• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Duyên nghiệp

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Duyên nghiệp

    Duyên nghiệp
    Lưu Sơn Minh

    “Vào chùa mới biết sân chùa lắm rêu”.
    Lanh ngồi lên xe ô-tô mà trong lòng cứ nôn nao. Đã lâu lắm chị mới có dịp về thăm U. Từ ngày lên đoàn chèo của tỉnh, mỗi năm Lanh chỉ về nhà được một lần vào dịp tết. May làm sao rằm tháng bảy năm nay, xã lại mời đoàn chèo tỉnh về diễn. Thế là tranh thủ được luôn một chuyến ô-tô…
    Chị cứ ngồi nghĩ miên man mãi đến khi ô-tô đỗ tận vào cửa đình thì mới ngẩng đầu lên, ngơ ngác nhìn quanh. Mọi người trong đoàn đang mang vác lỉnh kỉnh các thứ đồ đạc. Lanh đứng dậy khoác cái xắc lên vai và uể oải cầm thêm một cái túi của đoàn rồi trèo xuống. Vừa bước chân chạm đất chị đã nghe thấy tiếng gọi: “Lanh ơ… ơi”. Lanh vứt bịch cả hai cái túi chạy lao về phía đó “U, sao U biết con về?”. Bà Nhỡ tay vẫn cắp cái rổ vội vàng đẩy con gái ra “Gớm, mày cứ làm như còn bé lắm ấy! U đi chợ nghe nói đoàn chèo tỉnh về diễn đêm nay, thế là U nhảo ra đây. May lại gặp con”.
    - Tối U có ra đình xem không?
    - Thế hôm nay diễn vở gì hả con?
    - Quan Âm Thị Kính U ạ.
    - Mày lại đóng Thị Mầu ư con? Tao chả thích tí nào cả, đóng cái vai bất nhân ấy làm gì? Tao chả xem đâu.
    Lanh bật cười:
    - U cứ nghĩ thế. Mà U cứ về trước đi. Con phải vào chỗ tập kết của đoàn đã. Tối con về!
    Bà Nhỡ lụm cụm quay đi “ờ, U về nhớ. Tối U chờ mày ở nhà đấy”. Lanh dặn với theo “U chả phải chờ con đâu, lúc nào con về con gọi”. Nói thế chứ chị vẫn biết, tối nay bà cụ sẽ ngồi chờ bằng được cho mà xem.
    Lanh chậm rãi đi về phía đoàn, nắng chiều hắt vào mặt chị một mầu hồng rực…
    Tiếng trống ngoài đình xen lẫn tiếng hát vẳng vào chỗ Lanh ngồi. Chị lơ đãng buộc lại dải thắt lưng hoa lý. Chỉ một chốc nữa, chị sẽ hóa thân thành một cô Mầu lẳng lơ trên sân đình. Chị sẽ hát cái câu mà cả làng đã thuộc từ ngày còn bé tí: “Thày như táo rụng sân đình, em như gái dở đi rình của chua”. Thế rồi chị sẽ múa, sẽ liếc mắt đưa tình, lại còn cầm lấy tay chú tiểu đàn bà nữa…
    Lanh khẽ xoay người rồi ngước nhìn trời. Đêm nay có nhẽ mưa mất. Đêm mười bốn mà trời tối sậm, chẳng thấy trăng đâu cả. Giờ này chắc U đã vác mâm ra lễ ngoài sân rồi. Cả làng, mỗi U là cúng rằm vào đêm mười bốn… Cũng may chị đóng vai Thị Mầu chỉ có nửa vở, chẳng biết hát xong đã mưa chưa, chứ không như chị Xoan, vai Thị Kính, phải đóng cho đến màn cuối, dễ chừng mưa ướt hết…
    … Bây giờ ngoài kia chị Xoan đang khóc lóc van xin. Còn anh Phong thì đang quát mắng. Lanh bật cười, hay đáo để, cứ hôm nào diễn thì anh Phong tha hồ mà sỉ mắng vợ! Thế mà ba ngày ở nhà, có giỏi hé răng ra một câu, chị ấy lại chẳng chửi cho mất mặt. Tính chị Xoan quen thế từ hồi còn trẻ, nên hơn ba mươi mới lấy được chồng. Nhưng… chị ấy còn có chồng mà chửi. Lanh thì chẳng có ai để chửi cả. “Giá mà… hồi ấy mình nhận lời với Dư…”.
    Cái đận anh ấy về thăm nhà, bà Nhỡ cũng sang chơi, gọi là tình làng nghĩa xóm. Về bà cụ cứ khen mãi: “Gớm thằng bé tốt tốt là”. Anh cũng qua nhà chị mấy lần, đầu tiên là đáp lễ, rồi để rủ chị đi xem văn công. Đêm ấy, Dư nói là yêu chị. Lanh run bắn cả người, vùng chạy thục mạng về nhà, anh đuổi theo gọi mãi mà không được.
    Hôm sau, Dư lên đơn vị từ sáng sớm… Mãi hai năm trời anh mới xuất ngũ trở về. Về được tròn hai tháng, Dư lấy vợ, một cô gái hiền lành ở bên cạnh nhà. Cũng suốt từ bấy đến nay, mười mấy năm qua, Lanh vẫn chưa hề lấy chồng. Tin Dư cưới, mấy cô bạn lên thị xã kể, Lanh mới biết, nhưng chị cũng không về bởi đợt ấy đoàn đang bận diễn vở mới. Chóng thật, thế mà đã hơn chục năm. Lanh giật mình ngoảnh lại, hóa ra chị Xoan đang quát anh Phong: “Lần sau xỉa ngón tay cho nó nhẹ nhẹ chứ, không thì đừng trách tôi ác!”. Phong cúi đầu xuống, len lén nhìn Lanh vẻ ngượng ngập. Chị Xoan xoay ra: “Gớm, cứ tự do như cô lại thành ra sướng. Chồng mà cứ như cái nợ nhiều lúc tôi định rũ ra cho rảnh…”. Rồi Xoan quày quả ra sân, vừa đi vừa buộc lại cái khăn nâu: “à này - chị quay người lại, giọng đã tươi lên - Chốc có liếc tôi thì vừa vừa chứ, nhỡ cậu nào lại cho tôi hòn gạch vào đầu thì chết”…
    Xoan đi rồi, Lanh quay sang chỗ Phong ngồi lúc nãy. Chẳng thấy có ai cả, quần áo Thiện Sĩ còn vung vãi trên sàn. Có lẽ Phong đã đi từ lúc Xoan quay sang nói chuyện với chị. Lanh thoáng lo, chốc nữa phải ra chào khán giả cơ mà?…
    Lúc chị đội cái mâm ra thì có hạt mưa. Tiếng mưa rơi lộp độp lên mái đình và rì rào trên những đám cây xung quanh đó. Lanh thở dài: “Chẳng hiểu mọi người có bỏ về sớm không, lạy trời để chốc hẵng mưa”. Bây giờ thì chị đã ra đến ngoài sân, cô Thị Mầu bắt đầu xưng danh, còn Lanh vẫn cứ lo lắng. “…Ăn mới em miếng trầu rồi em nói câu này cho nghe”. Tí nữa chị Xoan vào mà anh Phong chưa về thì chị ấy giết. Rõ khổ, mưa gió thế này không hiểu có biết đường mà về không. “… Bỏ mô phật đi”. Lạ nhỉ, mà cũng buồn cười, sao mình lại cứ quan tâm đến nhà người ta thế không biết. Đằng nào chả phải mặc kệ anh chị ấy giải quyết với nhau. “Ta về ta tắm ao ta…”. Thế là chị Xoan vào rồi, còn chị thì sắp phải diễn với cái lão đóng vai anh Nô. Hát thì chẳng bằng ai lại còn hay bắng nhắng, nhưng hắn lại là trưởng đoàn, thế mới tức. Mưa thì ngày một to, thôi cứ ào một cái xuống cũng được, đỡ phải diễn nốt. Mà hình như hôm nay không thấy Dư đến xem. Mọi lần anh ấy mê chèo lắm…
    Chị Xoan hét tướng lên: “Này cô, sao hôm nay cô hát như người mất hồn ấy hả. May là mưa nên người ta không để ý lắm đấy!”. Rồi không để Lanh kịp trả lời chị lại hỏi tiếp: “à này, lão Phong chạy đâu ấy nhỉ?”
    “Em cũng chẳng biết nữa”.
    Xoan lẩm bẩm: “Đi đâu không nói, lại hẹn hò con đĩ nào chứ gì. Tao mà bắt được thì chết cả nút…”
    Lanh hé mành nhìn ra, những người đi xem đã vợi quá nửa. Họ biết hết những gì sẽ diễn ra tiếp theo. Chỉ có điều lâu lắm làng mới lại có hát chèo. Vì thế mọi người còn cố ngồi lại để nghe những câu hát đã trở thành thân thuộc mà thôi. Chị Xoan lại ẩy vào vai Lanh một cái: “Đến cô rồi, ra đi kìa”. Rồi lại rít lên: “Thằng giời đánh, chồng với chả con, chẳng thà nằm không”…
    Mưa đổ xuống ào ào làm đám người ngồi nán lại chạy ùa cả lên trên đình. Thế là đêm diễn tan. Tiếng trẻ con khóc từ mấy ngôi nhà gần đó nghe nẫu ruột. Lanh lẳng lặng đi vòng ra phòng thay quần áo. Vừa đến cửa đã nghe chị Xoan rên rĩ: “Sao lại có thằng ngu như thế sống trên đời cơ chứ?”… Lanh bỗng thấy buồn cười, lấy người ta mấy năm rồi còn chửi là ngu, chẳng qua ngu mới lấy nó, còn kêu ca gì…
    Anh trưởng đoàn đi về phía chị: “Lanh… em, tiền của Lanh à.. em đây này”. Lanh không buồn ngoái lại đưa tay ra sau: “Em xin”. Anh ta cầm ngay lấy tay chị: “Em… em, anh muốn nói với…”
    Chị giật phắt ra quay lại: “Nói năng gì thì nói, có cái lối đâu mà lạ thế…”. Lập tức anh ta đổi nét mặt: “à, cô nói năng với tôi thế à? Sao lúc ở ngoài sân cô liếc tôi ghê thế. Được, tôi sẽ cho cô biết thế nào là quyến rũ tôi nhé!”. Rồi anh ta túm lấy vai chị và kéo về phía mình. Lanh đang cố lắc đầu để tránh cái mồm toàn mùi thuốc lào ấy thì nghe chị Xoan the thé đằng sau: “Hay nhỉ, ngoài đình diễn không đủ lại vào đây diễn nữa phỏng?”. Anh ta buông Lanh ra, quay lại: “Gớm, tôi đùa cô ấy một tí mà, cô Xoan hôm nay nóng quá. Thế nào, chú Phong về chưa?” Lanh lặng lẽ lẻn vào bóng tối, bây giờ ở nhà chắc U đang mong lắm…
    Đang chạy qua vườn chuối thục mạng thì Lanh đứng sững lại. Trong ánh chớp lấp loáng hiện lên một bóng to tướng chắn ngang đường. Tim chị đập loạn xạ còn chân thì nhũn ra không sao mà chạy được nữa. Cái bóng thì thào: “Anh đây mà, Dư đây mà…”. Chị cố trấn tĩnh lại: “Có việc gì thế anh Dư?”.
    - Lanh ạ, anh muốn nói với em một chuyện. Ngày ấy thầy cứ bắt anh phải lấy vợ cho có nơi có chốn, mà bọn anh thì trót nhỡ rồi. Anh không biết là em vẫn còn yêu anh như thế, chờ đợi anh như thế!
    - Tôi không lấy chồng là vì chưa có người vừa ý chứ chẳng phải là tôi lưu luyến gì anh đâu - Chị không ngờ rằng giọng mình có thể lạnh lùng đến như vậy.
    - Em đừng nói thế, tội anh. Anh chờ mãi mới có hôm nay đoàn em về làng diễn. Anh phải lừa vợ anh đi ngủ trước, xong anh ra đây ngồi chờ em lâu lắm rồi, anh chỉ lo không gặp được em!
    - Thôi anh về đi kẻo chị ấy mong. Chẳng có việc gì anh phải đợi tôi cả - Lanh sốt ruột che tay lên đầu như để làm bớt di những giọt mưa lạnh ngắt rơi xuống mái tóc cũng đã ướt đầm của chị. Dường như không hề để ý đến điều đó, Dư lại tiếp tục phân trần:
    - Chả sao đâu em ạ, con vợ anh không biết đẻ, mấy năm liền toàn con gái. Bà cụ nhà anh cứ kêu ca phàn nàn mãi. Em có thương anh thì cho U anh sang nhà nói chuyện. Chứ còn con ấy thì đằng nào anh cũng đuổi về nhà nó thôi.
    Đang tức, Lanh cũng phải bật cười:
    - Thế nhỡ tôi lại đẻ toàn con gái thì anh đuổi tôi luôn chứ?
    ánh chớp nhoang nhoáng làm chị thấy cổ Dư gân lên:
    - Không, anh tin chắc em sẽ đẻ con trai. Đứa con của tình yêu chúng mình. Anh sẽ làm đám cưới thật to. U anh còn để dành được một ít vàng, cụ ấy hứa cho em với thằng đích tôn rồi.
    Bất ngờ chị quát to lên:
    - Anh cút về đi, tôi không ngờ chị ấy còn sống được với anh đến bây giờ đấy!
    Dư thì thào:
    - Anh lạy em, em bé mồm thôi không có ai nghe được thì anh chết.
    Lanh càng quát to hơn:
    - Cút về đi, và đẩy bắn anh ta sang một bên, chị lao đầu chạy. Những thân chuối rẽ ra hai bên đường. Cơn mưa tháng bảy vẫn cứ rả rích rơi trên những tàu lá chuối. áo và tóc chị ướt đẫm vì nước mưa quyện với mồ hôi nặng trĩu.
    Lanh nhỏm hẳn dậy nhìn ra sân. Ngoài kia trời đã nắng to. Chị chợt nhớ ra sáng sớm nay mọi người đã kéo cả sang nhà thờ họ để làm giỗ. Căn nhà ba gian vắng vẻ một cách kỳ lạ. Lanh cúi xuống, bật cười nhìn bộ quần áo của U chị mượn mặc tạm. Nó xếch xác ghê gớm. Mầu nâu đã phai đi trên nếp vải hơi sờn. U đã mặc nó bao nhiêu năm rồi không biết…
    Tối qua lúc chị về đến nhà thì U vẫn ngồi chờ. Giọng u cứ lào phào: “Thế này thì nhiễm lạnh mất con ạ. Quần áo khô đâu rồi thay cho nhanh lên kẻo nước nó ngấm vào người”. Mãi đến lúc ấy chị mới sực nhớ ra túi xách đựng quần áo còn vứt cả ngoài chỗ tập kết của đoàn. Thế là u cuống lên lấy bộ quần áo của u ra cho chị thay. Xong xuôi bà còn ép chị uống cốc nước gừng nóng và bắt chị đi nằm. Lúc Lanh mơ màng, chị thoáng thấy u còn thắp hương lên bàn thờ thầy. Chẳng biết xong bà còn lụi cụi đến bao giờ. Thế mà sáng nay chắc u lại dậy sớm để quét sân. Chị thở dài: “Mấy thằng em trai lười như hủi chẳng giúp được u cái gì còn hành u thêm. Mình thì ở xa cũng chả đỡ đần được u, thế mà nhỡ lấy chồng có con thì rồi u lại lên trông nom hộ chứ còn biết nhờ ai. Nhưng… mình thì bao giờ mới chồng con cơ chứ”. Chị lắc đầu để khỏi nghĩ tiếp tới những chuyện tối qua. Cái đồng hồ chuông cổ lỗ đều đặn điểm tám tiếng liền rồi ngừng bặt. Mọi khi… giờ này chị đã ăn sáng xong và đạp xe đến đoàn rồi. Cũng chẳng phải làm gì nhưng chị vẫn đi làm đều đặn. ở nhà thêm buồn thôi…

    *****
    Sống trên đời

    Similar Threads
  • #2

    Duyên nghiệp

    Tiếng lạch xạch ngoài cổng làm chị nghển cổ nhìn ra sân. Lanh bật kêu khe khẽ: “U. Cái dáng còng còng của u sao giống bà ngoại ngày xưa thế. Chưa vào đến cửa bà đã hỏi: “Dậy rồi đấy ư con? Ra rửa mặt rồi vào ăn sáng. U để phần bát xôi trong chạn ấy”. Lanh cúi xuống, quờ chân tìm dép và đi ra sân. Nắng buổi sáng lung linh trong cái thau đồng rửa mặt như đùa cợt làm chị thấy vui vui.
    Hắt ào chậu nước ra vườn rồi lên nhà chị đã thấy u xếp gọn chăn màn trên đầu giường. Lanh chạy đến bên bà: “U, u cứ làm như con là trẻ con ấy”. Bà Nhỡ phì cười: “Bố chị, bằng chị là tôi đã ba con rồi”. Giọng bà buồn hẳn xuống: “Mày còn kén đến bao giờ nữa. Sang năm là năm tuổi mày, ba sáu rồi đấy con ạ”. Lanh vụng về ôm lấy vai u: “Chả phải lo cho con đâu, chẳng qua là chưa đến số đấy u ạ”. Bà Nhỡ xoay người, dằn dỗi: “Vâng, ấy là tôi cũng bảo thế, nào ai dám lo cho cô, các cô bây giờ nó tân tiến…”. Lanh càng ôm bà chặt hơn: “Con đùa u đấy, rồi thế nào u cũng phải lên bế cháu cho con, u nhé!”. Bà cụ có vẻ vui hơn: “ừ, thế nào u cũng lên. Mà sớm sớm đi con ạ. Mấy thằng em mày cứ lấy cớ chị cả chưa lấy chồng chẳng đứa nào chịu lấy vợ, tao cứ lo lo là… à, con ăn xôi đi, xôi cúng tối hôm qua đấy, u phải sang không chúng nó làm hỏng nồi măng thì chết”. Bà Nhỡ đứng phắt dậy rồi lại ngồi xuống: “Con ăn xong cứ ngồi nghỉ. Mà về nhà thì ở với u mấy ngày chứ?”. Lanh thẫn thờ gật đầu: “U cứ đi đi, con còn ở nhà dăm ngày nữa. Chỉ sợ u không có gạo cho ăn”. Bà Nhỡ đã đứng lên ra đến sân còn quay lại: “Bố chị, u còn đầy gạo chỉ sợ chị chê ở nhà bẩn thỉu, chị không chịu được”. Mới có mấy câu mà bà cụ đã đi ra tận đầu ngõ. Cái dáng lập cập của bà thoáng chốc là khuất sau bờ rào. Ngoài vườn có tiếng con chim gì kêu là lạ…
    Nắng vào đến giữa nhà. Lanh vẫn còn ngồi thừ trên giường. Vừa gỡ búi tóc ra, chị vừa lẩm bẩm: “Chiều phải ra đoàn lấy cái xắc quần áo về mới được”…
    Ô-tô về đến thị xã đã sáu giờ tối. Sau trận mưa thị xã có vẻ buồn hơn mọi khi. Đường phố đã lên đèn. Lanh rảo bước về nhà, hương bồ kết còn nồng trên tóc.
    Chiều nay, trước lúc chị đi, u tự tay vò đầu cho chị bằng nước bồ kết. Thế rồi u tiễn Lanh ra tận đường cái để đón ô-tô. Lên xe rồi, nhìn qua cửa sổ, chị còn thấy mãi cái dáng tần ngần của u khuất trong đám khói mịt mù phía sau… Còn bây giờ thì lại một mình chị đi giữa những người không quen. Tất cả đều có vẻ vội vã… Giờ này mọi người đã ngồi quanh mâm cơm, ai đi làm về muộn đều cố dấn thêm một chút cho chóng đến nhà. Những lúc như thế này, Lanh càng thấm thía nỗi cô đơn. Mở cửa xong chị chẳng muốn bước vào nữa. Trong kia là cả một sự chán chường ghê gớm. Chị sẽ lại nấu cơm một mình, ăn một mình và tất thảy chỉ một mình thôi. Lấy chồng như chị Xoan kể cũng khổ, nhưng mà còn có người nói chuyện. Đằng này… Lanh lắc mạnh đầu như thường lệ, mỗi khi không muốn đi tiếp dòng suy nghĩ.
    Tiếng đập cửa và tiếng nheo nhéo gọi khiến chị bật dậy chạy ra: “ơ kìa, chị Xoan, thiêng thế, em vừa mới nghĩ đến chị xong”. Vừa vào đến nơi, Xoan ôm chằm lấy Lanh khóc nức nở: “Em ơi, thằng Phong nó bỏ chị rồi. Chị ba bẩy tuổi đầu lấy nó, mấy năm trời hầu hạ cơm nước nó, bây giờ nó bỏ nó đi. Thế này thì có căm hờn không em ơi”.
    Lanh đỡ Xoan xuống ghế: “Thế chị đã tìm anh ấy ở đâu chưa? Nhỡ anh ấy có công việc thì sao?”.
    Xoan càng khóc to hơn: “Nó thay quần áo Thiện Sĩ ra, nó lại bỏ chị lần nữa. Nó về qua nhà viết giấy để lại rồi nó cút”. Lanh ngồi xuống cạnh Xoan: “Chị nghỉ đi cho đỡ mệt, chắc rồi anh ấy lại về thôi”. Xoan lắc đầu: “Không, em ơi, ở với nhau mấy năm, chị biết lắm chứ. Nó chẳng về nữa đâu em ạ. Ngẫm càng thương cô Thị Kính. Bị thằng chồng nghi oan đuổi đi, lại còn mang tiếng giết chồng nữa. Sao cái số kiếp chị em mình khổ thế. Rồi cũng đến chết quách cho xong”. Lanh hốt hoảng lay lay vào vai Xoan: “Chị đừng nghĩ dại, còn cái thai, chị phải coi nó là nguồn an ủi chứ”. Xoan gục đầu vào cô bạn gái: “Em ơi, sao chị khổ thế này”…
    Đêm ấy, hai chị em ôm nhau ngủ. Cơn mưa tháng Bảy vẫn rì rầm trên thị xã yên lặng. Chỉ còn những ngọn đèn dầu và những con thiêu thân là vẫn thức. Ngọn đèn thức cho đến khi cạn, còn con thiêu thân thức cho đến khi lao đầu vào ngọn lửa trong một sự bùng nổ của niềm sung sướng lẫn nỗi đau đớn và cái chết…
    Đoàn chèo của tỉnh tan rã như trong một cơn bão. Phong bỏ đi biệt tăm tích. Xoan nghỉ diễn ở nhà buôn bán. Rồi cho đến ngày mà gã trưởng đoàn ôm số tiền còn lại của quỹ đoàn chuồn mất thì tất cả bắt đầu đi vào quá khứ. Lanh ngơ ngác trở về nhà và nhận được tin Xoan đang chuyển dạ. Chị chạy vội vàng để lấy vài thứ đồ cần thiết rồi lao vào viện. Không hiểu sao suốt dọc đường chị toàn nghĩ đến những chuyện chẳng lành. Vừa đến cổng bệnh viện tỉnh, chị đã quáng quàng đâm vào khoa sản.
    Lanh túm lấy cô nữ hộ sinh đang đứng ngoài cửa phòng đẻ: “Cô ơi, cho tôi hỏi chị Xoan nằm chỗ nào hả cô?”. Cô gái khẽ lắc đầu: “Chị ấy mất rồi chị ạ, chúng tôi đang đi tìm người thân để trông nom cháu bé. Con gái, ba cân hai…”. Chị sững người lại: “Tôi là em nuôi chị ấy đây, nhà chị ấy chẳng còn ai nữa cả”. Cô nữ hộ sinh sốt sắng đưa Lanh đi làm thủ tục và dặn dò chị: “Bây giờ chị cố đi lo đám ma chị ấy cho xong. Mấy ngày nữa, chị quay lại mà đón cháu. Bọn em sẽ cố cho cháu bú nhờ lúc còn ở viện”. Lanh cảm ơn cô nữ hộ sinh rồi đi nhanh ra phía cổng. Chợt chị giật mình vì tiếng gọi quá quen thuộc: “ơ kìa em…”. Lanh quay lại: “à, chào anh, anh lên đây làm gì thế?” Dư ngượng nghịu: “Vợ anh nó đẻ, con trai em ạ!”.
    Lanh xoay người: “Thôi em có việc phải đi đây”. Chị chạy như bay ra cổng. còn bao nhiêu là công việc nữa phải làm trong chiều nay… Chỉ có Dư đứng trơ lại trên sân bệnh viện là người duy nhất nhìn theo người đàn bà chạy ra cổng như một con điên…
    Đứa nhỏ đã ngủ yên trong nôi. Lanh khẽ khàng buông cánh màn xuống: “Chị Xoan ơi, thế là trên sân khấu chị phải nuôi con hộ em, ngờ đâu bây giờ em lại nuôi con hộ chị. Lúc chị đi em không được gặp mặt, em ân hận quá. Giá hôm ấy em đừng ra đoàn nữa… Chị cứ yên lòng, em sẽ coi cháu như con em đẻ ra…”. Nhìn con bé tự nhiên Lanh nhận ra từ nay sẽ có những sợi dây vô hình ràng buộc nó vào với chị trọn đời.
    Lanh cứ ngồi như thế cho đến lúc bà Nhỡ ngồi xuống bên cạnh mới giật mình: “U”. Bà cụ thở dài: “Mày cứ bận bịu thế này thì bao giờ lấy được chồng? bao nhiêu người, ai mày cũng chê. Mà mày nuôi con bé này đàn ông người ta nghĩ thế nào?”.
    - Người ta nghĩ gì thì mặc người ta. Con phải lo cho nó chứ không thì ai lo. Nó sẽ chẳng phải khổ như con và chị Xoan nữa.
    Bà Nhỡ khẽ khàng:
    - ấy là tao bảo mày xem, hay là gửi nó vào chỗ trẻ con mồ côi cũng được.
    Chị cúi xuống sửa lại cái mép chăn cho con bé rồi mới trả lời:
    - Không u ạ, con sẽ nuôi nó cho đến ngày nó lớn. Con già rồi còn ai lấy nữa?… Thị Mầu bây giờ lại nuôi con Thị Kính, u bảo thế có buồn cười không?
    Bà cụ dỗi dằn:
    - Tao chả thấy buồn cười gì cả. Đùng đùng biên thư gọi tao lên, ở nhà cứ tưởng là mày cưới. Hóa ra lại ôm lấy cái tội nợ này!
    Lanh ôm đầu yên lặng, dù vậy chị vẫn biết lúc u thở dài, len lén đứng dậy ra sân. Ngoài kia trăng lại sắp tròn, đã sáu tháng trôi qua từ cái đêm hát cuối cùng của đoàn chèo tỉnh… Chị tin rằng u sẽ vẫn phải nghe lời chị nuôi con bé thôi. Nhưng mà còn chị, tuổi trẻ của chị đã đi qua từ lúc nào. Chẳng rõ, nó không thể nào tròn lại như trăng. “U ơi, thế bây giờ u bảo con lấy ai? Ngày xưa, không hiểu Thị Mầu về sau có lấy ai không, sao người ta chẳng kể gì về Thị Mầu nữa, hở u…”.

    HẾT
    Sống trên đời

    Comment

    Working...
    X
    Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom