• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

"Hà Nội" của Vũ Bằng, Thạch Lam, Nguyễn Tuân đang... biến mất

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • "Hà Nội" của Vũ Bằng, Thạch Lam, Nguyễn Tuân đang... biến mất

    "Hà Nội" của Vũ Bằng, Thạch Lam, Nguyễn Tuân đang... biến mất

    Hà Nội luôn được các nhà văn nhìn dưới góc nhìn văn hóa hết sức chi tiết và kĩ lưỡng. Hà Nội hiện ra như một đô thị có lịch sử lâu đời, giàu có về sản vật, giàu có về truyền thống và đặc biệt là giàu có về bản sắc văn hóa mà chúng ta có thể đọc ra được tinh thần và tâm hồn Hà Nội trong văn học. Khi nhắc đến đề tài Hà Nội trong văn học không thể không nhắc đến ba nhà văn lớn là Nguyễn Tuân, Vũ Bằng và Thạch Lam” – Nhà văn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Văn Giá chia sẻ với độc giả VieTimes về văn hóa Hà Nội trong các tác phẩm văn chương của ba cây bút trên:


    Nguyễn Tuân sinh ra và lớn lên trong môi trường nho giáo và thừa hưởng được những tinh hoa trong nề nếp ấy. Khi bước vào đời sống đô thị lai căng lúc bấy giờ, ông thất vọng bởi cuộc sống trong xã hội “kim khí” xô bồ, đang làm xơ cứng, rạn nứt tâm hồn con người. Ông tìm về với những giá trị cũ, tìm lại bóng dáng Hà Nội thông qua những thú chơi của các bậc tao nhân mặc khách trong tác phẩm “Vang bóng một thời” như: Thưởng trà, thả thơ, đánh thơ, hát ca trù, thú chơi hoa địa lan… Toàn bộ những con người trong thế giới nghệ thuật của Nguyễn Tuân về Hà Nội hiện lên như những nghệ sĩ của một thời vàng son đã qua, những người đã chi chút thú chơi tinh hoa để thông qua đó hiện lên hồn dân tộc, hồn đất nước.
    Vũ Bằng trút vào những trang văn của mình nỗi nhớ, tình yêu Hà Nội qua “Miếng ngon Hà Nội” và “Thương nhớ mười hai”. Nếu như Nguyễn Tuân ngợi ca phương diện kĩ thuật của các thú chơi và nâng phương diện kĩ thuật lên thành phương diện mỹ thuật, phương diện của cái đẹp (Giáo sư Phan Ngọc) thì Vũ Bằng lại ca ngợi sự tinh tế của các món ăn với sự khoái khẩu của người thưởng thức, hưởng thụ. “Miếng ngon Hà Nội” là kết tinh của một tình yêu với Hà Nội. Còn với “Thương nhớ mười hai” ông viết về 12 tháng với khung cảnh thiên nhiên, đất trời, cảnh vật, con người, văn hóa của Hà Nội và của miền Bắc. Ông đã dành trọn tác phẩm này để viết về văn hóa Hà Nội với chiều sâu của lịch sử và vẻ đẹp của Hà Nội trong nỗi hoài niệm da diết.
    Thạch Lam có một tác phẩm về Hà Nội là “Hà Nội 36 phố phường”. Đây là một tập bút kí cũng cực kì nổi tiếng và tinh tế được tập hợp lại từ những bài viết trên báo Ngày nay sau khi ông qua đời. Thạch Lam nhìn cảnh trí, văn hóa, con người Hà Nội trong con mắt của một nhà thơ. Đặc biệt, ông dành rất nhiều trang văn để viết về những món quà quê của những người Hà Nội và những người dân tứ trấn Hà Nội mang về để cho Hà Nội bốn mùa thơm ngát. Qua tác phẩm của mình, ông thể hiện sự xót thương đối với những con người nghèo khó, những người lam lũ. Thạch Lam miêu tả những món quà quê, những người đi bán hàng trong đêm bằng một hồn thơ đầy cảm xúc. Trong văn của Thạch Lam, hình ảnh một người gánh hỏa lò đi trong đêm Hà Nội đung đưa hai chấm lửa và chân bước nhẹ như chân ma và thỉnh thoảng lại vọng lên những tiếng “Dầy giò, Dầy giò…”. Những tiếng rao của những người lam lũ trong đêm như vậy nó dần gom góp lại và làm nên cái hồn vía của phố phường Hà Nội, hồn vía của đất nước. Thạch Lam thương một tiếng rao đêm, thương những người làm ra hạt cốm, thương cả những người gánh cốm rao bán, thương cả những em bé bán hàng rong… Tất cả những gương mặt ấy, những âm thanh ấy chi chút và làm nên hồn vía của kinh kỳ. Ví dụ như cùng nhìn vào ẩm thực Hà Nội, mỗi ông ứng xử và thể hiện một khác. Các ông ấy đều sành ăn lắm, nhưng mỗi ông lại ứng xử một khác trong trang viết của mình. Ông Nguyễn Tuân hiện ra như một bậc tao nhân mặc khách. Ông Thạch Lam cảm thụ như một thi nhân. Còn Vũ Bằng chỉ là một thường nhân. Văn viết về ẩm thực, mỗi ông có một vẻ đẹp độc đáo khác nhau.
    Phải thừa nhận rằng những trang viết về Hà Nội của ba nhà văn trên quá đẹp. Nếu không có tình yêu với mảnh đất, với con người của thủ đô thì khó có thể viết được những trang văn như thế. Nhưng hình như những vẻ đẹp của Hà Nội mà Nguyễn Tuân, Vũ Bằng và Thạch Lam đã miêu tả đang dần trở thành quá khứ ?
    Trong những trang văn của các ông, Hà Nội hiện ra vô cùng thanh lịch. Nét sang trọng, quý phái, tinh tế là ba phẩm chất được coi là những điểm nhấn mà cả ba ông đều tôn vinh. Những trí thức và những người dân Hà Nội thời đó tiếp nhận tinh hoa của phương Tây những họ vẫn có ý thức giữ lại những nét văn hóa của Hà Nội. Tuy nhiên, ý thức gìn giữ cái riêng cái độc đáo, cái tinh hoa hiện nay không còn mạnh như trước nữa và đang bị phai nhạt trước những xô bồ, nhốn nháo và lai căng. Thế nhưng có những nét văn hóa, những phẩm chất kinh kỳ mang tính chất tinh hoa của Hà Nội nó vẫn đủ mạnh, vẫn tồn tại cho đến ngày hôm nay để chống lại những sự lai căng và chống lại những mưu toan phá vỡ nó, làm lu mờ nó.
    Có những nét văn hóa rất đời thường, gần gũi trong tác phẩm của họ giống như những tiếng rao đêm của những gánh hàng rong đã trở nên gần gũi và thân thương với những người dân Hà Nội cho đến tận ngày hôm nay. Và cũng thật đáng tiếc khi cả những điều giản dị đó rồi cũng phải biến mất khỏi đời sống của người dân Hà Nội, tất cả sẽ chỉ còn “vang bóng” và tồn tại trong một niềm “thương nhớ”.
    Với Thạch Lam, tiếng rao trong đêm của những người bán hàng rong mang hai ý nghĩa: Một là những tiếng vang của đời sống vọng lại, một tiếng vang bé nhỏ, âm thầm, đơn độc và yếu đuối nhưng nó rất thân thuộc gần gũi mà nếu như khi đi xa hoặc vắng đi những tiếng rao ấy, những con người ấy thì tự dưng ta thấy thiếu. Và những nét riêng như thế là hồn vía của phố cổ, hồn vía của Hà Nội. Hai là những thân phận quá ư bé nhỏ, nghèo khổ lam lũ vất vả kiếm sống mưu sinh trong đêm và dậy lên trong ông một niềm thương xót.
    Ngày hôm nay, con người có một nguy cơ trở nên vô cảm khi họ không thấy được những vẻ đẹp, những thân phận con người đằng sau đó. Những trang văn của Thạch Lam đánh thức ta. Nó nhắc ta không được phép vô cảm trước cuộc sống.
    Tôi có xem một phóng sự trên tivi, ở nước Mỹ họ cũng cho phép những quầy bán lẻ tồn tại trên phố, buôn bán nhỏ, buôn bán tiểu thương là có. Nhưng Hà Nội có một nét riêng đó là có những người gồng gánh bán rao. Nó góp phần tạo nên cảnh trí và hồn vía của Hà Nội. Vũ Bằng cũng đã từng miêu tả người con gái làng Vòng gánh cốm đi vào Hà Nội, một đầu đòn gánh của cô gái cong vút lên, rất trẻ trung và… rất đĩ. Ông đã có những trang văn rất đẹp về những gánh hàng rong như vậy. Hà Nội là một đô thị không khép kín, xung quanh là những làng nông nghiệp và lại có một vùng rau xanh, chợ xanh, vùng đệm thì những người buôn thúng bán mẹt là một đặc điểm rất riêng của Hà Nội.
    Hiện nay chủ trương cấm hàng rong đang gây ra rất nhiều tranh cãi bởi những gánh hàng rong ấy cũng tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người. Thứ nữa, họ đã làm giảm lạm phát và thúc đẩy việc trao đổi, mua bán, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân bởi không phải ai cũng có điều kiện vào siêu thị và những cửa hàng lớn. Việc cấm đoán chưa có một bước khởi động, chuẩn bị gì hết có thể đúng về mặt quản lý xã hội nhưng sai về mặt văn hóa nghĩa là không tham khảo hệ văn hóa của đặc điểm đô thị Hà Nội.
    Nhìn trên góc độ văn hóa, hàng rong tạo nên nét đặc trưng của Hà Nội so với các đô thị khác của phương Tây. Liệu rằng chúng ta có nên loại bỏ nó ra khỏi đời sống đô thị của Hà Nội ngay lúc này ?
    Có những cái riêng trở thành giá trị và có những giá trị hợp với một thời nào đó chứ không phải là vĩnh viễn, vĩnh cửu. Nếu về lâu dài cho một đô thị hiện đại, lớn mạnh, văn minh, lịch sự thì có thể hàng rong không cần tồn tại. Thế nhưng trong thời điểm này nếu như dẹp là quá vội vàng.
    Có một số người họ làm hàng sáng rất ngon và sạch sẽ. Nhiều khi mình mua hàng của họ rất chung thủy. Hàng rong họ có thể phục vụ tận nơi tất cả những nhu cầu thiết yếu và nhỏ nhặt nhất. Có những người bán hàng rong đã trở nên thân thiết bởi họ tạo được uy tín bằng sự thật thà và lương thiện trong những sản phẩm mà họ cung cấp. Có những người bán hàng rong đã trở thành những người thân thiết đối với nhiều gia đình hay nói cách khác là có nhiều gia đình trở thành bạn hàng chung thủy và chung thân với những người bán hàng rong. Đấy là điều mà những người quản lý không nghĩ đến. Nhìn sâu nhìn kĩ chưa chắc chính sách này đã thích hợp.
    Chúng ta chỉ nên cấm những người thồ cồng kềnh, cản trở giao thông, những người bán hàng mất vệ sinh còn những người đi bán dạo trên phố, nhất là những gánh hàng hoa rất dễ thương, nó là nét riêng rất đặc trưng của Hà Nội. Những nhà hoạch định khi đưa ra một chính sách mới nếu như không tham khảo văn hóa thì rất dễ duy ý chí bởi văn hóa nó chạm vào chiều sâu vẻ đẹp truyền thống và nó chạm tới cái gọi là tâm thức của con người.

    Tuấn Hải
    Nguồn (Vietimes)
    Sống trên đời

    Similar Threads
  • #2

    Thêm một nhà văn gắn bó suốt đời với Hà Nội

    Kính Bác H V !
    Theo như miềng biết , còn một ông nhà văn chỉ viết về Hà Nội mà thôi ,
    và vẫn còn sống để tiếp tục viết như nguyện ước của riêng mình.
    Đấy là nhà văn Băng Sơn.Miềng chỉ biết vậy thôi !
    Kính chào Bác ạ !
    GR
    Bạn Gần Không Tới........Bạn XA Chưa Về.......

    Comment

    • #3

      Nhà văn Băng Sơn: Người đi tìm những vẻ đẹp "khuất lấp"

      Kính gởi Anh GRANDET,
      Rất cám ơn Anh đã có nhiều bài viết thật hay và giá trị. HV mong rằng sẽ luôn đón nhận thêm những bài viết mới từ anh.
      Tiện đây cho phép HV gởi một bài viết sưu tầm nói về Nhà văn Băng Sơn. Bài viết của Vũ Quỳnh.

      Nhà văn Băng Sơn: Người đi tìm những vẻ đẹp "khuất lấp"


      Ông già tóc bạc như cước ấy cả đời mình chỉ gắn với chiếc xe đạp. Trên "con ngựa sắt" ấy, ông lang thang khắp mọi nẻo đường, mọi ngóc ngách của Hà Nội để quan sát và để viết. Ăn mặc xuềnh xoàng, tóc phất phơ dưới nắng, chầm chậm những vòng quay là hình ảnh cố hữu của ông trong mắt bạn bè.

      Giản dị như muốn lẫn vào đám đông, trong văn học ông cũng chọn một lối như thế, một lối rất nhỏ, xinh và bình thản, ấy là tùy bút, tản văn. Và ông ghi dấu tên mình vào đời sống văn học như hình ảnh một con ong cần mẫn ngày lại ngày cóp nhặt cho đời chút tinh túy mật ngọt. Ông là nhà văn Băng Sơn.
      Giới viết văn thừa nhận Băng Sơn là một trong nhóm "ngũ hổ" có sức viết dẻo dai, bền bỉ nhất của Hà Nội. Bốn người còn lại là các nhà văn, nhà thơ Lê Bầu, Phong Thu, Tạ Hữu Yên và Lữ Giang (nhà thơ Lữ Giang hiện đã mất). Một năm có 365 ngày, Băng Sơn viết khoảng chừng 300 bài, mà hầu hết là được in trên các báo chí khắp trong Nam ngoài Bắc.
      Tuần nào ông cũng thong dong đến các tòa soạn báo lĩnh nhuận bút, gặp gỡ bạn bè văn nghệ, và ngắm nghía, quan sát đời sống Hà thành, để rồi về nhà, ngồi vào bàn viết, một vài trang bản thảo mới lại ra đời.
      Cho đến hôm nay, Băng Sơn đã xuất bản 36 tập tùy bút, đoản văn, 2 tập thơ và một số vở kịch. Cố nhiên văn học không phải là chuyện số lượng. Nhưng nhìn vào số lượng tác phẩm để thấy rằng ông đã miệt mài, đam mê, và nghiêm túc với công việc như thế nào.
      Băng Sơn bắt đầu đến với văn học từ năm 17 tuổi. Khi đó người ta biết tới Băng Sơn như một nhà thơ. Thế rồi đến một ngày Băng Sơn nhận ra một lối đi khác: viết tùy bút.
      Ông kể lại: "Tôi đã có 30 năm làm thơ. Thế rồi tôi nhận ra có quá nhiều người làm thơ, thơ hay thì ít mà thơ dở lại quá nhiều, đọc rất nhàm. Tôi chuyển qua viết kịch. Một vài vở kịch của tôi gây được ấn tượng tốt, thậm chí được nhận giải của Hội Nghệ sĩ Sân khấu nữa.
      Nhưng tôi cũng không hào hứng vì thấy rằng, viết kịch khó ở cả "sự viết" lẫn "sự dùng". Người ta dựng vở kịch của mình méo mó đến nỗi mình không dám nhận mình là tác giả kịch bản nữa. Thế là tôi viết tùy bút và nhận ra tạng của mình rất hợp với thể loại này.
      Càng viết càng say mê và càng được bạn đọc đón nhận. Rồi tôi nghĩ tới một thể loại ngắn hơn tùy bút nữa, tôi gọi đó là đoản văn. Tôi xác định rõ ràng, tùy bút, tản văn từ đây sẽ là sự gắn bó lâu dài của mình".
      So với nhiều nhà văn cùng thế hệ, Băng Sơn có một may mắn, là ông không phải cầm súng ra chiến trường. Đời sống của ông rất êm đềm. Ông trải qua các nghề như dạy học, cán bộ tuyên truyền và làm báo.
      Suốt 60 năm gắn bó với mảnh đất Hà Nội, ông chưa bao giờ xa mảnh đất thân thương này quá một tháng. Ông thuộc tên từng con phố, nhớ vị trí của từng gốc cây, và dường như là cả từng gương mặt con người ông đã từng gặp nữa.
      Điều này giải thích vì sao tâm hồn ông luôn ưa thích những gì nhè nhẹ, thoang thoảng. Thơ và tùy bút là hai thể loại rất gần gũi với nhau và cũng thật gần với tâm hồn đa cảm của Băng Sơn.
      Trong lịch sử văn học Việt Nam đã có rất nhiều nhà văn ghé chơi "địa hạt" tùy bút và được độc giả mến mộ như Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Thạch Lam và sau này là Hoàng Phủ Ngọc Tường. Nhưng các nhà văn ấy cũng chỉ là "ghé chơi" cho vui chứ không dành toàn bộ đời văn của mình cho thể loại ấy.
      Riêng Băng Sơn thì ngược lại, ông quyết định chỉ theo đuổi một thể loại viết ngắn ấy suốt đời. Vì đó là sở trường của ông: "Tôi không có thế mạnh về xây dựng hình tượng nhân vật nên truyện ngắn, tiểu thuyết tôi không dám "bén mảng" tới. Tôi nghĩ người khôn ngoan hãy biết làm những việc phù hợp nhất với khả năng của mình. Cũng có người bảo tôi, ông viết "lắt nhắt" thế thì có gì để lại cho đời? Nhưng tôi nghĩ một tác phẩm có giá trị không bao giờ phụ thuộc vào đề tài to hay nhỏ".
      Vâng, đề tài không phải là yếu tố quyết định giá trị một tác phẩm văn học. Điều cốt yếu nằm ở tài năng của người cầm bút. Bất cứ thể loại văn học nào cũng đòi hỏi ở người viết một vốn sống lớn, một khả năng ngôn ngữ dồi dào. Đọc những tập tùy bút, đoản văn của Băng Sơn, tôi cứ hình dung ông giống như một người bán hàng xén ngày xưa.
      Trong các tác phẩm của mình, ông "bày" ra nhiều mặt hàng rất nhỏ nhắn, dân dã mà cũng rất đáng yêu. Không có những câu chuyện đại sự, không có những tâm sự lớn lao được đề cập tới trong tác phẩm của ông, mà đơn giản chỉ là một chiếc lá rơi, một chiếc cầu ao, một bông hoa cuối mùa, và rất nhiều thứ bình thường xung quanh đời sống chúng ta mà thường là chúng ta ít để mắt tới.--PageBreak--
      Người viết bài này thiết nghĩ, viết về những thứ cực kỳ bé nhỏ, khuất lấp trong đời sống mà hay, mà được bạn đọc trầm trồ đón nhận, mà "chở" được một sức nặng nào đó, thật không dễ dàng chút nào.
      Trước tiên nó cần đến một óc quan sát vừa tỉ mỉ vừa tinh tế, và cả rất nhiều kiên nhẫn nữa. Cùng với đó là những trải nghiệm đời sống dày dặn thì mới mong có thể "phả" vào những trang viết của mình một "thông điệp" hữu ích. Người ta nói mọi vật đều có thần. Và nắm bắt cái thần ấy của sự vật không dễ dàng chút nào.
      Nói về "tham vọng" của mình khi viết tùy bút, đoản văn, nhà văn Băng Sơn bộc bạch: "Hồi mới bắt đầu viết tùy bút, tôi có đọc một cuốn sách của một tác giả người Nga, cuốn "Bốn mùa lịch thiên nhiên", và vô cùng xúc động. Chỉ với những đoạn văn ngắn, người viết đã cho ta một bức tranh đẹp đẽ về nước Nga.
      Đối với tôi cũng vậy, viết về bất cứ điều gì cũng chỉ nhằm hướng tới một mục đích là ca ngợi vẻ đẹp đất nước mình. Đồng nghiệp khác có thể quan tâm những vấn đề lớn hơn, nhưng tôi thì muốn cúi xuống để ngợi ca những vẻ đẹp tưởng như đã bị chìm khuất.
      Tôi muốn mang tới cho độc giả một chút cảm nhận về cái đẹp từ những nơi, những thứ mà họ không ngờ tới. Mà cái đẹp cũng là cái thiện. Nghe một tiếng chim hót trong một buổi trưa, người ta không thể làm ác với con chim. Hay đi bên cạnh một con chó, người ta không đánh con chó. Văn học phải nói cho con người, bất kể anh viết về thứ gì, lớn hay nhỏ".
      Thiết nghĩ trong đời sống ồn ào, tốc độ như hôm nay, những trang viết đầy chất thơ của Băng Sơn là một món ăn cần thiết cho con người, là phút giây để họ được chìm lắng trong những xúc cảm nhẹ nhàng, để ngoái lại nhìn đời sống xung quanh với những vẻ đẹp mong manh nhưng kỳ diệu mà có lúc họ đã lãng quên vì sự vội vã.
      Tôi nhớ mãi một câu viết của Băng Sơn khi ông viết về con ngõ Tràng An yên ả vô cùng giữa phố xá Hà Nội tấp nập, sôi động: "Ngõ Tràng An đã ghi tên mình vào tịch mịch". Chỉ một câu đó thôi cũng đã đủ để bắt được cái "thần" của một ngõ nhỏ. Và người đọc tưởng đâu như mình đang lắng xuống đôi chút.
      Với Hà Nội, Băng Sơn có một món nợ suốt đời. Ông đã viết nhiều cuốn sách về ẩm thực, về thú ăn chơi tao nhã của người dân Hà thành. Mảnh đất này đã chứng kiến mối tình thời son trẻ của ông với một thiếu nữ Hà thành. Ông có thể nói chính xác về những gốc cây me, cây muồng, cây gạo ở Bờ Hồ thay đổi ra sao mỗi ngày.
      Ông viết về chuyện ẩm thực của người Hà Nội theo một cách rất riêng. Đọc văn ông thì cứ ngỡ ông là "kẻ sành ăn có tiếng", nhưng sự thực lại không phải như vậy. "Tôi không biết uống rượu, không mấy khi ăn uống ở ngoài đường. Tôi ăn phở thì không ăn thịt. Cái dạ dày của tôi chủ yếu là do bà vợ Mai Phương của tôi "bảo hộ".
      Về chuyện ẩm thực, từng có ý kiến cho rằng ông viết hơi bị văn chương, cường điệu quá. Ví dụ tả một con cá chép kho, ông ví khúc giữa của nó giống như một chiếc thoi đang dệt thời gian, những cái vảy cá cong lên như những miếng gỗ gụ.
      Thay vì tả món ăn cho người ta muốn ăn thì ông lại làm cho nó đẹp như một tác phẩm và người ta lại muốn để...ngắm. Ông cười xuề xòa, đó là cách cảm nhận của riêng ông.
      Nhà văn Băng Sơn còn là một "ông già tương đối cực đoan nữa". Ông luôn luôn giữ cho đời sống của mình thuần Việt nhất. Ông dị ứng với những thứ văn hóa nước ngoài du nhập thời kỳ đổi mới. Ông không ăn đồ Tây.
      Trong gia đình, ông dạy các con phải biết sử dụng tiếng Việt hay và giỏi. Ông không đồng ý khi các cháu chào nhau theo kiểu "hê-lô" hay "bai-bai". Thậm chí ông giỏi tiếng Pháp nhưng gặp người Pháp ông cũng không sử dụng tiếng Pháp. Những chuyện lai căng Tây- Tàu rất dễ khiến ông bực mình.
      Trong cuộc sống, phương châm của ông là khoan dung. Ai muốn lên phía trước, ông nhường chỗ ngay, không bao giờ tỏ ra khó chịu vì người ta có cái hơn mình. Ông bảo: "Người làm văn học phải luôn giữ cho tâm hồn mình trong sáng thì văn học mới ở lại lâu dài với mình được".
      Nhà văn Băng Sơn tuổi đã ngoài 70, nhưng ông vẫn viết không ngừng nghỉ. Căn bệnh Parkinson khiến ông không thể đi xe đạp thong dong trên phố mỗi ngày được nữa. Ông đánh bạn với một bác xe ôm đầu ngõ, và cứ đi đâu thì đã có bạn chở giùm.
      Đêm đêm ông lạch xạch với chiếc máy chữ cổ. Và những trang viết cứ dày hơn lên mỗi ngày. Ông bảo: "Văn chương là một món nợ không bao giờ tôi có thể trả hết được. Và tôi sẽ còn phải viết tới khi nào đôi tay rời rã không thể đánh máy được, miệng không thể đọc được nữa... thì tôi mới chịu đầu hàng"


      Vũ Quỳnh
      Sống trên đời

      Comment

      Working...
      X
      Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom