẽ bắt gặp đây đó những từ lạ tai. Chẳng hạn ở Nghệ An, Hà Tĩnh, bà con nông thôn vẫn gọi mảnh sân trước nhà là cái cươi, ông táo (đầu rau) là núc, chợ nhỏ là búa. Còn ở Quảng Bình, Quảng Trị, có nơi vẫn gọi con trâu là "cậu" tria, quét là tước. Người Thừa Thiên - Huế không gọi cây lúa con là mạ mà gọi là má, và chỉ tình trạng rất ngon/ rất say/ rất chín thì gọi là muồi. Ca dao:
Ru em, em théc (ngủ) cho muồi
Để mạ (mẹ) đi chợ mua vôi ăn trầu
Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu
Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh...
Qua đây, chúng ta đã có thể hiểu đầy đủ ý nghĩa các yếu tố trong loạt từ: sân cươi, bếp núc, chợ búa, trâu tria, quét tước, lúa má, chín muồi.Để mạ (mẹ) đi chợ mua vôi ăn trầu
Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu
Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh...
Thế bầu trong bầu bạn, và cộ trong xe cộ thì nghĩa là gì? Qua bài Nguồn gốc một số yếu tố mất nghĩa trong từ ghép đẳng lập, tác giả Vương Lộc chỉ ra rằng có địa phương ở Nam Bộ gọi bằng hữu là bầu. Chúng ta cũng gặp các nhóm lâm dân cùng đi vào rừng ăn ong, hái nấm, đẵn củi... Họ gọi nhau là bầu hoặc xâu. Còn cộ thì Từ điển phương ngữ Nam Bộ do Nguyễn Văn Ái chủ biên, (NXB TP Hồ Chí Minh, 1994) cắt nghĩa và nêu thí dụ: "Xe quệt: Trâu kéo cộ. Một cộ lúa". Vậy đã rõ: bầu = bạn; xe = cộ.
Từ tố ngặt trong ngặt nghèo / nghèo ngặt, và âu trong âu sầu / âu lo / lo âu nên hiểu thế nào? Nếu ghé thăm đất võ Bình Định, bạn sẽ nghe những câu như: "Con bé đó đánh roi ngặt lắm!". Hoặc: "Đề thi năm nay sao ngặt quá!". Hóa ra ngặt là hiểm hóc, gay cấn, éo le, khó khăn, khổ sở, túng thiếu... Thì nghèo túng cũng như nghèo ngặt và nguy ngặt khác gì ngặt nghèo. Lật lại Quốc âm thi tập của thi hào Nguyễn Trãi (1380-1442), bạn cũng thấy từ này xuất hiện ở bài thơ số 18:
Đêm thanh nguyệt hiện ngoài hiên trúc
Ngày vắng chim kêu cuối khóm hoa
Quân tử hãy lăm (chăm) bền chí cũ,
Chẳng âu ngặt, chẳng âu già.
Qua đó, chúng ta không chỉ hiểu từ ngặt, mà còn biết thêm âu=lo. Hay thật! Tác phẩm văn chương cổ điển góp phần soi sáng ý nghĩa bao từ tố bấy lâu nay ngỡ như vô nghĩa...Ngày vắng chim kêu cuối khóm hoa
Quân tử hãy lăm (chăm) bền chí cũ,
Chẳng âu ngặt, chẳng âu già.
Tác phẩm văn chương cổ điển của nước nhà còn giúp chúng ta rất nhiều trong việc khôi phục ý nghĩa bao từ tố bấy lâu ngỡ chừng vô nghĩa. Chỉ riêng Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi sáng tác từ thế kỷ 15 đã cung cấp hàng loạt cứ liệu quý báu. Chẳng hạn bài số 190, tiêu đề Răn sắc:
Sắc là giặc, đam làm chi!
Thuở trọng còn phòng có thuở nguy
Trụ mất quốc gia vì Đát Kỷ
Ngô lìa thiên hạ bởi Tây Thi...
Ở câu mở đầu, có chữ đam, nghĩa là ham muốn, say đắm. Điểm ấy hẳn giúp bạn lý giải được từ đam mê. Cũng với thi tập này, chúng ta biết tây và tư đều có nghĩa là riêng qua các câu Mựa (chớ) nghe sàm nịnh có lòng tây và Khí dương hòa khó có tư ai. Từ bợ nghĩa là tạm trong câu: Dành để nhi tôn khỏi bợ vay. Từ ruồng là bỏ trong câu Lành người đến, dữ người ruồng. Từ dợ là dây trong câu: Dợ dứt (đứt) khôn cầm bà ngựa dữ. Từ mống là mầm trong câu: Có mống tự nhiên lại có cây. Từ tác là tuổi trong câu: Bạn tác rẻ roi đà phải chịu... Chừng ấy đủ để thấy cả hai yếu tố đồng nghĩa đối với loại từ vừa trưng dẫn: riêng tây, riêng tư, tạm bợ, ruồng bỏ, dây dợ, tuổi tác, mầm mống.Thuở trọng còn phòng có thuở nguy
Trụ mất quốc gia vì Đát Kỷ
Ngô lìa thiên hạ bởi Tây Thi...
Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) lại là một nguồn tư liệu của thế kỷ 16 giúp chúng ta hiểu các yếu tố đã mất nghĩa trong loạt từ: giữ gìn / gìn giữ, nể vì / vì nể, đất đai... Hai yếu tố của mỗi từ đều mang ý nghĩa hệt nhau. Thú vị vô cùng khi bắt gặp từ nóng sốt. Yếu tố sốt từng được nhiều người giải thích rằng đây là phiên âm tính từ chaude (nóng) của Pháp. Đó là cách giải thích gượng ép! Bởi nếu phiên thì ta thường dựa vào tính từ giống đực chaud và phải ghi âm là sô mới hợp. Thí dụ: nổi sô (như nổi xung, nổi đóa). Chẳng qua vì từ tố sốt trong nóng sốt bị phai nghĩa khiến thiên hạ lúng túng nên đành... khiên cưỡng khi phải phân tích, chứ thực ra đây là từ Việt cổ từng xuất hiện trong thơ Trạng Trình:
Khát uống chè mai hơi ngọt ngọt
Sốt kề hiên nguyệt gió hiu hiu
Giang sơn tám bức là tranh vẽ
Phong cảnh tư mùa ấy gấm thêu...
Tập Thiên nam ngữ lục, bộ sử ca trường tiên của tác giả khuyết danh, được xem là tác phẩm thơ Nôm dài nhất trong kho tàng văn học cổ điển Việt Nam, ra đời khoảng cuối thế kỷ 17 (thời chúa Trịnh Căn), cũng cho chúng ta những hiểu biết về các từ pha trong xông pha, hoặc lệ trong e lệ / e ngại, e sợ...Sốt kề hiên nguyệt gió hiu hiu
Giang sơn tám bức là tranh vẽ
Phong cảnh tư mùa ấy gấm thêu...
Ngay cả Truyện Kiều của Nguyễn Du (1765-1820), tác phẩm quá quen thuộc với mọi người, vẫn giúp bạn soát xét lại ý nghĩa nhiều từ tố mất nghĩa. Chẳng hạn han trong hỏi han qua câu:
Trước xe lơi lả han chào
Vâng lời, nàng mới bước vào tận nơi...
Han nghĩa là hỏi. Tiếng Việt xưa, cũng như tiếng Mường nay, đều dùng từ han theo nghĩa đó.
Tìm tòi trong tiếng Mường nói riêng, các thứ tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, chúng ta sẽ phát hiện lắm điều thú vị. Nếu biết người Mường gọi con đường hoặc lối phố là sá / xá, bạn hiểu ngay vì sao tiếng Việt có các từ đường sá và phố xá. Bà con người Mường gọi hàng rào được trồng bằng cây cối là cõi. Đó chính là một từ tố trong bờ cõi/ cõi bờ. Mầu xanh, với người Mường, là lè. Chữ xanh lè đã xuất hiện bằng cách ghép hai từ đồng nghĩa.
Thế xanh ngắt thì sao? Xin thưa, ngắt trong ngôn ngữ Hơ Rê cũng có nghĩa là mầu xanh. Người Hơ Rê và người Ba Na còn nói gỡ để chỉ cái sự gặp, nói tăm để chỉ bóng tối.
Chắc bạn không tránh khỏi ngạc nhiên khi hay rằng trong loạt từ chó má, súng ống, xin xỏ, tre pheo, mưa móc, áo xống... thì yếu tố thứ nhì của mỗi từ đều thuộc ngôn ngữ Tày - Thái. Bà con Tày - Thái gọi con chó là má, khẩu súng là ống, cây tre là pheo, xin là xỏ. Với họ, sương hoặc mưa bụi được gọi là móc, còn xống là từ dùng để chỉ cái váy. Trong một báo cáo ngôn ngữ học năm 1986, tác giả Đoàn Thiện Thuật cho rằng nếu loại bỏ hiện tượng vay mượn ở lớp từ văn hóa xảy ra sau năm 1945 mà chỉ tính lớp từ cơ bản thì số lượng từ vựng chung Việt - Tày chiếm tới 28%.
Đối chiếu với ngôn ngữ Môn - Khmer, chúng ta lại tìm được thêm lắm cứ liệu đặc sắc. Từ gốc Môn - Khmer của luốc là nhọ nồi. Ta có lem luốc / nhem nhuốc. Rậm rạp, từ gốc là chúc. Ta có chen chúc. Ngoài ra, còn thấy trong tiếng Môn - Khmer: veo nghĩa gốc là trong, ngắt là váng, nhằm là ăn, khốc là khô... Âu chẳng phải trùng hợp ngẫu nhiên!
*****
Comment