• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Nỗi cô đơn khủng khiếp

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Nỗi cô đơn khủng khiếp

    Nỗi cô đơn khủng khiếp
    Trần Hồng Văn

    Vào năm 1772, Johann Bode thuộc Viện quan sát thiên văn Bá Linh thiết lập ra một nguyên tắc để tính khoảng cách từ các hành tinh tới mặt trời, sau đó trở thành luật Bode và khi dựa vào luật này người ta tiên đoán là phải có một hành tinh nằm giữa Hỏa Tinh và Mộc Tinh. Cho tới năm 1781 khi Thiên Vương Tinh được khám phá ra, quỹ đạo của nó phù hợp với luật Bode, người ta bắt đầu đi kiếm hành tinh "bí mật" này.
    Cho tới năm 1801, nhà thiên văn học Ý Giuseppe Piazzi khám phá ra một vật lạ nằm phía ngoài Hỏa Tinh và quay quanh mặt trời theo một quỹ đạo nhất định và đặt tên là Ceres. Lúc đó, người ta tưởng là đã tìm ra được thế giới khác nữa ngoài trái đất. Một năm sau đó, và những năm kế tiếp, người ta khám phá ra nhiều vật khác cũng quay quanh mặt trời, nằm trong khoảng không gian giữa Hoả Tinh (Mars) và Mộc Tinh (Jupiter). Cho tới năm 1900, tổng cộng 463 vật lạ được tìm thấy, con số này lên tới 3,450 vào năm 1986; vật lớn nhất tên là Ceres có đường kính đo được 650 miles, vật nhỏ nhất có kích thước vài mét. Người ta ước tính là số vật thể trong vùng này có thể lên tới 30,000, chúng quay quanh mặt trời theo một quỹ đạo nhất định và được gọi là giải tinh hà (Asteroid belt), đó là một vòng đai tập họp những viên đá lớn nằm giữa Hỏa Tinh và Mộc Tinh.

    Vài thập niên gần đây, ngành thiên văn học đã có những bước tiến nhẩy vọt. Ngoài việc tìm hiểu thái dương hệ này, người ta còn đi xa hơn nữa là tìm xem còn có một hệ thống thái dương nào khác quanh chúng ta nữa hay không. Mãi cho tới năm 1992, các nhà thiên văn lần đầu tiên khám phá ra một hệ thống thái dương khác nhưng chưa xác định được rõ ràng. Tới tháng 10 năm 1995, hai nhà thiên văn Thuỵ Sĩ Michel Mayor và Didier Queloz phúc trình là đã tìm ra hệ thống thái dương hệ thứ nhì, rồi chỉ 3 tháng sau đó, trong tháng Giêng 1996, Geofrey Marcy thuộc Viện Đại Học San Francisco State University và Paul Butler thuộc Đại Học California tại Berkeley tìm ra hai thái dương hệ khác nữa.

    "Tôi tin rằng còn rất nhiều thái dương hệ khác sẽ được khám phá ra trong những năm sắp tới", Mayor tuyên bố như trên. Kỹ thuật trong ngành thiên văn mỗi ngày một tiến bộ, các nhà khoa học được trang bị những hệ thống điện toán tối tân cũng như những máy móc quang học tân kỳ, các hệ thống thái dương bắt đầu bị lôi ra từ những cõi u minh xa xăm, những núi dữ kiện về sự đồng nhất của các hành tinh, sự thành lập của chúng ra sao, và nhất là có một đời sống nào khác trong cõi ngút ngàn kia không. "Chúng ta đang bắt đầu một kỷ nguyên khoa học mới, một kỷ nguyên so sánh 9 hành tinh trong thái dương hệ này với các hành tinh trong các thái dương hệ khác" Marcy nói như trên.

    ***

    Thái dương hệ khám phá vào năm 1992 mà lúc đầu người ta nghĩ là gồm có 3 hành tinh có khối lượng tương tự như trái đất quay quanh một pulsar, một vật thể giống như một ngôi sao đã bị suy sụp. Tuy vậy, pulsar là một ngôi sao phát nổ, những vật thể còn lại quay quanh lõi nên tạo ra những luồng phóng xạ và có thể tạo thành những nhầm lẫn cho việc quan sát từ mặt đất chăng? Hệ thống thứ nhì khám phá vào năm 1995 ít nhất có một hành tinh to lớn quay quanh định tinh 51 Pegasi B (định tinh là một ngôi sao hay mặt trời). Ngôi định tinh này nằm trong chòm sao Pegasus cách chúng ta 57 năm ánh sáng. Hành tinh quay quanh có khối lượng tương tự như Mộc Tinh nhưng quỹ đạo của nó chỉ bằng 1/100 khoảng cách từ Mộc Tinh tới mặt trời và quay hết một vòng trong 4 ngày mà thôi. Vì quay gần mặt trời như vậy, nhiệt độ nơi đây lên tới 1,800 độ F., vì vậy đó là nơi thù nghịch của đời sống.

    Trái lại, hai hệ thống thái dương hệ được khám phá vào tháng Giêng 1996 lại gây tò mò nhiều cho các nhà khoa học, chúng cách trái đất khoảng từ 40 tới 70 năm ánh sáng. Ngôi hành tinh thứ nhất được đặt tên là 47 Ursae Majoris B có khối lượng nhiều gấp 3.5 lần Mộc Tinh, có một quỹ đạo lớn gấp 2 lần quỹ đạo trái đất. Nếu ở trong Thái Dương Hệ của chúng ta, vị trí của nó sẽ ở giữa Hoả Tinh và Mộc Tinh, nghĩa là nằm trong riềm giải tinh hà. Ngôi 47 Ursae Majoris B quay một vòng hết 3 năm và nhiệt độ trung bình ở nơi đây là -80 độ C. (tức là -112 độ F.). Hành tinh thứ nhì tên là 70 Virginis B có khối lượng lớn hơn Mộc Tinh gấp 8 lần nhưng lại rất gần với ngôi định tinh, khoảng cách bằng 4/10 quãng đường từ trái đất tới mặt trời, nghĩa là nếu ở trong hệ thống thái dương hệ này, nó chỉ ở bên ngoài quỹ đạo của Thủy Tinh (Mercury, hành tinh trong cùng) và quay quanh ngôi định tinh theo một quỹ đạo 117 ngày (nghĩa là một năm ở nơi đây lâu 117 ngày).

    Tiếp theo, trong tháng Tư và tháng Sáu 1996, người ta lại tìm ra 2 hệ thống thái dương khác nữa. Vào tháng Tư, Paul Butler và Geofrey Marcy kiếm ra một hành tinh quay quanh một định tinh giống mặt trời tại chòm sao Cancer. Ngôi định tinh này tên là 55 Rho Cancri ở phía bắc chòm sao Cancer và cách xa trái đất 45 năm ánh sáng. Dưới điều kiện thời tiết tốt, người ta có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Hành tinh trên có khối lượng như Mộc Tinh quay quanh ngôi định tinh trong một quỹ đạo ngắn bằng một phần mười quỹ đạo trái đất, tức là ngắn hơn 10 triệu miles. Tới trung tuần tháng Sáu, George Gatewood tại Đại Học Pisttburgh tuyên bố là kiếm thấy hai hành tinh quay quanh định tinh Lalande 21185. Ngôi sao này được khảo sát từ nhiều năm nay và rất gần chúng ta. Nó là ngôi sao thứ tư gần mặt trời nhất nhưng rất mờ, người ta chỉ nhìn thấy nhờ ống nhòm hay viễn vọng kính. Gatewood nói là ông đã tìm ra một ngôi hành tinh có khối lượng tương đương với Mộc Tinh hoặc lớn hơn, quay quanh ngôi định tinh trong 30 năm, ngoài ra còn một hành tinh khác nhỏ hơn, có quỹ đạo là 6 năm. Nếu khám phá của Gatewood được xác nhận thì đây là một hệ thống thái dương hệ giống thái dương hệ của chúng ta nhất.

    Với khoảng 200 tỉ ngôi sao (định tinh hay mặt trời) trong giải ngân hà Milky Way, và hàng tỉ giải ngân hà khác có trong vũ trụ cũng như đầy rẫy những nguyên tử cần thiết cho sự sống trong không gian, nhiều nhà khoa học tin rằng con người không thể cô độc trong vũ trụ, ít nhất là trong giải ngân hà Milky Way. Và chỉ trong giải ngân hà Milky Way này thôi, có thể có hàng trăm, hàng ngàn và hoặc hàng triệu nền văn minh khác nữa.

    Nếu xét kỹ lại các điều kiện cần thiết cho sự tạo dựng cũng như duy trì sự sống, điều phỏng đoán trên hầu như bị lung lạc. Từ một đời sống là một đơn bào đơn giản tiến hóa lên một nền văn minh phải trải qua biết bao nhiêu biến đổi. Để có một nền văn minh hiện nay, có phải đời sống trên trái đất đã trải qua rất nhiều may mắn, cái may mắn của một phần triệu, một phần tỉ, và phải chăng con người là một loài sinh vật cô độc trong vũ trụ ngút ngàn này chăng?

    ***
    Sống trên đời

    Similar Threads
  • #2

    Theo các nhà nghiên cứu, đời sống con người trên mặt đất bắt nguồn từ những loài vi khuẩn hạ tầng. Vật chất, năng lượng là nguồn thực phẩm giúp cho đời sống được duy trì, sinh sản và hoạt động. Ngoài ra, đời sống của một sinh vật phải dựa vào nước ở trạng thái lỏng. Trong cơ thể loài động vật, 70 phần trăm khối lượng của một tế bào là nước. Nước hòa tan các thể dắn và thể hơi để tạo ra các phân tử phức tạp, các phân tử này có thể di chuyển tự do, tiếp xúc với các phân tử khác để tạo nên các phản ứng hoá học, nó có thể hòa tan những chất vô cơ để sinh vật tiêu thụ. Có lẽ nước là chất nhiều nhất và đầy rẫy trong vũ trụ và đã hiện diện trên mặt địa cầu này từ 3.8 tỉ năm. Khoảng 3.5 tỉ năm trước, một số sinh vật đơn bào đã xuất hiện rồi tiến hoá thành các sinh vật đa bào khác, như vậy đời sống trên trái đất bắt đầu ngay từ khi có nước ở trạng thái lỏng rồi.

    Khi nghiên cứu về nguồn gốc của nước, nhiều nhà khoa học cho rằng nước đã phản ứng với các ion để tạo nên một hỗn hợp hóa học, điều này chứng tỏ là nước trên mặt đất phải đến từ một nơi nào đó trong không gian. Christopher Chypa, một khoa học gia tại Princeton University, New Jersey, cho là nước tại các biển cả trên trái đất là do các sao chổi đem đến. Trong giai đoạn mới thành lập thái dương hệ, rất nhiều sao chổi đã đâm vào địa cầu và mang theo nước cùng các hoá chất cần thiết cho sự thành lập nước. Hiện tượng này cũng thấy tại Kim Tinh và Hoả Tinh. Chyba tính toán là Kim Tinh cũng đã nhận một số lượng nước tương đương với tổng số nước hiện có trong các đại dương trên trái đất. Mặc dù với trọng lực yếu không thể giữ nước trên mặt đất được, Hoả Tinh vẫn còn giữ lại số nước khoảng từ 10 tới 100 mét sâu trong lòng hành tinh này. Trái lại, các chất lỏng khác như ammonia lỏng không có đặc tính của nước để duy trì đời sống được. Có thể là một đời sống nào đó trong vũ trụ không dựa vào nước, nhưng phần lớn các nhà sinh học cho rằng chỉ có nước mới đưa nền văn minh lên cao được. Để giữ nước tồn tại trên mặt đất cũng như duy trì nó ở trạng thái lỏng, nhiệt độ trái đất qua hàng tỉ năm nay phải ở trạng thái thích hợp nhất và không đổi. Khoảng hai phần ba tổng số sao trong giải ngân hà thuộc hệ thống sao cặp đôi hay nhiều sao chụm lại do đó không một hành tinh nào có thể thành lập, hoặc nếu có, hành tinh bị đẩy đi rất xa và có một quỹ đạo thật lớn. Nếu hành tinh quá gần ngôi định tinh, nước sẽ bị bốc hơi hết, ngược lại nếu nó ở vị trí quá xa, nước sẽ bị đông thành đá. Trong cả hai trường hợp, đời sống không thể hiện hữu.

    Khoảng 60 phần trăm toàn thể định tinh trong giải Milky Way quá yếu, khó có thể duy trì đời sống, những ngôi sao này chỉ có một khối lượng bằng 60 phần trăm khối lượng mặt trời của chúng ta mà thôi. Nếu một hành tinh nào trong hệ thái dương này muốn có một sức nóng vừa đủ để duy trì nước ở trong trạng thái lỏng thì phải quay quanh ngôi định tinh trên một quỹ đạo gần đến nỗi sức hút của ngôi định tinh làm sức quay quanh trục của nó bị chậm lại, như trường hợp Thủy Tinh trong Thái Dương Hệ chúng ta, hậu quả là một bán cầu hướng về ngôi định tinh lâu hơn và trở nên quá nóng, bán cầu kia sẽ quá lạnh. Nhiều ngôi sao non (draft star) còn phun vào không gian những vầng lửa một cách định kỳ làm các hành tinh lân cận bị ảnh hưởng. Mặt khác, những định tinh có khối lượng lớn hơn mặt trời sẽ không sống lâu đủ để tạo nên một nền văn minh. Những định tinh khổng lồ này, chiếm khoảng một phần trăm tổng số các ngôi sao trong giải Milky Way, tiêu thụ khí hydrogen bằng một tốc độ nhanh chóng, do đó đời sống của chúng rất ngắn ngủi.

    Trái đất thuộc về một thiểu số qúi giá trong muôn một, có một mặt trời mà không có ngôi sao nào đi cặp và có một khối lượng vừa đủ để duy trì cho đời sống. Khoảng 10 tới 20 tỉ ngôi định tinh trong số 200 tỉ ngôi trong giải ngân hà Milky Way có khối lượng tương tự như mặt trời là một con số đáng lưu ý. Tuy vậy, có bao nhiêu trong số các ngôi này có hành tinh để đời sống có thể nẩy nở được? Việc khám phá ra các hành tinh quay quanh các định tinh giống như mặt trời, như 51 Pegasi B, 70 Virginis B và 47 Ursae Majoris B mang đến nhiều phấn khởi cho các nhà vũ trụ học đang đi kiếm một đời sống khác bên ngoài trái đất. Tuy vậy, nếu nhìn kỹ lại, những khám phá này không đem đến cho ta nhiều hy vọng.

    Hành tinh quay quanh 51 Pegasi có khối lượng to lớn như Mộc Tinh nhưng lại thật gần ngôi định tinh, nhiệt độ nơi đây lên tới 1000 độ. Các nhà khoa học cho rằng khi mới thành lập, ngôi hành tinh này ở vị trí xa nhưng từ từ nó bị kéo gần lại.

    Hành tinh 70 Virginis B là nơi đời sống có thể nẩy nở vì tại nơi đây nước có thể ở trạng thái lỏng được. Tuy vậy, quỹ đạo của nó hình bầu dục nên nhiệt độ thay đổi lớn lao. Hơn nữa, khối lượng to lớn của nó (ít nhất gấp 8 lần Mộc Tinh) làm cho không một hành tinh nào khác có thể quay quanh ngôi định tinh được.

    Hệ thống thái dương 47 Ursae Majoris tương đối gần giống thái dương hệ chúng ta. Các nhà thiên văn học cho rằng trọng lực của những hành tinh to lớn cỡ Mộc Tinh ngăn cản việc thành lập các giải tinh hà. Ngôi 47 Ursae Majoris B có khối lượng lớn gấp 3.5 lần Mộc Tinh và quá gần ngôi định tinh nên ngăn cản tiến trình thành lập các hành tinh khác có khả năng thành lập và duy trì đời sống.

    Các nhà khoa học đã dựa vào các điều kiện trên trái đất để đặt ra một khuôn mẫu cho một hệ thống thái dương có thể có một đời sống. Hệ thống đó phải gồm các hành tinh thể dắn phía trong và các hành tinh thể hơi phía bên ngoài. Các hành tinh thể dắn là nơi đời sống có thể phát triển, sinh sôi nẩy nở, trong khi các hành tinh lớn thể hơi có nhiệm vụ quét sạch những bụi bặm còn sót sau việc thành lập các hành tinh đã hoàn tất. Trong thái dương hệ của chúng ta, sau khi các hành tinh đã được thành lập, hàng tỉ tỉ ngôi sao chổi bay tới vùng ngoài của Hoả Tinh. Theo một lý thuyết về thiên văn học mới đây, chính hấp lực mạnh mẽ của Mộc Tinh và một phần của Thổ Tinh đã bẻ cong quỹ đạo các sao chổi này và đưa chúng tới vùng không gian ngoài thái dương hệ. George Wetherill tại viện Đại Học Carnegie, Washington D.C. chứng tỏ là nếu không có Mộc Tinh, các thiên thạch và các sao chổi sẽ liên tục đổ xuống các hành tinh bên trong (Thủy Tinh, Kim Tinh, trái đất và Hỏa Tinh). Thay vì đời sống trên trái đất bị tiêu diệt do các cuộc đụng độ này xẩy ra cứ mỗi 100 triệu năm một lần thì tỉ lệ này sẽ chỉ còn lại là 100,000 năm mà thôi, nghĩa là số lần đụng độ sẽ xẩy ra nhiều hơn gấp 1,000 lần và đời sống sẽ không bao giờ có cơ hội tiến hoá và biến hoá thành một nền văn minh được. Các nhà khoa học cũng đã thất bại khi không tìm thấy trong hàng trăm ngôi định tinh gần giống mặt trời, không một hành tinh nào ở thể hơi mà có một khối lượng lớn như Mộc Tinh và quay trên một quỹ đạo tương tự. Điều này đưa đến kết luận là các hành tinh thể hơi to lớn tương đối hiếm hoi. Thái Dương Hệ chúng ta có thể là một ngẫu nhiên hiếm hoi trong vũ trụ có được những điều kiện thích hợp cho đời sống chăng?

    Hỏa Tinh là hành tinh láng giềng đã có một khởi đầu tương tự như trãi đất. Khoảng 3.8 tỉ năm về trước, nghĩa là cùng khoảng thời gian mà đời sống trên trái đất bắt đầu phát triển, trên mặt Hoả Tinh đã có nhiều nước. Phi thuyền Viking (năm 1976) đã chụp được những các kênh rạch dài từ 10 tới hàng 100 miles còn sót lại, có thể đây là dấu vết của những dòng cuồng lưu trước kia. Các mẫu đá từ Hỏa Tinh mà Viking đem về chứng tỏ chúng đã được kết tầng tại các đáy sông hay biển.

    Các nhà khảo cứu cũng cho là trước đây núi lửa hoạt động mạnh tại hành tinh này. Khi có núi lửa và nước, các dòng suối nước nóng sẽ được thành lập. Jack D. Farmer, một nhà khoa học tại NASA, Trung Tâm Nghiên Cứu Ames, Califonia, nói: "Nếu các dòng nước nóng giữ một vai trò quan trọng trong việc biến hoá và tiến hoá của sinh vật trên trái đất thì tại sao không thể xẩy ra trên Hỏa Tinh được?"

    Cho tới ngày 6 tháng 8, 1996, cơ quan NASA tuyên bố là họ đã tìm thấy chứng cớ về đời sống trên Hỏa Tinh. Chứng cớ này là một vi trùng đã hoá thạch nằm trong một thiên thạch nặng 4 lbs. rớt xuống Nam Cực vào năm 1984. Thiên thạch này là một trong chục viên được coi là có nguồn gốc từ Hỏa Tinh, có số tuổi từ 4 tới 4 tỉ rưỡi năm. Các nhà khoa học tại NASA giải thích là vào khoảng 15 triệu năm trước đây, một viên đá to lớn đã đụng vào Hỏa Tinh khiến các mảnh vụn bắn tung tóe vào không gian. Sau nhiều triệu năm bay lượn trên một quỹ đạo quanh mặt trời, cuối cùng nó rớt xuống Nam Cực khoảng 13,000 năm trước.

    "Tôi muốn mọi người hiểu là chúng tôi không nói tới loại người lùn có nước da màu xanh (người không gian)" Giám đốc cơ quan NASA Dan Goldin nói, "Đây chỉ là những đơn bào thực nhỏ tương tự như loài vi trùng tại trái đất. Tuy vậy cho tới nay vẫn chưa có một chứng cớ nào cho thấy có một dạng đời sống cao cấp hơn đã hiện diện trên Hỏa Tinh cả". Nếu khám phá mới này được công nhận, một vấn đề mới được đặt ra là các thiên thạch có thể là một phương tiện thiên nhiên đưa đời sống từ nơi này đến nơi khác trong thái dương hệ này hay ngay cả trong vũ trụ nữa.

    Cơ quan không gian Hoa Kỳ có dự trù cho những công trình nghiên cứu tốn kém về Hỏa Tinh. Một phi thuyền chở người máy đổ bộ Hỏa Tinh vào tháng 7 năm 1997 để khảo sát đất đai, trong khi các máy móc khác sẽ khảo sát khí tượng, bầu khí quyển cũng như những vùng đổ bộ cho các chuyến sau này. Theo như dự trù thì cứ mỗi 2 năm một lần sẽ có một chuyến khảo sát như vậy và người ta hy vọng là vào năm 2018, lần đầu tiên phi thuyền thám hiểm chở những nhà nghiên cứu sẽ được thực hiện để khám phá tường tận và cũng là những bước chân đầu tiên của con người trong việc chinh phục ngôi hành tinh màu đỏ này.

    ***
    Sống trên đời

    Comment

    • #3

      Nhiều người cho rằng mặt trăng chỉ là một khối đá vô giá trị cho đời sống trên trái đất. Nhưng xét cho kỹ nếu không có vệ tinh này có lẽ không ai trong chúng ta có thể thưởng thức được những kỳ công trong vũ trụ. So sánh với các hành tinh thể dắn khác, Thủy Tinh, Kim Tinh không có vệ tinh nào, Hỏa Tinh có hai vệ tinh nhỏ không đáng kể. Ngược lại, mặt trăng có kích thước lớn bằng các vệ tinh của các hành tinh khổng lồ như Mộc Tinh hay Thổ Tinh. Nghiên cứu của Jacques Laskar và các cộng sự viên tại Pháp chứng tỏ là sức hút của mặt trăng đối với trái đất đã làm cân bằng được sức hút của các hành tinh khác trong hàng tỉ năm nay, nhất là Mộc Tinh, và đã tạo cho trái đất ở trong một trạng thái quân bình. Nếu không có mặt trăng, trục quay của trái đất bị xáo trộn. Hiện nay trục của trái đất ở vị trí 23.5 độ và có một sự thay đổi nhỏ theo mùa cùng với một biến đổi trung bình 2.6 độ trong suốt một chu kỳ là 41,000 năm. Nếu không có mặt trăng, trục quay của nó sẽ ở vị trí từ 0 tới 85 độ, nhiệt độ trên trấi đất thay đổi lớn lao từ mùa này sang mùa kia sẽ đưa trái đất đến tình trạng hoặc đóng băng đá thường trực, hoặc sẽ ở trong tình trạng tương tự như hành tinh địa ngục Kim Tinh với nhiệt độ là 450 độ do ảnh hưởng của hậu quả nhà kiếng.

      Có thể nói là trong giải ngân hà Milky Way, rất ít hành tinh cỡ trái đất có được một vệ tinh như mặt trăng. Hầu hết các nhà thiên văn học nghĩ rằng mặt trăng được thành lập do một sự ngẫu nhiên may mắn: Trong giai đoạn đầu thành lập thái dương hệ, một vật thể lớn cỡ Hỏa Tinh đụng vào trái đất với một góc độ thích hợp để không làm trái đất vỡ vụn ra mà chỉ kéo những mảnh vụn vào không gian mà thôi, sau đó những mảnh vụn này kết hợp với nhau thành mặt trăng. Đây chỉ là một sự việc xẩy ra ngẫu nhiên trong hàng tỉ biến cố xẩy ra trong vũ trụ và nhờ đó nền văn minh con người mới có thể tiến hoá lên được.

      Nhưng điều may mắn hơn cả là nước ở trạng thái lỏng khi trái đất và mặt trời trải qua những giai đoạn thay đổi lớn lao. Khoảng 4.6 tỉ năm trước khi trái đất mới được thành lập, mặt trời còn mờ hơn hiện nay khoảng 30 phần trăm và bầu khí quyển khác hẳn hiện nay, phần lớn là khí nitrogen, carbon dioxide và carbon monoxide. Qua khoảng thời gian dài hàng tỉ năm, những hoạt động sinh học và địa chất trên mặt đất đã loại bỏ dần dần chất khí carbon ra khỏi bầu khí quyển và thay thế bằng khí oxygen tự do để nuôi sống đời sống động vật.

      Mặt trời nóng dần lên, thành phần bầu khí quyển trái đất thay đổi hoàn toàn, nhiệt độ trung bình của trái đất giữ nguyên không đổi, từ 5 tới 60 độ C. để sự sống có thể duy trì được. Trái đất không ở trong tình trạng băng giá thường trực hay quá nóng do ảnh hưởng của hậu quả nhà kiếng. Các nhà địa chất học cho là sở dĩ trái đất duy trì được tình trạng nhiệt độ như vậy là do hoạt động của núi lửa cũng như do sự di chuyển của các tấm thềm lục địa. Chính khí carbon trong bầu khí quyển và trong lòng đất được hoán chuyển lẫn nhau là do các hoạt động này. Khi nhiệt độ trái đất xuống thấp, các hoạt động này đưa nồng độ khí carbon lên cao, chất khí này giữ hơi nóng mặt trời để sưởi ấm trái đất; ngược lại, khi trái đất trở nên quá nóng, cơ chế này sẽ lấy bớt khí carbon dioxide trong bầu khí quyển đi và nhiệt độ sẽ lạnh dần. Khí carbon dioxide được hoán chuyển như vậy trong một tiến trình được gọi là chu trình hoá - địa chất. Trong bầu khí quyển, carbon ở dưới dạng hơi, dưới đất nó ở dưới dạng đá carbonate. Mưa hoà với khí carbon dioxide để lập thành một dạng acid yếu. Dưới đất, chất khí acid này trở nên mạnh hơn và làm hoà tan nhiều loại khoáng chất khác, các khoáng chất này sẽ chẩy ra biển theo các sông ngòi. Ngoài biển, loài plankton cùng các sinh vật khác sử dụng các khoáng chất thô để tạo nên chất calcium carbonate, một thành phần chính của đá vôi. Khi các sinh vật này chết, xác của chúng sẽ chìm xuống đáy biển và kết tụ thành đá, đó là nơi dự trữ chất carbon dioxide khổng lồ. Do sự chuyển động của các tấm thềm lục địa, hơi nóng và áp xuất biến đổi chất carbonate và phóng thích khí carbon đioxide, sau đó chất hơi này được đưa vào bầu khí quyển do hoạt động của núi lửa.

      Theo các nhà khoa học thì điều quan trọng nhất là chu trình hoá - địa chất này thay đổi tùy theo nhiệt độ của trái đất. Nếu nhiệt độ tăng, nước tại sông biển sẽ bốc hơi nhiều do đó mưa cũng sẽ nhiều hơn vì vậy chất khí trong khí quyển sẽ bị cuốn theo nhiều hơn. Khi nhiệt độ trái đất xuống thấp dần, mưa ít đi và khí carbon dioxide trong không khí bớt bị lấy đi, hoạt động của núi lửa sẽ làm nồng độ chất khí này tăng dần lên. Trong vài tỉ năm đầu thành lập, mặt trời tối hơn hiện nay khoảng 30 lần. Nhưng tại sao trái đất không ở trong tình trạng băng đá được? Với giải thích của các nhà khoa học thì lúc này bầu khí quyển trái đất dầy đặc khí carbon dioxide, chất khí này giữ hơi nóng của mặt trời lại nghĩa là không cho hơi nóng thoát ra ngoài không gian, đủ giữ cho trái đất ấm lên dần và sinh vật có thể nẩy nở và phát triển. Do cơ chế của chu trình hoá- địa chất, trái đất đã duy trì một khí hậu không đổi trong hàng tỉ năm nay.

      Trong buổi họp báo ngày 13.8.96, các nhà khoa học cơ quan NASA cho biết những hình ảnh gửi về từ phi thuyền Galileo chứng tỏ vệ tinh Europa của Mộc Tinh có thể có nước lỏng nằm dưới một lớp nước đá dày. Europa có một lõi nóng và nếu có nước ở trạng thái lỏng thì một dạng đời sống nào đó có thể hiện diện trên ngôi vệ tinh này. Europa được nghi ngờ có một đời sống và được các nhà khoa học lưu tâm từ lâu (xin đọc bài Đại Dương Trên Trời, Khoa Học và Đời Sống, Trần Hồng Văn, 1989, 1990), nó là một trong 4 vệ tinh chính của Mộc Tinh và có tầm vóc cỡ mặt trăng. Phi thuyền Galileo được phóng đi từ năm 1989 với mục đích khảo sát ngôi hành tinh khổng lồ Mộc Tinh.



      Có bao nhiêu hệ thống thái dương trong giải ngân hà Milky Way có một định tinh thật tốt, có một hành tinh khổng lồ thể hơi như Mộc Tinh, có một hành tinh thể dắn với một hoạt động cơ nhiệt thật hoàn hảo giống như trái đất và một ngôi vệ tinh lớn vừa đủ như vậy? Không ai có thể đoán ra được, nhưng có lẽ thật là hiếm hoi.

      Ví thử đời sống nẩy nở tại một hành tinh có những điều kiện thuận lợi và có một ngôi định tinh thích hợp, không có nghĩa là một loài sinh vật sẽ đương nhiên tiến hoá lên một nền văn minh cao. Nhiều nhà sinh học cho là sự tiến hoá của một loài động vật nguyên thủy tới một loài có nền văn minh cao như loài Homo sapiens quả là một hiếm hoi trong muôn một.

      Stephen Jay Gould, một nhà khảo cổ tại đại học Harvard đả kích lại quan niệm về sự tiến hoá của loài người khi cho đó là một tiến trình liên tục để tiến lên một nền văn minh cao cấp. Gould ví sự tiến hoá này như là một cành cây. Loài Homo sapiens cũng như tất cả loài động vật khác hiện nay được ví như những chồi nhỏ tận cùng của một nhánh nhỏ đang phát triển. Không có chồi nào tiến bộ hơn chồi nào và sự tiến hoá cũng không đi theo một mục tiêu nào cả. Sau 25 triệu năm qua, rất nhiều chồi nhánh không phát triển ngoại trừ một loài Ape đã tiến hoá và biến hoá ra nền văn minh tiến bộ tức là loài người. Chính nhánh này đã biến hoá và tiến hoá qua nhiều triệu loài khác nhau và sự thành hình nên loài người hiện tại chỉ là một sự tình cờ may mắn mà thôi.

      ***
      Attached Files
      Sống trên đời

      Comment

      • #4


        Trái đất có những điều kiện thuận tiện để đời sống nẩy nở, không phải chỉ trên mặt đất với bầu khí quyển thích hợp, khí hậu điều hoà mà còn có những dạng đời sống ở trong những điều kiện hoàn toàn khác hẳn với đời sống chúng ta nữa. Một loài sinh vật được khám phá dưới độ sâu 2 miles trong biển Thái Bình Dương có một đời sống khác biệt hẳn với các loài sinh vật mà ta thường thấy, chúng sống dưới nhiệt độ 185 độ F. trong dòng nước nóng phun ra từ các ngọn núi lửa dưới đáy đại dương và dưới một áp xuất là 3,700 lbs cho mỗi inch vuông. Khám phá trên được công bố trên tập san khoa học Science ngày 22.8.1996 bởi nhà sinh vật học Craig Venter đang làm việc cho Viện Nghiên Cứu Di Truyền Học tại Maryland. "Không lâu lắm, nếu tôi nói là trên trái đất có loài sinh vật đang sống dưới những điều kiện như vậy thì không ai tin cả. Chuyện này giống như câu chuyện khoa học giả tưởng", Venter nói như trên. Sinh vật trên một phần giống như một dạng của vi trùng, phần khác lại ở dưới dạng đời sống cao hơn. Vài di thể của nó giống như di thể của vi trùng, vài di thể khác lại giống con người, và điều quan trọng hơn cả là khoảng 60 phần trăm di thể trong cơ thể sinh vật này lại không giống di thể một sinh vật nào mà ta từng biết cả. "Đây là một thế giới sinh vật riêng biệt, chúng tôi đã tìm thấy một dạng đời sống hoàn toàn khác với những dạng đời sống mà ta được biết.” Venter tuyên bố trong một cuộc họp báo. Các nhà khoa học cho rằng vào thủa ban đầu, các dạng đời sống trên mặt đất đều có cùng một nguồn gốc sau đó chúng tiến hoá theo những chiều hướng khác nhau vậy.

        Vào đầu thế kỷ 20, không ai có thể nghĩ là tới cuối thế kỷ này loài người có tới 4 phi thuyền thám hiểm đang rời bỏ Thái Dương Hệ để đi vào cõi không gian vô tận. Với kiến thức khoa học của con người nhiều lên gấp 2 lần cho mỗi 20 năm, việc du hành không gian để thám hiểm các thái dương hệ khác không còn là một điều giả tưởng nữa. Nếu giải ngân hà Milky Way có những nền văn minh kỹ thuật thật cao khác ngoài giống người, họ đã thực hành những chuyến du hành này rồi. Họ đã phóng những phi thuyền thám hiểm các thái dương hệ khác, hoặc là tìm cách chinh phục các nền văn minh tại các hành tinh lân cận, hoặc giả một số phải di cư vì ngôi định tinh của họ đang ở trong giai đoạn cuối đời.


        ***


        Khi một nền văn minh nào đó du hành tới giải ngân hà Milky Way, chắc chắn thái dương hệ của chúng ta sẽ là mục tiêu thăm viếng vì nơi đây có biết bao điều kiện thích hợp để cho đời sống có thể duy trì và phát triển. Tuy vậy, người ta vẫn chưa tìm ra được một chứng cớ hiển nhiên nào chứng tỏ là trái đất hay ngay cả thái dương hệ này đã có người không gian tới thăm cả. Có thể là người không gian đang hiện diện ngay tại thái dương hệ này với một kỹ thuật vô cùng tân tiến mà loài người không thể nhận ra họ được. Có thể họ đang ở tại một hành tinh nào đó sát cạnh chúng ta hay là ngay cả trên trái đất này. Có thể là giải ngân hà Milky Way đầy rẫy những nền văn minh khác. Tuy nhiên đây mới là những phỏng đoán mà chưa một ai đưa ra được một bằng chứng cụ thể nào cả.

        Hơn 30 năm qua, cơ quan SETI (Search for Extraterestial Intelligence) đã sử dụng những ngân khoản lớn lao cùng với những dụng cụ tối tân nhất hy vọng tìm kiếm ra được một nền văn minh nào khác tại những vùng nơi hàng trăm ngôi sao trong giải ngân hà Milky Way mà người ta nghi ngờ là có thể có sinh vật hiện hữu, nhưng kết quả là không thu thập được một dữ kiện nào chứng tỏ có một nền văn minh kỹ thuật nào khác ngoài trái đất này. Cho tới khi kiếm ra được chứng cớ là có một đời sống khác tại một hệ thống thái dương hệ nào đó, chúng ta phải công nhận một điều con người chỉ là một sinh vật sống cô đơn trong vũ trụ ngút ngàn này mà thôi. Con người chẳng qua chỉ là một trạng thái vật chất và năng lượng đã tiến hoá lên tới mức cao và đó cũng là một trong những hiện tượng của sự tiến hoá và biến hoá của vũ trụ vậy.

        Tháng Giêng 2008
        Sống trên đời

        Comment

        • #5

          Milky Way 2012
          Attached Files
          Sống trên đời

          Comment

          Working...
          X
          Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom