Một Nửa
Nguyên Hương
Nguyên Hương

Cuộc họp liên ngành kết thúc sớm. Chạy xe ra khỏi bãi, thấy Bích đứng trên vỉa hè, Thiện dừng xe lại:- Đức chưa đến đón hả?
- Đâu biết về sớm vậy. Anh có đem theo điện thoại đó không?
- Khỏi gọi, lên xe anh chở về luôn.
- Anh không đi đón Mỹ sao?
- Mỹ đi công tác, tuần sau mới về. Cu Tín ở nhà trẻ. Mấy ngày nay, trưa nào anh cũng lang thang bụi bờ.
- Vậy trưa nay về nhà em đi.
Xe chạy qua chợ. Bích đập vai Thiện:
- Ngừng lại, đợi em tí xíu. Em mua gì về nấu cho vui.
- Thôi, có gì ăn nấy đi Bích. Đừng bày vẽ…
Bích cắt ngang:
- Bày vẽ gì đâu. Phải cám ơn anh thì có. Ngày thường tụi em cũng dã chiến lắm. Có anh, nấu nướng đàng hòang, chắc em được anh Đức khen.
Tiếng Bích cười khúc khích sau lưng. Thiện qụeo vô ngõ chợ, thấy vui vui. Hồi mới cưới, vợ chồng anh và vợ chồng Bích cứ cuối tuần là rủ nhau nấu nướng.
Dừng xe ở góc đường chờ Bích, nhìn quanh, thấy nhiều người đàn ông giống mình, Thiện chợt cười khẽ, như là mình đang đợi vợ đi chợ… Bích mà biết ý nghĩ này, sẽ cười vào mũi.
Bích trở ra với con gà luộc sẵn ở trong túi nylon, cái mỏ nhọn xỉa một lỗ thủng, mấy cái túi khác đựng rau và đủ thứ lỉnh kỉnh. Vành mũ che mát nữa trên mặt Bích, từ sống mũi xuống chỗ nắng, cộng thêm mặt Bích nhăn nhăn, rất buồn cười:
- Đi chợ buổi trưa khó có đồ ngon.
- Sao nói nấu nướng đàng hòang mà mua đồ luộc sẵn?
Tiếng cười tinh nghịch rộ lên sau gáy Thiện:
- Để chữa cháy, nếu chẳng may món nộm cải ngồng bị hư. Cô bạn đi công tác về, khoe được ăn món nộm cải ngồng ngon lắm. Em chỉ nghe miêu tả thôi, hôm nay mới thực hành.
Thiện cười:
- Anh tin là số anh hên.
- Em hy vọng vậy. Nhưng cứ có sẵn con gà cho chắc ăn.
Nhà Bích ở cuối con đường không xa phố lắm. Buổi trưa hoàn toàn yên tĩnh. Bích mở khóa cổng và chỉ tay về gốc bơ ở góc sân rộng:
- Anh dựng xe đằng kia cho mát. Bọn em định trồng hoa hoài mà vẫn chưa trồng được, nhìn trống hoác như nhà hoang.
- Để đó, bữa nào anh bàn với Đức mở quán cà-phê.
- Chà, lạy trời…Quán có ế, rút đi nơi khác, để lại những chậu kiểng cho em nghe.
Thiện bật cười. Bích mở khóa cửa và đi thẳng xuống bếp, nói vọng lại:
- Tự nhiên nghe anh Thiện. Anh đọc báo hay nghe nhạc tùy ý. Có bia trong tủ lạnh, nhưng đừng uống bây giờ, tí ăn mất ngon.
Điện thoại reo vang. Đức gọi. Thiện nghe tiếng Bích la lên: “Thôi, hẹn hò lúc khác đi. Trưa nay có anh Thiện ăn cơm với mình. Đang ngồi đợi anh nè. Em đang nấu… trời ơi… cháy…”.
Thiện hình dung khuôn mặt Bích láu lỉnh như đang có món gì trên bếp bốc mùi khét. Rồi Bích nhô đầu ra, đúng vẻ láu lỉnh như Thiện hình dung:
- Ngày nào cũng tiếp khách, ngày nào cũng nhậu, làm như không nhậu thì không xong việc vậy.
- Bây giờ ai cũng vậy mà em.
- Lại bênh nhau. Đàn ông các anh…
Bích xuống bếp lại. Thiện với tay lấy tờ báo và mở nhạc. Cái đĩa sẵn trong máy vang lên khúc Serenade quen thuộc. Thời sinh viên, có cái máy cassette nhỏ xíu, sinh nhật Thiện, Bích mua tặng băng nhạc có bài này rồi… mượn lại, mượn luôn cả cái máy.
Đọc được phần ba tờ báo thì tiếng chặt thịt lốp cốp, mùi thơm bay lên.
Rồi giọng Bích:
- Trời ơi, giờ này mà anh Đức vẫn chưa chịu về sao?
Vừa dứt câu càu nhàu thì tiếng xe dừng trứơc cổng, tiếng chốt lách cách, rồi Đức xuất hiện, mặt đỏ gay:
- Đợi lâu quá hả? Phải uống mấy ly tụi nó mới cho về. Khổ quá cái chuyện khách khứa này.
Thiện cười. Có vẻ như Đức phân trần với vợ thì đúng hơn. Bích đi lên, hai tay hai dĩa đầy ụ:
- Mình ăn trên này cho thóang, nhà bếp bừa bộn lắm.
Đức nhìn hai đĩa vừa đặt xuống bàn:
- Tiệc tùng hoài, về nhà chỉ thèm canh rau.
Bích lườm:
- Cái anh này. Chỉ nghĩ tới bản thân mình thôi sao?
- Đó là anh nói thật lòng vậy.
Bích lườm thêm cái nữa:
- Thật cái kiểu kỳ cục của anh.
Đức cười xòa, cúi xuống đĩa nộm:
- Món gì lạ vậy em?
- Món học được đó. Anh với anh Thiện thử đi. Ngon không?
- Tay em đụng vào thì chai nước khóang cũng ngon.
Tiếng cười vang.
Thiện và Bích chơi với nhau từ hồi còn đi học. Ai cũng tưởng hai người sẽ đi đến một đám cưới tưng bừng sau khi tốt nghiệp, nhưng không. Bích kể Thiện nghe những gì mà những người thân thiết có thể chia sẻ với nhau. Còn Thiện, dù không kể lể dông dài như Bích, nhưng rồi những gì của Thiện, Bích cũng biết.
***
Comment