Ấn Độ - “Nữ thần” có 8 tay chân
Cách đây 2 năm, khi vừa hay tin cô con gái đầu lòng của đôi vợ chồng trẻ Tatma có số chân tay nhiều gấp đôi người bình thường, nửa nghìn người dân ở tỉnh Rampur Kodar Katti - một miền quê nghèo đói thuộc bang Bihar hiện vẫn sống trong sự thiếu điện và nước sạch - ngay lập tức đã kéo tới tận nơi để được chiêm ngưỡng nữ thần Lakshmi “tái thế”.

Tuy nhiên cho đến thời điểm này thì khoa học đã có xác minh thỏa đáng: số chi thừa đó đích thị là của một bào thai sinh đôi sống ký sinh, do chưa phát triển hết nên không có đầu và buộc phải “nương tựa” vào cô chị Lakshmi bằng cách bám vào xương chậu.
Ca phẫu thuật tốn kém này (ước tính trị giá hơn 200.000 USD) đòi hỏi sự chung sức của nhiều nhóm chuyên gia hàng đầu về giải phẫu - tổng cộng trên 30 người, có nhiệm vụ tách rời thận và xương cột sống của Lakshmi ra khỏi khối dị thai. Cứ sau 8 tiếng họ lại đổi ca một lần.

Quy trình phức tạp này sẽ được tiến hành liên tục theo trình tự như sau: đầu tiên phải tách quả thận chung ra khỏi vị trí “giáp ranh” hiện tại và đặt trọn vẹn vào cơ thể Lakshmi, bước tiếp theo là đóng đai xương chậu, đồng thời trả lại bộ phận sinh dục và tiết niệu của cô bé vào đúng vị trí. Sau đó, một nhóm chuyên gia khác sẽ gắn “nắp” nhân tạo vào khoảng trống cắt bỏ dị thai, cùng lúc cấy mô da để vết thương sẽ đóng miệng trong vòng 3 tuần.

Anh Shambu Tatma và chị Poonam - bố mẹ của bé Lakshmi cho biết, có lẽ con gái anh chị sẽ chẳng sống được đến tuổi dậy thì nếu không có ca phẫu thuật từ thiện ở bệnh viện Narayana.
(Theo Telegraph)
Comment